Nghiên cứu phân tâm học
6. Những vấn đề mới và những hướng tìm tòi mới
Ở chương trên chúng tôi đã nhận định hai đám đông qui ước, quân đội và giáo hội, chúng tôi đã nhận thấy người ta bị chi phối bởi hai loại liên lạc tình cảm, loại ràng buộc cá nhân với người cầm đầu có tính cách quyết định hơn loại ràng buộc người nọ với người kia.
Có rất nhiều điều để nói và để mô tả về cơ cấu đám đông. Trước hết phải nói rằng một số người tụ họp chỉ là đám đông theo nghĩa thường dùng chứ không thể là chữ đám đông dùng ở đây với nghĩa là một đoàn thể hay một nhóm, vì không có những mối dây liên lạc nói trên kia; tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng bất cứ đám người nào tụ hội cùng có khuynh hướng rất mạnh trở thành một nhóm có tâm lý tập thể. Như vậy chúng ta phải xem xét cặn kẽ các loại nhóm tự nhiên được tạo lập; có ít nhiều tính cách liên tục; chúng ta sẽ nghiên cứu điều kiện thành lập và điều kiện tan rã. Sự khác biệt giữa đám đông có người cầm đầu và không người cầm đầu đáng được chú ý đặc biệt. Chúng ta cũng phải xét xem những đám đông có người cầm đầu có phải là những đám đông cổ xưa nhất và bất toàn nhất hay không, cũng phải xét xem một vài đám đông có thể thay thế người cầm đầu bằng một ý tưởng trừu tượng hay không (những đám đông vâng theo một người cầm đầu vô hình rất gần với hình thức đám đông sau này); cũng phải xét xem một khuynh hướng, một ý muốn khả dĩ được một số lớn người nghe theo có thể thay thế người cầm đầu được hay không? Đến lượt ý tưởng trừu tượng có thể nhập vào một người chỉ huy phụ hay không, và nếu nhập được thì sẽ tạo ra những mối liên lạc đủ loại hay không? Có thể có những trường hợp mà người chỉ huy hay ý tưởng chỉ huy tạo ra những liên lạc tiêu cực, nghĩa là sự thù ghét một người nào đó có thể làm cho những người thù ghét người ấy đoàn kết với nhau, thân thiết với nhau, cũng như nhóm người tích cực tận tâm với người ấy chăng? Và sau cùng, chúng ta có thể tự hỏi rằng sự có mặt của người cầm đầu có phải là điều kiện cần thiết để một số người tụ tập với nhau biến thành đám đông với tâm lý của đám đông không?
Tất cả những câu hỏi ấy tuy đã có một vài câu được giải đáp trong các sách viết về tâm lý tập thể, nhưng không thể làm cho chúng ta sao lãng những vấn đề tâm lý nền tảng mà cơ cấu đám đông gợi lên cho chúng ta. Trước hết xin đưa ra một ý kiến để minh thị đâu là con đường ngắn nhất nên theo để nắm được bằng chứng về bản chất libido của những liên lạc đoàn kết các phần tử đám đông.
Chúng ta thử hình dung ra người đời có thái độ nào đối với nhau về phương diện tình cảm. Schopenhauer đã đưa ra một ví dụ tài tình sau đây để gợi cho chúng ta một ý niện rằng không ai có thể chịu đựng được một sự gần gũi thân mật quá mức với đồng bào:
“Vào một ngày trời đông giá lạnh, một đàn nhím quây quần lại với nhau cho ấm. Nhưng ép vào với nhau quá lông nhọn con nọ chọc vào con kia, nhím đau quá chịu không nổi lại phải dãn ra một chút, xích ra, ép vào năm bảy lần rồi chúng mới tìm được một vị trí lý tưởng không gần quá để lông chọc vào nhau, không xa quá để còn sưởi ấm lẫn nhau.”[29]
[29] Parerga und Patalipomena, phần thứ hai XXXI: Gleichnisse und Parabeln.
Sự nghiên cứu phân tâm học cho biết rằng sự thân thiết giữa hai người trong ít lâu – như liên lạc vợ chồng, bè bạn, cha con[30] – để lại những tâm tình ác cảm hay ít ra bất thân thiện mà người ta phải dồn nén đi. Tình trạng rõ rệt hơn trong trường hợp hai người cộng tác với nhau luôn luôn cãi cọ nhau, hay trường hợp một thuộc viên luôn luôn lầu bầu với chủ. Tình trạng ấy cũng xảy ra trong trường hợp người ta tụ hợp thành những nhóm, những đoàn thể rộng lớn. Khi hai gia đình làm sui gia với nhau, nhà này cho mình hơn nhà kia, cao quý hơn nhà kia; hai tỉnh kế cận nhau cạnh tranh nhau, ghen tỵ nhau; một tổng nhỏ tỏ vẻ khinh bỉ tổng khác kém mình. Hai giống người cùng nguồn gốc chủng tộc ganh ghét nhau: người Đức miền nam không chịu được người Đức miền Bắc, người Anh nói xấu người Tô Cách Lan, người Tây Ban Nha khinh bỉ người Bồ Đào Nha. Sự ghét bỏ càng sâu xa khi sự tương dị càng rõ rệt, vì thế mà người Gô Loa ghét người Nhật Nhĩ Nam, người A Riêng ghét người Do Thái, người da trắng ghét người da màu.
[30] Ngoại trừ liên lạc mẹ và con trai, đặt nền tảng trên sự ngã ái (narcissisme) cho nên không có tương tranh, trái lại với liên lạc được tăng cường nhờ một lối ngách tiến về đối tượng dục tính.
Khi nào sự ác cảm là ác cảm những người mình thương yêu thì chúng ta gọi là trường hợp lưỡng ứng tâm tình, chúng ta tìm cách giải thích hiện tượng ấy một cách quá thiên về duy lý, chúng ta vin vào những xung đột quyền lợi vì sống chung đụng mật thiết với nhau mà phát sinh. Trong sự ghê tởm và ghét bỏ ai, chúng ta thấy bộc lộ sắc thái chỉ yêu có mình, sắc thái ngã ái, cái ngã ái tìm cách tự xác định, hầu như cái gì hơi khác những đặc điểm và đặc tính của cá nhân là kèm theo sự chỉ trích những đặc điểm ấy và đặc tính ấy, ngã ái yêu cầu người ta biến cải và thay đổi. Tại sao con người rất nhạy cảm đối với những chi tiết của sự phân hóa như thế? Chúng ta không biết gì cả, nhưng có điều chúng ta biết chắc là cách xử sự như thế bộc lộ sự phát sinh căm thù rất dễ dàng, bộc lộ sự gây gổ mà chúng ta không biết nguồn gốc ở đâu, chúng ta chỉ biết cho là một nét tính tình sơ thủy[31].
[31] Trong phần trên cuốn sách này: vượt xa hơn nguyên tắc khoan khoái, chúng tôi đã tìm cách quy hai sự kiện yêu và ghét về sự đối lập giữa bản năng sống và bản năng chết và chứng tỏ rằng trong bản năng dục tính có những đại diện tinh thuần nhất của bản năng sống.
Nhưng mọi sự bất khả tương nhượng đều biến mất tạm thời hay vĩnh viễn nếu là trường hợp một đám đông. Còn ở trong tâm trạng đám đông thì mọi người đều xử sự như thể họ cùng được đúc bằng một cái khuôn, họ chịu đựng được mọi điểm đặc dị của người bên cạnh, họ tự coi là bình đẳng với nhau và không hề ghét bỏ người bên cạnh: theo những quan điểm lý thuyết của chúng ta thì ngã ái của con người chịu tự chế như vậy là vì ảnh hưởng của một yếu tố duy nhất: họ có những ràng buộc libido với những người khác. Sự ích kỷ chỉ bị giới hạn bởi tình yêu người khác, tức là tình yêu có đối tượng[32]. Người ta có thể chất vấn chúng tôi rằng nếu chỉ có cấu kết với nhau vì quyền lợi mà không có một yếu tố libido nào nâng đỡ thì người ta có nhường nhịn và kính trọng lẫn nhau không? Một câu hỏi như thế có thể trả lời rất dễ dàng, đây chỉ là một trường hợp hạn chế thường xuyên cái ngã ái, bởi vì trong những cuộc hợp tác như vậy sự tương nhượng rất mong manh, khi nào cuộc hợp tác không mang lại quyền lợi trước mắt nữa thì sự tương nhượng cũng không còn. Giá trị thực tiễn của vấn đề này không quan trọng như người ta tưởng, kinh nghiệm đã cho biết rằng cả trong những trường hợp cộng tác sơ sài, mối liên lạc libido cũng phát sinh giữa những người hợp tác với nhau, mối liên lạc ấy còn mãi khi đã hết lợi lộc thực tiễn mà cuộc hợp tác mang lại.
[32] Coi Zur Einführung des Narzissmus, 1914.
Trong những liên lạc xã hội của con người, khoa học phân tâm tìm ra những sự kiện đã quan sát thấy trong sự khai triển libido của cá nhân. Cái libido mình vào những đối tượng đầu tiên là những người mang lại thỏa mãn nhu cầu sinh sống đầu tiên. Trong sự tiến hóa của nhân loại cũng như của cá nhân, tình yêu xuất hiện như yếu tố chính yếu, nếu không phải là yếu tố văn minh duy nhất quyết định sự biến chuyển tính ích kỷ sang tính vị tha. Quan điểm này cũng đúng với cả hai đối tượng của tình yêu, tình yêu nam nữ với sự cần thiết bảo vệ người mình yêu, và tình yêu khử dục tính, tình yêu đồng tính ái và thăng hoa đối với những người khác cùng làm việc với mình.
Vấn đề cần phải đặt ra là những dây liên lạc mới đó là những loại nào. Trong lý thuyết phân tâm học về bệnh suy nhược thần kinh, cho đến ngày nay chúng tôi gần như chỉ chuyên chú về những khuynh hướng tình ái, những khuynh hướng ấy nhập vào đối tượng (không phải người đàn bà) nhưng vẫn theo đuổi mục đích dục tính trực tiếp. Nhưng trường hợp đám đông thì hiển nhiên là không làm gì có một cách dục tính nữa. Ở đây chúng ta đứng trước những khuynh hướng tình ái đã từ bỏ mục đích nguyên thủy rẽ sang đường khác nhưng vẫn giữ nguyên tinh lực. Trong phạm vi khuynh hướng dục tính nhập vào một đối tượng như trường hợp bình thường, chúng tôi cũng nhận thấy những hiện tượng có thể suy diễn là bản năng đã từ bỏ mục đích dục tính mà rẽ sang đường khác. Chúng tôi đã mô tả những hiện tượng ấy như những mức độ của trạng thái yêu thương và chúng tôi nhận thấy trong những hiện tượng ấy có sự giới hạn cái Tôi. Bây giờ chúng tôi xem xét cẩn thận những hiện tượng đặc biệt của trạng thái yêu đương với hy vọng rằng chúng tôi có căn bản chắc chắn để rút ra những kết luận có thể đem áp dụng vào trường hợp liên lạc tình cảm giữa những người họp thành đầu tư. Ngoài ra chúng tôi còn muốn biết rõ điều chúng tôi quan sát được sau đây: thể thức libido nhập vào một đối tượng có phải là sự ràng buộc tình cảm duy nhất có thể có được, hay là chúng ta còn phải nghĩ đến những thể thức khác tương tự như thế. Phân tâm học cho chúng tôi biết rằng còn có những động cơ khác: đó là hiện tượng đồng nhất hóa, tiến trình này chưa được biết rõ lắm, rất khó mô tả, chúng ta hãy tạm ngưng vấn đề tâm lý tập thể để xem xét vấn đề đồng nhất hóa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.