Nghiên cứu phân tâm học

12. Một vài quan điểm phụ



Công việc nghiên cứu của chúng tôi có thể coi như đã tạm kết thúc; trong khi tìm tòi chúng tôi đã thấy mở ra nhiều viễn tượng. Tuy rằng chúng tôi có hy vọng khám phá mới lạ và tiến vào những hướng tốt đẹp, nhưng chúng tôi chưa tiện bước vào những con đường mới ấy; trong chương cuối này chúng tôi chỉ có thể bàn lại những điểm chưa kịp nói hết trong các chương trên.

A. Chúng tôi phân biệt ra sự đồng nhất hóa cái tôi và sự thay thế lý tưởng tôi bằng một đối tượng. Hai đám đông quy ước nói ở trên, quân đội và giáo hội Công giáo, đem lại cho chúng tôi những thí dụ ý nghĩa vì sự phân biệt ấy.

Hẳn là vị bề trên trong một tổ chức giáo hội cũng không khác ông tướng trong quân đội, ông tướng tượng trưng cho lý tưởng của quân lính, còn mối dây liên lạc giữa quân lính với nhau đặt trên nền tảng đồng nhất hóa, do đó mà mọi người có bổn phận với anh em đồng đội và được anh em đồng đội săn sóc giúp đỡ. Trái lại một người lính muốn tự đồng nhất hóa với người cầm đầu mình sẽ dơ dáng dại hình đến thế nào? Không phải là không có lý do mà trong trại Wallenstein một binh nhì chế diễu viên đội trưởng với lời lẽ như sau:

“Ông bắt chước đại tướng từ cách nhổ nước miếng đến bước đi.”

Trong giáo hội Công giáo thì khác. Mỗi người con chiên yêu đức Chúa như yêu lý tưởng của mình và mỗi người bị ràng buộc với người khác bởi sự đồng nhất hóa. Nhưng giáo hội đòi hỏi ở họ nhiều hơn thế. Họ phải tự đồng nhất hóa với Chúa và phải yêu người khác cũng như Chúa yêu họ. Như vậy giáo hội đòi hỏi tình trạng ràng buộc libido đã tạo ra trong cộng đồng phải có hai chiều bổ túc. Một đằng, đồng nhất hóa bổ túc tình yêu, đằng khác tình yêu bổ túc đồng nhất hóa. Hai sự bổ túc ấy vượt hẳn tình trạng của đám đông. Người ta có thể là người tin đạo nhưng không bao giờ có ý đặt mình vào địa vị Chúa Christ và mở rộng cõi lòng yêu tất cả mọi người như Chúa đã làm. Người hèn kém không thể có ngưỡng vọng đặt tới tâm hồn cao thượng và sức mạnh của chúa Christ. Nhưng Kitô giáo duy trì và khuyến khích ngưỡng vọng ấy cho nên đã tạo được một nền luân lý cao hơn.

B. Chúng tôi đã nói rằng nghiên cứu sự phát triển tâm thần của nhân loại, người ta có thể xác định được thời kỳ mà tâm lý cá nhân thoát ra từ tâm lý tập thể, thời kỳ cá nhân đạt được chút độc lập đối với đám đông[19].

[19] Những quan điểm sau đây là kết quả của cuộc trao đổi ý kiến với ông Ranki.

Bây giờ xin trở lại huyền thoại khoa học về người cha của bầy người ô hợp nguyên thủy. Người cha ấy sau này trở nên đấng sáng tạo thế gian, điều đó hữu lý vì y đã sinh ra các con trong đám đông thứ nhất. Đối với đứa con nào y cũng là người lý tưởng đáng sợ đáng tôn thờ, đó là nguồn gốc của khái niệm cấm kỵ sau này. Đám con một ngày kia xúm lại giết cha và làm phân tán quyền tối thượng ấy. Tuy đắc thắng nhưng không người con nào nắm được địa vị của người cha, nếu có người nào muốn làm thế thì cả bọn trở nên thù nghịch tiếp theo là tranh giành và giết chóc. Sau cùng họ đành phải từ bỏ ý muốn cái quyền của người cha. Họ bèn thành lập cộng đồng huynh đệ vật tổ, mọi người đều có quyền ngang nhau, đều liên lạc với nhau bởi cùng những sự cấm đoán, phải nhờ đến những cuộc chém giết ghê sợ và cùng phải ăn năn tội lỗi. Nhưng vẫn còn sự bất mãn với nếp trật tự ấy và đó là nguồn gốc của sự tiến triển khác. Dần dần các phần tử trong cộng đồng huynh đệ lập lại trật tự cũ theo một kế hoạch mới; người đàn ông lại là người cầm đầu nhưng chỉ còn là trưởng gia đình, y dẹp bỏ mọi uy quyền của chế độ mẫu hệ đã thành hình từ khi giết người cha nguyên thủy. Để bù lại, trưởng gia đình thừa nhận những thần linh mẫu hệ mà kẻ thờ phượng là các thầy phép đã bị hoạn, họ theo gương người cha của bầy ô hợp nguyên thủy, tuy nhiên gia đình mới này chỉ là cái bóng của gia đình cũ, nhiều cha quá, quyền hành của người này bị hạn chế bởi quyền hành của những người khác.

Sự cấm đoán kéo dài làm người ta sốt ruột cho nên có người định vượt lên trên đám đông để giữ địa vị người cha. Người có ý ấy là nhà thi sĩ anh hùng ca đầu tiên, sự tiến bộ chỉ có trong trí tưởng tượng của y mà thôi. Nhà thi sĩ này đã biến đổi thực tại theo ý muốn của y. Y phát minh ra huyền tượng anh hùng. Kẻ nào một mình giết được người cha thì kẻ ấy là anh hùng, người anh hùng ấy còn xuất hiện trong huyền thoại như một con quỷ vật tổ. Người cha là người lý tưởng đầu tiên của đứa trẻ, còn người anh hùng đúng như trí tưởng tượng của nhà thi sĩ tạo ra, sẽ là lý tưởng tôi đầu tiên, có ngưỡng vọng chiếm địa vị của người cha. Có lẽ nhà thơ cho là đứa con út có thể làm được công việc ấy, con út là con yêu của mẹ, đứa con út được mẹ che chở khi cha ghen ghét, vào thời kỳ sống thành bầy ô hợp nguyên thủy nó là người kế vị cha. Khiếu thi vị hóa sự thật của thời kỳ ấy: người đàn bà gây ra sự chém giết nhau và là đầu mối của sự thèm muốn đã được biến đổi thành mụ xúc xiểm và đồng lõa trong các cuộc xung đột.

Huyền thoại cho rằng chỉ có người anh hùng là lập được công trạng, nhưng hẳn là phải có cả bầy mới lập được công trạng ấy. Theo Rank thì người ta tìm ra những di tích rõ ràng của tình trạng trong các truyện hoang đường, truyện hoang đường chỉ làm biến dạng mà thôi. Trong các truyện hoang đường thường nói đến người con út nhờ tính khờ khạo mà thoát khỏi bàn tay độc ác của cha, cha cho rằng nó không nguy hiểm. Người anh hùng ấy có trách nhiệm cao trọng nhưng muốn thành công phải có sự góp sức của một bầy vật nhỏ như ong, kiến. Những con vật ấy chỉ là cách biểu tượng bầy anh em trong bầy ô hợp nguyên thủy, cũng như trong biểu tượng giấc mơ sâu bọ côn trùng tượng trưng cho anh em và chị em (coi là trẻ con với ý khinh bỉ). Ngoài ra người ta còn nhận thấy dễ dàng rằng những hành vi nói trong huyền thoại và truyện cổ tích tượng trưng cho chiến công của người anh hùng.

Vậy thì con người vượt qua được tình trạng tâm lý tập thể nhờ có huyền thoại. Huyền thoại đầu tiên hẳn là có ý nghĩa tâm lý, đó là huyền thoại người anh hùng. Huyền thoại giải thích thiên nhiên nhắc lại mãi sau này mới xuất hiện. Người thi sĩ bước được bước ấy để lợi dụng trí tưởng tượng của quần chúng cũng biết cách trở lại với cuộc sống thực sự, như Rank đã nói. Y đi chỗ này chỗ khác kể cho mọi người nghe những công nghiệp mà trí tưởng tượng của y gán cho người anh hùng, còn người anh hùng ấy thực ra là chính y. Như vậy là y trở lại với thực tại trong khi đưa người nghe lên ngang với tầm tưởng tượng của y. Những người nghe biết rõ nhà thi sĩ của họ lắm, họ tự đồng nhất hóa với người anh hùng và cùng có một thái độ đối với người cha nguyên thủy, một thái độ đầy ham muốn chưa thực hiện được.

Sự thần thánh hóa người anh hùng đã tâng bốc huyền tượng anh hùng. Có thể rằng người anh hùng thần thánh hóa có trước người cha thần thánh hóa vào báo trước ngày trở về của người cha nguyên thủy mà bề ngoài một ông thần. Như vậy theo thứ tự thời gian chúng ta có: nữ thần-mẹ, rồi sau mới có anh hùng-ông trời-cha. Chỉ khi nào người cha nguyên thủy mà loài người không bao giờ quên được nâng lên hàng một ông trời, là bấy giờ ông trời mới có những đặc điểm như chúng ta thấy ngày nay. (Trong sự trình bày vắn tắt này, chúng tôi đã phải loại bỏ nhiều tài liệu thâu lượm được trong các truyện hoang đường, huyền thoại, cổ tích, phong tục,…)

C. Trong cuốn sách này chúng tôi thường hay nói đến khuynh hướng dục tính trực tiếp và khuynh hướng dục tính lái sang chiều khác, chúng tôi hy vọng rằng sự phân biệt ấy không làm cho người đọc quá thắc mắc. Tuy nhiên, đem một vài chi tiết ra bàn lại cũng không đến nỗi vô ích, mặc dù chúng tôi phải nhắc lại những điều đã nói ở trên.

Thí dụ đầu tiên ý nghĩa hơn cả về khuynh hướng dục tính bị lái sáng đường khác có thể tìm trong sự tiến triển của cái libido trong đứa trẻ con. Tâm tình của đứa trẻ đối với những người chăm nom nó vẫn còn giữ được nguyên vẹn trong những ý muốn của nó, ý muốn ấy bộc lộ khuynh hướng dục tính của nó. Đứa trẻ đòi người thân của nó phải bày tỏ với nó những cách âu yếm mà nó biết, nó muốn hôn hít, ôm ấp, nhìn họ, nó nhìn bộ phận sinh dục của nó với con mắt hiếu kỳ, nó cũng có thái độ hiếu kỳ đối với sự bài tiết phân và nước tiểu của nó, nó hứa sẽ lấy mẹ nó hay lấy người vú nuôi nó tuy chỉ có những sở kiến lông bông về lấy vợ lấy chồng, nó muốn làm cho cha nó đẻ một đứa con,… Sự quan sát trực tiếp và sự phân tích về sau những vết tích tuổi thơ cho chúng tôi biết chắc rằng có những mối dây mật thiết giữa âu yếm và ghen tị một bên, bên kia là những ý hướng dục tính; sự quan sát và phân tích ấy chứng tỏ rằng đứa trẻ lấy người thân yêu nó làm đối tượng cho những khuynh hướng dục tính đặt chưa đúng hướng.

Hình thức tình yêu thứ nhất của đứa trẻ liên hệ mật thiết với mặc cảm Oepide, lúc khởi sự thời kỳ lắng chìm thì hình thức tình yêu ấy bị đàn áp. Chỉ còn lại một sự ràng buộc thương mến thuần túy, nhưng sự thương mến ấy không thể gọi bằng tính từ “tình dục” được. Phân tâm học cố gắng rọi ánh sáng vào chỗ thâm sâu đời sống tâm thần, chúng tôi đã minh thị rằng những ràng buộc dục tính của mấy năm đầu tuổi thơ vẫn còn nhưng còn ở tình trạng dồn nén trong tiềm thức. Chúng tôi có thể cả quyết rằng sự thương mến người nào chỉ là một tâm tình kế tiếp sự ràng buộc có khuynh hướng dục tính đặt chưa đúng hướng nói ở trên, hay đúng hơn, là một biểu thị biểu tượng (imago) của sự ràng buộc ấy.

Hẳn là phải có một cuộc kháo sát riêng mới có thể biết được rằng trong một trường hợp nhất định luồng khuynh hướng dục tính cũ còn đó hay đã khô cạn hẳn. Hay nói rõ ràng hơn: nó vẫn còn đó, nhưng chỉ còn là một hình thể, một khả năng, nhân một sự thoái lui nó lại có thể ngoi lên: điều cần biết là bây giờ nó còn hiệu lực đến mức nào, điều đó không phải là dễ. Chúng ta cần phải tránh hai sự lỗi lầm: đánh giá quá thấp cái tiềm thức bị đàn áp và phán đoán những hiện tượng bình thường bằng những tiêu chuẩn chỉ áp dụng cho những hiện tượng bệnh hoạn.

Đối với một quan niệm tâm lý học không chịu đi sâu xuống những tâm tình bị đàn áp thì những ràng buộc tâm tình thương mến không làm gì có tính cách dục tính, mặc dù chúng xuất phát từ những khuynh hướng có đối tượng dục tính[20].

[20] Những tâm tình thù nghịch tuy có cơ cấu phức tạp hơn nhưng cũng không ở ngoài thông lệ này.

Chúng ta có quyền để cả quyết rằng những khuynh hướng mà chúng ta nói đến là những khuynh hướng đã bị lái sang con đường khác mục tiêu dục tính, tuy rằng chúng ta khó mà mô tả sự thiên lệch ấy cho hợp với phân phối tâm lý siêu hình. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những khuynh hướng bị ngăn cản ấy vẫn có mầu sắc dục tính ít nhiều: người cảm mến ai, tôn thờ ai vẫn có gần gụi và thấy mặt người mình cảm mến, tình yêu đây không còn sắc thái ái tình. Chúng ta có thể coi sự cải đổi mục tiêu ấy là sự bắt đầu thăng hoa khuynh hướng dục tính. Đứng về phương diện chức vụ thì những khuynh hướng dục tính không bị cản trở. Vì không thể thỏa mãn hoàn toàn được cho nên những khuynh hướng ấy tỏ ra có thể tạo ra những mối ràng buộc lâu bền, còn như những khuynh hướng dục tính trực tiếp có thể thoái giảm sau mỗi lần thỏa mãn, đối tượng của nó cũng có thể thay đổi được, nó có thể bỏ người cũ, tìm người khác. Những khuynh hướng bị cản trở có thể hòa lẫn với những khuynh hướng không bị cản trở theo những tỉ lệ nhiều ít khác nhau, biến đổi một lần nữa thành khuynh hướng không bị cản trở.

Người ta biết rằng những liên lạc thân mến có tính cách bạn hữu của người đàn bà biết ơn và thán phục ai, rất dễ trở thành ham muốn tình ái, thí dụ như tình thầy trò, người con gái cảm phục một nghệ sĩ.

Những ràng buộc tình cảm như thế tuy mới đầu không hề có ý tìm tình, nhưng sẽ dẫn tới ngay cửa vào ước vọng dục tính. Trong cuốn Lòng mộ đạo của hầu tước Zinzendorf, Pfister đã đưa ra một thí dụ ý nghĩa để minh thị rằng sự ràng buộc tôn giáo mạnh mẽ dễ trở thành sự thèm muốn dục tính bồng bột đến thế nào. Vả chăng, sự biến đổi khuynh hướng dục tính trực tiếp thành sự cảm mến thuần túy bền bỉ cũng là sự chi thường, và sự biến đổi ấy là phần lớn nền tảng để củng cố một cuộc hôn nhân lấy nhau vì say mê nhau.

Dĩ nhiên, chúng ta không lấy làm lạ mà nhận thấy rằng những khuynh hướng dục tính bị cản trở cũng do những khuynh hướng dục tính trực tiếp mà ra, chúng phát sinh khi nào có sự trắc trở bên ngoài hay trong nội tâm chống lại mục tiêu dục tính. Sự dồn nén xảy ra trong thời kỳ lắng chìm dục tính chính là một trong những trở ngại bên ngoài nhập vào nội tâm thành trở ngại bên trong. Trở lại người cha nguyên thủy của bầy ô hợp nguyên thủy, chúng ta đã chấp nhận rằng ông ta nghiệt khắc, ông ta bắt các con không được thỏa mãn tình dục, thành thử những khuynh hướng dục tính của các con bị cản trở mục tiêu, còn chính ông ta thì ông ta tự do thỏa mãn dục tính và không có sự ràng buộc nào cả. Tất cả sự ràng buộc của các phần tử trong đám đông đều bắt nguồn từ những khuynh hướng bị cản trở. Nhưng nói đến đây chúng ta đã bước sang một đề tài khác liên hệ đến những liên lạc giữa khuynh hướng dục tính trực tiếp và sự thành lập một đám đông, một đoàn thể.

D. Những điểm sau cùng đã cho phép chúng ta hé thấy những khuynh hướng dục tính trực tiếp không thuận lợi cho sự cấu tạo tập thể chút nào. Hẳn là trong sự tiến triển của gia đình có một giai đoạn hôn nhân “tập thể”, nhưng tình yêu dục tính càng có tầm quan trọng đối với cá nhân, cá nhân càng trở nên si tình, thì tình yêu càng hướng về sự giới hạn trong hai người mà thôi – una cum uno – bản chất của mục tiêu dục tính hình như cũng bắt buộc như thế. Những khuynh hướng hôn phối đành phải bằng lòng với sự thay thế đối tượng tình yêu này bằng đối tượng tình yêu khác.

Hai người tụ họp với nhau nhằm mục đích thỏa mãn dục tính vẫn tìm đến nơi biệt tịch, sự kiện ấy là một minh chứng sống động để chống lại bản năng quần cư và ý thức tập thể. Hai người càng yêu nhau, họ càng tự túc tự mãn. Sự cố gắng thoát khoải ảnh hưởng đám đông bộc lộ dưới hình thức cảm tưởng xấu hổ. Những xúc động rất mãnh liệt gây ra bởi lòng ghen dùng để bảo vệ người mình lựa chọn khỏi sự xúc phạm có thể xảy đến vì sự ràng buộc tập thể, chỉ khi nào yếu tố cá nhân trong tình yêu tức sự thương mến đã biến mất hẳn và chỉ nổi bật có yếu tố nhục dục, bấy giờ mới có thể có những sự loạn dâm công khai như những buổi hội phóng dục gọi là “Orgie” của người La Mã thời cổ. Nhưng đây cũng là sự thoái lui của liên lạc dục tính về tình trạng trước, trong đó ái tình đúng nghĩa không đóng một vai trò nào cả, đối tượng dục tính nào cũng có giá trị ngang nhau, cũng gần như Bernard Shaw đã nói một cách độc địa: “Yêu nghĩa là phóng đại vô chừng sự khác biệt giữa người đàn bà này và người đàn bà khác.”

Rất nhiều sự việc khác như biện minh cho quan điểm rằng ái tình xuất hiện rất muộn trong sự liên lạc dục tính giữa trai gái, do đó sự đối lập giữa tình yêu dục tính và sự ràng buộc tập thể cũng xuất hiện muộn. Mới nhìn thì sự giả thiết ấy hầu như không thể dung hòa được với huyền thoại gia đình nguyên thủy của chúng tôi. Có phải rằng vì tình yêu mẹ và chị em mà bày anh em xúm lại giết cha không? Khó lòng mà hình dung được tình yêu ấy là cái gì khác với một thứ tình yêu nguyên thủy, toàn diện, nghĩa là nguyên một khối vừa là thương mến vừa là ham muốn tình dục? Nhưng nghĩ cho cùng thì sự thắc mắc đó càng xác định quan điểm của chúng tôi. Trong số những phản ứng gây ra vì sự giết cha, có sự thành hình thói phép lấy vợ ở ngoài bộ lạc vật tổ, nghĩa là nghiêm cấm tình dục với đàn bà trong gia đình mà đứa trẻ đã yêu từ thuở còn thơ. Như vậy là có sự phân biệt ra hai cạnh khía, cạnh khía thương mến và cạnh khía tình dục của tình yêu nam nhi, hậu quả của sự phân đôi ấy còn tồn tại cho đến ngày nay[21]. Bởi có tục lấy vợ ở ngoài bộ lạc mà người đàn ông bắt buộc phải thỏa mãn tình dục với đàn bà ở ngoài bộ bộc xa lạ không gợi cho họ chút tình yêu và thương mến nào.

[21] “Über die allgemeine Erniedrigung des Liebeslebens”, 1912, Sammlung kleiner Schriften zur Neuroselehre, IV.

Trong những đám đông quy ước lớn, như giáo hội và quân đội, không có chỗ cho đàn bà với tư cách là đối tượng dục tính. Những liên lạc tình ái giữa đàn ông và đàn bà đều ở ngoài tổ chức. Cả trong những đám đông có cả nam lẫn nữ, sự khác biệt về nam nữ tính không có vai trò nào cả. Không có vấn đề tìm hiểu xem cái libido duy trì sự đoàn kết đám đông có bản chất đồng tính ái hay lưỡng tính ái, bởi vì đám đông được tổ chức theo tiêu chuẩn khác chứ không theo tiêu chuẩn nam nữ tính, sự tổ chức ấy lại không kể đến những mục tiêu chỉ đạo sự tổ chức sinh dục tính.

Những khuynh hướng dục tính trực tiếp giữ được tính cách cá nhân nào đó, cả đến những người bị chìm vào trong đám đông. Khi nào cá tính vượt qua môt mức độ nào thì tập thể bị đe dọa tan rã. Giáo hội có lý do đích đáng để khuyến cáo đạo hữu sống độc thân và bắt buộc thầy tu phải chay tịnh, nhưng ái tình nhiều khi làm cho thầy tu phá giới. Tình yêu đàn bà làm sụp đổ những dây liên lạc tạo ra vì chủng tộc, vượt lên trên biên giới quốc gia và giai cấp xã hội, và như thế tình yêu đã góp phần lớn vào nền văn hóa. Có lẽ tình yêu đồng tính ái dễ thỏa hiệp hơn với những dây liên lạc tập thể, cả trong những trường hợp mà nó xuất hiện như khuynh hướng dục tính không bị cản trở: đây là một sự kiện quan trọng nhưng không tiện giải thích vì phải đi xa quá.

Xét nghiệm phân tâm những bệnh suy nhược thần kinh chúng tôi đã nhận thấy rằng những triệu chứng của bệnh ấy bắt nguồn từ những khuynh hướng dục tính trực tiếp bị dồn nén, nhưng vẫn có sức hoạt động. Chúng ta có thể bổ túc công thức ấy mà nói thêm rằng: những triệu chứng ấy còn có thể bắt nguồn từ những khuynh hướng bị cản trở, nhưng bị cản trở qua loa chưa dứt hẳn làm cho chúng có thể trở lại với mục đích dục tính đã đàn áp. Điều đó cắt nghĩa được tại sao chứng suy nhược thần kinh làm cho người ta ác cảm với xã hội, đào một hố sâu giữa cá nhân và những tập thể mà họ tham dự. Người ta có thể nói rằng chứng suy nhược thần kinh là một yếu tố làm tan rã đám đông, cũng ngang mức độ với ái tình. Bởi vậy mỗi khi có khuynh hướng mạnh mẽ thành lập tập thể thì bớt chứng suy nhược thần kinh, nó có thể tạm thời biến mất. Vả chăng người ta đã thử lợi dụng sự đối lập giữa suy nhược thần kinh và tinh thần tập thể để chữa bệnh. Cả những người không lấy làm tiếc rằng người văn minh đã bỏ mất ảo tưởng tôn giáo cũng công nhận rằng khi mà những ảo tưởng ấy đủ sức mạnh thì đó là sức chống lại suy nhược thần kinh hữu hiệu nhất cho những người còn có ảo tưởng tôn giáo. Chúng ta cũng thấy dễ dàng rằng sự gia nhập những giáo phái hay cộng đồng thần-bí-tôn-giáo hay triết-lý-thần-bí là một cách tìm phương thuốc gián tiếp chống lại thứ suy nhược thần kinh. Tất cả những sự kiện ấy đều liên hệ tới sự đối lập giữa những khuynh hướng dục tính trực tiếp và những khuynh hướng dục tính bị cản trở.

Nếu không tham gia vào một tập thể nào, người suy nhược thần kinh sẽ phải dùng những triệu chứng suy nhược để thay thế tâm thần tập thể mà họ thiếu thốn. Họ tự tạo cho mình một thế giới tưởng tượng, tôn giáo của họ, hệ thống huyền hoặc của họ, và họ cũng tái tạo những định chế của nhân loại dưới một sắc thái lệch lạc, họ phản lại sự đóng góp tích cực của những khuynh hướng dục tính trực tiếp vào công cuộc xây dựng tập thể[22].

[22] Vật tổ và cấm kỵ, chương II (cuối).

E. Trước khi chấm dứt, chúng ta hãy đứng về phương diện libido, để lập một bảng so sánh những trạng thái đã bàn qua: trạng thái ái tình, trạng thái thôi miên, sự thành lập tập thể và chứng suy nhược thần kinh.

Trạng thái ái tình đặt nền tảng trên sự đồng hiện diện của những khuynh hướng dục tính rẽ hướng, không nhắm vào mục tiêu, đối tượng thu hút lấy một phần libido ngã ái của cái tôi. Trạng thái ấy giới hạn vào cái tôi và đối tượng.

Trạng thái thôi miên giống trạng thái ái tình ở điểm nó cũng giới hạn vào cái tôi và đối tượng, nhưng phần nhiều nó dựa vào những khuynh hướng dục tính bị cản trở và đem đối tượng đặt vào chỗ lý tưởng tôi.

Trong đám đông tiến trình ấy được khuếch đại; tâm trạng đám đông cũng giống trạng thái thôi miên ở chỗ bản chất của những bản năng giữ nhiệm vụ đoàn kết, nó còn giống ở chỗ thay thế đối tượng bằng lý tưởng tôi; nhưng trong đám đông còn thêm sự đồng nhất hóa cá nhân với những người khác, sự đồng nhất hóa ấy có thể xảy ra vì mọi người đều có cùng một thái độ với đối tượng.

Thôi miên và tâm trạng đám đông đều là vết tích di truyền của sự phát sinh cái libido nhân loại từ uyên nguyên của nó, thôi miên là sự tồn tại dưới hình thức một xu hướng tự nhiên, đám đông là sự tồn tại dưới hình thức một hiện tượng sống sót trực tiếp. Trong cả hai trường hợp những khuynh hướng dục tính bị cản trở hay trực tiếp đều thuận lợi cho sự phân chia thành cái tôi và lý tưởng tôi, sự phân chia ấy đã bắt đầu từ trạng thái ái tình.

Bệnh suy nhược thần kinh tách ra khỏi loại hiện tượng ấy. Suy nhược thần kinh dựa vào một đặc điểm của sự tiến triển cái libido nhân loại, dựa vào cái gọi là hai cách ăn khớp của cơ năng dục tính trực tiếp (như nói sau đây), đến thời kỳ lắng chìm thì không còn hai cách ăn khớp ấy nữa[23]. Cũng như thôi miên và tâm trạng đám đông, suy nhược thần kinh cũng có tích cách thoái lui (tình trạng ái tình không có tính cách thoái lui). Sự suy nhược xảy ra mỗi khi sự biến cải từ mục tiêu dục tính trực tiếp sang mục tiêu dục tính bị cản trở không được hoàn hảo, sự suy nhược ấy là hậu quả của cuộc xung đột giữa người có khuynh hướng có thể tiến triển được vì nhập vào với cái tôi và những phần tử của khuynh hướng bị rớt lại trong tiềm thức; phần tử bị rớt nhập vào với những yếu tố bị dồn nén, chúng cùng đòi hỏi thỏa mãn trực tiếp. Bệnh suy nhược thần kinh có một nội dung hết sức phong phú vì: 1) Nó gồm tất cả những liên lạc có thể có giữa cái tôi và đối tượng, những liên lạc trong đó đối tượng còn giữ nguyên những liên lạc trong đó đối tượng đã bị sa thải hay nhập vào cái tôi. 2) Những liên lạc phát sinh vì cuộc xung đột giữa cái tôi  lý tưởng tôi.

[23] Sexualtheorie in lần thứ 4a, 1920, trang 96.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.