Nghiên cứu phân tâm học

1 – Phần 2



Những xu hướng ấy phải qua một giai đoạn tiến hóa rất lâu trước khi phát lộ ra ở người lớn. Chúng bị kiềm chế, hoặc chúng hướng về những mục tiêu khác, chuyển sang những lãnh vực khác, chúng phối hợp với nhau, chúng đổi đối tượng, chúng quay lại phá phách chính người có xu hướng. Chúng ta có những cách phản ứng lại những xu hướng ấy làm cho chúng ta dễ tin rằng chúng đã đổi bản chất, tin rằnh ích kỷ đã đổi thành vị tha, độc ác thành yêu thương. Cái làm cho chúng ta dễ lầm lẫn là một vài xu hướng lúc mới đầu xuất hiện như những cặp đôi, đó là những hiện tượng ít người biết, gọi là hiện tượng “lưỡng ứng tâm tình”. Một trong những sự phát lộ của hiện tượng lưỡng ứng dễ quan sát và dễ hiểu là một người thường có thái độ vừa yêu nồng nàn và ghét cay độc. Phân tâm học nói thêm rằng hai tâm tình đối lập nhau như thế cùng lấy một người làm đối tượng.

Sự mô tả sơ sài trên đây đem lại ánh sáng để chúng ta định nghĩa cái gọi là tính tình, chúng ta sẽ nhận thấy sự phân định cổ điển căn cứ vào hai chữ “tốt” và “xấu” rất thiếu thốn. Con người không bao giờ hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu: thường thường họ tốt về phương diện này nhưng lại xấu về phương diện khác, với điều kiện này thì họ hiền, với điều kiện khác thì họ ác. Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng trong lúc tuổi thơ những xu hướng rất “dữ tợn”, trong nhiều trường hợp, lại là điều kiện để hướng về điều thiện khi đứa trẻ đã lớn. Những đứa trẻ ích kỷ nhất có thể trở thành những công dân từ thiện tột bậc và có thể hy sinh lớn lao; phần nhiều những vị thánh đồ giàu lòng bác ái, những người không thiết danh lợi ở dời, những người bảo vệ loài vật, lúc nhỏ thường bộc lộ bản năng hành hạ và độc ác đối với loài vật.

Sự biến đổi những xu hướng xấu là hậu quả của hai yếu tố ngoại giới và nội tâm cùng tác động theo một chiều hướng. Yếu tố nội tâm là ảnh hưởng của yếu tố tình và nhu cầu yêu mến đến những xu hướng xấu. Yếu tố tình ghép vào với xu hướng ích kỷ làm cho xu hướng ích kỷ biến thành xu hướng xã hội tính. Con người sẽ nhận thấy rằng được người ta yêu mến là một cái lợi mà nên hay cần phải hy sinh nhiều xu hướng “xấu” để được yêu mến và hưởng cái lợi ấy. Yếu tố bên ngoài là áp lực của sự giáo dục tượng trưng cho văn hóa, sau này con người sẽ trực tiếp tiếp xuc với ảnh hưởng văn hóa. Văn minh chỉ có thể xuất hiện và phát triển nhờ con người từ khước sự thỏa mãn một vài nhu cầu, những thế hệ sau muốn được hưởng ích lợi của đời sống văn minh thì đến lượt học phải từ khước sự thỏa mãn một vài bản năng. Trong đời sống cá nhân luôn luôn có sự biến đổi áp lực bên ngoài thành áp lực bên trong. Nhờ ảnh hưởng liên tiếp của xã hội văn minh, càng ngày càng nhiều xu hướng ích kỷ biến đổi thành xu hướng xã hội nhờ ghép thêm yếu tố tình. Sau hết chúng ta có thể chấp nhận rằng những áp lực bên trong mà tác dụng biểu lộ qua sự tiến hóa của nhân loại, lúc khởi thủy lịch sử nhân loại chỉ là những áp lực bên ngoài. Ngày nay con người sinh ra đã mang theo một tiềm năng biến đổi những khuynh hướng ích kỷ thành khuynh hướng xã hội, tiềm năng ấy tổ tiên di truyền cho họ, chỉ một xung động nội tâm nhẹ cũng đủ tạo ra sự biến đổi ấy. Nhưng những khuynh hướng khác cũng biến đổi, không phải vì tiềm năng di truyền mà vì áp lực của những yếu tố ngoại giới. Chính vì thế mà mỗi người vừa chịu ảnh hưởng của đời sống văn minh hiện tại vừa chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh sống tổ tiên mình ngày trước.

Nếu dùng những chữ năng khiếu thích ứng với đời sống văn minh để chỉ khả năng biến đổi xu hướng ích kỷ do ảnh hưởng của những yếu tố tình, thì chúng ta có thể nói rằng năng khiếu ấy gồm có hai phần, một phần thiên bẩm, còn phần kia là sở đắc; giữa phần thiên bẩm và phần sở đắc, giữa mỗi phần là những khuynh hướng không biến đổi, sự liên lạc rất khác nhau.

Chúng ta có thói quen gán cho phần thiên bẩm của năng khiếu thích ứng với đời sống văn minh một giá trị quá cao. Nói chung thì chúng ta đánh giá quá cao năng khiếu ấy và đánh giá quá thấp những bản năng vẫn giữ nguyên tình trạng nguyên thủy. Nói khác đi, chúng ta cho rằng con người tốt hơn giá trị thực sự của họ. Tuy nhiên, cũng còn một cớ khác làm chúng ta không phán xét đúng mức được, chúng ta kết luận theo một chiều thuận lợi cho họ quá.

Những xung động bản năng của người khác dĩ nhiên ở ngoài tầm tri giác của chúng ta. Chúng ta suy luận tất nhiên phải căn cứ vào hành vi và thái độ của họ rồi tìm sự liên hệ với những nguyên nhân nguồn gốc ở đời sống bản năng. Trong nhiều trường hợp sự kết luận sai sự thật. Cùng một hành vi “tốt”, xét theo góc cạnh đời sống văn minh, có thể có những nguyên nhân “cao thượng” trong một vài trường hợp, trong những trường hợp khác nguyên nhân lại rất tầm thường. Lý thuyết gia đạo đức học gọi những hành động biểu lộ xu hướng tốt là hành động “tốt”, còn những hành động không thỏa mãn điều kiện ấy thì không được cái hân hạnh ấy. Nhưng xã hội không cần phân biệt như thế, xã hội chỉ xét theo khía cạnh thực tiễn; xã hội chỉ cần người ta xử sự đúng những bó buộc của đời sống văn minh là đủ, không cần xét đến nguyên nhân.

Trên kia chúng tôi đã nói rằng giáo dục và hoàn cảnh tạo ra áp lực bên ngoài, hậu quả là con người hướng đời sống bản năng về điều thiện, mở đường thuận lợi cho ích kỷ biến thành vị tha. Nhưng hậu quả ấy không nhất thiết phải có, không phải là trường hợp nào cũng có. Giáo dục và hoàn cảnh không phải bao giờ cũng khích lệ tình yêu, giáo dục và hoàn cảnh còn dùng đến những phương tiện khác như thưởng và phạt. Bởi vậy cho nên thường khi có người xử sự tốt và đáng khen mà đời sống bản năng của họ không tăng tiến, xu hướng ích kỷ của họ không biến đổi thực sự thành xu hướng xã hội. Đại loại thì kết quả cũng không khác, đời sống của xã hội cũng khả quan, chỉ trong những trường hợp đặc biệt chúng ta mới biết rằng có người ăn ở thiện vì đời sống bản năng của họ thúc đẩy họ làm thiện, có người ăn ở thiện chỉ vì làm như vậy phù hợp mới mục tiêu ích kỷ của họ. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu biết bề ngoài thì không có cách nào phân biệt hai trường hợp, chúng ta sẽ lạc quan và mà cho rằng có nhiều người có khuynh hướng biến đổi ra tốt.

Xã hội văn minh của chúng ta đòi hỏi con người phải có hạnh kiểm tốt nhưng không bận tâm đến những khuynh hướng ở dưới nền móng của hạnh kiểm, xã hội luyện cho một số đông người vâng theo điều kiện của đời sống văn minh, nhưng bản chất của họ không tham dự vào sự phục thiện ấy. Như thế cũng đã là một sự thành công, sự thành công khuyến khích xã hội thêm nghiêm khắc về phương diện đạo đức, hậu quả là đào sâu thêm hố ngăn cách giữa thái độ bắt buộc con người phải có và khuynh hướng bản năng của họ. Bản năng bị đàn áp mỗi ngày mỗi nhiều, gây nên tình trạng căng thẳng do đó mà xảy ra những hiện tượng phản ứng và bù trừ rất kỳ dị. Trong lãnh vực dục tính, sự đàn áp khó hơn, chúng ta thấy có những hiện tượng phản ứng gây ra vì các bệnh suy nhược thần kinh. Trong những lãnh vực khác, áp lực của đời sống văn minh tuy không làm phát hiện những hiện tượng bệnh hoạn chính thức, nhưng cũng đưa đến những sự thiên lệch tính tình, những bản năng bị chế ngự vẫn sẵn sàng đợi cơ hội là đoạt lấy sự thỏa mãn. Người nào phải theo thói phép mà phản ứng liên tục, không thỏa hiệp được với bản năng sâu xa của mình, người ấy sống trong tình trạng tiêu xài quá khả năng tài chính, khách quan mà nói thì có thể cho họ là ngụy thiện, là giả dối tuy họ không ý thức được sự giả dối ấy. Chúng ta không thể chối cãi được rằng nền văn minh của chúng ta thuận lợi cho sự giả dối ấy quá mức bình thường. Chúng ta có thể nói chẳng chút vọng ngôn rằng nền văn minh hiện đại đặt nền tảng trên sự giả dối ấy. Nhưng nếu loài người chịu khó sống theo sự thật tâm lý của họ thì sẽ có sự thay đổi sâu xa. Như vậy, số người chấp nhận cái văn minh vỏ ngoài nhiều hơn số người thực sự văn minh, và chúng ta có thể tự hỏi rằng nếu chỉ có một số người là phong độ văn hiến trở thành một đặc tính của tổ chức tâm thần, thì cũng cần phải có một mức độ ngụy thiện nào đó để duy trì, và bảo vệ nền văn minh chăng? Vả chăng người ta duy trì văn minh với nền tảng bấp bênh như thế là người ta cũng hy vọng rằng qua mỗi thế hệ, xu hướng sẽ biến đổi thành tốt thêm, đó là điều kiện của một nền văn minh tốt đẹp hơn.

Những quan điểm trên đây mang lại cho chúng ta sự an ủi thứ nhất, chúng ta không thấy có lý do để đau khổ và thất vọng trước những hành động không xứng đáng với quan niệm văn minh của chúng ta. Thực ra người đời không đến nỗi xuống thấp như chúng ta tưởng, vì một lẽ rất thường là họ không đạt được một trình độ cao như chúng ta tưởng. Các dân tộc đối xử với nhau không kể gì đến đạo đức, họ tưởng rằng có thể nhất thời từ khước những bổn phận của đời sống văn minh và thả lòng cho những khuynh hướng dồn nén bùng ra. Chúng ta hãy giả thiết rằng thứ đạo đức tương đối ấy vẫn duy trì được trong nội địa của mối quốc gia, không bị xúc phạm nặng nề.

Chúng ta có thể có một ý niệm sâu xa hơn về ảnh hưởng tinh thần của chiến tranh, chiến tranh đã làm thay đổi sâu xa phong độ và hành vi của người xưa, đó là một lời cảnh cáo thêm để chúng ta thêm thận trọng, không nên bất công với người ở quốc gia khác. Sự tiến hóa tâm thần có một đặc điểm không thấy có trong những tiến trình tiến hóa hay phát triển khác. Khi một làng phát triển thành một tỉnh hay một đứa trẻ trở thành người lớn. Phải dùng trí nhớ hồi tưởng lại chúng ta mới có thể thấy những nét cũ trong những nét mới; thực ra những vật liệu cũ và những hình thức cũ đã biến mất để nhường chỗ cho những vật liệu mới và những hình thức mới. Trong sự tiến hóa tâm thần thì khác. Đây là một tình trạng không giống tình trạng nào, chúng ta có thể nói rằng tất cả giai đoạn phát triển cũ vẫn còn tồn tại ở bên cạnh giai đoạn mới phát sinh. Trong sự nối tiếp, có sự đồng hiện hữu, vẫn những tài liệu trước được dùng trong sự biến đổi về sau. Trạng thái tâm thần cũ, có thể nằm yên trong nhiều năm không hề phát hộ ra ngoài; nhưng chúng tôi xin nhắc lại rằng nó vẫn tồn tại, có lúc nó có thể trở thành hình thức biểu lộ của những sức lực tâm thần, có thể là hình thức biểu lộ duy nhất, hầu như những giai đoạn tiến triển về sau đã biến mất. Tuy nhiên phần tâm thần được phát triển không có gì là vững chắc, nó dễ bị đàn áp; thường khi một giai đoạn tiến triển cao hơn về sau đã bị bỏ rơi thì khó lòng mà lấy lại được. Trái lại những trạng thái nguyên sơ rất dễ tái diễn, rất dễ nhớ lại, cái gì là nguyên thủy trong đời sống tâm thần của chúng tôi sống bất tử.

Những bệnh gọi là bệnh tâm thần, đối với người không có kiến thức chuyên môn, là hậu quả của sự phá hủy đời sống tâm thần và tâm trí. Nhưng thực ra sự phá hủy chỉ là phá hủy những cái sở đắc và những giai đoạn phát triển sau này. Điểm chính của bệnh tinh thần là sự thoái lui về những trạng thái cũ của đời sống tâm linh và của đời sống cơ năng. Chúng ta có một thí dụ điển hình về sự linh động của sinh hoạt tâm thần, đó là giấc ngủ mà mỗi đêm lại xuất hiện. Từ khi chúng ta biết suy diễn giấc mơ, cả những giấc mơ bông lông nhất, khó hiểu nhất, chúng ta đã biết rằng khi người ta ngủ người ta cởi bỏ tất cả cái gì là đạo đức như cởi bỏ quần áo đến hôm sau tỉnh dậy mới mặc lại. Sự cởi bỏ đạo đức như thế dĩ nhiên không có gì là nguy hiểm, vì giấc ngủ làm tê liệt người chúng ta, bắt buộc chúng ta phải bất động. Chỉ có giấc mơ là theo chúng ta biết sự thoái lui của đời sống tâm thần về một trong những giai đoạn phát triển ngày trước. Thí dụ giấc mơ bị chi phối bởi những nguyên nhân hoàn toàn ích kỷ. Trong một cuộc hội họp những nhà trí thức ở Mỹ, một người Anh bạn hữu của tôi lên tiếng bênh vực nguyên tắc ấy, tức thời một bà đưa ra nhận xét rằng ý kiến của ông ta có thể đúng ở bên nước Áo, còn bà và các bạn của bà thì bao giờ cũng có lòng vị tha, cả trong giấc mơ cũng vậy. Bạn tôi, tuy là người Anh, cũng phải đưa ra những kết quả thâu lượm của việc phân tích giấc mơ để trả lời bà kia rằng trong giấc mơ, các bà sang trọng bên Mỹ chẳng chịu thua kém các bà bên Áo về phương diện ích kỷ.

Như vậy là người ăn miếng trả miếng. Như vậy sự biến đổi xu hướng nguyên thủy, nền tảng của nếp sống văn minh, có thể vì một biến cố xảy ra trong đời sống mà thoái lui chốc lát hay rất lâu. Chúng ta không thể chối cãi được rằng ảnh hưởng của chiến tranh thuộc về những loại sức mạnh có thể gây ra sự thoái lui như thế, bởi vậy có thể phải nhân nhượng, chúng ta không nên cho rằng những người cư xử trái với nguyên tắc của chính sách văn minh không có năng khiếu thích ứng với đời sống văn minh, chúng ta hãy nán đợi tình hình sáng sủa hơn, bình lặng hơn, hoàn cảnh sẽ làm dịu lòng người để những tâm tình cao đẹp có thể nổi lên trên mặt.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy có một triệu chứng làm cho chúng ta kinh ngạc và lo ngại không kém sự hạ thấp trình độ đạo đức. Chúng tôi muốn nói đến mức độ trí tuệ thấp kém, đến sự ương ngạnh ngu muội, không hiểu được những lý lẽ xác đáng nhất, đến sự dễ tin như con nít nghe theo những lời vô lý hết sức. Cảnh tình thật hết sức buồn nản, chúng tôi xin nói rằng chúng tôi không bị mù quáng vì có ý thiên về bên nào, đến nỗi chỉ nhìn thấy những khuyết điểm trí tuệ như thế của một trong hai phe địch thủ. Hiện tượng ấy còn có thể cắt nghĩa dễ dàng hơn hiện tượng nói ở trên. Chúng tôi không đến nỗi phải rối trí. Triết gia và những người hiểu hiểu rõ tâm lý loài người đã chỉ trích chúng tôi lầm lỗi mà cho rằng trí tuệ là một khả năng đứng độc lập và không kể đến sự lệ thuộc trí tuệ vào sinh hoạt tình cảm. Trí năng của chúng ta chỉ có thể làm việc hữu hiệu nếu nó không bị ảnh hưởng bởi những tình cảm mạnh mẽ; trái lại nó chỉ còn là một khí cụ để phục vụ ý muốn của con người, ta muốn có kết luận nào là ta huy động một số lý lẽ thuận tiện để đi đến kết luận đó. Lý lẽ hợp lý không làm gì được để chống lại quyền lợi của tình cảm, bởi vậy cho nên trong thế giới quyền lợi đem nhẽ lý ra so tài không được việc gì cả. Kinh nghiệm phân tâm học xác nhận sự thật ấy. Hàng ngày chúng tôi có dịp nhận thấy những người thông minh nhất bất thần mất cả khả năng suy xét và xử sự như những người ngu muội, khi những ý kiến trình bày với họ vấp phải sự kháng cự của tâm tình; nhưng khi đã đánh tan được sức kháng cự ấy thì trí tuệ và sự hiểu biết của họ sẽ trở lại bình thường. Cuộc chiến tranh này đã làm cho những phần tử ưu tú nhất phải mù quáng lý trí, đó chỉ là một hiện tượng thứ yếu, đó chỉ là hậu quả của sự khích động tình cảm, chúng ta mong rằng nó sẽ biến mất khi những nguyên nhân của nó cũng biến mất.

Sau khi đã học cách tìm hiểu con người chúng ta không đến nỗi quá buồn vì thất vọng gây ra bởi các dân tộc kình chống nhau, chúng ta phải học cách đòi hỏi ở họ vừa phải thôi. Các dân tộc tái tạo lại sự tiến hóa của cá nhân, có thể rằng ngày nay các dân tộc cũng còn ở giai đoạn tổ chức nguyên sơ, giai đoạn còn thấp kém trên bước đường đưa đến sự tổ chức cao hơn. Bởi vậy cho nên chúng ta vẫn chưa thấy hậu quả đạo đức hóa của áp lực bên ngoài. Chúng ta có thể hy vọng rằng một cộng đồng quyền lợi rộng lớn tạo ra bởi sự giao thông tiện lợi, bởi sự thông thương, bởi sự liên lạc ngày càng nhiều, sẽ tạo áp lực có hậu quả đạo đức hóa như thế. Nhưng lúc này hầu như các dân tộc nghe theo tham vọng của họ hơn là quyền lợi chính đáng. Họ chỉ đem quyền lợi chánh đáng ra làm bình phong để lấy có thỏa mãn dục vọng, để biện bác cho sự thỏa mãn dục vọng của họ. Tại sao các chủng tộc thường hay khinh bỉ nhau, ghét bỏ nhau, căm thù nhau như vậy? Đó là một sự bí mật mà tôi không hiểu được. Chỉ cần tụ hội một số đông, một triệu người là những sở đắc về đạo đức của con người ta tan rã chỉ còn lại những thái độ tâm thần nguyên sơ nhất, thô lỗ nhất, hung bạo nhất. Hiệu quả ấy rất đáng tiếc, nhưng có lẽ sẽ bớt khốc hại dần nhờ sự tiến hóa. Tăng thêm sự thẳng thắn và sự thành thực trong mối liên lạc giữa mọi người, giữa nhà cầm quyền và người bị trí sẽ đem lại may mắn để khai lối cho sự tiến hóa ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.