Nghiên cứu phân tâm học

2. Nguyên tắc khoan khoái và bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương, nguyên tắc khoan khoái và trò chơi trẻ con



Sau những khi thân xác con người bị đụng mạnh như những tai nạn hỏa xa và những tai nạn khác nguy hiểm đến tính mạng, người ta thấy xảy ra một trạng thái đã lâu nay được mô tả với tên gọi là “suy nhược thần kinh ngoại thương” (névrose traumatique). Trận chiến tranh khủng khiếp mới kết liễu đã gây ra nhiều bệnh thuộc loại ấy, và ít ra cũng cho ta thấy sự bất lực của những quan điểm xếp loại những bệnh ấy vào loại tổn thương vật chất của trung học hệ đồng thời xuất hiện với sự té ngã hay va chạm quá mạnh. Những bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương rất gần với bệnh loạn thần kinh (hystérie) vì có nhiều triệu chứng vận động (symtôme moteur), nhưng thường thường có khác vì những dấu hiệu đau đớn chủ quan (tinh thần) như trong trường hợp chứng ưu uất (mélancolie) và chứng u uất (hypochondrie), cũng có khác vì sự suy yếu và đảo lộn gần hết các cơ năng tâm thần. Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa có một ý niệm đúng về bệnh suy nhược thần kinh thời chiến tranh và suy nhược thần kinh ngoại thương. Trong loại bệnh suy nhược thần kinh thời chiến có một sự kiện hầu như vừa làm cho vấn đề sáng sủa thêm lại vừa làm cho vấn đề rắc rối thêm, đó là sự kiện sau đây: những triệu chứng bệnh hoạn, tùy trường hợp, có thể xảy ra, mà bệnh nhân không bị tai nạn thương tích trầm trọng. Còn như bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương thông thường thì chúng tôi thấy có hai điểm có thể dẫn lối cho công việc khảo sát, đó là sự ngạc nhiên  sự kinh hãi, hai yếu tố ấy hình như đóng một vai trò chủ chốt gây ra bệnh, trong bệnh ấy hầu như người bệnh không có thương tích hay tổn thương nào cả. Thường thường người ta vẫn coi những chữ kinh hãisợ hãi và lo sợlà những danh từ đồng nghĩa. Như vậy có sự lầm lẫn đáng tiếc; rất dễ nhận thấy khác nhau nếu ta nhận xét xem mỗi xúc động trong ba loại ấy liên hệ với sự nguy hiểm thế nào. Lo sợ là một trạng thái đặc biệt ở điểm chờ đợi sự nguy hiểm, người ta chuẩn bị để đối phó với một sự nguy hiểm mà người ta biết rõ hay không biết rõ; sợ hãi thì phải có một vật trước mắt làm cho người ta phát sinh sự sợ hãi đó; còn như kinh hãi thì là một trạng thái phát sinh vì có một sự nguy hiểm hiện tại và bất ngờ: nét đặc biệt của nó là sự bất chợt. Tôi không cho rằng sự lo sợ có thể gây ra bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương; trong sự lo sợ có cái gì bảo vệ người ta chống lại sự kinh hãi và chống lại bệnh suy nhược thần kinh mà sự kinh hãi gây ra. Đây là một điểm mà sau này sẽ còn nói đến.

Nghiên cứu giấc mơ có thể là phương tiện thăm dò chắc chắn nhất để tìm hiểu những tiến trình tâm thần sâu xa. Trong giấc mơ của những người mắc bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương có một điểm đặc biệt là họ trở lại tình trạng bị tai nạn, lúc tỉnh dậy họ lại có một sự kinh hãi khác. Tiếc rằng sự kiện ấy không làm cho người ta ngạc nhiên mấy tí. Người ta cho rằng đây là một bằng chứng về cường độ mạnh của ấn tượng về tai nạn gây ra ngoại thương, ấn tượng đó mạnh mẽ đến nỗi trong giấc ngủ người bệnh lại thấy nó. Như thế có thể nói rằng tâm thần người bệnh bị cột chặt vào với ngoại thương. Về bệnh loạn thần kinh, chúng tôi đã biết từ lâu rằng người bệnh đứng dừng lại ở biến cố ngoại thương khiến cho họ thành bệnh. Breuer và Freud, vào năm 1893 đã nói rằng: “Chỗ đau khổ nhất của người loạn thần kinh là họ nhớ lại.” Trong những bệnh suy nhược thần kinh thời chiến tranh, Ferenczi và Simmel tưởng rằng có thể cắt nghĩa một vài triệu chứng vận động[1] bằng hiện tượng “dừng lại ở tình trạng ngoại thương.”

[1] Symptôme moteur.

Nhưng chúng tôi không hề biết có người nào mắc bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương mà trong lúc thức họ bận tâm nhiều đến kỷ niệm về tai nạn xảy ra cho họ. Trái lại họ cố gắng quên đi không nghĩ đến nữa. Dù cho rằng giấc mộng ban đêm tự nhiên đặt người vào tình trạng làm ra bệnh chăng nữa, người ta cũng tỏ ra không biết đến bản chất của giấc mơ. Có lẽ bản chất giấc mơ của người bệnh phải gồm những quang cảnh thuộc về thời kỳ mà họ còn khỏe mạnh hay liên hệ đến hy vọng khỏi bệnh của họ. Tuy những giấc mơ đau khổ thường kèm theo bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương, nhưng chúng tôi muốn bảo vệ quan điểm của chúng tôi – duy nhất phù hợp với sự việc có thật ngoài thực tại – theo quan điểm ấy thì khuynh hướng trội hẳn của giấc mơ là khuynh hướng thực hiện ước vọng; muốn bảo vệ quan điểm ấy thì chúng tôi phải chấp nhận rằng trong trạng thái ấy chức vụ của giấc mơ, cũng như nhiều chức vụ khác, đã bị xáo trộn trầm trọng, nó đã bị đánh lạc khỏi mục tiêu của nó, hay chúng tôi phải nói đến những khuynh hướng tự hành hạ bí hiểm (masochisme).

Bởi vậy chúng tôi đề nghị hãy gác lại vấn đề suy nhược thần kinh ngoại thương tối tăm mờ mịt mà chỉ nghiên cứu xem bộ máy tâm thần làm cách nào để thực hiện một công việc bình thường và sớm sủa nhất là trò chơi trẻ em.

Những lý thuyết về trò chơi trẻ em mới đây đã được S. Pfeifer trình bày và xét định về phương diện phân tích trong cuốn sách Imago (V, 4), tôi xin giới thiệu cuốn sách ấy với quý bạn đọc. Những thuyết ấy cố gắng tìm ra những nguyên nhân chi phối trò chơi trẻ em, nhưng không nhấn mạnh quan điểm điều động và tổ chức, liên lạc với việc tìm khoan khoái của đứa trẻ. Chúng tôi không bận tâm với toàn bộ những hiện tượng ấy, chúng tôi chỉ nhân một cơ hội thuận tiện, quan sát một đứa trẻ mười tám tháng chơi một trò thứ nhất tự nó nghĩ ra. Không phải là một việc quan sát sơ qua, vì tôi đã sống trong nhiều tuần lễ cùng với đứa bé và cha mẹ nó trước khi đoán ra ý nghĩa những hành vi bí hiểm nhắc đi nhắc lại nhiều lần của đứa bé.

Đứa trẻ không có dấu hiệu gì là thông minh sớm; nó biết đi lúc mười tám tháng, nó chỉ biết nói một vài tiếng có thể hiểu được và kêu một vài tiếng ấm ứ mà người xung quanh nó hiểu lắm; cách đối xử của nó với cha mẹ và người đầy tớ gái duy nhất trong nhà là rất tốt, ai cũng khen đứa bé ngoan. Nó không quấy đêm, cha mẹ cấm sờ vào vật gì hay bước vào chỗ nào nó cũng vâng lời, nhất là lúc vắng mẹ nó không khóc, tuy mẹ vắng mặt trong nhiều giờ và nó bám riết mẹ, mẹ đã cho bú sữa mẹ và một mình nuôi con không có ai trợ giúp. Đứa trẻ ngoan ấy có thói quen cầm được cái gì cũng ném vào một góc nhà hay xuống gầm giường,… Sau này tìm kiếm và thu nhặt những vật ấy lại không phải là công việc dễ. Khi liệng đồ vật đi xa như vậy nó nói theo một tiếng o-o-o, bà mẹ và người quan sát nó đều đồng ý với nhau rằng tiếng kêu đó không phải là một thán từ, mà có nghĩa tương đương với chữ “mạnh” (ném mạnh cho thật xa). Sau cùng tôi nhận thấy đó là một trò chơi của nó, đứa trẻ chỉ dùng đồ chơi để “ném ra xa”. Một hôm tôi quan sát thấy sự kiện sau đây, sự kiện xác định cách nhìn của tôi. Đứa trẻ có một cái ống chỉ bằng gỗ buộc sợi dây. Nó không bao giờ nghĩ đến cách chơi cầm đầu dây kéo theo ống đằng sau làm chơi kéo xe; nhưng nó cầm đầu dây rồi ném ống chỉ rất khéo qua thành giường cho rớt ra ngoài khuất mắt nó. Bấy giờ nó kêu lên tiếng o-o-o như mọi lần, sau đấy nó cầm đầu dây lôi ống chỉ lên vui vẻ mà chào bằng tiếng “đa” (đây rồi!). Trò chơi như thế là đầy đủ, gồm có một hồi làm biến mất đồ vật và hồi thứ hai làm tái xuất hiện đồ vật, nhưng thường thường người ta chỉ trông thấy có hồi thứ nhất nhắc đi nhắc lại mãi đến nhàm chán, hiển nhiên là hồi thứ hai mới làm cho đứa trẻ vui thích hơn cả.

Giải thích trò chơi ấy cũng dễ. Sự cố gắng lớn lao của đứa trẻ có nghĩa là từ bỏ một xu hướng (sự thỏa mãn một xu hướng), và như thế để chịu đựng tình trạng vắng mẹ mà không ta thán. Đứa trẻ tự đền bù sự vắng mặt mẹ bằng cách tái tạo quang cảnh biến mất rồi tái xuất hiện với những đồ vật ở tầm tay nó. Dĩ nhiên giá trị tình cảm của trò chơi không tùy thuộc sự kiện chính nó nghĩ ra, hay người nào, cảnh tượng nào đã gợi ý cho nó. Cái chúng tôi chú trọng đến ở chỗ khác chứ không ở chỗ ấy. Hẳn là bà mẹ đi khỏi đối với đứa trẻ không phải là một chuyện vui vẻ hay nó chỉ dửng dưng. Như vậy thì ta làm cách nào dùung hòa việc tái tạo một sự tình đau khổ cho nó với nguyên tắc khoan khoái? Có lẽ người ta sẽ bảo rằng biến việc mẹ đi khỏi thành trò chơi là bởi mẹ đi khỏi bao giờ cũng cần phải xảy ra trước rồi sau mới có lúc mẹ trở về là lúc vui vẻ mà đứa trẻ cho là đối tượng của trò chơi. Nhưng cắt nghĩa như thế không đúng với những điều quan sát được; hồi thứ nhất nghĩa là lúc mẹ đi, tạo cho nó một trò chơi riêng rẽ, đứa trẻ lặp lại cảnh tượng ấy nhiều hơn cảnh tượng mẹ về và không nhắc tới cảnh mẹ về.

Phân tích một trường hợp như thế không đủ yếu tố để kết luận dứt khoát. Một sự quan sát vô tư sẽ cho cảm tưởng rằng nếu đứa trẻ đã lấy những sự tình ấy là chủ đích cho trò chơi, thì đó là bởi những lý do khác. Trước biến cố mẹ đi khỏi, nó phải chịu đựng biến cố một cách thụ động; thế mà bây giờ nó đóng một vai trò chủ động, nó tái tạo hoàn cảnh dưới hình thức trò chơi, tuy rằng hoàn cảnh ấy làm nó khó chịu. Người ta có thể nói rằng nó tìm cách thỏa mãn một xu hướng thống trị (đây là làm chủ tình thế); khuynh hướng ấy muốn được củng cố, không đếm xỉa đến chuyện nhớ lại vui hay buồn. Nhưng người ta cũng có cách giải thích khác. Ném một đồ vật đi cho khuất mắt có thể để thỏa mãn khuynh hướng báo thù trước mắt mẹ và tỏ cho mẹ biết rằng: “Thôi mẹ đi đi, con không cần mẹ nữa, con cũng xua mẹ đi đó.” Vẫn đứa trẻ mười tám tháng mà tôi nói đến trên kia, đến năm nó được hai tuổi rưỡi lại có thói ném đồ chơi xuống đất nếu đồ chơi không vừa ý nó, vừa ném vừa nói: “Đi làm đánh trận!” Cha nó không có nhà, người ta bảo nó rằng cha nó đi đánh trận; nó không hề tỏ ý muốn gặp cha, nhưng tỏ những dấu hiệu có ý nghĩa chắc chắn rằng nó không muốn ai phá rối sự độc quyền sở hữu mẹ của nó[2]. Ngoài ra chúng ta còn biết rằng trẻ con thường có những xung động thù nghịch với người khác, nó liệng những đồ vật đối với nó tượng trưng cho một vài người nào đó. Như vậy, chúng ta có thể tự hỏi rằng về phương diện tâm thần, khuynh hướng đồng hóa mình với một biến cố làm mình cảm xúc và khuynh hướng làm chủ được tình thế, có thể bộc lộ, không đếm xỉa gì đến nguyên tắc khoan khoái chăng? Trong trường hợp chúng ta nói đây, đứa trẻ tái tạo một ấn tượng khó chịu, có lẽ tại nó cho rằng tái tạo tình trạng ấy là phương tiện để đạt tới sự khoan khoái nhưng trực tiếp.

[2] Đứa trẻ này mồ côi mẹ năm được năm tuổi chín tháng. Lần này thì mẹ đi xa thật sự (o-o-o), đứa trẻ không bộc lộ chút buồn rầu nào. Vả chăng nó đã có em và nó ghen với em đến cùng cực.

Nghiên cứu trò chơi con nít cách nào chúng ta cũng không có dữ kiện nào chắc chắn để quyết định lấy một trong hai cách nhìn ấy. Chúng ta nhận thấy trong lúc chơi đứa trẻ tái tạo tất cả cái gì ở ngoài đời đã xúc động nó, nó dùng một cách tránh-phản-ứng để kháng cự cảm tưởng mạnh, nó tìm cách làm chủ cảm tưởng mạnh đó. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy một cách hiển nhiên rằng khi lựa trò chơi, trẻ con cũng còn có một ý muốn rất mạnh mẽ đối với tuổi của nó: ý muốn là người lớn và xử sự như người lớn. Người ta cũng nhận thấy rằng cái gì khó chịu vẫn có thể đem biến đổi đi và diễn lại thành trò chơi. Một đứa trẻ đau cổ họng phải đến nhờ ông thầy giải phẫu: đó là một kỷ niệm đau đớn cho nó, nhưng nó vẫn nhớ lại và diễn lại trong lúc chơi; người ta có thể nhận thấy trong việc diễn lại cuộc giải phẫu đứa trẻ đã tìm được sự khoan khoái gì và nguồn gốc của sự khoan khoái ấy: trong lúc chơi, nó biến đổi sự thụ động của nó khi chịu giải phẫu ra hành vi chủ động, nó đóng vai ông thầy để làm cho bạn nó phải đau đớn như nó đã phải chịu, và như thế nó làm đau bạn nó để trả thù thầy thuốc, bạn chịu tội thay thầy thuốc vì nó không làm gì được thầy thuốc.

Dù sao thì những quan điểm trên đây cũng cho ta thấy rằng cắt nghĩa trò chơi bằng bản năng bắt chước là đưa ra một giả thiết vô bổ. Cũng nên nói thêm rằng khác với những gì đã xảy ra trong trò chơi của trẻ em, trò chơi và sự bắt chước của giới nghệ sĩ trực tiếp nhắm vào cá nhân khán giả, thí dụ trong một tấn bi kịch, người ta tìm cách truyền cho khán giả những cảm tưởng đau đớn của mình, tuy rằng những cảm tưởng ấy là nguồn gốc những thú vui cao cả. Như vậy, chúng ta nhận thấy, tuy rằng có nguyên tắc khoan khoái ngự ở trên, những khía cạnh cực nhọc và khó chịu của việc đời vẫn tìm được đường lối và phương tiện để đè nặng lên hồi tưởng của chúng ta và trở thành những đối tượng của sinh hoạt tâm thần. Những trường hợp và tình trạng ấy có thể có kết quả cuối cùng là tăng thêm sự khoan khoái, chúng có thể là đối tượng để nghiên cứu quan niệm thiện mỹ của con người, đứng về phương diện điều động và tổ chức; nhưng vì mục đích của chúng tôi, những trường hợp và tình trạng ấy không có ích lợi gì, những trường hợp và tình trạng ấy tựu trung đã hàm ý chấp nhận rằng có nguyên tắc khoan khoái và ưu thế của nguyên tắc khoan khoái, chúng tôi không biết gì thêm về những khuynh hướng ở ngoài nguyên tắc đó, nghĩa là đứng độc lập đối với nguyên tắc đó và có lẽ có tính cách nguyên sơ hơn nó nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.