Nghiên cứu phân tâm học

5. Giáo hội và quân đội, hai đám đông qui ước



Đám đông, xét về phương diện hình thái học, có thể phân biệt ra rất nhiều thứ loại, đám đông nọ có thể theo một chiều hướng đối lập với đám đông kia để nhóm họp và tập hợp thành phần. Có những đám đông chỉ hiện hữu tâm trạng chốc lát, nhưng cũng có những đám đông tồn tại thường xuyên; có những đám đông mà thành phần tương đồng, lại có những đám đông mà thành phần tương dị; có những đám đông tự nhiên người ta tới tề tựu với nhau, lại có những đám đông chỉ tập hợp vì bị thách thức, có những đám đông thô lỗ cổ sơ, lại có những đám đông đã phân hóa và có hình thức tổ chức rất cao. Vì những lý do sau này sẽ nói đến, chúng tôi nhấn mạnh đặc biệt đến một điểm chưa được ai chú trọng: đám đông không người cầm đầu và đám đông có người cầm đầu. Trái với phương sách quen dùng, chúng tôi không bắt đầu từ một đám người tụ hội giản dị đơn sơ nhất, mà chúng tôi khởi sự nghiên cứu những nhóm người tề tựu thường xuyên, có quy ước với nhau và có trình độ tổ chức rất cao. Hai nhóm đáng chú ý hơn cả là giáo hội và quân đội.

Giáo hội và quân đội là những nhóm mà sự kết hợp được bảo đảm bởi sức cưỡng bách ở ngoài, sức cưỡng bách ấy đồng thời cũng chống lại sự đổi mới cơ cấu. Nói một cách đại loại thì người tham dự vào những nhóm đấy không được thỉnh ý để biết có thỏa thuận hay không; người ta không được tự ý gia nhập hay rút lui, người muốn trốn thoát sẽ bị phạt rất nặng, hay ít ra đoàn thể đã dự định những điều kiện thật khó khăn để cho rút lui. Lúc này chúng ta chưa cần biết tại sao những đoàn thể ấy lại cần những sự bảo đảm như thế. Điểm đáng chú ý là những đoàn thể có tổ chức chặt chẽ để tránh sự tan rã như thế, đã cho chúng ta biết nhiều đặc điểm mà các đoàn thể khác không cho thấy.

Trong quân đội và giáo hội (nên chọn giáo hội Công giáo làm mẫu), mặc dù có ít nhiều khác biệt, nhưng vẫn có một ảo tưởng chung, đó là sự hiện hữu (có mặt hay tưởng tượng) một người cầm đầu (đấng Christ trong giáo hội và vị tổng tư lệnh trong quân đội), người cầm đầu thương yêu mọi người trong đoàn thể ai cũng như ai. Đó là một ảo tưởng làm nền móng để xây dựng tất cả những sự kiện khác, nếu ảo tưởng ấy không còn thì giáo hội và quân đội phải tan rã khi nào không có sự ép buộc bên ngoài. Đấng Christ yêu tất cả mọi người như nhau, không trừ một ai, ý ấy diễn đạt rõ ràng trong câu nói sau đây: “Nhà ngươi làm cái gì liên hệ đến người anh em hèn mọn nhất của ta là nhà ngươi xúc phạm đến ta.” Đối với những phần tử trong nhóm tín đồ thì đấng Christ có thái độ một người anh cả, một người cha. Người ta đã nhân danh tình yêu của đấng Christ đó mà bắt buộc con chiên phải nghe theo ý kiến của người ta. Có một luồng gió dân chủ thổi qua giáo hội và phấn khích mọi người bởi vì người người thấy mình ngang hàng với nhau khi đến trước mặt Thượng đế, người người đều được Chúa yêu mến như nhau. Không phải là không có lý do sâu xa khi người ta nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa cộng đồng Công giáo và một gia đình, khi các tín đồ coi nhau như anh em ruột được Chúa thương yêu như nhau. Ta không thể chối cãi được rằng mối dây ràng buộc mỗi người với đấng Christ là nguyên nhân của mối dây ràng buộc người này vào với người kia. Trong quân đội cũng thế; vị tướng cũng là người cha yêu mến đồng đều quân nhân trong hàng ngũ, vì tình yêu của vị tướng đó mà mọi người trong quân đội thân hữu với nhau. Về phương diện cơ cấu, quân đội khác giáo hội ở điểm đẳng cấp của quân đội thiết lập theo thứ tự từ trên xuống dưới; vị đoàn trưởng là cha của một đoàn, vị đội trưởng là cha của một đội. Dĩ nhiên, trong giáo hội cũng có cấp bậc tương tự, nhưng cấp bậc đó không đóng vai trò người cha, vì vai trò ấy dành riêng cho đấng Christ, đấng Christ biết rõ nhu cầu của con chiên và lo cho con chiên chu đáo hơn bất cứ người phàm trần ở cấp bậc nào.

Quan niệm một cơ cấu của quân đội đặt nền tảng trên dục tính (libido) như thế không tránh khỏi được sự chỉ trích, người ta sẽ chỉ trích rằng chúng tôi không kể đến những khái niệm tổ quốc, danh dự tổ quốc,… đã giữ vững tinh thần đoàn kết quân đội. Xin trả lời rằng những yếu tố đoàn kết ấy thuộc về một lãnh vực khác và không giản dị như người ta tưởng; vả chăng nếu chúng ta xét đến những đạo binh của César, Wallenstein, Napoléon, thì chúng ta sẽ thấy những yếu tố ấy không cần thiết cho sự thiết lập và duy trì quân đội. Sau này chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề có thể thay thế người cầm đầu bằng một ý niệm chỉ đạo và vấn đề liên lạc giữa người cầm đầu và ý niệm chỉ đạo.

Những người không chú trọng đến khái niệm libido trong quân đội – tuy rằng đó không phải là yếu tố duy nhất – không những lầm lẫn về lý thuyết mà còn gây ra nguy hiểm thực tiễn. Chế độ quân phiệt của nước Phổ không biết đến vấn đề tâm lý cũng như khoa học của nước Đức, đã gánh lấy hậu quả của sự lỗi lầm ấy trong thời kỳ thế chiến. Bệnh suy nhược thần kinh chiến tranh làm tan rã quân đội nước Đức là tiếng nói của con người phản đối sự bắt buộc họ đi lính; theo sự nghiên cứu của Simmel[27] thì người ta có thể cả quyết rằng nguyên nhân chính của bệnh thần kinh ấy là các cấp chỉ huy đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo với quân lính. Nếu người ta chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu tâm tình của quân lính thì hẳn là Tổng thống Wilson không đòi hỏi được đúng mười bốn điều yêu sách một cách dễ dàng, và nhà quân sự Đức không đến nỗi làm tan rã một công cụ tốt đẹp mà họ nắm trong tay như thế.

[27] Kriegsneurosen und psychiches Trauma, München 1918.

Chúng ta nên nhớ kỹ rằng trong hai đám đông quy ước ấy (giáo hội và quân đội) mỗi phần tử đều ràng buộc bởi liên lạc libido với người cầm đầu (đấng Christ, vị tổng tư lệnh) và với những người đồng hội đồng thuyền. Sau này chúng tôi sẽ nghiên cứu xem hai loại liên lạc ấy có tương đồng về bản chất và giá trị hay không, xem có thể miêu tả chúng theo nhỡn quan tâm lý học đến mức nào. Nhưng chúng tôi đã có thể chỉ trích những người cầm đầu đối với khoa tâm lý đám đông, vì lần đầu lựa chọn những điểm để nghiên cứu chúng tôi đã gặp được điều kiện may mắn hơn. Chúng tôi đã tìm được đường lối tốt để cắt nghĩa hiện tượng nền tảng của tâm lý đám đông, đó là tình trạng mất tự do của những người tham dự vào đấy. Vì con người của đám đông bị ràng buộc bởi những dây tình cảm kiên cố với hai vị trí khác nhau (người cầm đầu và bạn đồng đội) cho nên chúng ta dễ nhận thấy cá tính họ biến đổi và giảm thiểu như người ta đã nhận thấy.

Để chứng minh một lần nữa rằng yếu tính của một đám đông là những liên lạc libido bao vây con người như màng lưới dầy, chúng ta chỉ cần nghiên cứu hiện tượng hoảng sợ hay xảy ra trong hàng ngũ quân lính. Sự hoảng sợ phát sinh khi nào bắt đầu có sự tan rã. Bấy giờ lệnh trên không được tuân theo, ai nấy chỉ biết lo cho mình không biết đến người khác. Sự ràng buộc đã cắt bứt, một thứ sợ hãi mênh mang không thể cắt nghĩa được xâm chiếm lòng người. Dĩ nhiên người ta có thể cãi lại rằng chúng tôi đã đảo ngược thứ tự các hiện tượng mà nói như vậy chứ thực ra vì sự sợ hãi mạnh quá mức thường cho nên nó bóp nghẹt tất cả những tâm tính khác. Ông Mc Dougall (trong cuốn sách trích dẫn nói trên, trang 24) còn cho rằng sự hoảng sợ (ngoài phạm vi quân đội) là một thí dụ điển hình về sự phóng đại tình cảm bằng cách truyền nhiễm, ông gọi là cảm ứng nguyên thủy (primary induction). Sự giải thích thuần lý đó không thể thỏa mãn chúng ta được, vì đây chúng ta phải giải thích tại sao sự sợ hãi lại mãnh liệt quá chừng quá mức như vậy. Không thể nói rằng tại sự nguy hiểm lớn lao, vì đội quân thất đảm ấy trước đây đã đương đầu với những sự nguy hiểm cũng lớn lao như thế, nếu không lớn lao hơn; điểm đặc biệt của sự kinh hoảng chính là nó quá mãnh liệt so với sự nguy hiểm rất nhỏ nhặt nhiều khi không có gì đáng ngại cả. Một khi cá nhân đã hoảng sợ đến thất đảm thì họ chỉ nghĩ đến mình họ, như thế là họ đã đứt đoạn mối tương hệ tình cảm trước kia đã che lấp sự nguy hiểm trước mắt. Họ có cảm tưởng là họ chỉ có một mình phải đối phó với nguy hiểm cho nên họ phóng đại thêm sự nguy hiểm. Như vậy chúng ta có thể nói rằng sự kinh hoảng xảy ra vì có sự tan rã cơ cấu dục tính của đoàn thể, khiến cho cá nhân phản ứng trong điều kiện tan rã ấy; còn như quan niệm cho rằng sự nguy hiểm là nguyên nhân của sự tiêu hủy cơ cấu tình cảm của đoàn thể thì xét ra không phù hợp với sự thật ngoài đời.

Cách nhận định trên đây không hề phủ nhận quan điểm của Mc Dougall, theo đó sự sợ hãi tập thể có thể vì ảnh hưởng “cảm ứng nguyên thủy” mà tăng gia đến mức kinh khủng. Quan điểm ấy thích hợp lạ lùng để giải thích những trường hợp một đám đông thiếu hẳn sự ràng buộc bởi mối dây đoàn kết tình cảm chắc chắn mỗi khi bị đe dọa bởi mối nguy hiểm lớn lao. Trường hợp điển hình là trường hợp một đám cháy xảy ra trong một rạp hát hay một phòng tụ hội. Những trường hợp đáng chú ý và phù hợp với sự chứng minh của chúng tôi là trường hợp một đạo binh bị khiếp đảm vì một sự nguy hiểm không có gì là quá mức bình thường trước kia vẫn bình tĩnh vượt qua một cách cam đảm. Vả chăng danh từ “kinh hoảng” không có một nghĩa chuẩn xác và nhất định. Khi thì dùng để chỉ sự sợ hãi tập thể, khi thì chỉ sự sợ hãi của riêng từng người sợ hãi quá mức bình thường, nhiều khi còn dùng để chỉ những trường hợp bùng nổ sự sợ hãi vô cớ. Khi gán cho danh từ “kinh hoảng” nghĩa “sợ hãi tập thể”, chúng ta có thể tìm ra những nét tương đồng có tầm quan trọng lớn giữa trường hợp cá nhân và trường hợp đoàn thể. Cá nhân sợ hãi vì thấy nguy hiểm trầm trọng hay vì động đến những dây liên lạc tình cảm (những địa điểm tụ tập libido); trường hợp sau này là trường hợp lo sợ vì suy nhược thần kinh. (Xin coi Phân tâm học nhập môn, chương 25, Freud). Sự kinh hoảng xảy ra khi cái nguy hiểm đe dọa cả mọi người thêm trầm trọng, hay khi có sự tiêu hủy những mối liên lạc tình cảm đoàn kết đám đông; trong trường hợp sau sự lo sợ tập thể cũng tương tự sự lo sợ vì suy nhược thần kinh.

Khi người ta đồng ý với ông Dougall cho rằng sự kinh hoảng là một trong những phát hiện đặc biệt nhất của tâm lý đám đông, người ta sẽ đi đến kết luận mâu thuẫn rằng linh hồn tập thể tan rã giữa lúc đám đông để lộ đặc tính riêng biệt nhất, và cũng nhân sự bộc lộ ấy mà tan rã. Đã rõ rệt rằng kinh hoảng có nghĩa là tan rã đám đông mà hậu quả là mọi ràng buộc giữa các phần tử đều tiêu tan.

Trong môt đoạn văn của Nestroy viết để nhái vở kịch của Hebel (Judith và Holopherne), một chiến sĩ hô to: “Chủ súy của ta đã bị chém đầu”, thế là quân lính Assyrie bỏ chạy tán loạn. Đây là một thí dụ điển hình về sự phát sinh kinh hoảng, chỉ cần một cớ vô nghĩa là cũng đủ làm cho quân lính thất đảm. Sự nguy hiểm vẫn thế thôi nhưng quân lính chỉ mất tin tức về chủ súy, tưởng chủ súy đã chết hay mất tích cũng đủ sinh ra kinh hoảng. Khi đã mất những mối liên lạc tình cảm với chủ súy thì thường thường sự ràng buộc với anh em đồng đội cũng tan rã. Đám đông tan rã như tuyết gặp mặt trời.

Sự tan rã đám đông tôn giáo khó nhận định hơn. Mới đây tôi có dịp đọc một cuốn tiểu thuyết Anh viết trong tinh thần Công giáo và do một vị giám mục Luân Đôn giới thiệu. Cuốn tiểu thuyết nhan đề là When it was dark, theo tôi, đã mô tả rất khéo léo hậu quả của một tình trạng tan rã có thể xảy ra. Tác giả tưởng tượng một âm mưu kình chống cá nhân đấng Christ và tín ngưỡng Công giáo, kẻ âm mưu phao ngôn rằng đã tìm thấy ở Giêrusalem một cái hầm trong có tấm bia khắc câu thú nhận của Arimathie, ông này vì tin thờ đã đào mả Chúa Christ sau khi chôn được ba ngày, ăn cắp xác và đem đi giấu ở cái hầm ấy. Sự phát minh khảo cổ học ấy có nghĩa làm sụp đổ những tín điều về sự phục sinh của Chúa Christ, về bản chất thần linh của Chúa Christ, hậu quả là làm khuynh đảo cả một nền văn hóa Âu châu và làm gia tăng tội ác và bạo ngược lên mức độ khinh khủng, tình trạng kéo dài mãi cho đến khi người ta khám phá ra âm mưu của kẻ giả mạo.

Trong cái gọi là sự tan rã của đám đông tôn giáo nói trên đây, sự kiện bộc lộ ra không phải là sự sợ hãi vì không có cớ gì để sợ hãi cả; đó chỉ nà những xung động ác cảm với người khác, những xung động trước kia không thể xuất lộ được vì tình yêu của Chúa Christ đùm bọc cả mọi người[28]. Khi còn chúa Christ cũng có những người không bị ràng buộc vào những dây liên lạc tình cảm ấy, đó là những người ở ngoài cộng đồng Công giáo, họ không yêu chúa Christ và chúa Christ cũng không yêu họ. Chính vì thế cho nên một tôn giáo dù có mệnh danh là một tôn giáo của tình yêu cũng phải nghiêm khắc và không “yêu” được những người ngoại đạo. Xét cho cùng thì tôn giáo nào cũng là tôn giáo của tình yêu đối với những người bổn đạo, tôn giáo nào cũng sẵn sàng tỏ ra độc ác và không khoan dung những người không biết đến tôn giáo ấy.

[28] Trong cuốn Die Vaterlose Gesellschaft của Federn Vienne 1919, có giải thích những hiện tượng tương tự xảy ra khi sụp đổ quyền tộc trưởng.

Mặc dù có phương hại đến mình thế nào người ta cũng không nên quá chê trách kẻ tin đạo độc ác và hẹp hòi cố chấp; kẻ không tín ngưỡng và kẻ thờ ơ thật đã được may mắn hơn người khi tỏ ra lạnh lùng với những tâm tình ấy, đứng về phương diện tâm lý chúng ta có thể nói như vậy. Sự hẹp hòi cố chấp ngày nay không bùng ra mạnh bạo như thuở trước, nhưng người ta sẽ lầm lớn nếu người ta cho là ảnh hưởng của thuần phong mỹ tục đã làm dịu lòng người. Ta không thể chối cãi được rằng lý do làm cho con người hung bạo là tại lòng tin đạo đã sút giảm do đó mà những liên lạc tình cảm cũng tan rã theo.

Chỉ cần có một tập thể nào thay thế đoàn thể tôn giáo (thí dụ như trường hợp một đảng chính trị “cực đoan”) là người ta đủ thấy bùng nổ sự hẹp hòi cố chấp đối với người khác chánh kiến, chẳng khác gì sự cố chấp của các đoàn thể tôn giáo; sự khác biệt giữa hai quan niệm khoa học cũng có thể bị công chúng gán cho một tầm quan trọng không kém sự khác biệt tôn giáo, cũng có thể xảy ra những hậu quả tương tự vì những lý do tương tự.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.