Nghiên cứu phân tâm học

6 – Phần 2



Bây giờ chúng tôi phải nhấn mạnh đến sắc thái libido của những bản năng bảo tồn vì chúng tôi đã không ngần ngại mà đồng hóa bản năng dục tính với cái EROSros bảo tồn tất cả cái gì sinh sống; chúng tôi cũng cho rằng libido của cái Tôibắt nguồn từ những lượng libido làm cho những tế bào thân xác kết hợp với nhau. Do đó chúng tôi bỗng bị đặt trước câu hỏi sau đây: nếu những bản năng bảo tồn cũng có bản chất libido thì có lẽ không có bản năng nào khác ngoài những bản năng có sắc thái libido. Sự thật thì chúng tôi chưa bao giờ thấy những bản năng khác ấy. Như vậy người ta phải chấp nhận rằng người chỉ trích chúng tôi đã có lý, ngày xưa người ta chỉ trích rằng phân tâm học muốn dùng dục tính để cắt nghĩa bất cứ cái gì, ngày nay, Jung và một vài người khác, không ngần ngại dùng danh từ libido mỗi khi họ nói đến bản năng. Chúng ta phải có thái độ nào?

Ý muốn của chúng tôi không phải như vậy. Chúng tôi đã bắt đầu bằng cách phân biệt dứt khoát sau đây: bản năng của cái Tôi – bản năng đưa đến sự chết và bản năng dục tính – bản năng sinh sống. Chúng tôi còn định xếp những bản năng gọi là bản năng bảo tồn vào loại bản năng đưa đến sự chết, nhưng sau nghĩ lại chúng tôi nhận thấy tốt hơn hết là đừng nên xếp loại như thế. Cách nhìn của chúng tôi là cách nhìn lưỡng nguyên ngay từ lúc đầu và ngày nay còn rõ rệt thêm từ khi chúng tôi thay thế sự đối lập giữa những bản năng của cái Tôi và những bản năng nguyên thủy bằng sự đối lập giữa những bản năng sống và bản năng chết. Trái lại, thuyết của Jung là một thuyết nhất nguyên, ông chỉ chấp nhận có sức lực của bản năng và dùng danh từ libido để gọi sức lực ấy, ông đã gây ra phần nào hỗn loạn; tuy nhiên điều ấy không có gì làm cho chúng tôi phải băn khoăn. Chúng tôi ngờ rằng ngoài những bản năng bảo tồn có sắc thái libido, còn có những bản năng khác hoạt động trong cái Tôi, và chúng tôi cũng muốn chứng minh sự hiện hữu của chúng. Nhưng tiếc rằng sự phân tích chưa được sâu xa để có thể làm công việc chứng minh ấy. Vả chăng những bản năng của cái Tôicó sắc thái libido có thể phối hợp với những bản năng của cái Tôi khác mà chúng ta chưa biết được. Trước khi khám phá ra hiện tượng ngã ái, phân tâm học đã ngờ rằng trong những bản năng của cáiTôi hẳn là phải có những yếu tố thuộc về libido. Nhưng đó chỉ là chuyện có thể có, không được đích xác lắm, mà những người bài bác cũng không kể đến. Đáng tiếc rằng cho đến ngày nay sự phân tích chỉ cho phép chúng tôi chứng minh sự hiện hữu của bản năng có sắc thái libido. Tuy nhiên, chúng tôi không kết luận rằng không có những bản năng khác.

Vì thuyết bản năng ngày nay còn nhiều chỗ tối tăm, cho nên chúng ta không nên khước từ bất cứ một lời chỉ dẫn nào có hy vọng đưa đến sự lý giải. Chúng tôi đã khởi sự từ sự đối lập giữa bản năng sống và bản năng chết. Tình yêu tập trung vào một đối tượng cũng phơi ra hai bộ mặt: tình yêu (âu yếm) và ghét bỏ (gây gổ). Giá có thể tìm được một dây liên lạc giữa hai cực yêu và ghét, và quy về một đầu mối thì hay biết mấy! Chúng tôi vẫn khẳng định rằng bản năng dục tính có một yếu tố hành hạ, chúng tôi cũng biết rằng yếu tố ấy có thể trở nên độc lập, hiện ra hình thức một nết hư đốn và ngự trị trên đời sống tính dục của một người. Nó cũng xuất hiện với tư cách một bản năng bán phần hơn trội ở trong một tổ chức mà chúng tôi gọi là “tiền sinh dục” (pré-génital). Bây giờ ta làm cách nào để quy khuynh hướng hành hạ (tendance sadique) về khối những bản năng của Eros, nhiệm vụ của Eros là bảo tồn và duy trì đời sống trong khi bản năng hành hạ chỉ muốn phá hoại? Chúng ta có thể cho rằng tính hành hạ đó thực ra chỉ là bản năng chết mà libido ngã-ái đã tách rời ra khỏi cái Tôi, và nó chỉ nhắm vào người khác hay vật khác, chứ không nhắm vào cái Tôi nữa? Nó được dùng vào chức vụ dục tính; ở vào giai đoạn phát triển tối sơ của trẻ con, giai đoạn tổ chức tối sơ của libido, thì sự chiếm đoạt tình yêu cũng vừa là sự phá hủy vật mình yêu; đến giai đoạn sau khuynh hướng hành hạ đứng tự lập; sau cùng, đến giai đoạn phát triển sinh dục chính thức, mục tiêu chính của ái tình là sinh con, bấy giờ khuynh hướng hành hạ thúc đẩy người ta đoạt lấy vật mình ham muốn, và thống trị nó cách nào thích hợp để thực hiện sự giao hợp. Người ta có thể nói rằng khuynh hướng hành hạ tách rời khỏi cái Tôi, đã chỉ đường đi cho những yếu tố có tính cách libido; sau này những yếu tố ấy tìm cách thâm nhập vào đối tượng yêu của chúng. Trong những trường hợp mà khuynh hướng hành hạ nguyên thủy không giảm bớt và còn tinh thuần, chúng ta có một trạng thái lưỡng ứng “yêu-ghét” như thường xảy ra cho nhiều cặp tình nhân.

Nếu chúng ta có thể chấp nhận một giả thiết như thế thì chúng ta chẳng cần tìm thí dụ nào khác về bản năng chết: đây cũng là một trong những bản năng chết, tuy có hơi sai chỗ.

Nhưng giả thiết như thế có một khuyết điểm là không được cụ thể và chúng ta có cảm tưởng là một quan niệm thần bí. Khi đặt giả thuyết và chấp nhận giả thuyết, chúng tôi có thái độ làm cho người ta ngờ rằng chúng tôi muốn thoát khỏi ngõ bí bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi xin trả lời rằng giả thuyết ấy không phải là cái gì mới lạ, trước kia chúng tôi đã đưa ra rồi, mà lúc ấy thì chúng tôi không gặp cái gì khó khăn bế tắc cả. Trước đây kinh nghiệm trị bệnh đã bắt buộc chúng tôi phải có một cách nhìn theo đó thì khuynh hướng tự hành hạ (masochisme) là một bán phần bổ túc cho khuynh hướng hành hạ (sadisme), tự hành hạ là đem sự hành hạ thi hành với chính mình[13]. Nhưng trên nguyên tắc sự quay trở lại chính mình như thế không có gì khác sự nhắm vào đối tượng, hướng nhắm đó đối với chúng tôi là điều mới lạ. Khuynh hướng tự hành hạ hướng vào cái Tôi mà tác động như vậy thực ra chỉ là một sự thoái lui về giai đoạn trước của nó. Chỉ có một điểm trong sự định nghĩa khuynh hướng tự hành hạ là hẹp hòi quá cần phải hiệu đính: tự hành hạ có thể là một bản năng tối sơ, ngày trước chúng tôi không tin như vậy[14].

[13] Sexualtheorie, in lần thứ tư, 1920. “Triebe und Triebschicksale” trong cuốn Sammlung kliener Schriften zur Neurosenlehre, loại 4.

[14] Sabina Spielrein đã nghiên cứu lại vấn đề, có nhiều ý kiến nhưng không được sáng sủa. Yếu tố tự hành hạ trong bản năng dục tính được gọi là yếu tố phá hoại (“Die Destruction als Ursache des Werdens”,Jahrbuch für Psychoanalyse, IV, 1912) A. Starcke tìm cách đồng nhất hóa khái niệm libido với bản năng chết (Incleiding by de vertaling von V. Freud, de sexuele beschavingsmoral, 1914).

Nhưng chúng ta hãy trở lại những bản năng hướng về sự bảo tồn sự sống. Nghiên cứu loài vật độc bào chúng tôi đã thấy sự phối hợp hai con vật một lúc rồi lại rời nhau ra, có tác động đem lại cho cả hai con sự trẻ trung, sự bổ dưỡng (coi ở trên, công việc nghiên cứu của Lipschutz). Trong những thế hệ sau, con vật không có dấu hiệu già nua và hình như có thể chịu đựng được lâu ảnh hưởng độc hại của chất nó bài tiết ra. Tôi cho rằng đây là mẫu chính của cái gì nên coi là hậu quả có thể có của sự giao hợp. Nhưng khi hai tế bào hơi khác nhau phối hợp với nhau thì chúng dùng cách nào để đổi mới đời sống như vậy? Người ta đã thay thế sự giao cấu bằng cách kích thích con nguyên sinh động vật (độc bào), bằng sự kích thích hóa học, hay làm rung động ống thủy tinh đựng nó, người ta đã tìm ra một câu trả lời chắc chắn: sự đổi mới xảy ra vì có nhiều số lượng kích thích. Sự kiện ấy phù hợp với giả thuyết rằng tiến trình sinh sống của con vật vì những nguyên nhân nội tại sẽ hướng về sự sang bằng những áp lực hóa học, nghĩa là hướng về sự chết, còn như sự phối hợp với một chất sống khác, khác về phương diện nam nữ tính, làm tăng những áp lực đó, có thể nói là đưa vào những sự khác biệt mới về sự sinh sống, làm cho công việc san bằng phải kéo dài ra, như vậy là đời sống kéo dài thêm một thời gian nữa. Dĩ nhiên là phải có một hay nhiều điều kiện tốt nhất trong sự khác biệt nam nữ thì sự giao cấu mới đem lại kết quả mong muốn, nghĩa là làm cho trẻ lại, làm cho sống lâu thêm. Chúng tôi tin tưởng rằng đời sống tâm thần, có lẽ sự sinh hoạt của thần kinh nói chung, bị chi phối bởi khuynh hướng hạ thấp, bất biến, phá bỏ sự căng áp nội tại gây ra vì những khích động (nguyên tắc Niết bàn, theo cách nói của Barbara Low); sự tin tưởng ấy là một trong những lý do quan trọng khiến cho chúng tôi chủ trương có những bản năng dẫn đến sự chết.

Nhưng lý luận của chúng tôi hơi yếu vì chúng tôi không thể tìm ra trong bản năng dục tính có cái gì là khuynh hướng nhắc lại, chính sự khám phá ra khuynh hướng nhắc lại đã cho phép chúng tôi kết luận rằng có bản năng dắt đến sự chết. Hẳn là trong tiến trình triển khai cái mầm giống thiếu gì sự nhắc lại như thếể hai tế bào giống tham dự vào sự sinh sản bằng dục tính, vào sự tiến triển trên đường sinh sống, đều chỉ làm công việc nhắc lại, tái tạo, tổng kết những nguồn gốc và khởi điểm của đời sống cơ thể; nhưng cốt tủy của tiến trình thuộc về bản năng dục tính vẫn là sự phối hợp của hai tế bào. Chỉ nhờ sự phối hợp đó mà chất sinh sống của loài vật thượng đẳng mới có tính cách bất tử.

Nói một cách khác: chúng tôi muốn biết cách thức xuất hiện của sự sinh sản bằng dục tính và nguồn gốc của những bản năng dục tính nói chung, vấn đề ấy vẫn làm người đời ghê sợ mà các chuyên gia cũng chưa giải quyết được. Bởi vậy chúng tôi sẽ mau mắn và giản dị để lựa trong số những ý kiến mâu thuẫn nhau, những ý kiến có dính dáng đến cách nhìn của chúng tôi.

Người thì loại bỏ vẻ bí hiểm quyến rũ của vấn đề sinh sản và tuyên bố rằng sự sinh sản chỉ là một trong những cách phát hiện của sự tăng trưởng (sinh sản bằng cách phân đôi, đâm chồi,…). Nếu người ta theo cách nhìn thấp lè tè của Darwin, thì người ta có thể cắt nghĩa sự xuất hiện của cách sinh sản bằng hai tế bào khác nhau về nam nữ tính như sau: sự giao cấu ngẫu nhiên của loài vật độc bào tỏ ra có lợi cho giống nòi về phương diện nào đó, sự phối hợp hai tính chất được các thế hệ sau ghi nhớ và rút ra mãi kết luận cho đến giới hạn cuối cùng có thể kết luận được. Như vậy nam nữ tính không phải là một hiện tượng tối sơ, những bản năng rất mạnh mẽ thúc đẩy sự giao hợp dục tính chỉ thực hiện sự nhắc lại, sự tái tạo cái gì đã ngẫu nhiên xảy ra một lần và vì có lợi cho nên đã được giữ lại và lưu tồn.

Đến đây chúng ta cũng nên tự hỏi rằng chỉ nên gán cho loại nguyên sinh bào (độc bào) những đặc tính phát hiện ra và trông thấy được mà thôi hay còn có cái gì khác nữa; những sức lực và tiến trình mà tác động chỉ trở nên hiển nhiên ở những loài vật thượng đẳng thực ra chỉ mới phát sinh từ con vật thượng đẳng hay đã có từ trước ở thế tiềm năng? Quan niệm về dục tính nói trên không có ích lợi gì cho sự tìm tòi của chúng ta. Người ta có thể nói lại rằng quan niệm ấy cũng phải giả thiết rằng loài vật thô sơ nhất cũng phải có bản năng sinh sống rồi, nếu không thì con vật sẽ tránh sự giao cấu chứ không duy trì và phát triển, vì sự giao cấu chống đối lại hướng đi tự nhiên của đời sống (đi đến sợự chết), nó làm cho lúc chết lùi xa thêm. Vậy thì, nếu người ta không muốn từ bỏ giả thuyết về những bản năng dẫn đến sự chết thì người ta phải kèm thêm giả thuyết về những bản năng sinh sống. Nhưng chấp nhận như thế thì người ta bị đặt trước một giả thuyết có hai ẩn số. Những điều khoa học cho ta biết về sự phát sinh dục tính chẳng có bao nhiêu, bởi vậy chúng ta có thể ví vấn đề này với những bí mật tối tăm chưa có giả thuyết nào rọi vào được sáng.

Chúng ta cũng thấy một giả thuyết tương tự trong một lãnh vực hoàn toàn khác hẳn, nhưng giả thuyết lông bông quá, nó có vẻ một huyền thoại chứ không phải một cách giải thích khoa học, chúng tôi trích ra đây vì nó thỏa mãn một trong những điều kiện mà chúng tôi muốn có. Giả thuyết ấy cho rằngbản năng bắt nguồn từ nhu cầu tái lập một tình trạng có trước.

Tôi nghĩ đến giả thuyết của Platon, trong cuốn Tiệc hay Tình, trình bày không những nguồn gốc của bản năng dục tính mà còn nói đến một trong những sự thay đổi quan trọng nhất về sự liên lạc của dục tính với đối tượng dục tính:

“Ngày xưa, bản chất con người khác hẳn ngày nay. Nhân loại chia làm ba loại người chứ không phải hai như bây giờ. Cũng có hai loại nam và nữ, nhưng còn một loại nữa gồm cả nam lẫn nữ gọi là Androgyne. Giống Androgyne có hình tướng tròn tròn. Lưng và xương sườn uốn cong; nó có bốn tay, bốn chân, hai mặt y như nhau…, hai bộ phận sinh dục… Thần Zeus chặt con Androgyne làm hai cũng như người ta cắt trái thanh trà để đóng hộp.”

“… Cắt ra làm hai rồi, nửa nọ muốn phối hợp với nửa kia. Khi chúng gặp nhau chúng vòng tay ôm lấy nhau mạnh mẽ đến nỗi vì muốn tan mình vào làm một, chúng chịu đói và bất động, vì chúng không muốn ở một mình mà không có bạn.”[15] (Platon, Tiệc hay Tình)

[15] Xin cám ơn giáo sư H. Gomperz (Vienne) đã cho biết những chi tiết về nguồn gốc của huyền thoại. Xin quý vị lưu ý: thuyết này cũng được nói đến trong kinh Vệ Đà, ít ra về những nét chính. Trong cuốn Brihad – Aranyaka – Upanishad 1, 2, 3 (coi Deusen, 60 Upanishads des Vedas, tr.393) có nói đến nguồn gốc thế gian là cái Atman: “Nhưng Atman không thấy gì là vui sướng; nó không thấy vui sướng vì nó chỉ có một mình. Nó ước muốn có bạn. Nó lớn bằng một người đàn ông và một người đàn bà ôm lấy nhau. Nó phân thân ra làm hai: bởi vậy sinh ra vợ chồng. Chính vì thế mà thân thể người đàn ông giống như một nửa: đó là sự giải thích của Yajnavalkya. Và cũng chính vì thế mà có người đàn bà lấp chỗ trống trải.”

Kinh Vệ Đà Brihad – Aranyaka là kinh có từ lâu đời hơn cả, không ai nghĩ rằng đã có từ 800 năm trước Công nguyên. Trái với dư luận thường có, tôi muốn chấp nhận rằng Platon đã chịu ảnh hưởng Ấn Độ, ít ra một cách gián tiếp; đối với thuyết luân hồi thì ảnh hưởng Ấn Độ không thể chối cãi được. Platon chịu ảnh hưởng qua sự trung gian của những người theo chủ thuyết của Pythagore, nhưng cũng có thể rằng với một thái độ trí thức tương tự nhau, Platon và người Ấn Độ đã cùng có những ý tưởng như nhau. Chúng ta phải giả thiết rằng Platon sẽ không dùng câu chuyện truyền khẩu ở Đông phương, sẽ không chú trọng đến nó nếu câu chuyện không có gì là quen thuộc với ông, nếu ông không nhận thấy có một chân lý chói lọi.

Trong một bài báo nhan đề là “Menschen und Weltenwerden” (Neue Jahrbücher für das klassische Altertum, quyển 31, trang 592, 1913) nghiên cứu nguồn gốc của ý niệm Androgyne và Atman trước Platon. Ông K. Ziegler cho rằng đó là những biểu thị của xứ Babylonie.

Chúng tôi có nên theo lời triết gia kiêm thi sĩ mà đưa ra giả thuyết sau đây chăng? Chất sinh sống là chất duy nhất và bất khả phân trước khi tiếp thụ nguyên tắc sinh sống, nhưng từ khi đã có linh hồn thì phân chia ra làm hằng hà sa số những hạt nhỏ, từ đấy các hạt lại tìm cách hợp nhất lại dưới sự thúc đẩy của những bản năng dục tính? Những bản năng ấy diễn tả theo cách thức riêng của chúng, cái gọi là ái lực hóa học của vật chất vô hồn, chúng diễn biến trải qua đời sống loài nguyên sinh vật và dần dần vượt qua những khó khăn gây ra vì hoàn cảnh bên ngoài đầy những khích động chết người chống lại chúng và bách thúc chúng phải vậy chăng? Ngoài ra chúng ta có nên giả thiết rằng những hạt nhỏ chất sinh sống bị tách rời ra, đã thực hiện hình thức vật đa bào để thỏa ý gặp lại nhau, và sau cùng để quy tụ ý muốn kết hợp cao nhất trong các tế bào mầm giống? Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là không nên trả lời câu hỏi ấy và chỉ nên bàn luận đến đây thôi.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên nói thêm một vài lời bình luận. Người ta có thể hỏi tôi đồng ý với những giả thuyết ấy đến mức nào? Tôi xin trả lời rằng tôi không đồng ý và cũng không tìm cách làm cho người khác đồng ý và tin tưởng. Đúng hơn, tôi không thể nói được rằng tôi tin đến mức nào. Hình như trong trường hợp này không nên đưa vào yếu tố tình cảm. Người ta có thể nghe theo một luận giải, theo dõi sự lý luận cho đến giới hạn cuối cùng chỉ vì hiếu kỳ khoa học, nói cách khác, người ta làm thầy cãi cho con quỷ mà không theo con quỷ.

Tôi biết rằng giai đoạn thứ ba của thuyết bản năng mà tôi đề cập đến không thể chắc chắn được như hai giai đoạn đầu, nghĩa là tôi mở rộng khái niệm dục tính và bàn về ngã ái. Trong hai trường hợp sau, chúng tôi chỉ suy diễn điều quan sát được, sự suy diễn có thể lầm lộn, và những sự lầm lộn ấy có thể không quá mức trung bình thường có. Hẳn là thuyết thoái lui bản năng cũng dựa vào những sự kiện quan sát được, nhất là những sự kiện dính dáng đến khuynh hướng nhắc lại. Nhưng có thể rằng tôi đã gán cho những tài liệu và sự kiện ấy tầm quan trọng và giá trị quá lớn. Tuy nhiên cũng phải để ý đến điều kiện sau đây: ý kiến chúng tôi trình bày ở đây không thể trình bày cách nào khác cách ghép giả thuyết vào với sự việc cụ thể, và làm như vậy người ta phải đi xa sự quan sát thực sự nhiều hơn người ta tưởng. Người ta biết rằng những kết quả đạt được bằng cách ấy càng ít chắc chắn thì người ta càng dùng đến phương pháp ấy luôn, mà không thể cho biết rõ mức độ phỏng chừng là bao nhiêu. Trong những loại công việc như thế tôi không tin cậy cái người ta gọi là trực giác; theo sự phán đoán của tôi thì trực giác xuất hiện như hậu quả của sự thiên lệch trí năng. Khốn thay, thường thường người ta không được vô tư khi đứng trước những vấn đề lớn của khoa học và đời sống. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp ấy mỗi người bị chi phối bởi những ý kiến riêng của mình, những sở thích đó có nguồn gốc sâu xa, chúng gợi ý cho họ và chỉ đạo sự suy đoán của họ mà họ không biết. Chúng ta có lý do để ngờ vực như vậy, chúng ta chỉ còn cách chọn một thái độ điềm đạm độ lượng đối với sự cố gắng trí tuệ của chính mình. Thái độ phê phán đối với chính mình như thế không hề có ý dung thứ những ý kiến bất đồng. Người ta phải cương quyết gạt bỏ những lý thuyết mâu thuẫn với những điều mà chỉ cần phân tích sơ sài cũng đủ thấy, tuy nhiên, người ta cũng biết rằng thuyết của người ta đưa ra chỉ có thể tạm đúng mà thôi. Muốn phán xét sự suy đoán của chúng tôi về bản năng sinh sống và bản năng dẫn đến sự chết, người ta chẳng nên bối rối vì chúng tôi nói đến những tiến trình kỳ lạ không thể mô tả được một cách cụ thể, thí dụ như bản năng này dồn nén bản năng kia, một bản năng có thể đổi chỗ, nó từ bỏ cái Tôi để quay ra đối tượng khác. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi phải làm việc với những danh từ khoa học (đúng hơn, khoa học tâm lý bề sâu). Không có danh từ và ngôn từ ấy, có lẽ cũng không thể hình dung được chúng ra thế nào. Có lẽ cách mô tả của chúng tôi sẽ hết khuyết điểm nếu chúng tôi có thể thay thế danh từ tâm lý học bằng danh từ sinh lý học và hóa học. Hẳn là những danh từ sau cũng thuộc về một loại ngôn từ bóng bẩy, nhưng được cái dùng đã lâu ngày quen đi và có lẽ giản dị hơn.

Trái lại, chúng tôi nhận thấy cái làm tăng sự mù mịt của cách suy luận là những sở kiến phải vay mượn của sinh vật học. Hẳn là sinh vật học vẫn là lãnh vực có khả năng vô tận, một khoa học mà chúng ta có thể chờ đợi những lời giải thích lạ lùng nhất, mà chúng ta cũng không đoán trước được những câu trả lời sẽ có trong mười năm sau. Có lẽ những câu trả lời ấy sẽ làm cho cả lâu đài giả thuyết của chúng ta sụp đổ như con nít bày đình chùa bằng con cờ. Người ta sẽ tự hỏi rằng đã như thế thì làm những công việc như chúng tôi làm và đem công bố như thế chẳng hóa ra vô bổ lắm sao? Tôi xin trả lời rằng một vài điểm liên hệ và tương đồng mà chúng tôi tìm ra rất đáng được chú trọng[16].

[16] Tôi xin nói thêm vài điều để giải thích những danh từ đã dùng từ trước, sau này được nới rộng ý nghĩa. Về “bản năng dục tính”, chúng tôi biết vai trò của nó trong những tương quan nam nữ tính và chức vụ sinh sản. Sau này dữ kiện phân tâm học đã bắt buộc chúng tôi phải lơ là sự tương hệ giữa bản năng dục tính và chức vụ sinh sản, nhưng chúng tôi vẫn dùng danh từ bản năng dục tính. Khi khám phá ra libido ngã-ái và nới rộng khái niệm libido ra lãnh vực mỗi tế bào riêng rẽ, bản năng dục tính của chúng tôi trở thành Eros: Eros có nhiệm vụ kết hợp những thành phần của chất sinh sống, và giữ cho những thành phần ấy phối hợp với nhau; theo cách nhìn ấy thì cái thường gọi là bản năng dục tính sẽ xuất hiện như một trong những thành phần của Eros, thành phần nhắm vào đối tượng (của tính dục). Chúng tôi quan niệm rằng Eros tác động ngay từ lúc nguyên thủy, và khi chất sinh sống trở nên có hồn thì nó lấy tư cách “bản năng sinh sống” để chống lại “bản năng dẫn đến sự chết”. Nó tìm cách giải quyết bí mật của đời sống bằng sự tranh đấu của hai bản năng ấy, cuộc tranh đấu đã bắt đầu từ lúc bình minh của dòng sống và vẫn còn tiếp diễn. Về khái niệm “bản năng của cái Tôi” cũng có sự thay đổi. Thoạt kỳ thủy chúng tôi dùng danh từ ấy để chỉ tất cả những khuynh hướng bản năng không hiểu rõ lắm, những khuynh hướng ấy tách rời khỏi những bản năng dục tính nhắm vào đối tượng dục tính và có vết tích trong cái libido, chúng tôi cho rằng chúng chống đối bản năng dục tính. Nhưng sau khi đã phân tích sâu xa cái Tôi, chúng tôi nhận thấy một vài bản năng của cái Tôi cũng có bản chất libido và đối tượng của chúng lại chính là cái Tôi. Những bản năng bảo tồn ấy có bản chất ngã-ái, phải xếp vào loại “bản năng dục tính có bản chất libido”. Xếp loại như thế thì sẽ xuất hiện một sự đối lập khác, sự đối lập giữa những bản năng libido (hướng vào đối tượng và hướng vào cái Tôi) và những bản năng khác được quy về cái Tôi, và có lẽ thuộc loại những bản năng phá hoại. Sự đối lập cuối cùng này là đối lập giữa những bản năng sinh sống và những bản năng dẫn đến sự chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.