Nghiên cứu phân tâm học

7. Nguyên tắc khoan khoái và bản năng dẫn đến sự chết



Nếu quả thực các bản năng có nét chung là hướng về sự tái lập một tình trạng trước, thì chúng ta không lấy làm ngạc nhiên rằng trong số những tiến trình diễn biến qua đời sống tâm thần, có một số lớn không tùy thuộc nguyên tắc khoan khoái. Nét chung ấy lan rộng đến mỗi bản năng phân nhỏ, khiến cho bản năng phân nhỏ cũng chịu ảnh hưởng mà tìm cách trở lại một giai đoạn tiến hóa trước. Tất cả những phát hiện ấy tuy không bị chi phối bởi nguyên tắc khoan khoái nhưng không cần phải chống đối lại nó; bởi vậy cho nên vấn đề liên lạc giữa tiến trình bản năng nhắc lại và sự thống trị của nguyên tắc khoan khoái vẫn còn chưa giải quyết được.

Chúng ta đã nhận thấy một trong những chức vụ tối sơ và quan trọng nhất của bộ máy tâm thần là “liên kết” những khích động bản năng mỗi khi chúng đồn dập đến, là thay thế tiến trình nguyên thủy mà chúng lệ thuộc bằng tiến trình thứ nhì, là biến những lượng tinh lực tự do và chuyển động thành những lượng tinh lực bất động. Những sự thay đổi ấy có kèm theo cảm giác khó chịu hay không, điều ấy ta không cần biết; nhưng chúng ta phải nói rằng những sự thay đổi ấy không xúc phạm gì đến nguyên tắc khoan khoái cả, trái lại nguyên tắc khoan khoái dựa vào chúng mà hoạt động. Sự “liên kết” là một tác động chuẩn bị và củng cố sự thống trị của nguyên tắc khoan khoái.

Bây giờ chúng ta thử phân biệt chức vụ với khuynh hướng một cách rành rẽ hơn trước. Chúng ta sẽ nói: nguyên tắc khoan khoái là một khuynh hướng phục vụ công việc giữ cho bộ máy tâm thần, nói chung, không bị kích thích, hay ít ra giữ sự kích thích ở một mức độ cố định và càng thấp càng hay. Bây giờ chúng tôi không thể quyết định lấy một trong hai quan niệm, nhưng chúng tôi ghi nhận rằng chức vụ ấy tham dự vào khuynh hướng chung của tất cả cái gì sinh sống, khuynh hướng trở lại trạng thái tĩnh của thế giới vô cơ thể. Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết rằng khoái lạc mạnh nhất có thể đạt được là khoái lạc giao hợp, khoái lạc cao áp thế. Nhưng công việc liên kết của khích động bản năng chỉ là một chức vụ chuẩn bị, tạo cho sự kích thích cao áp thế đường lối chuyển thành khoan khoái giải tỏa áp thế.

Trong vấn đề này ta cũng nên tự hoảỏi rằng những kích thích không liên kết có thể tạo ra cảm giác khoan khoái hay khó chịu cũng như những kích thích liên kết chăng? Chúng tôi không thể chối cãi được rằng những tiến trình kích thích không liên kết, nghĩa là kích thích nguyên sơ, có thể tạo ra những cảm giác khoan khoái hay khó chịu mãnh liệt hơn những tiến trình kích thích liên kết, nghĩa là thứ hạng. Những tiến trình nguyên sơ cũng có trước những tiến trình thứ hạng; bởi vì lúc khởi thủy chưa có những kích thích khác, chúng ta có thể kết luận rằng nếu nguyên tắc khoan khoái chưa tác động, thì sau này nó không thể nào phát hiện ra được. Như vậy, phân tích đến cùng thì chúng ta sẽ đi đến một kết quả không có gì là giản dị, trong đời sống tâm thần thoạt kỳ thủy khoan khoái tìm khoan khoái phát lộ mạnh mẽ hơn về sau, nhưng có giới hạn và còn nhiều lúc đứt đoạn và ngưng lại. Đến những thời kỳ sau chín chắn hơn, nhưng những khuynh hướng phụ thuộc vào nguyên tắc khoan khoái cũng như những khoan khoái khác hẳn, không thể tránh khỏi được sự liên kết. Dẫu sao thì trong tiến trình kích thích, yếu tố sinh ra sự khoan khoái và khó chịu phải có mặt trong cả những tiến trình thứ hạng và tối sơ.

Đến đây có lẽ chúng ta nên mở đầu một loạt những cuộc nghiên cứu mới. Tâm thức của chúng ta nhận được trong người chúng ta cảm giác khoan khoái và khó chịu, ngoài ra còn là cảm giác về một áp thế đặc biệt, áp thế đó cũng làm ta thấy khoan khoái hay khó chịu. Những cảm giác sau sẽ cho phép chúng ta phân biệt tiến trình tinh lực liên kết với tiến trình tinh lực không liên kết chăng? Cảm giác áp thế liên hệ tới độ lớn tuyệt đối, tới mức độ tinh lực cao thấp, còn như cảm giác khoan khoái và khó chịu chính thức thì liên hệ tới sự biến đổi mức độ tinh lực trong một đơn vị thời gian, sự thể có xảy ra như vậy chăng? Ngoài ra còn một sự kiện khác rất đáng chú trọng: những bản năng sinh sống càng để lộ sự liên lạc mật thiết với những cảm giác bên trong, nếu chúng càng xuất hiện như cái gì phá rối sự bình ổn, nếu chúng càng là một nguồn áp lực liên miên và vô tận mà sự giải tỏa sẽ kèm theo cảm giác khoan khoái; còn như bản năng dẫn đến sự chết thì hầu như làm việc yên lặng, ngấm ngầm không ai biết cả. Thế mà hầu như nguyên tắc khoan khoái phục vụ khuynh hướng dẫn đến sự chết; vả chăng nó cũng đề phòng những kích thích tự ngoài đưa vào, nguy hiểm cho cả hai loại bản năng; nhưng nó có trách nhiệm đặc biệt chống lại những sự tăng cường độ kích thích bên ngoài có thể gây khó khăn cho sự sinh sống. Rất nhiều câu hỏi liên hệ đến vấn đề ấy nhưng không thể trả lời được. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi có những phương tiện củkiểm soát mới và những cơ hội nghiên cứu mới. Chúng ta cũng phải sẵn sàng loại bỏ những đường lối đã đi theo từ lâu, nhưng bây giờ chúng ta nhận thấy không thể đem lại cái gì khả thủ. Chỉ có những người muốn lấy khoa học thay thế cho giáo điều tôn giáo mà họ đã từ bỏ mới bực tức khi thấy một nhà bác học khoáng triển và có khi thay đổi ý kiến của mình. Chúng tôi mượn lời một thi nhân để tìm chút an ủi trong lúc buồn nản vì sự chậm chạp của toàn bộ khoa học:

Cái mà người ta không đạt được bằng đôi cánh bay đến cho nhanh, thì người ta phải đi khập khiễng chậm chạp mà đến…

Trong Thánh Kinh đã nói rằng đi khập khiễng không phải là một tội lỗi (Ruückert, Makamen des Hariri).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.