Nghiên cứu phân tâm học

3. Những quan điểm khác về sinh hoạt tâm thần tập thể



Chúng tôi dùng cuốn sách của ông Le Bon làm nhập đề vì ông nhấn mạnh đến vai trò tiềm thức của sinh hoạt tâm thần, quan niệm tâm lý học của ông rất gần quan niệm của chúng tôi. Tuy nhiên, những điều khẳng định của ông chẳng mang lại cho chúng tôi cái gì mới lạ. Ông khinh bỉ và chê bai cách cục của con người đám đông cũng không phải là việc chưa ai nghĩ đến, trước ông, các nhà tư tưởng, các chính khách, các thi gia ở khắp nơi và khắp các thời đại[20] đã từng khinh bỉ và chê bai như vậy với lời lẽ cũng gần như ông và cũng để lộ sự gay gắt mạnh mẽ như vậy. Hai quan điểm quan trọng nhất của ông, liên hệ đến đám đông mất trí khôn và phóng đại tình cảm, đã được Sighele đề cập đến trước đây ít lâu. Cái đặc biệt của ông Le Bon chỉ còn là ý kiến về tiềm thức và sự so sánh với sinh hoạt tâm thần của người bàn cổ, tuy rằng hai điểm này cũng đã có người nói đến rồi.

[20] Coi Die Psychologie der Kollektivitäten của B. Kraskovic Jung.

Hơn thế nữa, sự mô tả và xét định linh hồn tập thể như ta thấy trong tác phẩm của Le Bon và của những người khác, cũng đã khơi động lên nhiều sự chỉ trích. Hẳn những hiện tượng mà ông miêu tả đã được ông quan sát rất đúng, nhưng người ta có thể đưa ra những phát hiện khác của linh hồn tập thể khả dĩ gợi cho chúng ta một cách suy đoán có thiện cảm hơn.

Ông Le Bon chấp nhận rằng trong một vài trường hợp, đạo đức của đám đông có thể cao hơn của mỗi người tham dự vào đám đông ấy, rằng chỉ có đám đông là có thể tỏ ra hết sức vị tha và có thể có tinh thần hy sinh lớn.

“Lợi lộc cá nhân gần như là nguyên nhân duy nhất để cá nhân hành động, nhưng ít khi lợi lộc giữ được ưu thế đối với đám đông”.

Nhiều người khác nói đến sự kiện sau đây: xã hội đặt ra quy phạm đạo đức bắt cá nhân phải theo, chứ một mình cá nhân không thể vươn lên tới đạo đức được; người ta cả quyết rằng trong một vài trường hợp đặc biệt, trong tập thể bùng lên sự hứng khởi khiến cho tập thể làm được những việc cao cả và hào hiệp nhất.

Đối với sự sáng tác tinh thần thì chúng ta đồng ý rằng những công trình sáng tạo vĩ đại của tư tưởng, những phát minh quan trọng và những giải pháp quyết định cho những vấn đề lớn lao chỉ có thể đạt được nhờ sự suy tư và nghiên cứu của cá nhân tĩnh tâm làm việc biệt tịch ở một nơi. Tuy nhiên, linh hồn tập thể cũng có thể có sáng tác tinh thần, tiếng nói, bài hát bình dân, phong tục địa phương,… đã chứng minh điều ấy. Ngoài ra cũng phải xét xem nhà tư tưởng hay thi nhân làm việc một mình thực sự trong phạm vi nào, có thực họ không vay mượn gì của quần chúng hay họ chỉ lấy những tài liệu của quần chúng sáng tạo rồi kiếm ra một hình thức nhất định, một nét vẻ có ý thức.

Đứng trước những mâu thuẫn bề ngoài nan giải như thế, công việc làm của khoa tâm lý tập thể hầu như chỉ là việc làm vô bổ. Tuy nhiên cũng dễ tìm lối thoát để tiến tới cách giải đáp khả quan. Hẳn là người ta đã hơi cẩu thả khi dùng một danh từ đám đông để chỉ nhiều sự quần tụ khác nhau mà đúng ra phải phân biệt minh bạch. Nhiều điều mà Sighele và Le Bon nói đến chỉ đúng với những đám đông tụ hội nhất thời, một số người cùng bị thúc đẩy bởi quyền lợi như nhau trong giây lát kéo đến tụ hội, nhưng người này khác với người kia về đủ mọi phương diện chính yếu. Chắc chắn là tác giả ấy khi mô tả đám đông đã bị ảnh hưởng bởi những đám người làm cách mạng, nhất là cuộc Cách mạng Pháp. Còn như những người chống lại quan điểm của họ thì lại quan sát những đám người hội họp liên tục, ổn định trong suốt đời người và đã có phản ảnh vào định chế xã hội. Đám đông thuộc loại thứ nhất đối với đám đông thuộc loại thứ nhì cũng ví như những sóng ngắn nhưng cao đối với mặt biển to rộng.

Ông Mc Dougall, trong cuốn The group Mind, cũng nhận thấy mâu thuẫn ấy, và ông cho là có thể giải quyết được bằng cách đưa thêm vào yếu tố tổ chức. Ông nói rằng trong trường hợp giản dị nhất, quần chúng (đám đông) không có một sự tổ chức nào hay chỉ có một sự tổ chức sơ sài. Ông gọi đám quần chúng vô tổ chức ấy hay thiếu tổ chức ấy là đám đông (crowd). Hẳn là đám đông không thể thành hình và không thể tồn tại nếu không bắt đầu có sự tổ chức, chính trong những đám người tề tựu một cách giản dị sơ sài như thế mà chúng ta quan sát thấy rõ ràng sự xuất hiện một vài hiện tượng chính yếu của tâm lý tập thể (trang 22). Một số người họp lại thành đám đông trong chốc lát chỉ xác nhận “tâm lý đám đông” nếu họ có điểm nào như nhau, hoặc là họ cùng chú trọng đến một chuyện gì, hoặc là họ cùng xúc động vì một biến cố, và (vì thế) họ có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau đến một mức nào đó (some degree of reciprocal influence between the members of the group, trang 23). Trí óc và tình cảm của họ càng giống nhau, họ càng dễ họp thành đám đông mà cách cục của họ để lộ rõ hiện tượng tâm lý đám đông không còn nghi ngờ gì nữa.

Hiện tượng đặc biệt hơn cả và đồng thời cũng quan trọng hơn cả là tâm lý đám đông là con người bị phấn khích quá dễ dàng, bị tăng cường mức độ xúc động (trang 24).

Ông Mc Dougall còn nói thêm rằng người ta không còn thấy những điều kiện nào khác làm cho con người có những xúc động tâm tình mạnh mẽ như khi họp thành đám đông; con người còn cảm thông một sự khoan khoái nào đó khi để mặc cho say mê bùng ra, khi hòa mình vào với đám đông không còn bị giam hãm trong cái cá nhân chật hẹp của mình nữa. Ông giải thích sự tan rã cá nhân trong đoàn thể ấy bằng cái ông gọi là sự cảm ứng trực tiếp của xúc cảm, hậu quả của “phản ứng giao cảm nguyên thủy”[21] (trang 25), phân tâm học gia chúng tôi, chúng tôi đã biết hiện tượng ấy và chúng tôi gọi là sự truyền nhiễm tình cảm. Ngoài thực tại, chúng tôi biết rằng khi người ta tri giác những dấu hiệu của một trạng thái tâm tình khi những dấu hiệu đó tự động gợi ta hành động tương ứng với dấu hiệu đó. Sự tự động phản ứng đó càng mạnh mẽ nếu càng có nhiều người cùng có xúc động như nhau. Bấy giờ người ta không thể giữ thái độ phê phán được nữa, người ta cũng xúc động như mọi người. Khi ta xúc động như những người đã làm cho họ xúc động thì họ tăng cường sự xúc động của những người ấy, lượng tinh lực tình cảm của mỗi người gia tăng vì sự hỗ tương cảm ứng. Người ta như bị thúc đẩy, bị bắt buộc phải bắt trước người khác, phải đồng thanh đồng khí với mọi người. Xúc động càng thô lỗ và đơn sơ lại càng có hy vọng lan rộng khắp đám quần chúng bằng cách ấy (trang 39).

[21] Récation sympathique primitive.

Động cơ tăng cường tình cảm còn tác động dễ dàng hơn vì có ảnh hưởng của đám đông. Đám đông đem lại cho cá nhân cảm tưởng quyền lực vô hạn và cảm tưởng nguy hiểm ghê gớm. Trong chốc lát đám đông thay thế cho toàn thể xã hội, tượng trưng cho quyền thế mà người ta vẫn sợ, cũng vì quyền thế đó mà người ta phải kiêng nể và tự chế. Hẳn là chống đối lại đám đông thì thật là nguy hiểm, bởi vậy cho nên muốn được yên thân ai nấy nên theo gương những người ở quanh mình, nên “sủa theo đàn chó sói”. Đã phục thiện quyền thế mới người ta đành phải dẹp yên “tiếng nói lương tâm”, vì luân lý cương thường chỉ tổ làm cản trở con người, không cho họ thụ hưởng khoái lực như khi họ dự vào đám đông. Bởi vậy cho nên chúng ta không nên lấy làm lạ rằng cá nhân dự vào đám đông có thể làm và tán thưởng những điều mà lúc bình thường họ phải quay mặt đi; chúng tôi có lý do để hy vọng rằng sự kiện ấy sẽ đem lại cho chúng tôi chút ánh sáng về cái vẫn gọi bằng một tên bí hiểm là “ám thị”.

Ông Mc Dougall không chống đối quan điểm rằng mức độ thông minh của đám đông bị hạ thấp (trang 41). Ông nói rằng kẻ trì độn kéo người thông minh xuống trình độ thấp thỏm của họ. Người thông minh không có ảnh hưởng gì, vì tình cảm của đám đông bị khơi động mạnh mẽ, không thuận tiện cho con người suy nghĩ đắn đo, vì con người bị đám đông chèn ép không thể dùng đến trí thông minh của mình được, vì con người bị đám đông nuốt chửng, hành động của họ cũng kém phần trách nhiệm.

Sự xét định tổng quát về hoạt động tâm thần của đám đông “vô tổ chức”, theo Mc Dougall, cũng không có vẻ gì là cảm tình và tán dương hơn ông Le Bon. Ông dùng những lời lẽ sau đây để nói đến đám đông: đám đông thường thường dễ bị khích động, bồng bột, đam mê, dễ đổi ý, bất nhất, bất định, và đồng thời hành động mau mắn, chỉ biết những tình cảm đơn sơ nhất, những đam mê thô lỗ nhất, rất dễ ám thị, hời hợt nông cạn, phũ phàng, chỉ có thể lãnh hội được những kết luận và lý lẽ đơn giản và bất toàn nhất, dễ xách động và dễ khích động, không ý thức được mình mà cũng không biết tự trọng, không có tinh thần trách nhiệm, vì cảm thấy mình mạnh mà dám làm đủ mọi việc xấu xa, những việc ấy chỉ người có quyền hành tuyệt đối và vô trách nhiệm mới dám làm. Đám đông cũng xử sự như đứa trẻ mất dạy hay người mọi rợ mê muội không ai canh chừng và lọt vào một nơi xa lạ hẳn với họ. Trong những trường hợp trầm trọng hơn, đám đông xử sự như một đàn thú rừng chứ không phải là một đoàn người nữa.

Vì ông Dougall đem đám đông ấy so sánh với một đám đông có tổ chức hoàn hảo hơn cho nên chúng tôi nóng lòng muốn biết đám đông có tổ chức thế nào, những yếu tố nào thuận tiện cho sự tổ chức ấy. Tác giả kể ra năm yếu tố chính, năm “điều kiện chính yếu” cần để nâng cao trình độ sinh hoạt tâm thần của đám đông.

Điều kiện thứ nhất, cũng là điều kiện nền tảng, là tính cách liên tục nào đó của sự tạo thành đám đông. Sự liên tục ấy có thể xảy ra trên bình diện hữu thực hay trên bình diện hình thức: trong trường hợp thứ nhất, vẫn một số người nào đó họp thành đám đông trong một thời gian lâu hay chóng; trong trường hợp thứ ai, người ta tạo ra những địa vị nào đó để lần lượt hết người nọ đến người kia chiếm giữ.

Điều kiện thứ hai là mỗi người tham dự vào đám đông phải có ý thức về bản chất, hoạt động và sở cầu của đám đông, do ý thức đó mà họ có thái độ tình cảm đối với toàn thể đám đông.

Điều kiện thứ ba là mỗi đám đông phải có liên lạc với những đám đông khác, tương tự về vài điểm nhưng khác biệt về nhiều điểm; phải có sự cạnh tranh giữa nhóm ấy và những nhóm khác.

Điều kiện thứ tư là đám đông cần phải có những phong tục, tập quán, định chế, dính dáng đến những mối liên lạc hỗ tương giữa các phần tử.

Sau hết, đám đông phải có tổ chức, phải có sự chuyên biệt, sự phân công cho mỗi người.

Khi đã hội đủ những điều kiện ấy thì, theo ông Dougall, có thể tránh được tai hại cho tâm thần. Người ta tránh sự hạ thấp trình độ thông minh của đám đông bằng cách đừng để cho đám đông giải quyết lấy những vấn đề cần phải thông minh sáng suốt và giao trách nhiệm ấy cho một vài người.

Chúng tôi nhận thấy hầu như điều kiện ông Dougall gọi là “tổ chức” có thể mô tả một cách khác. Vấn đề là tạo cho đám đông những khả năng vốn dĩ là nét riêng của cá nhân mà cá nhân đã tiêu hủy mất khi họ bị đám đông nuốt chửng. Trước khi bị đám đông nuốt mất, cá nhân vẫn có lương năng để biết phải trái, có phong tục tập quán, có môi trường hoạt động riêng của họ, có cách thích ứng của họ và họ đứng riêng rẽ đối với người khác để họ ganh đua với người khác. Tất cả những đức tính ấy cá nhân đã tạm thời bỏ mất từ lúc tan mình vào đám đông “vô tổ chức”. Khuynh hướng gán cho đám đông những thái độ riêng của cá nhân làm chúng ta nghĩ đến một nhận xét sâu xa của Trotter[22]. Ông này cho rằng khuynh hướng tụ hội đám đông là một nét vẻ sinh vật tính của cơ cấu đa bào cơ thể thượng đẳng.

[22] Instinct of the Herd in Peace and War, London, 1916.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.