Nghiên cứu phân tâm học
11. Một trình độ phát triển của cái tôi: lý tưởng tôi
Những sách viết về tâm lý tập thể đã mô tả rất nhiều hiện tượng tâm lý ấy, công việc mô tả của người này bổ túc công việc của người kia và đã rọi ánh sáng vào vấn đề, nhưng nếu căn cứ vào đó để xét đoán đời sống của con người ngày nay thì chúng ta bị đặt trước những sự kiện hết sức phức tạp làm nản chí mọi ý muốn tổng hợp. Mỗi người tham dự vào rất nhiều đoàn thể, để lộ rất nhiều cách đồng nhất hóa khác nhau, hướng về rất nhiều mục đích vì bị ràng buộc bởi nhiều mối dây, xây dựng lý tưởng tôi của mình theo những mẫu rất khác nhau. Như vậy mỗi người tham dự vào nhiều linh hồn tập thể, linh hồn của chủng tộc, của giai cấp, của cộng đồng nghề nghiệp, của nhà nước,… Ngoài ra họ còn có thể vươn lên mức độ độc lập và đặc thù nào đó. Những đoàn thể ổn cố và bền bỉ ảnh hưởng đến con người một cách đều đều, bởi vậy ảnh hưởng đó không được người quan sát lưu ý bằng những sự kiện bộc lộ ở những đám người tụ hội nhất thời và cũng chóng tan rã, chính đám đông nhất thời ấy đã cung cấp tài liệu cho Le Bon về đặc điểm của linh hồn tập thể; và cũng chính trong đám đông ồn ào, nhất thời tụ họp và có thể nói rằng chùm lên các đám đông ổn cố khác, mà người ta nhận thấy những đặc điểm của cá nhân tạm thời biến mất.
Chúng tôi đã thử giải thích sự lạ lùng ấy bằng cách giả thiết rằng cá nhân lìa bỏ lý tưởng tôi của họ để chấp nhận lý tưởng tập thể, thể hiện bởi người cầm đầu. Tuy nhiên cần phải đính chính rằng không phải trong đủ mọi trường hợp ta đều thấy phép lạ ấy như nhau. Nhiều khi sự ly dị giữa cái tôi và lý tưởng tôikhông hoàn toàn, cả hai cái có thể đồng hiện diện, cái tôi vẫn giữ được ít ra một phần nào tính ngã ái của nó. Nhờ vậy mà sự lựa chọn người cầm đầu được dễ dàng hơn nhiều. Họ chỉ cần có những đức tính điển hình của con vật làm chúa ở trạng thái tinh thuần và dễ thấy rồi nhờ có sức mạnh và sự tự do dục tính của họ mà người khác phải nghe theo họ, thế là họ được tôn lên làm chúa và có oai quyền tuyệt đối mà có lẽ họ cũng không bao giờ dám mơ màng đến nếu không có hai đức tính ấy. Còn những người khác, nghĩa là những người không thấy người cầm đầu thể hiện được đầy đủ lý tưởng tôi của họ, họ bị lôi cuốn vì sự ám thị, nghĩa là nhân sự đồng nhất hóa.
Tóm lại phần đóng góp của tôi vào sự giải thích cơ cấu libido của đám đông thu gọn trong sự phân biệt cái tôi và lý tưởng tôi, kế đấy là sự phân biệt hai loại ràng buộc, thứ nhất là ràng buộc nhân sự đồng nhất hóa, thứ hai là ràng buộc nhân sự thay thế lý tưởng tôi bằng một đối tượng libido ở ngoài. Giả thuyếtlý tưởng tôi đã giúp chúng tôi đi những bước đầu trong sự phân tích cái tôi, dần dần chúng tôi nhận thấy giá trị của nó khi đem áp dụng vào nhiều lãnh vực tâm lý học khác nhau. Trong bản nghiên cứu Zur Einführung des Narzissmus[14] chúng tôi đã thâu góp những dữ kiện bệnh lý học biện minh cho sự phân biệt ấy. Nhưng tất cả đều cho phép chúng tôi hy vọng rằng sự nghiên cứu tâm lý học sâu rộng về bệnh biến thái tâm thần (psychose) sẽ làm hiển hiện tầm quan trọng của nó. Bây giờ chúng ta chỉ nên biết rằng cái tôi lập một liên lạc giữa đối tượng và lý tưởng tôi, và có lẽ chúng ta chứng kiến một hiện tượng sau đây: bên trong cái tôi sẽ lập lại những tác động và phản ứng hỗ tương đã xảy ra giữa đối tượng ở ngoài và toàn thể cái tôi như lý thuyết bệnh suy nhược thần kinh đã cho chúng ta biết.
[14] Jahrbuch der Psychoanalyse, VI, 1914 – Sammlung kleiner Schriften zur Neurosenlehre, IV.
Ở đây chúng tôi chỉ luận đến một trong những hậu quả của cách nhìn ấy, nhân tiện, chúng tôi có dip bàn lại một vấn đề chưa có giải đáp[15]. Mỗi sự phân hóa tâm thần, như chúng tôi biết, lại gây ra thêm một sự khó khăn cho tác động tâm thần, làm yếu ớt thêm và có thể trở thành khởi điểm của sự đình chỉ hoạt động tâm thần, của bệnh tật. Sinh ra đời là từ trạng thái ngã ái tự túc tự mãn bước sang tình trạng tri giác thế giới bên ngoài thay đổi luôn luôn và khám phá ra đối tượng lần thứ nhất; kết quả của sự chuyển tiếp căn bản ấy là chúng ta không thể chịu đựng quá lâu tình trạng mới tạo ra bởi sự sinh ra đời, chúng ta lẩn tránh nó từng lúc để ẩn thân vào giấc ngủ và thấy lại trạng thái trước nằm trong bào thai mẹ bình nhiên và cách biệt hẳn thế giới bên ngoài. Vả chăng việc trở lại tình trạng tiền sinh cũng là hậu quả của sự thích ứng với ngoại giới, nhờ có ban đêm kết tiếp ban ngày mà chúng ta xóa bỏ được phần lớn những kích thích của đời sống hoạt động ban ngày.
[15] “Trauer und Melancholie”, Internat. Zeitschr. f. Psychoanalyse, IV, 1916 – 1918, Sammlung kleiner Schriften zur Neurosenlebre, IV.
Trải qua sự phát triển của con người từ bé tới lớn, tâm thần phân hóa, cái tôi nhất trí được thành lập, mặt khác cũng thành lập một cái tôi tiềm thức, tức là cái tôi bị dồn nén khác với cái tôi ý thức; sự ổn cố của những thành phần mới tạo ra này luôn luôn bị đe dọa. Trong giấc mơ và trong bệnh suy nhược thần kinh cái tôi tiềm thức bị cô lập tìm đủ mọi cách để len lỏi phá cửa vào tâm thức, cửa ngõ ấy được bảo vệ bằng đủ mọi cách. Trong lúc thức và tâm thần khỏe mạnh chúng ta dùng đến những cách giả tạo đặc biệt để cho phần bị dồn nén tạm thời bước vào cái tôi, chúng ta tìm cách dẹp bỏ những khó khăn, đánh lừa những sức kháng cự để giúp nó và chúng ta hưởng một chút khoan khoái nào đó. Đứng về phương diện đó chúng ta có thể cắt nghĩa được nét trí khôn và sự hài hước và phần nào nghệ thuật khôi hài nói chung. Những ai đã hiểu biết tâm lý bệnh suy nhược thần kinh đều có thể tìm ra những thí dụ tương tự, nhưng có lẽ có tầm quan trọng kém hơn. Chúng tôi không nói nhiều về điểm ấy vì chúng tôi phải đem áp dụng quan điểm trên đây vào những trường hợp cần phải chú ý trong lúc này.
Chúng ta có thể chấp nhận hẳn rằng sự phân ly cái tôi với lý tưởng tôi cũng không thể chịu đựng lâu được và thỉnh thoảng lại có tình trạng thoái lui. Mặc dù bị cấm đoán và hạn chế, người ta vẫn có lúc vi phạm, bằng chứng là dân chúng rất ưa thích những dịp hội hè cương thường được nới rộng đôi chút (Vật tổ và cấm kỵ). Những ngày hội của người La Mã và những hội hóa trang ngày nay rất giống hội hè của người bàn cổ ở điểm chính yếu là người ta được buông cương thả lỏng, vi phạm những tục lệ được coi là thiêng liêng nhất. Nhưng lý tưởng tôi là tổng số những sự hạn chế mà con người phải uốn mình theo, bởi vậy khi nào cái tôi trở về với lý tưởng, khi nào cái tôi giải hòa với lý tưởng, thì con người thấy mình bằng lòng mình, sự thỏa lòng ấy tương đương với cái vui sướng ngày hội linh đình[16].
[16] Khi nào cái tôi đứng khít với lý tưởng tôi người ta có một cảm tưởng đắc thắng. Cảm tưởng phạm tội (hay tự ti) có thể coi là tình trạng căng thẳng giữa cái tôi và lý tưởng.
Trotter đi từ bản năng quần cư diễn dịch ra sự dồn nén. Tôi cũng diễn tả ý bằng cách nói khác khi tôi gán cho lý tưởng tôi vai trò dồn nén ấy (Einführung des Narzissmus).
Có những người mà tâm trạng vui buồn có định kỳ, hết rầu rĩ quá độ lại chuyển sang những mức phải tôn lên đến mức an vui cao độ. Sự dao động ấy lúc mạnh lúc yếu, khi thì quá yếu không thấy được, khi thì mạnh cực độ, như trong trường hợp bệnh ưu uất (mélancolie) và điên cuồng (manie), những trạng thái rất thống khổ gây ra nhiều xáo trộn tâm thần cho người bệnh.
Trong những trường hợp điển hình của tâm trạng biến đổi có định kỳ như thế, hình như việc đời không có ảnh hưởng quyết định; về những lý do gây ra bệnh của họ người ta cũng không thấy lý do nào khác những lý do bệnh khác. Bởi vậy người ta quen lệ cho rằng những trường hợp ấy không có căn bệnh tâm thần. Nhưng có những trường hợp tâm trạng vui buồn có định kỳ tương tự lại rất dễ quy vào loại ngoại thương tâm thần sau này sẽ nói đến.
Như vậy thì không ai biết rõ những lý do gây ra sự dao động bộc phát của trạng thái tâm tình. Chúng ta cũng không biết gì hơn về động cơ đã làm cho ưu uất (mélancolie) chuyển sang điên cuồng (manie). Vì không có cách giải thích nào khác cho nên chúng tôi tạm đem giả thuyết nói trên áp dụng cho những bệnh ấy: lý tưởng tôi sau khi đã kiểm soát gắt gao cái tôi, có lúc tạm thời hợp lại với cái tôi làm một.
Để tránh khỏi sự tối tăm, xin độc giả nhớ kỹ điều này: theo cách phân tích của chúng tôi thì không thể chối cãi được rằng cái tôi và lý tưởng tôi của người điên cuồng (maniaque) chỉ là một, thậm chí người ấy bị chi phối bởi một cảm tưởng đắc thắng và thỏa mãn, họ không bị chỉ trích, họ tự do phóng túng không còn phải hối hận e ngại gì cả. Đối với trường hợp bệnh ưu uất thì không được hiển nhiên như thế nhưng cũng có thể đúng: cái khổ sở của người bệnh là sự chống đối kịch liệt giữa hai phần của cái tôi, lý tưởng tôi quá khắt khe lên án cái tôi nghiêm ngặt thành thử người bệnh tự hạ mình, tự nhục mạ. Đây chỉ biết rằng nguyên nhân sự bất hòa ấy nên tìm ở chỗ khác hay ở những cuộc náo loạn từng định kỳ nói ở trên.
Vả chăng sự biến thành điên cuồng cũng không phải là nhất định phải có trong số những triệu chứng bệnh hoạn của sự suy yếu ưu uất. Có những chứng ưu uất đơn, chỉ có một cơn hay lên cơn từng định kỳ mà không biến thành điên cuồng. Nhưng cũng có những trường hợp ưu uất mà điều kiện ở ngoài đóng một vai trò hiển nhiên về phương diện bệnh căn. Những trường hợp ấy xảy ra vì có người thân chết, hoặc vì người ta gặp nghịch cảnh, người ta không yêu nữa, người ta thu hồi cái libido trước đã đem phóng vào đối tượng yêu. Cũng như bệnh ưu uất ngẫu phát, bệnh ưu uất do tâm thần gây ra có thể biến đổi sang chứng điên cuồng rồi sau đó trở lại ưu uất, chu kỳ ấy trờ đi trở lại nhiều lần. Như vậy thì tình trạng cũng khá tối tăm, nhất là cho đến ngày nay phân tâm học ít khi chữa những hình thức và những trường hợp bệnh ưu uất[17].
[17] Xin coi Abraham: “Ansätze psychoanalytischen Erforschung und Behandlung des manisch-depressiven Irreseins”, 1912, trong Klinische Beiträge zur Psychoanalyse, 1911.
Những trường hợp duy nhất mà chúng tôi hiểu rõ hiện nay là trường hợp người ta từ bỏ người yêu vì người yêu tỏ ra không xứng đáng. Bấy giờ sẽ xảy ra trường hợp sau đây: đối tượng được tái tạo ra trong cái tôi do sự đồng nhất hóa và nó bị lý tưởng tôi lên án nặng nề. Sự sỉ vả đả kích đối tượng thành ra đả kích sỉ vả chính mình[18].
[18] Đúng hơn sự sỉ vả ấy ẩn nấp sau sự sỉ vả chính mình, chính cái tôi của mình; sự sỉ vả ấy gay gắt, dai dẳng, có tình cách nghiêm trọng, không cho cãi lại, y như người mắc bệnh ưu uất vẫn tự trách mắng mình vậy.
Cả loại ưu uất có thể biến thành điên cuồng, thậm chí đặc điểm ấy xuất hiện như một đặc điểm không dính dáng gì đến những đặc điểm của bảng liệt kê những dấu hiệu bệnh hoạn.
Nhưng chúng tôi không thấy khó khăn gì khi chúng tôi lấy yếu tố náo loạn định kỳ giữa cái tôi và lý tưởng tôi để giải thích hai loại bệnh ưu uất, ưu uất ngẫu phát và ưu uất có nguyên nhân tâm thần. Còn như đối với chứng ưu uất ngẫu phát thì người ta có thể chấp nhận rằng lý tưởng tỏ vẻ nghiêm khắc quá, hậu quả là nó bị tiêu diệt nhất thời một cách tự động. Trong những trường hợp ưu uất do nguyên nhân tâm thần, cái tôi nổi loạn vì lý tưởng tôi nghiệt khắc với nó, trách cứ nó đồng nhất hóa với một đối tượng đáng ghét và đã bị loại bỏ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.