Trò Chuyện Triết Học
Kỹ thuật hiện đại: kỳ diệu và đáng sợ
SGTT.VN – Ba đặc điểm cơ bản của kỹ thuật hiện đại là: tính kỹ thuật, tính toàn cầu và tiềm lực phá hoại. Bên cạnh giới tự nhiên, chưa bao giờ nhân loại có thêm một thế giới thứ hai vừa kỳ diệu vừa đáng sợ đến thế. Đáng ngạc nhiên hơn là người ta còn ít suy tưởng về nó một cách nghiêm túc, nhất là từ giác độ triết học. Môn “triết học kỹ thuật” vừa mới được đưa vào các trường đại học kỹ thuật cách đây chưa lâu!
Hình tượng không mấy thiện cảm của thần rèn Hephaistos, biểu tượng kỹ thuật cơ khí trong thần thoại Hy Lạp.
Tính kỹ thuật
Thế giới của những dụng cụ, thiết bị, máy móc cũng cũ xưa như bản thân con người. Khác biệt cố hữu là giữa những gì do con người thiết kế và chế tạo với những gì có sẵn như thế giới vô cơ hay tự phát triển như thế giới hữu cơ của động và thực vật. Nhưng chưa bao giờ sự khác biệt ấy lại sâu sắc và bộc lộ rõ rệt như ngày nay. Kỹ thuật hiện đại ngày càng xa rời nền tảng tự nhiên. Khác với giới tự nhiên, kỹ thuật có mặt để thực hiện một số chức năng nhất định theo nghĩa thuần công cụ. Nó không đơn giản vay mượn từ tự nhiên như trước nữa, cũng không còn hoàn toàn do chính bàn tay con người tạo ra, trái lại, phần lớn được sản xuất từ dụng cụ, máy móc đã có. Người ta gọi hai đặc điểm cơ bản ấy của kỹ thuật hiện đại là “tính kỹ thuật”.
Thật thế, từ nguyên liệu được sử dụng cho đến hình thức, sản phẩm của kỹ thuật hiện đại ngày càng xa rời tự nhiên. Mặc dù nguyên liệu đồng, trong thời đại đồ đồng, không hẳn đã có sẵn trong tự nhiên, nhưng vẫn còn gần gũi với tự nhiên sau một vài công đoạn chế biến so với những sản phẩm chất dẻo ngày nay. Về hình thể bên ngoài, kỹ thuật hiện đại cũng mất đi nhiều vẻ đẹp của những sản vật còn gắn liền với tự nhiên. Nhìn hình ảnh một nhà máy vuông vức, khô cứng với khung sườn sắt thép, khó có thể liên tưởng đến hình dáng mềm mại, êm đềm của ngôi nhà “ba gian hai chái” ẩn hiện trong lùm cây của nền sản xuất nông nghiệp ngàn đời! Gần đây thôi, chiếc tàu hoả chạy bằng máy hơi nước, cối xay gió, chiếc máy dệt vẫn còn lưu lại chút vẻ lãng mạn, nhưng sự phát triển gia tốc đã liên tục mang lại những sản phẩm mới mẻ và lạ lẫm. Trong một thời gian ngắn, chúng buộc ta phải làm quen và thích nghi với những gì trước đây cần nhiều thế hệ.
Kỹ thuật hiện đại không chỉ “tha hoá” khỏi tự nhiên, mà còn xa lạ với cuộc sống và môi trường quen thuộc của con người. Đầu máy xe lửa hơi nước vẫn còn gợi lại hình ảnh thân quen của chú ngựa già thở hổn hển đang oằn lưng trước gánh nặng, “nghìn đời không đủ sức đi mau”, khác biết bao với… tàu cao tốc! Nguyên tắc của máy hơi nước không chỉ dễ hiểu mà còn có thể trực quan được, khác hẳn với máy phát điện. Ernst Bloch, trong tiểu luận Nỗi sợ của người kỹ sư, nói lên tâm trạng bàng hoàng khi đối diện với cỗ máy bí hiểm như đối diện với “một khuôn mặt ảo, lạnh lẽo như một cái gì không có thực”. Sự lạ lẫm của kỹ thuật hiện đại còn thể hiện ở quy mô, kích thước hoặc quá lớn hoặc quá bé đối với cảm quan thông thường của con người. Một cảm giác “kinh hoàng” xuất hiện như khi ta bị ném vào một cảnh giới hoàn toàn xa lạ.
Martin Heidegger, khi mô tả hiện tượng học về kỹ thuật hiện đại, đã dùng một từ thật đặc sắc: “Ge-stell”. Là một từ tiếng Đức đa nghĩa, “Gestell”, khi là danh từ, có nghĩa là “khung, sườn”, tức cái gì đơn thuần có tính chức năng, làm giá đỡ cho một vật khác, hiểu như một ẩn dụ cho “tính kỹ thuật”. Là động từ, “stellen” là “đặt vào”, hiểu như một dị vật có mặt “ngang xương” trong môi trường hữu cơ của chúng ta. Heidegger nêu hai ví dụ tiêu biểu cho hai đối cực: nhà máy thuỷ điện và chiếc cầu gỗ. Nhà máy thuỷ điện, với vật liệu nhân tạo và máy móc khổng lồ, xé nát quang cảnh thanh bình như một vết thương sâu hoắm. Trong khi đó, chiếc cầu gỗ hoà mình trong thiên nhiên, không chỉ bảo tồn mà thật ra còn tạo nên và nâng cao cảnh quan. Từ một không gian địa lý vô hồn, một “chỗ”, sự hiện diện của chiếc cầu biến “chỗ” thành một “chốn” của sự sinh tụ, rồi thành một “nơi” của sự tương giao, hò hẹn… của con người.
Thiên nhiên dường như không có cơ may nào trước kho vũ khí hạng nặng của kỹ thuật hiện đại!
Tính toàn cầu
Kỹ thuật hiện đại lan tràn khắp thế giới. Không sớm thì muộn, thế giới sẽ trở thành một nền văn minh kỹ thuật được nhất thể hoá trên phạm vi toàn cầu với tất cả những hệ quả của nó. Một trong những hệ quả quan trọng nhất là tiến trình đồng dạng hoá đối với các truyền thống và các đặc trưng văn hoá khác nhau. Sự đồng dạng về kỹ thuật sẽ dẫn đến sự đồng dạng về yêu cầu chuyên môn, về học trình và cả lối sống. Không đợi đến thế kỷ 21, ta đã khó nhận ra sự khác biệt về trang bị và phong cách ở các sân bay quốc tế hay văn phòng của những đại công ty!
Tất nhiên, không thể chỉ nhìn những hệ quả này ở khía cạnh đơn thuần tiêu cực. Tính duy lý kỹ thuật bao giờ cũng mang theo mình một tiềm lực khai minh to lớn. Việc bắt buộc phải tư duy một cách khách quan, liên chủ thể, có tính lôgíc và có thể kiểm tra được theo yêu cầu của nền kỹ thuật phổ quát sẽ góp phần thẩm định lại những tín điều thâm căn cố đế, những cấu trúc chính trị, xã hội lỗi thời, để đặt tất cả vào dưới sự phê phán và kiểm soát dân chủ.
Xu hướng nhất thể hoá của sự phát triển kỹ thuật là chỗ khác biệt có tính cấu trúc rõ rệt nhất so với sự tiến hoá sinh học vốn mang tính dị biệt hoá. Nhưng ngoài điều này ra, cả hai sự phát triển đều có những nét giống nhau: mô hình phát triển cũ phải nhường chỗ cho những đột biến của sáng tạo để không ngừng được cải tiến và thích nghi với môi trường chung quanh.
Prometheus bị trả thù
Ngày nay không còn ai nghi ngờ hay không có ý thức về tiềm năng huỷ hoại và những nguy cơ tiềm ẩn của sự phát triển kỹ thuật. Ta lại nhận ra tiềm năng phá hoại của kỹ thuật hiện đại trong nghĩa thứ ba của thuật ngữ “Ge-stell” nói trên của Heidegger. Kỹ thuật hiện đại “cầm giữ” (stellt) giới tự nhiên theo cả hai nghĩa: thách thức, đương đầu với thiên nhiên và “bắt giữ” thiên nhiên giống như cảnh sát bắt giữ tội phạm. Cả hai nghĩa đều nói lên tính bạo động; và khi xem thiên nhiên là đối thủ cần khuất phục, cuộc chiến thật không cân sức. Thiên nhiên dường như không có cơ may nào trước kho vũ khí hạng nặng của kỹ thuật hiện đại! Là cái nôi của tư duy khoa học và kỹ thuật, không phải ngẫu nhiên khi thần thoại Hy Lạp hình dung Hephaistos, vị thần của nghề thợ rèn, bẩm sinh đã bị tê liệt và xấu xí; sự dị dạng bên ngoài cũng là dấu hiệu của nội tâm bên trong! Prometheus thường được tôn vinh như ân nhân của loài người vì đã quả cảm lên trời cướp lửa. Nhưng hình tượng Prometheus đồng thời cũng ngụ ý cảnh cáo: chàng bị thần Zeus trừng phạt và trả thù tàn khốc như một sự “đánh trả” của thiên nhiên. Những hiểm hoạ của các “đại kỹ thuật” không còn là hư cấu thần thoại khi nhớ đến những địa danh như Harrisburg, Bhopal, Tschernobyl, Hungary và Fukushima… (còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.