Trò Chuyện Triết Học

Tiến bộ kỹ thuật: phúc hay hoạ?



SGTT.VN – Thế giới kỹ thuật đang bao quanh chúng ta. Nó không chỉ giữ vai trò then chốt trong đời sống mà còn chi phối mạnh mẽ quan hệ của ta với tự nhiên, xã hội. Không thể bàn về văn hoá hiện đại và con người – kể cả người trí thức – trong nền văn hoá ấy mà không lưu ý đầy đủ đến tác động của kỹ thuật – công nghệ. Thế nhưng, ta thường lãng quên và càng ít có dịp suy nghĩ về nó.

Người thợ hớt tóc và máy gặt đập liên hợp

Phần lớn nhân loại đang sống trong một “thế giới nhân tạo”. Hàng tỉ người suốt tuần, suốt tháng không đặt chân lên mảnh đất “thịt”, mà trên nhựa đường, bêtông, gạch men. Và hàng triệu người du hành khắp thế giới, nhưng không thấy phong cảnh, không biết gì về đất nước, thành phố mình vừa ghé qua, vì suốt ngày ngồi trong phòng hội nghị gắn máy điều hoà. Ngay cả phong cảnh cũng không hẳn là thiên nhiên nguyên sơ. Và lối sống trong thời đại công nghiệp không phút nào có thể tách rời với mạng lưới kỹ thuật cực kỳ phức tạp của những hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu thụ: còn rất ít những hàng hoá và dịch vụ không cần đến sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật. Hàng tiêu dùng do những dây chuyền máy móc sản xuất; những máy móc ấy lại do những máy móc khác tạo ra; chúng kết thành một chuỗi tuần hoàn bất tận. Từ khi sinh ra đến khi chết đi, mấy ai trong chúng ta không lệ thuộc vào nền y học đã được kỹ thuật hoá đến cao độ?

Trong kinh tế, vai trò của kỹ thuật càng có ý nghĩa quyết định. Tiến bộ kỹ thuật dần thay thế yếu tố lao động và thậm chí cả yếu tố vốn liếng trong sự phát triển kinh tế. Ai cũng biết kỹ thuật đã làm tăng năng suất lao động như thế nào, khi thử so sánh người thợ hớt tóc và một cỗ máy gặt đập liên hợp. Năm 1800, ở châu Âu, người ta cần 60 phút để gặt một công lúa mì bằng lưỡi liềm; năm 1945, chỉ cần 35 giây, kết hợp cả công đoạn đập lúa. Trong khi đó, tiền công lao động trung bình của một lao động thủ công đơn giản – điển hình là người thợ hớt tóc – hầu như không thay đổi suốt 150 năm qua!

Hình ảnh người kỹ sư hay nhà kỹ thuật dưới mắt những người chuyên hoạt động “tinh thần” (các triết gia, văn nghệ sĩ v.v..) thường không mấy đẹp đẽ: họ bị xem là những người chỉ biết “lắp ráp”, chỉ tuân theo “lý tính công cụ” và quan tâm đến phương tiện và sự hiệu quả hơn là tra hỏi về ý nghĩa và mục đích. Sự cuồng nhiệt ấy làm suy giảm óc phê phán, thậm chí dẫn đến chỗ dễ dàng bị lạm dụng bởi những mục đích xấu xa, nguy hiểm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chính phương tiện chứ không phải mục đích đã làm biến đổi thế giới một cách triệt để và sâu sắc; chính kỹ thuật đã tạo ra những “sự thật” không ai có thể chối bỏ được khi nghĩ về tương lai. “Niềm đam mê của Faust đã vẽ lại khuôn mặt của trái đất”, ngay Oswald Spengler, nhà văn hoá luận bi quan, cũng phải nhìn nhận sự thật ấy!

Tất nhiên, cũng có những “sự thật” khác. Sự gia tăng khổng lồ về năng suất lao động không hẳn đã giúp cho lao động của con người ngắn hơn, nhất là, lành mạnh hơn và thoải mái hơn. Nhiều nhà văn hoá sử nhận ra rằng ngay cuộc cách mạng thời đại đá mới – tức chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp với nhịp độ lao động an toàn nhưng nhàm chán – không hẳn được cảm nhận hoàn toàn như một sự “giải phóng” khỏi cuộc sống bấp bênh và nguy hiểm của người săn bắt, hái lượm. Ngày nay cũng thế, việc chuyển từ lao động thủ công sang sử dụng, kiểm soát và bảo trì máy móc đã giảm thiểu rõ rệt gánh nặng thể xác, nhưng gia tăng sự căng thẳng thần kinh; cơ chế giám sát ngặt nghèo còn đáng sợ hơn cả lao động nhàm chán ở dây chuyền sản xuất. Người ta còn nói đến những nghịch lý về kinh tế có nguy cơ làm cho sự tiến bộ kỹ thuật mất dần ý nghĩa: phí tổn xã hội cho số người thiểu năng kỹ thuật có thể cao hơn lợi ích do lực lượng lao động kỹ thuật cao mang lại, vốn cũng đòi hỏi mức độ đầu tư ngày càng tốn kém để có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến. Một sự “tăng trưởng không có việc làm” và một “xã hội hai phần ba” (hai phần ba có việc làm ổn định gánh chịu chi phí cho một phần ba thất nghiệp trường kỳ ở Tây Âu) không còn là một dự báo xa vời. Hy vọng về một xã hội “ba phần tư” hay “bốn phần năm” nhờ vào tiến trình toàn cầu hoá chưa phải là một hiện thực trong tầm tay.

Tiến bộ kỹ thuật phải mang tính quy phạm về đạo đức, vượt ra khỏi tính hiệu quả về công nghệ và kinh tế, hướng đến những giá trị nhân bản về chất lượng sống và những giá trị hoàn vũ về trách nhiệm bảo tồn bản thân sự sống.

Ngày nay, ở phương Tây, con người làm việc nhiều hơn so với thời trung đại và cận đại do sự bùng nổ của nhu cầu và khả năng thoả mãn nhu cầu. Ở đây, kỹ thuật cũng giữ vai trò then chốt: tiến bộ kỹ thuật, khi đi vào thị trường, tự tạo ra nhu cầu mới. Cái tốt hơn là kẻ thù của cái tốt, và, do đó, hầu như ta có một quy luật, đó là mức độ bất mãn với cái cũ, nói chung, là một hằng số bất biến!

Triết học về kỹ thuật

Không phải chỉ ở phương Đông mới mang nặng truyền thống xem nhẹ, thậm chí ác cảm với kỹ thuật. Quan hệ giữa tư tưởng và kỹ thuật bao giờ cũng không tương xứng với tầm quan trọng tự thân của lĩnh vực này. Cội nguồn tư tưởng phương Tây, với Plato và Aristoteles, vẫn xem trọng hoạt động “chiêm nghiệm”, quan sát của tinh thần như là bộ phận “cao cấp của linh hồn” hơn là hoạt động “chân tay” thực dụng. Trong thời Trung cổ, tuy đã có những bước chuẩn bị cho sự bột phát của kỹ thuật trong thời Phục hưng, nhưng lý tưởng giáo dục vẫn xoay quanh các ngành “nghệ thuật tự do” (ngữ pháp, tu từ, biện chứng, số học, hình học, thiên văn, âm nhạc) hơn là các “kỹ năng cơ giới” (artes mechanicae). Nhưng, sau mấy thế kỷ công nghiệp hoá thành công rực rỡ, tư duy về kỹ thuật lại có một bước ngoặt từ nửa sau thế kỷ 20: kỹ thuật không phải là “hoạ”, nhưng cũng không phải hoàn toàn là “phúc”. Giống như chiến tranh quá quan trọng nên không thể khoán trắng cho các nhà quân sự, thì kỹ thuật cũng quá quan trọng để có thể yên tâm giao phó cho các nhà kỹ thuật. Từ nhận thức ấy, tiến bộ kỹ thuật phải mang tính quy phạm về đạo đức, vượt ra khỏi tính hiệu quả về công nghệ và kinh tế, hướng đến những giá trị nhân bản về chất lượng sống và những giá trị hoàn vũ về trách nhiệm bảo tồn bản thân sự sống.

Đạo đức học về kỹ thuật, hơn bao giờ hết, chỉ có thể được xây dựng trong khuôn khổ một môn triết học về kỹ thuật thật cởi mở, đón nhận nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau trước thực tại vốn rất phức tạp và đa chiều kích.

Triết học về kỹ thuật, tất nhiên, phải bắt đầu với việc tìm hiểu các đặc điểm cơ bản của kỹ thuật hiện đại và những vấn đề nảy sinh từ đó. Nhưng trước hết, ta sẽ xét xem “kỹ thuật” (technique) và “công nghệ” (technology) quan hệ với nhau như thế nào?

(còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.