Trò Chuyện Triết Học

“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”



SGTT.VN – Trong đối thoại Protagoras, Platon kể lại câu chuyện thần thoại: Prometheus và Epimetheus nhận nhiệm vụ trang bị cho muôn loài. Epimetheus hào phóng đến mức dại dột trao hết nanh vuốt cho muông thú, rút cục, con người “trần truồng, không giày, không áo, không có vũ khí phòng thân”. Prometheus phải lên tận trời cao, đánh cắp “tài khéo và cả lửa” từ thần Hephaistos và nữ thần Athena để ban tặng cho con người, còn phần mình, gánh chịu sự trừng phạt khủng khiếp.

Hình ảnh người nguyên thuỷ tại viện Max Planck (Đức): từ những công cụ đầu tiên, con người rồi sẽ sáng tạo ra những công cụ kỹ thuật vượt khỏi nhu cầu thực dụng, trở thành cái tôi thứ hai của mình. Ảnh: TL

“Sinh vật thiếu thốn” và “sinh vật dư thừa”

Con người cần có kỹ thuật để bù đắp cho sự yếu kém bẩm sinh về năng lực tự vệ và chiến đấu, giống như cần có văn hoá để nâng cấp những “chương trình” được cài đặt sẵn theo bản năng. Từ một “sinh vật thiếu thốn, bất toàn” theo cách nhìn nhân học của Herder và Gehlen, con người trở thành “sinh vật dư thừa” nhờ vào trí tuệ thực hành kỹ thuật dưới mắt Waldenfels.

Đối diện với thiên nhiên thù địch, con người không chỉ yếu đuối về vật chất (không có bộ lông giữ ấm, không có nanh vuốt bén nhọn và ngũ quan tinh tường) mà cả về bản năng (không dệt nổi tấm lưới như con nhện, chiếc tổ như con ong…) Thế nhưng, con người lại có thể dệt và xây vô vàn những tấm lưới hay chiếc tổ “phổ biến” (Marx) cho những mục đích hết sức khác nhau. Chính nhờ biết thoát ly khỏi bản năng, biết giữ khoảng cách với chính mình, đồng thời có nghĩa là cởi mở trước thế giới, con người mới có cơ may thích nghi linh hoạt trong ứng xử và nhu cầu. Giữ khoảng cách với chính mình cũng là điều kiện tiên quyết để kiềm chế dục vọng và sự hưởng thụ tức thời, có năng lực dự báo và dự phòng, có năng lực học hỏi và kiên trì theo đuổi mục đích. Sinh vật yếu đuối, bất toàn ấy có quyền trở thành “chủ nhân và chủ sở hữu của thiên nhiên” như René Descartes, trong Luận văn về phương pháp (1637), đã vỗ ngực tự hào!

Kỹ thuật và các cơ quan sinh học

Theo Arnold Gehlen, một trong những nhà nhân học hàng đầu của thế kỷ 20, ở ba cấp độ phát triển – công cụ, máy động lực (đảm nhận việc áp dụng lực vật lý) và máy tự động (đảm nhận cả chức năng kiểm soát và điều khiển) – kỹ thuật đã thực hiện cả ba chức năng, giúp con người độc lập với sự yếu đuối tự nhiên: thay thế, giải phóng và tăng cường các cơ quan sinh học của con người. Lưỡi dao thay cho móng vuốt, xe hơi giải phóng đôi chân và cái búa tăng cường sức mạnh của nắm tay. Tuy nhiên, dù hơn hẳn những cơ quan tự nhiên về tính hiệu quả, kỹ thuật, xét về trình độ tiến hoá, vẫn thua kém các cơ quan tự nhiên. Thiết bị kỹ thuật có tinh vi và phức tạp đến đâu vẫn không thể so sánh về trình độ phức hợp của những cơ quan được chúng thay thế, giải phóng và tăng cường. Gọi thiết bị kỹ thuật là “máy móc”, “cơ giới”… không phải là không chính đáng!

Chính nhờ biết thoát ly khỏi bản năng, biết giữ khoảng cách với chính mình, đồng thời có nghĩa là cởi mở trước thế giới, con người mới có cơ may thích nghi linh hoạt trong ứng xử và nhu cầu.

Thật ra, sự tương tự về chức năng giữa kỹ thuật và cơ quan sinh học theo cách nhìn của Gehlen chỉ đúng trong lĩnh vực cốt lõi nhất của kỹ thuật hiện đại mà thôi. Việc sử dụng siêu âm và toàn bộ phạm vi điện từ vượt ra khỏi những gì giác quan con người có thể vươn đến được, thể hiện một cái gì hoàn toàn mới về chất. Ngoài ra, kỹ thuật cũng không đơn thuần thoả mãn những nhu cầu sinh vật, mà cả những nhu cầu có tính văn hoá – xã hội nữa. Ngay từ xa xưa, những đại công trình kỹ thuật như kim tự tháp ở Ai Cập hay những đền đài khổng lồ ở Hy Lạp và nhiều nền văn hoá cổ xưa khác rõ ràng không chỉ để thay thế, giải phóng và tăng cường các chức năng sinh học, mà, theo nghĩa nào đó, là “dư thừa”, nghĩa là chỉ mang tính biểu trưng, không khác gì các công trình “kỹ thuật cao” có tính trình diễn ngày nay. Kỹ thuật, bên cạnh mục đích bảo đảm sự sinh tồn của con người, bao giờ cũng có kích thước văn hoá của sự thờ cúng, chiêm ngưỡng và tự hào. Kỹ thuật, vượt qua nhu cầu thực dụng, trong nhiều trường hợp, là cái tôi thứ hai, là cái tồn – tại – khác của con người.

Vì thế, sự tương tự giữa phương cách tác động của kỹ thuật với các cơ quan của con người như là một sự “phóng chiếu” các chức năng sinh học theo định nghĩa từ năm 1877 của nhà triết học đầu tiên về kỹ thuật, Ernst Kapp, vẫn tỏ ra quá hẹp. Không thể phủ nhận sự tương tự ấy (máy bơm và trái tim, điện tín và dây thần kinh…), nhưng khác với cơ chế sinh học tự nhiên vốn gắn liền với di sản tiến hoá, kỹ thuật là sản phẩm tự do, tự chọn lấy con đường đi riêng của mình bên ngoài sự tiến hoá tự nhiên, bằng sự đột phá, tái phát hiện hay chọn lọc. Kỹ thuật có thể giúp con người bay nhanh hơn chim, định hướng chính xác hơn dơi, nhìn rõ trong bóng đêm hơn chim cú mà không cần phải trải qua hàng triệu năm tiến hoá. Kỹ thuật, kỳ cùng, là sản phẩm của trí tuệ.

Chỉ con người mới có kỹ thuật?

Một đoá hoa, một vỏ sò, một cánh bướm… tỏ lộ sự kỳ diệu của “kỹ thuật của tự nhiên”, theo cách nói nổi tiếng của Kant. Vấn đề là: “kỹ thuật” kỳ diệu ấy có một “logos” không? Nghĩa là, chúng không chỉ hợp quy tắc, mà còn được hướng dẫn bởi quy tắc? Không chỉ hợp mục đích mà còn hướng đến mục đích theo cách hiểu về kỹ thuật nơi con người?

Nhà nhân học Đức Arnold Gehlen (1904 – 1976). Ảnh:

Khó có thể chứng minh điều ấy nơi hầu hết các loại động, thực vật, trừ một số loài linh trưởng cao cấp! Định hướng theo mục đích là không thể phủ nhận nơi loài dã nhân: việc biết chồng những tấm đệm để hái chuối là “phát minh” hoàn toàn tương tự với con người. Sử dụng công cụ không vì nhu cầu nhất thời mà còn nhằm dự phòng cho tương lai lại là một bước tiến lớn nữa: ở những nơi hạt dẻ quá cứng, dã nhân biết mang theo đá khi đi kiếm ăn. Những viên đá, trong trường hợp này, là những “công cụ” không khác gì chiếc rìu hay cái búa trong tay người tiều phu. Rồi cũng đã có mầm mống đầu tiên của việc chế tạo công cụ lao động nơi những bà con gần này của chúng ta!

Vậy, cái gì là đặc trưng cho tài năng kỹ thuật độc đáo của con người? Theo nhiều kết quả nghiên cứu, dường như có hai điểm: thứ nhất –con người homo sapiens không còn là sinh vật duy nhất “biết làm ra công cụ” cho bằng biết dùng công cụ để chế tạo ra công cụ ngày càng tinh vi hơn; và, thứ hai – không còn độc quyền trong việc tiên liệu và hoạt động có ý đồ cho bằng biết dự liệu dài hơi trong thời gian, biết sản xuất công cụ và vật liệu với quy mô lớn về số lượng, và kiên nhẫn chờ đợi sự thu hoạch lớn hơn nhiều lần trong tương lai xa. Việc triển hạn cái “chân trời chờ đợi”, việc “tạm hoãn sự sung sướng ấy lại” cũng chính là cốt lõi của hoạt động kinh tế và đầu tư!

Con người, như Ernst Cassirer nhận định, là “sinh vật biểu trưng” (animal symbolikum), vì giàu trí tưởng tượng hơn tất cả. (còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.