Trò Chuyện Triết Học

“Tri thức là sức mạnh”



SGTT.VN – Vào buổi bình minh của khoa học – kỹ thuật hiện đại, Francis Bacon (1561 – 1626) nêu công thức ngắn gọn và cấp tiến: “tri thức là sức mạnh”.

Mục tiêu của khoa học và kỹ thuật là “regnum hominis”, sự thống trị của con người, khôi phục lại vườn địa đàng đã mất, khi con người đầu tiên (Adam và Eva) đặt tên cho muôn loài và khẳng định quyền lực của mình một cách dễ dàng.

Một “không tưởng” về kỹ thuật ra đời, lôi cuốn phương Tây, và rồi cả nhân loại, đi vào cuộc đại trường chinh mới mẻ.

Triết gia Anh Francis Bacon.

Regnum hominis

Một thế hệ sau Bacon, René Descartes (1596 – 1650), ông tổ đích thực của tư tưởng cận đại, đề ra yêu cầu: nhờ vào sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật, con người phải và có thể trở thành “chủ nhân và chủ sở hữu của thiên nhiên”. Ngày nay, khẩu hiệu lừng danh của Bacon và yêu cầu mãnh liệt trên đây của Descartes thường bị phê phán như là mầm mống của hình thức thống trị thiên nhiên một cách bạo lực và đầy dục vọng, chỉ nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thiển cận, bất chấp mọi hậu quả.

Thật ra, Bacon và Descartes, về căn bản, chỉ xác định bản chất của hoạt động khoa học và hành động kỹ thuật. Mục tiêu bản chất của kỹ thuật tất yếu hướng đến sự thống trị: cần phải buộc thiên nhiên (và tất nhiên cả con người) chấp nhận tuân theo những quá trình không tự nguyện.

Việc thống trị thiên nhiên bằng khoa học – kỹ thuật bao gồm ba thành tố hay ba cấp độ: khách quan hoá thiên nhiên thành đối tượng của sự quan sát và lý thuyết; giải thích những hiện tượng của nó dựa vào nguyên tắc nhân quả; làm chủ tiến trình vận động của chúng bằng sự can thiệp kỹ thuật có mục đích. Việc khách quan hoá đòi hỏi phải thay thế những cách tiếp cận theo kiểu xúc cảm, đồng nhất hoá hay mô phỏng bằng lối khác: lý tính, sự thông báo rành mạch cho mọi người cùng hiểu và khả năng kiểm tra, lặp lại của người khác. Việc giải thích nhân quả đòi hỏi phải lược bỏ tính cá biệt cụ thể của những đối tượng tự nhiên để có thể quy chúng về những nguyên tắc tác động phổ biến. Sau cùng, sự làm chủ về kỹ thuật không chỉ biến thiên nhiên thành đối tượng mà còn thành những sự vật. Sự vật thì được công cụ hoá và – ít ra trong quá trình can thiệp kỹ thuật – trở thành phương tiện đơn thuần.

Không đợi đến ngày nay, khi thảm hoạ môi sinh toàn cầu đang cận kề mới có nhiều tiếng nói phê phán cách tiếp cận ấy. Ở cả ba cấp độ vừa nói, dường như con người đã “phạm tội”: tước bỏ của thiên nhiên một cái gì đó, làm cho thiên nhiên nghèo nàn hơn và quy giản thiên nhiên thành vật liệu cho sự sử dụng tuỳ tiện.

Có thể có một cái nhìn tỉnh táo và công bằng hơn không? Trước hết, về việc làm nghèo nàn thiên nhiên, ta biết rằng cách tiếp cận khoa học – kỹ thuật chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận của con người hiện đại đối với thiên nhiên, nghĩa là không hề loại trừ cách tiếp cận xúc cảm và thẩm mỹ. Nếu cái nhìn vật linh về thiên nhiên (thiên nhiên là linh thiêng, bất khả xâm phạm) không còn phổ biến nữa, thì không ai ngăn cấm con người cảm thấy gắn bó, thân thiết và quý trọng đối với đoá hoa, cánh chim, ngôi vườn nhà và cảnh quan xứ sở. Việc tôi biết rõ cái cây bên hiên nhà thuộc loại gỗ gì, có tính năng ra sao không làm cho cái cây nghèo nàn đi mà trái lại! Khái niệm “thế giới bị giải ảo” của Max Weber không còn đúng nữa, khi “ảo thuật” của thiên nhiên không chủ yếu có nghĩa ma thuật – thần bí cho bằng có tính thẩm mỹ – biểu trưng (Dieter Birnbacher).

Đã từng là người thầy của con người trong hàng vạn năm, thiên nhiên, từ mấy thế kỷ nay, thực tế trở thành người học trò để bị tra hỏi về quy luật và bị uốn nắn theo mục đích của con người.

Việc biến tri thức khoa học thành sự can thiệp kỹ thuật tự nó cũng không mang tính bạo lực hay phá hoại. Phá huỷ thiên nhiên không thuộc về bản chất của kỹ thuật, bởi vấn đề không nằm ở chỗ có can thiệp vào tự nhiên hay không mà ở chỗ can thiệp như thế nào. Mô hình đối lập với sự đơn điệu của kỹ thuật không phải là sự hoang dã của thiên nhiên nguyên sơ mà là sự can thiệp tinh tế của một thứ kỹ thuật được “khai minh” mà những “ngôi vườn kiểu Anh” là hình ảnh tiêu biểu khi biết để cho thiên nhiên dường như tự thiết kế và sinh trưởng một cách “tự nhiên”. Ngăn cấm mọi sự can thiệp vào tự nhiên không khác gì đòi kết liễu cơ sở sinh tồn của con người. Ta hàng ngày hàng giờ vẫn đang “sử dụng” thiên nhiên và cả người khác nữa như phương tiện cho những mục đích của mình. Mệnh lệnh luân lý chỉ không cho phép ta sử dụng thiên nhiên và người khác như một phương tiện “đơn thuần” (Kant) kiểu bọn cai thầu chiến tranh, bọn lâm tặc, sa tặc, khoáng tặc v.v.

Một mô hình đối lập khác nữa là mong muốn biến thiên nhiên thành “đối tác”, thành “đồng minh” (Ernst Bloch, 1875 – 1977). Một mô hình thoạt nhìn khá hấp dẫn, nhưng thật ra, chỉ có thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ mà thôi, bởi quan hệ “đối tác” ấy không hề cân xứng. Quan hệ đối tác khó có thể hình thành với một thiên nhiên câm nín, trong khi con người đến với thiên nhiên một cách có hệ thống và có kế hoạch. Con người có lừa dối “đối tác” thiên nhiên không, khi phát minh ra thuốc mê để tránh sự đau đớn do tự nhiên gây ra cho con người, khi làm mọi cách để ngăn ngừa thảm hoạ tự nhiên? Thiên nhiên chỉ trở thành chủ thể khi nó được chủ thể – người chiếm lĩnh và cải biến, thành môi trường cho sự tự khách thể hoá của con người. Đã từng là người thầy của con người trong hàng vạn năm, thiên nhiên, từ mấy thế kỷ nay, thực tế trở thành người học trò để bị tra hỏi về quy luật và bị uốn nắn theo mục đích của con người.

“Ngôi nhà Salomon”

Trong chuyện kể giả tưởng Nova Atlantis, Bacon phác hoạ hình dung về “ngôi nhà Salomon”, tức một cộng đồng những nhà bác học muốn biết rõ mọi bí mật của thiên nhiên “để mở rộng tối đa sự thống trị của con người”.

Danh mục các đề án phát minh kỹ thuật đi từ việc lọc nước biển thành nước ngọt, làm kính viễn vọng cho đến chế tạo chất dẻo, hương thơm nhân tạo và cải tạo các giống loài (kỹ thuật gen?) Danh mục tưởng như không tưởng ấy đã được hoàn thành vượt kế hoạch!

Dưới mắt Bacon, kỹ thuật mang tầm vóc triết học lịch sử. Giống như tôn giáo, kỹ thuật có mục tiêu rút lại việc con người bị trục xuất ra khỏi vườn địa đàng! Bacon tách biệt hệ quả luân lý với hệ quả hiện thực của việc “phạm tội”. Tội lỗi luân lý thì đành chịu, nhưng không có gì buộc con người phải vĩnh viễn cam chịu “đổ mồ hôi trán để có miếng ăn” (Kinh Thánh). “Con người hãy thống trị thiên nhiên như lời dạy của Thượng đế, còn chuyện sử dụng đúng đắn sự thống trị ấy thì lý trí lành mạnh và tôn giáo sẽ lo liệu!”

Kỹ thuật trở thành một hệ thống tự điều khiển và tự điều tiết. Bacon đã dự đoán một tâm thức “kỹ trị”: tiến bộ kỹ thuật là không gì ngăn cản được và nó cũng sẽ khắc phục mọi sự “kiềm hãm lực lượng sản xuất” (Marx) bằng chính những phương tiện kỹ thuật!

Kỹ thuật đối diện với vấn đề “tha hoá” khỏi tự nhiên như thế nào và tiến bộ kỹ thuật phải chăng là một sự tiến bộ?

(còn tiếp)

Bùi Văn Nam Sơn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.