Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 14. CÒN CÓ NHỮNG KẺ KHÁC NỮA



LÂU ĐÀI DANH VỌNG CỦA NHỮNG KẺ GIẬT DÂY

“Chúng ta là công cụ của những kẻ giàu có đứng sau hậu trường. Chúng ta chỉ là những con rối. Họ giật dây và chúng ta nhảy múa.”

– Nhà báo John Swinton, tờ THE NEW YORK SUN (năm 1880)

Đôi khi, chỉ có kẻ giật dây này mới biết được kẻ giật dây kia đang làm gì. Trong lúc đang tìm cách khai thác động cơ của các trang blog, tôi đã khám phá ra một điều tuyệt vời: Tôi không phải là kẻ duy nhất. Nhưng trong khi tôi cảm thấy mình đã làm những điều tốt cho công ty (bán những cuốn sách hay, bán áo quần được sản xuất tại Mỹ) thì những kẻ khác lại áp đặt sức ảnh hưởng và quyền lực lên những vấn đề quốc gia. Họ thay đổi nền chính trị và chi phối cuộc sống của mọi người.
Đến bây giờ thì hẳn mọi người đều biết câu chuyện về người phụ nữ da đen Shirley Sherrod, vốn là Giám đốc phát triển nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Bà ấy đã mất việc sau khi một đoạn video về bài phát biểu đầy tính phân biệt chủng tộc của bà tràn ngập trên mạng. Đứng sau câu chuyện đó cũng có một kẻ giật dây như tôi vậy.

Đoạn video đó đã tạo ra một làn sóng gây tranh cãi trên khắp cả nước. Chỉ trong vòng vài giờ, nó nhanh chóng lan truyền như một cơn bão: từ một cho đến hàng chục trang blog, rồi đến hàng loạt trang tin tức của các kênh truyền hình cáp và lên báo; sau đó tiếp tục quay trở lại[1]. Sherrod buộc phải từ chức ngay sau đó. Người đăng tải video này chính là ngài Andrew Breitbart quá cố.

Dĩ nhiên, chúng ta đều biết Sherrod không phải là một người có tư tưởng phân biệt chủng tộc. Trên thực tế, bài diễn văn của bà ta nói về cách thức để không trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng các blogger và các phóng viên đã thuật lại câu chuyện đó một cách máy móc khi sử dụng những dữ kiện ít ỏi từ Breitbart. Và mỗi bản tin sau đều trở nên quá khích và tự tin hơn các bản tin trước dù chúng thiếu những bằng chứng mới để xác thực câu chuyện của họ.

Đó là khoảnh khắc đáng xấu hổ của nền chính trị hiện đại (vấn đề đang được bàn tán rất nhiều) . Nỗi xấu hổ này chỉ kết thúc sau khi Tổng thống Obama phê phán sự hấp tấp của chính quyền của mình khi chỉ chăm chăm phán xét và Tổng thống đã gửi lời xin lỗi đến Sherrod. Trong chương trình Good Morning America, Obama đã phát biểu rằng: “Hiện nay, chúng ta hiện đang sống trong một nền văn hóa truyền thông, nơi mà hễ thứ gì được đăng lên YouTube hay một trang blog thì mọi người lại tranh giành với nhau.”

Breitbart thực sự là một bậc thầy trong việc khiến mọi người phải đấu đá lẫn nhau. Mỗi khi tôi muốn nắm được mục đích của việc viết blog thì tôi lại cố tưởng tượng ra cảnh Andrew Breitbart ngồi xuống máy tính để chỉnh sửa và công bố đoạn video đó. Ông ta không phải là một kẻ phân biệt chủng tộc và cũng không phải là kẻ gàn dở thuộc một đảng phái nào đó mà bên cánh tả hiểu nhầm. Breitbart là một bậc thầy truyền thông – giống như tôi vậy. Ông ta là hiện thân của quy luật kinh tế trên Internet và hiểu rõ về nó hơn bất kỳ ai khác. Và theo cách nào đó thì tôi ganh tị với Breitbart vì ông ta có thể làm được điều đó mà không cần phải phạm lỗi – lý do mà tôi viết cuốn sách này.
Breitbart là nhân viên đầu tiên của trang Drudge Report và người sáng lập nên trang The Huffington Post. Ông ta đã góp phần xây dựng nên những trang blog theo khuynh hướng bảo thủ lẫn tự do. Ông ta không phải là một nhà tư tưởng gì cả. Ông ta là một chuyên gia trong việc làm cho điều gì đó trở nên phổ biến rộng rãi – ông ta là kẻ thích trêu chọc người khác.

Với tầm nhìn của Breitbart thì đoạn video làm mất thể diện của Sherrod không phải là một thất bại, thậm chí một chút cũng không phải. Câu chuyện về Sherrod làm người ta bàn tán về ông ta và trang blog của ông ta trong sự phẫn nộ và sợ hãi với đối hầu hết các nhà đài trên toàn quốc. Sherrod chỉ là khoản thiệt hại phụ. Bộ máy chính trị chỉ là thứ để Breitbart chơi đùa. Ông ta bắt nó phải làm những điều mình muốn (tung hứng và cho ông ta danh tiếng). Ông ta sẽ không bao giờ thú nhận nhiều như thế nên tôi sẽ làm thay điều đó.

Breitbart đã phát tán câu chuyện một cách hoàn hảo. Bằng cách chia nhỏ những đoạn clip đã bị chỉnh sửa về Sherrod thành hai phần (lần lượt là 2 phút 30 giây và 1 phút 6 giây), ông ta làm cho nó dễ sử dụng, tạo điều kiện cho các blogger xem và đăng lại. Vì đoạn clip gốc dài 43 phút nên khó ai có đủ thời giờ để ngồi một chỗ và xem hết toàn bộ rồi lại đi kể lại cho người khác. Bài báo được đặt tít là “Bằng chứng qua đoạn video: Giải NAACP[2] cho kẻ phân biệt chủng tộc” và ông ta dành phần lớn dung lượng dài 13 nghìn từ để đấu tranh chống lại một âm mưu nhằm vào phong trào Tiệc Trà[3] mà ông ta tưởng tượng ra thay vì giải thích về nguồn gốc của đoạn video đó.

Đối với những phàn nàn từ các trang blog, khi các kênh truyền hình cáp và các tờ báo đang sắp bị hiểu nhầm thì Breitbart đã thực sự tặng họ một món quà có lợi nhuận rất lớn. Khi đăng tin về lời buộc tội của ông ta, về sự thay đổi rồi đến cuộc tranh luận “về vấn đề gây tranh cãi giữa Breitbart và Sherrod”, các tòa soạn thực sự đã có được đến ba câu chuyện phổ biến thay vì chỉ một. Phần lớn các câu chuyện thông thường chỉ kéo dài vài phút nhưng cuộc tranh luận về Sherrod kéo dài gần một tuần. Đến bây giờ nó vẫn còn được nhiều người theo dõi. Hơn ai hết, Breitbart hiểu rằng ngành truyền thông không ngại bị chơi đùa bởi vì họ có được thứ gì đó từ việc này – cụ thể là số lượt xem, sự yêu thích và số lượng độc giả.

Breitbart mất vào đầu năm 2012 vì một cơn suy tim đột ngột. Có thể ông không còn ở với chúng ta nữa nhưng điều đó hầu như không quan trọng. Như ông đã từng nói: “Nuôi dưỡng nền truyền thông cũng giống như dạy dỗ một con chó. Bạn không thể ném cả một miếng thịt rồi mới bảo nó ngồi được. Bạn phải cho nó từng miếng nhỏ cho tới khi nó chịu học thì thôi.” Sinh thời, Breitbart đã dạy dỗ cho các blogger rất nhiều bài học. Ngày nay, tuy Breitbart đã không còn nữa nhưng nhiều blogger vẫn còn nghe theo lời dạy cũ của ông ta.

THẦY VÀ TRÒ

Quan trọng hơn cả, huyền thoại về Breitbart vẫn còn sống mãi trong James O’Keefe. Từ một O’Keefe non trẻ, được Breitbart nuôi dưỡng và dạy dỗ, anh ta cũng biết điều gì dễ dàng lan tỏa rộng rãi và dùng hiểu biết đó để tiếp tục phạm tội. O’Keefe cũng chịu trách nhiệm cho những câu chuyện có tầm cỡ như mẩu tin của Sherrod. Anh ta làm ra vẻ mình là một tên cò mồi trong một số video bí mật được cho là hình ảnh của một nhóm các nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức ACORN (giờ đã ngưng hoạt động) đang tư vấn cho một tên cò mồi cách trốn thuế. Có vẻ như là anh ta đã quay lại cảnh kênh NPR sẵn lòng che đậy một nguồn tài trợ rất lớn đến từ một nhóm người Hồi giáo. Thậm chí anh ta từng lên kế hoạch dụ dỗ một phóng viên của kênh CNN để gây khó khăn cho kênh này.

Giống như những đoạn clip của Breitbart, các tác phẩm của O’Keefe đã bị chỉnh sửa nặng nề và rất tinh vi – việc này đi quá giới hạn mà những trường hợp và sự kiện thực tế có thể chứng minh được. Các đoạn clip của anh ta nhanh chóng được phát tán rộng rãi vì chúng hoàn toàn được thiết kế dành cho một nhóm người cụ thể và to mồm: những người nóng tính thuộc Đảng Cộng hòa. Bằng cách dựng lên một câu chuyện để cầu xin các blogger Bảo thủ giúp đỡ, những câu chuyện động trời của anh ta nhanh chóng áp đảo khả năng xác minh và giải trình của những kẻ khác trong ngành truyền thông và trở thành những câu chuyện có thực. Và thậm chí khi họ không đủ áp đảo, như trường hợp câu chuyện của CNN, chúng vẫn đủ sức xuất hiện trên các bản tin.

O’Keefe đã học hỏi được từ Breitbart rằng trong thị trường blog có một sự thiếu sót đang ngầm tồn tại trong việc điều tra tư liệu hoặc nguồn gốc của tin tức. Chỉ là nó quá đắt đỏ nên không thể khai sinh ra công đoạn này. Do vậy, thay vì phải gánh khoản phí đắt đỏ thì O’Keefe lại tô điểm cho lớp vỏ ngoài của câu chuyện trống rỗng – một clip bị chỉnh sửa, một cuộc điều tra giả – các trang blog tận dụng như thể đó là công cụ để thay thế cho những chuyện có thực. Rồi anh ta quan sát thời khắc mà nền truyền thông tự nó sụp đổ để rồi lại sinh sôi nảy nở càng nhanh càng tốt. Bất thình lình, các câu chuyện gây shock với những đoạn ghi âm có thể tái sử dụng chính là mọi thứ nó cần.

Vì họ đóng giả làm nạn nhân nên sự phản ứng dữ dội mà chúng ta thường thấy đã giúp ích rất nhiều cho cả O’Keefe và Breitbart thay vì làm hại đến họ. Gần như tất cả câu chuyện của O’Keefe đều bị vạch trần là đã bị sửa đổi trong một chừng mực nào đó. Khi bị bắt phải tiết lộ những đoạn phim chưa bị chỉnh sửa của đài NPR và tổ chức ACORN thì người ta nhận thấy phần lớn những lời buộc tội đều bị thổi phồng hoặc bị giật dây. Nhưng vào lúc đó thì các nạn nhân đều đã bị mất việc hoặc danh tiếng đã bị ảnh hưởng rồi.

Ví dụ, đoạn clip về ACORN cho thấy O’Keefe đội một cái mũ của những tên ma cô, mặc một chiếc áo lông và chống một ba-toong đến những buổi họp mặt, trong khi thực tế thì anh ta mặc vest và thắt cà-vạt. Anh ta đã chỉnh sửa từng khung hình sao cho trang phục khác với thực tế. Sáu tháng sau khi đoạn clip này bị phô bày, hình ảnh của một tên cò mồi đã hằn sâu trong tâm trí mọi người và tác động đến câu chuyện mới giúp đưa tên tuổi của O’Keefe trở lại với báo chí. Việc bị phát hiện là một kẻ giật dây chỉ giúp bạn càng trở nên nổi tiếng hơn mà thôi.

HỌC HỎI TỪ CẢ HAI

Andrew Breitbart cuối cùng cũng đính chính sự việc để bác bỏ với mọi người câu chuyện của Sherrod trong phần đầu của bài viết:

Đính chính: Thời điểm Sherrod có những lời bình luận được ghi lại trong đoạn video thứ nhất được đính kèm trong bài cũng là lúc bà đang nắm một vị trí cấp cao mà vừa được chính quyền liên bang bổ nhiệm. Câu chuyện mà bà đề cập có lẽ liên quan tới những việc bà đã làm trước khi giữ chức vụ ấy.
Nói không quá thì đây là một lời đính chính nhảm nhí.

Sự cố gắng của Sherrod để lấy lại thanh danh và sau này là kiện Breitbart vì tội phỉ báng và vu khống chỉ tạo cơ hội để ông ta thêm phần khoác lác. Thông cáo báo chí mà Breitbart đưa ra là một ví dụ cho hành động ngang ngược: “Vụ kiện giữa Andrew Breitbart và Pigford: ‘Giỏi thì làm đi!’” Đó chính là những điều tôi sẽ khuyên ông nếu ông ta hỏi tôi – trên thực tế thì cơ bản tôi đã làm những điều tương tự rồi, chỉ có điều là tôi hơi thô bỉ hơn chút. Hãy nhớ rằng tôi là kẻ đưa ra thông cáo báo chí với dòng tiêu đề: “Tucker Max trả lời lại quyết định của CTA: ‘Cút xéo đi’”.

Tôi làm thế vì cách hay nhất để lợi dụng những kẻ ghét mình là chọc cho họ nổi điên vô cớ. Bởi trong khi đang bị mờ mắt bởi sự hận thù hoặc căm phẫn, họ sẽ chuyển đi thông điệp của bạn đến mọi tòa soạn mà họ tìm được. Chắc chắn việc Breitbart thách thức những kẻ chống đối đã làm được điều này cũng như lảng tránh hoàn toàn vấn đề của Sherrod và giả vờ như thể đây là một âm mưu chính trị về sự bồi thường cho tình trạng chiếm hữu nô lệ. Để không phải thừa nhận, dù là một chút, rằng bà ta không vi phạm bất kỳ điều gì mà Breitbart kết tội thì ông ta đã ra tay một cách cực kỳ chuyên nghiệp.

Nếu bạn có thể gạt đi những oan ức đã xảy ra với Sherrod sang một bên, bạn có thể thấy được thứ âm nhạc đầy mê hoặc mà cả Breitbart và O’Keefe có thể chơi được trên nhạc cụ là nền truyền thông mạng. Khi họ ngồi xuống để công bố chúng trên trang blog của mình thì họ không chỉ là những phần tử chính trị quá khích mà còn là những kẻ thèm khát được mọi người chú ý đến một cách tàn nhẫn. Từ sự chú ý chuyển thành danh tiếng và lợi lộc – một nền móng vững chắc cho những cuốn sách bán chạy, những câu nói hái ra tiền, những bản hợp đồng và khoản quyên góp trở nên đáng suy nghĩ và hàng triệu đô- la đến từ nguồn lợi nhuận quảng cáo trực tuyến.

Một vài người trong số các bạn có thể bỏ qua yếu tố luân thường đạo lý của nó, còn tôi thì không. Và mức độ của nó còn hơn thế nữa. Tôi không thể nào quên được những điều mà Sherrod, một mục tiêu được chọn ngẫu nhiên, đã phải chịu đựng. Và những nhân viên có thiện chí đang làm cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã mất việc sau khi bị O’Keefe cho lên hình. Tôi vẫn không thể nào không nghĩ đến chuyện đó được.

Đó là những nạn nhân của một cỗ máy truyền thông chỉ chăm chăm vào những câu chuyện sẽ được lan đi rộng rãi – toàn bộ những thứ đạo đức giả, sự thổi phồng, sự kìm hãm và hàng nghìn tội ác tinh vi cũng chỉ là để chống lại sự thật.

[1]. Theo Media Matter For America, FoxNews.com và trang blog Gateway Pundit là nơi đã đăng tin đầu tiên, sau đó vài phút là Hot Air và hàng chục trang blog khác (phần lớn đều đính kèm một đoạn video trên YouTube và lặp lại tuyên bố “kẻ phân biệt chủng tộc”). Cuối ngày hôm đó, kênh truyền hình đầu tiên phát lại câu chuyện này là một chi nhánh của CBS ở thành phố New York. Và tiếp theo là kênh Drudge Report, được nhiều người theo dõi vì những tin tức hàng đầu trong chương trình bản tin tối và sáng trên toàn quốc. Bạn có thể nói rằng nó đã tạo hiệu ứng dây chuyền hoàn hảo – TG.

[2]. Giải thưởng thường niên của Hiệp hội quốc gia Mỹ vì sự tiến bộ của người da màu – DG.

[3]. Nguyên văn: Tea Party, là một hoạt động chính trị nổi tiếng ở Mỹ với sự tham gia của những thành viên chủ chốt của đảng Bảo thủ và đảng Cộng hòa. Những người tham gia hoạt động này thường kêu gọi giảm nợ quốc gia và hạn chế thâm hụt quỹ liên bang bằng cách giảm chi phí cho Chính phủ và hạ mức thuế – DG.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.