Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 24. CÁCH ĐỌC MỘT TRANG BLOG



MỘT BẢN CẬP NHẬT CHO DANH SÁCH NHỮNG LỜI DỐI TRÁ

“Sự thật giống như con thằn lằn vậy. Nó sẵn sàng bỏ chạy và bỏ lại cái đuôi trong tay bạn vì biết chắc rằng nó sẽ mọc lại một cái đuôi mới trong nháy mắt.”

– Ivan Turgenev viết cho Lev Tolstoy

Nếu bạn thấy một trang blog bắt đầu bằng cụm từ “theo một người mách nước”, thì nên biết rằng đó chỉ là một ai đó giống tôi đang lừa các blogger viết những gì tôi muốn.

Nếu bạn thấy “chúng tôi nghe tường thuật là” thì nên biết rằng đó có thể là bất kì những gì được nói đâu đó trên Twitter hoặc những thông tin được đăng trên bảng tin hoặc tệ hơn nữa.

Nếu bạn thấy những từ như “được tiết lộ” hoặc “văn bản chính thức” thì nên biết sự thật là ai đó vừa mới gửi email cho blogger thôi. Và tất cả những thông tin, văn bản đó thường không phải chính thức mà là giả hoặc thậm chí là bịa đặt để tạo nên “cơn sốt” thông tin trong công chúng.

Nếu bạn thấy “tin nóng” hoặc “chúng tôi sẽ có thêm những thông tin chi tiết khi sự việc có tiến triển” thì bạn nên biết rằng những thông tin bạn quan tâm sẽ được cập nhật rất sớm. Bạn chẳng cần phải chờ đợi để được đọc hay nỗ lực kiểm chứng thông tin, mà ngay cả trong chính bản thân mỗi người cũng không có sự đấu tranh tư tưởng về việc liệu mình có nên cẩn trọng đối với những thông tin này hay không. Tin tức sẽ sớm đến tai của giới báo chí và được công bố trước khi người ta xác nhận được sự thật căn bản của thông tin này hoặc cũng không thèm quan tâm đến việc nó có thể gây ra rắc rối cho mọi người.

Nếu bạn thấy những từ “đã được cập nhật” về một sự việc hoặc một bài báo thì bạn nên biết rằng thực sự là sẽ chẳng có ai thèm viết lại câu chuyện dù có nhiều điểm mới được đưa ra ánh sáng – họ chỉ sao chép và dán thêm vài thứ rác rưởi ở cuối bài báo thôi.

Nếu bạn thấy “vài nguồn tin cho chúng tôi biết…” thì nên biết rằng mấy nguồn tin đó chẳng được xem xét hay kiểm chứng gì, mà chỉ cố để gây sự chú ý.

Nếu bạn thấy một câu chuyện được gắn mác “độc quyền” thì có nghĩa là trang blog và người cung cấp nguồn tin đã bắt tay dàn xếp để tăng hết cỡ độ phủ sóng cho tin tức đó. Và cũng nên biết rằng trong rất nhiều trường hợp, nguồn tin này cùng một lúc trở thành tin độc quyền cho nhiều trang khác nhau hoặc chỉ là trang blog đó ăn may có được câu chuyện mà họ ăn cắp được từ một trang khác ít được biết đến hơn.

Nếu bạn thấy những từ “được nói đến trong một thông cáo báo chí”, bạn nên biết rằng thậm chí nó có thể chẳng phải là một thông cáo báo chí gì, mà công ty nào đó phải trả tiền để chính thức đưa tin lên trên mạng điện tử. Họ chỉ đơn giản gửi thư hàng loạt đến một loạt các trang blog và các nhà báo qua email.

Nếu bạn thấy “theo một báo cáo của” thì bạn nên biết rằng người đang tổng hợp báo cáo này từ một nguồn khác chỉ có khả năng đọc hiểu cực kỳ cơ bản, có rất ít thời gian để làm việc đó, đồng thời mọi nỗ lực của anh ta chỉ nhằm để đơn giản hóa và phóng đại mọi thứ.

Nếu bạn thấy “chúng tôi đã liên hệ với ai đó để có bình luận”, bạn nên biết rằng trước khi bấm lệnh “xuất bản” thông tin lúc 4 giờ sáng thì họ đã gửi một email trước đó 2 phút rồi. Điều này xảy ra rất lâu sau khi họ viết ra một sự việc và ngừng bận tâm suy nghĩ về nó, cũng như hoàn toàn không nỗ lực tìm hiểu sự thật trước khi bỏ qua nó để đưa tin.

Nếu bạn nhìn thấy trích dẫn của ai đó hay một dạng như “ai đó nói”, bạn nên biết rằng thực sự các blogger không hề nói chuyện với người đó mà có lẽ chỉ lấy trộm các trích dẫn từ một nơi khác và theo các quy tắc của nền thương mại liên kết, họ có thể cho đó là của họ đến khi xuất hiện chút liên hệ với bản gốc đã bị chôn vùi trong bài đăng tải ở đâu đó.

Nếu bạn thấy “điều đó có nghĩa” hoặc “có nghĩa là” hoặc “sẽ cho kết quả” hoặc bất kỳ loại nào khác của việc diễn giải hay phân tích, bạn nên biết rằng các blogger, người đưa những ý đó là người hoàn toàn không được đào tạo hoặc có chuyên môn gì về lĩnh vực họ đang đưa ra ý kiến. Họ cũng không có thời gian và nỗ lực để tìm hiểu. Họ cũng chả bận tâm nếu họ ngày càng đi sai hướng một cách khủng khiếp vì sẽ không có bất kỳ hậu quả nào cả.

Khi nghe một người bạn nói rằng “tôi đã đọc được rằng…”, bạn nên biết một thực tế đáng buồn ở thời đại này là có lẽ họ chỉ liếc qua vài tiêu đề nào đó trên một trang blog.

DỰA VÀO NHỮNG VỎ BỌC LẠC LOÀI

Sự xuất hiện của mạng Internet và trào lưu viết blog phát triển đã làm thay đổi hoàn toàn quá trình tìm kiếm, sáng tạo và xử lý thông tin. Tuy nhiên, các chuẩn mực cho việc tạo nên tin tức thì không giống như vậy: Sức mạnh có được từ những thông tin được kiểm chứng, giọng văn mà bản tin này truyền tải cũng khác và giá trị tồn tại của nó bao lâu cũng khác. Thế nhưng, hầu như không có ngoại lệ, cách chúng ta dùng từ để mô tả tin tức và tầm quan trọng của độc giả thì vẫn luôn giữ nguyên vị thế đó.

Trong một thế giới không hề có ngữ cảnh và không có chuẩn mực, hàm ý từ quá khứ sẽ giúp duy trì quyền lực hiện tại, ngay cả khi đó chỉ là những mảng manh mún của cái đã từng tồn tại. Theo lý giải của Kierkegaard, các trang blog đã để mọi thứ đứng yên mà không tước đoạt tầm quan trọng của chúng một cách xảo trá.

Những từ như: phát triển, độc quyền và nguồn tin đã không còn phù hợp với các giả định mà lâu nay chúng ta vẫn thường hiểu về nội hàm cũng như ý nghĩa sâu xa của chúng. Các blogger sử dụng những “từ có giá trị” (giống như từ ngữ mập mờ của Wikipedia) này để cung cấp trạng thái cho những sự việc chẳng có gì đáng chú ý của họ. Họ dùng ngôn ngữ của Woodward và Bernstein nhưng lại áp dụng vào thế giới truyền thông khiến cho ngay cả Hearst cũng phát ngấy. Chúng là những gì mà George W. S. Trow gọi là “những vỏ bọc lạc loài”.

Tại sao lại thế nhỉ? Chúng ta đã được dạy phải tin vào cái mà mình đọc. Đó là, không có lửa làm sao có khói, hay liệu rằng một người sẽ tin vào những gì họ đang nói nếu họ có thời gian để viết lại và phát hành nó. Sự khôn ngoan của niềm tin này không còn đúng nữa, thế nhưng công chúng vẫn đang bước đến và trang bị cho mình “quy tắc ngón tay cái” khiến họ trở thành mục tiêu của sự thao túng hơn là sự bảo vệ.

Tôi đã lợi dụng sự khờ khạo đó. Và tôi thậm chí không phải là kẻ tệ nhất trong bọn họ. Tôi cũng không khác gì những kẻ kia. Tôi cũng đang bị lừa liên tục – bởi các blogger, các nhà xuất bản, các chính trị gia và các nhà tiếp thị. Tôi thậm chí còn bị lừa bởi chính những sáng tạo kỳ quái của mình.

THỜI ĐẠI KHÔNG CĂN CỨ

Và như vậy, những điều bịa đặt đã qua mặt thực tế. Mọi người đều đang buôn bán, lừa gạt tin tức và chúng ta hầu như không nhận thức được điều đó. Cảm xúc của chúng ta đang bị lôi kéo bởi những kiểu cách giả tạo – sai lệch do vô ý hoặc cố ý – của những cư xử mà chúng ta được dạy là vô cùng quan trọng. Chúng ta đọc câu chuyện nào đó và cảm thấy nó quan trọng, tin rằng tin tức này là thật và việc tường thuật tin đang rất đúng nguyên tắc, nhưng thực ra chẳng phải vậy.

Hãy hình dung một bức trang quảng cáo cho một bộ phim độc lập muốn được đón nhận như một tác phẩm có nghệ thuật và chiều sâu. Nó có lẽ được thể hiện bởi biểu tượng lá nguyệt quế – cho các giải thưởng như “Bộ phim xuất sắc nhất”, “Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao”, hoặc “Bộ phim được bình chọn nhiều nhất”. Những dấu hiệu này ban đầu chỉ là biểu tượng của một số liên hoan phim quan trọng. Sau đó, nó bắt đầu được áp dụng cho nhiều thành phố và thậm chí ngay cả những địa phương khi họ tổ chức các liên hoan phim của riêng mình. Ngoài ra, còn những khác biệt đáng kể giữa “những người chiến thắng” và vài chục hoặc thậm chí hàng trăm “bình chọn” khác. Vòng nguyệt quế dùng ở các liên hoan là để cho khán giả thấy được giá trị tiềm ẩn của những tác phẩm nghệ thuật đó rất khó tìm kiếm dù cho khoảng cách giữa ý nghĩa và thực tế là rất lớn.

Ảo tưởng về lá nguyệt quế là một phép ẩn dụ cho trang web. Nó làm nền cho mọi thứ từ nền kinh tế liên kết – một đường dẫn trông như một đoạn trích, nhưng thực ra không phải – mà để giật tít làm mồi dẫn cho những cú nhấp chuột của chúng ta. Đó là lý do tại sao họ phải tạo phản ứng dây chuyền và cũng là lý do bạn có thể dễ dàng có tên trên báo vào ngày hôm sau chỉ qua HARO.

Điều mà những người này đang cố gắng làm chỉ là tìm kiếm bất kỳ cái gì đó, có thể là sự tán thành hoặc dấu hiệu tin cậy. Do nguồn tư liệu hiếm hoi và không có sự hỗ trợ nên các trang blog chỉ có vài phút để đăng bài viết của họ. Vì những vấn đề chỉ xảy ra một lần nên họ buộc phải nghe ngóng từ hàng nghìn trang web khác. Họ rất cần “cái này không giống như những thứ khác” mặc dù nó như vậy. Vì vậy, họ tô điểm thêm cho những khác biệt và khiến những bài cũ không còn đúng nữa.

Trow đã viết: “Trong thời đại không căn cứ, cần có những căn cứ đáng tin.” Chúng ta đang sống trong một thế giới truyền thông mà rất cần ngữ cảnh và tài liệu có căn cứ nhưng vẫn không thể tìm được những thứ đó. Bởi chúng ta đã phá hủy các dấu vết cũ nhưng cũng không tạo ra được cái mới đáng tin. Và kết quả là chúng ta gạt phăng đi những điều mới trong các quy định cũ mà thực sự chỉ là vỏ bọc cho những gì đã từng có. Thái độ hoài nghi sẽ không bao giờ đủ để đánh bại điều này. Thậm chí không đủ để có một điểm khởi đầu.

Bây giờ, gần như là sáo rỗng khi nói: “Nếu tin này quan trọng, nó sẽ tự tìm đến với tôi”. Bản thân niềm tin này chỉ dựa vào “những vỏ bọc lạc loài”. Nó phụ thuộc vào giả định rằng những tin tức quan trọng sẽ vượt qua được sự ồn ào trong khi những cái ít quan trọng sẽ bị bỏ qua. Điều này không thể sai hơn được nữa. Khi phát hiện ra các mánh khóe truyền thông của mình thì tôi cũng nhận ra rằng những thông tin trực tuyến đến với chúng ta – những gì lan tràn trên mạng – mới là thứ tệ nhất. Tự nó phát triển trên sự hỗn loạn ồn ào mà không cần giá trị, tầm quan trọng, hoặc tính chính xác gì cả. Nó chỉ là sự đối nghịch, bằng sự lươn lẹo, gây kích thích và khác biệt.

Tôi kiếm được rất nhiều tiền và có được khoảng thời gian tuyệt vời khi “chơi chữ” để tạo nên tin tức. Tôi lợi dụng sự lười biếng đằng sau những tin tức và thói quen đọc của mọi người. Nhưng cũng chính từ sự lạm dụng những vỏ bọc lạc loài này đã dẫn đến một vấn đề khác. Kiến thức và sự hiểu biết của chúng ta chỉ là những vỏ ốc hoàn toàn rỗng tuếch. Những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết hóa ra chẳng dựa trên gì cả hoặc tệ hơn là không có gì – ngoài sự lệch hướng và thêm thắt. Sự thật mà chúng ta biết không có thực, nó chỉ là những ý kiến được tô điểm lên để làm cho chúng giống như sự thật. Những ý kiến đó cũng chẳng phải là ý kiến mà chỉ là những cảm xúc được xem như ý kiến. Thông tin mà ta có không phải là thông tin; nó chỉ là sự lắp ráp vội vã các ký tự lại với nhau.

Không đời nào tôi xem đó là một điều tốt cả. Nhưng nó cũng chẳng có vấn đề gì khi cá nhân tôi cũng thực hiện được biết bao nhiêu điều từ việc này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.