Tin Tôi Đi, Tôi Đang Nói Dối Đấy

Chương 18. SỰ LẶP LẠI HỖN LOẠN



LÝ LUẬN GIẢ TẠO CỦA BÁO MẠNG

“Với mạng xã hội, không hề có người biên tập. Không có chuyện ngồi chờ kiểm duyệt. Khi bạn đăng tin mới (tweet) hoặc đăng lại tin cũ (retweet), bạn không cần xác minh sự thực hoặc thậm chí không cần quá bận tâm rằng mình có đang phát tán một lời dối trá hay không… Nhưng đó chính là cách làm việc của loại báo chí tốc hành ngày nay. Ðó chính là phong cách báo chí thử nghiệm.”

– Jon Orlin, trang TECHCRUNCH

Nick (Denton) rất quan tâm đến tình hình hiện nay. Và điều quan trọng là phải đi ra hiện trường và càng trung thực càng tốt, nhưng đừng để việc đó ngăn cản chúng ta truyền đạt lại câu chuyện.

– Jessica Coen, Biên tập viên trang JEZEBEL

Không gì sai trái hơn việc đặt sự quyết đoán và sự hăng hái được phê chuẩn lên trên nhận thức và ý thức.

– Cicero

Trong cuốn sách này tôi đã viết rất nhiều về tính thương mại của blog. Tôi đã cố hết sức để chỉ ra những thế lực đứng sau các phương tiện truyền thông thay cho các blogger bình thường. Đó là cách để tôi luôn cố nhìn nhận vấn đề này, kể cả khi tôi bị vây bủa bởi những tranh cãi thiếu công tâm hoặc bị đâm sau lưng ở nơi công cộng. Nhưng tâm thái đó đã sụp đổ và trở thành điều không thể khi tôi tiếp cận thể loại nhật ký mạng: thể loại Báo chí bắt chước, lặp lại (Iterative Journalism) .

Chưa hài lòng với việc lòng tham trơ trẽn của mình được chấp nhận là động lực kinh doanh, các nhà báo và những tay có máu mặt trong giới truyền thông đã đầu tư cho mình một hệ thống phản- lý- luận. Và sau khi nghe họ huyên thuyên về nó đủ lâu, tôi quyết định bóc trần bản chất nhảm nhí thật sự của nó.

Báo chí lặp lại, báo chí tốc hành, báo chí thử nghiệm – hay bạn muốn gọi nó là gì đi nữa – cũng là thứ vớ vẩn và nguy hiểm. Nó kêu gọi các blogger trước tiên hãy đăng một cái gì đó rồi sau khi đăng thì xác minh cái họ đã đăng. Các nhà xuất bản tin rằng các cây viết của họ phải thực hiện tất cả các bước của quá trình làm tin, từ phát hiện đề tài cho đến xác minh rồi viết bài và biên tập trong thời gian xác định. Một điều rõ ràng là ai nghĩ về điều đó trong khoảng vài giây thôi cũng nhanh chóng nhận ra đó là sai lầm, nhưng họ lại bị nhồi sọ bởi lời dối trá rằng nó giúp họ cải thiện bản tin.

Sau nhiều lần quan sát quá trình này hoạt động, tôi biết rằng nó không đúng sự thật. Đó là lý do tại sao giờ đây tôi bỏ thời gian để biện hộ thay vì công kích. Kết quả là tôi bị sa lầy trong việc cố dập tắt một ngọn lửa mà ngay từ đầu không cần được nhóm lên. Đó là lý do tại sao tôi nhận được nhiều email vào lúc 6 giờ sáng từ những tác giả như Irin Carmon để hỏi xin ý kiến về một câu chuyện có xuất xứ mơ hồ nào đó mà họ quyết định “hé lộ”.

Tại sao các blogger sẵn sàng làm mọi việc? Erik Wemple, một blogger của trang Washington Post, có viết: “Bạn bắt buộc phải tiếp cận được tin tức ngay khi nó diễn ra và trong trường hợp này, là trước khi nó diễn ra. Chờ đợi một nguồn tin khác tức là bạn dọn bàn cho người khác ăn và họ sẽ nẫng tay trên lượt truy cập của bạn.” Vì vậy, vào buổi sáng khi tôi thức dậy, thì đã có nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên mạng đến nỗi không thể sàng lọc được. Blogger Tommy Craggs của trang Deadspin cũng cho rằng: “Các ưu tiên cũng được sắp xếp theo cách này”. Vì vậy, tốt hơn chúng ta nên làm quen với điều đó[1].

BÁO CHÍ LẶP LẠI LÀ GÌ?

Trước hết hãy bắt đầu tìm hiểu báo chí lặp lại không phải là cái gì. Thể loại báo chí này không nói rằng: “Đây là câu chuyện chúng ta không biết hoặc cần phải biết vì câu chuyện này rất quan trọng.” Nó cũng không nói rằng: “Mọi người hãy dừng lại! Tôi sẽ theo đuổi câu chuyện này đến tận cùng vì các bạn.” Thay vào đó, các nhà báo thuộc nền báo chí lặp lại giơ cả hai tay lên, tuyên bố rằng họ chẳng biết gì và truyền đạt lại bất cứ thứ gì họ nghe được như những bản tin.

Seeking Alpha đã thực hiện tinh thần này một cách hoàn hảo trong một câu chuyện gần đây: “Nếu báo giấy đưa tin đúng và tôi không có cách nào kiểm chứng nó, vậy thì tờ báo này gặp rắc rối to.” Thật không? Không đời nào lại như thế nhỉ? Ở mức độ tốt nhất, báo chí lặp lại là thứ mà TechCrunch đang làm: khuấy động quần chúng bằng cách lặp đi lặp lại các nhận định giật gân và rồi giả vờ như họ đang chờ những dữ kiện xuất hiện. Họ thấy không có gì mâu thuẫn giữa việc đăng một bản tin với dòng tít: “PayPal rao bán các mảnh của chiếc vĩ cầm được cho là quý hiếm vì họ quan tâm đến nó” và rồi lại viết: “Sự tình vẫn chưa ngã ngũ và tôi đã liên hệ với PayPal về vụ việc. Vì thế, trước khi chĩa mũi dùi vào họ, chúng ta hãy cùng thảo luận xem chuyện gì đã xảy ra[2].”

Các nhà báo theo trường phái lặp lại mù quáng chạy theo những bóng ma suy đoán đến bất cứ đâu chúng đưa họ tới, trong khi hầu như không có bất cứ sự tìm tòi hay chứng cứ chắc chắn nào, và rồi lập tức đăng một thông tin gây nghi hoặc, như chúng ta đã biết, theo một mạch liên tục. Như Jeff Jarvis nhận xét: “Ở trên mạng, chúng ta thường đăng tải trước rồi biên tập sau. Người làm báo giấy xem các bài báo của họ như những sản phẩm hoàn chỉnh. Các blogger xem các bài đăng của họ nhưng một phần của quá trình học hỏi.”

“Quá trình học hỏi” này không phải là một cuộc truy tầm kiến thức. Phơi bày những mưu mẹo, Michael Arrington của trang TechCrunch nhận xét về nó một cách thẳng thừng rằng: “Làm đúng thì tốn kém, làm nó xuất hiện lần đầu tiên thì mới tiết kiệm[3]”. Hơn thế nữa, do có làm sai cũng chẳng mất gì, nên có thể nói rằng người ta chẳng thèm tránh né sai lầm làm gì. Việc đó không chỉ ít tốn kém hơn mà còn làm ra nhiều tiền hơn vì mỗi khi một trang blog có sự chỉnh sửa, nó sẽ có một bài đăng khác ra đời – tức là tăng lượt xem[4].

Báo chí lặp lại tự giới thiệu như một hình thức báo chí linh hoạt và giàu thông tin, nhưng thực tế thì, nó thể hiện chính mình dưới dạng những tin đồn, những sự thật nửa vời, những bài báo không có giá trị, những khối lượng thông tin khổng lồ không cần thiết và hàng đống những lời phỏng đoán cũng như phóng đại. Thay vì sử dụng các nguồn tin hay tài liệu chính thức đòi hỏi phản hồi một cách chậm rãi, thì nó lại dựa trên những tin đồn, chuyện phiếm và câu hỏi. Các sự kiện được “đăng tin nóng” thay vì có sự sàng lọc. Các blogger đăng tin liên tục và kiếm chác từ việc người khác chỉ ra những lỗi sai hoặc gửi tới các tin cập nhật hoặc đợi tới khi các nguồn tin liên lạc lại với mình.

Nền báo chí lặp lại được xác định bởi tính chụp giật của nó. Nó cũng chụp giật giống như các phóng viên khi họ bịa đặt những câu chuyện của mình. Chỉ một sự khuấy động nhỏ nhất cũng đủ để một nhà báo biến nó thành câu chuyện. Kết quả là những câu chuyện nói đến những biến động lớn, như các cuộc thương thảo thôn tính, các vụ kiện, dự thảo luật, các thông báo chờ được công bố và các cáo buộc hình sự… thường được phóng đại bất chấp nguồn gốc bé tí xíu của chúng. Một tin Twitter, một bình luận trên blog, hay một tiêu đề thư điện tử cũng có thể trở thành một bài viết qua sự “phù phép” của họ. Các blogger không thêu dệt tin tức nhưng họ sẵn sàng đánh đổi niềm tin, lương tri và trách nhiệm để được tiếp cận những câu chuyện ăn khách trước tiên. Áp lực của việc “tìm thứ gì đó để đăng” rõ ràng là mâu thuẫn với khao khát “đăng thứ gì đó cho đúng”.

Một trang blog theo đuổi phong cách báo chí lặp lại có thể đăng tin rằng họ nghe nói Google đang lên kế hoạch mua Twitter hoặc Yelp, hoặc tiết lộ tin Tổng thống vừa bị ám sát (hiện nay những tin sai lệch như vậy có nhan nhản trên mạng). Trang blog đó sẽ cho đăng câu chuyện trong lúc nó điều tra các dữ kiện – nghĩa là cho đăng tin đồn trước trong lúc tìm hiểu thêm còn khai thác được gì từ câu chuyện này nữa không. Theo giả thiết, một kẻ thao túng giới truyền thông cho Yelp là kẻ đứng sau vụ rò rỉ này. Hắn biết rằng những lời đồn về vụ mua lại có thể giúp bọn họ đẩy giá cả vụ thương lượng lên cao. Bản thân tôi sẽ không cho đăng tin tức về cái chết của Tổng thống vì tôi chẳng được lợi gì từ việc đó cả. Nhưng nhiều kẻ nghịch ngợm sẽ làm điều đó.

Nếu một trang blog may mắn, thì canh bạc nó khơi lên theo cung cách lặp lại sẽ được xác nhận bằng các sự kiện xảy ra sau đó. Ngược lại, nếu nó không may mắn, nó chỉ việc tiếp tục đăng bài về phản ứng của mọi người với bản tin, như thể nó không dính dáng gì đến việc đã tạo ra chúng – và đó mới là phần đáng tởm của câu chuyện. Đây là điều đã xảy ra với trang Business Insider khi họ đưa một tin sai lệch rằng Thống đốc David Paterson của New York sẽ từ chức. Cuối bản tin chỉ cập nhật một cách đơn giản từ “Vụ bê bối của Paterson trên New York Times sẽ ngã ngũ vào thứ Hai, theo sau là lời từ chức của Thống đốc” thành “Vụ bê bối của Paterson trên New York Times sẽ ngã ngũ vào thứ Hai, văn phòng Thống đốc phủ nhận tin từ chức”[5] (phần nhấn mạnh là của tôi).

Lẽ ra họ nên tiếp thu bài học này từ nhiều tháng trước, ngay sau khi cắn câu trong một vụ tương tự. Một kẻ chơi khăm nào đó đã đăng lên iReport của CNN rằng, một “nguồn tin” cho biết, Steve Jobs vừa bị một cơn đau tim nghiêm trọng[6]… Đó là tin đăng đầu tiên và duy nhất vào lúc 4 giờ sáng từ người này. Rõ ràng là tin lừa gạt. Thậm chí trang MacRumors.com, một trang không đăng gì khác ngoài tin đồn, cũng biết mẩu tin này là giả và không viết về nó. Tuy nhiên, hành động theo trực giác lặp lại của mình, trang blog chị em với Business Insider – trang Silicon Alley Insider – đã nhanh chóng chớp lấy câu chuyện này và biến thành một bản tin hoàn chỉnh. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Apple đã tuột dốc không phanh. Khoảng 25 lăm phút sau, khi mẩu tin tan vỡ, iReport xóa mẩu tin giả đó và Apple phủ nhận lời đồn – Business Insider viết lại dòng tin theo một góc nhìn mới: “‘Báo chí nhân dân’… vừa trượt bài kiểm tra quan trọng đầu tiên của mình”[7]. Vâng, “báo chí nhân dân” là kẻ đã thất bại. Còn ai không thất bại, bạn biết không? Những kẻ đang muốn mua cổ phiếu của Apple.

Thế đấy, đó là lý do tại sao báo chí lặp lại trở nên hấp dẫn đối với giới xuất bản đến vậy. Nó loại bỏ những chi phí như xác thực dữ kiện hay thời gian nhà báo xây dựng mối quan hệ với nguồn tin. Nó mang lại lợi nhuận vì nó cho phép người viết quay trở lại nhiều lần với một câu chuyện và thúc đẩy nhiều bình luận, nhiều đường dẫn và nhiều sự phấn khích hơn những bản tin bình thường, không “sốt dẻo”. Sẽ là dối trá nếu gọi nó là một kinh nghiệm hay một quá trình học hỏi bởi nó chẳng là gì ngoài một phương thức kiếm tiền.

LẤP LIẾM LỖI LẦM

Các nhà báo theo phong cách lặp lại khẳng định rằng, họ hoan nghênh việc chỉnh sửa như một cách biện minh cho các rủi ro mà họ bất chấp khi tung tin. Thế nhưng, tôi còn nhớ từng nghe Nick Denton than phiền với một xưởng đóng gói trong Lễ hội âm nhạc SXSW 2012 rằng, American Apparel và Dov Charney “lãng phí quá nhiều thời gian biên tập” trong khi tôi gọi cho các phóng viên của ông ta để phàn nàn về những câu chuyện thiếu chính xác. Giá mà chúng ta có cách tránh được điều đó…

Kể cả như thế cũng không có trang blog nào muốn bị bẽ mặt vì sai sót. Do đó, thay vì đứng sau lưng những câu chuyện đáng xấu hổ gây ra bởi phong cách báo chí ngu ngốc của mình, các trang blog núp đằng sau những câu phỏng đoán: “Chúng tôi nghe nói…”; “Tôi tự hỏi…”; “Có thể là…”; “Nhiều lời đồn cho rằng…”; “Các trang web đưa tin rằng…”; “Có thể…, Sẽ là…, Có nên…” và còn nhiều nữa. Nói cách khác, họ ném phong cách báo chí tường thuật vào các bản tin mà không cần gánh toàn bộ trách nhiệm và đóng giả làm một người quan sát công bằng đối với câu chuyện do chính họ tạo dựng nên.

Ví dụ, sau đây là hai câu đầu tiên trên trang blog Daily Intel của New York Times, viết về chuyện của David Paterson mà tôi đã đề cập trên đây:

Sau nhiều tuần với các tin đồn rầm rộ về việc một số báo New York Times sẽ tiết lộ một vụ bê bối “khủng” về Thống đốc New York David Paterson, trang Business Insider hiện đang cho biết câu chuyện có thể sẽ ngã ngũ vào ngày mai và sẽ được tiếp nối bởi lời từ chức của vị thống đốc này (!!). Mặc dù thực chất của vụ tiết lộ vẫn còn là bí mật, nhưng các tin cho biết câu chuyện này còn “tệ hại hơn nhiều” so với việc Thống đốc Paterson công khai thừa nhận ngoại tình với một nhân viên của bang (phần nhấn mạnh là của tôi)[8].

Chào mừng bạn đến với khóa học “Nhập môn lấp liếm lỗi lầm”. Gần như mọi lời khẳng định đều được nói giảm đi bằng những việc có thể xảy ra hoặc đổ thừa cho ai đó. Họ nói tất cả những thứ họ có thể nói mà làm ra vẻ như mình không nói gì. Đây chính là một lá chắn dối trá hoàn hảo. Đó là thứ được Daily Intel vận dụng thành công vì câu chuyện đã ngã ngũ rằng họ hoàn toàn sai lầm. Nhưng không phải ai cũng biết rút kinh nghiệm từ sai lầm – các bài đăng chỉ được cập nhật với nhiều đồn đại và phỏng đoán hơn. Một sai lầm được thay thế bằng nhiều sai lầm hơn.

Một chiến thuật lặp lại phổ biến khác đó là viết về những tin đồn “mà người khác cũng đang viết về chúng.” Việc này cho phép họ viết blog về một câu chuyện chưa được triển khai mà không cần phải nhận trách nhiệm đối với nó. Trang Daily Beast đã chọn lối đi này khi họ viết một câu chuyện về “tin đồn ít -ai- biết-nhưng-không – thể-bỏ-qua” rằng chồng của một nữ chính trị gia thực chất là một người đồng tính. Tất nhiên, những tin đồn như vậy được phát tán từ các đối thủ của vị nữ chính trị gia đó và phe đối lập của bà ấy rất lấy làm hài lòng. Người viết thậm chí còn thừa nhận ngay trong câu đầu tiên rằng những lời cáo buộc này không là gì ngoài “lời dự đoán chưa được chứng thực”. Nhưng việc đó đâu quan trọng gì. Chúng ta đâu còn thảo luận về việc những lời đồn này có đúng hay không mà chỉ thảo luận về những điều họ đang nói tới ngay lúc này.

Có người biện minh cho điều này bằng cách tự nghĩ ra cách phân biệt giữa đăng tin đồn và đăng những dư luận về tin đồn. Trên thực tế thì không có gì khác nhau cả. Thời gian của công chúng bị lãng phí bởi những thông tin được đưa ra nhằm mục đích thao túng vì quan điểm sai lầm rằng, sự phỏng đoán về những nội hàm của suy đoán sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự thật – thay vì làm phức tạp thêm vấn đề.

VÍ DỤ THAM KHẢO

Chắc chắn rằng báo chí lặp lại có một vài ưu điểm: rẻ tiền, nhanh chóng và dễ được mọi người chú ý. Hãy lấy trường hợp hấp dẫn nhất này làm ví dụ: đưa tin về cái chết của Osama bin Laden.

Lúc 10 giờ 25 phút tối, một người dùng tên Keith Urbahn đã tung tin sốt dẻo này trên Twitter: “Tôi nghe một người có tiếng tăm nói rằng người ta đã giết được Osama Bin Laden. Sốt dẻo thật.” Urbahn khơi mào ngay khi anh ta nghe về nó và mẩu tin thật sự phát huy tác dụng. Nó nhanh chóng lan truyền trên Twitter và mau mắn xuất hiện trên các trang blog, thậm chí trước khi giới truyền thông chính thống biết chuyện gì đã xảy ra. Chuyên gia mạng xã hội Brian Solis đã viết rằng: “Trong khi giới truyền thông và cả Tổng thống Obama còn đang nghe ngóng tình hình của những sự kiện ở Pakistan, thì những người theo dõi @ReallyVirtual, @mpoppel và @keithurbahn là người đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện và hình thành của một bản tin.”

Nguồn tin đầu tiên của người đó (không ai ngờ, lại là một nhà sản xuất tin tức truyền hình) hóa ra đã đúng và vì thế Urbahn cũng đã đúng trước bất kỳ ai khác. Các blog chi phối câu chuyện này với phong cách lặp lại và đưa tin tức đến với công chúng một cách chính xác và nhanh chóng. Họ đã viết nên lịch sử trước khi giới truyền thông chính thống kịp có cơ hội đưa phát thanh viên của mình ngồi vào ghế trang điểm, thậm chí trước khi chính phủ Hoa Kỳ đưa ra lời xác nhận chính thức. 20 phút sau khi Urbahn đăng mẩu tin đó, mẩu tin mới được xác nhận và được phát đi bởi một kênh tin tức đầu tiên[9].

Như vậy, nói một cách khác, thành công vĩ đại nhất của báo chí lặp lại chính là trao cho chúng ta một bản tin sớm hơn 20 phút so với các kiểu truyền thông khác. Hoan hô. Tận 20 phút. Thế giới vĩnh viễn biết ơn điều đó.

Việc chú ý đến một mẩu tin xuất hiện sớm hơn hay trễ hơn 20 phút về cơ bản đã làm chúng ta quên mất bản chất vấn đề. Bản chất vấn đề ở đây là trùm khủng bố đã chết. Xin sửa ý của ông Brian Solis đầy thiện chí rằng, sẽ khá là nực cười khi nghĩ rằng báo mạng nghe về vụ càn quét Bin Laden còn trước cả Tổng thống – người đã ra lệnh cho cuộc càn quét đó.

Vậy thì tại sao đó lại là một mục đích? Hai mươi phút là một chiến thắng ngớ ngẩn. Thế nhưng đó lại là tất cả những gì báo chí lặp lại đem đến cho chúng ta trong những lúc nó làm việc hiệu quả. Đây chính là một ví dụ, một trường hợp ngoại lệ, khi mà có một người qua đời và người tung tin chỉ tin chắc một phần nào về vụ việc nên anh ta chỉ nói rằng “có thể là thông tin sai hoặc chỉ là tin đồn” và anh ta trở thành một anh hùng thay vì một kẻ ngốc.

Nhưng chúng ta hãy xem xét một ví dụ khác. Chúng ta có gì khi báo chí lặp lại thất bại?

Câu trả lời là: Rất nhiều người vô tội phải chịu đau đớn và khổ não. Như khi trang blog Eater LA cho đăng tin từ một độc giả ẩn danh, trong đó khẳng định rằng một quán rượu nổi tiếng của Los Angeles không chỉ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về sức khỏe mà còn quảng cáo các loại rượu thượng hạng trong thực đơn mặc dù chỉ bán các loại rượu thay thế dạng thường. Đó chính là kiểu tin mà những nhà đăng tin theo trường phái lặp lại ưa thích và Eater lập tức cho công bố mẩu tin – trước khi kiểm chứng tin này hoặc liên hệ với nhà hàng đó:

[Trích nguyên văn] Bên cạnh việc không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản như không sử dụng xà bông, mất vệ sinh và bán món rau trộn thịt gà đã chế biến trước đó hai tuần, 90% tất cả các món “tươi sống” có trong thực đơn đều được nấu từ nhiều ngày trước và được dự trữ trong tủ lạnh.

Cũng như nhiều bản tin lặp lại khác, mẩu tin này sau đó được chứng minh là sai. Hoàn toàn sai. Thế là Eater cho đăng thêm một cập nhật nói rằng chủ nhà hàng này đã phản bác mẩu tin. Nhưng mẩu tin đó – những cáo buộc và dòng tít đáng ghê tởm về vấn đề vệ sinh – vẫn được giữ nguyên. Mẩu tin được duy trì cho mọi người đọc và bình luận. Chỉ sau lần cập nhật thứ hai – khi bị dọa đâm đơn kiện – Eater mới bắt đầu thừa nhận là họ đã sai. Hãy xem một phần nội dung trong lần cập nhật này của họ:

Chúng tôi đã cho chạy dòng tít này mà không liên hệ với chủ nhà hàng và họ đã bác bỏ hoàn toàn thông tin trên. Chúng tôi xin lỗi chủ nhà hàng và các độc giả vì đã không kiểm tra nguồn tin trước khi cho đăng lên trang. Mẩu tin được đăng không thể hiện tinh thần của chúng tôi và lẽ ra chúng tôi không nên đăng tin đó.

Thế nhưng, thể hiện tinh thần của báo chí lặp lại, mẩu tin gốc vẫn tiếp tục hiện diện trong 2 năm sau đó. Các cập nhật ở bên dưới mẩu tin vẫn có thể được nhìn thấy sau khi các cáo buộc nặc danh đã bị phủ nhận. Chỉ khi có lời dọa đâm đơn kiện từ phía chủ nhà hàng, trang blog này mới chịu thừa nhận là mình lẽ ra không nên đăng tin. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ để họ gỡ mẩu tin xuống hoặc tiết lộ danh tính kẻ tung tin hiểm ác này.

Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều trường hợp báo chí lặp lại đem đến những hệ lụy trong thực tế[10]. Bạn hãy tưởng tượng nếu nhà hàng đó là nhà hàng lớn hơn hoặc là một công ty niêm yết trên thị trường. Lúc đó, cổ phiếu của nó sẽ biến động theo tin này – hoặc bất kỳ tin tức nào – và những tin đồn được đăng tải trên những trang blog có nhiều người đọc cũng không là ngoại lệ. Chúng có được cập nhật, chỉnh sửa hay là một phần của quá trình học hỏi hay không không quan trọng; nhưng trang blog được đọc bởi người thật và khi đọc, họ đưa ra các ý kiến và những quyết định.

Báo chí tốc hành, được nuôi dưỡng bởi những tranh cãi, những tin đồn và những vụ bê bối gây phiền phức, là một con ác thú không biết xót thương. Những ai chưa từng ở trong hoàn cảnh tương tự đều không nhận ra rằng trong những tình huống như một vụ bê bối, một vụ phát hành cổ phiếu lần đầu, một vụ kiện, hay một biến cố thương tâm, các đối tượng của câu chuyện chính là những người có ít cơ hội tiếp cận với báo chí nhất. Pháp luật có thể ngăn cấm việc bình luận một cách công khai, quy định của SEC đôi khi cấm người ta nói chuyện với báo giới; sự xấu hổ đơn giản là cảm giác quá tải khi đối mặt với biến cố có thể làm người ta không thể phản hồi lại từng câu hỏi của giới truyền thông một cách tức thì. Với những câu chuyện như trên, chúng ta cần tiếp cận một cách thận trọng, phải cẩn thận lên tiếng nhân danh những người không thể lên tiếng, nhưng các blogger không muốn làm điều đó vì họ chẳng được lợi lộc gì.

Thúc đẩy ai đó tranh luận về một cáo buộc phi lý và sai sự thật thì cũng chẳng khác nào vu khống. Những câu chuyện kiểu này hấp dẫn người viết và được mổ xẻ thậm chí trước khi chúng được viết hoàn chỉnh và chính là những kiểu chuyện không thể được thu hồi. Những vụ bê bối, những tranh cãi, các tuyên bố gây sốc – những thứ được đề cập trong cuốn sách này vốn quá dễ dàng để thêu dệt hay thao túng – không thể không viết về chúng hoặc cũng không thể thu hồi chúng. Chúng phát tán quá nhanh. Chúng thu hút sự chú ý quá dễ dàng.

Khi cuối cùng mọi việc được chứng minh là sai (hoặc không chứa toàn bộ sự thật), những nạn nhân sẽ tự hỏi bản thân, giống như câu hỏi của cựu bộ trưởng Bộ Lao động Hoa Kỳ Ray Donovan đã đặt ra với tòa án khi ông được tuyên bố trắng án trước một cáo buộc sai lầm mà đã khiến sự nghiệp của ông bị hủy hoại: “Tôi phải đến cơ quan nào để lấy lại danh tiếng cho mình?”

NÔ LỆ CỦA GUỒNG MÁY LẶP LẠI

Phóng viên thể thao Bill Simmons, người nổi tiếng nhờ phát minh ra cơn sốt báo chí lặp lại khi ông vô tình cho đăng một tin nhắn cá nhân xác nhận các tin đồn về vụ bán Randy Moss cho đội Vikings vào năm 2010, đã viết: “Twitter, ứng dụng cổ xúy cho nhu cầu thông tin tức thì, đã làm mờ ranh giới giữa đăng tin và phân tích tin, đồng thời buộc người viết phải theo đuổi những thông tin sai lệch.” Ông nói rằng, sức quyến rũ của thế giới lặp lại đó là “lôi cuốn các nhà báo trở thành nô lệ của những nguồn tin nhất định, bỏ qua những yêu cầu minh bạch và ‘bắn’ tin trước khi tin đó thật sự xảy ra” (phần nhấn mạnh là của tôi).

Nhưng bất chấp điều đó, các tờ báo mạng nổi tiếng nhất và chói sáng nhất (và cũng giàu nhất) đã quảng bá phong cách báo chí lặp lại như một mô thức tường thuật trực tiếp: Tính chụp giật của nó có thể được dễ dàng khai thác bởi những thế lực quan tâm – những người như tôi. Làm rò rỉ hoặc chia sẻ thông tin với đúng trang blog sẽ mang đến một câu chuyện có khả năng thu hút sự quan tâm tức thì và mãnh liệt. Đến khi những dữ kiện phù hợp được xác lập, thì đã quá trễ để phá bỏ một lối suy nghĩ mà giờ đây đã trở nên phổ biến. Trong mô thức này, độc giả bị xem như một lũ ngốc để họ thao túng và lợi dụng nhằm tạo lượt truy cập.

Đây là một vòng luẩn quẩn. Thông tin sai lệch trọng yếu của một câu chuyện sẽ gây ra sự hoang mang tập thể. Và sau nhiều lần hoang mang như vậy, độc giả bị đặt vào thế mong chờ một dòng vô tận những tình tiết ngày càng mới hơn của câu chuyện mà không nhà báo nào có thể làm được điều đó. Tin gì lan truyền hôm qua? Một tin Twitter dạng “Quỷ thần ơi, mày nghe gì chưa?” – để lan truyền tin của hôm qua – hầu như không đủ để lan truyền tin của hôm nay. Vì vậy, phương thức phải mới hơn, nhanh hơn, độc đáo hơn. Giờ đây họ phải duy trì thông tin liên tục, thậm chí bằng cách đưa tin về những chi tiết nhỏ xíu và phải có những nhận định độc đáo hơn từ nó. Sao lại không nhỉ? Sau đó họ chỉ cần xin lỗi thôi mà.

Các bạn tôi là Jeff Jarvis và Michael Arrington thích dùng phép ẩn dụ để giải thích về phương thức báo chí mới này – giống như khi Google tung ra sản phẩm mới mà vẫn còn lỗi phần mềm. Họ nói rằng, chỉ là vậy thôi. Họ quên rằng hiện giờ chúng ta không ứng phó với phần mềm hay các số nhị phân; mà chúng ta đang ứng phó với tin tức, thông tin và những thứ đó tác động đến cuộc sống con người. Nói đúng hơn, Jarvis và Arrington cũng biết điều này nhưng họ không quan tâm và vẫn bình thản biện minh cho một khái niệm mang đến những hậu quả đau thương cho bất cứ ai ngoài họ. Nó giúp họ trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng bởi có vấn đề gì đâu nếu phép ẩn dụ đó sai?

Điều Google đề cập khi họ ra mắt một sản phẩm vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm đó là những thứ cơ bản thì vững chắc nhưng những thứ giả tạo lại đang được hình thành – vẻ đẹp, những tính năng bổ sung, những vấn đề tồn đọng. Mô thức truyền thông báo chí lặp lại gợi nên những thứ ngược lại: cấu trúc, tiêu đề, đường dẫn và slideshows có ở đó, nhưng các dữ kiện lại không đáng tin cậy. Đó là kiểu quy trình gì?

Nếu có lỗi sai về mật mã, tôi sẽ không có một cái nhìn sai về thị trường hay một ngành công nghiệp. Tôi sẽ không bắt đầu suy nghĩ một cách sai lầm rằng người nào đó là một kẻ kỳ thị chủng tộc hay một nhà hàng nào đó có đầy gián trong khi thực tế không phải vậy. Phần mềm thử nghiệm đồng nghĩa với nguy cơ có những lỗi kỹ thuật; tin tức thiếu tin cậy đồng nghĩa với nguy cơ giả mạo sự thật.

Thi sĩ Hesiod từng viết rằng, tin đồn và chuyện phiếm là “cục tạ nhẹ khi nâng lên, nặng khi mang đi và khó khi đặt xuống.” Báo chí lặp lại cũng giống như vậy. Quy trình của nó diễn ra dễ dàng, gần như tự nhiên, nhờ cách các trang blog được thiết kế và cách trang web vận hành. Nó có vẻ rẻ hơn, nhưng không phải vậy. Các chi phí đã được chuyển ra ngoài, đến với người đọc và tác giả của các câu chuyện, những người viết ra hàng triệu mẩu tin mỗi năm về những tên tuổi và quan điểm bị tấn công một cách sai lầm. Báo chí lặp lại giúp tin tức được xuất bản với giá rẻ hơn, nhưng người đọc phải chi nhiều tiền hơn.

[1]. Erik Wemple, “Joe Paterno qua đời vào ngày Chủ nhật, không phải thứ Bảy”, chỉnh sửa lần cuối ngày 22 tháng Một năm 2012. http://www.washingtonpost.com/blogs/erik-wemple/post/joe-paterno-dies-on-sunday-not-saturday/2012/01/22/gIQATznwIQ_blog.html – TG.

[2]. David Sternman, “American Apparel: ngập trong rắc rối”, chỉnh sửa lần cuối ngày 12 tháng Một năm 2012. http://seekingalpha.com/article/319135-american-apparel-in-deep-trouble; John Biggs, “PayPal rao bán các mảnh của chiếc vĩ cầm được cho là quý hiếm vì họ quan tâm đến nó”, chỉnh sửa lần cuối ngày 4 tháng Một năm 2012. http://techcrunch.com/2012/01/04/paypal-shreds- ostensibly-rare-violin- because-it-cares – TG.

[3]. Tôi tin rằng ông ấy cảm nhận được sự mỉa mai trong câu nói này vào năm 2013 khi nhiều trang blog, bao gồm Gawker, viết các bài cáo buộc ông ấy tội tấn công tình dục. Arrington phủ nhận các cáo buộc và dọa sẽ đâm đơn kiện – TG.

[4]. Trích một bản tin thể thao trên SB Nation về cuộc đình công của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia (NFL): “Có thêm 382 tin cập nhật cho câu chuyện này. Đọc những cập nhật mới nhất”– TG.

[5]. Joe Weisenthal, “Vụ bê bối của Paterson trên New York Times sẽ ngã ngũ vào thứ Hai, theo sau là lời từ chức của Thống đốc”, chỉnh sửa lần cuối ngày 7 tháng Hai năm 2010. http://www.businessinsider.com/source-nyts-david-paterson-bombshell-to-break-tomorrow-governors-resignation-to-follow-2010-2; “Vụ bê bối của Paterson trên New York Times sẽ ngã ngũ vào thứ Hai, văn phòng Thống đốc phủ nhận tin từ chức”, chỉnh sửa lần cuối vào ngày 7 tháng Hai năm 2010. http://articles.businessinsider.com/2010-02-07/news/29968588_1_governor-paterson-david-paterson-resignation – TG.

[6]. Tôi có thể hình dung những lời đồn lặp đi lặp lại và gây mệt mỏi về cái chết của Jobs như vậy đã gây ra nhiều đau đớn cho gia đình ông khi sự thật cuối cùng đã xảy ra ba năm sau đó, với lời tuyên bố ông đã thực sự qua đời. Không gia đình nào đáng phải lo lắng chuyện: Liệu mọi người có còn tin chúng ta? Hoặc: Liệu ông ấy có nhận được sự quan tâm ít hơn so với những gì ông ấy xứng đáng, khi mà lòng kiên nhẫn của công chúng đã bị hao mòn sau những tin đồn bịa đặt trước đó? – TG.

[7]. Henry Blodget, “Apple phủ nhận tin Steve Jobs bị đau tim: Điều đó là không đúng), chỉnh sửa lần cuối ngày 3 tháng Mười năm 2008. http://www.businessinsider.com/2008/10/apple-s-steve-jobs-rushed-to-er-after-heart-attack-says-cnn-citizen-journalist – TG.

[8]. Josh Duboff, “Paterson thông báo sẽ từ chức vào ngày thứ Hai, sau khi vụ việc bị phanh phui trên tạp chí Times”, chỉnh sửa lần cuối ngày 7 tháng Hai năm 2010. http://nymag.com/daily/intel/2010/02/paterson_reportedly_to_resign.html – TG.

[9]. Urbahn đã đăng nhiều hơn một mẩu tin đó trước tuyên bố của Tổng thống; anh ta thực ra đã đăng vài tin. Trên mẩu tin sốt dẻo của mình, anh ta viết rằng: “Không biết tin này có đúng không, nhưng chúng ta hãy cầu mong là đúng” và “Các quý bà, quý ông, chúng ta hãy đợi xem Tổng thống sẽ nói gì. Đây có thể là thông tin sai lệch hoặc chỉ là tin đồn” – TG.

[10]. Xem The Net Delusion (tạm dịch: Mạng lưới lừa dối) của Evgeny Morozov để tìm hiểu thêm về những tin tức thổi phồng và bịa đặt liên quan đến cuộc cách mạng năm 2009-2010 ở Iran và chính sách hạn chế kéo theo sau đó dành cho các nhà hoạt động và báo mạng tại Iran – TG.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.