Bản năng

Chương 1 phần 01



Ngày 3 tháng 2 năm 1985

Tôi mở khuy áo khoác, kéo vạt áo che đứa nhỏ đang bế trên tay, rồi lao vụt đi. Dù không biết chạy đi đâu, tôi vẫn đủ tỉnh táo không nhắm hướng ga điện ngầm vì biết sẽ chạm trán người mẹ đang trên đường trở về nhà. Vừa thấy tấm biển chỉ đường hình mũi tên màu trắng hướng về phía bắc quốc lộ Koshu-kaido đi Yamanashi, tôi cuống cuồng chạy theo lối đó. Một chiếc taxi trờ đến; ngay lúc nhìn thấy trong xe còn trống, tay tôi tự động giơ lên.

Lên xe rồi tôi mới nhận ra mình không biết đi đâu. Người lái xe đang nhìn tôi chờ đợi qua tấm kính chiếu hậu.

– Công viên Koganai. – Tôi nói.

Chiếc taxi lao vụt đi. Tôi ngoái đầu nhìn lại, khu phố lạ lùi xa dần. Đứa bé bên trong chiếc áo khoác khẽ cựa quậy. “Mẹ đây. Mẹ đây. Không sao đâu. Ngoan nào con”… Tôi buột miệng vỗ về, rồi ngẩn người khi nhận ra câu nói vừa rồi của mình. “Mẹ đây. Mẹ đây. Ngoan nào”… Tôi vừa lặp lại, vừa xoa nhẹ lưng đứa trẻ.

Taxi đi được một quãng thì tắc đường nên cứ đứng ì một chỗ. Đứa bé sau một lúc khụt khịt và ngọ nguậy, giờ đã lơ mơ ngủ, ngón tay cái ngậm trong miệng chóp chép. Rồi nó mở choàng mắt, nhăn mặt như sắp khóc, nhưng chẳng mấy chốc lại nằm ngoan trở lại, hai mắt nhắm nghiền. Bao ý nghĩ ồ ạt ùa về trong tôi. Mình sẽ phải mua tã. Và mua sữa nữa. Cả hai sẽ ngủ ở đâu tối nay? Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời thì đã hiện ra hàng loạt câu hỏi mới.

Mình sẽ làm gì? Mình phải làm gì đây? Không hiểu sao càng nghĩ, mắt tôi càng ríu lại. Tôi cứ ngủ gà gật lúc nào không hay. Mãi tới khi có thứ gì đó mềm mại cù vào mũi, tôi mới choàng tỉnh, siết chặt hơn cơ thể bé nhỏ thơm nồng mùi sữa vào lòng.

Giọng người tài xế taxi vang lên cộc lốc:

– Dừng ở cổng công viên à?

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.

– Làm ơn rẽ phải chỗ giao lộ phía trước. – Tôi vội đáp. Một người phụ nữ bế con đến công viên vào giờ này chắc hẳn không bình thường rồi. Tốt hơn mình nên đến khu có nhiều nhà cửa.

– Dừng ở ngôi nhà ngay góc đường kia. – Tôi nói với tài xế, vờ như đó là nơi mình đến, rồi trả tiền. Tôi còn cười cảm ơn lúc lấy lại tiền thối. Tôi không ngờ mình có thể mỉm cười dễ dàng như thế.

Chờ cho đến khi chiếc taxi khuất bóng, tôi mới quay trở lại đường cái. Tôi đi dọc theo đường quốc lộ, dáo dác tìm xem có cửa hàng nào mở cửa sớm hay không. Rẽ vào giao lộ, ngay cầu Sekino, tôi nhận ra tất cả các cửa hàng còn đóng cửa. Tôi đi thêm một đoạn nữa, rồi quay lại hướng công viên. Tôi không biết tại sao lúc nãy mình bật ra từ “công viên Koganai”. Có phải vì mình đã một lần đến đó cùng anh không?

Còn sớm nên công viên khá vắng. Chỉ có một ông mặc đồ thể thao đang đi bộ, và một bà đang dắt chó. Tôi ngồi xuống một băng ghế gần cổng và ngắm đứa trẻ đang say ngủ. Nước dãi từ khóe miệng nó chảy dài xuống cổ. Tôi lấy ngón tay lau đi.

Trước tiên phải đặt tên cho đứa nhỏ. Đúng rồi, một cái tên.

Kaoru. Cái tên đầu tiên lóe lên trong đầu tôi chính là cái tên anh và tôi cùng nhau chọn. Chúng tôi đã nghĩ ra một vài cái tên đẹp có thể đặt cho cả con trai lẫn con gái, và cả hai chọn tên Kaoru.

“Kaoru,” tôi thầm gọi đứa bé đang thiếp ngủ. Một bên má của nó giật giật. Con bé biết mình vừa được gọi tên.

“Kaoru, con gái Kaoru,” tôi gọi đi gọi lại, cảm thấy hạnh phúc với chính mình.

Đoán chừng lúc này đã 10 giờ, tôi rời công viên, quay lại con đường ban nãy và ghé vào một hiệu thuốc, ở đây có bán tã, khăn ướt và sữa. Họ còn bán cả bình sữa nữa, nhưng cho dù tôi có mua bình sữa thì cũng không biết cách pha. Thế là tôi đành ngồi xổm trước kệ hàng đọc hướng dẫn ghi trên một vỏ hộp. Kaoru cựa mình và mếu máo muốn khóc. Tôi vội đứng lên dỗ dành: “Ổn rồi. Không sao đâu, Kaoru,” nhưng nó bật khóc thật to.

– Chuyện gì vậy? Em bé đói à?

Nghe tiếng từ phía sau, tôi quay lại. Một phụ nữ đứng tuổi đeo tạp dề đang săm soi Kaoru.

– Bạn cháu nhờ trông hộ con gái cô ấy, nhưng không chỉ cho cháu cách thay tã hay pha sữa. – Tôi phân trần. Người phụ nữ nhìn tôi đầy ngờ vực, sau đó lấy một hộp sữa bột và bình sữa khỏi giá hàng. – Cô định mua loại nào? Loại này được không? – Tôi chưa kịp đáp, bà đã biến mất phía sau quầy. Cửa hiệu trông tuềnh toàng và cũ kĩ. Kaoru vẫn khóc ngất, tôi vừa xoa xoa lưng con bé vừa nhìn bình xịt côn trùng bám đầy bụi. Đầu tôi trống rỗng. Mình đang… làm gì vậy chứ?

– Không biết các cô cậu trẻ tuổi bây giờ sao nữa. – Người phụ nữ càu nhàu khi quay lại với một bình sữa đầy. – Họ chỉ biết vui vẻ cho bản thân chứ có màng đến con cái đâu. Cô thấy đó, báo chí suốt ngày đưa tin những ông bố bà mẹ đánh con tới chết. Thời của tôi chẳng bao giờ xảy ra chuyện như vậy. – Bà lớn giọng cốt để tôi nghe được. Sau đó, bà giành lấy Kaoru khỏi tay tôi và thủ thỉ: “Bé ngoan, bé đói phải không nào?”, rồi nhét núm bình sữa vào miệng con bé. Kaoru vẫn khóc và ngọ nguậy đầu, nhưng rồi cũng ngậm núm vú, mở mắt ra và bú chùn chụt.

– Cô phải giữ nó cả ngày à? Ở đây có hướng dẫn lượng sữa cần pha, phải pha cách nhau từ ba đến bốn tiếng… Xem này, cho bú khoảng bốn lần một ngày, và đừng quên vỗ lưng để bé ợ hơi… Nhìn kìa, cô ngẩn ra trông hệt như con bé vậy!

Tiếng cười của bà khiến tôi nhận ra mình trông ngờ nghệch đến thế nào, đúng là trông tôi chẳng khác gì Kaoru. Tôi gượng cười giấu đi vẻ bối rối. Sau khi trả tiền và cảm ơn bà ấy, tôi rời hiệu thuốc với túi ni-lông lủng lẳng trên khuỷu tay, chứa đầy những thứ đã mua. Vì vừa mang túi vừa bế Kaoru nên khi quay lại công viên, tôi phải dừng mấy bận để xốc lại các thứ. Nhà vệ sinh công cộng không có bệ thay tã cho em bé. Không còn cách nào khác, tôi phải tìm một băng ghế trống cởi tã cho Kaoru. Chiếc tã ướt đẫm. Tôi lau khô cửa mình con bé bằng khăn ướt, rồi quấn cho nó chiếc tã sạch.

Tôi cứ thế tưởng tượng cảnh mình cho Kaoru bé bỏng bú, thay tã, tắm rửa, rồi ủ ấm con bé. Không phải tôi chưa từng chăm sóc em bé. Khi cô bạn cùng lớp thời đại học của tôi, Yasue Niikawa, sinh con gái, tôi hay đến nhà giúp cô, và tôi đã làm đủ thứ việc như thay quần áo, cho bú, đặt lên giường, ẵm bồng và chọc em bé cười. Tôi cố hình dung mình cũng chăm sóc Kaoru như thế. Nhờ vậy, tôi có thể thay tã khá thành thục. Tuy nhiên, dù tôi đã cẩn thận từng chút một, tã vẫn quấn lỏng lẻo, thừa ra nhiều lỗ hổng quanh hai chân con bé. Tôi phải tháo băng dán ra và quấn lại.

Yasue.

Tôi ngẩng nhìn lên. Bầu trời mùa đông trải dài không một gợn mây. Đúng rồi, Yasue. Mình có Yasue mà.

Quá vui mừng vì tưởng chừng như mọi vấn đề đã được giải quyết, tôi nhấc bổng Kaoru lên. Được bế bổng quá đầu, con bé nhoẻn miệng cười, hai bàn chân bé xíu cọ vào nhau. Tôi áp chặt chúng vào mặt mình. Đôi bàn chân lạnh ngắt.

Kaoru. Kaoru của mẹ. Mọi chuyện đã ổn rồi, thoải mái đi nào con, tôi bảo con bé. Kaoru mút tay cười với tôi, như thể hiểu tất cả những điều tôi nói.

Tôi ra khỏi công viên, đón xe buýt đến ga điện ngầm, tìm tuyến Chuo, rồi lên tàu đi Shinjuku. Tại một cửa hàng bách hóa ở đó, tôi mua một cái địu em bé, khăn choàng len, mấy bộ áo liền quần, đồ lót và một túi xách hiệu Boston. Tôi thay quần áo cho Kaoru trong nhà vệ sinh nữ, rồi cho hết đồ đạc vào chiếc túi vừa mua.

Tôi dùng buồng điện thoại công cộng trước cửa hàng gọi cho Yasue.

– Dạo này cậu biến đi đâu vậy? – Cô hét lên. Tôi hỏi liệu mình có thể đến thăm cô được không.

– Dĩ nhiên rồi, đến đây đi. Cậu đang ở đâu? – Yasue hào hứng hỏi.

– À, thực ra mình hiện không ở một mình.

– Ý cậu là sao, không ở một mình là sao?

– Đừng hoảng hốt nhé Yasue, nhưng mình giờ đã là mẹ rồi. Một người mẹ – cậu hiểu không?

– Gì cơ? Thật không? Khi nào? Ối trời! Cậu toàn làm mình bất ngờ! Sao cậu chẳng nói gì với mình? Cậu có con khi nào? Ôi! Không thể tin được!

– Xin lỗi, điện thoại chỉ còn 10 xu thôi. Mình sẽ kể hết mọi chuyện khi gặp cậu. Mình lên tàu đây.

Tôi dập máy, cắt ngang mọi câu hỏi vồn vập của Yasue.

Tôi lên tàu tuyến Sobu. Trên tàu, Kaoru tỏ ra phấn khích, luôn miệng cười và với tay về phía cậu trai trẻ ngồi cạnh. Thấy cậu ta tỏ ra khó chịu, tôi phải nắm lấy cánh tay bụ bẫm của Kaoru để ngăn con bé lại. Con bé nắm chặt tay tôi bằng năm ngón tay bé xíu, nhìn tôi háo hức.

Tôi xuống tàu ở trạm Motoyawata. Trên đường đến căn hộ của Yasue, tôi tự hỏi mình

sẽ kể gì với bạn. Sẽ ổn thôi, tất cả sẽ ổn thôi, tôi tự nhủ. Lần cuối cùng tôi đến nhà Yasue là trước khi nghỉ việc, vậy là đã một năm rồi. Dọc đường ray tàu điện giờ đây mọc lên một hiệu thuốc, một cửa hiệu cho thuê đĩa, một hàng hoa và một nhà hàng gia đình, trông thật lạ lẫm.

Yasue đang đứng đợi tôi trước khu nhà. Vừa thấy tôi, cô vẫy tay rồi chạy nhanh đến ngắm Kaoru.

– Ôi! Nhìn này! Em bé đáng yêu quá! Vậy là cậu đã là mẹ rồi! – Cô hét lên, rồi giành bế Kaoru, động tác thành thục hơn tôi nhiều. Kaoru tỏ ra tư lự như thể đang nghĩ xem mình có nên khóc hay không. Con bé há miệng định khóc, nhưng sau đó nó giương đôi mắt to, sáng nhìn sững Yasue.

– Bé Miki đâu? – Tôi hỏi.

– Con bé ở nhà bà.

Hình như mẹ Yasue đã chuyền đến nhà mới cũng trong khu này. Trước đây bà sống một mình ở Yokohama.

– Thỉnh thoảng mẹ giúp mình trông con bé. Nhưng mà có lúc mình không nhờ mẹ cũng đến mang nó đi.

Cô vừa nói vừa cười, sau đó quay lại nhìn Kaoru: – Bé con tên là gì nào? Con là bé gái, phải không?

– Cháu là Kaoru. Cháu chào cô ạ. – Yasue cười giòn giã khi nghe tôi giả giọng em bé trả lời. Kaoru cũng nhoẻn cười. Tôi thấy nhẹ nhõm phần nào. Quả đúng đắn khi quyết định đến đây.

Căn hộ của Yasue nằm ở tầng năm trong một tòa nhà tám tầng. Nhà có nhiều đồ đạc hơn so với lần cuối tôi đến nên trông cũng bừa bộn hơn. Có nhiều hình vẽ nguệch ngoạc trên cánh cửa fusuma bằng giấy trong phòng tatami, một căn nhà búp-bê và nhiều sách ảnh rải khắp sàn nhà.

– Hồi mình mua thì đây là căn hộ mới, nhưng đã năm năm rồi. Chồng mình toàn hứa sẽ bỏ thuốc nhưng đến giờ vẫn hút. Còn Miki giờ đã là thiên tài vẽ tường.

Yasue đưa tôi đôi dép lê, mỉm cười với vẻ cô biết tôi nghĩ gì. Tôi ngồi xuống ghế sofa và mở lời:

– Yasue, mình cần cậu giúp.

– Cậu cần gì nào? – Cô ung dung hỏi vọng ra từ nhà bếp. Hình như cô đang pha trà.

Hít một hơi thật sâu, tôi bắt đầu kể:

– Thực ra, đứa bé này không phải con mình. Thời gian qua mình có gặp gỡ một người… Đây là con anh ấy với người vợ trước. Cô ấy phải lòng một người khác và bỏ hai bố con, vì vậy anh ấy mang con đến chỗ mình. Bọn mình đang sống cùng nhau, ít ra là sống cùng nhau cho đến bây giờ. Họ vẫn chưa ly hôn. Dĩ nhiên sau khi ly hôn, anh ấy sẽ cưới mình. Nhưng, thỉnh thoảng anh ấy lại đánh con bé. Gần đây anh ấy toàn say xỉn, nên… nên mình… mình phải bỏ trốn. Và mình sẽ còn chạy xa nữa. Mình không muốn gây rắc rối cho cậu, Yasue, nhưng mình thật sự cần cậu giúp.

Tôi nói liền một hơi. Yasue xuất hiện với hai tách trà, đứng lắng nghe chăm chú đến độ quên cả đặt xuống bàn. Tiếng động duy nhất trong phòng lúc này là tiếng o e của Kaoru.

– Kiwa, có phải hắn ta là… Cậu hiểu mình muốn nói đến ai mà… – Yasue ngập ngừng, rốt cuộc cô cũng nhớ đặt hai tách trà xuống.

– Không, không phải đâu! Mình đã chia tay con người đó từ lâu rồi.

Tôi nhớ lại chuyện cũ. Tôi đã kể hết với Yasue về người đàn ông đó, tâm sự với cô mọi phiền muộn của mình, giống như tôi vẫn làm khi cả hai còn đi học. Mỗi cuộc điện thoại gọi đến cô ngày một nặng nề hơn, và kéo dài hơn. Tôi nhớ lúc đó Miki chỉ mới hai tuổi. Yasue chắc hẳn rất mệt mỏi khi phải chăm sóc con nhỏ và quán xuyến việc nhà, nhưng cô vẫn kiên nhẫn nghe tôi kể lể cho tới khi tôi chuẩn bị cúp máy. Nhưng khi nói gần xong câu chuyện, cô lại khuyên tôi hãy chấm dứt. “Mình chán ngấy lên rồi, nên nếu cậu còn nói về hắn ta thì đừng gọi cho mình nữa”… Bình thường Yasue rất mềm mỏng, ít khi nào cô tỏ ra cứng rắn như vậy. Tất nhiên, cuối cùng tôi cũng nhận ra không phải cô cảm thấy mệt mỏi khi nghe tôi kể lể mọi điều, mà cô chỉ muốn tốt cho tôi.

– May quá. Gã đó đúng là địa ngục. Nhưng mà Kiwa nè, cậu không thể bỏ chạy như vậy. Cậu có thể nói chuyện khi anh ấy tỉnh táo mà, đúng không? Nếu cậu chia sẻ với anh ấy, cậu có thể giải quyết được vấn đề.

Tôi nhìn Yasue, người bạn luôn đưa ra chính kiến và không bao giờ ngại nói thẳng cho mọi người biết những suy nghĩ của mình.

– Cậu bảo cậu bỏ đi vì anh ấy hay uống rượu và đánh con, nhưng cậu thật sự cho là mình có quyền tước đoạt đứa bé khỏi bố nó hay sao? Làm vậy đối với đứa nhỏ còn tồi tệ hơn, chỉ tội cho nó.

Tôi nhớ khi chúng tôi còn là sinh viên, có một giáo sư luôn hút thuốc trong giờ dạy, và Yasue đã đứng lên yêu cầu thầy không hút thuốc. Cô luôn nói điều phải. Người thầy đó đã không hút nữa, ít nhất là không còn hút trong giờ của chúng tôi.

Trong một chốc, tôi tưởng cả hai đang sống lại khoảng thời gian ấy, cái thời mà chúng tôi còn là những nữ sinh má lấm tấm mụn. Phía trên tấm bảng đen, thầy giáo viết chi chít những cụm từ tiếng Pháp mà chúng tôi không thể hiểu nổi; trong khi cả hai đang nghe lỏm những sinh viên khác tán gẫu rôm rả ngoài hành lang. Ngoài cửa sổ, cây tùng bách với những cành lá khẳng khiu đang tắm trong ánh mặt trời…

Tôi khóc lúc nào chẳng biết. Tôi cúi sụp người, mặt úp vào gối nức nở. Mình xin lỗi, Yasue, mình vô cùng xin lỗi. Hãy thứ lỗi cho mình. Mình không thể quay lại. Cậu của bây giờ và cậu của ngày xưa chẳng thay đổi gì, nhưng mình thì không, mình đã kẹt ở hiện tại nghiệt ngã này mất rồi.

– Nào, đừng hiểu lầm ý mình. Mình không bảo cậu quay về ngay lập tức. Cậu có thể ở đây bao lâu tùy ý, nhưng cậu không thể bỏ đi như vậy. Khi bình tĩnh lại, cậu hãy về nhà và nói rõ mọi chuyện, nhé? Tốt nhất là cả ba người hãy ở cùng nhau như một gia đình.

Ba người chúng tôi ư – bố, mẹ và Kaoru? Tôi thậm chí không thể ngẩng đầu lên. cố gắng kìm tiếng nức nở đang vỡ òa bên trong như chực phun trào, nhưng không thể, toàn thân tôi run bần bật, nước mắt và nước mũi tuôn ra nhòe nhoẹt.

Quá bối rối, Yasue tìm cách an ủi tôi:

– Mình đã mang cho bạn bè gần hết đống đồ chơi và quần áo lúc bé của Miki rồi, nhưng mình vẫn còn giữ lại một ít, mình sẽ đưa cậu sau nhé? Cậu ở đây bao lâu cũng được. Đừng bận tâm đến chồng mình. Cậu nhìn thấy trò chơi này bao giờ chưa? Kiểu mới đấy, vừa ra hồi tháng 12. Đợt Giáng sinh vừa rồi chồng mình phải xếp hàng cả đêm mới mua được, cậu tin nổi không? Mang về nhà rồi thì anh ấy chơi hàng giờ. Cứ ngồi chết cứng một chỗ mà chơi. Nên cậu chẳng cần đề ý đến anh ấy làm chi, còn mình rất vui nếu có người trò chuyện cùng. Cậu đừng khóc nữa nhé, Kiwa.

– Mình xin lỗi. Cảm ơn cậu.

Khó khăn lắm tôi mới thốt ra được những lời đó.

Và rồi tôi quyết định dù thế nào tôi cũng không thể làm phiền Yasue. Tôi không thể đẩy trách nhiệm của mình sang cô. Nghĩa là tôi sẽ không bao giờ kể cô nghe sự thật, bất kể tôi sẽ đau khổ đến thế nào nếu cứ giữ nó trong lòng.

Tối hôm đó, chồng Yasue, Shigeharu, mang về một túi đậu nành sấy khô. Tôi quên mất đã đến lễ hội Setsubun, ngày mọi người ném đậu để xua đuổi vận xui. Khi Shigeharu đeo một cái mặt nạ quỷ bằng giấy và vung đậu khắp phòng khách, Kaoru thấy vậy òa khóc, rồi Miki cũng khóc theo.

Shigeharu tăng cân khá nhiều kể từ lần cuối tôi gặp anh. Cuộc sống của một gia đình bình thường là vậy đây, tôi nghĩ, một người bố, một người mẹ với một đứa con. Đúng như Yasue đã kể, sau bữa tối Shigeharu dán mắt vào trò chơi.

Ngày 4 tháng 2

Tôi để Kaoru ở nhà với Yasue rồi lên tàu tuyến Sobu đến Kichijoji, sau đó đổi tuyến ở Inokashira. Đây chính là con đường tôi đã đi bộ hôm qua, nhưng tôi của ngày hôm nay đã khác hẳn. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng, như thể vừa được tái sinh. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.

Nhưng khi đến gần căn hộ của mình, tim tôi bắt đầu đập mạnh. Hình ảnh cảnh sát đang vây quanh tòa nhà vụt qua tâm trí. Lúc ở nhà Yasue sáng nay, tôi đã đọc kĩ mọi trang báo nhưng không thấy thông tin gì về chuyện xảy ra hôm trước. Như vậy mọi chuyện vẫn ổn, tôi tự nhủ, cố xua đi những hình ảnh đáng sợ đang lởn vởn trong đầu. Ngày hôm qua chẳng xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Chẳng có chuyện gì nghiêm trọng đến mức báo chí phải đưa tin, tôi tự nhủ khi vội vã tiến về căn hộ.

Căn hộ một phòng tôi vừa thuê bốn tháng trước giờ đây trông hoàn toàn xa lạ. Tôi lấy ra một tập giấy tờ cất ở ngăn trống trong tủ đựng giày gắn tường, lục tìm bì thư từ công ty bất động sản, sau đó bước vào phòng. Tôi nhấc ống nghe điện thoại dưới sàn nhà lên, kêu “A” để thử giọng. Nhận thấy giọng mình không hề run rẩy, tôi yên tâm bấm số.

– Tôi là Kiwako Nonomiya ở hộ 102 tòa nhà Sky Heights đây. – Giọng tôi vẫn ổn, hoàn toàn tự nhiên, không một chút lo lắng.

Phía bên kia đầu dây, một người đàn ông cất giọng tử tế một cách chuyên nghiệp:

– À, vâng. Cô Nonomiya ở Sky Heights. Tôi có thể giúp gì cho cô?

– Tôi xin lỗi làm phiền anh, nhưng bố tôi vừa lâm bệnh đột ngột và tôi phải về quê ngay…

Cách đây một năm tôi cũng từng nói với anh ta như vậy. Lúc đó tôi không nói dối, nhưng giọng lại run vì lo lắng, giận dữ và tuyệt vọng.

– Ngay cả khi cô trả nhà ngay, tôi e rằng cô vẫn phải đóng tiền thuê của tháng tới bởi vì hôm nay cô mới liên lạc với chúng tôi. Cô có đồng ý không?

– Được thôi, không sao đâu.

– Vậy thì khi nào quyết định xong thời gian chuyển đi, mời cô ghé qua văn phòng chúng tôi. Cô cần điền vài tờ đơn. Và đừng quên mang theo chìa khóa nhà.

– Tôi không thể gửi e-mail cho anh được sao? Thật sự tôi phải đi rất vội…

– Chúng tôi mong cô đến trực tiếp. Nhưng tình huống của cô quả là khẩn cấp. Chắc cô không phải chuyển đi ngay hôm nay hoặc ngày mai chứ? Tôi sẽ gửi cô các mẫu đơn, cô xem qua nhé?

Rắc rối quá, chỉ là căn hộ một phòng ngủ, lúc thuê họ thậm chí còn không yêu cầu mình đóng tiền đặt cọc hay phí đặc biệt cho chủ sở hữu, tôi nghĩ bụng, cảm thấy khó chịu.

– Thôi được. Tôi sẽ ghé qua văn phòng trước khi chuyển đi. – Tôi đáp, dù chẳng hề có ý định như thế, rồi cúp máy.

Tôi bỏ vào túi đựng rác tất cả những gì mình tìm thấy: khăn tắm, chậu rửa, xà phòng, dép lê, nồi cơm điện, máy cassette. May thay, tôi không sắm sửa món nào cồng kềnh cả. Nhưng tấm futon lại không nhét vừa túi nên tôi cột nó lại bằng dây thừng, rồi rút ổ cắm tủ lạnh – đằng nào thì tủ lạnh cũng trống trơn. Mình sẽ bỏ tấm futon và tủ lạnh ở đâu đây? Những người cố tình lờ đi quy định về những loại rác quá khổ luôn vứt rác ở điểm tập kết rác phía trước tòa nhà. Sao mình không làm như vậy? Chỉ cần đừng để ai nhìn thấy là được.

Tất cả “bằng chứng” về cuộc sống của tôi tại chốn này trong vòng bốn tháng qua đựng vừa khít năm chiếc túi. Ghé mắt qua chiếc lỗ nhỏ trên cửa để biết chắc không có ai bên ngoài, tôi mở cửa rồi lần lượt ném từng chiếc túi ra xa. Nghe tiếng chân đi xuống cầu thang của người đàn ông sống ở căn hộ tầng trên, tôi bỏ chạy vào nhà, hồi hộp đến độ không dám thở. Dù chẳng có gì nguy hiểm nhưng tôi vẫn nín thở chờ ông ta đi khuất.

Tôi ghé vào khu bán đồ trẻ em trong một cửa hàng ở Kichijoji nhưng chẳng biết mua gì. Tã và sữa đều có rồi, có lẽ cần thêm nhiệt kế và mấy cái tăm bông.

Rồi tôi dừng bước trước một gian quần áo trẻ em toàn những kiểu gam màu lam nhạt. Tôi lấy ra hai bộ áo liền quần, một cặp quần jeans bé xíu và ngắm nghía một chiếc áo len dài tay kiểu dáng thanh nhã – áo dành cho trẻ con nhưng giá thì đắt ngang áo người lớn. Tôi bỗng nhớ ra hai năm trước, mình cũng đứng ngay tại tầng này. Vì tránh gian hàng quần áo phụ nữ (nơi lần nào đến tôi cũng ghé vào) nên tôi đã lạc đến đây, để rồi mê mẩn trước những bộ đồ trông chẳng khác gì đồ búp bê. Tôi đã thỏa thích cầm mớ đồ bé xíu trong tay, đưa ra sáng ngắm nghía, vui sướng vô ngần.

Chỉ khi mắt rươm rướm và gần như ngồi bệt xuống mớ quần áo tí hon, tôi mới tự an ủi bản thân rằng người đàn bà tội nghiệp lúc trước đã không còn nữa. Giờ mình chẳng có lí do gì để khóc, mình đã có Kaoru rồi.

Cuối cùng, tôi mua một bộ áo liền quần viền lông, một chiếc yếm, vài áo lót, thức ăn em bé đóng hộp thủy tinh, túi đựng đồ loại mỏng, và một con vịt bằng vải bông xù. Tất cả hết 16 ngàn yên. Ghé qua khu bán đồ ăn ở tầng hầm, tôi mua một bánh kem cho Yasue hết 2.500 yên nữa.

Tôi có tài khoản gần 40 triệu yên trong ngân hàng. Đó là khoản tiền bảo hiểm bố tôi để lại khi ông qua đời, cộng với số tiền đặt cọc, tiền tiết kiệm tôi tích lũy được, và khoảng 800 ngàn yên tôi dành dụm khi còn đi làm. Với một phụ nữ đơn thân, đây quả là số tiền khổng lồ, nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cho đến tận hôm qua. Bây giờ mọi chuyện đã khác trước. Kaoru và tôi sẽ sống nhờ vào số tiền này. Chắc hẳn đây là lí do bố đã để lại tiền cho mình, tôi nghĩ. Nhưng bất kể bây giờ tôi có bao nhiêu tiền chăng nữa, tiền cũng đâu thể còn mãi. Tôi phải tằn tiện. Sau khi cẩn thận gấp tờ hóa đơn mua hàng lại và cho vào ví, tôi rời cửa hàng.

Tối đó, lần đầu tiên tôi tắm cho Kaoru. Yasue đề nghị giúp một tay. Cô bước vào phòng tắm, người vẫn mặc nguyên quần áo. Tôi không thể bảo với cô tôi chưa tắm cho em bé bao giờ. Tôi sợ mình làm rơi Kaoru vào nước nóng, hoặc xà phòng khiến tôi trượt tay, vậy nên tôi cứ lóng ngóng mãi cho tới khi Yasue hét lên: “Lần nào cậu cũng tắm con bé cẩn thận vậy hả? Mùa hè thì được, nhưng lúc này đang giữa đông – cậu phải nhanh lên không thì nó cảm lạnh mất.” Cô nói với vẻ một bà mẹ đầy kinh nghiệm, rồi nhanh nhẹn gội đầu cho Kaoru mặc kệ nó đang khóc òa. Người cô cũng thấm ướt. Khi tắm con bé xong, tôi ôm lấy nó rồi chầm chậm nhúng người sâu xuống bồn. “Gọi mình khi cậu xong nhé. Mình đợi ngoài bồn rửa,” Yasue nói rồi để cả hai ở lại.

Tôi quan sát tấm thân nhỏ xíu, trắng ngần của Kaoru. Đôi tay, bàn chân và cái bụng của con bé trắng như thể đang tan ra trong làn nước ấm vậy. Nó đã thôi khóc; tôi nhìn thấy nụ cười chực nhoẻn ra trên khuôn mặt đáng yêu đó. “Bé con thấy nước ấm có vừa không? Con thích không nào?” Con bé nhìn tôi thích thú, miệng há nhỏ, trông vô cùng đáng yêu.

Tôi bế Kaoru trao cho Yasue đã đợi sẵn ở bồn rửa, rồi gội đầu. Yasue thầm thì với con bé. Lúc tôi ra khỏi phòng tắm, Kaoru đã mặc bộ áo liền quần và đang cười nắc nẻ trong vòng tay Yasue. Tiếng cười của nó làm bừng sáng mọi vật xung quanh. Nụ cười của Kaoru thật quá đỗi ngọt ngào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.