Bản năng

Chương 1 phần 04



Ngày 12 tháng 2

Hôm nay, tôi đọc thấy một mẩu tin trong tờ báo vừa mua ở ga điện ngầm:

Ngày 11 tháng 2, Sở cảnh sát Hino vừa chính thức đưa thông cáo mất tích của bé Erina Akiyama, đứa con gái sáu tháng tuổi của ông Takehiro Akiyama, ba mươi tư tuổi. Đứa bé mất tích vào ngày 3 tháng 2 sau một cơn hỏa hoạn ở nhà ông Akiyama. Cơn hỏa hoạn bùng phát vào khoáng hơn 8 giờ sáng, khi đó vợ ông Akiyama, cô Etsuko, ba mươi hai tuổi, đang lái xe đưa chồng đến ga điện ngầm, để đứa bé ở nhà một mình. Ngọn lửa được dập tắt khoảng một giờ sau đó, nhưng đứa bé đã biến mất. Sở cảnh sát Hino tuyên bố cô khả năng ấy là một vụ bắt cóc. Vì sự an toàn của đứa té nên đến hôm nay, họ mới phát hành thông cáo.

Trong lúc tôi mải mê đọc, Kaoru với tay cào tờ báo, làm nó kêu sột soạt rồi bị rách ở chỗ gấp. Kaoru có vẻ thích thú khi làm vậy, con bé cười toe toét.

Hỏa hoạn? Căn hộ đó đã cháy ư?

Một cơn hỏa hoạn? Có thật không? Tôi cố nhớ lại mọi chuyện. Lò sưởi điện khi đó vẫn mở. Thậm chí bây giờ tôi vẫn có thể hình dung thấy cuộn dây rực đỏ. Nhưng đám cháy? Sao nó có thể xảy ra?

Nhưng đám cháy không phải là điều tôi cần bận tâm lúc này. Báo đã đưa tin, nghĩa là bọn họ đang ở ngay sau lưng tôi và Kaoru.

Thế mà lúc tôi đọc lại mẩu tin hết lần này đến lần khác, toàn bộ sự việc lại bắt đầu trở nên xa lạ.

Nghĩa là nó hoàn toàn chẳng liên quan đến tôi và Kaoru. Đứa bé đang ngồi với tôi lúc này đây không phải là “Erina”, nó là Kaoru. Có phải đây là điều tôi muốn nghĩ đến, hay phải chăng tôi đã mất trí rồi?

Nhưng còn đám cháy? Tôi không thể nghĩ thêm gì khác ngoài chi tiết về cơn hỏa hoạn. Một ý nghĩ đáng sợ xuất hiện trong tôi.

Có thể nào chính mình đã gây ra đám cháy? Có thể mình đã thả chiếc chăn vào lò sưởi điện, hoặc đá nó vào đó. Có phải mình đã mở cái bật lửa trên sàn nhà và làm lửa bén vào đám chăn đệm trên sàn? Có phải mình đã nghe mùi vải cháy trước khi rời khỏi căn nhà?

Không, mình không hề làm những chuyện đó. Rõ ràng mình chẳng có lý do gì để làm vậy.

… Không có lý do gì ư? Có thật không? Chẳng phải ngay cả bây giờ mình vẫn nhớ mọi điều cô ta đã nói với mình? Chẳng phải sâu trong thâm tâm mình luôn mong cô ta chết quách đi?… Nhưng không, hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Nguyền rủa cho ai đó chết đi hoàn toàn khác với việc thật sự ra tay sát hại họ. Rõ ràng mình không gây ra đám cháy. Hơn thế, mình đã cứu Kaoru khỏi đám cháy. Đúng rồi, nếu mình không mang con bé ra khỏi đó, nó đã có thể mắc kẹt trong cơn hỏa hoạn. Những suy nghĩ cứ liên tục xoay vòng trong tôi.

Tôi đứng lên, cuộn tròn tờ báo rồi ném đi, như chưa từng trông thấy nó.

Cảm thấy lo vì chỉ toàn cho Kaoru ăn thức ăn đóng hộp, tôi ghé siêu thị mua ít đồ tươi cho bữa tối. Cũng may nồi cơm điện tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được. Tôi nấu cho Kaoru một ít cháo nghiền trộn rau bina, trứng cuộn mềm với cá thịt trắng nhỏ xíu. Tôi cho chỗ rau bina còn lại vào chén canh miso[6] của mình, rồi xào một ít rau và nghiền củ cải cùng phần cá còn lại. Tôi để trên bàn phần thức ăn chưa đụng tới. Hẳn người phụ nữ đã dùng chúng để nấu bữa tối, vì lúc ra khỏi phòng tắm, tôi thấy những chiếc đĩa trống xếp chồng lên nhau trong bồn rửa.

[6] Canh miso: Món ăn truyền thống của người Nhật chế biến chủ yếu từ đậu nành.

Hôm nay tôi phát hiện một điều mới. Nếu Kaoru chống cả hai tay lên sàn trong tư thế chồm về phía trước, con bé có thể tự ngồi. Nó cứ ngồi như vậy trên sàn tatami và yên lặng nhìn tôi. Tôi gọi con bé từ một khoảng cách không xa lắm, nhưng nó chưa thể tự trườn tới. Khi cố nhoài về trước, con bé lại ngã ập mặt xuống sàn. Nhưng mà Kaoru không hề khóc.

Người phụ nữ bảo tôi mở cửa nếu có ai đó tới, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai. Tôi lại mở ngăn tủ trong bếp, cảm thấy hơi xấu hổ, nhưng vẫn lấy cuốn sổ, đọc kĩ từng trang một. Ở tháng thứ ba, đứa bé cân nặng 4 kg, dài 54 cm. Tháng kế tiếp cân nặng và chiều dài tăng lên 5,5 kg và 60 cm. Trang thông tin của tháng thứ sáu để trống, hình như bà không đưa con đi kiểm tra định kì vào tháng này. Một vài mẩu giấy mỏng chứng nhận tiêm phòng kẹp giữa các trang. Tôi vẫn không biết gì hơn về bà, nhưng khi lướt qua chiếc sổ tay nhỏ này, tôi có cảm giác mình đang bắt đầu hiểu bà hơn. Thật khó hình dung người phụ nữ kiệm lời, khuôn mặt vô cảm đó đã từng sinh non một đứa bé và ít nhiều từng nuôi nấng nó. Không hiểu sao trong lòng tôi dấy lên một cảm giác thanh thản kì lạ.

Được đặt ngồi trên sàn nhà, chống hai tay chồm về phía trước, Kaoru chăm chú nhìn tôi đọc cuốn sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và em bé của một người xa lạ.

Ngày 13 tháng 2

Buổi sáng, lúc đang cho Kaoru bú, tôi nghe văng vẳng tiếng nhạc mà tôi từng nghe lúc còn đang ngái ngủ vào buổi sáng hôm trước. Lần giữa những giai điệu đang ngân nga là một giọng nhỏ nhẹ, ngập ngừng “Xin chào mọi người.” Tôi bế Kaoru đi về phía cửa trước để nhìn xem có ai không. Một chiếc xe tải trắng đang từ từ lăn bánh trong ánh ban mai. Khi ra đến cửa, tôi thấy người lái xe đang nhìn mình. Chiếc xe dừng lại.

Người phụ nữ lái xe tải ló đầu ra ngoài cửa xe và đon đả: “Xin chào. Cô đang nuôi con nhỏ hả, hãy chuyển sang dùng rau hữu cơ đi. Loại của chúng tôi không giống với những thứ cô mua ở cửa hàng đâu. Nhìn cà chua, cà-rốt mà xem, tươi ngon vô cùng.” Nói rồi, người phụ nữ có vẻ ngoài thân thiện, đầu quấn khăn, khuôn mặt tròn để mộc, tuột xuống ghế và mở thùng sau xe. Mặc dù bề ngoài chiếc xe trông giống như bao chiếc xe tải khác nhưng bên trong thùng xe lại là một cửa hàng nhỏ. Chỉ trong tích tắc, một hàng dài các loại rau quả nhiều màu sắc, một ngăn đựng thịt đông lạnh, và những gói bánh kẹo đủ màu trải rộng trước mắt tôi.

– Tới đây nào, hãy tranh thủ đi. Cô có thể nếm thử bất cứ thứ gì. Đứa bé xinh quá. Bé bao nhiêu tuổi rồi? Ôi trời! Nhìn nó cười nè. Sao mà đáng yêu quá vậy!

Người phụ nữ bế Kaoru khỏi tay tôi, đứng trên con đường ngập ánh nắng, nâng con bé lên xuống.

– Cái gì đây nè? Em bé bị phát ban à?

Nghe người phụ nữ hỏi.

– Nhìn xem, ở đây nè, nhìn những đốm đỏ nè. Và ở đây nữa. – Nói rồi cô kéo cổ áo của Kaoru ra và kiểm tra da con bé. Không chắc có phải là phát ban không, nhưng người phụ nữ cho biết có một vài đốm đỏ bé tí trên cổ Kaoru. Tôi đã không để ý lúc tắm cho con bé vào đêm hôm trước.

– Tôi không biết là khu này vẫn còn có người ở. Cô đang dùng nước máy, đúng không? Hầu hết mọi người ở đây đã chuyển đi, nên nguồn nước bây giờ ô nhiễm lắm.

Tôi bế Kaoru rồi kéo áo ấm của con bé lên rồi nhìn bụng và lưng. Có vẻ như những đốm đỏ chỉ xuất hiện quanh cổ.

– Cô dùng nước này để nấu nướng và uống nè. Rồi cô sẽ sớm phải mua nước để dùng thôi.

Người phụ nữ nói rồi tiến tới thùng xe lấy cho tôi một chai nhựa đã vơi một nửa. Tôi gần như há hốc. Trên nhãn chai nước là dòng chữ “Nước Thiên thần”.

– Cứ xem như tôi đang phỉnh cô đi nhé – nhưng cô dùng thử mà xem. Nước này khác hẳn nước máy, thử đi, bảo đảm sau ba ngày tới cô sẽ thấy khác hẳn, tốt cực kì. – Cô ta nói rồi rót một ít nước vào ly nhựa cho tôi uống thử. Tôi ngập ngừng uống thử một ngụm. Rõ ràng nó không giống nước máy chút nào. Nó dịu và hơi ngọt. Nhưng Yasue đã nói gì nhỉ? Một nhóm tín ngưỡng lạ lùng. Buộc cô phải gia nhập.

– Tôi không có đủ nước cho cả bồn tắm, nhưng có một nhà tắm công cộng ở gần đây, tên là Takara. Cô chỉ cần lội bộ một lúc, hãy thử đến đó hai lần mỗi tuần xem. Ít nhất cho đến khi những đốm đỏ của con cô biến mất. Một vài ngày tới tôi sẽ quay lại, lúc đó cô cần gì thì gọi lớn nhé.

Rõ ràng người phụ nữ chẳng ép buộc tôi gì cả. Sau khi đưa tôi một chai nước tinh khiết đựng trong túi giấy, cô ta leo lên xe. “Gặp lại sau nhé!”, cô ta vui vẻ chào rồi siết chặt tay lái. Tiếng nhạc lại trỗi lên sau khi chiếc xe tải chầm chậm lăn bánh khỏi khu phố hoang vắng.

Bế Kaoru bằng một tay và cầm chiếc túi trong tay còn lại, tôi bước vào nhà. Người phụ nữ trong nhà đang thò đầu ra khỏi cửa, nhìn tôi chằm chặp.

– Cô ta đưa cháu cái này.

Không hề đáp lại, người phụ nữ sập cửa. Phía trong, tiếng nhạc vẫn vang lên ầm ĩ.

Tôi nghĩ mình nên dọn sạch chỗ ở. Bụi bẩn có thể gây hại cho da Kaoru. Cho dù không phải vậy, con bé cũng đã bắt đầu với tay bốc tất cả những thứ trong tầm mắt đề cho vào miệng. Chắc bà sẽ không nổi giận nếu mình dọn dẹp căn nhà một tí. Đầu tiên là bếp. Lúc tôi cho chiếc túi giấy vào tủ lạnh, một mẩu giấy từ trong túi rơi ra. Trên mẩu giấy ghi: “Báo cáo Thiên thần”. Tôi quẳng nó vào thùng rác rồi bắt đầu dọn dẹp tủ lạnh. Tôi ném mớ rau đã héo, thịt và thức ăn làm sẵn đã quá hạn vào túi rác.

Tôi đặt Kaoru nằm xuống sàn tatami, treo tấm đệm futon lên và dùng giẻ lau sạch sàn tatami. Kaoru im lặng chơi với con vịt vải bông xù của nó. Tôi cọ sàn gỗ hành lang bằng giẻ ướt, rồi cọ toa-lét. Người phụ nữ vẫn trốn tịt trong phòng, không một tiếng động ngoài tiếng nhạc vặn hết cỡ. Nếu không nghe nhạc, bà lại đi đâu đó. Chỉ cần tôi chuẩn bị bữa tối rồi để đấy, bà sẽ nhanh chóng dùng hết. Thỉnh thoảng, người phụ nữ lại nhìn Kaoru và tôi lúc cả hai đang ở trong bếp, hoặc ngó qua khe nứt ở cửa phòng ngủ của chúng tôi. Nhưng khi tôi bắt gặp, bà lại biến mất.

Vừa nghe tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ chiếc băng cassette lâu năm của người phụ nữ, tôi vừa lau dọn toàn bộ căn nhà, lau sạch mọi ngóc ngách. Trong lúc dọn dẹp, tôi dần biết được chính xác mọi chuyện. Chẳng có dấu hiệu của một cuộc sống thường nhật tại đây. Dù mọi vật dụng đều có đủ – điện thoại, tủ lạnh, đệm futon, vỏ bọc tay nắm cửa – nhưng chẳng có hơi ấm của con người. Lạnh vắng. Dù ra sức kì cọ và đánh bóng mọi thứ của căn nhà, tôi vẫn không sao thoát khỏi cảm giác trống trải đó. Có phải bởi vì người phụ nữ đã từ chối sống một cuộc đời bình thường?

Nghe tiếng Kaoru, tôi vội trở về phòng. Con bé đánh rơi con vịt đồ chơi trên sàn và đang la khóc. Tôi bế nó lên vỗ về, nhưng nó vẫn khóc. Ngoan nào con, ngoan nào, tôi thì thầm, Kaoru là một cô bé ngoan. Dãi nhớt chảy ra từ khóe miệng đang há rộng của Kaoru trong khi nước mắt ứa ra từ đôi mắt đang khép hờ của con bé. Ngoan nào con, ngoan nào.

Cô độc. Một tiếng nói khác vọng lên, cắt ngang tiếng thì thầm của tôi với Kaoru. Cô chỉ là một cái vỏ cô độc. Cô ta đã hét lên như vậy với tôi qua điện thoại. Cô đã giết con mình. Tôi không ngờ! Cô đang bị trừng phạt – cô đang trơ trọi một mình. Đứa bé đang báo thù cô đấy. Thật đáng đời, cô ta đã hét lên một tràng dài như vậy, không thèm ngừng lại lấy hơi.

Đó không phải là lần đầu tiên cô ta gọi cho tôi. Khi cầu xin tôi hãy buông tha chồng mình, thỉnh thoảng giọng cô ta ngọt ngào đến nỗi nó khiến tôi sởn óc. Tất nhiên cô ta hiểm độc hơn nhiều. Sau khi kể cho tôi nghe những chi tiết chuyện ân ái của hai vợ chồng họ, cô ta phá cười như điên dại. Tôi chịu đựng hết. Nghĩ lại những điều mình đã làm với cô, tôi biết mình chẳng có quyền đáp trả. Nhưng bảo tôi là một cái vỏ cô độc, đó là điều duy nhất tôi không thể chấp nhận được.

Nhưng dường như cô ta nói đúng. Đúng là bây giờ, tôi vẫn chưa thể bắt đầu một cuộc sống mới.

Người phụ nữ lái xe tải hẳn đã nhận ra tôi cô độc đến dường nào, bởi vậy bà ta mới dừng lại trò chuyện cùng tôi. Ngôi nhà thiếu sự sống này quả là một nơi thích hợp dành cho tôi.

Tôi nhìn Kaoru, con bé vẫn đang khóc. Mặt nó đỏ ửng, con bé cứ oằn người la khóc không dứt. Phút trước còn cười đùa, bây giờ lại bật khóc mà chẳng có lý do gì. Và một khi đã khóc thì nó sẽ khóc mãi. Tiếng khóc vang dội của con bé làm tôi cảm giác như có một bàn tay đang thò xuống cổ họng và bóp chặt trái tim mình.

Trong một thoáng, khi tôi cúi xuống nhìn gương mặt ửng đỏ đang nhăn nhó của Kaoru, tôi bất chợt nhận ra con bé có những đường nét của vợ anh ta. Đôi tai nhỏ nhắn, môi hình trái tim mỗi khi nó mỉm cười. Kaoru – con thật sự giống mẹ của mình ư? Ở những điểm nào? Đôi mắt bụp ở phần đuôi, lông mày hình vòng cung. Không, không thể nào. Người phụ nữ lớn tuổi trên tàu đã bảo Kaoru trông giống mình. “Làm sao con bé có thể giống mi được? Khi nó chẳng phải là con mi. Mi chỉ là một cái vỏ cô độc và cằn cỗi.” Không đúng, đứa bé này là con mình. Mình không cô độc… Tiếng khóc của Kaoru, tiếng đay nghiến của cô ta, tiếng hét đốp lại của tôi, tất cả những âm thanh đó hòa lẫn vào nhau rồi vang mãi trong đầu tôi.

– Im ngay!

Người phụ nữ sống trong nhà hét lên, khiến tôi choàng tỉnh. Bà đang đứng ở hành lang.

– Không thể yên ổn nghe nhạc được. Cô dỗ nó nín ngay đi.

Tôi nhìn Kaoru. Mình còn có thể nghĩ được gì? Mình định làm gì với đứa bé này? Nó là tất cả của mình bây giờ…

Tôi vặn lại. Thay vì tự trách bản thân mình, tôi lại trút cơn giận lên người phụ nữ:

– Cô hét lên như thế càng làm con bé sợ hơn.

– Cô là mẹ nó, cô phải bắt nó im đi chứ. Tôi không chịu nổi rồi. Ồn ào quá!

– Khi nào nó muốn nó sẽ ngừng khóc, cô trở về phòng đi. Cô đang làm nó sợ!

– Người nó bốc mùi, còn tiếng khóc của nó làm tôi phát điên.

– Thôi… Cháu xin lỗi đã làm cô khó chịu.

Tôi nhẹ nhàng đáp lại, đột nhiên không còn muốn gây gổ nữa khi nhận ra tình thế kì cục của mình bây giờ. Tôi thấy buồn cười. Rồi không ngăn được, tôi bật cười thành tiếng. Tôi nhớ lại cảnh người phụ nữ đã giãy nảy vì mùi tã bẩn của Kaoru trong đêm đầu tiên cả hai gặp nhau, đó cũng là một cảnh hài hước. Tôi vừa cười vừa nhìn Kaoru, và thấy một thứ mà trước giờ mình chưa hề để ý. Một đường màu trắng xuất hiện ở phần lợi dưới của con bé. Sờ vào có cảm giác cứng. Tôi tiến đến bên người phụ nữ.

– Ôi… Nó mọc răng hả cô?

Bà lùi lại một bước rồi vặn:

– Tất nhiên là nó mọc răng. Nó cũng là con người mà!

Nói rồi bà ta quay lưng bỏ đi.

Ngày 14 tháng 2

Tôi quấn Kaoru trong chiếc áo choàng rộng, rồi hai mẹ con dạo đến một cửa hàng gần nhà, mua ba tờ báo rồi vào công viên, đọc kĩ từng trang một. Không có thêm tin tức gì về vụ bắt cóc.

Vứt ba tờ báo vào thùng rác, tôi đến siêu thị. Tôi thong thả dạo qua các gian hàng, lấy một lọ nước tương, hơi ngập ngừng một chút nhưng cuối cùng cũng lấy thêm một bao gạo. Bây giờ tôi mới nhận ra gạo và nước tương không chỉ là một món hàng được bày bán: chúng còn là dấu hiệu của một cuộc sống thường nhật. Chúng tượng trưng cho một cuộc sống gia đình bình thường, nơi chuẩn bị các bữa ăn ở nhà, nấu cơm, dùng nước tương theo mùa, từ ngày này qua ngày khác. Tôi không biết lọ nước tương ở nhà người phụ nữ đã để trong bao lâu, nhưng nó đã chuyển thành màu đen đục ngầu và có mùi hãng khó chịu. Tôi muốn mua vài lọ mới, nhưng không chắc mình sẽ ở đó để dùng hết. Tôi thậm chí còn ngập ngừng trước một lọ nhỏ.

Cuối cùng, tôi mua lọ nước tương cỡ nhỏ nhất, một bao gạo loại 2 kg cùng rau, cá, thịt, sữa bột và nước trái cây đóng hộp. Tôi không lường trước sức nặng của đống hàng này cho tới lúc rời siêu thị. Mang Kaoru đang ngồi trong địu, xách bao gạo bằng một tay và tay kia xách túi thực phẩm, tôi cố đẩy người tới trước, từng chút một. Toàn bộ sức nặng này cũng là dấu hiệu của cuộc sống thường nhật, tôi nghĩ và thấy vui sướng với điều đó.

Chiều hôm đó, điện thoại trong nhà đổ chuông. Chiếc điện thoại quay số kiểu cổ đổ chuông quá lớn đến nỗi cả căn nhà dường như rung lên theo từng tiếng chuông. Tôi bối rối đứng thừ người trước chiếc điện thoại màu đen. Họ đã tìm thấy mình rồi ư? Họ có biết mình là ai không? Chiếc điện thoại không ngừng rung lắc, chuông đồ inh tai.

Người phụ nữ vặn nhỏ nhạc rồi kéo xoạc cửa. – Trả lời đi! – Bà ta hét lên. Tôi vẫn thừ người cho đến khi bà ta la lên lần nữa: – Trả lời đi! – Tôi đành ngập ngừng nhấc ống nghe lên.

– Có phải là nhà Nakamura không? – Giọng một người đàn ông.

– Vâng ạ.

– Cô là con gái của nhà đó à?

– À, vâng. – Tôi đáp bừa.

– Tốt quá. Nói chuyện với cô sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thật khó trình bày vấn đề với mẹ cô. Ngày mai cô có nhà không? Tôi mang giấy tờ qua nhà nhé.

– Giấy tờ gì thế ạ?

Mọi căng thẳng trong tôi tan biến. Mình vẫn an toàn. Họ vẫn chưa tìm thấy mình.

– Giấy tờ nhà. Cô nhớ nhé, tôi sẽ đưa giấy tờ cho cô. Cô chỉ việc ký vào và gửi lại.

– Được thôi. – Tôi đồng ý dù không thực sự biết người đàn ông đang nói về việc gì.

– Vậy khoảng sáng mai tôi ghé qua, hơn 10 giờ một chút. Hẹn gặp lại cô. – Người đàn ông phấn khởi nói rồi cúp máy.

Đứng trước cửa phòng người phụ nữ, tôi cố gọi to để át tiếng nhạc mà bà vừa vặn lớn trở lại.

– Cô ơi, ngày mai sẽ có khách đến nhà. – Không có tiếng trả lời. – Ngày mai sẽ có người đến nhà gặp con gái cô. Một người đàn ông.

Một quãng im lặng.

– Thì có liên quan gì đến tôi? – Người phụ nữ gào lên từ sau cánh cửa.

– Thì cũng liên quan gì đến cháu đâu. Cháu đến nhà tắm công cộng đây. – Vẫn không có tiếng đáp lại. Chỉ có một giọng hát đang rền rĩ một đoạn điệp khúc buồn.

Tôi và Kaoru đến nhà tắm. Nhà tắm Takara.

Tôi vừa lững thững đi trên con đường tối, vừa nghĩ về mẹ mình. Hai mẹ con không hợp nhau chút nào. Tôi không thích bà, và tôi nghĩ bà hẳn rất ghét tôi. “Tởm”, bà thường nói về tôi như vậy. Mày tởm quá, đi rửa tay ngay đi. Mày tởm quá, thay quần áo nhanh lên. Tôi cho rằng mình thật sự tởm như bà khi khiến tôi nhớ đến hình ảnh mẹ mình. Nó nằm ở cách bà ta hét vào mặt tôi khi tã của Kaoru bốc mùi hay khi nó la khóc. Nếu mẹ tôi còn sống, hẳn bà cũng sẽ hét lên như vậy. Chúng tôi có thể cứ sống với nhau như thế, chẳng cần trò chuyện làm gì.

Khi tôi hát cho con bé nghe bài hát về một chú gấu gặp trong rừng, Kaoru toét miệng cười và o e theo. Chiếc răng vừa nhú lên ở hàm dưới của con bé sáng óng ánh, trông như đá quý.

Ngày 15 tháng 2

Lúc 10 giờ, một người đàn ông lớn tuổi đến gõ cửa, hình như đó là người đã gọi điện hôm qua. Người phụ nữ không chịu tiếp, ông ta gõ cửa trước, gọi “Cô Rieko, cô Rieko ơi.” Kaoru vẫn đang ngủ, tôi nhón chân bước ra khỏi phòng. Khi tôi xoay nắm cửa, ông ta thò tay vào trong, kéo cửa ra rồi bước vào nhà. Ngồi trên gờ hành lang, ông ta lấy ra vài tờ giấy trải trên sàn và hào hứng nói:

– Tôi cần chữ ký của cô ở đây, đây và đây nữa. – Tôi nhìn vào mớ giấy tờ và choáng váng khi nhìn thấy dòng chữ “Đơn thu hồi”. Lúc tôi cúi xuống để nhìn kĩ hơn, người đàn ông liền mỉm cười giải thích:

– Chúng tôi không yêu cầu bà ấy phải dọn đi ngay hôm nay hay ngày mai, nhưng hạn chót là cuối tháng này. Chúng tôi không muốn rắc rối. Mà bây giờ cô đang sống ở đâu? Kawasaki phải không? Cô chỉ cần đón mẹ cô về đó là được rồi.

– Tôi xin lỗi, nhưng tôi thực sự không biết…

– Cô là cô Rieko phải không? Tôi và cô đã trao đổi thư từ với nhau rồi đó. Cô đã gửi tôi mẫu đơn chấp thuận qua đường thư bảo đảm. – Ông đang nói thì im bặt, quan sát tôi với vẻ mặt nghiêm trọng, rồi cất cao giọng: – Cô là ai? Cô không phải là Rieko? Vậy cô là ai?

Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng. Nỗi sợ hãi dâng lên trong cổ họng. Người đàn ông đã biết mình là ai. Ông ta sẽ phát hiện ra người phụ nữ đã đón mình ở công viên khi mình không có nơi nào để đi. Mình sẽ mất Kaoru.

Cuối cùng tôi cũng thốt ra được mấy từ:

– Tôi chăm sóc bà ấy.

Người đàn ông thở mạnh bực tức:

– À, phải rồi. Vậy bà Tomiko đang có nhà à?

– À… ừm, thực ra bây giờ bà ấy đang đi ra ngoài…

Tôi mở lời thì vừa lúc người phụ nữ gào lên từ sau cánh cửa phòng.

– Tôi không bán. Tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ chết ở đây!

Giật mình vì tiếng hét của bà, tôi nhìn người đàn ông. Ông ta nhìn lại tôi, trông hơi lo lắng một tí, rồi phì cười.

– Vậy mà hôm nay tôi đã hi vọng mọi thứ sẽ được giải quyết khi cô con gái có mặt. Cô ấy đã ký vào tất cả giấy tờ rồi, vậy nên về lý thì căn nhà này không thuộc sở hữu của bà ấy nữa. – Người đàn ông phân trần với tôi, nhưng giống như đang tự nhủ với chính mình. – Vậy cô đang chăm sóc bà ấy à? Cô có họ hàng gì với họ không? Có thể liên lạc với cô Rieko không? Nếu bà ấy cứ nhất quyết không đi thì vụ này phải ra tòa, lúc đó sẽ rắc rối lắm.

– Tôi sẽ liên lạc với cô ấy.

– Gọi ngay đi. – Giọng ông ta đanh lại.

– Bây giờ luôn ạ? Nhưng ông cũng thấy là mẹ cô ấy đang mất bình tĩnh… – Tôi kéo giọng phân trần. Tôi không hề biết cô con gái đang ở đâu.

– Hừm, có lẽ vậy. Thôi được rồi, tôi sẽ trở lại sau, nhưng cô hãy thu xếp một người mà tôi có thể làm việc nhé! Nếu không, chúng tôi sẽ phải tiến hành biện pháp khác. Sở dĩ tôi cứ quay đi quay lại là vì chúng tôi đang cố thông cảm cho mọi người, chúng tôi không muốn mọi việc diễn tiến theo chiều hướng xấu. Mà tên cô là gì nhì?

– Gì cơ ạ?

– Phòng khi cần thôi, cô tên gì?

– Yasue Nakamura. – Tôi nói dối.

– Tôi biết rồi, cô Yasue. – Người đàn ông gật gù nói rồi đứng lên. Nhưng ngay lúc ông ta đặt tay lên nắm cửa, cả hai nghe thấy tiếng Kaoru vọng ra từ phía cuối hành lang, con bé đang thút thít như một con mèo đói.

Người đàn ông quay lại hết sức ngạc nhiên. Tôi lúng túng bước về phía cửa.

– Xin lỗi, tôi không thể giúp thêm được gì. Tôi sẽ liên lạc với cô Rieko ngay lập tức.

Tôi đẩy người đàn ông ra khỏi cửa một cách khá thô bạo. Ông ta có nghe tiếng con bé không? Ông ta có nhận ra đó là tiếng khóc của trẻ con? Ông ta có biết địa chỉ và số điện thoại của con gái bà Nakamura? Ông ta có liên lạc với cô ta trong vài ngày tới để hỏi “Người phụ nữ cùng đứa bé đang sống ở nhà mẹ cô là ai vậy?” không? Tôi đóng sập cửa rồi lao về phía hành lang. Họ sẽ không biết được; chẳng có gì lạ lùng ở một người đàn bà đi cùng một đứa bé. Họ sẽ không bao giờ biết được. Nhưng tôi vẫn không sao ngăn được cảm giác rằng đó là một điềm gở. Tôi cảm thấy đau nhói trong lồng ngực.

Kaoru khóc không thành tiếng. Tôi bế con bé lên vỗ về. Ngoan nào con, ngoan nào. Giọng tôi run run. Kaoru khóc lớn hơn. Tôi lắng nghe con bé khóc với một cái đầu lùng bùng và bộ não chết lặng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.