Bản năng
Chương 1 phần 05
Ngày 17 tháng 2
Điện thoại đổ chuông lúc gần sáng. Tôi kéo cửa phòng, nhìn trừng trừng vào chiếc điện thoại màu đen đặt ở góc phòng sinh hoạt chung. Người phụ nữ cũng kéo mạnh cửa, thò mặt ra ngoài nhìn chiếc điện thoại. Tiếng chuông vang lớn, dội qua khắp hành lang tĩnh lặng.
– Nghe điện thoại đi! – Người phụ nữ ra lệnh trước khi sập cửa. Bà ta vặn lớn nhạc bởi tiếng hát của ca sĩ nghe rõ hơn lúc nãy. Điện thoại kêu mười lần, sau đó im lặng, rồi tiếp tục đổ chuông. Tôi để Kaoru lại phòng, chầm chậm nhấc ống nghe lên, tôi thấy giọng nó nặng như chì.
– Mẹ! – Một tiếng thét chói tai vang lên. – Tôi và mẹ nói chuyện xong rồi, mẹ còn định ở đó bao lâu nữa khi mà hợp đồng đã hết hạn? Đó không còn là nhà của mẹ nữa, mẹ cút ngay ra khỏi đó đi. Tôi không quan tâm mẹ đi đâu, khỉ thật, tôi đã đưa cho mẹ đủ tiền để mẹ tự lo liệu rồi mà, phải không? – Tiếng người ở đầu dây bên kia nghe như tiếng sủa của một con chó dữ.
Tôi nhớ lại cuốn sổ tay đã úa màu, bìa quăn queo trong ngăn tủ. Đây có thể là giọng nói của đứa bé chưa đầy 2,2 kg lúc mới sinh ra? Tôi tưởng tượng hình ảnh đứa bé tí hon trong vòng tay của người phụ nữ: bà ta cười khi ngắm đứa bé, và đứa bé cũng tròn xoe nhìn mẹ mình.
– Sao mẹ không nói gì hết? Mẹ cứ bám lấy căn nhà cũ đó để làm gì? Có phải mẹ sẽ ở đó hòng vắt kiệt từng đồng cuối của tôi? Mẹ có mấy kỉ niệm gì với nó đâu, sao mẹ không để họ san bằng nó đi? Này, mẹ có nghe tôi nói không hả? Nói gì đi chứ, đồ khốn.
Cô ta im bặt. Tôi có thể nghe thấy tiếng thở hổn hển ở đầu dây bên kia.
– Rốt cuộc cô là ai? – Đầu dây bên kia hỏi. – Nhân viên văn phòng bất động sản nói hình như có họ hàng đang nán lại nhà – vậy thì cô là ai hả? Mẹ tôi đâu rồi? Cô nghĩ mình đang làm gì ở đó mà lại chiếm dụng nhà người khác theo kiểu đó? Tôi sẽ báo cảnh sát!
Từ “cảnh sát” vừa thốt ra, tôi gần như ngạt thở. Đầu dây bên kia không ngừng la lối. Lúc quyết định ngắt máy, tôi đánh rơi ống nghe khỏi tay và rơi xuống sàn, khiến chiếc dây nối màu đen đong đưa trong không khí. Tôi vội nhặt ống nghe lên bằng cả hai tay rồi đặt nó ngay ngắn lại chỗ cũ.
Căn nhà yên ắng trở lại. Chỉ còn tiếng hát vọng khắp hành lang, thét gào rồi lại da diết. Như sực tỉnh, tôi quay về phòng, thu gom tất cả đồ đạc cho vào chiếc túi Boston. Tôi bế Kaoru lên, con bé la khóc không ngớt. Tiếng khóc của con bé bây giờ cũng giống như tiếng nhạc, mới ồn ã bên tai tôi đó rồi lại trở nên xa xăm. Tôi cầm chặt chiếc túi, sau đó đi đến phòng người phụ nữ.
Khi tôi kéo cửa, bà ta nhìn tôi sửng sốt. Đồ đạc xung quanh vô cùng lộn xộn. Các lá bài đã ngả màu xếp thành hàng che kín khung cửa sổ như một tấm chắn phòng thủ. Hàng chồng báo và tạp chí cột dây la liệt khắp nơi; trên những cái rương là những chiếc hộp gỗ kiểu đơn giản; và trên những chiếc hộp gỗ là các hộp giấy nhỏ. Những con thú làm bằng vải chỉ có một mắt, bộ đồ tự may, những tấm lót nệm bằng vải xếp nếp, và nhiều chiếc khăn đã ố vàng rải khắp phòng. Giọng nữ ca sĩ rền rĩ một bản nhạc trữ tình vọng ra từ chiếc cassette bạc. Trên đỉnh chiếc ti-vi vuông vắn kiểu cổ là một con gấu chạm bằng gỗ và một con búp bê Nhật Bản đựng trong hộp kính. Dù vậy, đống đồ lộn xộn này vẫn không cho thấy sự hiện hữu của một cuộc sống thường nhật. Chính giữa phòng là chiếc bàn kotatsu có lò sưởi đặt bên dưới. Một mớ vỏ quả quất vương vãi ở góc phòng, màu cam sặc sỡ nổi bật giữa đống đồ đạc còn lại. Ánh sáng lạnh lẽo từ ngọn đèn huỳnh quang soi rọi toàn bộ khung cảnh. Người phụ nữ giấu hai chân dưới bàn kotatsu, quắc mắt nhìn tôi.
– Đây, cô ẵm nó đi.
Tôi đẩy Kaoru vào vòng tay bà. Bà không đón lấy con bé, dù đã chuyển ánh nhìn từ tôi sang phía Kaoru. Khi tôi kiên quyết buộc bà phải bế Kaoru, bà thận trọng giơ vòng tay đón lấy nó. Bà ôm Kaoru, mặt lộ rõ lo lắng, như thể đứa bé là một quả bóng bằng thủy tinh; rồi cúi xuống cọ má vào má của nó. Kaoru gào lên. Dù vậy người phụ nữ vẫn không dừng lại. Bà ta cứ ấn làn da khô khốc của mình vào trán và má Kaoru như thể muốn lưu lại mùi của mình trên người con bé. Trong một khoảnh khắc, khuôn mặt không cảm xúc của người phụ nữ hiện lên với hình ảnh một người mẹ đang ôm ấp đứa con gái của mình, đúng như trong trí tưởng tượng của tôi.
– Cháu xin lỗi vì trước đây đã không cho cô đụng vào con bé. – Tôi thì thầm.
Người phụ nữ tỏ vẻ ngượng nghịu, bà ta rời Kaoru ra và trả con bé lại cho tôi. Kaoru vẫn la khóc.
– Ồn ào quá! Cô bắt nó nín đi, cô là mẹ nó mà. – Bà ta quát lên rồi xoay lưng lại, đưa mông vào mặt tôi khi trườn người tới vặn lớn âm thanh. Tiếng nhạc lại tràn ngập căn phòng, lớn đến nỗi nhà bên cạnh chắc cũng nghe thấy. Tôi đặt Kaoru vào địu, phủ áo choàng qua người cả hai, cầm chiếc túi Boston lên rồi rời khỏi phòng.
Khi tôi đang xỏ giày, người phụ nữ thò đầu ra khỏi cửa phòng và oang oang hỏi:
– Cô đi đâu?
– Cháu đi mua đồ. – Tôi không thể bảo với bà mình sẽ đi luôn. – Cô có muốn mua gì không ạ? – Tôi vẫn hỏi như thường lệ. Bà nhíu mày, hết nhìn tôi rồi lại nhìn cái túi trong tay tôi.
– Mấy trái quýt! – Nói rồi bà ta sập cửa.
Tôi bước ra ngoài. Bầu trời đen kịt như sắp mưa. Tôi vỗ nhẹ lưng Kaoru mong con bé thôi khóc, rồi đóng cánh cửa phía sau mình lại, băng qua khoảng sân ngập cỏ để ra khỏi nhà. Cháu xin lỗi. Hôm nay cháu không mua quýt cho cô được rồi. Cháu xin lỗi, tôi cứ lầm thầm như vậy trong khi sải bước nhanh hơn. Cô con gái nói chuyện với mình qua điện thoại sẽ liên lạc với cảnh sát bất cứ lúc nào. Có khi đã liên lạc rồi. Cháu xin lỗi. Cháu đã dùng nhà bếp của cô, nằm trên đệm của cô, cô đã cho phép cháu nấu bữa tối cho Kaoru, đã cho chúng cháu cảm giác về một cuộc sống bình thường, nhưng cháu lại không thể về nhà và mang quýt về cho cô.
Vừa lẩm bẩm lặp lại lời xin lỗi, tôi vừa vội vã bước xuống con phố hoang. Kaoru có vẻ nặng hơn một tí so với vài ngày trước. Dù mau thấm mệt, tôi vẫn không chậm bước. Mình nên đi đâu đây? Mình có thể đi đâu? Nơi dành cho mình và con bé? Nơi nào mà họ sẽ không tìm ra mình…
Tôi cố đi một mạch đến trạm tàu điện ngầm nhưng không thể vì quá mệt, chân và vai đau điếng, tôi phải dừng lại nghỉ một chút ở công viên, nơi đã gặp người mẹ trẻ vài ngày trước. Mặt trời đã ló ra khỏi những đám mây nhưng trời vẫn lạnh. Tôi thổi phù phù vào mấy ngón tay đề giữ ấm. Kaoru nhoài người chộp lấy tay tôi. Bàn tay con bé cũng lạnh cóng. Tôi lấy một chiếc mũ ra khỏi túi và trùm lên đầu con bé, sau đó hà hơi sưởi ấm hai bàn tay nó.
Mình có thể đi đâu? Đi đâu để trốn khỏi bọn họ? Chắc chắn phải có nơi nào đó. Dù nghĩ vậy nhưng tôi vẫn không thể nhấc nổi chân. Công viên hôm nay đầy người. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đang đẩy xe nôi em bé. Mấy ông bố cõng mấy đứa trẻ nhỏ xíu, chúng đều được quấn kín đề tránh rét. Tiếng cười khúc khích trong nắng. Ra là vậy: hôm nay là Chủ nhật! Trên băng ghế đối diện, một người đàn ông đội mũ bóng chày đang ngồi đọc báo. Tôi vội ôm chặt Kaoru rồi cúi gằm mặt. Ông ấy có thể đang đọc bài báo viết về mình, vẫn cúi đầu, tôi ngó khuôn mặt người đàn ông. Một đứa bé đến tuổi tập đi đang chập chững bước. Đứa bé lò dò tiến về phía lũ chim bồ câu vừa đậu xuống, sau đó quay sang gọi bố. ông bố vẫn chúi mũi vào tờ báo, không buồn trả lời. Một phụ nữ mặc áo khoác trắng đang chạy về phía họ – có lẽ đó là người mẹ. Đứa bé chạy về phía mẹ, nhưng ngã úp mặt xuống đất. Bà mẹ vội lao đến bế nó lên. Từ chỗ ngồi của mình, tôi có thể nghe thấy tiếng đứa bé la khóc.
Có tiếng nhạc từ xa vọng lại, mỗi lúc một gần hơn, và rõ hơn. Dường như giữa một công viên đầy các gia đình tụ tập vào buổi sáng Chủ nhật, tiếng nhạc là thứ gần gũi nhất với tôi lúc này. Ủ ấm Kaoru trong chiếc áo choàng, tôi cầm túi rồi đứng dậy. Một chiếc xe tải màu trắng đang lăn bánh chầm chậm trên con đường cạnh công viên. Tôi lập tức chạy về phía chiếc xe, giơ tay lên khỏi đầu vẫy liên hồi.
Chiếc xe dừng lại. Một người phụ nữ lạ ló đầu ra khỏi cửa sổ buồng lái. Bà ta lớn tuổi hơn người phụ nữ hôm trước một chút, nhưng cũng đội một cái khăn choàng đầu y hệt.
– Tôi, ừ… chai nước. – Tôi nói. – Mấy hôm trước có một chị đưa cho tôi chai nước.
– À, tôi biết rồi. Đợi chút, tôi phải dừng xe ở trên kia. Đậu ở đây không được. – Bà ta nói rồi lái xe chầm chậm tới phía trước. Tôi cũng chạy theo.
Sau khi dừng xe cách chỗ cũ khoảng 30 mét, người phụ nữ xuống xe và mở thùng sau.
– Cô chỉ mua nước thôi à? Còn mua gì nữa không?… Ồ! Đứa bé dễ thương quá!- Người phụ nữ giục tôi tiến tới chỗ chiếc xe rồi chăm chú nhìn Kaoru. – Không, còn một chuyện nữa ạ. Chị nhìn nè, nước đã gội sạch đám chàm bội nhiễm của con bé. Thật giống như một giấc mơ. Tôi muốn đến sống ở Gia đình của các chị.
Tôi thấy mình nói giống một kẻ điên. Người phụ nữ cau mày nhìn sững tôi.
– Một người bạn kể tôi nghe về Gia đình. Cô ấy bảo bệnh chàm bội nhiễm của con cô ấy đã khỏi hoàn toàn khi họ sống ở đó. Vậy nên tôi muốn, ý tôi là tôi hi vọng được mang con tôi đến đó. Xin hãy dẫn tôi đi. Tôi sẽ làm theo mọi yêu cầu…
Tôi khẩn khoản cúi đầu cầu xin, mắt nhìn đôi giày đế mềm của người phụ nữ. Chiếc xe tải màu trắng sạch như bong.
– Vâng, nhưng tôi không thể tự mình quyết định chuyện này.
– Vậy hãy dẫn tôi đến gặp người có thẩm quyền đi. Làm ơn. Tôi xin chị. Làm ơn hãy dẫn chúng tôi đi. – Tôi cứ năn nỉ mãi. Kaoru đang o e một mình.
– Con gái à? – Người phụ nữ hỏi trong lúc nhìn về phía Kaoru.
– Gì ạ? – Tôi không hiểu người phụ nữ hỏi gì.
– Con của cô là con gái à? – Bà ta hỏi lại.
– Đúng vậy, nó được sáu tháng, nó sẽ không gây rắc rối gì đâu. Tôi hứa đấy. Tôi sẽ làm theo mọi yêu cầu. Xin hãy làm ơn.
Trong lúc cầu xin người phụ nữ, tôi bắt đầu nhận ra mình và Kaoru quả thật không còn nơi nào để đi nữa.
– Biết là cô sẽ làm theo mọi yêu cầu rồi, nhưng Gia đình không giống như một dịch vụ chữa bệnh hay những kiểu tương tự. – Người phụ nữ nói với giọng e ngại, sau đó hướng mắt về phía buồng lái xe tải. – Được rồi, cô lên xe đi. Tôi không biết cô có được chấp nhận không, nhưng ít nhất tôi có thể chở cô đến chỗ Gia đình. Tôi phải đi một vài vòng nữa, nhưng chúng ta sẽ trở về trước buổi tối, được không? – Bà ta hỏi một mạch rồi mở cửa buồng lái.
Người phụ nữ dừng xe ở nhiều công viên và sân chung cư, ngập ngừng nói lớn vào micro “Xin chào mọi người”. Một vài điểm dừng không thu hút được ai cả, nhưng tại những điểm dừng khác, nhiều bà mẹ trẻ đi cùng con cái hoặc những bà nội trợ trung niên tụ tập quanh xe để mua rau và bánh mì. Tôi đề nghị giúp đỡ rồi xuống xe, chủ động bán hàng cho mọi người trong khi vẫn địu Kaoru trên người. Tôi luôn lo sợ có ai đó sẽ bảo rằng họ nhìn thấy tôi trên báo, nhưng hóa ra chẳng ai thèm để ý đến tôi, tất cả mọi người đều hướng về Kaoru, xoa nhẹ đầu con bé, hỏi nó tên gì và bao nhiêu tuổi. Tôi đáp lại mọi câu hỏi.
Khi mặt trời sắp lặn, người phụ nữ lái xe thẳng xuống đường quốc lộ, không dừng chỗ nào nữa.
– Bỏ nhà đi? – Người phụ nữ cất tiếng hỏi trong bóng tối. Đó không hẳn là một câu hỏi; giọng điệu của người phụ nữ cho thấy bà ta dường như đang tự nói một mình.
– Vâng. – Tôi đáp lại, phân vân không biết có nên kể cho bà ta câu chuyện mình đã kể cho Yasue, nhưng người phụ nữ không cần nghe tôi. Bà ta kể chuyện của mình.
– Chồng tôi phản bội. Không thèm giấu giếm. Một buổi tối tôi về nhà và thấy hai người họ – chồng tôi và ả đó – đang ngồi ăn tối cùng nhau. Đau thật.
– Và sau đó chị… – Ngay lúc tôi định hỏi có phải bà ta bỏ đi sau lần đó, người phụ nữ nhấn đèn báo rẽ và tiếp tục: – Chính Gia đình Thiên thần đã cứu tôi. Nếu Gia đình không nhận tôi vào, có lẽ tôi đã giết hai kẻ đó. – Bà ta cất lời một cách từ tốn, giống như nói với chính mình hơn là kể cho tôi nghe. Thật lạ lùng khi nghe một người phụ nữ đã ngoài năm mươi tuổi kể về Gia đình Thiên thần.
Trong một góc tâm trí, tôi vẫn nghe thấy tiếng Yasue bảo rằng đó là “nhóm tín ngưỡng kì quặc”.
– Nhưng chuyện đó xảy ra đã lâu rồi, lúc tôi vẫn còn mắc kẹt ở cái thế giới trần tục đó. – Bà ta nói, như thể đang tự nhắc nhở bản thân mình. Rồi bà ta dừng lại bên đường.
– Đợi một chút nhé. Tôi phải gọi điện thoại. – Người phụ nữ nói rồi xuống xe, đến một buồng điện thoại công cộng kế bên máy bán hàng tự động.
Mình chỉ cần ở đó một tuần, thậm chí ba ngày. Mình cần một chỗ qua đêm. Trong lúc ấy mình sẽ quyết định đi đâu tiếp theo. Vừa ngắm nhìn tấm lưng người phụ nữ ánh lên dưới ngọn đèn đường, tôi vừa tự nhủ nếu những gì Yasue nói về bọn họ là đúng, mình vẫn có thể bỏ đi. Kaoru đang lim dim với đôi mắt khép hờ.
– Phải đón một người nữa. Rồi chúng ta đi luôn. – Người phụ nữ bảo khi quay trở lại. – Nhân tiện đây, tôi là Fumiyo. Fumiyo Komura. Tôi còn một cái tên nữa do Gia đình Thiên thần đặt, nhưng nó hơi kì cục. – Bà ta cười bẽn lẽn, rồi nổ máy xe. Tôi cúi đầu nói: – Rất vui được biết chị. Không có một cửa hàng hay tiệm thức ăn nào dọc theo quốc lộ cho tới khi chiếc xe tải rẽ trái ở một cột đèn giao thông chạy vào một con đường dọc theo đường ray tàu điện. Khi ánh đèn rọi sáng những đường ray, tôi mới biết hóa ra đây là một nhà ga nhỏ. Theo thông tin trên biển hiệu, đây là ga Okubo. Tôi thậm chí còn không rõ mình đang ở quận nào. Fumiyo xuống xe rồi đi bộ về phía nhà ga, sau đó quay trở lại cùng một người nữa. Đó là một cô gái có mái tóc nhuộm màu nâu sáng và còn rất trẻ. Cô mặc đồ jeans, lưng đeo ba-lô và tay xách một túi ni-lông.
Fumiyo mở cửa xe cho cô gái leo lên và bảo tôi:
– Cô ngồi dịch qua một tí nhé, để có đủ chỗ ngồi.
– Chào chị. – Cô gái chào tôi lúc leo lên xe. Giọng cô vui vẻ giống như một học sinh đang làm quen với bạn học. Cô có nụ cười tươi; tôi cúi đầu đáp lại.
– Ồ, chị có con gái! Bé được mấy tháng rồi, chừng sáu tháng? Cho em bế nó nào.
Cô gái liến thoắng như thể chúng tôi đã biết nhau từ trước, rồi dang tay đón Kaoru. Tôi cởi địu, trao con bé cho cô. Cô gái nựng nịu và nhìn Kaoru đang say ngủ. Fumiyo đã ngồi vào tay lái và xe bắt đầu lăn bánh.
– Cô bỏ nhà đi à? – Fumiyo hỏi lúc xoay bánh lái.
– Ôi, không, bộ nhìn em trẻ đến vậy sao? Ở tuổi em, người ta không bỏ nhà đi nữa. Đây là quyết định của riêng em, em đã nghĩ kĩ và quyết định gia nhập Gia đình. Nói em nghe xem, quý bà, trước khi chị được phép sống ở Gia đình, chị phải làm kiểm tra, hoặc tham gia khóa huấn luyện gì đó, phải không? Không phải lúc nào họ cũng chấp nhận tất cả mọi người, phải không? Họ dựa vào đâu để quyết định chấp nhận một người nhỉ? Hay là chị không được phép hé lộ chuyện này? – Vẫn ôm Kaoru trong lòng, cô gái tiếp tục huyên thiên. Fumiyo ném cho cô một cái nhìn khó chịu và nói cộc lốc:
– Đừng có mà “quý bà” với tôi. Tôi có tên đàng hoàng. Tôi là Fumiyo Komura. – Giọng người phụ nữ đanh lại, khác hẳn lúc nói chuyện với tôi.
Âm sắc của cô gái vẫn không thay đổi:
– Rất vui được gặp chị, chị Fumiyo. Em là Kumi Sawada. Giống tên siêu sao nhạc rock, Julie Sawada ấy. Ku trong chữ trường tồn, và mi trong chữ xinh đẹp. Còn chị tên gì? – Cô gái cười rồi cúi nhìn Kaoru, lắc nhẹ con bé làm nó rên lên khe khẽ. Nếu Kaoru thức giấc, con bé chắc chắn sẽ lại la khóc. – Rất vui được gặp em. – Tôi chỉ đáp vậy, rồi hấp tấp giằng lấy Kaoru từ tay cô gái.
Kumi tiếp tục quấy rầy Fumiyo với hàng đống câu hỏi dồn dập. Sao chị được Gia đình chấp nhận? Có đúng như người ta bảo là chị phải cống nạp toàn bộ tài sản? Những người phụ nữ ở đó làm gì? Chị đã sống với Gia đình bao lâu rồi? Nghe nói ở đó người ta chỉ ăn rau, có thật vậy không?… Fumiyo không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Rốt cuộc, cô gái nhận ra Fumiyo không buồn mở miệng nên nhún vai, lấy ra một tờ báo từ trong túi. Lúc Kumi bật đèn trong khoang xe và bắt đầu đọc báo, Fumiyo nói với cô:
– Cô không được giữ những thứ đó ở Gia đình.
– Được thôi, em sẽ ném nó đi trước khi chúng ta đến nơi là được chứ gì.
Fumiyo thở ra một cách bực tức, mắt vẫn dõi về phía trước.
– Vậy là không được phép đọc báo. Chắc tạp chí cũng không rồi. – Kumi lẩm bầm, mắt không rời tờ báo.
Lúc tôi lơ đãng nhìn xuống ngón tay cô, những dòng chữ quen quen đập vào mắt tôi. Tôi chăm chú nhìn kĩ hơn, rồi buộc phải lấy tay che miệng để khỏi phải hét lên trong nỗi sợ hãi bàng hoàng.
“… tìm nghi can là một phụ nữ hai mươi chín tuổi… người có mối quan hệ với ông Akiyama… trước đây đã xen vào cuộc hôn nhân của hai vợ chồng… đang sống ở Ichikawa, quận Chiba… nghi can Kiwako Nonomiya, cao 1m60…”. Toàn bộ những từ ngữ này đập vào mắt tôi cùng một lúc. Tôi đưa tay bịt miệng, sợ rằng nếu không làm vậy thì trái tim mình sẽ rơi ra mất. Toàn thân run lẩy bẩy, hai đầu gối va vào nhau lập cập. Khi Kumi cẩn thận lật tờ báo sang trang khác, tên tôi biến mất khỏi tầm nhìn.
Đưa tôi tờ báo. Cho tôi đọc. Tôi nuốt nước bọt, cố ngăn những lời đang chực trào lên từ cổ họng. Họ biết rồi. Họ đã bắt kịp mình. Họ sẽ nhanh chóng… Tôi bụm miệng khi thấy mình đang muốn hét lên. Tôi ôm chặt Kaoru vào lòng.
Kumi lơ đãng lật trang báo, hỏi:
– Chị Fumiyo, còn xa không, chị?
Fumiyo lờ đi câu hỏi của Kumi, bà ta nhìn tôi:
– Cô lạnh à?
Chiếc xe tải trườn dọc theo đường núi tối om, không có đèn đường hay những cửa hiệu. Fumiyo yêu cầu Kumi quẳng tờ báo đi.
– Tạp chí cũng vậy à? – Kumi hỏi. Fumiyo gật đầu. – Nhưng phải ném ở đâu đây?
Fumiyo trả lời với giọng ra lệnh:
– Ném ra cửa sổ.
Kumi liếc sang tôi, rồi mở cửa sổ, ném tờ báo ra ngoài, rồi lấy một tờ tạp chí khỏi ba-lô và cũng ném mạnh nó ra ngoài. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy tựa đề cuốn tạp chí: Chăm sóc trẻ nhỏ. Tờ báo với tên tôi trên đó và tờ tạp chí với hình một đứa trẻ đang mỉm cười ở trang bìa biến mất vào bóng tối sau lưng chúng tôi. Tim tôi đập rộn rã trong lồng ngực đến nỗi tôi muốn quỵ xuống. Tôi không ngừng tự xoa dịu bản thân: mình không thấy gì cả, tên mình không có trên báo.
Sau cùng, ẩn trong bóng tối, một bức tường trắng thấp thoáng hiện ra trước mắt. Chiếc xe rẽ trái, chạy dọc theo bức tường. Kumi nhổm người lên quan sát. Đã tới Gia đình Thiên thần rồi ư?
Xe vừa đi hết chiều dài bức tường, một cánh cổng lù lù hiện ra, phía trên lấp ló một mái vòm. Chúng tôi không thể nhìn rõ vì xung quanh không có đèn. Fumiyo xuống xe, bước tới trước và nhấn vào máy liên lạc với bên trong. Sau khi cô xưng tên, cánh cổng từ từ mở. Xe chầm chậm tiến vào trong, trong này thậm chí còn tối hơn bên ngoài. Khi đèn pha quét qua bóng tối, tôi giật bắn mình lúc nhìn thấy một dãy đầu trẻ con. Tôi không thể rời mắt khỏi chúng.
Tuy nhiên, thứ tôi nhìn thấy ở góc bãi cỏ không phải là một đám trẻ con đang xếp hàng ngay ngắn, mà là những bức tượng nhỏ. Những bức tượng người nhẵn bóng như được làm bằng sứ trắng xếp thành từng dãy. Dù thoạt nhìn tưởng như những bức tượng Jizo (đội quân tượng tượng trưng cho những đứa trẻ đẻ non hay chết từ trong bụng mẹ được tìm thấy trong các sân chùa), nhưng dãy tượng ở đây trông giống búp bê hơn là tượng Phật. Chúng ẩn hiện dưới ánh đèn pha, rồi lại biến mất vào bóng đêm khi chiếc xe tải đi khỏi. Tôi ngoái đầu nhìn lại những hình dáng lờ mờ lúc xe dừng hẳn. Tiếng Fumiyo nói bên tai: “Các cô xuống xe được rồi.” Kumi và tôi nhìn nhau rồi lẳng lặng bước xuống.
Trước mắt chúng tôi là một tòa nhà bằng bê-tông trắng, kiến trúc hình chữ nhật giống kiểu trường học hoặc bệnh viện. Nhưng những ngọn đèn phát ra ở lối vào và các cửa sổ khiến tòa nhà trông vẫn ấm cúng. Chúng tôi đuổi theo Fumiyo khi bà bước về phía tòa nhà. Kumi thì thầm sau lưng tôi: “Giống như một ngôi nhà ma ám vậy.” Fumiyo quay lại, trừng mắt nhìn cô.
Có hai người phụ nữ đang đứng sau cánh cửa kính. Nhìn thấy chúng tôi, họ mở cửa và ra hiệu cho cả ba vào trong.
Sau khi cúi gập người cảm ơn Fumiyo vì một ngày lao động hiệu quả, họ nhìn tôi. “Ồ! Cô có em bé này. Tôi ngắm nó được không?” Một trong hai người tiến tới bế Kaoru từ tay tôi. Con bé vẫn say ngủ. Họ thay phiên nhau ngắm nghía con bé rồi trò chuyện với nhau: “Nó đang ngủ.”, “Được sáu tháng, có lẽ là bảy, nhỉ?” “Trông cưng chưa nè.”, “Thật là một đứa bé đáng yêu.” Cả hai đều gần bốn mươi tuổi, có lẽ tầm tuổi đó. Họ mặc áo len và quần dài hệt nhau. Trong khi Kumi và tôi đứng trố mắt nhìn xung quanh, Fumiyo lấy dép lê cho chúng tôi.
Bài trí bên trong tòa nhà trông cũng tương tự một trường học. Có các hộc tủ đựng giày ở lối vào, và những bức tranh gam màu nhạt treo trên các bức tường trắng. Đó là những bức tranh thông thường, hầu hết là tranh hoa. Kumi và tôi lại nhìn nhau, rồi cởi giày và bước vào bên trong. Hơi lạnh luồn vào người cả hai qua đôi dép.
Fumiyo và hai người phụ nữ vừa đón chúng tôi đang thì thầm trao đổi với nhau. Người phụ nữ có mái tóc dài nói với hai chúng tôi khi vẫn bế Kaoru trong tay: “Bây giờ trễ rồi, ngày mai chúng tôi sẽ cho hai cô đăng ký sau. Giờ vào phòng trước đã nhé?”
Cô ta bế Kaoru xuống sảnh rồi đi lên cầu thang. Kumi và tôi đi theo. Tôi sợ con bé tỉnh dậy và la khóc, nhưng nó vẫn ngủ yên trong vòng tay của người phụ nữ lạ. Tòa nhà lặng như tờ, tiếng dép lẹp xẹp vang khắp hành lang vắng lặng. Nhưng giữa sự tĩnh mịch, tôi vẫn cảm nhận sự hiện diện của nhiều người khác, của một cuộc sống bình thường. Mùi kẹo ngọt thoảng trong không khí. Không có một mẩu rác nào trên hành lang hay cầu thang. Dù quang cảnh trông giống một trường học, sự tĩnh lặng và sạch sẽ của nơi này khiến tôi liên tưởng đến một “nữ tu viện” hơn.
Người phụ nữ dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, chỉ trải đủ bốn đến năm mảnh tatami. Một tấm rèm xám xịt mắc trên cửa sổ, một chiếc giường đôi đặt sát tường và một cái bàn bằng thép. Đó là những món đồ có trong căn phòng đơn giản này.
Người phụ nữ nói:
– Bồn rửa mặt và nhà vệ sinh ở cuối hành lang. Phòng tắm ở tầng một. Hôm nay hết lịch tắm rồi, nhưng nếu đi ngay bây giờ các cô vẫn có thể tắm. À, tôi sẽ mang đến một vài mẫu đơn đăng ký, các cô nhớ điền trước sáng mai nhé.
Người phụ nữ cười với cả hai rồi quay người đi, tay vẫn bế Kaoru.
– Nhưng, Kaoru… – Tôi hoảng hốt chạy đến chặn bà ta lại.
– Em bé tên Kaoru hả? Đừng lo, chúng tôi sẽ trông nó cho cô.
– Không, không, tôi sẽ trông con bé.
Người phụ nữ nhìn tôi, nét mặt lộ vẻ tiếc nuối, sau đó thì thầm với đứa bé đang say ngủ “Vậy là bé con sẽ qua đêm ở đây,” rồi nhẹ nhàng trao Kaoru cho tôi.
Những câu hỏi trong mẫu đơn đãng ký mà chúng tôi nhận được thật lạ lùng. Có khoảng trống để điền tên và ngày sinh, nhưng không yêu cầu ghi địa chỉ hoặc số điện thoại. Tuy vậy, họ muốn một bảng liệt kê toàn bộ quá trình học hành, bắt đầu từ tiểu học. Tôi có cảm tưởng đây giống như một đơn xin việc thông thường, nhưng rồi xuất hiện những câu hỏi khá trẻ con, ví dụ “Màu sắc yêu thích của bạn là gì?” hoặc “Những món nào mà bạn không thể ăn được?” Tôi không chắc có cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi này không, nhưng vẫn điền đầy đủ cho tới khi thấy yêu cầu về “Tài khoản ngân hàng và toàn bộ tiền tiết kiệm”.
“Một nhóm tín ngưỡng kì quặc… Họ buộc mình phải gia nhập.” Tôi nhớ Yasue đã nói vậy. Nếu muốn sống ở đây, mình phải đưa họ toàn bộ số tiền tiết kiệm sao?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.