Bản năng
Chương 1 phần 08
Kumi nói rồi định nắm hai tay Kaoru kéo con bé đứng lên, nhưng nó nhăn mặt rồi òa khóc. Kumi và tôi nhìn nhau cười.
Mình sẽ sống ở đây cùng Kaoru, tôi nghĩ. Mình sẽ vứt quá khứ qua một bên, không bận tâm đến anh ta cùng người vợ luôn đổ vào tai mình những lời rắn rít. Ngay tại đây, vào một ngày nào đó, mình sẽ quên hết tất cả – cái tên Kiwako, quá khứ, sự nghiệp, kỉ niệm của những ngày hạnh phúc, và ký ức về những con người xấu xa đó – mình sẽ rũ bỏ tất cả dễ dàng như mình đã rũ bỏ toàn bộ tài sản của mình. Và một khi đã quên đi những ký ức tồi tệ, có thể mình sẽ được giải thoát khỏi những tội lỗi mình đã gây ra. Ai có thể tin nổi những đau khổ của mình sẽ được giải quyết dễ dàng đến vậy?
Kaoru gắng sức bò đến bên tôi, nước dãi nhểu nhão chảy xuống cằm. Dang rộng vòng tay, tôi đón vào lòng sinh linh bé nhỏ mà tôi đã đánh đổi bằng tất cả những gì mình có được.
Ngày 30 tháng 7 năm 1987
Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng. Sau khi đánh thức Kaoru và đánh răng cho con bé, hai mẹ con xuống Phòng Lộc thánh lấy khay thức ăn và tìm hai cái đĩa trống, rồi ngồi xuống. Điểm tâm hôm nay có đậu tương, rong biển, dưa chua, canh miso và cơm trắng. Kaoru đưa tôi túi gia vị con bé vừa lấy từ người trực Phòng Lộc thánh sáng nay, và tỏ ý nhờ tôi mở túi giúp. Con bé chăm chú quan sát tay tôi trong lúc tôi rắc gia vị lên phần cơm của nó. “Nhìn nè, trong này có trứng. Con thật may mắn đó nhe,” tôi nói khi đưa cho nó đôi đũa. Kaoru cười khúc khích rồi nhắc lại như vẹt: “Trong này… trứng… may mắn!”
Sau bữa sáng, tôi ra vườn giúp mọi người lau rửa các tượng thiên thần. Một vài phụ nữ đang miệt mài kì cọ. Tôi rùng mình khi lần đầu tiên nhìn thấy tất cả những tượng người thu nhỏ xếp thành hàng này, song qua nhiều buổi sáng cọ rửa, tôi thấy chúng giống những bức tượng hơn, và ngay cả khi chúng không có mắt mũi, tôi vẫn có thể nhìn thấy nét biểu cảm trên những khuôn mặt trắng bóng này. Có lúc trông chúng buồn bã, lúc lại trông vui tươi. Tôi xối nước lên những bức tượng sứ rồi ra sức lau chùi. Trong suốt hai năm rưỡi qua, ngày nào tôi cũng cầu xin các bức tượng hãy ban cho chúng tôi thêm một ngày bình yên nữa. Nếu vậy thì ngày mai tôi vẫn có thể được ở cùng Kaoru. Tôi không biết những thiên thần bé nhỏ này có những quyền năng gì, nhưng ít nhất cho tới hôm nay, lời ước nguyện của tôi đã được đáp ứng. Hôm nay tôi lại nguyện cầu. Tôi không dám cầu sự bình yên cho năm năm tới, hay thậm chí năm sau; tôi chỉ cầu cho hôm nay và ngày mai; tôi chỉ có một ước nguyện nhỏ nhoi vậy thôi.
Cách chỗ tôi làm việc không xa, Kaoru đang ngồi xổm trên đất bứt cỏ cùng Mahlon, vờ như sắp nấu ăn. Vài phụ nữ đi ngang chỗ bọn trẻ dừng lại để trò chuyện với chúng. “Chào bé Rika.”, “Hôm nay con đã uống hết sữa chưa?”, “Mahlon giống mẹ như tạc ha?”
Mahlon năm nay mười một tuổi, cô bé ở với Gia đình từ hồi lên năm. Chúng tôi đã ở chung phòng với nhau trong khoảng một năm nay. Mahlon và Dan, mẹ cô bé, Kaoru và tôi cùng Saku, người phụ nữ có mặt trong buổi phỏng vấn của tôi, tất cả năm người ngủ chung một phòng.
Hôm nay là lần sinh nhật thứ ba của Kaoru, nhưng hai mẹ con không thể tổ chức ăn mừng. Tại Gia đình, ngày 20 tháng 3, ngày chúng tôi chính thức được chấp nhận là thành viên của Gia đình và được đặt tên, mới là ngày sinh nhật chung của cả hai. Đúng ra tôi không được phép gọi con bé là Kaoru, và nó cũng không nên gọi tôi là mẹ. Theo như triết lý của Gia đình, mối quan hệ bố mẹ – con cái cũng chỉ là một phần của thứ hành lý quá cân mà bạn nên vứt bỏ. Nhưng khi chỉ còn lại hai mẹ con, tôi vẫn gọi con bé là Kaoru, và ngược lại, nó cũng gọi tôi là mẹ. Tất nhiên Kaoru còn quá nhỏ nên không hiểu tất cả những điều này, vậy là con bé xem cả hai tên Kaoru và Rika đều là tên mình, và thỉnh thoảng còn gọi tôi là mẹ trong lúc có người khác ở gần.
Levi dỏng tai lắng nghe tiếng nói đàng sau bức tường và cất giọng:
– Hôm nay đừng thèm đếm xỉa đến bọn họ.
Saku tiếp lời trong lúc mạnh tay chà một tượng thiên thần bằng một tấm giẻ ẩm được vắt kĩ:
– Ừ, tất nhiên. Cuối cùng họ sẽ nhận ra họ mới chính là lũ điên. Tôi thấy xấu hổ khi nghe họ oang oang về những chuyện chẳng ra gì. Tự dưng lại đi rêu rao với cả thế giới rằng con cái của mình ruồng bỏ mình.
Vài ngày trước, một nhóm người đã cố xông vào đây và yêu cầu Gia đình thả con gái họ về nhà. Cô gái tên Ami, vừa được kết nạp khoảng ba tháng trước. Bố cô gái đã dẫn theo cả họ hàng và bạn bè đến, tạo nên một cảnh náo động khủng khiếp bên ngoài bức tường. Ami chỉ mới mười bảy tuổi, mặc dù cô cam đoan đã được phụ huynh cho phép, nhưng có vẻ như cô đã trốn nhà đi. Khi những người đứng đầu hỏi cô có muốn trở về nhà không thì cô kiên quyết lắc đầu, thậm chí không chịu ra gặp bố mẹ mình.
Sau hai năm rưỡi, tôi vẫn không hiểu những người đứng đầu ở đây dựa vào đâu để quyết định ai được ở lại và ai phải ra đi. Bà Tokuda và Saegusa vẫn đến Gia đình làm việc, nhưng gần đây tôi không còn thấy họ. Sae, được đặt tên là Saul, đã rời Gia đình sau sáu tháng. Trong năm người của nhóm, hai người duy nhất còn lại là tôi và Kumi – giờ là Esther. Theo thông báo chính thức, cánh cửa của Gia đình mở ra với tất cả mọi người, nhưng trên thực tế thì vẫn có những người như bà Tokuda không thể đạt được yêu cầu. Tôi không hiểu tại sao họ lại chấp nhận một cô gái tuổi thành niên trong khi lại từ chối một người trưởng thành, bởi vì ít nhất người trưởng thành sẽ có một khoản tiết kiệm nào đó – kiểu gì cũng nhiều hơn cô Ami kia.
Đó không phải là điều duy nhất mà tôi không hiểu nổi. Dù đã ở đây vài năm nhưng tôi vẫn không được phép thắc mắc một cách công khai về bất cứ điều gì. Thật ra vẫn được phép hỏi han, nhưng sẽ chẳng có ai đứng ra trả lời cho bạn cả. Mỗi sáng, chúng tôi được phân công các nhiệm vụ thuộc quá trình Hoạt động: thu hoạch và đóng gói rau củ; chuẩn bị các bữa ăn (gọi là Lộc thánh); dạy bọn trẻ học; lau chùi và giặt giũ; làm việc bán thời gian ở bên ngoài (gọi là Hoạt động bên ngoài); phân phát hoặc in ấn tờ rơi. Chúng tôi làm tất cả những gì được yêu cầu, nhưng tôi vẫn không biết ai là người vạch ra thời khóa biểu, hay cách họ phân công người thực hiện những công việc này. Tôi chưa gặp lại Thiên thần lần nào kể từ ngày bà ta đặt tên cho chúng tôi. Thật khó có thể tin nổi người phụ nữ đứng tuổi trông rất bình thường đó, người mà bạn thậm chí còn không mảy may chú ý đến nếu va phải ở siêu thị, lại có thể là người đứng sau toàn bộ các quyết định của Gia đình. Nhưng dù sao cũng không thể biết được ai là người chịu trách nhiệm về các công việc tại đây. Một cách nào đó, tôi vẫn có ấn tượng rằng toàn bộ nơi này đang bị bao phủ trong một lớp sương mù.
Tôi nhẹ cả người khi biết lịch Hoạt động ngày hôm nay của tôi là gửi thư từ và tờ rơi ra ngoài. Hôm qua tôi đã đóng gói bắp cải, và hôm kia là dọn chồng gà ở sân sau. Hai tuần liên tiếp làm các công việc chân tay nặng nhọc quả thật làm tôi kiệt sức. Nhưng nếu tôi mở miệng than phiền lấy một lời, nó sẽ được đưa ra thảo luận ở buổi họp mặt tiếp theo. Sống ở đây, bạn chẳng còn cách nào khác là phải giấu đi mọi cảm xúc của mình.
Trên đường đi đến Trường học cùng tôi, Mahlon nắm tay Kaoru chạy đến chỗ những đứa trẻ khác đang tụ thành từng nhóm. Kaoru không thể theo kịp Mahlon, con bé vấp té xuống sàn và nằm bẹp luôn. Tôi tưởng nó sẽ khóc, nhưng rồi nó tự đứng lên, hai môi mím chặt cố kìm nước mắt. Tôi lén nhìn lại phía sau để chắc nó không khóc nhè thì thấy con bé giơ tay lên vẫy, vẫn mím chặt môi.
Những tháng đầu tiên sống tại đây thật sự khốn khổ, vì tôi không biết mình được phép bày tỏ cảm nghĩ ở mức độ nào. Nếu có ai đó nghe tôi bảo lo lắng vì phải xa Kaoru cả ngày, nỗi lo lắng đó của tôi lập tức được mang ra thảo luận ở Phòng Suy tư vào ngay tối hôm đó. Mấy thành viên ngồi thành vòng tròn quanh tôi, yêu cầu được biết tại sao tôi thấy khó chịu khi rời xa Kaoru cả ngày. Tôi đã bị tra khảo với hàng loạt câu hỏi mà không hề có câu trả lời chính xác, giống hệt lúc tôi tham gia khóa Suy tư. Dù tôi có nói gì, họ vẫn hỏi cùng một kiểu câu hỏi, cứ lặp đi lặp lại như vậy, có khi hỏi đến một hai giờ sáng, khiến tôi kiệt sức.
Nhưng khi quen dần, cuộc sống tại Gia đình không khắc khổ như tôi tưởng tượng. Dựa vào loại hình Hoạt động, chúng tôi được trả ba đến năm ngàn yên. Tạp chí, báo, radio và tivi bị quản chặt, nhưng nếu chúng tôi muốn mua bánh kẹo, thuốc lá hay thậm chí quần áo, chúng tôi có thể đổi bằng tiền kiếm được. Nếu có ý kiến không đồng tình với những quy định của Gia đình, chúng tôi có thể trình đề xuất điều chỉnh. Sau đó, hàng loạt buổi họp mặt được tổ chức giữa nhiều thành viên khác nhau, và trong vòng năm ngày, nếu đa số đồng ý, đề xuất sẽ được thông qua. Lần đầu tiên tôi đến Gia đình, trẻ con không được phép sống cùng phòng với mẹ và cũng không được ngủ cùng với một thành viên nào quá hai tuần. Tôi cho rằng điều này sẽ ảnh hướng xấu đến sự phát triển cảm xúc của trẻ, và sau một buổi họp mặt kéo dài lâu đến nỗi chỉ cần nghĩ đến, đầu óc tôi đã quay cuồng, đề xuất của tôi được chấp thuận. Bây giờ thì trẻ em dưới mười hai tuổi có thể ngủ cùng phòng với mẹ.
Ngày tháng trôi qua, thi thoảng tôi cũng quên đi những tội lỗi mình đã gây ra.
Công việc được phân công hôm nay có bốn người cùng làm. Sau khi quyết định ai sẽ làm việc gì – dán nhãn địa chỉ trên bì thư, gấp tờ rơi, cho mọi thứ vào bì thư và dán lại – chúng tôi cùng mang những hộp bìa cứng đang xếp chồng ở góc phòng ra và bắt đầu vào việc.
Khi mọi người vừa bắt tay vào làm thì Kara lấy ra một hộp sô-cô-la từ túi tạp dề và lên tiếng:
– Tôi có mang theo ít đồ ăn nè.
– Ăn trong lúc làm việc à? Nếu bị bắt gặp, chúng ta sẽ dính rắc rối to đấy. – Bani cảnh báo, nhưng Kana đã mở hộp sô-cô-la và đặt lên giữa bàn.
Asna với tay lấy viên sô-cô-la:
– Được thôi, nếu chúng ta bị mắng thì đó là lỗi tại cô đấy nhé, Kana.
– Hôm nay nóng kinh. Ít nhất họ cũng phải bắt máy điều hòa trong phòng làm việc chứ. Ăn kẹo đi, Ru, cô cũng có phần đấy.
Tôi cũng nhón một viên và đùa:
– Kana muốn ai cũng có “phần” phạm tội đây mà.
Mọi người cười ồ lên.
Tính cách của tất cả bốn mươi đến năm mươi phụ nữ sống tại đây đều có vài điểm chung. Không phải là bẩm sinh giống nhau mà trong thời gian sống tại Gia đình, họ đã phát triển những tính cách tương đồng nhau. Họ hiếm khi nghĩ về thứ gì đó quá sâu sắc; họ không hay xét nét; họ cũng chẳng có chính kiến. Và khi con người thiếu đi chính kiến, những cảm xúc tiêu cực như thù hằn hay ác ý cũng không còn nữa.
Những thành viên Gia đình được huấn luyện để làm theo chỉ dẫn từ trên. Nếu được yêu cầu làm việc gì trong ngày nào, họ sẽ làm theo; và nếu được bảo ăn theo một kiểu nhất định, họ cũng tuân lệnh. Họ không bao giờ dừng lại tự hỏi ai là người đưa ra các mệnh lệnh. Sau một thời gian, cuộc sống dường như dễ chịu hơn theo cách này. Bởi vì nếu một người có chính kiến riêng và mở miệng thắc mắc, cô ấy sẽ không ở lại đây lâu. Cô ấy sẽ được bảo rằng: “Cô phù hợp với công việc ở bên ngoài hơn,” và khi đó sẽ bị tống ra ngoài với một lý do thích đáng. Chính vì thế mà một nhóm toàn phụ nữ sống cùng nhau nhưng lại không hề xảy ra khắc khẩu. Với một nhóm phụ nữ ở chung phòng và làm cùng một việc, bạn nghĩ họ sẽ lập bè kéo cánh, nhưng những người ở đây thì không. Tôi vẫn mừng thầm vì chẳng ai ở đây cố tìm hiểu quá khứ của mình, nhưng dù vậy, tôi không sao ngăn được cảm giác sởn gáy với bầu không khí nơi này: dường như ai cũng đang đeo trên mình một chiếc mặt nạ vậy.
Nghe tiếng la hét, chúng tôi đồng loạt dừng tay và nhìn ra phía cửa sổ.
– Mấy người hôm qua lại đến. – Kana nói. Trước khi cô mở miệng, chúng tôi đã kịp nghe thấy một tiếng quát từ máy liên lạc: “Trả con gái của chúng tao đây!”.
– Ôi trời! Đúng là bọn họ.
– Lại vậy nữa rồi.
– Họ không bỏ cuộc sao chứ?
Mọi người bỏ dở công việc và vây quanh cửa sổ đang mở. Tôi cũng ra theo. Sau bức tường cao, không biết có bao nhiêu người và họ đang làm gì, nhưng kể cả vậy, chúng tôi vẫn lắng tai nghe ngóng.
– Non ơi! Mẹ đây! Ít nhất con phải ra nói chuyện với mẹ chứ!
– Makiko! Makiko! Con có nghe bố không? Bọn điên đó sẽ tẩy não con và lấy hết tiền của con! Bọn chúng đang lừa con!
– Bọn mày có biết lừa bịp mấy cô gái trẻ và nhốt họ lại là phạm tội không hả?
– Bảo đầu sỏ của bọn mày ra đây! – Từ sau bức tường, từng giọng thay phiên gào thét vào máy liên lạc.
– Hôm nay họ kéo đến đông quá.
– Nhìn kìa, Saku đang chạy qua bãi cỏ.
Saku với mấy người nữa đang chạy qua sân hướng về phía cổng. Chúng tôi có thể thấy một nhóm nhỏ đang đẩy cổng, còn Saku và những người khác cố ngăn họ lại.
– Có ông già nữa kìa. – Bani thì thầm như thể người đàn ông đó là một loài quý hiếm. Tôi không thể nín cười.
– Cô cười cái gì? Ông ta là một ông già chứ còn gì nữa. Tôi nói gì sai à?
– Không sai. Đúng là một lão già, và quá hạn sử dụng rồi.
Mặc dù chúng tôi vẫn gặp mấy ông giao hàng đến Gia đình và quen mặt hết bọn họ, nhưng đã lâu rồi tôi không thấy một ông lớn tuổi hói đầu như người này. Nhìn ông ta, tôi có cảm giác ghê tởm, giống như có người phà khói thuốc lá vào mặt mình vậy. Có lẽ tôi đã quá quen với không khí của Gia đình nên bây giờ thấy thế giới bên ngoài có phần nào đó không sạch sẽ.
– Nhìn kìa, ổng đang vào đây!
Ông ta đã ở trong sân, đang sải chân hướng về phía tòa nhà, vừa đi vừa gọi tên con gái. Hình như ông ta đang gọi ai đó tên “Nobue”. Tên của Ami ở bên ngoài là Makiko, vậy đây phải là một cô gái khác. Tôi tự hỏi không biết có phải Gia đình đang chứa chấp một vài cô gái vị thành niên, nên bố mẹ họ đã hợp thành một nhóm chống đối.
Bani hét lên qua cửa sổ:
– Ra ngay! Đồ rác rưởi các người cút ra khỏi đây ngay!
Asna cũng la lên:
– Đúng rồi, ra khỏi đây ngay!
Hình như những người khác đều nhìn ra ngoài vì chúng tôi nghe họ hét lên từ nhiều hướng. Một vài người còn ném xô đựng nước và giẻ lau vào những người vừa đột nhập. Sau một hồi chống cự quyết liệt, cuối cùng Saku và những người khác cũng đẩy lùi được bọn họ ra ngoài cổng. Âm thanh từ máy liên lạc cũng tắt ngóm.
Tôi ngồi kế Kumi trong buổi họp mặt sau bữa tối. Khi buổi họp mặt kết thúc, Kumi về phòng tôi nựng nịu Kaoru một lúc. Vì vẫn còn thời gian tắm, tôi rủ cô tắm cùng hai mẹ con.
Kaoru hỏi:
– Cô Et cũng đi tắm phải không ạ?
Kumi được Gia đình đặt tên là Esther, nhưng mọi người vẫn gọi cô là Et.
– Tất nhiên rồi. Cô sẽ gội đầu cho con nhé, Rika.
– Cô ơi, không cần đâu, mẹ sẽ gội cho con.
– Ôi trời! Còn bé mà khéo quá! – Kumi thốt lên rồi nhấc bổng Kaoru lên khỏi đầu, nhưng chỉ được một tẹo lại thả con bé xuống, rồi than: – Con nặng quá rồi, không chơi trò này được nữa.
Phòng tắm lúc này chỉ có ba người. Chúng tôi cùng ngồi vào bồn đế thoa xà phòng. Kumi tóe nước nóng ra xung quanh làm Kaoru ré lên cười.
– Em đã thử liên lạc với họ chưa? – Tôi hỏi, nhưng cô chỉ lắc đầu.
Sau khi nhìn quanh để chắc không có ai lảng vảng gần đây, tôi nói: “Kumi, em có định sống ở đây suốt đời không?”. Kumi vẫn tóe nước mà không trả lời. “Em còn nhớ lúc Kaoru mới biết bò chứ? Em biết không, chị đã không được nhìn thấy lần đầu tiên con bé đứng chựng và nghe những lời bập bẹ đầu tiên của nó. Mấy người nhận nhiệm vụ ở Trường học lúc đó đã kể lại cho chị. Chị đến đây vì chị không còn chỗ nào để đi, và chị cũng chưa nghĩ về việc rời khỏi đây hay bất cứ việc gì khác. Nhưng nếu cứ ở đây, chị sẽ lỡ mất nhiều dịp chứng kiến từng bước lớn lên của Kaoru, và điều đó làm chị buồn vô hạn.”
Hình như tôi đang thủ thỉ với chính mình hơn là bày tỏ tâm sự với Kumi.
Có lẽ vì đến đây cùng một lúc nên tôi và Kumi hiểu nhau nhiều hơn. Tôi có thể tâm sự với cô những chuyện mà tôi không bao giờ nói với ai khác. Ngoài mặt, Kumi vờ như mình là một thành viên cam chịu và kín tiếng, cũng không có chính kiến cá nhân, nhưng khi chúng tôi ở riêng với nhau, cô thường thành thật bày tỏ những suy nghĩ của mình. Có một quy định ngầm trong Gia đình không cho những thành viên tại đây kể về trình độ hay nghề nghiệp của họ, nhưng giống như hai người đồng hành trong một chuyến hành trình, tôi và Kumi vẫn kể cho nhau nghe về quá khứ của mỗi người. Kumi sinh ra ở một hòn đảo tại Inland Sea, cô chuyển đến Tokyo năm mười tám tuổi, đi làm và sau đó vào học trường thiết kế đồ họa vì cô rất thích vẽ. Cô gặp chồng chính thức của mình ở công ty in ấn nơi cô làm việc bán thời gian và kết hôn năm hai mươi tư tuổi.
Tôi cũng kể cho Kumi nghe tất cả quá khứ, tất nhiên trừ phần kịch tính nhất. Tôi sinh ở Odawara, quận Kanagawa; cũng đến Tokyo năm mười tám tuổi, và sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm được việc làm và phải lòng vị sếp của mình, một người đã có gia đình. Kumi trông trẻ hơn tôi nhiều nhưng tôi chỉ lớn hơn cô có hai tuổi, nên khi chúng tôi hồi tưởng về những sàn nhảy và quán bar cũ mà mỗi người thường đến, cả hai phát hiện ra chúng tôi từng đến những nơi giống nhau. Tại Gia đình, một nơi cách xa Tokyo, cách biệt với thế giới bên ngoài, nỗi nhớ của chúng tôi dành cho quán Chim cánh cụt hay Sàn nhảy Peyton làm cả hai có cảm giác như thể mình đang nhớ về một chuyến đi nước ngoài từ lâu lắm rồi.
Nhưng Kumi không biết nguyên nhân thật sự tôi đến đây, và tôi cũng không biết mong muốn thật sự của cô là gì. Không phải chúng tôi không được tiết lộ những điều này, mà vì một vài lý do nào đó, chúng tôi đều e ngại, không muốn kể ra sự thật.
– Lại đây nào Rika. Cô tắm sạch sẽ cho con nha.
Mặc dù đã bảo mẹ sẽ gội đầu, nhưng Kaoru vẫn để Kumi bế nó ra khỏi bồn và đặt nó đứng trước vòi hoa sen. Thoa xà phòng khắp người Kaoru bằng miếng bọt biển, Kumi nhẹ nhàng tắm cho con bé. Dù trông Kumi vẫn rất trẻ con với mái tóc nhuộm màu nâu sáng, nhưng lúc tắm cho Kaoru, cô bỗng trở thành một người mẹ tận tụy.
Kumi bỗng quay mặt lại nhìn tôi qua làn hơi nước mờ ảo, mỉm cười:
– Khó mà rũ bỏ mọi thứ.
Kaoru phụ họa theo Kumi:
– Đúng đó, cô Et.
Cả phòng tắm mờ hơi nước lúc này vang dội tiếng cười của ba người chúng tôi.
Ngày 4 tháng 8
Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn chúng tôi nghĩ.
Hôm nay, tôi được phân công trực điện thoại. Đây là lần đầu tôi làm công việc này. Tôi được dẫn đến một căn phòng lạ nằm ở phía tây tầng thượng, trong phòng bố trí các bàn làm việc. Sarah đang ngồi kiểm tra các chồng giấy tờ trên bàn. Saku, người vừa dẫn tôi đến đây, chốt cửa lại và giục tôi ngồi xuống, sau đó đưa tôi một tập giấy được ghim lại với nhau.
Ở trang đầu tập giấy là dòng chữ: “Hướng dẫn cách đối phó với truyền thông đại chúng”.
Saku ngồi xuống cạnh tôi:
– Ru, cô đã làm việc ở phòng Quan hệ công chúng của một tập đoàn lớn, đúng không?
– Không thể nói là lớn…
Quy định của Gia đình yêu cầu các thành viên phải quên đi học vấn và nghề nghiệp trong quá khứ, nên tôi không ngờ bà nhắc tôi nhớ theo cách này.
– Đây không phải là lúc khiêm tốn. Gia đình đang gặp rắc rối to. Bọn phụ huynh đần độn kia đã xới tung lên nên giới truyền thông cũng nhúng mũi vào. Khi cô đến đây, cô đã giao phó toàn bộ tài sản của cô cho Gia đình, đúng không? Ai cũng làm vậy, công bằng như nhau, nhưng rồi một số kẻ chẳng ra gì làm ầm ĩ đòi tiền lại. Lúc nào cũng có những bọn khốn như vậy đó. Chúng ta đã giải thích mọi thứ với họ, rất đơn giản, và họ đã thông suốt. Không sao cả. Nhưng lần này, bọn phụ huynh kia cứ khăng khăng chúng ta không trả con gái cho họ, nên mấy người trước lại lợi dụng cơ hội đó để làm ầm lên tiếp. Những kẻ phao tin đồn bảo rằng chúng ta chuyên bắt cóc trẻ con và giam cầm chúng, và rằng chúng ta là một nhóm tội phạm chuyên trấn lột tiền của mọi người. Nhảm nhí! Chúng ta nào có vồ lấy bọn trẻ ở trên đường. Chính chúng mò tới đây và van xin được ở lại…
Vừa lúc, điện thoại đổ chuông cắt ngang bài diễn văn đả kích của Saku. Sarah nhấc ống nghe lên, mắt liếc qua liếc lại giữa Saku và chiếc điện thoại trong lúc lặp đi lặp lại những từ “Vâng” “Không” một cách trang trọng, sau đó nhìn xuống bảng hướng dẫn, dõng dạc tuyên bố: “Như đã giải thích trong một vài dịp trước đây, chúng tôi không phải là một tổ chức tín ngưỡng.”
Saku nói vọng lại khi ra khỏi phòng:
– Tôi ra ngoài kiểm tra xem sao. Họ bảo tôi nói quá nhiều và tôi không được phép trả lời điện thoại.
– Mấy chuyện này đủ làm phát điên.
Sarah thở dài sau khi dập máy. Bà ta duỗi người rồi đến bên cửa sổ, kéo cánh cửa lên một nửa. Nhưng chẳng có ngọn gió nào lùa vào phòng. Bà dựa người vào thành cửa, hai tay quạt quạt trước mặt.
– Hiện Gia đình có bao nhiêu trẻ vị thành niên? – Tôi hỏi.
– Ngoài những đứa vẫn ở cùng mẹ thì có ba đứa, nếu tính luôn cả con bé hai mươi tuổi chưa được chấp nhận chính thức. Nếu cô muốn biết thì Ami, cái đứa mà bố mẹ nó đang gây chuyện đấy, đúng là một con bé hư. Nó bỏ nhà đi từ năm mười lăm tuổi; gia nhập băng đua xe máy, và Chúa mới biết nó đã qua tay bao nhiêu thằng. Chưa được mười tám tuổi mà nó đã hai lần phá thai.
Hình như trước đây Sarah không khi nào bàn luận về quá khứ của các thành viên như vậy. Tôi chưa bao giờ làm việc cùng Ami, nhưng tôi đã thấy cô bé đó nhiều lần trong các bữa ăn. Nó có vẻ là một cô bé vô tư lự, luôn mỉm cười và cởi mở.
– Sao không trả bọn trẻ lại cho bố mẹ chúng?
– Chúng ta không thể làm vậy. Bọn chúng tìm đến chúng ta để cầu xin giúp đỡ, vì vậy Thiên thần không muốn từ chối chúng chỉ vì chúng có thể làm rối rắm mọi việc. Tất cả bọn cô nên biết điều này, Ru.
Bà ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn của bà ta làm tôi cứng người. Ánh mặt trời xuyên qua ô cửa rọi vào phòng, tạo thành một quầng sáng quanh người bà. Tôi vội quay đi. Tôi không biết bà có ý gì khi gằn giọng “Tất cả bọn cô nên biết điều này”. Thấy tôi không nói lời nào, bà ta tiếp:
– Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục như vậy, sẽ xảy ra chuyện thôi. Cảnh sát có thể ập đến và sẽ xảy ra một cuộc điều tra toàn diện. Tất nhiên chúng ta chẳng làm điều gì sai. Cô sống ở đây thì hẳn biết điều đó rồi. Như Saku đã nói, chúng ta không bao giờ bắt cóc ai hoặc ép buộc ai giao tiền. Nếu họ điều tra họ cũng chẳng tìm thấy điều gì đáng nghi, mặc dù không phải tất cả các thành viên sống ở đây đều không có gì đáng nghi.
Tôi ngẩng lên nhìn người phụ nữ đang tắm trong ánh nắng. Đôi mắt đó vẫn xoáy thẳng vào tôi.
Bà ta đã biết. Chắc chắn là vậy. Bà ta đã biết tôi là ai, và Kaoru là ai. Bà ta biết đích xác lý do tôi chấp thuận trao toàn bộ số tiền để được sống yên ổn tại đây. Sarah vẫn nhìn tôi, rồi môi nở nụ cười.
– Có người bỏ trốn khỏi mấy ông chồng vũ phu. Có người dẫn theo con gái khi sắp ly hôn. Không chỉ mấy đứa vị thành niên, mà rất nhiều người không muốn gia đình biết họ đang ở đâu. Chúng ta đã cố gắng nới lỏng sự phân biệt giới tính, nhưng nếu cảnh sát ập tới, chúng ta có thể ngay lập tức bị xem là “đàn bà” trở lại. Đó là lý do tại sao chúng ta nên ngăn chặn không cho vụ việc nảy đi quá xa. – Bà ta nhẹ nhàng nói, rồi tựa vào cửa sổ và thở dài: – Chúa ơi, hôm nay nóng thật!.
Điện thoại lại đổ chuông. Sarah giục tôi nhấc ống nghe. Tiếng nói ở đầu dây bên kia xưng là người của một tờ tạp chí tuần mà tôi có nghe tên, kèm theo một loạt câu hỏi: Có bao nhiêu người đang sống tại Gia đình? Tỷ lệ giữa đàn ông và đàn bà như thế nào? Có bao nhiêu trẻ em ở đó? Tên tuổi người đứng đầu? Tiêu chí hoạt động của Gia đình là gì? Đây có phải là một tổ chức tôn giáo? Tôi nhìn xuống tập giấy và trả lời tất cả các câu hỏi bằng cách đọc theo hướng dẫn. “Chúng tôi không phải là một tổ chức tôn giáo, mà là một nhóm người đồng tâm đồng ý cùng nghiên cứu và phát triển loại thực phẩm tự nhiên và hữu cơ. Trước việc bùng nồ các loại thực phẩm chế biến sẵn trong thời gian gần đây và tác hại mà nó để lại, chúng tôi cùng nhau kêu gọi mọi người tự mình làm ra những loại thực phẩm lành mạnh, không độc hại. Bởi vì những người tham gia đều hoàn toàn tự nguyện, nên có thể gọi chúng tôi là một tổ chức cộng đồng của nông dân…”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.