Bản năng
Chương 1 phần 10
Ngày 7 tháng 8
Tôi không biết làm sao mình đến được khu phố ồn ã đó và đón taxi đến Osaka. Tôi tìm một khu náo nhiệt nhất, rồi vào một nhà hàng gia đình mở cửa thâu đêm. Kaoru bám chặt lấy tôi, con bé ngơ ngác nhìn quanh. Tôi sợ mình sẽ gây tò mò với chiếc áo thun và quần cộc mà tôi chưa kịp thay khi rời Gia đình, nhưng những thực khách tại đây, gồm một nhóm thanh niên nhuộm tóc và những người phụ nữ ăn vận lòe loẹt, hầu như chẳng để ý gì đến tôi. Trần nhà hàng mịt mù khói thuốc; tiếng cười rộn rã vang trong không gian.
Hai mẹ con ăn chung một đĩa cơm trứng cuộn. Kaoru có vẻ e dè, nhưng sau nửa đêm, con bé thấm mệt và thiếp ngủ. Cà phê gọi thêm được miễn phí nên để giết thời gian, tôi uống cà phê tù tì cho tới tận 6 giờ sáng, rồi rời nhà hàng, bế theo Kaoru đang gà gật. Biển tên đường chỉ khu Juso (Mười ba). Con số là điềm gở nên tôi bỏ đi ngay.
Chúng tôi đổi tàu rồi đến Shin-Osaka lúc 7 giờ sáng. Tôi mua bữa sáng cho Kaoru ở một tiệm cà phê nhỏ rồi đến phòng vé xem bảng hướng dẫn lộ trình đến đảo Shodo. Tôi không đi tàu Bullet mà đón tàu địa phương Okayama. Chuyến tàu điện đầu tiên trong đời của Kaoru hẳn khiến con bé sợ hãi, nó cứ áp mặt vào người tôi, không dám nhìn quanh.
Tài xế taxi chở chúng tôi đến bến phà là một người đàn ông ngoài năm mươi.
– Hai mẹ con đến từ Tokyo à?
Câu hỏi làm tôi chột dạ. Thấy tôi không đáp, ông ta huyên thiên: “Tôi từng sống ở đó, ở Tokyo ấy. Ngay khi ra trường tôi làm việc cho một nhà máy ở Suginami. Cô biết nhà máy đó không? Suginami. Tokyo sao mà đầy người là người. Cô biết quán Nakano không? Bọn tôi thường uống bia ở đó.” – Tôi thở phào lắng nghe ông ta đang thích thú kể về những ngày đã qua.
– Cảng Okayama. Vậy là cô sẽ đến đảo Shodo.
– Đúng vậy ạ, cháu có họ hàng ở đó.
– Vậy hả? Cô có định ghé Okayama không? Quanh đây cũng có vài nơi đáng xem. Các bảo tàng ở Kurashiki, công viên Korakuen. Cô nhất định phải thử món barasushi của Okayama, rồi quay lại Tokyo kể cho mọi người nghe món này ngon đến mức nào nhé. – Người đàn ông cười nồng nhiệt.
Trong bì thư tôi lấy trộm từ nhà bếp có hơn 70 ngàn yên. Đó là tiền mua hàng. Tôi cũng có khoảng 50 ngàn yên tiền dành dụm suốt hai năm rưỡi ở đó. Lúc này, đây là tất cả tài sản của tôi.
– Này cháu gái, cháu đã ăn thử món Okayama ngon lành nào chưa? – Ông tài xế hỏi Kaoru. Con bé im lặng nắm chặt tay lại nhìn tôi lo lắng. Suốt thời gian qua con bé chỉ sống bên cạnh toàn phụ nữ, người đàn ông này có thể làm nó hoảng sợ.
Tôi cố nở một nụ cười:
– Cháu xin lỗi, nó hơi nhút nhát.
– Con không nhút nhát! – Kaoru tuyên bố, con bé bắt chước từ ngữ tôi vừa dùng dù không hiểu nó nghĩa là gì. Cả tôi và người tài xế cùng bật cười.
– Con không nhút nhát! – Kaoru hét lên một lần nữa, mặt con bé đỏ ửng, nổi giận vì chúng tôi đã cười nó.
Cảng Okayama là một nơi nhỏ và ấm cúng. Tôi mua vé tàu, báo và một vài cái bánh sữa ở cửa hàng trong phòng đợi. Cửa hàng nhỏ này đã thôi miên Kaoru; con bé không dám lại gần mà cứ đứng nhìn trân trân như thể đó là một con quái vật. Tôi đọc báo trong lúc đợi phà.
THUẾ THU NHẬP GIẢM CÒN 1 NGHÌN 700 TRIỆU TỶ
HÔM NAY GẶP GỠ TỔNG BÍ THƯ
BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU QUỐC HỘI – TAKESHITA ĐÃ NHÂN NHƯỢNG ĐẢNG ĐỐI LẬP.
Không có gì cả. Không một chữ nào nhắc về tôi. Tôi nhìn lên đầu trang để kiểm tra ngày tháng: Thứ Sáu, ngày 7 tháng 8 năm 1987.
– Mẹ, mở cho con. – Kaoru đưa tôi một hộp kẹo.
– Con lấy cái này ở đâu?
– À… Cháu bé quên trả tiền rồi. – Người phụ nữ ở cửa hàng nhìn tôi cười.
Tôi giật hộp kẹo khỏi tay Kaoru rồi mang đến cửa hàng. Tôi vừa nhận ra rằng Kaoru không hiểu “mua” có nghĩa là gì.
– Vô cùng xin lỗi. Hộp này bao nhiêu tiền vậy? – Tôi hỏi rồi vội trả tiền.
– Kaoru, con không được phép lấy những thứ ở đây. Tất cả đều để bán, nên con phải mua, có nghĩa là phải trả tiền. Hiểu chưa nào?
Kaoru ngồi trên ghế, hai chân đung đưa miệng ríu rít: “Dạ hiểu rồi!”. Nhưng có vẻ con bé chẳng hiểu gì cả. Nó lấy một miếng sô-cô-la cho vào miệng. “Mẹ ơi, thứ này ngon quá, con không thể tin được.” Con bé nói với giọng cực kì già dặn. Mở to mắt nhìn tôi, Kaoru đưa cho tôi một miếng sô-cô-la và nói: “Mẹ phải thử một cái chứ. Nè mẹ.” Vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, đưa tôi trở lại với tuổi thơ của mình.
Kaoru òa khóc vì sợ chiếc tàu khổng lồ đang đến. Cuối cùng tôi cũng bế được con bé lên tàu, nó vẫn khóc thút thít. Tàu đầy người: nhóm thanh thiếu niên, những đôi tình nhân cả già lẫn trẻ, cùng các gia đình. Tiếng nói cười vang khắp boong. Tôi tìm một chỗ cạnh cửa sổ, đặt con bé ngồi trong lòng rồi chỉ tay qua lớp cửa kính bảo Kaoru: “Biển kìa con!”
Con bé nhìn ra ngoài, nước mắt còn nhòe nhoẹt. Nó sửng sốt nhìn mặt nước trải dài đến vô tận, sau đó thì thầm: “Mẹ, con sợ.”
– Đâu có gì phải sợ. Con thấy biển trong sách ảnh rồi mà. Con nhìn mặt nước lóng lánh trong ánh mặt trời nè, đẹp không nào?
Vừa cố gắng dỗ dành Kaoru, tôi vừa mở tờ giấy Kumi đã đưa cho tôi đêm trước. Trên tờ giấy là địa chỉ nhà cô cùng dòng chữ viết tháo “Nếu đến nhà em, hãy nói với mọi người em vẫn ổn.”
Vì chẳng có nơi nào để đi nên tôi chỉ biết bám vào địa chỉ ghi trong tờ giấy. Tôi phải thông báo với gia đình của Kumi rằng cô vẫn ổn; đó là điều duy nhất tôi biết làm lúc này.
Tàu cập một bến cảng nhỏ. Tôi và Kaoru bước ra khỏi tàu theo đám đông hồ hởi kia. Ở góc một cửa hàng lưu niệm là một tiệm mì và cơm nắm. Tôi mua cả hai món, tìm một ghế trống và ngồi ăn cùng Kaoru. Vừa nhai cơm nắm, Kaoru vừa trố mắt nhìn các món hàng lưu niệm.
Hai mẹ con rời bến cảng bằng lối ra đối diện. Bên ngoài là một con đường vòng có trạm xe buýt và bãi đậu taxi. Tôi nhờ một tài xế xe buýt xem giúp địa chỉ, ông ấy chỉ tôi cách bắt xe tuyến Cảng Kusakabe và tên trạm mà tôi xuống ở đó.
Xe buýt cũng làm Kaoru hoảng sợ. Con bé ghì hai chân xuống đất và không chịu đi. Nhưng rồi tôi cũng dỗ được nó lên xe. Khi xe lăn bánh, nó ôm chặt lấy tôi, sợ hãi nhìn ra cửa sổ. Phản ứng của Kaoru làm tôi đau đớn vô cùng. Tôi cảm thấy mình thật xấu xa vì đã ngăn cách con bé với thế giới bên ngoài.
Nơi bố mẹ Kumi ở là một tiệm mì soba đối diện trạm xe buýt. Tiệm có vẻ khá rộng; hình như đàng sau còn có chỗ cho thực khách quan sát quy trình làm mì. Cánh cửa kính phía trước không còn một chỗ trống với áp-phích vẽ hình mì soba; bảng hướng dẫn cách phòng hỏa hoạn của sở cứu hỏa; thông báo tuyển dụng; bản tin chương trình hội trại hè cho học sinh. Tất cả đều đã phai màu vì phơi nắng quá lâu.
Tôi kéo cửa bước vào trong. Một phụ nữ đứng tuổi quấn khăn choàng đầu vui vẻ hỏi tôi:
– Xin chào! Tôi có thể giúp gì cho cô?
– Vâng ạ, cháu đang tìm gia đình của Kumi Sawada. Gia đình họ sống ở đây đúng không ạ?
Người phụ nữ nhìn sững tôi, mắt mở to đầy ngạc nhiên, rồi bà chạy ra sau gọi: “Bà Sawaadaa!” Tiệm chia làm hai khu, một có bàn ghế dành cho khách ăn tại chỗ và một là quầy hàng nơi khách có thề mua mì và xốt mang đi, cùng canh miso và kẹo.
– Ồ! Vậy ra cháu là bạn của Kumi?
Một bà đậm người xuất hiện từ phía sau hỏi tôi. Bà mặc một cái tạp dề kẻ ca-rô đã cũ và một khăn choàng đầu cùng họa tiết. Tôi thoáng thấy hình ảnh của Kumi qua khóe mắt của người phụ nữ. Kaoru lủi ra sau tôi trốn người lạ.
– Vâng, cháu xin lỗi vì đường đột tới đây. Kumi nhờ cháu bảo với cô là cô ấy vẫn khỏe, cho nên…
Bà mở to mắt, rồi há hốc miệng. Đôi môi bà mấp máy không thành lời cho tới khi hàng loạt câu hỏi tuôn ra như nước từ vòi.
– Giờ Kumi ở đâu? Nó đang làm gì? Làm sao cháu quen nó? Có thật là nó vẫn khỏe chứ?
Bà tiến đến bên tôi, chờ đợi câu trả lời. Rõ ràng không nên nhắc về Gia đình Thiên thần, tôi đành nói dối.
– Dạ, bọn cháu làm cùng công ty ở Nagoya. Kumi luôn đối xử tốt với cháu.
– Cháu có số điện thoại của nó không?
– Dạ, thực ra…
Những lời nói dối cứ thế tuôn ra. “Công ty bị phá sản, chúng cháu đang sống trong khu tập thể thì bị đuổi đi. Cháu nhớ Kumi bảo cô ấy sẽ ở lại Nagoya, nhưng cháu e là mình không biết địa chỉ chính xác. Nhưng Kumi bảo nhất định cô ấy sẽ liên lạc với cô sớm thôi, nên…”.
Mẹ Kumi đột ngột ngồi thụp xuống. Tôi nghĩ bà suy sụp nên lóng ngóng không biết mình nên cư xử ra sao. Nhưng không, bà đang ngắm nghía Kaoru đang nép sau chân tôi.
– Trời ơi! Cháu bé xinh quá! Con mấy tuổi rồi? Con tên gì?
Kaoru ngước nhìn tôi; hình như con bé không sợ khi gặp phụ nữ, nó giơ ba ngón tay lên và lí nhí: “Kaoru,” rồi đệm thêm “Rika.” Mẹ Kumi chắc nghĩ con bé muốn nhắc đến búp-bê “Rika” đang được bọn trẻ yêu thích, nên bà mỉm cười nói: “Ồ! Vậy cháu tên là Kaoru và cháu thích Rika.” Vẫn nhìn Kaoru, bà hỏi tôi:
– Cháu đến đây chỉ để thông báo cho cô biết tình hình của Kumi thôi hả?
– Dạ… Vâng, thực ra Kumi luôn kể về hòn đảo nơi cô ấy lớn lên, thế nên cháu cũng muốn đến thăm nơi này.
– Thật vậy? Nó kể cháu nghe về nơi này à?
Người phụ nữ gật gù rồi vuốt tóc Kaoru. Tờ tuyển dụng ngả màu trên cửa kính ở bên ngoài chợt hiện lên trước mắt tôi. Tôi quyết định mở lời.
– Không biết cô có thể thuê cháu vào làm việc không ạ?
Mẹ Kumi nhìn lên tôi.
– Dạ, cháu chưa tìm được việc khác khi công ty phá sản. Cháu thấy cô có dán thông báo tuyển người ngoài kia, nên…
Mẹ Kumi đứng lên nhìn tôi chăm chú, hai tay bà cho cả vào trong túi tạp dề.
– Thông báo đó đã dán hai năm nay rồi.
Bà cười ái ngại rồi nhìn tôi từ trên xuống dưới như thể đang đánh giá nhân công. Dù vô cùng thất vọng, tôi cũng phải thừa nhận rằng phản ứng của bà là hợp lẽ. Tôi không thể mong chờ mẹ Kumi thuê một người phụ nữ xa lạ dắt theo một đứa bé chỉ bởi vì cô ta bảo mình là bạn con gái bà.
– Cháu không biết. – Tôi mỉm cười để cả hai không phải khó xử. – Cháu xin lỗi đã đề nghị cô như vậy. Chỉ bởi lúc này cháu không biết làm gì cả. Dù sao, cháu cũng rất vui được gửi lời nhắn của Kumi đến gia đình.
– Thôi, cháu đi đây ạ. – Tôi vừa nói vừa nghĩ trong tuyệt vọng, mình sẽ tìm một nơi để đi tiếp. Mình có nên quay lại Okayama hay đến một hòn đảo khác mà mình đã thấy lúc đi tàu?
– Xin lỗi đã không giúp được gì cho cháu. – Mẹ Kumi nói, bà vẫn lộ vẻ ái ngại khi tiễn tôi ra về. – Vậy là Kumi vẫn ổn, nó không gặp rắc rối gì…
– Vâng, cô ấy không sao ạ. – Tôi ngắt lời bà. – Cô ấy chắc sẽ liên lạc với cô sớm thôi. – ‘Tôi cúi đầu chào rồi dắt Kaoru rời tiệm mì.
Lẽ ra mình phải biết mọi việc không bao giờ dễ dàng như thế, tôi nghĩ trong lúc hai mẹ con đi bộ đến trạm xe buýt. Mặt trời đang chiếu sáng trên cao. Tiếng ve sầu inh ỏi khắp nơi. Ngoài ra không còn tiếng động nào khác. Kaoru lo lắng nhìn trộm tôi.
Tôi biết mình cần nói gì đó để trấn an con bé, nhưng lúc này tôi không còn tâm trạng nào cả.
Cả hai lên chiếc xe buýt đầu tiên mà không hề biết nó đi đến đâu. Rồi chúng tôi thấy mình xuống một bến cảng lạ, không phải là bến cảng ban đầu. Đây hẳn là một điểm du lịch nổi tiếng, tôi thấy nhiều gia đình và nhóm bạn bè đi dạo dọc bến cảng, cười đùa và trò chuyện rôm rả với nhau, có lẽ họ đang đi nghỉ hè. Sau khi kiểm tra đích đến và lịch trình, tôi biết chuyến tàu đến Takamatsu sẽ khởi hành sau 5 giờ chiều. Vậy thì mình và Kaoru có nên qua đêm ở đây? Tôi đi bộ dọc đường biển, tự hỏi ở đây có nơi nào cho hai mẹ con trú ngụ không.
Mùa hè. Mùa hè đang ở ngay đây. Ve sầu. Sóng biển. Bầu trời. Ánh nắng. Những người trẻ với làn da rám. Những cành cây trĩu lá biếc. Mọi thứ bừng sự sống. Mùa hè. MÙA HÈ. Dù tôi chẳng có nơi nào để đi, chẳng có tương lai nào để chờ đợi, dù mới phút trước, tôi vẫn còn đắm chìm trong tuyệt vọng, nhưng khung cảnh trước mắt vẫn khiến tôi phấn khởi hơn nhiều. Mọi vật lúc này đều sáng bừng lên. Những gia đình đang đi dạo cạnh tôi và Kaoru. Một đứa bé trai mặc đồ bơi mang phao quanh hông. Người mẹ đội chiếc mũ chấm bi rộng vành uể oải đi cạnh, trong khi ông bố đang chỉ tay về mặt biển đàng xa, cổ đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh. Kaoru tròn mắt nhìn cậu bé.
Đột nhiên, tôi nhận ra mình không việc gì phải lo sợ cả. Mình không cần phải dùng một cái tên giả, hoặc phải chạy trốn. Mình bây giờ đơn giản là một người mẹ đang dẫn con gái đến nghi hè ở hòn đảo này, để chỉ cho nó thấy mùa hè tuyệt vời đến thế nào.
– Trời nóng quá, nhưng rất thích, Kaoru nhỉ?
– Mẹ, không biết giờ chị Mahlon đang làm gì… – Kaoru thì thầm đáp lại, mồ hôi ứa ra bên hai thái dương của con bé.
Để đến được khách sạn New York, hai mẹ con phải leo lên con đường dốc cạnh một dòng sông nhỏ đổ ra biển. Khu vực quanh cảng không có một khách sạn nào, chỉ có nhà riêng, nhà máy chế biến tương, quán cà phê và tiệm sushi nhỏ xinh.
Có vẻ khách sạn này mới xây, tuy vậy, trông nó rẻ tiền giống như những hình nộm bằng giấy để diễn kịch ở trường học, trên nóc là một bức tượng Nữ thần tự do béo ú. Trên bức tường bao quanh khách sạn có dán một tờ thông báo “Tuyển nhân viên dọn phòng, tiếp tân, phục vụ phòng”. Tôi ôm Kaoru, chăm chú đọc.
Sống ở một khách sạn tình yêu có lẽ không tốt cho Kaoru – tôi biết điều này. Nhưng hòn đảo này đã quyến rũ tôi. Tôi muốn sống ở đây cùng Kaoru; và hòn đảo này cũng có nhiều thứ mà tôi muốn cho Kaoru thấy, như biển xanh, bầu trời, cây cối và ánh nắng. Kaoru vẫn sợ biển, sợ xe buýt, con bé đang giấu mặt sau hai bàn tay; nếu nó chịu quan sát thế giới bên ngoài qua những kẽ hở giữa các ngón tay, liệu nó có thôi sợ hãi? Ở đây, con bé có thể khám phá mọi điều mà tôi muốn chỉ cho nó. Dù không thuộc về nơi này, tôi vẫn muốn ở đây một thời gian, ngay giữa mùa hè rực rỡ này.
Tôi bế Kaoru lên, hít một hơi thật sâu và mờ cánh cửa kính mờ. Hơi lạnh bao trùm lấy tôi, tiếng ve sầu bên ngoài im bặt.
Ngày 13 tháng 8
Khu nhà tập thể bằng gỗ trông như sắp sập ở phía sau khách sạn được dành cho nhân viên. Tôi và Kaoru được bố trí một phòng trải vừa bốn đến năm tấm tatami ở khu sau của tầng một. Phòng có nhà vệ sinh nhưng không có phòng tắm. Tấm tatami lún xuống dưới chân khi bước lên trên, nhưng bù lại, bên ngoài tòa nhà có một sân nhỏ cỏ mọc tươi tốt.
Một cô gái tên Manami sống cạnh phòng chúng tôi. Cô chỉ mới hai mươi tư tuổi. Cô trốn nhà đi theo người yêu, nhưng anh ta đã bị bắt vì tàng trữ ma túy và hình như đang chịu án ở một nhà tù nào đó ở miền nam.
Sống kế phòng Manami là một người đàn ông ngoài năm mươi mà ai cũng gọi là ông Furo (Nhà tắm) vì nhiệm vụ của ông là dọn nhà tắm. Hồi xưa ông từng làm cho một công ty ở Osaka, nhưng sau khi bị bắt gặp sàm sỡ một phụ nữ trên tàu điện, ông mất cả công việc lẫn gia đình, cuối cùng phải đi chùi phòng tắm ở một nơi như vậy.
Chính chị Kayo sống ở tầng hai đã kể tôi nghe tất cả những chuyện này vào ngày tôi chuyển đến đây. Nếu xét theo quy tắc của Gia đình Thiên thần thì Kayo là sếp tôi, nhưng ngoài việc hướng dẫn cho tôi cách dọn phòng và sắp xếp đồ đạc, chị còn truyền luôn mọi thông tin chi tiết về ông chủ và gia đình, hoặc những nhân viên khác. Chị nói mình ba mươi tám tuổi, nhưng tôi trông chị giống một phụ nữ thừa cân ngoài năm mươi hơn.
Sống bên phải phòng Kayo, ngay trên đầu phòng tôi là một phụ nữ đứng tuổi tên Kimi; bà sống cùng con gái. Bà Kimi không làm việc cho khách sạn New York, bà làm ở quán rượu gần đó. Bà có vẻ ngoài khá ấn tượng với mái tóc nhuộm đỏ. Lúc ở nhà, bà luôn mặc bộ váy ngủ rộng lùng thùng và chẳng bao giờ trang điểm, nhưng khi chuẩn bị đi làm, bà như hóa thành một người khác. Tôi nghe Kayo bảo rằng bà Kimi từng làm ở một quán rượu nhỏ cho tới khi có chuyện không hay xảy ra và bà trốn đến hòn đảo này. Dù vậy, không thể biết thông tin của Kayo có đáng tin hay không.
Thoạt đầu tôi nghĩ Hana, con gái của bà Kimi, được hai mươi tuổi rồi, nhưng nó chỉ mới mười bảy. Cô bé cố đến trường trong một học kì rồi bỏ học, và ở nhà luôn từ đó. Chính bà Kayo là người đề nghị tôi gửi Kaoru cho Hana trông nom khi tôi làm việc. Tôi ngại ngần không biết mình có nên giao con cho cô gái này hay không. Hana hiếm khi nào mở miệng hay nhìn thẳng vào mắt ai, hơn nữa luôn phì phèo điếu thuốc trên môi và có mái tóc uốn rối bù. Nhưng quả thật, tôi không có điều kiện cho Kaoru đi nhà trẻ, tôi phải tiết kiệm tiền cho cả hai. Khi tôi lên lầu trên hỏi về việc trông Kaoru, không phải Hana mà bà Kimi vồn vã nói: “Chắc chắn nó sẽ trông con bé cho.” Bà ta cũng không quên nói thêm “Chỉ lấy 1.000 yên mỗi ngày thôi.”
Có hai ca: chúng tôi bắt đầu làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều; hoặc từ 5 giờ chiều đến 1 giờ sáng. Tiền lương cho ca sáng ít hơn, nhưng cả Manami và Kayo đều thích làm ca tối nên tôi vui vẻ nhận ca sáng thay họ. Mỗi lần đến phòng bà Kimi để đón Kaoru sau 5 giờ chiều, tôi thấy con bé và Hana thường xem tivi hoặc vẽ tranh cùng nhau. Cô gái ít nói này hóa ra lại chăm sóc Kaoru tốt hơn tôi nghĩ, và nó còn vẽ cực kì đẹp. Các bức phác thảo mấy nhân vật hoạt hình của Hana trông giống hệt trên tivi. Thỉnh thoảng, Hana và Kaoru chơi với nhau ở ngoài sân. Những lúc đó, tôi đoán là hai đứa phải nhường phòng để bà Kimi “tiếp khách”.
Ông chủ, người đã nhận tôi vào làm mà không liếc mắt đến tờ đơn xin việc của tôi với những thông tin giả và cái tên bịa đặt Kyoko Miyata, đã ngoài năm mươi, dáng vẻ chắc nịch, ông ta không bao giờ nói chuyện với tôi trừ câu hỏi: “Có muốn đi hát karaoke hay đi uống nước ở đâu đó không?”. Thay cho người chồng vô trách nhiệm của mình, vợ ông chủ, người mà các nhân viên vẫn gọi là “Má Má”, đứng ra quản lý để bảo đảm rằng mọi người làm đúng công việc được giao.
Không biết có phải vẻ bề ngoài mới mẻ, hay bởi lúc này đang là mùa du lịch, mà tối nào khách sạn cũng kín phòng. Hơn 9 giờ mỗi sáng, lúc tôi đến dọn phòng sau khi khách trọ (hầu hết là thanh niên) đã ra ngoài, hầu như phòng nào cũng bừa bộn: những mẩu vụn thức ăn khách mang về phòng, mùi hôi khó chịu của khăn giấy đã dùng, những tấm ga giường ố bẩn sau một đêm mây mưa, và những chiếc khăn tắm ẩm ướt. Không hiểu sao những lúc thu dọn rác rưởi và chùi sàn như thế này, tôi bỗng thấy mối quan hệ nam-nữ trở thành thứ cực kì lố bịch. Tự nhiên, những điều tôi đã được truyền đạt ở Gia đình bỗng ùa về: tâm hồn thì không phân biệt nữ hay nam.
Ngày lại ngày, tôi cặm cụi lau dọn những căn phòng kín như bưng, nồng nặc mùi tinh dịch. Tôi kiếm được 5.000 yên một ngày – đúng ra là 4.000 yên sau khi trả công cho bà Kimi 1.000 yên. Với mức thù lao này, chẳng thể biết khi nào tôi mới có dư, nhưng dù vậy tôi vẫn tin một ngày không xa, mình sẽ dành dụm đủ tiền đề rời khỏi khu nhà cũ nát và tạo dựng một cuộc sống no ấm cho hai mẹ con. Mình sẽ mua quần áo và sách ảnh cho con bé, sẽ có một căn bếp lớn hơn căn bây giờ; ở đó mình sẽ nấu tất cả các món ngon cho Kaoru. Viễn cảnh tươi sáng này khiến tôi phấn khởi đến nỗi mỗi ngày, tôi đều mong chóng qua ngày mới. Tôi hào hứng tin rằng cuộc sống của chúng tôi đang bắt đầu thay đổi, cho dù thay đỗi đó có rất chậm đi chăng nữa. Cuộc sống bây giờ là một phần bé nhỏ của một tương lai ổn định mà tôi hằng mong ước cho tôi và Kaoru, con gái bé bỏng của tôi.
Ngày 21 tháng 8
Tối nay có lễ hội, các sạp hàng đã dựng lên từ chiều rồi. Tôi không biết rõ lễ hội được tổ chức ở khu nào, chỉ nghe tiếng kèn trống từ xa vọng lại. Tuần trước vừa diễn ra lễ O-Bon, lễ hội của người đã khuất. Lúc đó làm việc quá mệt nên tôi không còn sức lực ra ngoài, vì thế tối nay, tôi muốn dẫn Kaoru đi xem. Khi tôi lên lầu đón con bé, Kimi đang đứng trang điểm trước gương. “Tôi chẳng ham thích gì mấy cái lễ hội chen chúc đầy người,” chị ta nói như thể không hiểu tại sao tôi muốn đi xem. Tôi cảm ơn Hana đã trông Kaoru nhưng khi quay đi, cô bé theo tôi đến cửa, tần ngần đứng cúi mặt nhìn sàn nhà.
– Cháu muốn đi cùng không?
Hana không trả lời hay ngẩng lên nhìn, nó chỉ khẽ gật.
– Chị Kimi, Hana đi với hai mẹ con tôi nhé?
Vừa lúc đó, tờ 1.000 yên bay vèo tới chân tôi.
– Cầm lấy mà ăn tối.
Hana liền nhặt tờ tiền cho vào túi áo.
Trời chạng vạng. Nhiều nhóm người xôn xao đi phía trước. Tôi vẫn không biết nơi tổ chức lễ hội nên dắt hai chị em đi theo đám đông. Kaoru bước từng bước ngập ngừng, có lẽ e dè những người này. Tôi và Hana nắm tay Kaoru đi chậm lại để con bé có thể theo kịp.
Bất thình lình, Kaoru đứng sững, tay giật mạnh tay tôi. Nhìn theo ánh nhìn của Kaoru, tôi thấy phía trước, một nhóm hành hương đang tiến đến, tất cả đều bận đồng phục trắng. Có khoảng sáu bảy người, toàn là phụ nữ. Họ yên lặng đi thành hàng dọc, vừa đi vừa dậm những cây quyền trượng xuống đất. Đám đông ồn ào lặng trong một chốc. Cũng như Kaoru, tôi dõi theo những người phụ nữ đi qua mình. Hana cũng đứng lại theo hai mẹ con và lấy thuốc ra châm.
“Họ làm gì ở đây vậy?”, tôi hỏi Hana, nhưng nó không đáp. Nhóm người vừa đi khỏi, Kaoru quay lại nhìn bọn họ, và dù tôi giục con bé đi tiếp, nó vẫn đứng trơ nhìn tôi chứ không hề nhúc nhích. “Kaoru, các cô ấy chỉ đi chùa cầu nguyện thôi con.” Tôi trấn an con bé. Hai môi Kaoru mím chặt, con bé hết nhìn nhóm người rồi lại nhìn tôi.
Hana đột nhiên ngồi trước mặt Kaoru nói: “Nào, hai chị em mình đi mua kẹo bông đi. Kẹo ngọt lịm luôn đó.” Kaoru lưỡng lự rồi giơ tay lên cho Hana nắm.
Ánh đèn lễ hội cuối cùng cũng hiện ra. Những chiếc đèn lồng treo cao rực sáng khắp nơi. Một bé gái cỡ tuổi Kaoru đi cùng bà; cô bé bận bộ yukata[8] vải cotton có dải lưng thêu bản rộng màu đỏ. Cô bé đang chọn mặt nạ ở một quầy hàng. Tôi nhìn Kaoru. Con bé vẫn mặc bộ đồ thun như lúc trốn khỏi Gia đình. Tôi thấy buồn vì không thể mua cho Kaoru bộ kimono mùa hè để con bé diện trong lễ hội đầu tiên của mình.
– Này cô, cô có phải là…?
Tôi nghe tiếng gọi sau lưng trong lúc lấy tiền thối ở quầy kẹo bông. Đó là mẹ của Kumi. Bà mặc áo khoác happi[9] sáng màu sặc sỡ.
[8] Yukata: Là loại kimono mỏng mặc mùa hè, thường làm bằng vải mát như cotton.
[9] Happi: Áo khoác mặc trong những dịp lễ hội hay các điệu múa truyền thống của Nhật Bản, tay áo rộng, thân áo có nhiều họa tiết. Từ Happi phát âm hơi giống với từ “Happy” trong tiếng Anh, nên nhiều người còn gọi đây là Chiếc áo vui vẻ.
– Cháu ổn định cuộc sống chưa? Tìm được việc chưa?
– Vâng ạ, cháu đã tìm được việc làm ở đây, và ở luôn tại chỗ làm.
– Ở luôn tại chỗ làm hả? Cháu làm ở đâu?
– Cháu làm cho một khách sạn phía thượng nguồn sông Betto.
– Vậy là khách sạn tình yêu phải không? Cháu làm ở đó… – Bà vừa nói vừa ngó tìm Kaoru và thấy con bé đang đứng ăn kẹo bông với Hana. – Và con bé cũng ở cùng với cháu?
– Cháu chẳng còn nơi nào để đi. – Tôi cười. – Bố mẹ cháu đã qua đời, còn mối quan hệ với chồng lại không tốt đẹp… Nếu quay trở lại Nagoya, cháu không biết liệu mình có tìm được việc làm không. Cháu từng sống ở Tokyo nhưng về đó cháu cũng không có chỗ ở… Vì vậy cháu nương lại hòn đảo này trong một thời gian. Biết đâu ở đây, cháu còn gặp lại Kumi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.