Bản năng
Chương 1 phần 11
– Họ cho cháu chỗ ở như thế nào? – Mẹ Kumi nhíu mày hỏi.
– Đó là một căn sau khách sạn. Nó cũng cũ rồi, nhưng những người sống ở đó đều tốt bụng. Cô bé kia là con gái một người sống ở tầng trên; nó nhận trông nom Kaoru khi cháu làm việc. Nó mến con bé lắm.
Mẹ Kumi nhìn Hana từ trên xuống dưới, lúc này nó đang ngồi dưới đất, miệng nhai kẹo nhóp nhép, đầu tóc uốn rối bùng, “Ồ, ra là vậy…”, bà lẩm bẩm rồi nhìn về phía lễ hội.
– Cô phải đi đây. Cô có việc chút, phải tới chỗ kia lấy ít đồ. Cháu giữ sức khỏe nhé. – Bà liến thoắng rồi biến mất vào đám đông.
Ba chúng tôi về nhà khoảng hơn 8 giờ tối, sau đó đi tắm ở phòng tắm công cộng cách nhà một quãng ngắn.
Kaoru làm mặt lạnh và lặng thinh suốt buổi lễ, nhưng bây giờ con bé đã tươi tỉnh trở lại, cười nói luôn miệng. “Kẹo bông thật ngon, thật ngọt. Ngày mai mẹ mua cho con nữa nhé? Con sẽ cho mẹ ăn nữa,” con bé cứ nằn nì cho tới lúc ngủ thiếp đi.
Ngày 24 tháng 8
Kaoru trông nhợt nhạt suốt từ lúc ngủ dậy. Cả người con bé mềm oặt và nó hầu như không ăn tí gì. Tôi gọi cho “Má Má” xin nghỉ phép một ngày. “Mới làm chưa đầy một tháng mà đã đòi nghỉ ngơi – coi bộ các cô các cậu làm việc ở đây dễ dàng quá nhỉ?” Mặc cho bà ta mỉa mai, tôi không thể để con mình ở nhà với Hana trong khi nó ốm mà ra ngoài dọn dẹp cho người khác. Tôi mượn nhiệt kế của Kayo để đo cho Kaoru. 37,2 độ. Con bé vẫn chưa sốt, nhưng nhìn sắc mặt của nó, tôi e rằng chẳng mấy chốc nữa thôi.
Tôi đặt Kaoru nằm lên giường, quạt cho nó. Tiếng ve sầu tràn vào phòng qua khung cửa. Có ai đó đang mở một bản nhạc pop dìu dặt trên đài phát thanh.
– Mẹ. – Kaoru thều thào từ trong chăn. – Con muốn xem tivi.
– Nhưng Kaoru à, chúng ta làm gì có tivi.
– Nhưng con vẫn xem mà. Tới giờ chiếu “Con ma Taro dễ thương” rồi. Con xem ở nhà chị Hana.
Con bé có biết là mình đang ốm? Dù đang nằm bẹp như đống giẻ rũ, nhưng những lời của nó vẫn tỉnh táo.
– Hôm nay con sẽ không sang chỗ chị Hana. Con phải nằm nghỉ.
Tôi nghe tiếng chuông báo thức vọng sang từ phòng bên cạnh, theo sau đó là tiếng bước chân huỳnh huỵch tiến về phía nhà vệ sinh. Manami luôn gây ra nhiều tiếng động ầm ĩ. Manami gọi với sang:
– Em đợi chị đi chung nhé?
– Đừng đợi, hôm nay chị ở nhà cả ngày.
Kaoru mở to mắt nhìn tôi. “Mẹ ở nhà cả ngày nay hả? Mẹ không đi làm hả?”, con bé hỏi lại mấy lần và khi nghe câu trả lời của tôi liền nói: “Được rồi, vậy hôm nay con không cần ‘Con ma Taro dễ thương’ nữa, chỉ mỗi hôm nay thôi.” Câu nói của con bé làm tôi bật cười, nhưng đồng thời cũng thấy thương con gái mình quá đỗi.
– Kaoru, nhắm mắt lại ngủ đi con.
– Mẹ sẽ trông con ngủ phải không mẹ?
– Ờ, mẹ sẽ ở cạnh con.
Kaoru ngoan ngoãn nhắm mắt ngủ, nhưng rồi con bé cứ hé mắt ra vài lần như thể kiểm tra xem mẹ có còn ở bên cạnh không.
“Cút đi! Cút đi! Không thì con rết sẽ đến bắt mi đi!” Kaoru đá đá chân và hét to lên vì tưởng có con gì bò lên người. Con bé vẫn sợ sâu và những loài côn trùng mà nó chưa bao giờ thấy trước khi đến sống tại hòn đảo này.
Thấy Kaoru đã say ngủ, tôi vào bếp nấu cháo cho con. Có tiếng bước chân nhè nhẹ ở tầng trên. Tôi đập một quả trứng vào nồi gạo và rắc lên ít hành. Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng gõ cửa rụt rè.
Nghĩ rằng đó là Hana, tôi ra mở cửa. Nhưng đứng trước cửa là mẹ của Kumi. Bà đeo tạp dề và mang theo một thùng các-tông lớn.
– Vậy là cháu sống ở đây. – Bà nói rồi rướn cổ nhìn kĩ hơn bên trong nhà. – Con gái cháu đâu rồi?
– Con bé không khỏe nên cháu để nó nằm nghỉ.
Mẹ Kumi vừa nghe xong thì đặt ngay chiếc thùng xuống và bước thẳng vào phòng đến chỗ Kaoru đang nằm ngủ. Bà ngồi lên nệm, nhẹ nhàng đặt tay lên trán Kaoru.
– Ôi! Con bé nóng hổi. Chắc bị cảm rồi. Sao hai mẹ con sống ở một nơi như thế này trong khi đứa bé chỉ mới chừng đó tuổi… – Bà mắng tôi một hồi, nhưng bỗng sựng lại với vẻ mặt bối rối và quay trở lại cửa.
Mẹ Kumi ngồi xuống thềm cửa, mở thùng các-tông ra và nói: “Cô giữ các thứ này lâu rồi. Thằng bé là đứa cháu đầu tiên, hai vợ chồng cô quá vui mừng nên đã sắm sửa cho nó tất cả mấy thứ này. Nhưng Kumi hiếm khi nào dẫn con trai về thăm ông bà. Cô đành phải gửi một ít đồ đến cho nó, rồi sau đó nghe tin mẹ chồng nó đã giữ Ta’ichi… Nhưng cô vẫn không nỡ vứt đi. Quần áo dành cho bé trai, nhưng đều là đồ mới, có thể con gái cháu dùng được.” Không nhìn tôi, mẹ Kumi xỏ giày, nhìn Kaoru lần cuối trước khi ra về. Bà cũng nói thêm: “Gần đây có một bác sĩ tên Uchino, nếu con bé không hết sốt thì hãy dẫn nó đến đấy. Không xa đâu, cứ đi dọc theo bờ sông là đến.” Nói rồi mẹ Kumi rời đi ngay trước lúc tôi kịp cảm ơn bà.
Tôi lấy các thứ trong thùng ra. Một chiếc áo thun có in hình nhân vật hoạt hình, xấp áo lót thẳng thớm, quần ngắn và quần jeans, một đôi giày bé xíu in hình giống áo thun. Trong thùng còn có vớ và một cái mũ. Tôi nhớ lại lúc mình gặp Kumi khi cô lên xe tải để đi về Gia đình. Tôi nhớ Kumi với mái tóc nhuộm nâu lúc quẳng tờ tạp chí Chăm sóc trẻ em ra cửa sổ. Tôi nghĩ về cô khi còn ở Gia đình. Bộ ngực nhỏ nhắn của cô xóc nhẹ trong lúc cô gội đầu cho Kaoru và bảo: “Khó mà rũ bỏ mọi thứ.” Tôi dúi mặt vào đám quần áo mà đứa con trai cô chưa bao giờ có cơ hội được mặc. “Hãy ở bên nó đến lúc nó lớn, cho đến khi nó hơn ba tuổi.” Tôi nghe tiếng Kumi nhắn gửi ngay bên tai mình.
Buổi chiều, Kaoru ăn được hai suất cháo nhưng sau đó nôn hết ra. Tình trạng của con bé khiến tôi hoảng loạn. Tôi lau khắp người con bé bằng khăn ấm, mặc đồ mẹ Kumi vừa mang cho và bế nó ra ngoài.
Tôi cứ ôm con bé chạy dọc bờ sông mà không biết mình nên làm gì. Rồi tôi bắt xe buýt đến Tonosho. Hai má đỏ ửng vì sốt, Kaoru ngả vào lòng tôi, uể oải nhìn ra cửa sổ. Cả người con bé nóng hổi, áo tôi ướt sũng mồ hôi và dính bết vào lưng. Khi tôi nhìn Kaoru, con bé cũng nhìn tôi mỉm cười. May thay nó còn tỉnh táo.
Tìm phòng khám bé nhất và xa nhất. Tôi cứ lặp đi lặp lại câu này trong lúc đi bộ dọc theo một con đường ở Tonosho. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy một phòng khám bé xíu mà thoạt nhìn tưởng sắp đóng cửa. Sau khi bước qua bước lại bên ngoài cửa một lúc, tôi hít một hơi thật sâu và bước qua cổng.
Ghé mặt qua ô cửa, tôi nói:
– Xin lỗi bà, tôi đến đây nghỉ hè và con gái tôi bị sốt sáng nay. Tôi không mang theo Thẻ khám sức khỏe, không biết bác sĩ có thể khám cho nó không?
Bà y tá lớn tuổi cười với tôi:
– Vậy thì cô phải tự trả toàn bộ phí khám bệnh nhé?
Tôi gật, bà liền đưa tôi một tờ đơn và một nhiệt kế. Tôi ngồi xuống chiếc ghế sofa bằng da đã mòn rách và run run điền một cái tên cùng địa chỉ giả vào tờ đơn. Bình tĩnh nào. Sẽ chẳng có gì xảy ra đâu. Bác sĩ sẽ kiểm tra con bé và cho thuốc.
Ông bác sĩ tóc bạc chăm chú nhìn Kaoru và dịu dàng hỏi con bé: “Cháu thấy nóng không? Hay là thấy lạnh? Có đau mắt không? Có khó chịu ở mũi không?” Kaoru vẫn sợ hãi khi gặp đàn ông, con bé cứ giấu mặt vào ngực tôi, không chịu trả lời.
– Cảm nắng, triệu chứng giống vậy. – Ông bác sĩ từ tốn nói. – Tôi có thể cho thuốc hạ sốt, nhưng những loại thuốc như vậy sẽ hại dạ dày, không tốt cho trẻ con ở tuổi này. Cô bé mới sốt khoảng 38 độ nên cứ để cho nó tự hạ. Cô sẽ ở đây thêm ít lâu nữa chứ? Chiều tối hôm nay hoặc ngày mai nếu cô bé sốt cao hơn thì mang trở lại nhé?
Tôi nhận tờ hóa đơn thanh toán từ bàn tiếp tân và trả tiền. Phí khám bệnh hết hơn 10 ngàn yên nhưng bây giờ không phải là lúc bận tâm đến tiền bạc. Trước khi lên xe buýt, Kaoru nhìn thấy một cửa hàng nhỏ và ra hiệu muốn ăn kẹo. Thông thường tôi sẽ từ chối, nhưng hôm nay tôi cho phép con bé chọn thứ mình muốn. Những lời của người bác sĩ văng vẳng bên tai tôi: mang cô bé trở lại. Cô hãy mang nó trở lại nhé? Dù không có Thẻ khám sức khỏe nhưng ít nhất mình vẫn có thể mang Kaoru quay trở lại phòng khám đó nếu vài ngày tới con bé không đỡ sốt. Tôi nghĩ và cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Ngày 30 tháng 8
Kaoru chơi trò giả ốm. Con bé không muốn mẹ đi làm nên mỗi sáng, nó nằm nấn ná trong chăn, kêu bị đau mắt, hoặc thấy nóng trong người, nhưng giọng nói thì líu lo như sáo. Khi tôi bảo rằng nếu mẹ không đi làm, mẹ sẽ không có tiền mua kẹo hay bất cứ thứ gì cho con, Kaoru miễn cưỡng ngồi dậy. Con bé vẫn luôn vui vẻ rời tay mẹ lúc hai mẹ con đến chỗ Hana, vậy mà có lúc, khi quỳ mọp xuống lau chùi sàn phòng khách sạn, nước mắt tôi cứ ứa ra. Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ mình đã để Kaoru quá cô đơn, đến nỗi con bé đã trở thành một đứa trẻ biết nói dối.
Không khí hội hè của những ngày đầu khi chúng tôi vừa đến đảo giờ đã không còn nữa dù vẫn đang hè, và trời nóng bức. Bóng du khách đã thưa vắng. Khách sạn hiếm khi nào kín phòng.
Một buổi tối, khi Kaoru và tôi trở về từ nhà tắm, tôi thấy những ngôi chùa xung quanh đây đều được đánh số, chẳng hạn “Chùa số 21 Đảo Shodo: Chùa Kiyomi”. Gần Chùa Kiyomi là “Chùa số 22: Thiền viện Mine-noyama” với một mũi tên chỉ về phía “Chùa số 19: Thiền viện Kinoshita”. Tôi nhớ lại nhóm người hành hương hôm lễ hội, rồi tự hỏi không biết có phải hòn đảo này cũng có tám mươi tám ngôi chùa giống như ở đảo Shikoku?
Nếu vậy, tôi sẽ viếng hết những ngôi chùa này. Dù chẳng biết chúng tôi sẽ ở đây đến khi nào, nhưng tôi có cảm giác mình sẽ có đủ thời gian để viếng thăm tất cả các ngôi chùa.
Kaoru dõi mắt nhìn mẹ cầu nguyện ở một ngôi chùa, tự hỏi mẹ đang làm gì.
Ngày 18 tháng 9
Sau khi xong việc và trở về phòng, tôi không thấy Kaoru đâu cả. Tôi lên lầu để đón con bé, nhưng chỉ thấy mỗi Kimi trong chiếc áo rộng đang trang điểm. Cả Hana và Kaoru đều không có ở đây.
– Bọn trẻ đang chơi chỗ Đền Tamahime. Mà chờ một chút, tôi có thứ này cho cô xem. – Chị ta ngăn lại lúc tôi dợm bước và giơ một chiếc váy đỏ rực ướm lên người. Chiếc váy trông vừa vặn ôm sát các đường cong của Kimi, và còn đính dãy nút vàng ở phía trước. – Trông tôi thế nào? Khách hàng mua tặng tôi đấy. Không phải mấy thứ đồ rác rưởi bày bán quanh đây đâu – Ông ta đặc biệt mua nó từ Osaka.
Chiếc váy trông quá lòe loẹt so với tuổi của Kimi, nhưng khi tôi trầm trồ “Dễ thương thật. Quá hợp với chị”, Kimi áp hai tay lên má cười khúc khích như một thiếu nữ. “Tôi sẽ cho cô mượn nếu cô cần. Xem nào, tôi chỉ lấy 500 yên một ngày thôi.” Chị ta nói rồi ôm chiếc váy vào lòng.
Tôi tìm thấy Hana và Kaoru đang chơi ở Đền Tamahime với hai đứa trẻ lạ. Một bé trai nhỏ hơn Kaoru và một bé gái có lẽ đến tuổi đi học. Bốn chị em đang ngồi xổm dán mắt xuống đất. Kaoru trông giống con trai hơn trong bộ đồ mẹ Kumi mang cho – chiếc mũ bóng chày, áo thun và quần dài màu xanh lá.
– Các con đang làm gì vậy?
Tôi nhìn xuống chỗ bọn trẻ đang nhìn chằm chằm và thấy mấy cái xác ve sầu rỗng – có tất cả bảy cái được xếp thành hàng ngay ngắn. Những lớp vỏ nâu khô queo trông giống đồ chơi tạo hình đẹp mắt.
Đứa bé trai khoe với tôi:
– Bọn con gom chúng lại.
– Bọn chúng sống dưới đất lâu lắm rồi, nên vừa chui ra là chết ngay. – Đứa bé gái (có lẽ là chị của đứa bé trai) nói thêm để chứng tỏ rằng mình hiểu biết nhiều hơn em.
Kaoru sợ sệt hỏi tôi:
– Đây là xác chết hở mẹ?
– Không đâu con, đó chỉ là lớp vỏ mà con ve sầu bỏ lại khi lên khỏi mặt đất. – Tôi đáp, tự hỏi con bé học ở đâu từ “xác chết”. – Kaoru, Hana, về nhà thôi các con.
Đứa bé gái lặp lại:
– Nhưng chúng sẽ chết ngay đó cô.
Có lẽ nó học điều này từ người lớn; về cách ve sầu sống bảy năm dưới mặt đất sẽ chết trong bảy ngày sau khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tôi không biết điều này có thật hay không, nhưng tôi vẫn nhớ mình đã sốc khi lần đầu tiên nghe người ta bảo như vậy. Sao mà cuộc sống của ve sầu quá ngắn ngủi sau khi chúng đã chờ đợi quá lâu. Tôi nhớ mình cũng từng kể với mọi người xung quanh rằng ve sầu sẽ chết trong bảy ngày, giống như cô bé này đang khăng khăng.
Thấy Hana đứng lên, Kaoru nắm chặt tay chị.
– Ngày mai cậu có đến nữa không? – Đứa bé trai hỏi.
– Ngày mai lại đi gom tiếp. – Đứa bé gái hòa theo.
– Tạm biệt.
Khi Kaoru quay lại vẫy chào, hai đứa bé với đôi má ửng hồng vì nắng cũng vẫy tay chào và cất giọng trẻ con lảnh lót tạm biệt bạn.
Sau bữa tối, tôi đi dạo một lúc rồi ghé vào Gokuraku – Chùa số 16 để cầu nguyện. Kaoru đang hát véo von một bài hát tôi không biết. Khi bất chợt nhìn lên, con bé hét toáng: “Mẹ! Nhìn ngôi sao kìa!”, và chỉ tay lên trời.
Trong bóng đêm, những bụi lan ánh lên sắc đỏ đáng sợ.
Đêm đó, trong lúc chập chờn, hình ảnh những xác ve sầu trống rỗng cứ trôi bồng bềnh trước mắt tôi. Những lớp vỏ nâu cong queo, khô quắt, trơ trọi một mình.
Ngày 6 tháng 10
Khi tôi đến đón Kaoru về nhà, Hana cũng theo hai mẹ con xuống lầu. Hai đứa cùng ngồi vẽ đợi tôi chuẩn bị bữa tối. Trong lúc loay hoay làm bếp, tôi vẫn cảm giác được cô bé đứng phía sau quan sát tôi nấu ăn.
– Hai mẹ con cô tối nay ăn cà-ri, cháu có muốn ở lại không?
– Cháu trộn salad nhé? – Hana đề nghị. Nó hiếm khi tự nguyện đề nghị như vậy.
– Được vậy thì tốt quá.
Tôi vớt bọt trong nồi cà-ri. Trong khi đó, Hana cắt cà chua và dưa chuột; nó làm rất quen tay, có lẽ phải tự nấu ăn hàng ngày. Kaoru phụng phịu vì không ai để ý đến mình, con bé cũng vào bếp và quanh quẩn dưới chân chúng tôi.
Tôi vặn nhỏ lửa nồi cà-ri. Đàng kia, Hana đang nấu fushi. Mì fushi rất rẻ nên tôi luôn dự trữ sẵn vài gói. Tôi không biết Hana nấu mì để làm gì. Tôi hỏi nhưng lần này nó không trả lời.
Hóa ra mì được cho vào salad. Cà chua, dưa leo cắt khúc trộn mì fushi và rưới nước xốt làm từ tương; đây là món salad đặc biệt của Hana.
– Món này ngon quá. Cô không biết là có thể dùng fushi để trộn salad. – Tôi thốt lên.
Hana quay đi bối rối, nhưng nụ cười trên khóe miệng cho thấy con bé rất hài lòng.
Kaoru xoe tròn mắt:
– Mẹ, món này ngon quá.
Hana tự hào nói, nó vẫn tránh nhìn tôi:
– Cháu có thể làm món fushi spaghetti Neapolitan và Carbonara[10] nữa.
[10] Neapolitan và Carbonara: Tên các món mì Ý.
– Vậy thì nhất định cô phải thử. Mà fushi thực ra cũng là pasta, nên nó chỉ có thể có vị tự nhiên nếu nấu cùng xốt spaghetti.
– Đúng rồi, chỉ có thể có vị tự nhiên! – Kaoru lặp lại.
– Đồ bắt chước!
Hana bẹo má Kaoru trêu. Con bé ré lên cười.
Có tiếng gõ cửa. Tôi đặt đũa xuống, ra mở cửa và thấy mẹ Kumi đứng bên ngoài. Giống như lần đến thăm hồi tháng trước, bà bước thẳng vào phòng. “Mọi người đang ăn à? Rất xin lỗi.” Bà nhìn xoáy vào khuôn mặt trang điểm đậm của Hana rồi ra hiệu cho tôi ra ngoài cửa cùng bà.
– Lần trước cháu bảo muốn làm việc ở chỗ cô. Có người sẽ nghi việc vào cuối tháng này. Cô trả lương không cao đâu, nhưng công việc ở đó tốt hơn chỗ này nhiều, nhất là khi cháu có con nhỏ.
-Vâng ạ…
– Ippon-matsu. Cháu biết chỗ đó chứ? Cô có họ hàng ở đó, và họ có một căn nhà nhỏ trong vườn, một căn đúc sẵn họ làm cho con trai. Họ bảo cháu có thể đến ở… Chỗ này không thích hợp để nuôi dạy trẻ nhỏ. – Mẹ Kumi nhíu mày.
Tự nhiên tôi quay sang bào chữa cho Hana:
– Nhưng Hana thật sự là cô gái tốt. Nó đã chăm sóc Kaoru chu đáo suốt thời gian qua.
– Có thể là vậy, nhưng làm sao biết quanh đây còn có những loại người nào. Sống ở một nơi chỉ để phục vụ nhu cầu tình dục như vậy thì cháu không thể biết sẽ có những người nào lui tới.
– Vâng ạ, nhưng… cô có chắc là cháu có thể đến chỗ cô? – Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ Kumi. Không biết người phụ nữ này đang nghĩ gì, điều gì đã xui khiến bà cưu mang một người hoàn toàn xa lạ như mình?
– Nếu đồng ý thì cháu có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng đừng lãng phí thời gian, nếu không cô sẽ phải tìm người khác. Khi quyết định xong, cháu hãy báo cô biết, càng sớm càng tốt. Nhớ nhé! – Giọng mẹ Kumi nghe như thể một bà mẹ đang lo lắng cho cô con gái không ăn uống đúng bữa. Bà nói thêm: “Xin lỗi đã cắt ngang bữa tối của cháu,” rồi quay đi.
Khi tôi quay vào nhà, Hana đã ăn xong và đang kể Kaoru nghe một câu chuyện dựa theo những bức tranh mà nó vẽ. Chỉ có năm bức trên một cuốn vở nháp. Kaoru xem tới xem lui mấy bức tranh trong lúc ăn cà-ri.
– Hana, cháu vẽ đẹp lắm. Cháu có thể làm họa sĩ truyện tranh hoặc tạo hình nhân vật hoạt hình.
– Làm sao cháu làm được những việc đó.
– Được mà.
– Cho em xem nữa đi. – Kaoru nài nỉ, con bé nhặt cuốn vở nháp lên ấn vào tay Hana.
– Cháu còn chưa tốt nghiệp. Cháu không có cơ hội đó đâu.
– Trường học chỉ dành cho những người không biết họ muốn gì. Cháu có tài, cháu sẽ làm những gì cháu muốn. – Đang nói thì tôi đột ngột dừng lại vì thấy mình sắp đi quá đà. Tôi định nói thêm rằng: có người chưa bao giờ phạm lỗi, sẽ không bao giờ chạy trốn và có thể làm bất kì điều gì mình muốn.
– Cháu về đây. – Hana đột nhiên đứng dậy đi ra cửa.
Trong lúc mang giày, nó rầu rĩ hỏi: – Có thật là ở Tokyo có nhiều nơi dạy vẽ và nhiều thứ khác?
– Tất nhiên rồi, có rất nhiều trường dạy nghề khác nhau. Thậm chí cháu có thể thực tập bằng cách làm trợ lý cho họa sĩ truyện tranh. – Vừa trả lời Hana xong, tôi cảm thấy muốn ngừng thở. – Làm sao cháu biết cô đến từ Tokyo?
– Cái bà nhiều chuyện đã nói như vậy.
Tôi hỏi dồn dập:
– Cô Kayo đã nói gì về cô?
Hana lầm bầm:
– Bà ấy bảo cô nói giọng khác mọi người ở đây nên cô phải từng sống ở Tokyo, và có lẽ là cô bỏ chồng.
Họ không biết gì cả. Họ sẽ không tìm ra sự thật. “À vâng, có lẽ cô ấy đúng rồi đấy.” Tôi cười. “Đúng là không điều gì có thể qua mắt Kayo.” Hana đang đứng giữa cầu thang, mặt cúi gằm xuống. “Hana, cảm ơn cháu đã đến chơi tối nay. Món salad của cháu tuyệt lắm.”
Hana không hề mỉm cười, nó chỉ nhìn tôi rồi chạy ùa về phòng.
“Mấy con ve sầu chết hết rồi hả mẹ?”, Kaoru hỏi trên đường đến nhà tắm. Con bé đã để ý thấy không còn tiếng ve sầu kêu ra rả nữa, chỉ có tiếng của các loài côn trùng mùa thu.
Ngày 14 tháng 11
Tôi tập thói quen dừng lại ở bất cứ ngôi chùa nào mình bắt gặp trên đường, nhưng dù vậy tôi chỉ mới viếng chưa được ba mươi trong số tám mươi tám ngôi chùa. Thật khó có thời gian rỗi để đi đến những chỗ xa hơn ở trên núi.
Tháng vừa rồi tôi đã đến làm việc ở tiệm mì soba Sawada. Tôi nói dối bà Masae – tên của mẹ Kumi – rằng tôi là Kyoko Miyata. Công việc chính của tôi là phục vụ bàn hoặc đứng quầy đề bán mì đóng gói. Tiệm mì và khu chế biến mì ở ngay kế bên nhà ở của mẹ và ông bà Kumi, nên không có mấy cách biệt giữa việc kinh doanh và cuộc sống gia đình của họ. Thỉnh thoảng, khi việc ở tiệm không quá bận rộn, tôi vẫn sang giúp họ giặt giũ hoặc nhổ cỏ dại trong vườn. Bà Masae cho phép tôi mang theo Kaoru trong lúc làm việc vì Kaoru còn quá bé không thể ở nhà một mình, vậy là mỗi sáng hai mẹ con đi làm cùng nhau. Kaoru cũng đã kết bạn mới. Bọn trẻ là con nhà hàng xóm và đều ở tuổi đi mẫu giáo: Satomi, Shin’nosuke và Sakura. Thủ lĩnh của cả nhóm là Yuri, chị gái của Satomi. Bốn đứa trẻ thường đến rủ Kaoru đi chơi đâu đó ở bên ngoài. Ban đầu tôi khá lo ngại rằng để bọn trẻ tự do đi chơi như vậy thật mạo hiểm, nhưng mọi người xung quanh đây hiếm khi nào khóa cửa nhà, có lẽ khu này rất an toàn.
Hai mẹ con đã chuyển đến căn nhà đúc sẵn mà bà Masae nhắc tới. Đây là nhà của bà Sakamoto, một người họ hàng của bà Masae. Căn nhà từng là một nhà kho, nhưng họ đã sửa lại cho con trai ở khi cậu ấy còn học trung học. Bây giờ cậu con trai đã chuyển đến Kyushu học đại học.
Thỉnh thoảng, trong các ngày nghỉ, bà Masae lái xe chở hai mẹ con đi ngắm cảnh. Ba bà cháu đi ngắm lá vàng ở hẻm núi Kanka-kei Gorge và ngắm mặt trời lặn trên biển ở gần ngôi trường gỗ cũ kĩ nơi từng đóng bộ phim Twenty-four Eyes. Kaoru không còn vùng vằng khi đi cáp treo ở hẻm núi, nhưng con bé vẫn tỏ ra cảnh giác hơn bao giờ hết. Nó cứ đứng ì ra không chịu nhúc nhích. Có lúc bà Masae hơi bực mình nhưng vẫn chịu khó đứng lại đợi Kaoru cho tới khi con bé chịu đi tiếp.
Từ ngày quen thêm nhiều bạn, Kaoru học được rất nhiều từ mới. Có một lần con bé khiến tôi sửng sốt khi bảo rằng: “Khi nào lớn lên, con sẽ xây cho mẹ một căn biệt thự to ơi là to.”
Mỗi buổi chiều, khi nhà hàng thưa khách, tôi hay ngồi ăn trưa cùng bà Masae và bà Nobuko – một nhân viên làm bán thời gian. Hai người kể tôi nghe về trường Kabuki[11] vừa xây xong tháng trước ở một ngôi làng gần đây. – Năm tới nên gửi Kaoru đến đó. – Bà Masae đề nghị.
[11] Kabuki: là một trong ba loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch No và kịch rối Bunraku. Kabuki ra đời vào đầu thế kỉ 17 dưới hình thức biểu diễn tạp kĩ, sau đó trở thành một loại hình kịch nghệ được ưa chuộng nhất trong thời kì Edo (1603-1868). Kabuki được biết đến với sự cách điệu hóa trong kịch nghệ và sự phức tạp trong việc trang điểm cho người biểu diễn.
Hầu hết bọn trẻ con học ở trường Kabuki đều ở tuổi học tiểu học, nhưng bà Nobuko vẫn bảo:
– Con bé Kaoru xinh như thiên thần, cô chắc chẳng ai nỡ từ chối nó đâu. Mà năm tới nó cũng được năm tuổi rồi nhỉ?
– Dạ không, hè tới con bé mới lên bốn.
Tôi nhìn thấy bà Masae nhìn sững ra ngoài cửa sổ. Tôi nghĩ bà vừa thoáng thấy Kumi nên cũng dáo dác ngó qua khe hở giữa các tấm áp phích, nhưng ngoài cửa chỉ là tấm biển hiệu đứng trơ cùng mưa gió.
Bà Nobuko bất ngờ hỏi một câu làm tôi giật mình:
– Kyoko, đã có ai bảo cháu trông giống một người nào đó chưa?
– Ai? Ai vậy ạ?
– Ừm, giờ thì cô không nhớ ra.
Tôi nêu lên vài cái tên ca sĩ nhạc pop nổi tiếng mà mình thấy tên tivi. Cả hai nhìn nhau rồi bật cười: “Đừng có tâng bốc mình vậy chứ, Kyoko.”
– Nhưng đúng là mọi người bảo giống mà. – Tôi cũng cười theo.
Cuộc sống yên bình này sẽ kéo dài được bao lâu? Câu hỏi không lời đáp này ám ảnh tôi mỗi đêm. Dù thỉnh thoảng, tôi vẫn bi quan khi nghĩ về tương lai, nhưng nhiều ngày qua tôi luôn tin rằng có người đang dõi theo để phù hộ hai mẹ con và như vậy, cuộc sống yên bình này sẽ kéo dài mãi mãi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.