Bản năng

Chương 2 phần 02



Kiwako Nonomiya.

Sinh năm 1955 ở Odawara, quận Kanagawa. Cô học ở một trường cấp hai công lập tại địa phương, rồi học trường nữ sinh tư thục cấp ba, sau đó chuyển đến Tokyo học Đại học Nữ sinh T. Các bạn học của Kiwako cho hay cô là một sinh viên ít nói, nghiêm túc và tốt bụng – một sinh viên ngoan.

Kiwako tham gia câu lạc bộ trượt tuyết ở một trường đại học khác và có lẽ đã bắt đầu hẹn hò. Nhưng vì cô không bao giờ giới thiệu bạn trai hay đi chơi qua đêm, không ai biết nhiều thông tin về người bạn trai này. Một người bạn học cũ cho biết: “Cậu ấy rất xinh nên chắc chắn được nhiều người theo đuổi, nhưng tôi nghĩ cậu ấy không thật sự có ý định nghiêm túc với bất cứ ai.”

Sau khi tốt nghiệp, Kiwako xin được việc làm ở Phòng phát triển sản phẩm của tập đoàn K, một hãng sản xuất đồ lót. Cũng trong năm đó, mẹ cô qua đời vì xuất huyết não. Bốn năm sau, cô được phân công sang Phòng Quan hệ công chúng. Bộ phận này chịu trách nhiệm về mối quan hệ với báo chí và khách hàng, cũng như soạn tài liệu quảng bá sản phẩm và những tài liệu công bố khác; Kiwako phụ trách biên tập bản tin hàng tháng của công ty.

Trong bản tin này có một mục dành để giới thiệu nhân viên mới. Đó là một bài viết ngắn giới thiệu những nhân viên vừa mới gia nhập công ty hoặc những nhân viên được thuyên chuyển từ các chi nhánh đến văn phòng Tokyo kèm ảnh của người đó. Kiwako đã đến gặp Takehiro Akiyama, người vừa chuyển đến Tokyo từ chi nhánh Nagano, để viết bài giới thiệu.

Akiyama hơn Kiwako bốn tuổi, sinh ở Nagano và theo học một trường cấp ba công lập của địa phương. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp đại học, anh gia nhập tập đoàn K và làm ở Phòng kinh doanh. Năm 1979, ở tuổi hai mươi tám, Akiyama kết hôn với Etsuko Tsuda, một nhân viên làm bán thời gian ở tập đoàn K. Etsuko sinh năm 1953, kém chồng hai tuổi.

Năm 1982, vì những thành tích kinh doanh xuất sắc, Takehiro được chuyển đến văn phòng Tokyo.

Kiwako đã mắc lỗi trong bài giới thiệu về Takehiro: cô để nhầm hình Takehiro với một nhân viên trong bản tin tháng sau. Lúc cô đến gặp để xin lỗi, Takehiro đùa: “Cô phải dẫn tôi đi ăn tối để tỏ rõ thành ý chứ?” Và họ đã đến với nhau như vậy.

Lúc đó, Takehiro đang sống ở Tokyo một mình. Khi chuyển đến đây, anh chưa thuê được nhà nên vẫn để vợ lại Nagano và sống tạm trong chỗ ở dành cho nhân viên của công ty, đồng thời dành các ngày cuối tuần để đi tìm nhà.

Kiwako tưởng lời nói đùa của Takehiro là nghiêm túc, nên cô sốt sắng mời người đồng nghiệp mới đi ăn tối. Cho dù cuộc hẹn hôm đó chỉ thay cho lời xin lỗi chứ không có ý gì nhưng cuối cùng Kiwako lại có một bữa tối vui vẻ hơn mong đợi.

Từ đó, họ bắt đầu hẹn hò, tất nhiên Takehiro là người chủ động. Chủ nhật nọ, Takehiro dẫn Kiwako đến sở thú ở Ueno và tại đó, anh ta đã thú nhận mình là người có gia đình. Kiwako ngay lập tức quyết định chấm dứt mối quan hệ của hai người, nhưng hai tuần sau, trong ngày sinh nhật cuối tháng Sáu của cô, hai người đã gần gũi nhau.

Takehiro đến căn hộ của Kiwako ở Kichijoji thường xuyên hơn, họ gần như đã sống chung. Trong những ngày nghỉ, hai người thường cùng nhau đi tìm nhà. Takehiro nói dối Kiwako rằng đây là căn hộ mới dành cho hai người, nhưng thực ra anh đang tìm nhà để đón vợ lên Tokyo.

Kiwako đã để cho Takehiro quyết định mọi thứ. Vào thời điểm này, không có nhiều nhân viên thuộc chi nhánh của tập đoàn K chuyển đến Tokyo. Với Kiwako, một người chỉ biết lựa chọn những bước đi an toàn nhất trong cuộc sống, thì sự táo bạo của Takehiro khiến cô thấy cuộc sống thi vị hơn nhiều. Còn với Takehiro, một người vừa chuyển đến Tokyo thì những thứ ở đây đều mới mẻ; anh đã dẫn Kiwako đến những quán rượu và sàn nhảy nổi tiếng lúc bấy giờ, ngược lại, Kiwako cũng thấy hào hứng hơn khi tiêu khiển thời gian rảnh rỗi của mình theo cách này.

Tháng 7 năm 1982, cuối cùng Takehiro cũng tìm được một căn hộ ở khu Suginami và đón vợ đến Tokyo. Khi đã ổn định chỗ ở mới, Etsuko bắt đầu làm việc bán thời gian cho một siêu thị gần nhà. Cuộc sống của hai vợ chồng Akiyama ở Tokyo có vẻ êm ấm. Nhưng Takehiro vẫn không ngừng gặp gỡ Kiwako; anh qua đêm ở căn hộ của người tình ít nhất hai tuần một lần.

Suốt thời gian đó, cụm từ “ly hôn” bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong những câu chuyện của hai người. “Giá mà anh gặp em trước” “Anh đang nghĩ đến chuyện ly hôn” “Nếu chúng ta làm rõ mọi chuyện trước khi bọn anh có con sẽ tốt hơn cho vợ anh”. Takehiro đã lặp đi lặp lại với Kiwako như vậy, và cô cũng bắt đầu tưởng tượng về một tương lai tươi sáng, khi họ có thể sống với nhau danh chính ngôn thuận.

Mùa thu năm 1983, sau một năm rưỡi quen nhau, Kiwako phát hiện mình đã mang thai với Takehiro.

Tôi nghe tiếng chân Chigusa trong căn bếp nhỏ xíu. Chị sập mạnh cửa tủ đựng chén bát dưới bồn rửa rồi mở tủ lạnh. “Này, tủ lạnh trống trơn! Em ăn uống kiểu gì vậy?”. Chị tò mò xoay người nhìn tôi hỏi, lúc này vẫn nằm dài ở phòng bên cạnh. “Em không nấu ăn ở nhà. Gần đây có cửa hàng tiện lợi, buổi tối thì em ăn ở chỗ làm”. “Thanh niên bây giờ tệ thật”, chị thở dài như thể quên mất mình cũng mới hơn hai mươi tuổi, sau đó vui vẻ đề nghị “Mình ra ngoài ăn sáng ha?”. Không hiểu Chigusa lấy đâu ra năng lượng để có thể tươi tỉnh lúc sáng sớm như vậy. Vì cả đêm gần như không ngủ được, tôi vờ như không nghe thấy, kéo chằn trùm đầu. Chigusa giật mạnh tấm chăn và ngồi xuống bên cạnh lay người tôi: “Thôi nào, dậy đi. Đi ăn sáng thôi!”. “Chị cứ nói mãi vậy? Được rồi. Em biết rồi. Em dậy đây. Em dậy ngay đây”, tôi làu bàu miến cưỡng chui ra.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một quán cà phê sáng nhờ nhờ thưa khách. Chị gọi một phần ăn sáng, còn tôi chỉ uống cà phê. Ngay lối vào có một ô cửa sổ giống như vòm cổng. Nắng rọi qua đó chói lòa làm khung cảnh bên ngoài tối mờ đi.

Tôi hỏi:

– Chị đang làm nghề gì, chị Chigusa?

Chigusa trả lời một cách tự tin:

– Chị không làm gì cả. Chị đang bận rộn với cuốn sách mới này rồi.

– Vậy chị lấy đâu ra sinh hoạt phí?

– Mẹ chị lo hết.

– Thật á? Mẹ chị làm gì vậy?

– Mẹ chị có mấy căn hộ cho thuê. Gia đình gọi mẹ là Dan, chắc em không nhớ đâu. Rời Gia đình rồi, mẹ chị luôn thấy lương tâm cắn rứt, cảm thấy có tội vì đã buộc chị sống ở một nơi như thế trong chừng ấy năm. Vì vậy, bà chẳng than phiền gì về chuyện chị không chịu đi làm. Hình như mẹ sợ chị. Vậy đó, coi như chị làm ơn cho mẹ, để mẹ chu cấp cho mình. Nhờ vậy bà mới thấy thanh thản hơn.

Bà phục vụ lớn tuổi mang đến các món chúng tôi vừa gọi: cà phê cho tôi và bánh mì trứng cuộn cho Chigusa. Chị phết mứt dâu vào bánh. Tiếng nhạc cổ điển trỗi lên khắp quán.

Lúc Chigusa liếm chỗ mứt dây ra tay, tôi hỏi:

– Chị có ghét mẹ chị không?

Chị đáp nhanh:

– Chị không có quyền yêu hay ghét. Dù gì bà ấy cũng là mẹ chị mà.

Sau đó nói thêm: – Nhưng mà phải mất một thời gian dài chị mới hiểu được điều này. – Nói xong chị lại im lặng, cắm đầu vào đĩa thức ăn, rồi bất thình lình ngẩng lên hỏi:

– Còn em nghĩ gì?

– Em nghĩ gì à? Chị muốn hỏi về chuyện gì?

Chigusa nhìn tôi, hai mắt mở lớn:

– Tối qua em đã đọc hết mà, tập tài liệu của chị đó.

Ngay lúc đó, tôi nghe văng vẳng bên tai một giọng trẻ con gọi tên mình: “Rika”. Khuôn mặt tròn. Những sợi tóc mềm nâu óng ánh trong nắng.

– Mấy chuyện đó em đã đọc từ lâu rồi. Chẳng có gì mới hết.

– Nghĩa là em đã biết hết rồi à?

– Mẹ em vẫn lén mua sách báo về nhà. Bà giấu không cho em biết nhưng lại xé chúng trước mặt em. Lúc đó em mới học cấp hai, vẫn còn nhỏ, nhưng cũng đủ lớn để tò mò. Phản ứng tự nhiên mà, đúng không? Thế là em tìm đọc trong thư viện.

Chigusa thở hắt ra, buông người xuống ghế.

– Vậy thì, Rika, à Erina, em đã biết tất cả về cô Ru…

– Cô Ru?

– Người bắt cóc em, Kiwako Nonomiya.

– Ồ, là người đó. – Tôi nói rồi lấy từ trong túi quần ra một gói thuốc. – Vâng, em biết bà ấy. Biết nhiều không kém những tên tội phạm khét tiếng khác.

Tôi châm thuốc hút; lúc tôi nhả khói, một người đàn ông mặc com-lê đọc báo ngồi bàn kế phản ứng bằng cách ho khù khụ. Tôi lờ đi và tiếp tục hút. Chigusa nhăn mặt nhíu mày như muốn phản đối. Tôi lấy làm khó chịu:

– Chị sao thế? Chỗ này được phép hút thuốc mà?

– Nhưng mà Rika, lúc chúng ta sống cùng nhau em là một cô bé nhỏ, vậy mà giờ em hút thuốc! Chị không ngờ nổi. – Chigusa kêu lên thảng thốt. Rồi chị lục trong túi xách, lấy ra một cuốn sổ tay và đặt nó lên bàn. – Lần đầu tiên đọc những bài viết đó, em đã nghĩ gì? Và bây giờ em nghĩ gì? – Có vẻ chị đã chính thức xem mình là một nhà văn.

– Chẳng gì đặc biệt. Em coi như không quen biết họ… Nói vậy thôi, chứ đó cũng là bố em nên tất nhiên có nhiều lúc em rất bực bội. Bố em đã nói gì chứ, đã thế còn chường mặt lên khắp các báo. Nhưng em không tin những bài viết đó đều nói đúng sự thật. Ý em là, người đàn bà đó có lên tiếng gì đâu sau khi bị bắt? Bố em thì không nói rồi, ông ấy ruột để ngoài da. Nhưng mà thật sự họ dựng chuyện quá giỏi. Chị có nghĩ vậy không? Cách viết của họ quá chủ quan, một vài chuyện có lẽ còn do họ tự thêm vào. Nếu vậy thì còn gì để nói đâu?

Chigusa nhìn sững tôi, tay vẫn nắm chặt bút.

– Gì vậy?

– Em quả là… – Chị mấp máy môi.

– Quả là sao?

– Ừm, nói sao nhỉ. Em rất khách quan về chuyện đó. Thật dửng dưng.

– Ừ, phải vậy thôi. Bởi vì em nghĩ mình chẳng dính líu gì ở đây. Đặc biệt là chuyện giữa bố em và nhân tình của ông ấy. Lúc đó em còn chưa sinh ra mà, chẳng có mối liên hệ thật sự nào cả. Chẳng có gì. Còn chuyện bắt cóc thì… nó chẳng liên quan gì đến việc ngoại tình, nên em nghĩ…

Một cảm giác lạ lùng. Tôi chưa từng tâm sự với bất kì ai về chuyện này. Tâm trạng của tôi lúc đọc những bài viết đó, ảnh hưởng của nó đến tôi, và cảm nghĩ của tôi bây giờ: đó là những điều thầm kín mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ thổ lộ với bất cứ ai, kể cả những người thân thiết nhất. Vậy mà ngay lúc này, ngay tại đây, ở một góc quán tăm tối này, tôi lại kể tuốt tuồn tuột với một người không mấy quen biết, hơn thế còn cảm thấy thoải mái khi làm vậy. Ở đâu đó tận sâu trong lòng, tôi vui sướng vì được bày tỏ cảm xúc của mình. Chị hãy nghe những gì tôi thổ lộ. Hãy để tôi kể chị nghe tất cả mọi thứ, mọi chi tiết. Tôi muốn như vậy.

Người đàn ông ở bàn bên cạnh đã đứng lên trả tiền và rời khỏi quán. Cả hai lơ đãng ngó ông ta rời đi. Cánh cửa mở ra, nắng ùa vào rực sáng. Tôi thấy chói mắt trong một lúc. Rồi cánh cửa đóng lại, trả lại quán thứ ánh sáng lờ mờ.

Chigusa xoay lại nhìn tôi:

– Vậy chính xác là em nhớ gì về chuyện bắt cóc?

– À…

Điện thoại reo trong túi. Có tin nhắn. Có lẽ là của Kishida. Tôi định mở máy thì bà phục vụ lớn tuổi chạy đến nhỏ nhẹ yêu cầu: “Xin lỗi, cô có thể ra ngoài sử dụng điện thoại được không?” “Ồ, cháu xin lỗi”. Tôi tắt máy và cho lại vào túi. Khi tôi nhìn lên, Chigusa đang cười và lè lưỡi trêu tôi. Tôi cũng phì cười.

Chigusa giục:

– Em nói tiếp đi.

Tôi hớp một ít cà phê nguội rồi kể tiếp.

Ký ức của tôi về vụ bắt cóc bắt đầu từ cái ngày những người tôi không hề quen biết dẫn tôi đến một bến cảng xa lạ. Họ đã dẫn tôi lên tàu đến Okayama, rồi nhét tôi vào một chiếc ô-tô. Và rồi lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi trên tàu cao tốc. Ký ức của tôi về vụ bắt cóc không phải là những gì xảy ra trước ngày hôm đó, mà là ngay chính ngày hôm đó và về sau này.

Từ trên tàu cao tốc, những khung cảnh tôi nhìn thấy qua ô cửa cứ lao đi vùn vụt. Với một cô bé bốn tuổi như tôi, điều này thật hãi hùng, tôi quay mặt đi không dám nhìn ra ngoài thêm lần nào nữa. Khung cảnh bên ngoài lạ lẫm và đáng sợ như chính nơi tôi đang ngồi vậy. Người phụ nữ ngồi cạnh tôi thủ thỉ dịu dàng. Tôi không hé lời nào. Ai đó bế tôi ra khỏi tàu. Những ánh đèn chớp lia lịa làm tôi lóa mắt, tôi tưởng mình sắp chết đến nơi. Lúc đó tôi không hề biết đó là những ánh chớp của máy ảnh. Người phụ nữ đang bế tôi ép mặt tôi vào ngực bà. Không thở được, tôi quay đầu ra ngoài và thấy một đám đông đứng chắn ngay trước mặt cùng hàng loạt ống kính máy ảnh chĩa thẳng vào mình. Tôi hoảng loạn thật sự, cố ngăn mình hét lên.

Tôi không nhớ tuần tự của những sự kiện xảy ra sau đó. Ký ức của tôi như một thước phim bị cắt thành nhiều mảnh rồi chắp vá rời rạc lại với nhau.

Tôi được đưa vào một khách sạn và đón những “người thân” đến nhận mình: đó là một phụ nữ trông như cây bút chì chuốt nhọn, một người đàn ông cao nghều và một bé gái trạc tuổi tôi. Vừa bước vào phòng, người phụ nữ ào đến ôm chầm lấy tôi. Bà không ngớt gọi tôi bằng một cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ. Rồi bà bật khóc. Người đàn ông chỉ đứng nhìn tôi, lóng ngóng không biết làm gì. Đứa bé gái nắm tay người đàn ông nhìn tôi chằm chằm, nhưng khi tôi nhìn nó, nó quay ngoắt đi. Lúc này, người phụ nữ không khóc nữa mà đã gào lên. Nỗi sợ hãi lúc này đã lên đến đỉnh điểm, tôi đứng chết lặng và tè cả ra quần. Ngay lúc nhận ra đứa bé mình đang ôm đã tè ra quần, người phụ nữ bàng hoàng nhìn tôi, rồi lùi ra sau trân trối nhìn vết nhơ trên thảm, ngay dưới chân tôi. Dù hầu hết những ký ức đã mờ nhạt, tôi vẫn nhớ rõ ánh mắt bà lúc ấy, ánh mắt khi người ta hồ hởi vuốt ve một con thú cưng, tưởng là mớ lông tơ mềm mại nhưng lại chạm phải lớp lông thô cứng xù xì. Đó là những biểu hiện tôi đọc được trên gương mặt bà lúc ấy.

Rồi rất nhanh, bà mỉm cười với tôi và gọi người mang quần áo và tã sạch đến. Những người lớn khác vội vã vào phòng. Trong căn phòng đó, trước mặt tất cả mọi người, người phụ nữ đó đã thay quần áo cho tôi. Lúc bà quấn tã cho tôi, tôi xấu hổ không nói nên lời. Tôi không dám thét lên “Cháu không cần tã!”, chỉ biết thin thít chịu đựng sợi dây chun của chiếc tã siết chặt hai chân và hông mình.

Chẳng bao lâu sau, tôi được bảo rằng người phụ nữ đó là Etsuko Akiyama, mẹ đẻ của tôi; người đàn ông tên Takehiro Akiyama là bố tôi; và đứa bé gái tên Marina Akiyama là em gái ruột, nhỏ hơn tôi một tuổi. Tuy vậy, mãi sau này tôi mới có được cảm giác họ là gia đình mình. Thậm chí đến tận bây giờ, cảm giác đó vẫn không rõ ràng.

Chúng tôi ở lại khách sạn thêm vài ngày. Thỉnh thoảng, những người lạ đến vây quanh tôi để đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra sức khỏe tổng quát và hỏi chuyện về cuộc sống của tôi trước đó. Trong suốt những ngày đầu kinh khủng, hai người lớn tự xưng là bố mẹ ruột của tôi đã không ngừng bảo với tôi rằng tôi chính là đứa con thất lạc của họ, rằng tôi bị kẻ xấu bắt cóc khi vừa sinh ra, và rằng đứa bé gái luôn xoe tròn mắt nhìn tôi là em ruột của tôi.

Sau mấy ngày trú ở khách sạn, họ dẫn tôi về sống trong một căn hộ ở Hachioji. Căn hộ nằm ở tầng trên của một tòa nhà hai tầng bằng gỗ, có một phòng ăn liền bếp và hai phòng ngủ trải vừa hai tấm tatami. Cả ba căn phòng lúc nào cũng bừa bộn lộn xộn. Bàn ăn luôn đầy những mảnh vụn bánh mì, chén đĩa bẩn, thư từ, con dấu và đủ các loại sách báo.

Nhìn lại, tôi nhận ra cuộc sống lúc đó của bố mẹ và em gái đã đảo lộn từ khi có sự xuất hiện đột ngột của tôi. Tất nhiên, những giọt nước mắt của mẹ tôi là thật lòng, và cả bố mẹ đều vô cùng hạnh phúc khi tôi trở về trong vòng tay họ, nhưng rõ ràng họ không biết phải cư xử thế nào với “con cừu non lạc bầy” như tôi.

Mẹ vỗ về tôi như tôi vẫn còn là một đứa bé ẵm ngửa, rồi bất ngờ bà lặng thinh, trừng mắt nhìn tôi như đang nhìn một con vật dị thường. Mới phút trước mẹ còn cười âu yếm với tôi, phút sau bà đã quay lưng bật khóc, hoặc gào thét với bố. Tôi không biết làm sao để gần gũi bà. Có lần tôi cố lấy hết can đảm bắt chuyện để mong bà mỉm cười, nhưng bà chẳng ngó ngàng gì đến. Nhưng một lần khác, lúc tôi đang lặng lẽ ngồi xem tivi thì bà đến ngồi cạnh liến thoắng luôn miệng, bà nói nhiều đến nỗi tôi không biết mình nên làm gì. Ngược với mẹ, bố dễ chịu hơn nhiều. Thái độ của ông dành cho tôi lúc nào cũng vậy. Ông luôn ngại ngần khi đến gần con gái như thể tôi là con của một ai đó. Nhưng mà ông hay cười dịu dàng mỗi lần trò chuyện với tôi chứ không run giọng hay lớn tiếng bao giờ. Thế nhưng tôi vẫn còn sợ sệt khi tiếp xúc với đàn ông. Dẫu bố luôn nhẹ nhàng và tốt bụng, nhưng giọng nói trầm trầm, thân hình cao lớn, chắc nịch, những ngón tay to tướng thô ráp của ông với tới người tôi luôn làm tôi sợ hãi. Mỗi lần ông vỗ vào đầu, bế tôi lên hay thậm chí chỉ cần lại gần tôi, tôi liền òa khóc. Sau vài lần thấy con gái sợ hãi, bố đành bỏ cuộc, ông bỏ sang phòng khác.

Thái độ của đứa em gái mới là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự xáo trộn mà tôi đã gây ra cho gia đình Akiyama. Cho dù bố mẹ đã giải thích với Marina (lúc đó được ba tuổi) về sự có mặt của một đứa bé khác trong nhà, nhưng rõ ràng con bé không hiểu chút gì. Marina đã phải chứng kiến bố mẹ mình đối xử đặc biệt với kẻ mới đến, tắm cho nó với sự trìu mến và trò chuyện với nó đầy yêu thương. Con bé không thể không thấy tổn thương. Nó không chịu lại gần tôi mà cứ bám lấy bố mẹ, có khi còn trừng mắt nhìn tôi. Con bé cư xử hoàn toàn đúng kiểu trẻ con. Khi không thấy bố mẹ đâu, nó hét lớn đến nỗi cả căn nhà cũng rung lên theo tiếng khóc của nó.

Hachioji hoàn toàn khác biệt với nơi tôi từng sống trước đây. Không có tiếng rả rích của côn trùng vang trong không gian yên ắng, thanh bình; chỉ có tiếng tivi, tiếng em gái khóc, giọng nói bố mẹ và tiếng khua chén đĩa. Không còn đứa bạn nào chơi cùng, tôi cảm thấy mình bị cô lập trong một lớp màng vô hình. Khi nhìn ra ngoài, tôi không còn thấy cây xanh và bầu trời trong vắt nữa, thay vào đó là những đường dây điện thoại mắc ngang mắc dọc trên bầu trời, hoặc bức tường xám xịt của tòa nhà bên cạnh. Bố mẹ cũng không cho tôi ra ngoài. Tôi bị giam cầm ở đây; tôi đã bị tước mất tất cả mọi thứ trước đó.

Rất nhiều người lạ đến thăm gia đình chúng tôi. Mỗi lần họ đến, tôi đều thấy bầu không khí căng thẳng khắp nhà. Marina và tôi bị tống sang phòng bên cạnh xem tivi, nhưng cả hai vẫn nghe được tiếng nói qua cánh cửa fusuma. Thật khác hẳn với những lúc bà Masae ghé thăm nhà. Khi họ đi khỏi, mẹ lúc nào cũng giận dữ.

Sau khi chuyển đến căn hộ ở Hachioji, có nhiều lúc tôi không hề hé môi. Tôi không biết phải nói gì. Khi bố mẹ trò chuyện với tôi, tôi không thể hiểu những điều họ nói, những câu họ hỏi. Bây giờ nghĩ lại thấy thật kì cục, nhưng lúc đó tôi đã tin là mình bị bắt cóc. Không phải tôi được trả về nhà sau khi bị bắt cóc, mà tôi đang phải ở cùng với những người xấu đã chia cắt tôi với gia đình thật sự của mình.

Lúc đó là lúc nào nhỉ? Ngoài trời rất lạnh, có lẽ đang giữa mùa đông. Tôi đã bỏ trốn. Tôi quyết tìm về nhà, tìm về với mẹ và những cô bác khác trong tiệm mì, tìm về nơi có Yuri và các bạn đang ngóng đợi tôi.

Mẹ bắt tôi và Marina đi ngủ trưa, hai đứa nằm trên chiếc futon không bao giờ được dọn. Mẹ nằm cạnh ru chúng tôi ngủ. Sau khi Marina đã ngủ say, mẹ xoa xoa lưng tôi một lúc rồi cũng thiếp đi. Tôi ngồi dậy, cẩn thận kéo cánh cửa fusuma, rón rén bước qua căn bếp bừa bộn rồi mở cửa ngoài. Ánh mặt trời chiếu vào mắt chói lòa, tôi thấy mọi vật đều trắng xóa.

Tôi chầm chậm leo xuống hết các bậc thang rồi bước đi. Trước mắt tôi là hàng sa số những ngôi nhà xếp thành hàng, ở nơi tôi sống trước đây, nếu cứ đi thẳng tôi sẽ nhìn thấy biển. Và nếu cứ đi theo con đường dọc biển, tôi sẽ tới tiệm mì, tôi sẽ thấy Shin’nosuke và các bạn đang chơi trong sân đậu xe. Nhưng ở đây, dù tôi đi xa đến mấy, những tòa nhà vẫn trải dài vô tận. Chúng đứng sát vào nhau như muốn chắn ngang đường về của tôi. Ô-tô lao vù vù trên đường, bụi mù bay tứ tung. Xe đạp cũng vượt qua mặt tôi. Không có màu xanh, không có những mùi hương ngọt ngào tôi từng quen thuộc. Tôi cứ đi mãi nhưng chẳng thấy biển đâu. Lúc này, chỉ mặc độc một chiếc áo len trên người nên tôi đã nhiễm lạnh. Tôi nhớ lại cái ngày mình ở trên tàu cao tốc, lúc tôi hoảng sợ vì cảnh vật lướt qua quá nhanh. Tôi nghĩ nếu mình không chạy nhanh như thế thì sẽ không bao giờ về nhà được. Thế là tôi ra sức chạy. Tôi chạy, chạy mãi, chạy mãi, và chạy mãi. Ở cuối con đường xa tắp, chắc mẹ đang đợi tôi, vòng tay mẹ mở rộng, mặt biển lấp lánh sau lưng mẹ…

Tất nhiên tôi không thể nào tới nơi được. Tôi kiệt sức, ngồi bệt xuống ven đường cho tới khi một viên cảnh sát đi tới hỏi chuyện. Sau khi tỉnh dậy và thấy tôi đi đâu mất, mẹ đã hoảng loạn gọi cảnh sát nên họ tỏa ra kiểm tra khắp khu này.

Mẹ hét lên giận dữ: “Con đã đi đâu? Sao con dám để mẹ lo lắng như vậy! Con thật xấu xa! Mẹ không có đứa con hư hỏng như con! Con không phải là con của mẹ!”

Mẹ không giữ nổi bình tĩnh, cứ la mắng liên hồi, rồi bỗng dưng ngừng lại thở hổn hển. Sau đó bà ôm tôi vào lòng thật chặt, vuốt ve mái tóc, tấm lưng và hai cánh tay tôi. Bà thì thầm: “Con đừng để mẹ lo lắng thêm lần nữa. Đừng bỏ mẹ. Mẹ gần như phát điên lên. Mẹ không thể sống nổi nếu mất con thêm lần nữa, Erina.”

Con không phải là con của mẹ: những từ ngữ này in sâu trong tâm trí tôi. Đúng vậy, tôi không thuộc về gia đình này. Hãy để tôi về nhà. Nếu lúc đó lớn hơn một chút và biết dùng từ ngữ đề diễn đạt tâm trạng của mình, tôi sẽ nói với họ như vậy. Nhưng khi đó tôi chỉ biết đứng lặng thinh. Tôi thậm chí không biết mình đang nghĩ gì. Những lời thầm thì ngọt ngào của mẹ làm tôi sợ cứng người.

Ngày hôm đó, sau khi trở về căn hộ, cuối cùng tôi cũng hiểu một điều: có lẽ đây chính là gia đình duy nhất của mình.

Chigusa và tôi rời quán khi mặt trời đã đứng bóng. Làn da lạnh ngắt vì ngồi lâu trong phòng lạnh giờ ẩm ướt vì hơi nóng.

Chigusa nhìn tôi hỏi:

– Em ổn không vậy?

Tôi không biết chị lo lắng điều gì, nhưng vẫn trả lời:

– Dĩ nhiên em ổn.

Cả hai đi xuống đồi.

– Chị muốn nghe em kể thêm nữa. Chị đến nhà em nữa được chứ?

– Thì chị tìm gặp em cũng là vì vậy mà.

Cuối con đồi là nhà ga lidabashi. Không hiểu sao tôi lại không muốn chị về, tôi gợi ý:

– Trưa nay chị định ăn gì?

Chigusa quay lại nhìn tôi cười:

– Nhưng chị mới ăn sáng xong mà. Cảm ơn em đã cho chị ở lại tối qua. Gặp em sau nhé.

Chị ôm cuốn sổ và chào tôi một lần nữa trước khi bước đi thắng. Tôi đuổi theo Chigusa.

– Này, chị đang giữ tập tài liệu về vụ bắt cóc phải không? Em mượn mấy hôm ha?

Chị nhìn tôi một lúc rồi mới lấy đưa tôi tập tài liệu nặng trịch.

– Cảm ơn chị. Nhất định em sẽ gửi trả.

Trong một thoáng, Chigusa như sắp khóc đến nơi, nhưng rồi chị nhoẻn cười vẫy tay chào. Tôi cũng vẫy chào. Rồi chị hòa vào đám đông. Tôi có thể cảm nhận được sức nặng của tập tài liệu trên tay mình.

Tôi lau những giọt mồ hôi thi nhau chảy xuống trán và hai bên thái dương rồi quay về căn hộ. Có tiếng ve sầu vang lên trong một bụi cây gần đền thờ trong khu phố, tiếng kêu khô khốc nặng nề. Tôi kiểm tra tin nhắn nhận được lúc ngồi trong quán cà phê. Đúng như tôi nghĩ, đó là tin của Kishida. “Bao giờ chúng ta có thể gặp nhau, Eri? Anh muốn gặp em vô cùng, anh điên lên mất.”

Việc xa nhau không làm anh quên tôi, mà lại làm anh phát điên… Không phải là tôi không muốn gặp Kishida. Tôi muốn chứ. Tôi thật sự muốn ở cùng anh. Tôi muốn cảm nhận những ngón tay anh vuốt tóc mình và cái ôm siết chặt; tôi muốn nghe anh thủ thỉ “Anh yêu em, Erina, anh yêu em hơn bất kì ai khác.” Thế nhưng, điều khiến tôi phát điên không phải vì xa anh, mà là ở gần anh, tiếp tục gặp anh. Tôi sợ mình cũng có kết cục như “người đàn bà đó”, song tôi không biết phải giải thích thế nào với Kishida. Anh không biết tôi từng là tâm điểm của một cuộc điều tra tội phạm nổi tiếng khắp các kênh thông tin trong nước. Anh không biết tôi đã từng là một đứa trẻ bị bắt cóc. Tôi đã tự xoay xở tới giây phút này bằng chính sức mình chứ không nhờ bất kì ai giúp đỡ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.