Bản năng
Chương 2 phần 04
“Mẹ không biết phải làm gì.” Một lần bà nói với tôi. Lúc đó tôi đang học cấp hai. “Mỗi lần nhìn con, mẹ lại nhớ đến người đàn bà đó. Và nghĩ đến bà ta mẹ lại ghét bố con kinh khủng. Tại sao vậy, tại sao lúc nào người chịu đau khổ cũng là mẹ? Mẹ không thể chịu nổi cuộc sống này nữa.”
Rõ ràng mẹ muốn trốn chạy. Người mẹ ruột của tôi đang trốn chạy khỏi căn nhà mà bà vừa mang tôi trở về.
Mỗi lần mẹ ra ngoài, bố thường ngồi ở bàn ăn uống rượu. Thỉnh thoảng, lúc hai chị em đang xem tivi, ông hỏi chúng tôi đã tắm hay làm bài về nhà chưa, như thể ông chợt nhớ ra mình còn có hai đứa con. Nhưng hầu hết mọi lúc, ông đều ngồi đó như tượng đá. Tôi nghĩ bố cũng đang trốn chạy. Điều duy nhất cả bố lẫn mẹ biết làm lúc này là trốn chạy.
Bởi vì không ai dọn dẹp, căn nhà lúc nào cũng nhếch nhác và đầy bụi bẩn. Chưa đầy mười tuổi, tôi đã biết tự mang đệm ra phơi sau mỗi lần tè dầm. Nếu không làm vậy, cả đêm tôi phải ngủ trên chiếc đệm ẩm ướt.
Được đánh thức mỗi sáng, có sẵn điểm tâm; được bạn bè dẫn ra ngoài chơi, cùng nhau cười đùa trong bữa cơm trưa; được mẹ đưa về nhà sau giờ tan học và bữa tối đã dọn sẵn; được mẹ đọc truyện cho nghe đến lúc thiếp ngủ; được sống trong một ngôi nhà luôn tươm tất gọn gàng, bên ngoài rợp bóng cây xanh; được sống ở một nơi mà mọi người luôn mỉm cười chào nhau khi gặp trên đường; và đại dương thẳm xanh chỉ cách vài bước… đó là cuộc đời mà tôi đã đánh mất, cuộc sống của nàng công chúa ở vương quốc xa xôi kia.
Mẹ hiếm khi nào về nhà trước khi hai chị em đã ngủ, nhưng cũng có vài lần bà về sớm. Trong những lần đó, mẹ luôn ở bên tôi. Bà ôm tôi thật chặt, tắm chung, kì cọ khắp người tôi, rồi vào nằm cạnh. “Erina”, bà gọi tên tôi không ngừng. “Con có yêu mẹ không? Mẹ có tốt hơn người đàn bà độc ác đã mang con đi không?” Hoặc đôi lúc bà nói: “Mẹ thật hạnh phúc vì con đã trở về, nhưng con có hạnh phúc như mẹ không?” rồi nức nở. Tôi ghét những lúc nhìn thấy bà khóc. Nó làm tôi có cảm giác mình đã phạm phải một lỗi lầm khủng khiếp.
Năm học lớp năm, tôi có người bạn đầu tiên. Đó là Satomi Manabe. Satomi được nhận vào trường tôi sau khi chuyển đến Tokyo. Hình như Satomi không để ý rằng các bạn học đều biết chuyện quá khứ của tôi, bạn đến bắt chuyện khi thấy tôi đứng một mình. Chính nhờ Satomi, tôi đã hiểu ra được toàn bộ câu chuyện bắt cóc.
Satomi sống trong một ngôi nhà có vườn. Mỗi lần đến đó chơi, mẹ bạn ấy luôn chuẩn bị sẵn thức ăn vặt cho hai đứa, nhiều đến nỗi chúng tôi không tài nào ăn hết. Một Chủ nhật nọ, tôi đến nhà dự sinh nhật Satomi và biết mình là người duy nhất trong lớp được mời. Khung cảnh tại gia đình Satomi lúc này giống như trong một vở kịch tôi vẫn thường xem trên tivi. Bố mẹ, con cái nô đùa, tươi cười với nhau, tất cả những món ăn trong bữa tiệc sinh nhật đều là đồ tự nấu. Tôi vẫn còn nhớ khi đó mình đã rất bối rối, như vừa lạc vào một thế giới khác. Bố Satomi tắt đèn để tất cả cùng xem video. Ông đã nối lại những đoạn phim quay cảnh Satomi từ lúc sinh ra đến giờ để mọi người có thể xem lại quá trình lớn lên của bạn ấy. Lúc ngồi với gia đình Satomi, xem những hình ảnh cô bạn khóc trong bồn tắm, sau đó tập bò, rồi bước những bước đi chập chững đầu tiên trên bãi cỏ xanh ngắt, tôi đột nhiên hiểu hết những gì đã xảy ra trong bốn năm đầu tiên của cuộc đời mình.
“Khi con mới sinh, con đã bị một người vô cùng xấu xa bắt đi,” tôi đã nghe bố mẹ, ông bà nói câu này rất nhiều lần, nhưng đến lúc này, lần đầu tiên trong đời, tôi mới thật sự hiểu câu nói đó nghĩa là gì. Mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng. Tôi đã biết tại sao cuộc đời mình lại trở nên kì lạ như vậy. Tôi không phải là nàng công chúa từ vương quốc xa xôi nọ. Căn hộ bừa bộn tôi đang sống đó chính là nhà tôi. Bố đối xử với tôi như một đứa trẻ xa lạ, mẹ luôn la hét và khóc lóc, những buổi tối vắng nhà triền miên của mẹ – tất cả bắt nguồn từ vụ bắt cóc. Nhưng không, không phải tự nhiên mà vậy, chính người đàn bà mà tôi gần như quên lãng đã gây ra tất cả những điều này – bà đã hủy hoại gia đình tôi. Suốt những năm qua, tôi không thể kết bạn, không bạn học nào chịu bắt cặp với tôi trong lớp thể dục, nhà cửa luôn luôn bừa bộn, cảm giác đau đớn vì nghĩ mình là người có lỗi… tất cả, tất cả những khổ sở tôi đã trải qua đều là lỗi của người đàn bà đó. Tôi không có lỗi.
Lúc ngồi xem video trong căn phòng khách tối om của nhà Satomi, đầu tôi tràn ngập những suy nghĩ bắt đầu bằng từ “nếu”. Nếu không phải vì người đàn bà đó, gia đình chúng tôi sẽ đầm ấm như bao gia đình khác. Nếu không phải vì người đàn bà đó, bố mẹ sẽ hết mực yêu tôi như mọi ông bố bà mẹ yêu con gái mình. Nếu không có người đàn bà đó, các bạn học sẽ không xa lánh tôi. Nếu không có người đàn bà đó… nếu, nếu, nếu.
Lúc đó, tôi cảm thấy thế giới quanh mình đã xoay chuyển hoàn toàn. Người đàn bà xấu xa nhất trên trái đất này. Lần đầu tiên, tôi nhận ra tất cả những điều bố mẹ mình nói đều là sự thật.
Buổi tiệc sinh nhật kết thúc, bố Satomi lái xe chở tôi về nhà. Tôi bước ra khỏi xe và vẫy tay chào Satomi. Chiếc xe vừa rời đi, tôi thấy đau dữ dội trong người. Tôi gập người xuống và nôn ngay tại chỗ tất cả những gì mình đã nuốt vào bụng tối hôm đó. Gà nướng, sushi, bánh kem – tôi đã nôn xuống đường tất cả những món mẹ Satomi kì công chuẩn bị.
Cuối năm học đó, Satomi xa lánh tôi. Tôi nhìn thấy cô bạn nói chuyện và cười đùa với các bạn khác trên đường đi học về. Có lẽ Satomi đã nghe các bạn học kể chuyện về tôi nên không chơi với tôi nữa. Tôi không giận Satomi. Tất cả những giận hờn và thù hận trong tôi đều dành cho “người đàn bà đó”, người đã tước đoạt của tôi một cuộc sống bình thường.
Tôi không thấy kinh đã hai tháng nay. Tháng Chín chờ mãi không thấy, tôi cho rằng vòng kinh của mình không đều, nhưng tháng này cũng vậy, trễ mười ngày rồi. Không thể lờ đi được, tôi phải đối diện với thực tế rằng mình đã tắt kinh.
Tháng Tám, kì nghỉ hè kết thúc, cuộc sống của tôi lại trở về như trước, cuộc sống mà tôi vô cùng chán ghét: mỗi sáng thức dậy đến trường, nghe giảng, từ chối những lời mời tụ tập, sau đó làm việc năm ngày mỗi tuần. Thỉnh thoảng gặp Kishida vào thứ Hai. Anh dẫn tôi đi ăn tối, hoặc cả hai về nhà tôi uống bia. Tôi thật sự lo lắng vì kinh nguyệt của mình. Suốt giờ học, tôi không tiếp thu được gì. Giáo sư kết thúc bài giảng và rời khỏi lớp, các bạn nô đùa cười nói râm ran, còn tôi ngồi lặng thinh, nghĩ ngợi. Chỉ là trễ thôi, ngày mai mình sẽ thấy kinh. Nguyên kì nghỉ hè mình luôn bỏ bữa trưa, có lẽ thiếu chất nên mới vậy… Trong lúc cố luận ra nguyên do, một ý nghĩ ập đến làm tôi lạnh người.
Chiều nay, lúc bước vào lớp, tôi thấy toàn những gương mặt lạ. Cả vị giáo sư cũng lạ nốt. Hình như tiết bốn đã kết thúc và đây là tiết năm. Tôi không biết những sinh viên ngồi đây học năm nhất hay năm hai. Tôi cũng không biết mình vừa bước vào lớp học môn gì. Giảng đường này khá nhỏ nên không thể tự ý đứng lên, tôi đành ngồi tại chỗ, đầu cúi thấp. Giáo sư đang giảng bài bằng tiếng Nhật nhưng tôi không biết ông nói gì. Tôi chỉ biết nhìn ra cửa sổ, ngắm những chiếc lá mới lúc trước còn sáng lên trong nắng, giờ đã chìm trong bóng râm của ánh chiều tà.
Mình phải làm gì nếu thực sự bị tắt kinh? Nếu có “thứ gì đó” đột ngột chui vào bụng mình? Tôi không bao giờ hành động như người đàn bà đó, vì tôi không ngốc như bà ta – ai đã hùng hồn tuyên bố như vậy? Mặt tôi nóng bừng, mồ hôi túa xuống hai má, nhưng trong người run lẩy bẩy.
Buổi học vừa kết thúc, tôi xách cặp lao ra khỏi giảng đường. Nép vào một góc hành lang giữa nhóm sinh viên tụ tập chung quanh, tôi gọi đến quán rượu xin nghỉ một buổi vì bị ốm. Vừa nghe ông chủ bảo “Giữ gìn sức khỏe nhé”, tôi dập máy ngay, rồi dò danh bạ điện thoại bằng những ngón tay run rẩy. Tôi muốn nói chuyện với ai đó. Tôi muốn được ai đó trấn an mình rằng mọi chuyện vẫn ổn. Những cái tên thay phiên nhau nhấp nháy trên màn hình. Bố – không thể nói chuyện này với ông. Mẹ – nào có thân thiết. Marina – phải bắt đầu thế nào? Kishida – biết mở lời ra sao? “Em có một tin tuyệt vời cho anh đây?” Những cái tên xuất hiện dày đặc trên màn hình, đồng nghiệp tại chỗ làm, bạn học – chẳng một ai gần gũi. Chigusa. Chigusa – trong lúc đang tự hỏi mình sẽ nói gì với chị, tay tôi đã tự động nhấn vào nút “Gửi tin nhắn”.
Lúc ngồi cùng nhau trong một quán nướng gần trường đại học, tôi thấy được an ủi vô cùng vì có Chigusa ở cạnh.
– Em có chuyện gì muốn nói với chị? Tin nhắn của em có vẻ nghiêm trọng. Em nhớ thêm được gì hả?
Chigusa mở sổ tay ra. Chị vừa gọi bia và vài xiên thịt nướng. Tôi nhìn cuốn sổ.
Bia được mang đến, tôi uống ngay một ngụm rồi vừa nói vừa cười:
– Hình như em đang có thai.
Tôi thấy ngạc nhiên với chính mình vì có thể cười trong hoàn cảnh như vậy.
– Cái gì? – Chigusa suýt làm đổ ly bia.
Tôi vội trấn an Chigusa vì thấy chị mở to mắt nhìn tôi:
– Em không chắc nữa. Em bị trễ kinh hai tháng rồi. Nhưng có thể nay mai lại có. Kinh nguyệt ở tuổi bọn mình vẫn chưa ổn định mà.
Chị vẫn nhìn tôi sững sờ.
– Chị thấy em giống bà ta quá phải không? Chả máu mủ gì với nhau mà hành động y hệt nhau. – Tôi cười.
Chigusa đặt ly bia của mình xuống bàn. Cuối cùng chị cũng mở miệng:
– Có phải là người chị nhìn thấy ở con hẻm hôm nọ? Người đàn ông trông có vẻ tức giận đó?
Những lời của chị làm tôi đau nhói. Chị nói tiếp:
– Em không được uống bia mới phải chứ?
Tôi vẫn cười, trong khi Chigusa trông cực kì lo lắng.
– Tại sao không? Em cứ uống. Em sẽ uống bao nhiêu tùy ý, miễn là em thích.
Tôi cố tỏ vẻ thản nhiên, nhưng giọng tôi lại quá cay đắng đến nỗi nó khiến tôi rùng mình. Trễ kinh hai tháng không phải là điều quá bất thường, nhưng tôi vẫn cảm giác mình đã mang thai. Một giọng nói bên trong tôi đang cầu nguyện cho cái bào thai đó hãy chết đi.
Giọng Chigusa vô cùng buồn bã:
– Nào, thôi đi. Em không được nói như vậy. Giờ hai chị em mình về nhà em. Trên đường về, mình sẽ ghé hiệu thuốc mua que thử. Chị sẽ đi cùng em, mình cần kiểm tra xem có phải em có thai thật hay không.
Chigusa thì thầm rồi nắm lấy hai tay tôi. Nhân viên phục vụ đặt một đĩa thịt nướng xiên to tướng xuống bàn.
– Ăn một chút gì đã. – Tôi nói rồi cầm lên một xiên thịt. Tôi ép chặt hai khuỷu tay đang run rẩy xuống bàn để Chigusa không thể thấy, rồi cắn một miếng thịt và quay mặt đi. Miếng thịt nhạt nhẽo, vô vị.
Chigusa đề nghị đi tàu điện ngầm, nhưng khi tôi khăng khăng muốn dạo bộ về nhà, chị không phản đối. Chị cầm một túi ni-lông nhỏ xíu đựng que thử thai mua ở hiệu thuốc. Không khí mát lạnh của buổi tối mơn man hai má cộng thêm men bia làm tôi thấy phấn chấn. Chúng tôi thư thả bước cạnh nhau. Đường vắng bóng người, chỉ có ánh đèn pha của những chiếc ô-tô lướt quang qua.
– Lúc nãy em nói gì đó về việc giống hệt người đàn bà đó. Ý em là sao?
– À, chắc em chưa nói với chị. Người đàn ông chị nhìn thấy ở con hẻm hôm nọ là người em đang hẹn hò.
– Anh ta có vợ con rồi. – Tôi đáp lại, giả vờ như đó chẳng phải chuyện gì to tát. Trong bóng tối, tôi có thể nhận thấy Chigusa bối rối nhìn mình rồi quay đi. – Không ngờ em cũng có kết cục giống người đàn bà đó. Chắc chị thấy em ngu ngốc lắm hả. Chính em cũng thấy mình quá ngốc nghếch.
– Vậy là em thật lòng yêu anh ta.
– Em chẳng biết nữa. – Tôi nói. Đó là sự thật. – Có khi nào chị thấy mình quen biết rất nhiều người, trò chuyện với họ mỗi ngày, nhưng thật ra… Chị hiểu em nói gì không? Hàng ngày em gặp gỡ bạn bè ở trường, nhưng em thấy bọn chúng chẳng khác gì những người xa lạ gặp trên tàu điện. Thật khó có thể gặp được một người mà mình có thể thoải mái tâm sự, cười đùa, hỏi han thân tình… ít nhất là em cảm thấy như vậy. Còn khi ở với Kishida, dù mỗi tuần có một ngày được ở bên anh ấy, nhưng em thấy dễ chịu lắm.
– Nhưng chị thì sao? Chị cũng đang ở cùng em mà. Hai chị em mình gặp nhau rất nhiều lần, đúng không? – Giọng Chigusa nghe lo lắng đến nỗi tôi lại bật cười thêm lần nữa.
– Nhưng chị là phụ nữ. Ở bên chị đâu giống với lúc ở bên người yêu.
Chigusa không nói gì, cúi đầu lặng lẽ bước. Phía trước có ánh sáng hắt ra từ một cửa hàng tiện lợi. Tôi vừa định rủ Chigusa ghé vào đó một chút thì chị cất tiếng:
– Chị chưa cùng ai cả. Chị vẫn còn nguyên. – Giọng Chigusa nhẹ bổng và thản nhiên, tôi biết chị cũng đang cố tỏ ra dửng dưng như lúc tôi kể với chị về chuyện Kishida đã có gia đình. – Vậy nên chị thật sự không hiểu. Chị không hiểu cảm giác khi ở bên một người đàn ông, khi yêu một ai đó và gần gũi họ. Chị chẳng biết gì về mấy chuyện đó hết. Nên có lẽ chị không thể hiểu cảm giác của em.
– Ừm. – Tôi khẽ gật.
– Việc lớn lên ở Gia đình Thiên thần, nhất là khi đó không phải sự lựa chọn của mình, nhiều lúc khiến chị rất giận. Chẳng hạn chị chẳng thể quen với trường học, hoặc bị các bạn bắt nạt. Nhưng dù sao mấy chuyện đó cũng qua rồi. Chỉ có một chuyện mà đến bây giờ chị vẫn buồn phiền, đó là chị chẳng thể thích nổi đàn ông. Họ vẫn làm chị sợ. Nếu cứ như thế này mãi, chắc chắn chị sẽ không bao giờ yêu được ai. Đôi lúc, chị thật sự sợ hãi khi nghĩ rằng mình sẽ phải cô đơn cả đời. Vì vậy chị không thể tha thứ cho mẹ chị và chị không ngừng tự hỏi “Tại sao?”, “Tại sao mẹ không cho chị sống một cuộc đời bình thường?” – Chigusa nhìn xuống chân, hình như chị đang đá mấy hòn đá cuội trên đường.
Tôi chợt đề nghị:
– Này, mình vào kia mua thêm bia nhé? – Chigusa trợn mắt hỏi:
– Em muốn uống nữa hả?
Hai chị em ngồi uống bia trên một chiếc ghế đá trong công viên. “Lạnh quá” “Tối nữa” “Sao không về nhà em mà uống?” Đầu tiên Chigusa than vãn, nhưng cuối cùng chị vẫn ngồi cạnh tôi với một lon bia trong tay. Những cột đèn tỏa bóng xuống đường tạo thành dãy khối vuông lờ mờ. Tàn cây che mất ánh đèn đường, công viên tối đen. Tôi nhìn thấy tấm bạt nhựa màu xanh giữa mấy bụi cây. Hình như có người sống ở đó.
– Em không muốn về nhà à? Em sợ phải thử thai, đúng không?
Chigusa nói đúng. Tôi biết nhưng không đáp lại. Không khí lạnh lẽo buổi tối làm bia mất đi vị ngon. Nhưng tôi vẫn không ngừng nốc bia.
Tôi xoay tròn lon bia trong tay:
– Chị nghĩ gì khi lần đầu tiên nghe kể về những con ve sầu?
Chigusa nhìn tôi. Tôi hỏi tiếp:
– Chị có sốc không khi biết rằng những con ve sầu phải sống dưới lòng đất chừng ấy năm, để rồi chết ngay sau khi chui ra khỏi mặt đất?
– Em nói cụ thể xem nào.
– Bọn chúng chỉ sống được khoảng ba hoặc bảy ngày, em không nhớ chính xác. Khi còn bé, em thấy như vậy thật bất công, tại sao sau bao nhiêu năm chờ đợi trong lòng đất, đến lúc thoát khỏi, chúng chỉ được sống có vài ngày?
Tôi ngước mắt nhìn bức tường tối, bóng cây che khuất tầm nhìn. Vài tháng trước, mỗi lần tôi đạp xe qua công viên này, bầu không khí mùa hè như rung lên vì tiếng ve sầu. Có lúc tôi dừng lại, ngước mắt lên những ngọn cây nghiêng nghiêng dưới ánh mặt trời để tìm những con ve sầu. Bọn chúng chắc chắn đang ở đâu đó, nhưng hiếm khi nào tôi thấy được dù chỉ một con.
– Còn bây giờ, khi đã lớn, em thấy như vậy hóa ra lại tốt. Bởi vì đó là kết cục chung của tất cả bọn chúng. Những con ve sầu sẽ không còn ngừng tự hỏi sao chúng phải chết quá sớm. Nhưng sẽ thế nào nếu vẫn còn một con sống sót sau bảy ngày? Con ve sầu đơn độc này sẽ ra sao khi đồng loại của mình đều đã ra đi?
Lon bia vẫn còn một phần ba; tôi dốc ngược nó xuống. Có tiếng xèo xèo trên mặt đất.
– Sống vậy thì buồn đau biết bao.
Chigusa không nói một lời. Tôi lại ngẩng nhìn những tàn cây chìm trong bóng tối. Có lẽ trên đó vẫn còn một con ve sầu, nó vẫn sống và đang bám vào vỏ một thân cây. Nó vẫn kêu nhưng tiếng kêu quá nhỏ và lẻ loi nên chẳng ai hay nó vẫn còn đó.
Chigusa nói khẽ;
– Mình về thôi.
Tôi cố lấy giọng tỉnh rụi:
– Em phải đi vệ sinh. Và sẵn tiện, em sẽ kiểm tra luôn.
– Sao? Ở đây luôn á? – Giọng chị đầy lo lắng.
– Bây giờ em say quá rồi, nên ra sao thì ra, chứ về nhà, em sợ mình tỉnh lại thì không biết làm thế nào.
Chigusa lấy ra chiếc hộp giấy thuôn dài, cầm tờ hướng dẫn đưa ra phía ánh sáng và đọc.
– Hướng dẫn bảo em phải tiểu vào cái này nè.
Tôi lấy hộp nhựa từ tay Chigusa rồi vào phòng vệ sinh. Nhà vệ sinh nằm trong góc công viên, nó sáng bật lên giữa đêm tối, trông như một chiếc đĩa bay vừa đáp xuống. Tôi ngồi tiểu trong căn phòng bốc mùi, nhìn những hình vẽ bằng sơn đầy trên tường, bỗng thấy những gì mình đang làm thật lố bịch.
Lúc ra ngoài với que thử thai vẫn đang nhỏ nước tiểu, tôi bật cười. Chigusa xuất hiện ngay bên cạnh tôi với vẻ mặt lo lắng.
– Em phải đợi năm phút. Nếu không có gì hiện lên ở khung này thì không sao cả.
Chigusa đẩy tôi đến chỗ cột đèn. Cả hai im lặng nhìn chằm chặp vào que thử. Không biết lúc này trông mình thế nào nhỉ, đứng ở một nơi như thế này đợi chờ xem mình có thai hay không, tôi tự hỏi. Đến khi một đường màu xanh từ từ hiện lên thì bao sợ hãi hay lo lắng bỗng nhiên biến đi, tôi chấp nhận sự thật như là nó phải vậy.
Sau đám tang bố, Kiwako trở lại Tokyo một thời gian. Tháng 10 năm 1984, cô thuê căn hộ mới phòng ở Eifuku, Suginami, nơi Takehiro từng sống. Bố Kiwako để lại nhà cửa, đất đai cho em gái, còn Kiwako được thừa hưởng tiền tiết kiệm và tiền bảo hiểm nhân thọ.
Takehiro không được cô thông báo về địa chỉ hoặc số điện thoại mới nên anh cho rằng mối quan hệ của hai người đã chấm hết. Trong tháng Hai, Kiwako đã vài lần tìm đến căn hộ của gia đình Akiyama ở Hino.
Ngày 3 tháng 2 năm 1985, Kiwako đã lẻn vào nhà họ.
“Lúc đầu tôi chỉ muốn kiểm tra xem cô ấy có thực sự sinh con hay không. Khi biết chỗ ở mới của họ, tôi không sao ngăn mình không quay lại đó. Tôi muốn biết đứa bé là trai hay gái, tôi muốn nhìn nó kĩ hơn. Sau vài lần quan sát, tôi biết ông Akiyama thường rời nhà lúc 8 giờ 10 phút và được vợ chở đến nhà ga. Họ không bao giờ khóa cửa. Tôi rất ngạc nhiên vì họ không bao giờ bế con theo. Tôi không hiểu tại sao người đàn bà luôn gọi tôi là con khốn đó lại có thể để đứa con bé bỏng của mình ở nhà một mình như vậy,” Kiwako khai trong phiên tòa xét xử.
Nhưng cô khăng khăng mình không có ý định bắt cóc đứa bé. “Tôi chỉ muốn nhìn nó. Không phải từ một khoáng cách xa mà là thật gần.”
“Lúc bước vào nhà họ, hai chân tôi run cầm cập. Tôi biết điều mình đang làm là phạm pháp. Khi nhìn thấy những thứ tạo nên cuộc sống gia đình của họ, tôi đã hoảng loạn. Tôi không thể nghĩ thông suốt. Lúc đó tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng khóc của đứa bé, tôi bèn bước vào phòng. Tôi bế nó lên, và tất cả mọi chuyện là như vậy.”
Kiwako phản bác lời cáo buộc rằng cô là thủ phạm gây nên trận hỏa hoạn. “Tôi không hề có ý định đốt nhà họ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến đứa bé,” cô khẳng định. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn là tiêu điểm của phiên tòa nên luật sư bên nguyên liên tục chất vấn Kiwako rằng có phải cô ta vẫn có mong muốn (dù vô thức) trả thù. Tới ngày thứ tám của phiên tòa, cuối cùng Kiwako cũng thừa nhận: “Có lẽ vậy.” Lời thú nhận này ngược với những gì cô đã khai trước đó. Mặc dù nhóm luật sư biện hộ luôn nêu lên quan điểm “Chiếc máy sưởi đang bật khi đó chắc chắn đã vô tình bị ngã, làm chiếc đệm ở trên sàn hoặc tấm màn bắt lửa” nhưng sau khi Kiwako thú nhận: “Chắc là tôi đã vấp phải máy sưởi và đá nó ngã,” họ không còn khẳng định rằng vụ hỏa hoạn hoàn toàn là tai nạn.
Có lẽ, ngay tối hôm đó, Kiwako đã mang đứa bé đến ở nhờ nhà một người bạn thời đại học. Cô bạn tên A cho biết sẽ không giúp Kiwako nếu biết bạn mình phạm tội. “Cô ấy bảo với tôi người đàn ông đang sống cùng mình có những hành động bạo lực, vì vậy cô ấy đã bỏ trốn cùng đứa bé. Tôi đã tin như vậy. Đứa bé có vẻ rất quấn quýt cô ấy, Kiwako cũng nâng niu nó vô cùng, nên chẳng có lý do gì tôi lại nghi ngờ câu chuyện của bạn mình.”
Thông qua lời khai của A, những tình tiết mới của vụ bắt cóc đã được đưa ra ánh sáng, cho dù Kiwako và hai vợ chồng Akiyama không hề khai lời nào, ví dụ như chi tiết về mối quan hệ giữa Takehiro Akiyama và Kiwako, hoặc chuyện Etsuko Akiyama đã không ngừng nhục mạ tình địch.
Cô A từ chối mọi lời mời phỏng vấn cho đến khi bản án dành cho Kiwako được công bố. Cô đồng ý trả lời phỏng vấn của một tờ tạp chí. “Sau khi sinh con gái, tôi thường rủ Kiwako đến nhà. Cô ấy giúp tôi giữ con hoặc thay tã. Tôi nghĩ chính điều này đã khiến Kiwako mong mỏi có con. Nếu tôi có cơ hội gặp lại cô ấy, tôi muốn nói với Kiwako rằng tôi thật sự tiếc cho cô.” Đó là lời bình luận của cô A về hành động của bạn.
Sau khi trú lại nhà bạn trong sáu ngày, Kiwako hủy hợp đồng nhà ở Eifuku và chuyển đến Nagoya. Tại đây, cô trú tại nhà một người đàn bà lạ. Đây là người đã nhất quyết không chịu rời khỏi khu nhà giải tỏa sau đợt sốt đất của những năm đầu 1980.
Ẩn mình ngoài rìa xã hội có thể là một nhân tố giúp Kiwako trốn thoát đến Nagoya và thoát thêm bốn năm sau đó.
Sau khi tiễn chồng đi làm, Etsuko Akiyama ghé vào một cửa hàng tiện lợi. Khi trở về nhà, cô phát hiện khói đang tỏa ra từ căn hộ của mình. Trong lúc đó, xe cứu hỏa do một người hàng xóm gọi đã đến dập lửa. Nhân viên cứu hóa đã dập tắt được đám cháy, tránh những thiệt hại nặng nề cho khu nhà. Tuy nhiên, đứa bé đã biến mất. Trong cơn hoảng loạn, Etsuko gọi điện cho chồng. Lúc này, Etsuko đang nghĩ đến một người đàn ông, người có thể đã bắt cóc con gái cô ta.
Etsuko luôn tỏ ra muộn phiền sau khi chuyển đến Eifuki. Chồng cô thường về muộn, có lúc không về, hơn nữa cô chẳng có bạn hay họ hàng ở đây. Hi vọng một công việc mới sẽ giúp mình kết bạn, cô vào làm việc bán thời gian cho một siêu thị gần nhà. Ở đó, cô đã gặp ông B và cô đã ngoại tình với người này. Với Etsuko, mối quan hệ mới chỉ đơn giản là một cách để cuộc sống bớt buồn tẻ. Khi biết mình mang thai, cô nghỉ việc và đề nghị chia tay với B. Không những không đồng ý, ông B còn cảnh báo: “Rồi cô sẽ còn gặp lại tôi.” Một lý do khác khiến Etsuko quyết định chuyển đến Hino đó là cô sợ B trả thù, bởi vì B tỏ thái độ khá đáng sợ khi Etsuko để nghị chấm dứt mối quan hệ.
Khi biết con mình đã bị bắt cóc, Etsuko nghĩ ngay đến B. Cô tin chắc đây là điều ông ta đã ám chỉ khi hai người chia tay nhau, nên cảnh sát bắt đầu vào cuộc.
Không may, ông B đã chuyển chỗ ở và không ai biết địa chỉ mới. Ông B đã chuyển đi cùng một phụ nữ gặp ở khu giải trí, cảnh sát phải mất một thời gian dài mới lần ra dấu vết. Lúc này, Takehiro Akiyama không hề hé môi với cảnh sát về mối quan hệ với Kiwako nên đội điều tra xem B là nghi can số một. Đồng thời, Etsuko cũng cam đoan rằng B là thủ phạm. Cái tên Kiwako lúc này chưa xuất hiện trong hồ sơ điều tra.
Vào ngày thứ tám của cuộc điều tra, cuối cùng cảnh sát cũng tìm thấy B và bắt ông ta về thẩm vấn. Từ khi rời quê nhà ở Gifu để chuyến đến Tokyo vào năm mười tám tuổi, B đã sống một cuộc đời bê bối, ông ta chỉ làm việc sau khi đã nhẵn tiền, thỉnh thoảng còn nhờ người tình chu cấp cho mình, về mối quan hệ với Etsuko, ông ta nói: “Tôi qua lại với cô ta vì cô ta bao tôi ăn tối. Tôi không muốn cắt đứt vì tôi nghĩ nếu tiếp tục quan hệ, mình có thể moi thêm tiền từ cô ấy.” Và như vậy, B nhanh chóng bị loại khỏi danh sách tình nghi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.