Bản năng

Chương 2 phần 05



– Em ăn gì cứ gọi nhé. – Kishida nói, mặt anh khuất sau tờ thực đơn. – Lâu rồi mình không ăn tối cùng nhau. Em chọn đi, gọi món gì ngon nhất ấy, bò hoặc bít tết. Thấy tôi không nói gì, anh ra hiệu phục vụ đến và gọi món cho cả hai.

Nhà hàng nướng Hàn Quốc đông nghẹt các gia đình và những nhóm thanh niên trẻ. Căn phòng rộng rộn rã tiếng cười.

Tôi nhìn vào lò nướng nóng hổi:

– Em có chuyện muốn nói với anh.

– Ăn thôi em. Nâng ly với anh nào!

Kishida nốc một hơi hết một phần ba ly. Tôi mỉm cười lặp lại:

– Em có chuyện muốn nói với anh.

– Chuyện gì em? Có gì không ổn à? – Kishida vừa nói vừa với tay lấy hai đôi đũa, đưa tôi một đôi, rồi rưới xốt lên đĩa.

Anh đang sợ, tôi nghĩ. Anh đang sợ nghe tin xấu từ người tình kém mình mười tuổi. Tự nhiên tôi cảm thấy tội nghiệp anh. Tôi nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp anh đã làm cho mình. Tôi không nên làm anh sợ hãi. Tôi không nên gây rắc rối cho anh, hoặc đặt anh vào tình thế khó xử. Tôi mỉm cười, nói nhanh, ra vẻ mình đang tập trung ăn:

– Nếu em có thai thì sao?

– Hả? – Kishida há hốc, anh sựng lại ngay lập tức.

– Em bảo nếu. Nếu em có thai, anh sẽ làm gì?

– Nhưng em vẫn còn đi học. Hơn nữa…

– Tất nhiên em vẫn còn đi học, nhưng có phải học tiểu học đâu, anh biết mà – Tôi đùa, nhưng Kishida không cười. Phản ứng tự nhiên, tôi nghĩ. – Anh bảo em giữ lại hay phá đi?

Kishida định nói gì đó, nhưng im lặng vì người phục vụ vừa đi đến. Anh gắp thịt bò từ trong chiếc đĩa lớn giữa hai người, trải nó lên lò nướng với vẻ cẩn thận cao độ.

– Tất nhiên anh muốn em giữ nó, nhưng thật sự bây giờ thì không tốt lắm. Em cũng thấy vậy mà, phải không? Em còn có tương lai, và anh còn nhiều chuyện phải lo. Anh không thể ly hôn ngay ngày mai hay ngày mốt, nếu đó là điều em muốn anh làm bây giờ… – Anh hạ giọng. Lò nướng bốc khói. Một tràng cười lớn vọng sang từ bàn của vài cô gái trẻ. Kishida nhìn tôi, mặt anh trầm lại.

– Ồ, vậy tương lai thì em có thể mang thai.

– Tất nhiên là em có thể. Anh muốn sống với em, Eri. Sau khi em tốt nghiệp, con anh lớn hơn một chút, anh sẽ giải quyết mọi chuyện. Anh đã nói với em nhiều lần rồi mà.

– Miếng này chín rồi nè. Anh gắp ra đi, nhanh lên, không thì nó khét mất.

Kishida yên lặng gắp miếng thịt. Anh nuốt ực rồi nhìn tôi.

– Em có thai thật à?

– Không, em chỉ nói là nếu. Bạn học em bị trễ kinh. Em hứa đi cùng cô ấy đến bệnh viện. Thế là em liên tưởng đến mình.

Tôi lật miếng thịt sang mặt kia và liếc nhìn Kishida. Mặt anh dãn ra.

– Đừng có làm anh sợ như vậy! Thịt bò chín tới rồi nè. – Anh nói rồi gắp một miếng cho vào đĩa của tôi.

Món ăn được dọn ra liên tục. Kim chi, rau sanchu, bít tết và lòng bò. Không khí trở lại bình thường. Anh kể tôi nghe những chuyện mới nhất về đồng nghiệp cùng những trò tinh nghịch của bọn trẻ ở trường luyện thi. Còn tôi kể anh nghe chuyện trường mình hoặc những vị khách kì lạ ở quán rượu. Mỗi lần thịt chín tới, Kishida lại gắp vào đĩa cho tôi. Tôi tưởng cả hai sẽ không thể ăn hết mọi thứ, vậy mà không còn sót lại miếng nào.

Kishida trải tờ thực đơn khổng lồ lên bàn:

– Em muốn ăn cơm không?

Nhưng tôi không trả lời, chỉ cười và nói khẽ:

– Em sẽ không gặp anh nữa.

Kishida nhìn sững tôi.

– Vậy nên đừng gọi cho em nữa, được không? – Tôi nói thêm.

– Ý em là sao, không gặp em nữa là sao? Anh nói gì làm em giận à?

– Em no lắm rồi, em không muốn ăn thêm cơm. Đây là lần cuối chúng ta gặp nhau. Anh đãi em bữa này, nhé?

Tôi đứng lên rồi bỏ ra ngoài, vẫn nghe tiếng anh gọi với theo: “Này, đợi anh một chút!” Sực nhớ mình còn một điều chưa nói với anh, tôi quay trở lại.

– Cảm ơn vì tất cả những gì anh đã làm cho em. Em thật sự rất biết ơn.

Tôi cúi đầu rồi đi thẳng. Lờ đi tiếng anh gọi: “Đợi anh một chút!”, tôi rời khỏi nhà hàng đi thẳng đến ga. Trên đường đi, tôi tắt luôn điện thoại.

Anh tặng tôi quà sinh nhật. Anh dẫn tôi đi xem pháo hoa. Đêm Giáng sinh, anh giúp tôi trang hoàng nhà cửa, cả hai tổ chức một bữa tiệc nhỏ chỉ có hai người. Anh là người đầu tiên gửi tôi tin nhắn chúc mừng năm mới. Chúng tôi đi ngắm hoa anh đào nở cùng nhau. Anh đã cho tôi cảm giác vui vẻ khi có người cùng mình ăn tối. Anh bảo anh yêu tôi. Anh không bao giờ hỏi tới nếu tôi không muốn trả lời. Anh không để tâm đến quá khứ của tôi. Nhờ có anh, tôi đã hiểu cảm giác yêu thương một người. Nhờ có anh, tôi đã hiểu cảm giác khi mình thật sự muốn ở bên cạnh một người nào đó.

Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thôi gặp anh, có thể kết thúc cuộc tình này. Nhưng tôi đã làm được. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại Kishida nữa. Tôi chắc mình có thể ngăn được nỗi mong muốn được gần gũi anh. Dù sao, tôi không còn cô độc nữa. Tôi không còn là tôi của trước kia.

Một tuần trước, tôi đã lên chuyến tàu với lộ trình xa lạ, bước xuống một sân ga mà mình chưa từng đến bao giờ, đi dọc khu phố lạ lẫm cho tới khi dừng lại trước một phòng khám phụ khoa. Các bác sĩ và y tá ờ đó đều lớn tuổi. “Cháu đã có thai rồi, cô gái trẻ,” ông bác sĩ già mỉm cười dịu dàng thông báo. “Vào ngày đứa bé ra đời, cây lá sẽ xanh tươi.”

Tôi đã định bỏ nó. Mọi thứ lúc này đều không thể. Đứa bé sẽ không có bố, tôi không thể thông báo với bố mẹ, hơn nữa tôi vẫn còn là sinh viên với thu nhập không ổn định. Tôi không muốn mang rắc rối đến cho Kishida, tôi định mượn anh tiền phá thai. Nhưng ngay giây phút bác sĩ bảo rằng đứa bé sẽ ra đời vào mùa cây xanh lá, tôi đã thay đổi ý định. Đứa bé trong bụng là một con người khác, không phải là mình, tôi nghĩ. Nó có quyền được mở mắt và ngắm nhìn những chiếc lá biếc xanh kia.

Lúc này, khi đi đến nhà ga, tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Một cảm giác mà tôi chưa từng có trước đây.

Tràn ngập trong tôi là một niềm tin tuyệt đối rằng từ bây giờ, tôi không còn đơn độc nữa. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều so với suốt mùa hè vừa qua, khi cố gắng quên Kishida bằng cách không gặp anh. Tôi đã có đủ sức mạnh để cắt đứt cuộc tình. Chắc chắn mình có thể, tôi nghĩ khi vừa thoáng thấy bóng dáng nhà ga.

Tôi quay lại, nhìn về hướng nhà hàng Hàn Quốc xa tầm mắt. Thật nhẹ nhõm khi không thấy Kishida trong đám đông phía sau. Tôi chạy ào xuống bậc thang hướng về nhà ga.

Chigusa dồn mấy tờ tạp chí và đĩa CD nằm rải rác trên sàn nhà vào một góc, rồi trải những tờ bướm quảng cáo vừa lấy từ túi xách ra.

– Em không định sinh tại nhà, đúng không? Và em cũng không định sinh ở những phòng khám cao cấp, đúng không? Em có thể chọn sinh thường hay sinh không đau. Dù là kiểu gì thì cũng nên sinh ở bệnh viện gần nhà. Khi trở dạ sẽ rất đau, em không nên đi xa. Chị đã nghiên cứu và thấy có ba trung tâm này là ổn nhất nè. – Chigusa liến thoắng rồi chia chồng giấy thành từng phần. – Theo như những phản hồi trên mạng thì y tá ở trung tâm này rất nghiêm khắc. Họ sẽ bắt em ngồi dậy và đi bộ vào ngày trở dạ. Nhưng em vẫn còn trẻ, em sẽ ổn thôi.

Tôi đứng ở ngưỡng cửa giữa phòng sinh hoạt và nhà bếp, nhìn Chigusa phân loại, sắp xếp những tờ bướm.

– Chị biết em không dám nói với bố mẹ, nhưng em cần tiền, em không thể chần chờ mãi được. Mà em đã quyết định sinh con rồi thì bố mẹ cũng không cản đâu.

Không hiểu sao tôi phì cười. Chigusa thực tế hơn tôi nhiều về việc mang thai.

Chigusa nhăn mặt:

– Em cười gì chứ?

– Chị muốn ăn gì? Mì xào được không? Hoặc rau xào ăn với cơm. Hai món cũng như nhau thôi nhỉ.

– Đừng lo, chị sẽ nấu cho. Em đang mang thai mà, em cứ ngồi nghỉ đi.

Cuối cùng tôi cũng thốt lên:

– Chigusa, trông chị bây giờ giống hệt như một bà mẹ chồng, kiểu kiểu vậy.

– Trong lúc chị nấu ăn thì em nhớ xem mấy tờ bướm này. – Chigusa nói rồi đi ngang qua tôi để vào nhà bếp. Chị mở tủ, lấy túi rau ra. Sau đó, làm ra vẻ tự nhiên, chị hỏi: – Em đổi số điện thoại có phải vì muốn chia tay với anh ta không?

– Đúng rồi. – Tôi ngồi xuống, nhặt lên một vài tờ bướm.

– Nhưng dù sao anh ta cũng hơn em nhiều tuổi. Anh ta có thể giúp em mà. Ví dụ tiền, hoặc những thứ khác?

– Hết cơ hội rồi. Anh ta sẽ không quay lại đây nữa. Anh ta là kiểu người luôn tránh xa rắc rối mà.

Chigusa nhìn tôi, khuôn mặt chị lộ vẻ bàng hoàng. Chị đang cầm một nửa bắp cải trên tay và nhìn thẳng tôi. “Tránh xa rắc rối? Làm sao em có thể yêu một người như vậy? Không, nói đúng hơn là sao em yêu anh ta khi biết đó là một người tồi tệ đến vậy?”

Tôi nhìn Chigusa. Mắt tôi trĩu nặng, tôi phải chớp vài lần. Ra là vậy. Bây giờ thì tôi đã hiểu chính xác lý do tại sao mình yêu Kishida. Đó là bởi vì anh ta là kiểu người luôn lảng tránh rắc rối. Giống hệt bố mẹ tôi.

– Đó là kiểu đàn ông phụ nữ thích mà chị, chắc vì vậy mà vợ anh ta cũng yêu anh ta.

– Trời ạ, sao em có thể thản nhiên đến thế. – Chigusa lắc đầu ngán ngẩm, rồi vào bếp. Sau một lúc, tôi nghe tiếng dao thình thịch nện vào thớt. Tôi thấy lo lắng, rõ ràng Chigusa không thạo việc nấu nướng.

– Em có bị ói vào buổi sáng không?

– Chưa.

– Tới tháng Giêng thì cái thai đã ổn định rồi ha?

Không hiểu chị muốn ám chỉ gì, tôi trả lời:

– Vâng, có lẽ vậy.

Cầm con dao trong tay, Chigusa xoay người lại nhìn tôi.

– Khi thai đã ổn định rồi, chúng ta đi chơi nhé. Đi tìm hiểu vài thứ.

– Ý chị là sao? Đi đâu?

– Trở về Gia đình thiên thần và hòn đảo nơi em từng sống. Em không muốn quay lại sao? Có thể về đó em sẽ nhớ lại chuyện cũ.

– Chị cẩn thận con dao kìa. – Tôi nhắc Chigusa rồi dẹp những tờ bướm sang một bên và nằm xuống sàn. – Em không đi đâu. Em không có tiền, mà em cũng không muốn quay lại mấy chỗ đó.

– Ờ.

Chigusa từ bỏ ý định sớm hơn tôi nghĩ, chị quay lại với công việc thái bắp cải vụng về. Tôi bật dậy, ra mở cửa sổ rồi lại nằm xuống. Từ chỗ nằm, tôi có thể nhìn thấy bầu trời đêm. Ánh sáng từ đâu đó đang soi rọi bầu trời. Những sợi dây điện thoại giăng ngang giăng dọc chia nó ra làm nhiều phần.

– Chigusa. – Tôi gọi, mắt vẫn hướng về cửa sổ. – Sao chị tốt với em quá vậy?

Chigusa hỏi lớn từ trong bếp:

– Gì? Em vừa nói gì?

– Em hỏi là sao chị tốt với em quá vậy? Có phải vì em là đối tượng nghiên cứu của chị? Hay vì chị cảm thấy có lỗi khi cứ lần quẩn quanh em để tìm thông tin cho cuốn sách?

– Ối trời ơi, nóng quá! – Mình đang làm gì vậy nè? Khói trắng bốc lên từ bếp ga. Tôi chạy ngay vào bếp. Chigusa mở lửa quá lớn trong khi lại để chảo không.

– Chị đặt chảo lên bếp sớm quá. – Tôi vội tắt bếp và bật quạt hút. – Để em nấu cho. Chị ra xem tivi đi. – Tôi nói rồi giằng lấy con dao bếp, sau đó thái cà rốt thành từng lát mỏng.

Cho tới khi cả hai dùng xong bữa tối và cùng nhau rửa chén, Chigusa mới đột ngột nói:

– Chị không biết có phải mình tốt với em hay không nữa. Chỉ là chị muốn gặp em. Giống như chị đang bị giam cầm ở một chốn, giờ chị muốn trốn đi đâu đó. – Hai tay chị đầy nước rửa chén. Lúc đầu tôi không biết chị nói gì nhưng rồi tôi cũng hiểu.

– Tức là chị muốn trốn khỏi nơi nào?

Chuyền cho tôi một chiếc đĩa ướt, Chigusa trả lời:

– Chị muốn trốn khỏi quá khứ của mình. Có thể nói chị đang lợi dụng em. Nếu ở một mình, chị không bao giờ thoát khỏi được, nhưng khi đi cùng em, chị có cảm giác mình có thể. Thực tình là ngay lần đầu gặp em, chị đã cảm thấy như vậy. Chị nghĩ “Đi với cô gái này, mình có thể thoát khỏi quá khứ. Mình có thể từ bỏ tất cả những gánh nặng đã theo mình bấy lâu nay.” Và cứ mỗi lần gặp em, chị lại càng tin như vậy.

– Ừm. – Tôi trả lời hờ hững, cố làm ra vẻ không để ý đến câu chuyện của chị và chú tâm lau chén đĩa. Tôi hiểu rõ chị muốn nói gì, nhưng tôi cũng biết chị sẽ không thể làm được. Bởi vì tôi cũng không làm được, tôi chưa bao giờ có thể thoát khỏi quá khứ của mình. Chị ở bên tôi bao lâu cũng vô ích. Nhưng tôi đã quá thích Chigusa, tôi thích giữ chị ở bên mình đến nỗi không dám nói điều đó cùng chị.

– Em có biết chuyện này không? – Chị hỏi lúc đưa tôi chiếc đĩa cuối cùng rồi tắt vòi nước. Đây không hẳn là một câu hỏi, có vẻ Chigusa đang nói với chính mình. – Tất cả những phụ nữ ở Gia đình thiên thần đều từng phá thai hoặc sẩy thai.

Tôi lau xong cái đĩa cuối, úp vào tủ và lấy gói cà phê hòa tan ra.

– Thì sao? – Tôi hỏi.

Tôi đã đọc được điều này trong sách và các tài liệu của Chigusa. Nhưng với tôi, chúng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Có khác biệt gì đâu giữa việc cái tổ chức mà tôi không còn nhớ gì về nó là một hội những phụ nữ hiếm muộn hay là một nhóm tôn giáo kì dị?

– Thì sao… – Chigusa nhìn bình cà phê trong tay tôi, chị cười khẽ. – Ừ, thật sự chẳng sao cả. – Chị nói rồi đổ đầy nước vào ấm, sau đó đặt lên bếp. Tôi trút cà phê vào cốc. Đây là cặp cốc đôi mà tôi và Kishida đã dùng.

Cuộc điều tra tiến triển tương đối chậm nên Kiwako thoát được khá xa. Dựa theo lời khai của cô, cảnh sát bắt đầu truy tìm tung tích của Tomiko Nakamura, người đã cho Kiwako trú lại nhà trong chín ngày. Bà Nakamura vừa là nhân chứng về quá trình trốn tránh pháp luật của Kiwako, đồng thời vừa là tình nghi vì bao che tội phạm. Nhưng bà Nakamura đã qua đời ở một viện dưỡng lão tại Kawasaki vào tháng 9 năm 1987, một năm trước khi Kiwako bị bắt.

Sau khi rời nhà Nakamura, Kiwako lên chiếc xe tải bán hàng về Gia đình Thiên thần, nơi cô đã sống hai năm rưỡi sau đó.

Gia đình Thiên thần là một cộng đồng dân cư ở thị trấn Ikoma, Nara. Gần như không ai biết về nơi này cho tới khi Kiwako trốn khỏi đó vào năm 1987. Vào thời điểm Kiwako bỏ trốn khỏi đây, những báo cáo về việc lừa gạt và giam giữ trẻ vị thành niên của Gia đình xuất hiện liên tục trên các kênh truyền thông đại chúng, nhưng chính sự bỏ trốn của Kiwako mới là nhân tố khiến cái tên “Gia đình Thiên thần” trở nên nổi tiếng.

Khởi nguồn của Gia đình Thiên thần là một nhà thờ có tên gọi “Ngôi nhà của những Thiên thần”, thành lập năm 1945 bởi Mitsu Hasegawa, một người đến từ Ikoma. Khi đó, bà Mitsu, ba mươi bảy tuổi, con gái một người nông dân, đã bất ngờ tuyên bố: “Tôi là thiên thần được Chúa trời gửi đến”. Bà bắt đầu truyền bá những bài giảng trong Kinh thánh cho những người sống chung quanh, khẳng định rằng những thiên thần tồn tại giữa thế giới này là thực thể trung gian giữa Chúa trời và con người. Thiên thần có nhiệm vụ giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, hướng họ đến con đường đúng đắn. Một năm sau đó, với câu khẩu hiệu “Cứu giúp phụ nữ”, Mitsu đã dựng nên một cộng đồng dành cho những phụ nữ không chốn dung thân, mất chồng hoặc con cái trong chiến tranh. “Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, nghĩa là phải từ bỏ những gánh nặng bên mình”, Mitsu nói với những người ủng hộ mình, số lượng thành viên ngày càng tăng, hầu hết đến từ tỉnh Kansai. Một người trong số họ đã quyên tặng mảnh đất để xây trung tâm mới. Sau thời điểm huy hoàng vào giữa những năm 1950, số lượng những người tin vào tổ chức này bắt đầu giảm dần.

Năm 1948, bà Mitsu nhận nuôi một đứa bé gái là con của một thành viên trong tổ chức. Đó là Naomi Hasegawa, người sau này đã trở thành lãnh đạo của Gia đình Thiên thần.

Năm 1960, Naomi kết hôn với chủ một doanh nghiệp sản xuất vớ, nhưng chỉ một năm sau, bà ly dị chồng và trở về Ngôi nhà của những Thiên thần. Năm 1962, Mitsu qua đời. Một năm sau đó, Naomi kế thừa vị trí của mẹ và đổi tên tổ chức này thành Gia đình Thiên thần. Không như Mitsu, Naomi không tuyên bố rằng mình được Chúa trời gửi đến. Bà cũng không thuyết giáo. Chỉ có câu khẩu hiệu “Cứu giúp phụ nữ” vẫn được Naomi giữ lại.

Tiếp nối hoạt động của Ngôi nhà của những Thiên thần, Naomi bắt đầu tạo lập một cộng đồng độc lập cùng vài thành viên ít ỏi còn lại. Cũng trong thời gian này, bà thành lập một trung tâm tư vấn và giải quyết mọi khúc mắc dành cho phụ nữ. Những người tìm đến với Naomi hầu hết đều gặp các vấn đề như bệnh tật, bạo lực gia đình, sức khỏe giảm sút. Naomi nói với họ rằng đó là “sự báo thù của những bào thai bị phá bỏ”. Những phụ nữ bị hư thai hoặc đã từng phá thai tuyệt đối tin lời bà.

Từ khoản tiền quyên góp của các tín đồ, Naomi đặt làm và trưng bày những tượng thiên thần nhỏ trong khuôn viên của Gia đình. Đó là những bức tượng trắng, nhẵn nhụi không có mặt mũi. Chúng có cùng kích thước với đội quân tượng Jizo Bodhisattva (đội quân của trẻ em và những bà mẹ sắp sinh con). Naomi cũng sản xuất một loại nước tinh khiết mà bà ta gọi là “nước thánh”, đồng thời cho biết nếu dùng nước này để rửa tượng thiên thần, những người mẹ tội lỗi sẽ được linh hồn của những bào thai tha thứ cho mình.

Năm 1968, một vài ngọn đồi ở vùng lân cận bị san bằng để phục vụ cho dự án phát triển khu đô thị mới, xã hội Nhật Bản đã có sự thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Gia đình Thiên thần cũng không tránh khỏi sự biến đổi. Naomi dừng rao giảng về sự trả thù của những bào thai bị phá bỏ; bà sử dụng thêm câu khẩu hiệu: ”Bỏ qua một bên những ràng buộc để có được hạnh phúc đích thực”. Những bức tượng từng được dùng với mục đích an ủi linh hồn của những bào thai, bây giờ trở thành biểu tượng của thiên thần, những thực thể không sân si. Đồng thời, hành động lau chùi các bức tượng cũng mang một ý nghĩa khác: gạt bỏ những gánh nặng trong người. Nhiệm vụ quan trọng của những phụ nữ sống tại đó không còn là cầu nguyện và lau chùi tượng mà là trồng rau và chế biến thực phẩm.

Khi cơn bùng nổ thực phẩm có hại cho sức khỏe xảy ra vào những năm 1970, Gia đình Thiên thần đã chuyển sang kinh doanh rau, gạo, bánh mì, thịt, nước uống. Họ có lượng khách khá ổn định. Naomi và các thành viên thu hoạch những gì họ trồng ở Gia đình, mua những gì họ không thể tự chế biến thông qua hợp đồng trực tiếp với nông dân tại địa phương. Họ cũng bắt đầu truyền bá và rao bán sản phẩm bằng cách bán dạo hoặc đặt hàng. Thông qua những chuyến xe bán dạo, họ kết hợp truyền bá khẩu hiệu “Cứu giúp phụ nữ”. Vào thời gian đó, những cụm từ như “bạo lực gia đình”, “kẻ đeo bám” hoặc “ngoại tình” vẫn chưa được biết đến nhiều. Phụ nữ không biết làm sao để đương đầu với những chuyện đó, và cũng không có nhiều nơi cho những nạn nhân lẩn trốn. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến Gia đình. Naomi bảo với họ: “Nếu từ bỏ hết mọi thứ – giới tính, gia đình, tiền bạc và những gánh nặng khác, bạn sẽ được giải thoát khỏi những bất hạnh của loài người.”

Mặc dù họ luôn tuyên bố: “Hãy gõ, cửa sẽ mở”, nhưng trên thực tế, cánh của Gia đình không mở ra với tất cả mọi người. Sau cuộc phỏng vấn với ban lãnh đạo cũa Gia đình và được kiểm tra sức khỏe, chỉ có những phụ nữ (thông qua tự thú nhận hay dựa vào kết quả kiểm tra sức khỏe) từng bị sảy thai, phá thai, vô sinh (bẩm sinh hay vì những lý do khác) mới được chấp nhận. Tuy nhiên, họ không công bố điều này, chỉ ban lãnh đạo và một vài thành viên trung tín được biết.

Tại sao Naomi lại ban hành những tiêu chuẩn này? Câu hỏi vẫn nằm trong bóng tối. Người ta đặt ra giả thuyết, có lẽ Naomi xem việc tất cả những người theo bà đểu có quá khứ đau buồn như nhau là một lợi thế; hoặc chính Naomi cũng từng sảy thai hoặc bị vô sinh (phải nhắc lại, bà đã ly hôn sau khi kết hôn chỉ được vỏn vẹn một năm). Vậy là Gia đình, nơi Kiwako chọn để ẩn náu nhưng không hay biết gì về nó, hóa ra lại có những quy định hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của cô. Quả thật mỉa mai.

Khi Kiwako gia nhập Gia đình vào những năm 1980, ngoài việc kinh doanh thực phẩm tự nhiên, Gia đình Thiên thần còn được biết đến như một trung tâm phát triển bản thân. Trong quá trình gia nhập Gia đình, Kiwako được yêu cầu ký vào một bàn hợp đồng đồng ý chuyển giao tất cả tài sản của mình. Ký hợp đồng là quá trình vừa mới được ban hành vào đầu những năm 1980, bắt nguồn từ việc có những thành viên cứ quay lại đòi tài sản.

Năm 1987, Gia đình nhận vào một nữ sinh tuổi vị thành niên. Cô gái này đã bỏ nhà đi, nhưng gia đình cô lại tuyên bố con gái mình bị bắt giữ. Gia nhập nhóm người muốn đòi lại tiền, họ đã lôi kéo giới truyền thông vào cuộc. Gia đình phản ứng bằng cách nhờ đến luật sư và chính quyền địa phương, cuối cùng, họ cho phép cánh sát điều tra. Cảnh sát ập đến ngay sau khi Kiwako bỏ trốn. Ngoài sự thật rằng những đứa trẻ ở tuổi đi học sống tại đây không được cho đi học trường công, Gia đình không có hoạt động gì phạm pháp. Rõ ràng, giới truyền thông đã thổi phồng vấn đề.

Sau khi Kiwako bị bắt, cái tên Gia đình Thiên thần trở lại với công chúng trên danh nghĩa là nơi Kiwako đã trốn trong hơn hai năm. Người lãnh đạo, Naomi Hasegawa, cùng Mariko Sakari, Harue Nagatsuka và một vài người khác bị gọi đến thẩm vấn vì đã chứa chấp Kiwako dù biết danh tính thực của cô.

Những thành viên của Gia đình Thiên thần hoàn toàn không được phép xem tivi, radio, báo, tạp chí và những kênh thông tin khác về thế giới bên ngoài. Dù vậy, người ta cho rằng trong thời gian huấn luyện, Naomi luôn âm thầm điều tra về thân thế của những thành viên sắp gia nhập. Hơn thế, sau khi Kiwako gia nhập, những thành viên rời Gia đình hằng ngày để đi bán thực phẩm hoặc những thành viên làm việc bán thời gian bên ngoài đã phát hiện Kiwako là ai. Khi bị thẩm vấn, chỉ có Naomi là người duy nhất thú nhận rằng mình biết về Kiwako. Nhưng bà một mực khẳng định mình chỉ biết về Kiwako và vụ bắt cóc sau khi cô sống ở gia đình một thời gian. “Kiwako đã trở thành thành viên, tôi không thể ném cô ấy ra ngoài vì bất cứ lý do gì.”

Tục lệ đặt cho thành viên mới những cái tên lấy từ Kinh thánh bắt đầu từ thời Ngôi nhà của những Thiên thần, và Naomi, đứa con gái nuôi của người sáng lập, vẫn giữ tục lệ này. Naomi luôn phủ nhận sự khác biệt giới tính, bà đặt cả tên đàn ông cho một vài thành viên. Kiwako được đặt tên Ruth. Cái tên Ruth bắt nguồn từ Kinh Cựu ước: sau khi chồng qua đời, Ruth ở với mẹ chồng, bà cũng mất chồng và các con trai.

Naomi khai: “Tôi không bao giờ đánh đồng giữa hành động hay tính cách của những nhân vật trong Kinh thánh và các thành viên khi đặt tên cho họ. Tôi chỉ cẩn thận không bao giờ đặt trùng tên.” Có lẽ, khi chấp nhận Kiwako dù biết rõ cô là ai, Naomi đã hi vọng có được điều gì đó từ Kiwako. Số tiền khổng lồ mà Kiwako mang đến cũng có thể là một lý do. Trong khi yêu cầu những thành viên từ bỏ tên tuổi và quá khứ, Naomi thực ra lại lưu tâm đến nghề nghiệp và học vấn của họ, từ đó bà có thể sử dụng khả năng của họ vào những việc liên quan hoặc lợi dụng họ vào một ngày nào đó. Naomi tin chắc Kiwako sẽ không thể rời khỏi Gia đình mà không bị bắt.

Naomi Hasegawa, người duy nhất thú nhận đã bao che tội phạm, bị tuyên bố có tội. Mức án dành cho bà là tám tháng tù giam và hai năm tù treo.

Marina bảo tôi:

– Mẹ hỏi chị có về nhà nghỉ đông không kìa.

Đầu dây bên kia rất yên ắng. Chắc hẳn con bé đang ở trong phòng riêng.

– Chắc không đâu.

Tôi vừa đáp vừa xoa bụng, khi đang nằm dưới bàn kotatsu, khăn phủ che đến cổ. Cái thai đã được mười sáu tuần, nhưng nếu tôi mặc áo rộng, nó vẫn chưa lộ. Dù sao cũng không cách nào che giấu mãi được. Tôi không thể về nhà lúc này.

– Sao lâu rồi chị không về? Em sẽ nấu món canh mừng năm mới cho chị. Bố mẹ sẽ cho tiền nữa đấy.

– Được thôi, vậy nói bố mẹ chuyển cho chị đi. – Tôi cười. Marina cũng cười, nhưng sau đó giọng con bé trở nên nghiêm túc.

– Bố mẹ không có cách gì thay đổi đâu, có lẽ chị phải chấp nhận bố mẹ như vậy thôi.

– Chị biết. Chị luôn biết mà.

– Dạ, em cũng nghĩ là chị hiểu. – Con bé cười buồn, sau đó nói thêm: – Nhà chẳng xa lắm, lúc nào thích chị cứ ghé về nhé! – Rồi nó cúp máy.

Tôi lầm bẩm rồi bật dậy, nhìn cuốn sổ tiết kiệm đang đặt trên bàn. Lần nào kiểm tra, con số tài khoản vẫn y như cũ.

Tới tuần thai thứ tám tôi vẫn ổn, nhưng suốt tuần thứ chín, tôi rất nhạy cảm với mùi vị nên đành bỏ việc ở quán rượu. Chigusa tìm giúp tôi công việc hiệu đính giấy tờ ở một trường dạy văn thư, nơi tổ chức các khóa học dành cho sinh viên lớn tuổi. Tôi bắt đầu làm việc từ tháng trước, nhưng chỉ kiếm được 100 ngàn yên/tháng. Mặc dù ý thức được rằng mình phải nghiêm túc làm việc, nhưng kể từ kì nghỉ đông, tôi hiếm khi ra khỏi nhà. Gần như suốt cả ngày, tôi nằm ườn dưới bàn kotatsu cũ mà Chigusa mang đến cho.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.