Bản năng

Chương 2 phần 06



Nằm trong căn phòng yên ắng, tôi nhớ lại lúc mình còn học cấp hai. Thời gian đó, rõ ràng không bạn học nào xa lánh tôi, thậm chí một vài đứa còn bắt chuyện và tôi cũng không phải ăn trưa một mình. Nhưng tôi vẫn thấy xung quanh mình quá vắng lặng. Bầu không khí không khác gì so với lúc tôi học tiểu học.

Những năm cấp hai, việc mẹ thường xuyên vắng nhà đã trở nên bình thường. Mẹ ghé về nhà sau giờ làm nhưng lại đi ngay, có lẽ đi gặp bạn. Bà hiếm khi về trước nửa đêm. Những lúc đó, bà để lại trên bàn tờ 1.000 yên. Đó là số tiền mẹ dùng đề mua một hai món làm sẵn như thói quen suốt nhiều năm nay. Đi học về, tôi vo gạo nấu cơm và hai chị em ăn tối với nhau. Khoảng 8-9 giờ tối, bố xuất hiện, ông ăn phần cơm hai chị em để lại, rồi ngồi lặng lẽ tại bàn, uống rượu một mình.

Một lần tôi thử than phiền với bố mẹ. Lúc đó tôi đã là thành viên của gia đình Akiyama, vì vậy tôi được phép than phiền. Hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy.

Tôi bảo bố mẹ rằng mình đã chán làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ và ủi quần áo, rằng với những công việc bận rộn như thế, tôi không còn thời gian đi chơi với bạn bè và thậm chí không thể hoàn tất bài tập về nhà. Tôi còn nói thêm ở những gia đình khác các bà mẹ phải làm việc này. “Gia đình khác thì mặc kệ họ. Con biết gì về họ? Con đang nói về gia đình nào?” Bố quát tháo, còn mẹ thì than vãn “Tôi chết dí ở cái nhà này.” Phản ứng gay gắt của bố mẹ khiến tôi không còn cách nào khác là tiếp tục công việc hằng ngày. Đồng thời, tôi cũng biết rằng sự kiện bắt cóc vẫn chưa thôi ám ảnh gia đình mình.

Trong thời gian này, tôi hay đến thư viện. Tôi dẫn Marina đi cùng sau giờ học, hoặc đi một mình vào các ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ, tìm kiếm sách báo viết về vụ bắt cóc. Nếu không thể từ bỏ quá khứ, tôi quyết định tìm hiểu về nó.

Năm học lớp 8, từ những bài viết trên sách báo, lần đầu tiên tôi biết bố mẹ mình là người thế nào. Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự hiểu họ. Mẹ luôn vắng nhà còn bố lúc nào cũng ngồi lầm lì uống rượu mỗi tối; đột nhiên tôi hiểu tại sao bố mẹ lại trở nên như vậy.

Lúc đó, tôi thấy họ cũng ngốc như người đàn bà đã bắt cóc mình. Lẽ ra bố không nên có con, và mẹ cũng vậy. Không chỉ bố, mà ngay cả mẹ cũng có nhân tình. Giá như tôi không bị bắt cóc, gia đình này vẫn vậy thôi: mẹ biến mất mỗi đêm, bố ngồi đó uống rượu, không buồn để ý mẹ đi đâu. Bốn người chúng tôi không bao giờ có thể là một “gia đình” như những gia đình khác. Nhận ra điều này, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi nhận ra sự hỗn loạn trong nhà mình, sự thờ ơ của bố và việc mẹ vắng nhà mỗi tối không phải là lỗi của tôi. Không phải vì tôi đã quay về.

Rồi tôi chợt phát hiện ra, người duy nhất có thể giúp mình thoát khỏi cuộc sống này chính là mình chứ không phải ai khác. Nếu tôi có thể trốn khỏi cuộc sống ngột ngạt này thì tôi phải tự mình làm việc đó.

Năm Marina vào trung học, chúng tôi chuyển nhà đến Tachikawa. Căn hộ lần này mới và gọn gàng hơn căn cũ ở Kawasaki một chút. Mẹ tôi dần quen với cuộc sống mới. Bà không còn ra ngoài mỗi đêm. Dù thức ăn vẫn là đồ nấu sẵn mua ở siêu thị, nhưng mẹ đã ủi đồng phục cho hai chị em (dù rất vụng về) và còn chuẩn bị hộp cơm trưa với đầy thức ăn đông lạnh. Nhưng lần này đến lượt tôi hay ra khỏi nhà. Hằng ngày, tôi làm việc bán thời gian ở tiệm karaoke đến 8 giờ tối rồi đến một nhà hàng gia đình hoặc tiệm cà phê ngồi đọc truyện tranh và học bài luyện thi đại học. Mãi đến nửa đêm tôi mới về nhà và thấy mẹ đang chờ cửa. Khó chịu vì bỗng nhiên mẹ cư xử như một bà mẹ bình thường, tôi lờ đi mọi lời mẹ nói rồi đi thẳng vào phòng ngủ.

Sau khi đậu đại học và thuyết phục được bố mẹ cho phép chuyển ra ngoài ở, tôi thấy dễ chịu vô cùng. Vậy là rốt cuộc, tôi đã rời khỏi nhà bằng chính khả năng của mình như tôi hằng mong muốn. Sau mười năm kể từ lúc trở về, cuối cùng tôi cũng cắt đứt sợi dây liên kết giữa mình với vụ bắt cóc; và sự hững hờ của bố mẹ không còn giày vò tôi thêm nữa…

Bụng tôi bỗng đau nhói, cảm giác như có một cơn co thắt sâu bên trong. “Nó đang đạp!”, tôi hét toáng lên dù lúc này chỉ có một mình.

Người duy nhất có thể giúp mình trốn thoát chính là mình – ý niệm này bất chợt quay trở lại.

Tôi lục tìm điện thoại. Khi nhìn thấy nó nằm trên bàn, tôi vơ lấy và bấm số gọi Chigusa.

Em sẽ đi với chị về nơi mà chị đã đề nghị. Tôi sẽ nói với Chigusa như vậy. Tôi sẽ chi tiền cho chuyến đi này, dù có thể những ký ức tìm về với tôi là những ký ức tồi tệ. Có thể tôi sẽ mất tiền chỉ để nhớ lại những điều mình không nên nhớ. Nhưng vẫn còn một khả năng khác, đó là tôi có thể sống tiếp cuộc đời mình. Rốt cuộc rồi mình cũng có được một kế hoạch cụ thể cho tương lai, tôi tự nhủ, lòng khấp khởi hi vọng khi nghe tiếng chuông đổ bên tai.

Nỗi lo lắng làm tôi thấy buồn nôn. Cảm giác lúc này tệ như những cơn nghén. Tôi sẽ nói với bố mẹ về đứa bé, nhưng lại giấu mình trong chiếc áo rộng, thậm chí còn soi gương để chắc cái thai không quá lộ ra. Lúc ra khỏi nhà, tôi suýt quên mất mình định về nhà bố mẹ để làm gì.

Hôm nay là ngày thứ hai của năm mới, tàu điện gần như trống không. Những vị khách duy nhất trên chuyến xe buýt từ ga Tachikawa lúc này chỉ có tôi và hai cô gái mặc bộ kimono cầu kì.

Bố mẹ mới chuyển đến căn hộ ở Tachikawa này được hai năm; suốt thời gian đó, tôi hiếm khi về nhà, vì thế căn hộ gần như xa lạ với tôi. Không có thang máy, tôi phải leo bộ đến lầu ba. Khi nhấn chuông cửa, tôi thấy năm ngón tay mình run rẩy. Suy cho cùng, tôi vẫn là một cô gái yếu đuối. Tôi luôn xem bố mẹ là những kẻ ngốc nghếch, nhưng giờ tôi lại đứng đây, hồi hộp đến không thở nổi vì sợ họ sẽ nổi điên với mình.

Marina ra mở cửa. Ngày đầu năm mới nhưng con bé vẫn mặc chiếc áo cũ mà nó thường mặc.

Marina cười tươi, rồi la lớn: “Chị Erina về!”

Ngay lúc bước vào, mùi ẩm mốc ngột ngạt ập vào mũi tôi. Những thùng các-tông và tạp chí cũ xếp chồng trên lối vào dọc theo hành lang. Chúng làm tôi nhớ lại căn hộ ở Hachioji, Kawasaki và tất cả những nơi chúng tôi đã sống cho đến bây giờ. Những căn hộ nhỏ nhoi chất đầy đồ đạc, bụi bẩn, tiếng ồn. Tôi theo Marina đi dọc hành lang, tràn ngập nỗi nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng là những cảm giác khổ đau cay đắng chứ không phải những ký ức ngọt ngào.

Bố đang duỗi người trên sàn xem tivi với ly bia đặt trước mặt. Mẹ đang làm gì đó trong bếp.

Bố chỉ nhướng mắt nhìn:

– Chào con.

– Con đã về rồi. Phải gọi điện trước mới phải chứ. – Mẹ xuất hiện từ nhà bếp, nhìn tôi từ trên xuống dưới. Tôi giật mình. Tôi vẫn sợ mẹ biết về cái thai dù đó là lý do tôi về đây. Giá như mẹ hỏi “Con đang có thai à?” thì tốt biết bao, nhưng mẹ quay vào bếp và nói:

– Con đói không? Có cơm và cà ri đấy.

Sự thản nhiên của bà làm tôi khó chịu.

Marina đứng im lặng bên cạnh giờ mới thúc khuỷu tay chị. Tôi quay lại thấy nó đang cười rồi thì thầm: “Em nấu, chị đừng lo.” Mẹ tôi nấu ăn tệ đến nỗi món cà ri cũng khó mà nuốt trôi. Chỉ cần cho thịt, rau củ vào nước hầm cùng xốt cà ri đóng gói, thế mà món cà ri của mẹ luôn lỏng bỏng, hoặc cà rốt và khoai tây vẫn sống nhăn.

Căn bếp chất đống những túi ni-lông của cửa hàng tiện lợi, chai rượu, vỏ bia; một bịch khoai tây lớn và một cái chảo mới vẫn còn đựng trong túi. Vừa lúc, bố hỏi tôi với giọng không mấy quan tâm, mắt ông vẫn dán vào chiếc tivi bật ầm ĩ:

– Con học sao rồi?

Tôi hít một hơi thật sâu, rồi thốt:

– Thực ra, con đang mang thai. Được năm tháng rồi. Con sẽ sinh đứa bé.

Một sự im lặng đột ngột bao trùm. Tivi vẫn mở lớn, phòng vẫn bày bừa, nhưng tôi cảm nhận được bố mẹ và Marina đang khựng lại.

– Thế nên con về mượn ít tiền. Con hứa sẽ trả lại, bố mẹ có thể cho con mượn một ít không? Bao nhiêu cũng được.

Không ai nói lời nào. Cả ba đều nhìn tôi như thể đang nhìn một thứ rất ghê sợ. Tôi đến bên ghế sofa, gạt qua một bên những tờ báo, vớ, khăn tắm, tạp chí rồi ngồi xuống. Căn phòng tuy ồn ã nhưng lại quá im ắng. Bố mẹ và em vẫn nhìn tôi chằm chằm, bối rối và sững sờ. Cái ngày tưởng chừng như đã nhạt nhòa trong ký ức bỗng nhiên quay trở lại với tôi, rõ ràng và vô cùng sống động. Ngày đầu tiên tôi gặp họ. Hôm đó, mẹ cũng nhìn tôi như bà đang nhìn tôi bây giờ, đó là cái nhìn ghê tởm về đứa trẻ lạ vừa tè dầm lên thảm. Tôi luôn đơn độc. Cuối cùng tôi cũng hiểu. Tôi thực sự luôn đơn độc. Chưa bao giờ tôi thôi đơn độc. Tôi muốn phá tan sự im lặng đang bao trùm căn phòng và những tiếng ồn ã vô nghĩa đi cùng nó. Tôi muốn xé nát mọi thứ. Tôi để mặc cảm xúc của mình tuôn chảy.

– Bố mẹ có muốn biết bố đứa bé là ai không? Bố à, anh ấy cũng giống như bố vậy, một người không bao giờ có thể trở thành bố của con mình. Nhưng dù sao con cũng sẽ sinh nó. Con sẽ tự nuôi nó lớn, như vậy, con sẽ không phải bắt cóc con của anh ấy. Hai mẹ con sẽ sống cùng nhau. Từ bây giờ, con không còn một mình nữa. Con đã có con.

Tôi bụm miệng lại. Nếu không, tôi chắc mình sẽ hét lên mất.

Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao lại là con? Hãy nói cho con biết, tại sao lại là con? Tôi cắn lưỡi, cố ngăn tiếng thét đang cuồn cuộn trong cổ họng mình.

Có tiếng xoảng vang lên trong bếp. Tiếp theo là tiếng gào. Tôi nhìn thấy mẹ chạy ào đến, một tay cầm vá, một tay cầm miếng nhấc nồi. Mùi cà ri đọng trên vá lan tỏa trong không khí ngột ngạt.

Bà quẳng cái vá xuống sàn và ném miếng nhấc nồi vào người tôi, rồi gào lên thảm thiết, lao đến đấm thùm thụp vào tôi. Bà đánh vào đầu gối, vào mặt, vào cánh tay, vào khắp người tôi, trừ bụng.

“Tại sao? Con làm vậy để làm gì? Sao con làm như vậy? Tại sao? Con muốn mẹ đau lòng, đúng không?” Nước mắt nước mũi thi nhau chảy xuống khuôn mặt nhăn nhúm của bà như thể có gì đó bên trong bà vừa vỡ vụn. Bà đánh tôi thật mạnh, vừa đánh vừa kêu khóc nghẹn ngào. “Tại sao, tại sao con đối xử với mẹ như vậy? Sao con không bình thường như những đứa con khác?” Tiếng la khóc im bặt. Mẹ đổ sụp người xuống sàn, nức nở. Bố ngồi đó, nét mặt bàng hoàng của ông nhìn tôi vô hồn. Marina vẫn đứng cúi mặt xuống sàn.

Không có quyền yêu hay ghét. Dù sao bà ấy cũng là mẹ chị.

Những lời Chigusa từng nói tuôn xuống như mưa rơi giữa sự im lặng mà tôi vừa phá hủy và sự náo loạn của căn phòng lúc này.

Vậy đây là điều chị muốn nói, tôi nghĩ, cảm thấy bình thản và dửng dưng khi nhìn người mẹ đang than khóc, người bố ngồi bất động và đứa em gái đang đứng cúi mặt. Ra là vậy. Tôi đã hiểu. Tại sao lại là tôi? Tôi không phải là người duy nhất mang những câu hỏi này theo mình suốt chừng ấy năm. Những năm qua, tôi đã luôn tự hỏi tại sao mình lại là đứa trẻ bị bắt cóc. Tại sao tôi sinh ra trong gia đình này? Nhưng không phải chỉ có tôi. Tại sao lại là đứa trẻ đó? Tại sao đứa trẻ đó lại bước vào cuộc đời mình? Đó chính là điều bố, mẹ và em gái đã không ngừng tự hỏi chính họ. Tại sao mình là bố đứa bé đó? Tại sao mình là mẹ đứa bé đó? Tại sao mình luôn quay lưng với đứa con gái vừa trở về nhà? Tại sao nó luôn cư xử như vậy? Tại sao mình luôn trốn tránh? Tại sao mình đột nhiên có một chị gái? Một người bố không bao giờ là một ông bố, một người mẹ không bao giờ hành động như một bà mẹ, một đứa em gái luôn cư xử khách sáo, và tôi, một đứa con luôn cố xù lông lên bảo vệ mình bằng cách ghét bỏ tất cả bọn họ. “Lẽ ra mọi chuyện sẽ không như thế này.” Tất cả chúng tôi đều mắc kẹt ở quá khứ, không thể thoát khỏi nó. Đó không phải là vấn đề yêu hay ghét; bây giờ tôi đã nhận ra chúng tôi quả thật là một gia đình tuyệt vọng.

“Con xin lỗi,” tôi nghe giọng mình cất lên khàn đặc. “Con xin lỗi. Nhưng con muốn sinh đứa bé này.” Lưỡi tôi đau nhói ở chỗ tôi vừa cắn chặt. Tôi nhìn cái vá đang nằm lăn lóc. Cà ri đã dây ra sàn.

Từ ga Toriimae, chúng tôi lên tàu điện Ikoma, rồi đón taxi ở bến cuối. Chúng tôi có thể tiết kiệm được một tiếng nếu bay đến Itami, nhưng Chigusa cứ luôn bảo như vậy quá nguy hiểm cho bà bầu, vậy là chúng tôi đi tàu cao tốc đến tận Kyoto. Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ là 3 giờ chiều. Nếu đi nhanh, hai chị em có thể đến đảo Shodo trước buổi tối, nhưng Chigusa không nghe tôi, vậy cũng có tốt cho bà bầu đâu. Có lẽ cả hai sẽ nghỉ đêm ở Kyoto hoặc Nara, tôi nghĩ ngợi, rồi nhìn cảnh vật lướt qua bên ngoài cửa taxi.

Lúc hai chị em gặp nhau ở ga Tokyo, Chigusa háo hức dò tìm thông tin trên mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch và liến thoắng không ngớt. Mới phút trước chị còn gợi ý chúng tôi sẽ ăn gì ở đâu, sau đó lại nhặng xị lên như một đứa trẻ nít rằng mình rất khát nước. Đến lúc đổi tàu ở Kyoto, chị tíu tít trầm trồ như một khách du lịch “Ôi cái tàu bé xíu đáng yêu quá!” và “Những người ở đây đều nói tiếng Kansai!”. Nhưng khi lên taxi, chị chỉ ngồi yên lặng và cắn móng tay.

Sợ rằng sự yên lặng khó thở sẽ làm mình nản chí không muốn đi nữa, tôi hỏi Chigusa để chắc chắn thêm lần nữa:

– Chị Chigusa, chị mới quay lại Gia đình Thiên thần, đúng không?

– Ừ, khi viết cuốn sách này, chị quay lại đó để tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng họ không cho chị vào. Chỉ là tin đồn, nhưng hình như bà Sarah và Saku vẫn còn ở đó. Có lẽ họ không biết đi đâu.

Chigusa mới quay lại nơi đó, nhưng không hiểu sao chị vẫn hồi hộp. Có thể Gia đình Thiên thần có ý nghĩa khác với mỗi người; tôi đã quên bẵng về nó, còn Chigusa vẫn còn lưu giữ những ký ức sâu đậm về thời thơ ấu mà chị trải qua nơi đây. Tôi không biết Sarah và Saku là ai.

Tôi hỏi ngay điều mà mình muốn biết từ lâu lắm rồi:

– Những người ở Gia đình nghĩ gì về Kiwako vậy chị? Còn người đứng đầu bị cho là có tội, đúng không, dù đó chỉ là án treo?

– Tất nhiên người này bị truyền thông đánh rất dữ, nhưng vì những gì bà ta nói ở phiên tòa “Tôi không thể quay lưng với những người đến nhờ mình giúp đỡ”, phụ nữ khắp cả nước ồ ạt gửi thư tới Gia đình muốn xin gia nhập. Sau phiên tòa, những người đi theo Thiên thần còn nhiều hơn trước. Có lẽ bà ta đã có ý đồ này từ trước rồi, ngay khi nhận Kiwako vào.

Nghe từ “Gia đình Thiên thần” trong câu chuyện của chúng tôi, người tài xế taxi bắt đầu kín đáo quan sát hai chị em qua kính chiếu hậu. Tôi nghĩ ông ta sẽ hỏi gì đó, nhưng ông không nói gì.

– Em nói rồi, em không vào đâu. Mình chỉ lái xe quanh đó thôi.

– Chị biết.

Theo lời Chigusa, Gia đình Thiên thần bây giờ bán thức ăn hữu cơ và mở lớp tập yoga và lớp thể dục nhịp điệu cho phụ nữ. Các thành viên không còn bị bắt buộc phải giao nộp toàn bộ tài sản. Gia đình trở thành một trung tâm nơi thành viên chỉ phải trả phí đặt cọc khi gia nhập. Những thuyết giáo về sự trả thù của các bào thai bị bỏ rơi cũng như chương trình tự phát triển bây giờ đã bị cấm. “Sự thay đổi thần kì” – đó là khẩu hiệu của họ bây giờ, Chigusa nói. Khi bị cấm thuyết giảng về vấn đề phá thai, họ chuyển sang bán thực phẩm; khi chính quyền trừng trị thẳng tay những nhóm tôn giáo cực đoan vào những năm 1990, họ lại tránh né vấn đề tôn giáo. Nói chung, họ khéo léo thay đổi phương châm hoạt động sao cho phù hợp xu hướng đương thời. Câu khẩu hiệu của họ nghe có vẻ mời chào, nhưng nó cũng chỉ là một cái vỏ rỗng tuếch. Chigusa dùng từ “cái vỏ rỗng tuếch” làm tôi nhớ lại những lời khai của Kiwako mà mình đã đọc được trên báo: hình như mẹ đã gọi bà ấy như vậy.

Chigusa nhoài người nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn theo chị. Một bức tường trắng đột ngột hiện ra trên con đường núi. Trông nó cũ kĩ và bạc màu vì mưa nắng. Có một tòa nhà hình chữ nhật ở bên trong hàng rào, buồn tẻ và xám xịt một màu như bệnh viện. Người tài xế rẽ trái rồi dừng lại trước cánh cổng có những lưới sắt.

– Tôi sẽ đợi hai cô chứ?

Chigusa và tôi nhìn nhau. Tôi nói:

– Không cần đâu. Cảm ơn ông.

Chigusa trả tiền taxi, còn tôi xuống xe bước về phía cổng. Mỗi bước đi, tôi thấy tim mình đập mạnh hơn. Phía sau bức tường là một bãi cỏ được chăm sóc kĩ và một tòa nhà vuông vắn, trơn tru, chắc chắn. Bầu trời trong vắt phản chiếu qua những ô cửa sổ bằng kính. Dù không thấy ai ở quanh, tôi vẫn cảm nhận có người đang nhìn mình. Tôi dừng lại cách cổng vài mét.

– Có thấy quen không? – Chigusa hỏi vọng từ sau. Không quay người lại, tôi quan sát những gì hiện ra trước mắt. Dù đứng bên ngoài tòa nhà, tôi vẫn hình dung được khung cảnh nếu mình nhìn từ một trong những ô cửa sổ đó: những cành cây trơ trụi khẳng khiu vươn về phía bầu trời xanh thẳm, bãi cỏ xanh mơn mởn, bức tượng trắng, dãy núi mờ xa, và bóng những ngôi nhà ở bên dưới…

– Em không nhớ gì cả, – tôi thì thầm. Tuy nói vậy nhưng tôi vẫn nghe nao nao một cảm giác thân thuộc đã từ lâu. Căn phòng lát đá rộng có bồn tắm mờ hơi nước, tiếng bước chân vang vọng, tiếng cười rúc rích dưới chăn, tiếng đĩa nhựa va chạm. Nhưng chúng chỉ là những hình ảnh vụt qua. Rốt cuộc, tôi vẫn không thể nhớ mình đã nghĩ gì khi còn ở Gia đình, hoặc tại sao mình khóc, tại sao mình cười. Tôi vẫn không thể nhớ về những ngày tháng đó. Cũng như tôi không thể nhớ khuôn mặt mình nếu không soi gương.

– Suốt thời gian chị nghiên cứu và viết sách, chị luôn tự hỏi vì sao Thiên thần lại cho Kiwako ở lại. Tại sao bà ta lại chấp nhận người phụ nữ đáng nghi đó, cả đứa bé không rõ lai lịch? Tất cả mọi người đều cho rằng vì Kiwako có nhiều tiền, hoặc vì tốt nghiệp đại học và từng làm cho một công ty lớn.

Nhưng chị không nghĩ đó là tất cả nguyên do.

– Ý chị là sao?

– Chỉ là phỏng đoán của chị thôi nhé… Vào thời điểm Kiwako gia nhập, Gia đình đang có sự biến đổi, họ muốn khuếch trương hoạt động chứ không chỉ đơn thuần là một tổ chức tôn giáo. Kinh doanh thực phẩm tự nhiên vẫn chưa đủ; họ muốn có nhiều tiền hơn, xây dựng một tổ chức chặt chẽ hơn, và có lẽ họ còn muốn danh tiếng nữa. Vì vậy, họ hướng tới việc mở rộng hoạt động. Nói cách khác, đó là thời điểm mà Gia đình trải qua một sự chuyển đổi lớn.

– Theo như suy luận của chị, họ chấp nhận Kiwako vì thời điểm đó họ muốn kết nạp thêm nhiều thành viên mới, bất kể người đó là ai?

– Không phải. Chị cho rằng họ không muốn Kiwako, mà họ muốn em.

– Sao cơ?

– Theo như tìm hiểu của chị, từ đầu những năm 1980, Gia đình mới bắt đầu chấp nhận trẻ em. Chị là một trong số những đứa trẻ đầu tiên. Thời điểm đó, họ chu cấp tiền cho những phụ nữ mang thai và các bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con một mình. Đây là phần phụ thêm trong dịch vụ tư vấn của họ. Thay vì quảng cáo rầm rộ, họ rỉ tai các bà nội trợ về tổ chức thông qua hình thức kinh doanh rau củ và thực phẩm bằng xe tải. Nhờ đó, những phụ nữ mang thai không nơi nương tựa hoặc những bà mẹ không thể chu cấp cho con bắt đầu tìm đến Gia đình. Những người này được giúp đỡ tiền viện phí, được nhận vào Gia đình, hơn nữa còn được cấp phí khám bệnh cho con. Nhưng họ gặp một rắc rối. Đó là từ thời còn Ngôi nhà của những Thiên thần, toàn bộ thành viên ở đây đều là nữ. Vì vậy, rõ ràng họ không muốn chứa chấp các bé trai. Những người phụ nữ đi cùng con trai hoặc sinh con trai thì không được phép ở lại Gia đình mà chỉ đi đi về về. Có lẽ em không nhớ đâu, nhưng mấy đứa con trai vẫn đến Trường học cùng bọn mình không phải là thành viên nội trú trong Gia đình. Tất cả những người sống ở đó đều là nữ.

Tôi nhìn bãi cỏ được chăm chút gọn gàng đang sáng lên dưới ánh mặt trời. Tôi chỉ hiểu một phần những gì chị nói. Chẳng phải trên bãi cỏ này thường có những bức tượng trẻ con bằng thạch cao trắng? Hình như chúng không còn ở đây nữa. Không biết họ đã mang chúng đi đâu rồi nhỉ, tôi tự hỏi.

– Chị chỉ nghe thông tin từ mẹ chị và những người được phỏng vấn, nên cuối cùng chị quyết định tập trung tìm hiểu một người. Đó là một phụ nữ được Gia đình trả cho một nửa viện phí khi sinh con. Chị ấy không tiết lộ lý do gia nhập Gia đình, nhưng đã cung cấp cho chị rất nhiều thông tin. Vì không thể sinh con ở bất cứ nơi nào khác, chị ấy đã chọn trung tâm y tế của Gia đình. Vào tháng cuối của thai kì, họ đề nghị chị ấy ký bản hợp đồng, trong đó có con số tổng chi phí sinh nở, chi phí Gia đình trả hộ, và một điều khoản bảo rằng chị ta không có nghĩa vụ phải hoàn trả chi phí. Tuy nhiên, cuối bản hợp đồng còn có một dòng chữ rất nhỏ.

Chigusa hướng ánh mắt xa xăm vào cánh cổng, chị kể chuyện một cách chậm rãi, có lẽ đang chìm đắm trong những suy nghĩ riêng. Tôi tự hỏi không biết chị đang nhìn gì ở bên kia cánh cổng.

– Dòng chữ nhỏ đó là “Tôi giao phó việc giáo dục con tôi cho Gia đình Thiên thần”. Khi chị ấy hỏi câu này nghĩa là gì, họ đưa ra lời giải thích khá hợp lý. Có những bà mẹ đã gửi con cái đến các trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học ở bên ngoài và yêu cầu Gia đình trả học phí, vì vậy điều khoản này nhằm ngăn chặn hành động đó. Tất cả trẻ em ở Gia đình đều học và chơi cùng nhau; họ muốn chị ấy mang con đến đây vài lần một tuần đề nó hiểu về tầm quan trọng của cuộc sống cộng đồng. Những phụ nữ chuẩn bị sinh con nhưng không có tiền và không có nơi nào để đi ngoài Gia đình đều tin lời giải thích này. Tất cả họ đều ký vào bản hợp đồng. Nhưng em có biết điều khoản đó thật sự nghĩa là gì không?

Tôi lắc đầu.

– Họ muốn đào tạo bọn trẻ thành những thành viên thuần chủng của Gia đình. Những phụ nữ chưa từng phá thai hoặc vẫn còn có thể mang thai không được chấp nhận là thành viên chính thức. Nhưng chỉ cần những người đó có con cái, họ vẫn được phép lui tới Gia đình. Bởi vì Gia đình cần những đứa trẻ đó. Khi các bà mẹ làm việc, bọn trẻ được giữ ở Trường học. Tới khi bọn trẻ lớn hơn, họ sẽ dần chia cách hai mẹ con và giữ chúng lại Gia đình thông qua một chương trình mà họ gọi là “Trại huấn luyện”. Tại đây, họ sẽ gieo vào đầu bọn trẻ khái niệm rằng trên đời này không có sự phân biệt giữa “đàn ông” và “đàn bà”. Cứ từng chút một như vậy, dần dần họ sẽ đào tạo ngày càng nhiều những đứa trẻ tiếp thu hoàn toàn lý tưởng của Gia đình. Đây là một kế hoạch dài hạn và bất thường. Trong thời gian đó, Thiên thần rất quan tâm đến những đứa trẻ này. Tuổi càng bé càng được ưu tiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.