Bí Quyết Thành Công Của Obama

CHƯƠNG 15: TRẬN CHIẾN KHÓ KHĂN GIÀNH GHẾ TỔNG THỐNG



“Làm người thắng cuộc còn cần nhiều sự dũng cảm hơn làm kẻ thua cuộc. Bạn có đủ dũng cảm để đối mặt với chiến thắng không?”

Trận chiến quyết định giành chiếc ghế Tổng thống giữa Đảng Dân chủ mà đại diện là Obama với Đảng Cộng hòa mà đại diện là McCain chính thức bắt đầu vào ngày 4 tháng 6 năm 2008. Ngày 3 tháng 6 là ngày Obama được chính thức xác định là người dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, từ đó về sau, ông tập trung tinh thần và sức lực để tổng hợp sức mạnh của Đảng, tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của các cử tri vào tháng 11.

1. McCain và “người vợ tàn tật”

So với Obama, McCain có một số ưu thế lớn nhưng cũng có rất nhiều điểm yếu.

McCain có thành tích chính trị, có kinh nghiệm lập pháp, đặc biệt là dự luật McCain – Feingold chống lại các tập đoàn lợi ích khiến ông trở thành anh hùng. Ông nổi tiếng trong cả nước từ mấy chục năm trước, đồng thời có kinh nghiệm tranh cử Tổng thống năm 2000, nếu lần đó không bị Bush dùng thủ đoạn bẩn thỉu để đối phó thì có thể McCain đã ngồi ghế Tổng thống trong Nhà Trắng mấy năm rồi.

Ông là một cựu binh, là một anh hùng trong chiến tranh Việt Nam, điều này có thể khiến ông giành được khá nhiều lá phiếu trong số những cựu binh và quân nhân. Chưa kể lần này ông cũng là người tham gia và ủng hộ nhiệt tình cho cuộc chiến Iraq. Cuộc chiến tranh lần này của Mỹ với Iraq và Afghanistan, ngoài hệ thống chính trị của Bush con, có lẽ không có cá nhân hoặc đơn vị nào tham gia tích cực như Mc- Cain. Cuộc chiến tranh này trên thực tế đã trở thành “cuộc chiến tranh của Bush con – McCain”.

Đó là những ưu thế của McCain, đồng thời cũng sẽ trở thành vết thương của ông.

Tuy McCain có những thành tích chính trị tốt nhưng đó chỉ là những thành tích về phương diện lập pháp chứ không phải là kinh nghiệm về phương diện hành chính. Trong lịch sử nước Mỹ, số Tổng thống xuất thân là Thống đốc bang còn nhiều hơn nhiều so với số Tổng thống xuất thân là Thượng nghị sỹ. Nguyên nhân là vì kinh nghiệm hành chính khác hoàn toàn so với kinh nghiệm lập pháp.

Bởi vậy về mặt này, McCain dù có tuyên truyền rộng rãi bao nhiêu nhưng hiệu quả đạt được cùng với tuổi tác của ông và sự gần gũi quá mức với chính phủ Bush con có thể trở thành mục tiêu công kích của đối thủ. Từ trước đến nay, McCain vẫn luôn là một “đấu sĩ”. Ông dám khai chiến cho dù đối phương là bộ máy chính phủ của các đồng nghiệp trong Đảng Cộng hòa – chính phủ Bush con, hay các tập đoàn lợi ích liên quan, hoặc là các đại gia lắm tiền nhiều của. Việc làm của ông đã thể hiện tình yêu thương của ông đối với dân chúng và mặt tốt của một chính phủ vì dân, nhưng đồng thời ông cũng tạo nên vô số những kẻ thù vô hình và hữu hình.

Sau khi bị Bush con “chơi xấu” trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2000, McCain đã đối đầu 4 năm với chính phủ Bush con, nhưng ông là một chính trị gia, không thể nhất thời tức giận, hành động thiếu suy xét. Mãi đến khi tranh cử liên nhiệm vào năm 2004, Bush con mới có những trao đổi, đề nghị hợp tác chính trị với McCain, giữa hai bên có được sự ủng hộ và tha thứ.

Nhưng trong 4 năm đó, hình tượng “Đảng viên đối lập Đảng Cộng hòa” do McCain dựng lên vô hình trung đã trở thành lí do để Obama lợi dụng một bộ phận người trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Tỉ lệ này không phải là nhỏ. Lần này, Đảng Cộng hòa không chọn đại diện tranh cử Tổng thống chỉ thuần túy vì thành tích chính trị; thêm vào đó, sự sa sút nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ đã khiến họ không tìm được một đảng viên Đảng Cộng hòa thuần túy có thể giành chiến thắng trong trận chiến này. Do đó, một người ở bên lề Đảng Cộng hòa lại trở thành hy vọng duy nhất.

Không chỉ như vậy, tuy Obama cũng tuyên bố phản đối các tập đoàn lợi ích nhưng so với những đòn của McCain thì đó mới chỉ là một thái độ. Các tập đoàn lợi ích lớn cũng sẽ cân nhắc một cách kỹ lưỡng sức ảnh hưởng của hai người đối với lợi ích của họ, “trong hai điều xấu sẽ chọn lấy một điều ít xấu hơn”, nếu so sánh, Obama đương nhiên là đáng để ủng hộ hơn. Bởi vậy, trong trận chiến này, liệu trận “Waterloo” “South Carolina” như Bush con đã dùng để đối phó với McCain liệu có tái diễn, đây vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Tuổi tác của McCain cũng là một trong số những điểm yếu “chí mạng”. McCain năm nay đã 71 tuổi, nếu thắng cử vào tháng 11 thì tháng Giêng năm sau khi nhậm chức ông sẽ là tân Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. McCain không thể so sánh với Reagan, dù là về thời gian công tác hay khả năng diễn thuyết, hoặc xét từ hoàn cảnh kinh tế chính trị. McCain đang đi trên con thuyền Đảng Cộng hòa sắp chìm, đó không phải là một bức tranh khiến người ta lạc quan.

Để chứng minh mình “không già”, đội ngũ McCain đã làm không ít những chuyện tức cười. Đầu hè năm 2008, một người bạn thân của vợ McCain tổ chức sinh nhật ở Paris, muốn mời mẹ của McCain tham dự. Năm đó bà 96 tuổi, thế là một màn kịch chính trị thú vị được dựng lên.

Mẹ McCain bay đến Paris, từ chối ngồi chiếc xe được cử đến đón bà mà yêu cầu mang đến một chiếc xe, tự bà lái tới khách sạn. Đó hoàn toàn là một động tác thừa.

Không chỉ thế, tuy hình tượng đấu sĩ của McCain ở Thượng viện đã giúp ông ghi điểm với dân chúng, nhưng lại đắc tội với không ít những người có thế lực.

Trong thời kỳ hơn 5 năm tham gia cuộc chiến ở miền Bắc Việt Nam, vợ McCain ở nhà một mình nuôi 3 người con, năm 1969 bị thương nặng trong một tai nạn ô tô. Người vợ trước đây là người mẫu đã hoàn toàn mất đi dáng vẻ ngày trước, một mình chịu đựng đau khổ và bất hạnh.

Một người vợ như vậy lại bị người chồng ruồng bỏ sau khi quay về từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Dù hai người li hôn vì lí do gì thì việc mấy năm sau, McCain cưới vợ trẻ hơn mình 18 tuổi, xinh đẹp lại giàu có, cũng có chút gì đó hơi khó coi.

Vì chuyện gia đình từng bị Bush con lợi dụng để chỉ trích, lần này McCain thông minh hơn, chủ động công khai mọi việc, giống như Obama công khai quá khứ của mình. Về phương diện này, cả hai bên đã hòa điểm.

McCain tính tình nóng nảy, không có được thái độ bình tĩnh như Obama, đó cũng là một vấn đề. Ông cũng có nhiều kẻ thù, họ đa phần là những người giàu, có thế lực. Tuy McCain đại diện cho Đảng Cộng hòa tranh giành chiếc ghế trong Nhà Trắng nhưng ông không phải là đảng viên hạt nhân của Đảng Cộng hòa mà chỉ là một người đối lập, số người trong Đảng thực sự ủng hộ mình, McCain không thể dự đoán được. Ngay từ đầu, ông cũng đã thể hiện sự yếu kém trong khả năng quyên góp quỹ tranh cử, hơn nữa, đội ngũ tranh cử của McCain không ổn định, giống hoàn cảnh Hillary từng phải đối mặt.

Chính trị là một cuộc chiến quảng cáo, là sự đối đầu về hình tượng. Mỗi một chính trị gia đều phải tạo cho mình vỏ bọc của một thánh nhân, mang đến cho cử tri một hình tượng vĩ đại thì mới có thể giành được nhiều sự ủng hộ.

2. “Bush” thứ ba và “Carter” thứ hai

Sự ủng hộ lần này của chính phủ Bush con đối với McCain chính là để trả ơn cho việc McCain giúp Bush con thắng cử liên nhiệm năm 2004, cũng là để trả món nợ cho những việc đã xảy ra năm 2000. Điều này đã giúp McCain có được không ít sự ủng hộ trong Đảng, đồng thời giúp ông có được những hỗ trợ về mặt tài chính.

Không chỉ có vậy, giữa cuộc bầu cử năm 2006, McCain đã đi khắp nơi, quyên góp được hơn 10 triệu đô la kinh phí tranh cử, đồng thời tham gia 346 cuộc quyên góp, giúp Đảng Cộng hòa tăng thêm danh tiếng. Vì thế, các đồng sự của ông tất nhiên sẽ cố gắng giúp đỡ ông trong lần tranh cử này.

Tuy nhiên, sự gần gũi quá mức của McCain đối với chính phủ Bush con và Đảng Cộng hòa đã trở thành mục tiêu công kích quan trọng của Obama. Obama đã gọi McCain là “Bush con nhiệm kỳ thứ ba”. Bush con đã làm mất lòng dân, “nhiệm kỳ thứ ba” là một đòn quan trọng, rất khó phản công, dù giải thích thế nào thì có thể kết quả cũng sẽ đi ngược lại mong muốn.

Do McCain đại diện cho Đảng Cộng hòa tranh cử, lại quá gần gũi với những chính sách của Bush con nên Obama gọi ông là “Bush con nhiệm kỳ thứ ba”, muốn nhân đó buộc Mc- Cain phải chịu sự oán ghét của nhân dân. Trước sự chỉ trích đó, ban đầu McCain ra sức giải thích, muốn dân chúng hiểu được sự khác biệt giữa ông và những chính sách của chính phủ Bush con nhưng hiệu quả không được tốt. Vì thế, McCain đã trả đũa, gọi Obama là “Carter nhiệm kỳ thứ hai”.

Carter bị Reagan đánh bại khi nhiệm kỳ thứ nhất kết thúc. Carter thất bại do những sai lầm về nội chính trong thời kỳ chấp chính. Tuy Carter có nhiều thành tích huy hoàng trong lĩnh vực ngoại giao nhưng ông đã thất bại thảm hại trước Reagan trong cuộc tranh cử liên nhiệm với tỉ số phiếu bầu 49/489; tính đến nay, đây là khoảng cách lớn nhất trong lịch sử tranh cử nước Mỹ. McCain muốn so sánh mình với Reagan, có thể đánh bại Obama, nhưng thật ra, thời đại đã hoàn toàn thay đổi.

McCain và Reagan đều thuộc Đảng Cộng hòa, tuy nhiên, Reagan đã làm Thống đốc bang California nhiều năm, có nhiều thành tích. Với tư cách là người của Đảng Cộng hòa, Reagan lại có thể đứng vững ở một bang quan trọng của Đảng Dân chủ như California, điều này cho thấy ông có được sự ủng hộ của nhiều người dân Đảng Dân chủ. Hơn nữa, kinh nghiệm lập pháp của McCain còn xa mới có thể so sánh với Reagan.

Reagan khiêu chiến với Carter vào lúc các vấn đề khó khăn như kinh tế tiêu điều, khủng hoảng năng lượng, lạm phát… đang bao vây chính phủ Carter, còn hiện nay tình hình ngược lại, chính phủ Bush con của Đảng Cộng hòa đang gặp rắc rối. Đại cục không có lợi cho McCain.

Tài diễn thuyết của Reagan rất đáng nể, Obama hiện nay hoàn toàn có thể so sánh được với ông. Nhưng đây lại là điểm yếu của McCain. Khi đó, Reagan đã tổ chức được một ban tranh cử khá mạnh, làm việc rất có hiệu quả, điều này cũng được thể hiện trong đội ngũ tranh cử của Obama, còn đội ngũ tranh cử của McCain lại có nhiều vấn đề phức tạp.

Đối với vấn đề được dân chúng quan tâm hàng đầu – vấn đề kinh tế, Reagan đưa ra thuyết “kinh tế học cung cấp”, nói rằng hành vi kinh tế là do bên cung cấp quyết định, phải cho trước rồi nhận sau. Thuyết này đi ngược lại với lí luận kinh tế truyền thống là “nhu cầu quyết định cung cấp”. Reagan kỳ vọng tạo ra những nhu cầu mới thông qua việc giảm thuế, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, Reagan cũng phần nào thành công, kinh tế Mỹ đã trở nên tốt hơn nhờ vào chính sách của ông, cũng chính vì thế mà ông đắc cử liên nhiệm 4 năm sau. McCain thì rất khó có được phương án hay để khắc phục tình hình kinh tế hiện nay.

Còn Obama và Carter đều xuất thân từ tầng lớp bình dân, có thành tích học tập xuất sắc, đều coi trọng sức mạnh của người da đen và phụ nữ. Nhiệm kỳ đầu tiên của Carter bắt đầu từ vị trí Thống đốc bang, sở trường của ông là xử lí các vấn đề châu Á, nhưng khi ngồi ghế Tổng thống lại chỉ quan tâm đến ngoại giao mà coi nhẹ tầm quan trọng của chính trị trong nước. Nói một cách chính xác hơn, hiệu quả nội chính của Carter thể hiện hơi muộn.

Carter và McCain đều từng học trường Hải quân ở Indiana, từng là bạn học, có điều, Carter tốt nghiệp với thành tích xuất sắc còn McCain thì chỉ là một sinh viên không đẳng cấp. Do bố qua đời và sự nghiệp của gia đình cần người quản lí, Carter phải rời Hải quân, tạo dựng sự nghiệp mới nơi quê nhà. Còn McCain rời Hải quân là do bản thân không thể tiếp tục thăng tiến, bản thân dựa vào người vợ mới giàu có để tạo dựng sự nghiệp. Sự so sánh này không thể mang lại điều gì tốt cho McCain.

3. Thân phận da đen và tôn giáo dễ dàng bị đả kích

Obama cũng có không ít điểm yếu, ông là người da đen, rất dễ trở thành lí do loại bỏ của các cử tri người da trắng vốn chiếm đa số. Lịch sử tôn giáo của ông và câu chuyện rắc rối về mối liên hệ giữa ông với nhà thờ Trinity United Church of Christ sẽ trở thành mục tiêu công kích lớn nhất của đối thủ, kinh nghiệm chính trường không phong phú của ông có thể cũng là điểm chí mạng.

Chính trị rất khốc liệt, chính thể dân chủ của Mỹ cũng không thể đảm bảo có thể làm tốt hơn. Obama là người da đen, ông cũng dựa vào sự ủng hộ của những người da đen ở Nam Chicago để bắt đầu con đường chính trị của mình.

Sự oán hận của người da đen Mỹ đối với người da trắng vẫn ăn sâu trong lòng họ, hơn nữa, nhiều người da đen vì lợi ích cá nhân hoặc đoàn thể nhỏ còn cố tình làm tăng thêm sự thù hận này. Họ muốn thành lập một nền văn hóa độc đáo của người Mỹ da đen, độc lập với nền văn hóa châu Âu của người da trắng, để nhắc nhở đời sau không bao giờ quên xuất thân của mình, xuất thân nô lệ. Đây là một kiểu giáo dục lòng hận thù.

Đồng thời, có không ít người da đen còn công kích và chế nhạo những người da đen tiếp cận hoặc theo nền văn hóa da trắng. Điều này vô hình trung đã ảnh hưởng đến quan điểm triết học cơ bản của Obama.

Sau khi Obama cố ý duy trì khoảng cách với cha Wright vì ông này đưa ra lời phát biểu “Thượng đế nguyền rủa nước Mỹ” khiến người dân Mỹ phẫn nộ, cha Wright từng nói một câu có ngụ ý sâu xa rằng: “Obama chỉ vì chính trị mới làm như vậy, còn con người thực sự của Obama thì khác”.

Khi Obama mới bắt đầu tranh cử Tổng thống, phu nhân của ông đã từng nói một câu ít nhiều bộc lộ sự “oán hận” trong lòng bà. Bà nói, cho đến khi Obama có thể trở thành một người da đen tranh cử Tổng thống, bà mới lần đầu tiên cảm thấy tự hào đối với nước Mỹ, bởi vì đây là lần đầu tiên từ sau khi trưởng thành, bà mới lại có hy vọng.

Đây là một câu nói mang màu sắc hận thù dân tộc. Lời nói của bà cũng là nguyên nhân của tai họa. Không chỉ thế, còn có tin đồn rằng bà coi người da trắng là “quỷ trắng”. Đội ngũ tranh cử của Obama cũng tốn không ít thời gian để xóa bỏ lời đồn đại đó.

Ở nước Mỹ, sự thù hận của người da đen đối với người da trắng còn sâu sắc hơn sự khinh thị của người da trắng đối với người da đen. Trong mắt không ít vị lãnh tụ người da đen, dường như người da trắng đều là tội phạm chiến tranh chưa từng bị phán xét. Sự nô dịch của người da trắng đối với người da đen là “tội lỗi thế kỷ” của người da trắng, vĩnh viễn không thể trả hết. Dựa trên cách lí luận và logic này, những lãnh đạo người da đen còn cố ý nhen nhóm ngọn lửa, khơi dậy mâu thuẫn giữa hai chủng tộc da đen và da trắng. Những lời nói của vợ Obama và nhà thờ Trinity United Church of Christ đã chứng tỏ điều đó. Đây là điều khiến mọi người rất khó hiểu. Nếu mỗi dân tộc đều giữ những món nợ hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trước, thì thù hận chỉ ngày càng sâu nặng, không có lợi cho sự đoàn kết dân tộc.

Bởi vậy, đối với vấn đề dân tộc, Obama phải thật cẩn thận trong mọi hành động. Nếu ông có thể tỏ thái độ rộng lượng, đồng thời thực sự giúp đỡ người da đen hóa giải mâu thuẫn đối với người da trắng thì nước Mỹ thực sự có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Điểm tốt là Obama không phải là một người Mỹ da đen thực thụ.

Ngày 22 tháng 6, tờ “Bưu điện Washington” công bố kết quả điều tra dân ý mới nhất do báo này cùng Công ty phát thanh Mỹ tổ chức. Có gần một nửa trong số những người được điều tra cho rằng, vấn đề chủng tộc ở Mỹ còn rất nghiêm trọng. Đặc biệt là, mối quan hệ giữa người Mỹ da đen và người da trắng hiện nay vẫn chưa thể lạc quan được, sự tranh chấp giữa hai chủng tộc lớn nhất nước Mỹ vẫn đang ở vào giai đoạn ít khả quan nhất trong 16 năm trở lại đây. Có gần 30% số người được hỏi thừa nhận, bản thân vẫn còn sự kỳ thị chủng tộc ở một mức độ nào đó. Người Mỹ da đen còn bi quan hơn, có đến 60% người Mỹ gốc Phi cho rằng, mối quan hệ chủng tộc hiện nay “không tốt”, thậm chí “rất tồi tệ”.

Ban đầu, Obama chỉ nói rằng cha Wright với ông giống như người nhà, đôi khi ông cũng có thể nói những lời hồ đồ mà bản thân Obama không đồng ý, điều đó cũng rất bình thường.

Sau đó, khi phải đối mặt với sự giảm sút gần 10% tỉ lệ ủng hộ, Obama lại nói rằng cha Wright không hiểu ông, ông cũng hiểu nhầm cha Wright, và nói rằng đó không phải là cha Wright mà ông từng biết.

Sự giải thích này có thể tiềm ẩn một vấn đề lớn: gần 20 năm nay Obama vẫn không thực sự hiểu quan điểm về mối quan hệ giữa hai chủng tộc da đen – da trắng của cha Wright, người cha tinh thần của ông. Obama chủ động khởi xướng sự hòa hợp dân tộc, nhưng lại mất đến 20 năm vẫn không biết nhà thờ mà ông gia nhập lại là nơi dẫn dắt lòng thù hận chủng tộc.

Dù Obama có ý thức được hay không thì vấn đề vẫn tồn tại. Đương nhiên, ông có thể nói, do mình không có gia đình thực sự nên cần tìm một nơi làm chỗ dựa tinh thần và bản thân dù sao cũng không phải là thế hệ sau của nô lệ da đen mà chỉ là một người mang hai dòng máu. Đó là sự thực nhưng Obama liệu có thể nhận được sự chấp nhận của những cử tri Mỹ da trắng hay không thì còn phải chờ đợi.

Chủng tộc là một chủ đề rất nhạy cảm ở Mỹ. Là một nhà chính trị, bất cứ một lá phiếu nào cũng cần giành lấy và mỗi một công dân bình thường đều có được sự tôn trọng của chính trị gia, ít ra bề ngoài là như vậy.

4. Đề tài thảo luận về kinh tế là vấn đề then chốt

Kinh tế là đề tài thảo luận được cử tri quan tâm nhất trong lần tranh cử này. Về vấn đề này, mỗi chính khách đều đưa ra rất nhiều lời hứa đối với cử tri, nhưng bất kỳ lời hứa nào cũng cần phải có tiền bạc làm đảm bảo, nếu không, đó chỉ là một tờ giấy trắng. Cần xem ai là người nói hay hơn, khiến cử tri cảm thấy tin tưởng hơn.

Về chính sách kinh tế, McCain vẫn dự định tuân thủ kế hoạch giảm thuế của Bush con, kỳ vọng nhờ vào động lực nội tại của thị trường tự do để tự điều chỉnh các vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay.

Tình hình của năm 2008 cũng khá giống với thời Reagan tranh cử Tổng thống: khủng hoảng năng lượng, kinh tế phát triển chậm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy tình hình hiện nay không đến mức nghiêm trọng như lúc đó nhưng khủng hoảng tiền tệ do đồng đô la giảm giá trị, hàng thứ phẩm mang lại; sự tăng cao đến chóng mặt của giá các loại nguyên vật liệu khiến cho những nguy hại về lâu dài của nền kinh tế Mỹ ngày càng nhiều, hơn nữa, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng năng lượng lần này còn phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.

McCain rất nhiều lần tuyên bố công khai rằng ông không hiểu về kinh tế, phải dựa vào sức mạnh tự thân của thị trường, sử dụng tác động của các nhà tư bản dưới hình thái kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa để giải quyết những vấn đề này. Trước đó, McCain đã hai lần phủ quyết kế hoạch giảm thuế của chính phủ Bush con, nhưng lần này, ông lại hoàn toàn kế thừa chính sách thu thuế của chính phủ Bush con. Bởi vì McCain thực sự không biết phải đối phó thế nào trước xu thế kinh tế hiện nay, cũng không có một nhà kinh tế học nào đưa ra kế sách giúp ông, hoặc vì McCain không thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Cố vấn kinh tế quan trọng nhất của McCain là Phil Gramm, nguyên Thượng nghị sỹ bang Dallas, nguyên giáo sư kinh tế học Đại học Công Nông nghiệp bang Dallas. Sau này Gramm làm việc cho một ngân hàng đầu tư lớn, nhưng là một nhà kinh tế học có trình độ không cao. Gramm từng giúp Mc- Cain một việc lớn: khi bắt đầu cuộc bầu cử sơ bộ, ông này từng nói với tạp chí “Fortune” rằng, nếu McCain được đề cử, việc quyên góp quỹ không thành vấn đề. Thế nhưng chẳng mấy chốc, McCain đã đứng trên bờ phá sản vì không có đủ kinh phí, Gramm được gọi đến cứu cánh. Gramm đã dựa vào khả năng của mình trong lĩnh vực tiền tệ, giúp McCain tinh giảm đội ngũ tranh cử, kiểm soát thu chi. Nhưng sau đó, tình hình quyên góp kinh phí vẫn không được như ý.

Trọng tâm chính sách kinh tế của Reagan năm đó là giảm thuế cho người giàu có thu nhập cao. Trong thời kỳ ông nhậm chức, thuế thu nhập cá nhân của Mỹ từ mức cao là 70% trong vòng 7 năm hạ xuống còn 28%. Chỉ những người giàu có là được lợi chứ không phải tầng lớp trung lưu. Chính phủ Reagan cho rằng, những người giàu có này mới là động cơ để vận hành bộ máy kinh tế thị trường Mỹ.

Chỉ khi để những người này duy trì được mức thu nhập đầy đủ thì họ mới tích cực lao động, tiến hành mở rộng sản xuất, tăng thêm việc làm, từ đó vô hình trung tăng thêm phần đầu tư cá nhân. Đồng thời, Reagan còn huy động một nguồn vốn lớn để mở rộng phần đầu tư công cộng bù đắp cho sự thiếu hụt đầu tư cá nhân.

Xét từ kết quả sau này đạt được, cuộc sống của người dân Mỹ đã được cải thiện, vật giá hạ thấp, lạm phát được kiểm soát, mọi thứ có vẻ được tiến hành như dự tính. Nhược điểm do chính sách đó gây ra là sự thiếu hụt tài chính với con số khổng lồ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo thống kê, cuối năm thứ hai trong nhiệm kỳ của Reagan, tức là cuối năm 1982, nước Mỹ vẫn là nước cho vay nợ lớn nhất thế giới, có tới 130 tỉ tiền vốn ở nước ngoài, nhưng chỉ 3 năm sau, Mỹ đã trở thành nước vay nợ nhiều nhất trên thế giới với hơn 200 tỉ đô la Mỹ, tới cuối năm 1987, con số này đã lên tới 400 tỉ đô la Mỹ.

Phân tích sâu về kinh tế, người ta phát hiện ra rằng, hiệu quả kinh tế thời Reagan hoàn toàn không phải do những chính sách kinh tế của ông đề ra, mà nguyên nhân là từ các chính sách của chính phủ Carter, thêm vào đó là tác dụng đi lên của chu kỳ kinh tế và sự giảm xuống của giá dầu.

Chính sách kinh tế của Reagan đã được Bush con phát huy, hậu quả là nước Mỹ ngày càng trở nên nghèo khó. Ngày 30 tháng 9 năm 2000, trước khi Bush con lên làm Tổng thống, khoản thiếu hụt trong ngân sách liên bang của chính phủ Mỹ là hơn 5670 tỉ đô la Mỹ, nhưng đến tháng 5 năm 2008 con số này đã lên tới 9250 tỉ đô la Mỹ.

Chính sách giảm thuế của Bush con khiến tình trạng mất cân bằng giàu nghèo vốn đã nghiêm trọng ở Mỹ lại càng trở nên trầm trọng hơn.

Trên thực tế, ngay từ năm 2003, cuối nhiệm kỳ thứ nhất của Bush con, chính sách giảm thuế của Bush đã vấp phải sự phê phán rộng rãi của các nhà kinh tế học.

Có 450 nhà kinh tế học đã cùng công khai ký tên phản đối chính sách giảm thuế của Bush con, trong số đó có hơn 10 nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, có thể nói, hầu hết các nhà kinh tế học có ảnh hưởng đều phản đối kế hoạch thiếu thông minh này.

Họ cùng nhau tuyên bố rằng: kế hoạch này nhìn về lợi ích ngắn hạn thì có vẻ rất có hiệu quả, nhưng xét về lâu dài, nó sẽ đem lại tác hại rất lớn đối với khả năng cân bằng dự toán ngân sách nhà nước, tạo ra ảnh hưởng không tốt kéo dài đối với các mặt như bảo hiểm an toàn xã hội, bảo hiểm y tế, đầu tư giáo dục công cộng,… đồng thời gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Các cử tri đa phần không thể hiểu được lợi ích lâu dài của đất nước. Các chính trị gia cũng không thể nhìn xa, họ chỉ quan tâm đến thành tích và biểu hiện của mình khi đương nhiệm, đó cũng là lí do tại sao các nghị sỹ của Thượng viện và Hạ viện hết lần này đến lần khác chấp nhận và phê chuẩn những chính sách kinh tế mà xét về lâu dài không được khả quan cho lắm.

Một phần vì các nghị sỹ hầu như đều xuất thân từ những trường luật, hiểu biết về lí luận kinh tế của họ là rất hạn chế, mặt khác, nhiều khi họ cũng không thực sự là chủ các quyết định của mình. Ví dụ, khi lòng dân cả nước đang sôi sục, muốn tấn công Iraq, e rằng rất ít người dám đứng ra nói sự thật, khi đó lợi ích cá nhân của chính trị gia đã chiếm ưu thế. Năm đó, Tổng thống Carter dốc lòng điều hành đất nước, nhưng thành quả kinh tế sau cùng lại bị Reagan thừa hưởng, còn bản thân phải nhận về thất bại.

Không giống với McCain, Obama một mặt cắt bỏ những chi phí không cần thiết của chính phủ nhằm cân bằng tài chính, mặt khác lại tăng thuế đối với người giàu để lấy thêm nguồn thu. Không chỉ có vậy, ông còn thông qua việc phân phối lại cơ chế để giúp đỡ tầng lớp trung và nghèo khó vốn chiếm đa số, bởi vì họ mới là chủ lực để kích cầu nền kinh tế.

Đồng thời, để bù đắp những chỗ hổng về kiến thức kinh tế chuyên môn của mình, Obama đã mời rất nhiều nhà kinh tế học có trình độ của Mỹ giúp ông đưa ra ý tưởng. Kế hoạch kinh tế của ông đều được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng.

5. Cuộc chiến Iraq

Vấn đề thứ hai sau kinh tế là cuộc chiến tranh Iraq, đây cũng là một mặt quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Cần xem xét từ chiến lược quốc gia của Mỹ, động cơ chính thức để tiến vào Iraq là gì? Nhất định không chỉ đơn giản là đánh cho “hả giận”. Tính toán của các chính trị gia Mỹ rất sâu, một việc hao tổn mạng người và tiền bạc như vậy, nhất định đằng sau phải có một mục tiêu rất lớn đã được các chuyên gia thảo luận một cách nghiêm túc.

Hiện nay, toàn thế giới đang rơi vào khủng hoảng nguồn năng lượng nghiêm trọng: vài năm về trước, giá xăng chưa đến 1 đôla/galon, đổ đầy bình xăng một chiếc ô tô bình thường cũng chỉ khoảng 20 đô la, nhưng đến tháng 6 năm 2008 đã tăng lên 4 đô la/galon, đổ đầy bình xăng ô tô phải mất hơn 80 đô la. Do giá xăng dầu tăng cao mà không ít gia đình ở Mỹ không dám sử dụng loại xe việt dã.

Đến tháng 6 năm 2008, giá dầu thô đã đạt tới mức cao nhất trong lịch sử là 139 đô la/thùng, đến tháng 7 lại tăng lên 146 đô la. Rất nhiều người dự đoán, đến cuối năm 2008 giá xăng có thể tăng lên đến 200 đô la. Nhớ lại mấy năm trước, có một thời gian, đài CNN ngày nào cũng có chuyên gia đàm luận về việc khi giá dầu thô tăng thêm 30, 50 đô la/thùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Mỹ. Hiện giờ, giá 139 đô la/thùng khiến mọi người không ai muốn bàn tới nữa.

Khủng hoảng dầu thô đã trực tiếp uy hiếp và tấn công vào các nước có nền chính trị ổn định trên thế giới. Pháp, Pakistan… bắt đầu cắt giảm những tiêu hao năng lượng không cần thiết cho quân đội. Ở châu Âu, nhiều nơi đã diễn ra các hoạt động thị uy. Hàng chục nghìn lái xe tải ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp… đã tập trung bãi công phản đối vào mùa hè năm 2008, yêu cầu chính phủ hỗ trợ tài chính cho họ về mặt nhiên liệu.

Hiện nay, sự tăng cao của giá các loại nguyên liệu, thực phẩm dường như báo hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế mới mang tính toàn cầu. Nước Mỹ đánh Iraq và Afghanistan là vì nhắm vào nguồn dầu thô chưa được khai thác ở đây. Rất có thể đó mới là động cơ thực sự của cuộc chiến tranh. Về điểm này, người dân không thực sự hiểu được, nhưng những những gì đạt được liệu có tương xứng với khoản chi phí khổng lồ dành cho quân sự không?

Hơn nữa, làm thế nào để dân chúng hiểu được điều này, đây cũng là một trong số những vấn đề quan trọng mà hai đối thủ tranh cử phải cân nhắc. Về điểm này, McCain có thể là một chính trị gia trọng sự thật, ông nhìn thấy được thực chất của vấn đề, hiểu được nhu cầu và lợi ích lâu dài của nước Mỹ, nhưng lại không thể nói rõ ra. McCain sẽ đối phó ra sao và dân chúng sẽ lựa chọn như thế nào?

Chính sách mạnh tay với Iraq của McCain có thể sẽ khiến ông mất đi không ít lá phiếu của các bà mẹ. Trên thế giới này liệu có bao nhiêu người mẹ muốn sống trong những tháng ngày lo lắng sợ hãi cho sự an toàn của con mình?

Đối với cuộc chiến tranh Iraq, thời gian đầu, các chính trị gia hầu như đều đồng tình với quyết định dùng vũ lực của chính phủ Bush. Nhưng Obama ngay từ đầu đã phản đối cuộc chiến Iraq, đây là một điểm rất thuận lợi cho ông trong quá trình tranh cử. Ngày 2 tháng 10 năm 2002, chính phủ Bush quyết định tấn công Iraq và quyết định này được sự đồng ý của hai viện. Cũng chính ngày hôm đó, trong buổi diễn thuyết tại quảng trường Liên bang ở Chicago, Obama tuyên bố lập trường phản đối chiến tranh.

Ngày 16 tháng 3 năm 2003, Tổng thống Bush con phát đi thông điệp cuối cùng đến Tổng thống Iraq lúc đó là Hussein, yêu cầu ông này trong vòng 48 tiếng nữa phải rời khỏi Iraq, nếu không, quân Mỹ sẽ tiến đánh Iraq. Ngày hôm đó tại Chicago, Obama phát biểu: “Bây giờ dừng cuộc chiến tranh lại vẫn chưa muộn”, nhằm ngăn ngừa cuộc chiến tranh bắt đầu.

Tiếng nói của ông chưa có sức nặng nên không ai nghe theo. Những chính khách ở Washington lúc đó cũng quá tự phụ, họ quyết định thực thi chức trách của cảnh sát quốc tế, dù Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối nhưng nước Mỹ vẫn quyết định lấy danh nghĩa Liên Hợp Quốc để tấn công Iraq.

Đối với tình hình quân Mỹ tại Iraq, Obama cho rằng nên sớm rút quân, để chính phủ Iraq tự chịu trách nhiệm với vấn đề an toàn của quốc gia mình. Mỹ nên tập trung tinh lực vào Afghanistan, đó mới là căn cứ địa của Bin Laden, còn Iraq không liên quan đến hắn, bởi vậy cũng không liên quan đến Mỹ. Ông sẽ kiên trì giải quyết vấn đề bằng đối thoại, ông có thể đối thoại, thương lượng với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ người nào mà không cần chuẩn bị trước. Bởi vậy, nếu Obama đắc cử Tổng thống, xu thế căng thẳng trên thế giới sẽ được hóa giải đáng kể, đây là một việc tốt.

Còn McCain thì lại khác, mục tiêu của ông là đến năm 2013 sẽ rút đa số quân đội Mỹ khỏi Iraq, Iraq khi đó cũng đã ổn định, chính phủ Iraq cũng đã có đủ lực để tự mình kiểm soát cục diện. Tuy có thể vẫn tồn tại xung đột nhưng là trong phạm vi có thể kiểm soát được, quân Mỹ cũng không nên là quân chủ lực nữa.

Còn một câu nữa mà McCain chưa nói: đến lúc đó, nhiệm kỳ 4 năm của ông cũng sẽ hết, nếu ông còn hứng thú và còn đủ sức lực thì có thể sẽ liên nhiệm Tổng thống thêm 4 năm nữa. McCain luôn nói, cuộc chiến Iraq phải giành thắng lợi triệt để, dù ông mất đi chiếc ghế Tổng thống trong Nhà Trắng cũng không sao.

6. Dự thảo về dân di cư

Đối với người gốc châu Á, Latin và Mexico, chính sách về dân di cư cũng là điểm mà họ rất quan tâm. Không chỉ có vậy, đối với nhiều công ty xuyên quốc gia, việc thu hút được các anh tài trên thế giới cũng là một mắt xích quan trọng để đảm bảo sự phát triển của công ty.

Khi bắt đầu cuộc bầu cử sơ bộ năm 2007, McCain đã tuyên bố: “Tôi tham gia tranh cử không phải vì muốn trở thành người như thế nào, mà là muốn làm một số việc khó khăn nhưng không thể không làm” để mưu cầu phúc lợi cho người dân Mỹ. Ông gần như đã thực sự làm như vậy và sẽ vẫn còn tiếp tục làm.

Trong nhiệm kỳ tại Thượng viện, McCain luôn kiên trì xúc tiến việc khởi thảo và xin duyệt dự luật cải cách dân di cư, vì ông hiểu rất rõ nước Mỹ, một quốc gia dân di cư, nếu rời bỏ những người dân di cư ưu tú thì địa vị hàng đầu của Mỹ cũng khó giữ được. Obama thì tuy tuyên bố muốn cải cách nhiều vấn đề về dân di cư nhưng lại không có được ghi chép gì cụ thể về những việc đã làm được trong mặt này, khiến mọi người khó đoán được rằng ông sẽ hành động như thế nào. Một mặt, Obama là người di cư được lợi, bố ông là một lưu học sinh; mặt khác, Đảng Dân chủ của ông cần bảo hộ cho lợi ích của Công đoàn, bảo vệ công việc với mức lương thấp của người lao động phổ thông. Vì thế, để đón bắt nhu cầu của cử tri, Obama có thể không áp dụng các biện pháp mang tính chất bảo thủ về phương diện dân di cư.

Khi nền kinh tế vẫn đang phát triển, thái độ của người dân Mỹ đối với dân di cư cũng khá tốt, nhưng khi nền kinh tế không được khởi sắc, tình hình đã hoàn toàn khác. Đầu tháng 6 năm 2008, số liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đã ở vào mức cao nhất trong mười mấy năm trở lại đây, đó liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến sự bài ngoại trong chính sách dân di cư hay không?

Về vấn đề dân di cư, Obama rất đề cao hiệu quả thực tế, hiện nay nước Mỹ có khoảng 12 triệu người di cư bất hợp pháp, rất nhiều chính khách cho rằng nên trục xuất những người này ra khỏi biên giới vì họ đang lấy đi cơ hội việc làm của người dân Mỹ. Nhưng thực tế là, những việc mà những người di cư đã làm là những việc đa số người dân Mỹ không lựa chọn hoặc không làm được. Mức lương mà họ yêu cầu cũng rất thấp, hơn nữa, họ cũng có những đóng góp nhất định trong việc ổn định vật giá nước Mỹ.

Hơn nữa, muốn tìm được họ, đồng thời trục xuất toàn bộ ra khỏi biên giới là một việc vừa tốn thời gian vừa tốn sức lực mà không thu được lợi ích gì. Obama hiểu rất rõ điều đó, ông nói, ông không tin rằng có thể thực sự trục xuất được hết những người di cư bất hợp pháp ra khỏi biên giới. Đã không thể làm được thì tại sao lại làm? Ngược lại, chính phủ có thể nghĩ ra cách giúp cho họ cơ hội, để họ trở thành những công dân hợp pháp.

Obama tin và luôn hành động vì niềm tin ấy. Đó là niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng; tương lai mà mọi người đều có “quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là tương lai mà mọi sự cố gắng, cần cù chịu khó làm việc đều được đền đáp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.