Bí Quyết Thành Công Của Obama
CHƯƠNG 7: BƯỚC VÀO GIỚI CHÍNH TRỊ
“Cơ hội chỉ có ích đối với những người đã có đầu óc chuẩn bị”.
Thấm thoát đã hai năm trôi qua, tháng 6 năm 1991, thời tiết bắt đầu nóng oi ả.
Obama khi ấy vừa tốt nghiệp Học viện Luật Đại học Harvard với thành tích xuất sắc. Có thể nói, trong số hơn 550 sinh viên Luật tốt nghiệp năm ấy thì Obama là một trong 15 sinh viên xuất sắc nhất. Thành tích học tốt, cộng thêm vị trí Chủ tịch tờ “Bình luận Luật Harvard” đã khiến cho Obama trở thành nhân tài.
1. Bước vào vũ đài chính trị như một ngôi sao đang lên
Làm Chủ tịch tờ “Bình luận Luật Harvard” cũng đồng nghĩa với việc Obama có một tiền đồ tươi sáng trong giới Tư pháp, những cơ quan Tư pháp như Tòa án nhân dân tối cao và các Văn phòng luật sư lớn hàng đầu nước Mỹ sẽ mời ông về làm. Nhưng ý Obama đã quyết, ông muốn theo đuổi nghiệp chính trị. Ông bỏ qua chế độ đãi ngộ với mức lương hấp dẫn trong thời gian ngắn để quay về Chicago, quay về ngôi nhà tâm hồn và ở bên người thân yêu của mình. Cũng từ lúc ấy ông bắt đầu con đường chính trị của mình.
Đó là con đường chẳng mấy ai muốn đi, nhưng Obama tin chắc mình sẽ giành được thành công. Chỉ có điều, ông không nghĩ thành công đến nhanh và dễ dàng như vậy. Ngoài sự cố gắng nỗ lực hết mình, có thể nói, Obama là một người hết sức may mắn.
Obama quay về Chicago và bắt đầu lên kế hoạch, đặt nền móng cho một nhà chính trị tương lai. Ông đã làm được hai việc thay đổi cuộc đời mình: một là, viết cuốn hồi ký về thân thế và cuộc đời mình; hai là, giúp những người dân nhận thức được quyền và tính quan trọng của việc đi bầu cử.
Với các Tiến sỹ tốt nghiệp Học viện Luật Đại học Harvard, 1/3 trong số những người kém nhất cũng có được mức lương trên 160 nghìn đô la Mỹ/năm. Với thành tích tốt nghiệp xuất sắc như Obama thì mức lương sẽ là trên 250 nghìn đô la Mỹ/năm. Nhưng điều ấy cũng không hấp dẫn được Obama, ông đã chọn công việc với mức lương thấp hơn rất nhiều.
Công việc của Obama rất bình thường và đơn giản: Đi diễn thuyết tại hạt bầu cử 19, nơi ông sinh sống, để những người dân có quyền bầu cử đi đăng ký cử tri, thực hiện quyền bầu cử mỗi người một phiếu của mình.
Thể chế chính trị của nước Mỹ, Tổng thống do cử tri là những người dân bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Bầu cử Tổng thống ở Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ ba đầu tiên trong tháng 11. Thực ra, cá nhân các cử tri Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri, hay còn gọi là “đại cử tri”, tức là những người đã tuyên bố ủng hộ ứng cử viên này hay ứng cử viên kia. Những đại cử tri này hợp thành Cử tri đoàn. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số lượng nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó, ở hầu hết các bang, ứng cử viên nào được nhiều phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.
Bang đông dân nhất nước Mỹ, California cũng là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất: 55 phiếu. Trong khi đó, một số bang nhỏ dân cư thưa thớt chỉ có 3 phiếu đại cử tri. Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để trở thành Tổng thống, một ứng cử viên cần có tối thiểu 270 phiếu trong Cử tri đoàn.
Cũng vì hệ thống bỏ phiếu này, một ứng cử viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn, như trong trường hợp cuộc bầu cử năm 2000, khi George Bush thuộc phe Cộng hòa thắng đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ.
Cụ thể, năm đó ứng cử viên Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của George Bush. Tuy hơn nhưng Al Gore vẫn phải nhường bước cho ông Bush vào Nhà Trắng, bởi ứng cử viên Đảng Cộng hòa này nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu. Bang quyết định chuyện thắng thua này là Florida, nơi toàn bộ 25 đại cử tri tại đây bỏ phiếu cho Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng cử viên chỉ là 537 lá.
Trước đó hơn một thế kỷ, tình thế trên cũng từng xảy ra trong bầu cử tổng thống Mỹ. Năm 1888, ứng cử viên Ben-jamin Harrison trở thành Tổng thống Mỹ khi giành đa số phiếu đại cử tri trong Cử tri đoàn, trong khi thua đối thủ là Grover Cleveland về số phiếu phổ thông.
Công dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên có quyền được bầu cử, mỗi người một lá phiếu, bình đẳng tuyệt đối về chính trị. Nhưng lâu nay đa số người dân không có ý thức sâu sắc về việc tham gia bầu cử. Tình hình này càng diễn ra phổ biến ở những người dân gốc Phi. Họ luôn giữ vai trò trung gian, tức là không có thái độ rõ ràng với đối tượng được bầu và vấn đề chính trị. Họ cho rằng tiếng nói của mình không có trọng lượng, một lá phiếu không thể có ảnh hưởng gì và họ bỏ qua quyền lợi của chính mình. Tất nhiên họ cũng có thích ai và ghét ai, có điều không ý thức được rằng mình phải thể hiện thái độ chính trị qua lá phiếu. Họ không nhận ra mình có ảnh hưởng tới kết quả bầu cử và lợi ích thực tế của bản thân.
Công việc năm đầu tiên của Obama sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard là khơi dậy ý thức chính trị của những người dân vùng này để họ tham gia bầu cử đông hơn, bày tỏ ý kiến của mình qua quyền cử tri bằng một lá phiếu.
Tuy nhiên, chỉ những công dân đã đăng ký tham gia bầu cử thì mới có quyền bỏ phiếu. Vì vậy, Obama và các đồng nghiệp trong tổ chức đã phải đi đến từng nhà giải thích, thuyết phục họ. Cố gắng của mọi người cũng được đền đáp xứng đáng. Trong lịch sử bầu cử của hạt 19, đây là lần đầu tiên số lượng người da đen tham gia bầu cử cao hơn người da trắng, tỷ lệ là 676.000/526.000. Obama đã nếm được vị ngọt thành công đầu tiên từ khi ông quay lại Chicago. Tạp chí Chicago gọi ông là “ngôi sao đang lên trên vũ đài chính trị”.
Năm ấy, Obama không chỉ có bước tiến dài trên con đường chính trị mà còn thành công trong tình yêu và hôn nhân. Ngày 3/10/1992, ông cùng Michelle Robinson kết hôn sau hơn ba năm quen biết và hẹn hò. Hai người tổ chức một đám cưới giản dị tại Nhà thờ. Bà Ann, mẹ Obama cũng tham dự lễ cưới của con trai. Họ hàng, bạn bè thân thiết của hai người đều rất vui mừng.
Năm 1993, Obama nhận lời làm việc tại Văn phòng luật sư Davis Miner and Galland với vị trí trợ lý luật sư. Trên 2/3 thời gian của ông được dành cho việc thay mặt khu phố hòa giải những vụ việc liên quan tới quyền lợi bầu cử hoặc những tranh chấp, phân biệt chủng tộc. Nói chung, Obama là đại diện cho Văn phòng luật sư về mặt chính trị. Thời gian còn lại, ông xử lý những giấy tờ pháp luật liên quan tới chuyển nhượng bất động sản, thành lập công ty và đại diện tố tụng pháp luật với mức thù lao ít ỏi. Ông cũng thụ lý một số vụ việc có ảnh hưởng lớn ở Chicago, liên quan tới người gốc Phi và nạn phân biệt chủng tộc.
Thời gian này, Obama làm một việc mà sau đó có chút ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp chính trị của ông. Obama đã hết sức giúp đỡ Công ty Rezmar của Tony Rezko vay được tiền để sửa khu chung cư mà Công ty trúng thầu xây dựng.
Để đền đáp lại, Tony Rezko nhiều lần quyên góp gây quỹ tranh cử cho Obama với khoản tiền hơn 250 ngàn đô la Mỹ. Sau này Tony Rezko bị khởi tố vì phạm tội, các đối thủ của Obama liền vin vào đó cáo buộc và yêu cầu điều tra xem Obama có quan hệ gì với Tony Rezko không, nhưng họ không tìm thấy chứng cứ bất lợi đối với Obama.
Từ năm 1993 đến năm 2004, Obama trúng cử Thượng nghị sỹ liên bang Mỹ. Để tăng thêm nguồn thu nhập, ông đã đến giảng môn luật Hiến pháp tại Đại học Chicago. Ban đầu Obama chỉ là trợ giảng, sau năm 1996 mới trở thành giảng viên chính. Được công nhận là giảng viên chính ở Đại học Chicago nghĩa là tương đương với học hàm giáo sư, được coi là một trong những giáo viên của Học viện Luật, chỉ có điều Obama làm kiêm nhiệm chứ không chuyên trách.
Cơ hội chỉ dành cho những người có đầu óc chuẩn bị. Qua nhiều năm tích lũy, Obama đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả, chỉ cần có cơ hội. Vì thế, thành công là việc đương nhiên.
Ông trời không bao giờ phụ người có tâm. Mùa thu năm 1995, thần may mắn lại gõ cửa và Obama chính thức bắt đầu con đường chính trị.
Trước khi cưới, có lần Michelle Robinson đã đề nghị anh trai mình đưa Obama đến sân bóng rổ. Lần ấy đã giúp hai người đàn ông trở thành bạn thân của nhau.
Hồi đó anh trai Michelle Robinson cũng đã hỏi Obama về dự định công việc.
“Barrack, cậu có dự định gì cho tương lai chưa?”. Craig Robinson hỏi.
“Em nghĩ rồi”.
“Cậu là sinh viên tốt nghiệp Học viện Luật Harvard với thành tích xuất sắc. Nếu cậu muốn có cuộc sống tiện nghi thì nghề luật sư với mức lương cao đang chào đón cậu, nhưng tôi không thể hiểu nổi vì sao cậu lại làm những việc khổ sai không ra tiền này”. Anh trai Michelle Robinson nói tiếp.
“Em muốn làm chính trị”. Obama nói với giọng chắc nịch.
“Nếu muốn làm chính trị thì cậu phải bắt đầu từ công việc ở Tòa án hay đâu đó liên quan tới chính trị, chứ sao lại làm ở đây?”. Craig vẫn không thể lý giải nổi.
Mọi người thấy lựa chọn của Obama thật kỳ lạ. Không hiểu anh chàng này định làm gì? Hay anh ta chỉ biết làm những việc tầm thường phung phí thời gian sức lực?
Anh trai Michelle Robinson thấy lòng bồn chồn, nhưng không muốn hỏi Obama.
Khi ấy Obama đã nói với anh trai của Michelle Robinson: “Em sẽ dạy học tại Đại học Chicago trước để thích ứng với hoàn cảnh, sau đó mới nghĩ đến chuyện thi công chức”.
Obama không muốn thành quan tòa hay công chức thông thường mà muốn trở thành công chức qua thi cử. Nhưng anh trai Michelle Robinson vẫn không hiểu được điều này.
Craig lại hỏi: “Cậu muốn làm sếp ở bộ phận nào trong thành phố à? Đó là công chức cần phải thi tuyển đấy”.
Obama nói: “Không phải thế”.
Craig không hiểu, chức vụ ấy quá bé nhỏ so với Obama.
Obama nói với hàm ý sâu xa: “Em mong có một ngày mình sẽ trúng cử vào Thượng nghị sỹ liên bang, trở thành 1 trong 100 vị Thượng nghị sỹ. Trên cơ sở ấy, nếu có cơ hội thì em sẽ tham gia tranh cử Tổng thống, trở thành Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ”.
Craig lo lắng cho ý nghĩ này của Obama: “Cậu biết không, thứ cậu bỏ qua chính là mơ ước mà em gái tôi theo đuổi từ ngày trung học. Còn thứ mà cậu muốn có được là điều em gái tôi coi thường nhất”.
Michelle Robinson luôn cho rằng chính trị là xấu xa, bẩn thỉu, nhất là đối với những người da đen như mình. Theo đuổi nghiệp chính trị sẽ làm thay đổi cuộc sống bình yên của gia đình cô, đối thủ cạnh tranh sẽ ra sức bôi xấu mình và đem lại nhiều ảnh hưởng xấu khác tới sự trưởng thành của các con. Rốt cuộc, cái mất sẽ nhiều hơn cái được.
Ngay từ ngày ấy anh trai Michelle Robinson đã rất quý Obama. Obama cũng biết điều đó nên hai người chơi với nhau rất thân.
Vì mến Obama, anh trai Michelle Robinson đã dặn dò: “Cậu nhớ đừng nói gì về dự định này của cậu cho em gái tôi biết. Nếu không thì cậu sẽ mệt đấy”.
Obama cũng biết ý của Michelle Robinson, nhưng đó là lý tưởng của ông. Ông cũng biết mình phải xử lý mâu thuẫn này ra sao, và ông tin rằng sẽ thuyết phục được Michelle.
Craig Robinson nghĩ, đối với người da đen mà nói thì Thượng nghị sỹ liên bang là một chức vụ có muốn cũng không thể được. Trong lịch sử nước Mỹ chỉ có duy nhất bốn người da đen trúng cử chức Thượng nghị sỹ liên bang, trong đó hai người ở thế kỷ 19: (1870 – 1871) và (1875 – 1881); hai người còn lại ở cuối thế kỷ 20: (1967 – 1979) và (1993 – 1999). Tuy có rất nhiều người da đen là Nghị sỹ nhưng người da đen là Thượng nghị sỹ vẫn chiếm số lượng rất ít, chưa nói đến chuyện người da đen làm Tổng thống. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có người da đen nào can đảm thử sức với việc này.
Thực tế, năm 1972 cũng từng có một người da đen tham gia tranh cử nhưng đã thất bại. Những chính trị da da đen dù có thực lực và mạnh mẽ thì cũng không ai muốn đứng ra làm việc này.
Vị trí Tổng thống luôn là vị trí riêng của người da trắng.
Sau khi trúng cử Tổng thống, khi mọi người hỏi về điều này, Obama trả lời rằng: “Tôi không nhớ mình đã nói như vậy. Nếu có thì bởi vì tôi muốn nói với anh vợ là, đứng đầu ở Chicago không phải là lý tưởng của tôi, điều này không thể đáp ứng được cái dạ dày tham lam của tôi”.
2. Trúng cử Thượng Nghị sỹ bang Illinois
Sự bất hạnh của một số người lại là cơ hội cho một số người khác, với điều kiện là bạn phải biết nhìn thấy cơ hội. Trong kinh doanh, có không ít người mượn cớ giải quyết vấn đề cho người khác để giành được cơ hội kiếm tiền, phát tài; và trong chính trị cũng vậy.
Sự không may của một chính trị gia lại là cơ hội cho một chính trị gia khác.
Mùa thu năm 1995, một Hạ nghị sỹ liên bang 43 tuổi của hạt 2 Chicago đã bị buộc phải từ chức và bị khởi tố vì dính vào vụ bê bối tình dục với một bé gái chưa đầy 16 tuổi. Chính vì thế, lúc ấy Hạ nghị viện còn khuyết một chỗ. Theo luật Mỹ, quan hệ tình dục với bé gái dưới 16 tuổi thì dù là lý do gì, dù là ai cũng sẽ bị pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc.
Đây quả là một cơ hội hiếm có. Có vài người được đề cử vào vị trí ấy, trong đó có bà Alice Palmer, người của Đảng Dân chủ. Khi ấy bà Alice là Thượng nghị sỹ hạt 13 bang Illinois. Để tham gia tranh cử Hạ nghị sỹ liên bang, bà Alice đã quyết định từ bỏ chức Thượng nghị sỹ bang Illinois; đồng thời bà tiến cử và khuyến khích Obama tham gia tranh cử vị trí trống mà bà để lại.
Đúng là thời thế tạo anh hùng và Obama quyết tâm thử sức chạy đua vào Thượng viện bang Illinois.
Trong mắt mọi người thì cuộc đời của Obama luôn không đi theo mực thước sẵn có, thứ mà mọi người cho là quan trọng và luôn dành sẵn cho ông thì ông lại bỏ qua. Điều này khiến mọi người thấy Obama thật khó hiểu.
“Với tôi, lợi ích tốt nhất vẫn là được giáo dục tốt. Điểm tốt nhất của điều này chính là làm cho tôi có thể đón nhận, chịu đựng mạo hiểm và rủi ro nhiều hơn những người khác. Vì bất cứ lúc nào nếu tôi thất bại, không đủ tiền thanh toán thì tôi cũng dễ dàng và nhanh chóng tìm được một công việc kha khá. Chính vì thế nên tôi không phải lo lắng gì nhiều và có thể chuyên tâm phấn đấu cho lý tưởng của mình”.
Nghĩ lại cũng phải, nhiều người không thiếu lý tưởng, nhưng vì sức ép của cuộc sống mà không thể hoặc không dám mạo hiểm.
Hơn nữa, vợ Obama cũng là một người phụ nữ giỏi giang, giúp ông không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc trong cuộc sống hàng ngày.
Tại Học viện Luật Harvard, Michelle cũng là một sinh viên giỏi, nhưng so với Obama thì bà không thể sánh được. Có thể nói, cả nước Mỹ khó có thể tìm thấy người thứ hai để so tài với Obama. Obama luôn học hỏi theo tấm gương của hai nhân vật lịch sử vĩ đại là cựu Tổng thống Mỹ Kenedy và vị lãnh đạo nhân quyền cho người da đen nước Mỹ – Martin Luther King. Trong nhà Obama ở bang Illinois treo rất nhiều ảnh của hai nhân vật nổi tiếng này.
Obama nói với vợ: “Chúng ta là những đứa con cưng của Thượng đế. Chúng ta may mắn hơn những người khác, vì vậy, chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ làm điều gì đó cho những người kém may mắn và không được cưng chiều như chúng ta”. Ông muốn giúp những người da đen, những đồng bào nghèo khó, bất hạnh của mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thoạt đầu bà Michelle, vợ Obama chưa ý thức hết được rằng nếu chồng theo đuổi con đường chính trị thì cuộc sống của gia đình sẽ thay đổi ra sao. Khi ấy hai người vẫn chưa có con, sự nghiệp của Michelle cũng khá thuận lợi, họ không phải lo lắng nhiều đến vấn đề kinh tế. Hơn nữa, cuốn hồi ký “Giấc mơ về người cha” vừa xuất bản cũng đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường làm chính trị của Obama. Năm ấy ông 33 tuổi.
Vợ ông hiểu và ủng hộ lý tưởng của ông.
“Không sao đâu anh, chúng mình cứ làm đi. Tất cả đều do anh quyết định”.
Như vậy, Obama đã thuyết phục được vợ, tự do thực hiện lý tưởng của mình.
Do từ chức giữa chừng, bà Alice Palmer cần phải trải qua trình tự tranh cử đặc biệt, chọn ra người thay thế từ những người được đề cử. Bà quá tự tin, cho rằng mình sẽ chiến thắng nên quyết định mạo hiểm.
Nhưng bầu cử luôn có những thay đổi khó lường, ý kiến của cử tri luôn bị thay đổi bởi các nhân tố khác. Thăm dò ý kiến cử tri hiếm khi chính xác. Đáng tiếc là bà Alice Palmer (sinh ngày 20/6/1936) đã thất bại ngay từ khi bỏ phiếu sơ bộ trong nội bộ Đảng Dân chủ. Bà thất bại trước đối thủ cạnh tranh là chính trị gia người da đen mới 30 tuổi tên là Jesse Louis “Jesse Jr.” Jackson, Jr.
Đây gọi là vận động tiến cử. Mùa tiến cử là quãng thời gian các ứng viên cạnh tranh trong nội bộ đảng để trở thành người đại diện duy nhất của phe Cộng hòa hoặc Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Thông thường, giai đoạn tiến cử này mở màn vào đầu tháng 1 của năm diễn ra bầu cử và kéo dài tới tận tháng 6 năm đó.
Trong giai đoạn này, cử tri tại một trong số 50 tiểu bang của Mỹ chọn ra các đại diện địa phương tới dự Đại hội đảng toàn quốc của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, sự kiện sẽ được tổ chức mấy tháng sau đó. Nội dung chính của đại hội này là chọn ra ứng viên Tổng thống duy nhất của đảng tranh cử Tổng thống.
Cách thức chọn đại biểu tham dự Đại hội đảng diễn ra khác nhau. Một số bang tổ chức các cuộc họp kín địa phương ở nhà riêng, trường học hay các nơi khác (gọi là caucus) để chọn ra những đại diện dự Đại hội đảng và những người này đều tuyên bố họ sẽ ủng hộ ứng viên nào. Ví dụ, năm 2008 bang Iowa đã chọn hình thức caucus, mở màn năm bầu cử 2008.
Trong khi đó, một số bang khác lại sử dụng hình thức bỏ phiếu sơ bộ (gọi là primary). Cách này cho phép tất cả những cử tri có đăng ký bỏ phiếu được quyền chọn đại diện tham dự Đại hội đảng, thay vì chỉ những đảng viên tích cực tham gia như trong các cuộc họp của hình thức caucus.
Thực chất của giai đoạn tiến cử với các hình thức caucus hay primary là cuộc vận động của các ứng viên để tranh thủ sự ủng hộ từ phía cá nhân các cử tri, từ đó đại diện của những cử tri này sẽ đến dự Đại hội đảng bỏ phiếu “chốt” ứng viên cuối cùng ra tranh cử Tổng thống.
Bà Alice Palmer, nữ chính trị gia người da đen, tốt nghiệp trường Đại học North East cũng là người cùng Đảng Dân chủ với Obama. Chính bà Alice đã chủ động rút lui và tiến cử Obama thay thế mình đảm nhận vị trí ấy. Sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của nội bộ Đảng Dân chủ, bà Alice có ý định giành lại vị trí Thượng nghị sỹ bang Illinois, tiếp tục là đại diện cho hạt 13 của Chicago.
Đáng tiếc là lời đề nghị của Alice Palmer bị Obama từ chối. Sau đó bà Alice đã kiện Obama lên Ủy ban Tranh cử, nhưng thất bại.
Obama là người làm việc có hiệu quả. Ông hiểu rất rõ ý nghĩa của chế độ bầu cử mỗi cử tri một phiếu ở nước Mỹ, vì thế đã cùng số nhân viên ít ỏi của mình về cơ sở, đi diễn thuyết, phát biểu ở mọi nơi trong khu bầu cử.
Obama đại diện cho hạt 13, trong đó South Side là nơi ông có cơ sở khá tốt, cũng là nơi ông chiếm ưu thế tuyệt đối.
Obama có thời gian giảng dạy ở Đại học Chicago nên cũng có một số mối quan hệ nhất định. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì dù sao ông vẫn là một người mới. Nhiều cử tri không có sự nhìn nhận chính xác về việc bầu ai, họ bỏ phiếu theo cảm tính, nên muốn giành được đa số phiếu bầu thì phải thâm nhập sâu vào từng khu bầu cử.
Obama hành động theo những gì mình nghĩ và cuối cùng đã thành công nhanh chóng.
Mùa thu năm 1995 là điểm bắt đầu của cuộc đời của chính trị gia Obama.
Nhưng với mẹ Obama, người luôn bận rộn với công việc ở Indonesia thì hoàn toàn ngược lại, quãng thời gian ấy là bước ngoặt đi xuống trong cuộc đời bà.
Mùa thu năm 1994 bà Ann bắt đầu nhận thấy phần bụng đau quặn lên từng cơn. Bà đã đi khám bác sỹ nhưng kết quả chẩn đoán là tiêu hóa kém, không có gì nghiêm trọng nên bà cũng không để ý. Nhưng từ thời điểm đó, các cơn đau bụng dồn dập hơn.
Khoảng vài tháng sau, nhân chuyến về thăm nhà ở Hawaii, bà đã đi khám bác sỹ và kết quả là bị ung thư giai đoạn cuối. Không còn cách nào khác, bà Ann phải gác lại công việc để làm xạ trị. Cũng may là có bà ngoại Obama chăm sóc nên mẹ ông cũng bớt đi đau đớn và áp lực. Ngày 7/11/1995, bà qua đời ở tuổi 52.
Năm 1989, sau khi Obama được bầu làm Chủ tịch tạp chí Harvard Law Review, có rất nhiều nhà xuất bản đặt ông viết hồi ký giới thiệu về bản thân. Ông nhận lời, trong mấy năm đã viết bản thảo cuốn “Giấc mơ từ người cha”, nói về quãng đường đời của cha, nhưng thực chất là viết về quãng đường đời của mình.
Mẹ Obama đã chịu đựng biết bao khó nhọc, với sự giúp đỡ của ông bà ngoại nuôi con khôn lớn, đem đến cho Obama nền giáo dục tốt nhất. Bà luôn sống vui vẻ lạc quan, có nhiều cống hiến đối với xã hội, đạt được nhiều thành công hơn Obama cha. Tuy Obama không viết cuốn hồi ký “Giấc mơ từ người mẹ” nhưng mẹ Obama là người hiểu con trai mình: Obama là người da màu, mang dòng máu lai châu Phi; là một chính trị gia, con trai bà không có sự lựa chọn nào khác, cần phải hòa nhập vào cộng đồng người da đen, cuốn hồi ký “Giấc mơ từ người cha” phục vụ mục đích chính trị đó. Obama đã làm được, và hơn thế đã làm rất thành công.
Mẹ Obama không bao giờ than phiền gì về con trai, ngược lại còn tranh thủ thời gian sửa bản thảo cho ông và bổ sung thêm nhiều tư liệu quý giá. Bà đúng là một người mẹ vĩ đại.
Bà Ann đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc đề cao quyền lợi và vị trí của phụ nữ Indonesia, nhân quyền của người Indonesia cũng như chế độ phúc lợi của người dân nơi đây. Bà là một phụ nữ vĩ đại, có tinh thần cống hiến không mệt mỏi.
Tuy cuộc sống vất vả, mệt mỏi nhưng bà Ann không bao giờ quên nhiệm vụ dạy bảo cô con gái Maya.
Maya là người thân sống lâu nhất bên bà. Một mình bà Ann đã nuôi Maya khôn lớn. Maya không làm mẹ thất vọng, cô tốt nghiệp Đại học Hawaii và sau đó giành được học vị tiến sỹ, sau này trở thành giảng viên. Cô lấy một vị giáo sư người Mỹ gốc Hoa giảng dạy tại Đại học Hawaii. Gia đình cô sống hạnh phúc. Obama cũng có gia đình và người vợ thân yêu của mình. Các con bà Ann không phải trải qua cuộc sống như bà năm nào.
Sống và làm việc gần mẹ nên Maya thường xuyên đến thăm bà Ann. Khi ấy Obama ở xa, lại đang chuẩn bị tranh cử chức Thượng nghị sỹ bang Illinois, đây là con bài đầu tiên để ông đặt chân vào chính trường, vì thế Obama ít có điều kiện quan tâm đến mẹ.
Đầu năm 1995, khi bà Ann quay về Hawaii, Obama nghĩ rằng vẫn còn thời gian nên chưa thu xếp đi thăm mẹ. Ông chỉ gọi điện dặn dò em gái thay mình chăm sóc mẹ chu đáo. Nhưng Thượng đế không cho ông thêm cơ hội và rồi từ lúc mẹ quay về Hawaii đến khi qua đời, Obama không đi thăm bà lần nào, điều này khiến ông áy náy suốt đời và cũng là cái cớ để đối thủ chỉ trích.
Sau này, Obama, em gái cũng như ông bà ngoại theo di nguyện, rắc tro bà Ann xuống Thái Bình dương.
Tháng 1/1997, đây là thời điểm lạnh nhất trong năm tại bang Illinois, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, phủ đầy các cành cây khẳng khiu, khô khốc nhưng trong lòng Obama lại ấm nóng, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng nghị sỹ bang Illinois. Sau khi tuyên thệ nhậm chức trong tháng 1, ông dành hết thời gian cho công việc của mình. Lúc ấy ông sống chủ yếu ở Spingfield bang Illinois.
Obama tự biết quan hệ xã hội của mình còn yếu, tuy không có kẻ thù nhưng bạn bè cũng khá ít. Muốn phát triển tốt trong giới chính trị cần có nhiều thời gian và công sức xây dựng quan hệ xã hội.
Thời gian sống ở đó, sáng nào Obama cũng chơi bóng rổ với các đồng nghiệp từ lúc 6h30, ngoài ra còn dành thời gian chơi bài với các Thượng nghị sỹ của các Đảng khác và học chơi golf.
Obama có khả năng nhớ tên và mọi việc rất tốt. Ông rèn luyện trí nhớ với mục đích không để ai thất vọng vì mình. Ông đã làm tất cả những việc mình muốn làm và có thể làm.
Tại Thượng viện bang, Obama đã chủ động tìm gặp người đứng đầu Đảng Cộng hòa – khi ấy là Đảng chiếm đa số, đề nghị giao việc cho mình. Hồi đó Obama là một Thượng nghị sỹ mới, ít tuổi, lại thuộc về Đảng Dân chủ chiếm thiểu số, nhưng Obama cho rằng chỉ cần cố gắng thì trong bất cứ tình huống nào cũng sẽ gặt hái được thành công.
Thật hiếm thấy có chính khách nào yêu cầu được giao việc như Obama. Ông làm Chủ tịch Ban Phúc lợi và sức khỏe cộng đồng bang. Đầu tiên, Obama quán triệt thực hiện chính sách cải cách phúc lợi xã hội liên bang ban hành năm 1996.
Obama rất thành công, ở một vị trí hết sức bình thường ông đã biến mình thành người quan trọng, có ảnh hưởng lớn. Sau đó ông đã đệ trình dự án yêu cầu chính quyền bang và các cơ quan nghiên cứu san sẻ dữ liệu thống kê có liên quan tới các dự án phúc lợi. Điều này bị rất nhiều bang cấm nhưng cuối cùng dự án lại được thông qua ở bang Illinois, trở thành luật và được đưa vào Hiến pháp bang.
Obama đã giành được sự ủng hộ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về việc chấn hưng đạo đức và cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ông cũng đứng ra bảo trợ luật tăng mức tín dụng cho công nhân lợi tức thấp, đưa ra đề án cải tổ phúc lợi và tăng các khoản trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em.
Obama đã từng bước vững chắc xây dựng con đường chính trị của mình như thế.
3. Nếm mùi thất bại nhưng không gục ngã
Obama là người muốn gì là làm bằng được, ông luôn có trách nhiệm với những công việc của mình; đồng thời không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc hoặc thay đổi vì ý kiến của người khác hay theo yêu cầu chính trị. Đây là lời nhận xét của những nhân viên dưới quyền khi nói về ông. Thông thường, nếu chính khách không làm giao dịch chính trị thì không thể trở thành chính trị gia thành công được, thậm chí không thể trở thành chính trị gia, nhưng Obama là người khác biệt.
Obama là một chính trị gia xuất sắc, biết lắng nghe các ý kiến khác nhưng vẫn kiên trì giá trị quan của bản thân. Obama làm việc gì cũng chu đáo, vẹn toàn. Đó chính là thói quen làm việc đã được Obama rèn luyện.
Obama thường nói mình có khả năng tự giải quyết vấn đề, đồng thời cũng biết giải quyết vấn đề thông qua thương lượng, chính vì thế có người đã cố tình làm khó ông. Trong một lần phỏng vấn họ đã hỏi: “Nạo phá thai là vấn đề gây tranh cãi lớn hiện nay. Có người ủng hộ việc hợp pháp hóa nạo phá thai, nhưng có người lại phản đối với vô vàn lý do. Liệu có thể giải quyết được vấn đề này thông qua thương lượng hay không?”
“Với những vấn đề gây tranh cãi, có vấn đề sẽ tìm ra được cách giải quyết nhanh chóng, nhưng cũng có những vấn đề rất khó bàn bạc. Giống như vấn đề nạo thai, rất khó có được ý kiến chung. Nhưng, cho dù là vấn đề nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ tìm được những điểm chung mà các bên cùng quan tâm”. Obama trả lời.
“Chẳng hạn, chúng ta có thể tập trung nhiều vào vấn đề làm sao để giảm bớt những rủi ro cho phụ nữ mang thai”. Ông bổ sung như vậy. Obama luôn nhấn mạnh vào giải quyết vấn đề chứ không phải là tranh cãi vấn đề.
Không những thế, Obama là người sống rất trong sạch, liêm khiết, ông không bao giờ nhận bất cứ “ân huệ” nào của ai. Người Mỹ hay có thói quen mời rượu nhau tại các quán bar, nhưng ông thì không, chỉ nhận nhiều nhất là một lon coca mà thôi. Ông hầu như không có kẻ thù, và cũng không có thói hư tật xấu hay khúc mắc kinh tế nào để đối thủ nắm bắt.
Năm 2000, Obama quyết định tham gia tranh cử Hạ nghị sỹ liên bang. Muốn vậy phải có được sự ủng hộ của đa số cử tri của bang. Khi tranh cử Thượng nghị sỹ bang, Obama chỉ cần có được sự ủng hộ của hạt mình đại diện là đủ. Khi ấy và ở nơi ấy ông cũng được nhiều người biết đến, lại không có đối thủ mạnh hơn nên mọi việc diễn ra dễ dàng và thuận lợi. Nhưng ngoài bang Illinois thì rất ít người biết Obama là ai. Chính vì vậy ông cần phải có đủ kinh phí tranh cử để quảng cáo, tuyên truyền, giới thiệu về bản thân.
Năm 1998, Obama tái đắc cử vào Thượng viện bang Illinois. Ông làm việc ở bang được ba năm và giành được nhiều thành công, nhưng việc kêu gọi kinh phí tranh cử thì chưa có hiệu quả cao.
Năm 2000, Obama thất bại khi tranh cử vào Hạ viện liên bang. Ông đối đầu với Hạ nghị sỹ liên bang đương nhiệm Bobby Rush, người của Đảng Dân chủ với cách biệt 1 – 2. Nội bộ Đảng cũng có nhiều ý kiến đối đầu với Bobby Rush nên có người khuyến khích Obama tranh cử cùng Booby Rush. Tuy vậy, cũng có nhiều chính khách “lão làng” khuyên Obama không nên mạo hiểm, vì Rush không phải là đối thủ “nhẹ ký”. Rush cũng là người da đen, ông ấy không chỉ chiếm ưu thế hơn Obama về kinh nghiệm chính trị mà còn có được nhiều ủng hộ từ cộng đồng người da đen. So với Rush thì Obama hầu như chẳng có ưu thế nào. Nhưng Obama không nhìn nhận vấn đề theo cách đó, ông nghĩ mình phải thử hành động.
Lúc đó Obama không có danh tiếng gì, lại không có kinh nghiệm tranh cử, nhất là trong phạm vi toàn bang. Hơn nữa, ông cũng không có nhiều quan hệ xã hội.
Lần tranh cử ấy, Obama đã làm hết sức mình nhưng chỉ huy động được 530 ngàn đô la Mỹ kinh phí tranh cử. Với số tiền ấy thì làm quảng cáo trên ti vi cũng không đủ. Cuối cùng, Obama không giành được ủng hộ trong nội bộ Đảng và thất bại.
Thất bại này giúp Obama nhận thấy giá trị của tiền bạc và học được nhiều kinh nghiệm để sau này huy động được nhiều kinh phí tranh cử hơn. Đây là một lần rèn luyện thực tế khá hay.
Lần thất bại này dường như đã khiến Obama thay đổi mơ ước trở thành một chính trị gia. Đây là một lựa chọn khó khăn đối với Obama. Nếu chỉ muốn sống yên ổn qua ngày thì ông có thừa điều kiện và tư cách, không những thế còn sống sung túc. Mức lương vài triệu đô la Mỹ một năm đối với Obama chỉ là vấn đề thời gian. Làm một nhà chính trị thì ông được gì? Một mức lương bình thường, lại phải chạy vạy khắp nơi “cầu cạnh” cử tri bỏ phiếu cho mình. Lần thất bại này đánh rất nặng vào tâm lí và kinh tế của Obama. Tổn thất lớn nên nhất thời Obama thấy sa sút ý chí.
Một phóng viên phụ trách mục chính trị ở Chicago đã phải lên tiếng trên đài truyền hình bang Illinois: “Có phải là Obama đã chết?”
“Em yêu, theo em, anh phải làm gì bây giờ?”. Bế tắc, Obama đã hỏi vợ mình như thế.
“Anh yêu, ai nói gì đối với anh không quan trọng, trên thực tế, so sánh thiệt hơn không phải là một biện pháp thông minh”. Vợ ông đã trả lời như vậy. Bà cảm thấy Obama phần nào bị mất tự tin.
“Ý em nói là?”
“Em muốn nói là anh nên tự hỏi mình, hãy nghe theo trực giác của mình. Nếu vẫn muốn làm một nhà chính trị thì anh không nên gục ngã bởi lần thất bại này. Thắng thua là chuyện thường tình. Một lần thất bại không thể nói rõ được điều gì. Anh cần phải tin tưởng vào trực giác của mình. Mọi người không thể nói cho anh biết anh phải làm thế nào và phải làm gì. Họ cũng không có quyền đó”.
Obama hiểu ý vợ, bà muốn ông làm những việc mình thích. Chỉ có đam mê mới tạo ra được kỳ tích, chỉ có làm công việc mình thích thì cuộc sống mới có giá trị.
Cuộc đời nhiều khi rất khó có thể phân định rõ cách nào là hay. Sự so sánh không có nhiều ý nghĩa. Khi ai đó dùng hết sức mình theo đuổi mục tiêu người khác đang theo đuổi hoặc đã đạt được thì có thể người ấy sẽ đánh mất phương hướng cuộc đời mình. Mỗi người cần phải tìm được giá trị cuộc sống của riêng mình.
Ý nghĩa cuộc sống là gì? Đầu tiên là sự sinh tồn, đó là điều cơ bản nhất. Sau đó mới đến việc theo đuổi giá trị nào đó, có thể là giá trị xã hội hoặc giá trị tự nhiên, nhưng điều quan trọng là phải làm cho mình hạnh phúc, thích thú, bằng lòng trả mọi giá vì điều đó.
Obama là người hết sức thông minh, luôn biết đúc rút kinh nghiệm qua thành công và có được nhiều bài học từ thất bại.
Phải nói là trên thế giới này có rất nhiều người thông minh và họ cũng được ông trời dành cho rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đa số họ trở nên nông nổi trước thành công và sa sút ý chí khi bị thất bại, cuối cùng lãng phí những gì được ông trời ưu ái. Ít người trong số họ mạnh mẽ thực sự, không kiêu ngạo khi chiến thắng, không nhụt chí khi thất bại và họ đạt được thành công. Obama là người thuộc thiểu số này.
Obama là một chính trị gia thực sự. Sau một khoảng thời gian suy sụp ông đã đứng dậy được. Qua lần thất bại này, Obama có nhiều kinh nghiệm và kiên cường hơn.
Obama trúng cử chức Thượng nghị sỹ bang Illinois hai nhiệm kỳ liền với tổng thời gian là 8 năm. Tháng 3 năm 2000, ông bị thất bại ngay từ cuộc bầu cử trong nội bộ Đảng để tham gia tranh cử Hạ nghị sỹ liên bang, lúc này ông mới đang là Thượng nghị sỹ bang nhiệm kỳ đầu tiên, kinh nghiệm làm chính trị chỉ hơn ba năm.
Học vị tiến sỹ luật của Obama tại Đại học Harvard đã giúp ích ông rất nhiều. Sau khi trúng cử Thượng nghị sỹ liên bang không lâu, nhà chính trị học của Đại học Harvard, Robert Putnam đã mời Obama tham gia vào Saguaro Seminar. Đây là tổ chức có tính toàn quốc do những nhà chính trị danh tiếng, có tiền đồ và những nhà nghiên cứu chính trị học sáng lập. Họ thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận về các chủ đề chính trị. Đây là cơ hội để Obama làm quen với lý luận và thực tế chính trị. Những điều này có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp phát triển của Obama sau này.
Obama là người thẳng thắn, không bao giờ giấu giếm hoài bão chính trị của mình. Ông đã bộc lộ “tâm nguyện chính trị” của mình trong khi tranh luận và gây chú ý cho khá nhiều chính trị gia khác.
Tính quan trọng của việc tranh cử công chức và làm một chính trị gia luôn là đề tài được Obama nhắc đến. Lần đầu tiên họp, mọi người gọi đùa Obama là “Thị trưởng”, đến lần họp thứ hai, thứ ba thì có người hỏi ông bao giờ tranh cử chức Tổng thống.
Obama cũng dành rất nhiều thời gian và công sức để thiết lập quan hệ. Ông đã nhiều lần tìm thầy học hỏi, trong đó có Emil Jones của Đảng Dân chủ, người sau này trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong Thượng viện bang Illinois. Dưới sự chỉ bảo của Jones, Obama đã đảm nhiệm việc đổi mới một số vấn đề như phúc lợi xã hội, hỗ trợ tài chính cho tranh cử và cải tạo phạm nhân… Những công việc này đã đem đến cho Obama cơ hội lập được thành tích trên vũ đài chính trị.
Một bậc thầy trong giới chính trị đã đánh giá Obama là người khác hẳn mọi người. Dường như Obama có một bản lĩnh đặc biệt khiến mọi người phải chú tâm suy nghĩ về những chủ đề mà ông nêu ra. Nói cách khác, ông biết cách đề cập đến những vấn đề mình cho là quan trọng và tạo cho những người có quyền quyết định cảm thấy những vấn đề này chính là quan trọng đối với mình. Obama biết cách tìm ra những chủ đề khiến mọi người ưa thích và đưa chủ đề ấy đến thành công.
Hoài bão của Obama thật lớn và rõ ràng. Thượng nghị sỹ bang Illinois không phải là một chức vụ lớn, trên khắp nước Mỹ có hàng trăm Thượng nghị sỹ bang như vậy, không có ai ở vị trí này công khai đánh giá về chuyện quốc gia đại sự. Có người từng châm chọc: “Với hoài bão lớn của anh chàng này, nếu bạn cho anh ta cơ hội, chắc chắn anh ta sẽ muốn làm vua của thế giới”.
Trong giai đoạn này, có lẽ Obama đã gặp quá nhiều may mắn nên ông khó có thể là người dễ dàng vượt qua được thất bại. Tuy nhiên, rốt cuộc ông đã đứng dậy được, đủ khả năng đối mặt với cơ hội mới.
Mọi người quan tâm tới việc Obama tranh cử Tổng thống Mỹ vì ông là người da màu, và là một người da màu thành công rất nhanh. Trong lịch sử cũng đã có không ít chính trị gia là người da đen, nhưng đa số họ đều tránh không tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ. Họ cho rằng đây “không phải là việc dễ chơi”.
Lật lại lịch sử Mỹ cho thấy, người da đen bắt đầu tham gia vào công việc chính trị từ cuối những năm 60 của thế kỷ 18. Đến ngày 1/1/1863, Tổng thống Lincohn đặt tay ký vào “Tuyên ngôn giải phóng nô lệ da đen” thì người da đen mới có được quyền công dân, quyền bình đẳng trên nước Mỹ.
Năm 1866, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua “dự luật về quyền công dân”. Luật này quy định, ngoài một số người Indian ra, bất cứ người nào, kể cả người da đen, chỉ cần sinh ra trên đất Mỹ thì đều được coi là công dân Mỹ, được hưởng mọi quyền lợi như những công dân Mỹ khác.
Đến năm 1870, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ xuất hiện một số Thượng nghị sỹ liên bang là người da đen.
Tổng thống Lincohn đã trở thành người giải phóng cho nô lệ da đen và là anh hùng của người da đen. Chính vì vậy, hầu như toàn bộ người da đen đều ủng hộ Đảng Cộng hòa, Đảng mà Lincohn đại diện. Đến năm 1932, khi Roosevelt giữ chức Tổng thống Mỹ thì hầu như người dân da đen lại chuyển từ Đảng Cộng hòa sang Đảng Dân chủ. Đây là một hiện tượng thú vị.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.