Bí Quyết Thành Công Của Obama
LỜI MỞ ĐẦU
Mơ ước chính là mầm gieo của hy vọng.
Ông là người kiệt xuất, tạo ra nhiều “lần đầu tiên” trong lịch sử nước Mỹ.
Ông là một câu đố, làm mê hoặc bao nhiêu phần tử trí thức trẻ người Mỹ da trắng.
Ông là người da đen, nhưng lại không phải là người Mỹ da đen truyền thống.
Ông muốn làm Tổng thống, vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Con người tài giỏi này mang trong mình dòng máu lai năm nay 47 tuổi, tên là Barack Hussien Obama.
Điểm bắt đầu không bình thường
Điểm bắt đầu không bình thường luôn dẫn đến một kết thúc không bình thường.
Tuổi thơ gian truân sẽ tôi luyện được ý chí con người và tạo ra một nhân vật giỏi giang.
Cuộc đời của Barack Obama đã chứng minh điều này.
Barack Hussien Obama sinh ngày 4/8/1961 tại Trung tâm Y tế Kapionlani ở Honolulu, Hawaii, Mỹ. Ông là con trai của Barack Obama, một công dân Kenya da đen, và Ann Dunham, một phụ nữ da trắng đến từ Wichita, Kansas.
Hồi ấy, nạn chia rẽ chủng tộc vẫn còn diễn ra hợp pháp ở rất nhiều bang trên nước Mỹ nên việc kết hôn giữa người da trắng và người da đen bị cấm. Ngày ấy, người da đen chỉ là công dân loại hai, ngay cả quyền lợi chính trị cơ bản nhất cũng không có. Bà Ann, mẹ B. Obama mới 18 tuổi, lúc đó là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, và Obama cha 25 tuổi. Hai người học cùng nhau tại Đại học Hawaii. Cũng thời đó, việc nạo phá thai bị cho là bất hợp pháp nên cha mẹ ông phải cưới nhau khi “mọi chuyện đã rồi”.
Ông ngoại Obama biết cô con gái 18 tuổi của mình là người mạnh dạn, ương bướng, ông muốn con gái theo học tại trường Đại học Chicago danh tiếng. Còn bà ngoại thì lại muốn con gái học ở Đại học Hawaii gần nhà để dễ quản lý. Thế nhưng vẫn xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Hồi trung học mẹ ông không yêu đương, cũng không chơi với bạn trai, thường nói là không lấy chồng và giương cao chủ nghĩa nữ quyền. Nhưng một tháng sau khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học thì bà biết yêu, bà yêu đúng người đàn ông đào hoa đa tình là Obama cha. Không lâu sau, hai người dọn đến sống chung, rồi bà có thai và một đám cưới vội vàng diễn ra. Mọi việc xảy ra khiến ông bà ngoại chỉ biết thở dài buồn bã.
Năm Obama 1 tuổi thì bị cha bỏ rơi, mẹ ông lúc ấy mới 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai, lóng ngóng chăm con. Mẹ ông là người theo chủ nghĩa lý tưởng, cố chấp, ương ngạnh, việc bà đem lòng yêu người da đen và người gốc châu Á thì không ai lý giải nổi. Đây có lẽ cũng là yếu tố khiến cho nhiều phụ nữ da trắng mê Obama.
Để thực hiện mơ ước của mình, mấy năm sau mẹ ông lại yêu và lấy một lưu học sinh người Indonesia. Bà đã đưa Obama sang Indonesia sinh sống khi Obama tròn 5 tuổi. Đây là đất nước Hồi giáo nên đa số người dân nơi đây đều theo đạo Hồi. Obama chỉ sống ở Indonesia vẻn vẹn 4 năm, trong 4 năm đó, ông là một tín đồ đạo Hồi nhỏ tuổi. Tuy đó là mong muốn của cha mẹ nhưng điều đó sau này lại gây khá nhiều phiền hà cho Obama.
Cha là người da đen nên Obama được thừa hưởng màu da đen của cha; khi còn nhỏ ông bị trêu chọc là “khác loài”, bị mọi người lạnh nhạt. Obama lớn lên trên mảnh đất của người gốc Á, trưởng thành trong vòng tay của người da trắng nhưng lại không phải là người da trắng, cũng không phải là người gốc Á. Ông không tìm thấy bản quán của mình, cũng không có được sự chấp nhận của mọi người.
Khi bắt đầu hiểu chuyện đời, Obama thấy áp lực, tương lai mù mịt, không biết nên làm thế nào. Từ năm lên 10 tuổi, ông hầu như lớn lên trong vòng tay che chở của ông bà ngoại, “không cha không mẹ”. Có thể thấy rằng tâm hồn trẻ thơ của ông quá cô độc.
Obama có ngoại hình của người da đen, não bộ có chứa gen di truyền tinh túy của người da đen và người da trắng; ông sống và lớn lên trong gia đình người da trắng, được nhận sự giáo dục của người da trắng, nhưng người da trắng lại khó có thể chấp nhận ông. Vẻ bề ngoài của Obama khiến mọi người không dám và cũng không muốn tin tưởng, tín nhiệm ông.
Người da đen từ chối ông vì ông chỉ có cái “vỏ bọc” giống họ. Văn hóa khác nhau, nhưng lại cùng chung dòng máu. Người Mỹ da đen ngày nay là cháu chắt của những người da đen nô lệ được giải phóng năm nào, còn Obama thì khác, ông là người ngoài cuộc.
Cho đến khi tốt nghiệp Đại học Colombia, Obama cũng không biết được đâu là nhà mình. Tấm bằng đại học loại giỏi kèm theo thành tích học xuất sắc cũng không thể đem tới cho ông một công việc với mức lương hấp dẫn. Ông thực sự cảm thấy mệt mỏi.
Rồi một ngày, ông đến Chicago, nơi ngày xưa mẹ ông muốn mà chưa đến được.
Ông đến khu người da đen ở miền Nam Chicago làm việc với đồng lương chỉ vẻn vẹn có 13.000 USD/năm. Đó là một công việc hết sức tầm thường: công tác cộng đồng. Ông quyết định phải biến mình trở thành người da đen, một người Mỹ da đen thực thụ. Hòa mình vào tập thể, Obama tìm nguồn cội và một gia đình cho mình.
Tại đó ông đã chính thức theo đạo, trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo và làm bạn với nhiều người da đen. Bắt đầu từ gốc, phát triển từ cơ sở. Khi ấy, Obama thực sự không biết mình làm vậy sau này sẽ được những gì, cũng không ngờ là 10 năm sau sự nghiệp lại phát triển, nhưng khi đó trong lòng ông thấy thanh thản, vì ông đã có được cảm giác về gia đình.
Sự thay đổi này đã tạo ra thành công của ông, chính gốc rễ đã nâng đỡ ông như ngày hôm nay.
Con đường đi có gian khó, có vất vả nhưng cũng có niềm vui.
Hai năm sau, vì lý tưởng, hoài bão, Obama theo học chuyên ngành Luật tại Học viện Luật của Đại học Harvard. Bằng trí thông minh, tinh thần chăm chỉ và khả năng lãnh đạo của mình, Obama trở thành một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất. Ông trở thành Chủ tịch tạp chí Harvard Law Review danh tiếng lẫy lừng, là vị Chủ tịch da đen đầu tiên trong lịch sử.
Ở nước Mỹ, luật sư là những trí thức tài giỏi, có nhiều điều kiện thuận lợi để hành nghề luật hoặc phát triển theo nghiệp chính trị. Những chế độ đãi ngộ cao, công việc tốt, đồng lương hấp dẫn đang chờ đợi họ. Riêng Obama lại lưu luyến gia đình, nguồn cội của mình. Ông lựa chọn quay về Chicago, quay về khu người da đen ở miền Nam Chicago, nơi có gia đình, nơi tâm hồn ông nương náu.
Chỉ trong vài năm, từ một người bình thường, Obama đã trở thành ứng cử viên có hy vọng nhất cho vị trí Tổng thống Mỹ. Ông đã tạo ra quá nhiều kỳ tích trong lịch sử nước Mỹ, cuối cùng trở thành vị Tổng thống Mỹ người da đen đầu tiên trong lịch sử.
Ông trúng cử vị trí Tổng thống năm 47 tuổi.
Ông bà ngoại là người nuôi dưỡng Obama, dành cho ông sự giáo dục tốt nhất. Nhưng lúc thành công nhất, lúc giành sự ủng hộ của người da trắng cho vị trí Tổng thống Mỹ thì Obama lại không đồng ý nói về ông bà ngoại mình, còn bà nội kế ở mãi tận Kenya xa xôi, lần đầu tiên ông gặp sau khi đã công thành danh toại, lại trở thành nhân vật được nhắc nhiều trên truyền thông đại chúng.
Bà nội kế chỉ là bà mẹ kế của người cha đã bỏ mẹ con Obama lúc ông tròn 1 tuổi rồi qua đời trong quẫn bách. Bà nội kế là vợ thứ ba của ông nội Obama. Hành động này là gì? Là nhu cầu tình cảm hay sự đòi hỏi của lợi ích chính trị?
Mầm gieo mơ ước:
Nơi nào có mơ ước thì nơi ấy mới có hy vọng.
Người có lý tưởng thì mới tạo ra được nhiều kỳ tích.
Cha của Obama đến từ đất nước Kenya, thuộc khu vực miền Trung châu Phi. Từ hàng nghìn năm nay, tổ tiên Obama đời đời sống trên mảnh đất này, nhưng họ bị những kẻ thực dân tước đoạt mọi quyền lợi chính trị. Tại châu Phi, cái nôi của nhân loại, quê hương đến nay vẫn còn xa lạ đối với Obama, tổ tiên ông bị tước đoạt cả quyền được mơ ước.
Lịch sử cận đại của quê hương ông là những trang lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt vì bị chà đạp bởi những thực dân người Anh. Đối với cụ kỵ ông thì mãi đến khi cha ông lên 8 tuổi, tức là khi Thế chiến lần thứ hai kết thúc, Phát xít tuyên bố đầu hàng vô điều kiện năm 1944, người dân của quê hương ông mới biết mơ ước và tìm mơ ước trên mảnh đất của mình. Lần đầu tiên người da đen có quyền tham dự vào chính trị.
Trong mắt những kẻ thực dân đã xâm chiếm châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và toàn thế giới bằng súng ống đạn dược, người dân bản địa ngoài việc phục tùng và bị tước đoạt quyền lợi thì không có sự lựa chọn nào khác.
Nền văn minh mấy ngàn năm khi đối mặt với súng ống hiện đại hóa chỉ còn máu tươi và mất mát, nghèo đói và bị chiếm đoạt. Không có quyền mơ ước, ngay cả quyền sinh tồn cơ bản nhất cũng bị tước mất.
Vào đầu thế kỷ 19, những người da đen châu Phi bị những kẻ thực dân da trắng biến thành nô lệ và bị bán đi khắp các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Bắc Mỹ… Tổ tiên của Obama là những người nô lệ da đen châu Phi may mắn không bị bán ra khỏi lục địa của mình.
Hiểu rằng theo học văn minh hiện đại của những kẻ thực dân, nâng cao nền văn minh truyền thống của mình là sự lựa chọn duy nhất để dân tộc tồn tại và phát triển, ông nội Obama đã cho con cái mình theo học tại những trường dòng của thực dân, học tiếng Anh, trau dồi thêm kiến thức mới.
Nền văn minh hiện đại đã khơi dậy mơ ước chôn giấu bấy lâu trong lòng họ, những mơ ước mà hàng ngàn năm nay tổ tiên họ bị tước đoạt, và rồi Obama cha trở thành thế hệ đầu tiên được quyền mơ ước và thực hiện mơ ước.
Cha Obama được sang Mỹ du học, được đưa đến mảnh đất đầy mơ ước. Mục đích sang Mỹ của Obama là tiếp cận nền giáo dục văn minh hiện đại nhất, học thành tài sẽ quay về phục vụ đất nước, góp công sức đưa đất nước thoát khỏi sự nghèo đói, thực hiện lý tưởng của nhân dân.
Người dân Kenya có một tập tục truyền thống luôn tin linh hồn của con người là bất tử, tên của tổ tiên đức cao vọng trọng sẽ được truyền nối mãi mãi, hy vọng con cháu sẽ gìn giữ được tốt hơn những tinh hoa cha ông để lại. Đó là căn nguyên của cái tên Obama cha.
Obama ông bất ngờ vì trên mảnh đất Mỹ xa xôi ấy lại có một mầm sống khác loài của người da đen Kenya bản địa kết hợp với người da trắng. Cái mầm ấy có một cái tên rất lạ là Barack Hussien Obama.
Cuộc hôn nhân không bình thường đã đem đến cho Obama một cuộc sống không bình thường. Chính tấm lòng bao dung, độ lượng của ông bà ngoại đã nuôi Obama lớn khôn, trải qua tuổi thơ gian khó mà không để lại vết thương lòng nào. Ông bà ngoại đã dành cho Obama một nền giáo dục tốt nhất, cuộc đời ông không bị hủy hoại bởi tuổi thơ cô đơn, hoang mang.
Obama may mắn vì có được tình yêu của ông bà ngoại, may mắn vì được sinh ra trên mảnh đất Mỹ.
Nhưng Obama cũng bất hạnh vì ông mang dòng máu da màu, là thế hệ sau của người da đen gốc Kenya.
Dường như Obama chưa biết thế nào là tình yêu của người cha dành cho con, dù khao khát. Tình yêu của mẹ dành cho Obama cũng ít, vì người mẹ ấy giàu mơ ước, thích theo đuổi mơ ước và chẳng hề nghĩ đến những hậu quả.
Mơ ước đã nâng đỡ Obama đi qua những ngày đen tối nhất của cuộc đời.
Từ nhỏ Obama đã thích chơi bóng rổ và chơi khá tốt. Ông làm quen được với vài người bạn có cùng sở thích, tuy nhiên trong lòng luôn cô đơn, nhiều áp lực, tự ti. Obama không biết tại sao mình lại khác biệt với mọi người xung quanh, cũng không thể hiểu tại sao ít người có chung màu da với mình như vậy. Obama kiên trì chơi với những người bạn nước ngoài, vì chỉ như vậy ông mới thấy tự tin và được an ủi.
Bắt đầu từ Đại học Colombia, Obama gắng sức học hành, muốn kiến thức chiếm hết đầu óc mình.
Nhưng Obama vẫn cảm thấy hoang mang, không biết phải làm thế nào.
Nhưng chuyện ấy không hủy hoại được mơ ước ngày càng cháy bỏng trong lòng Obama.
Giờ đây, Obama ở vị trí Tổng thống, vị trí quyền lực cao nhất của nước Mỹ. Ông tin rằng mình có đủ khả năng để nắm giữ quyền lực này.
Obama ý thức mình là một công dân Mỹ, mọi công dân Mỹ đều có quyền được sinh sống, hạnh phúc và theo đuổi hạnh phúc như nhau. Họ không khác nhau, không phải chịu sự khinh miệt bởi màu da khác nhau.
Ông là phần tử trí thức được nhận sự giáo dục tốt nhất.
Văn hóa và kiến thức đã phân chia đẳng cấp giữa người với người.
Cuốn sách này sẽ nói cho bạn biết con người thực của Obama là gì.
Tạo ra những kỳ tích:
Kỳ tích do chính mình tạo ra, với điều kiện là bạn dám làm.
Cơ hội nằm trong tay bạn, nếu bạn có quyết tâm thực hiện, bạn sẽ thành công.
Obama tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với thành tích học tập xuất sắc nhưng lại không tìm được việc làm tốt; bắt đầu từ công việc tầm thường, đồng lương thấp, nhưng sau vài năm Obama đã trở thành ngôi sao chính trị nổi tiếng.
Làm chính trị mười năm, trong đó làm Thượng nghị sỹ liên bang hai năm, xếp hàng thứ 98 trong 100 vị Thượng nghị sỹ, Obama từng tự giễu mình “chỉ đủ tư cách gọt bút chì trong quốc hội” vì bất cứ điều gì ở đó đều khiến ông lạ lùng, đến mức không biết toa lét được đặt ở đâu. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, từ một nhân vật nhỏ bé, Obama đã trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng thống của Đảng Dân chủ. Kỳ tích này lẽ nào chỉ xảy ra trên đất Mỹ?
Mọi người thường nói thời thế tạo anh hùng.
Và cơ hội chỉ đến với những người đã chuẩn bị sẵn sàng.
Nhưng hơn thế, anh hùng tạo ra thời thế.
Cuộc đời và sự nghiệp của Obama đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng, chỉ khi nào cả ba điều trên kết hợp với nhau thì mới tạo ra kỳ tích lịch sử.
Cơ hội luôn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Với rất nhiều ví dụ xuất hiện bằng những hình thức khác nhau, cuốn sách này sẽ gợi mở cho bạn biết phải tìm kiếm, nắm bắt cơ hội thế nào và tiến trình để tạo nên kỳ tích.
Điểm khác biệt của Obama là ở chỗ, ông nhìn thấy được cơ hội mà người khác không thấy.
Quan trọng hơn, ông biết tự tạo ra cơ hội cho mình.
Ông biết tận dụng trí tuệ của mình để tận dụng, phát huy đến cực điểm cơ hội ấy.
Ở điểm này ông hoàn toàn khác biệt với Obama cha và mẹ mình.
Suy xét kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy con đường thành công của những người nổi tiếng đều có những điểm chung như vậy.
Người thành công là người biết vận dụng những biện pháp khác hẳn với mọi người, cộng thêm trải nghiệm và lòng can đảm, họ mới có được kết quả khác biệt.
Regan đã làm được điều đó, ông vốn là một diễn viên điện ảnh có trình độ học vấn bình thường.
Bill Clinton cũng làm được điều đó, những năm đầu của cuộc đời ông được viết bởi hai chữ khó khăn và gian khổ.
Hilarry Clinton cũng muốn làm được điều ấy, nhưng đáng tiếc là bà đã gặp phải đối thủ đáng gờm là Barack Hussien Obama.
Bà chỉ còn biết thở dài và than: “Trời đã sinh ra Hillary sao còn sinh ra Obama?”
Barack Hussien Obama đã tạo ra kỳ tích người da đen đầu tiên làm chủ Nhà trắng Mỹ, ông còn tạo ra rất nhiều kỳ tích mới nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.