Biến Mất

CHƯƠNG 26



Jane ngồi một mình trong phòng phỏng vấn nhìn hình phản chiếu của mình và nghĩ: Cái gương một chiều quái quỷ này. Mình nghĩ mình ở sai phía rồi. Cô đã ngồi trong này cả tiếng đồng hồ, sốt ruột đến bên tấm cửa để xem có cơ hội nào thoát ra không nhưng nó lúc nào cũng khóa kín.
Tất nhiên là họ phải tách Gabriel ra khỏi cô rồi. Đấy là cách người ta vẫn làm, cô cũng đã từng làm như thế khi thẩm vấn ai đó. Nhưng mọi thứ bây giờ rất khác với tình huống cô đã trải qua. Những gã kia chẳng thèm giới thiệu gì cả, không thẻ, không bảng tên, không số. Họ chỉ là những gã mặc đồ đen, những gã bảo vệ trái đất từ bụi bẩn của vũ trụ.
Bọn họ phải mang những tù binh của mình vào tòa nhà qua một cái gara ngầm để cô khỏi nhận ra họ làm việc cho ai, cho văn phòng nào. Nhưng căn phòng thẩm vấn này thì chắc phải ở đâu đó trong thành phố Reston. – Này – Jane đi đến chỗ tấm kính và đập lên mặt nó – Các người không có quyền làm thế này với tôi.
Các người lấy điện thoại của tôi, tôi thậm chí không được gọi luật sư nữa sao? Các người có vấn đề rồi. Cô chẳng nghe thấy ai trả lời. Ngực cô lại bắt đầu đau. Lại muốn cho sữa ra rồi. Nhưng làm sao cô có thể vạch áo ra trong những tấm kính một chiều này cơ chứ. Cô đạp vào cửa kính, mạnh hơn.
Giờ thì chẳng còn cảm thấy sợ nữa vì cô biết họ là những người làm việc cho chính phủ – những người đã cướp không những giây phút quý giá của vợ chồng cô, cố đe dọa cô. Cô biết cô không làm gì sai cả, cô biết quyền của mình. Là một cảnh sát, cô đã luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người.
Vậy thì cô cũng có quyền đòi quyền lợi ấy cho mình. Qua tấm kính cô chỉ nhìn thấy hình mình phản chiếu trong đó. Tóc nâu với những lọn xoăn, cằm vuông ương ngạnh. Nhìn đi, mấy tên khốn kiếp, cô nghĩ. Dù sau tấm kính có là ai đi nữa thì các người cũng đang được trông thấy một cảnh sát đang cáu tiết và ngày càng mất kiên nhẫn đấy.
– Này! – Cô gào lên và đập vào mặt kính. Đột nhiên cửa bật mở, cô ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ bước vào phòng. Dù gương mặt bà ta còn khá trẻ, chắc chắn là chưa qua tuổi năm mươi nhưng tóc đã có nhiều sợi bạc, làm thành màu đối lập với đôi mắt. Cũng giống như những đồng nghiệp nam của mình, bà cũng mặc bộ đồ đen cứng quèo.
Đây là sự lựa chọn của một người làm việc với chức năng của đàn ông. – Thám tử Rizzoli – người đàn bà nói – Tôi rất xin lỗi bắt cô phải đợi lâu. Tôi đã cố gắng đến đây ngay khi có thể. Giao thông thành phố mà, cô biết đấy – Bà ta nói rồi đưa tay ra – Tôi rất vui vì cuối cùng cũng gặp cô.
Jane không thèm bắt tay bà ta, cô nhìn thẳng mặt bà nói: – Tôi có biết bà không? – Helen Glasser. Bộ Tư pháp. Tôi thừa nhận là cô có quyền tức giận – một lần nữa bà ta đưa tay ra cố kêu gọi một tiếng nói đồng tình qua cái bắt tay. Lần này thì Jane bắt tay bà ta, giống cái bắt tay của những người đàn ông.
– Chồng tôi đâu? – Anh ấy sẽ gặp chúng ta trên gác. Tôi muốn có cơ hội để giảng hòa với cô trước, trước khi chúng ta đi vào bàn công việc. Chuyện xảy ra tối nay chỉ là do hiểu nhầm thôi. – Chuyện xảy ra là sự vi phạm quyền của chúng tôi. Glasser chỉ tay ra cửa rồi nói: – Mời cô lên gác, chúng ta sẽ bàn về chuyện đó.
Họ đi ra hành lang để vào thang máy. Glasser nhét vào một chiếc thẻ có mã hóa rồi nhấn nút lên tầng trên cùng. Đúng kiểu lên voi xuống chó đây. Cánh cửa thang máy mở ra và họ cùng bước vào một phòng có cửa sổ rất lớn nhìn ra toàn cảnh thành phố Reston. Căn phòng chẳng có vẻ gì là một văn phòng chính phủ.
Jane thấy ghế dài cũng có chỗ để tay đều màu xám, ở giữa là tấm thảm dày nhạt nhẽo. Một chiếc bàn có bình cà phê, khay đựng cốc chén và đĩa. Trên tường trang trí mỗi một bức tranh – một bức trừu tượng với hình quả bóng màu cam nhìn chóng cả mặt. Treo cái này trong một đồn cảnh sát thì, cô nghĩ, các người chắc chắn là một tên cớm có óc lừa.
Thang máy mở ra lần nữa làm cô quay ra, thấy Gabriel bước vào. – Em không sao chứ – anh hỏi. – Chưa đến nỗi điên lên như sốc điện. Nhưng em… – cô dừng lại, nhìn người đàn ông cũng vừa bước ra khỏi thang máy phía sau Gabriel. Gương mặt người đàn ông này đã xuất hiện trong cuốn băng lúc chiều cô xem.
John Barsanti nghiêng đầu chào: – Chào thám tử Rizzoli. Jane nhìn chồng: – Anh biết chuyện gì đang diễn ra không? – Mời tất cả mọi người ngồi – Glasser bảo – Đến lúc chúng ta cần phải gỡ rối vài vấn đề rồi. Jane ngồi trên ghế dài cạnh Gabriel. Trong lúc Glasser rót cà phê và chuyển các cốc đến trước mặt mọi người, không ai nói với ai câu nào.
Sau cách đối xử họ nhận được trước đó thì đây là cách những người kia đang cầu hòa. Nhưng Jane thì không, cô sẽ không đổi cơn giận dữ trong người chỉ lấy một nụ cười và một tách cà phê. Cô không thèm nhấp môi mà đặt cốc cà phê xuống bàn mặc cho bà kia có muốn làm lành như thế nào.
– Chúng tôi được phép đặt câu hỏi chứ? Hay đây là cuộc thẩm vấn một chiều – Jane nói. – Tôi mong có thể trả lời tất cả các câu hỏi của cô. Nhưng chúng tôi phải bảo vệ một số thứ cho cuộc điều tra của mình – Glasser nói – Nó không có ý chỉ trích gì hai người cả. Chúng tôi đã kiểm tra cơ bản về cô và mật vụ Dean, cả hai người đã nói mình là nhân viên thi hành luật pháp.
– Nhưng các người không tin chúng tôi. Glasser nhìn cô bằng ánh mắt lạnh như màu tóc của bà ta. – Chúng tôi không được quyền tin bất cứ ai. Nhất là trong một vấn đề nhạy cảm. Mật vụ Barsanti và tôi đã cố gắng để giữ bí mật công việc của chúng tôi. Nhưng mỗi bước đi của chúng tôi đều bị theo dõi.
Máy tính bị đột nhập, văn phòng có kẻ lạ vào còn tôi cũng không chắc điện thoại của mình có còn an toàn không nữa. Ai đó đang cố chen vào cuộc điều tra của chúng tôi – bà ta đặt cốc cà phê xuống – Giờ tôi muốn biết anh chị đang làm gì ở đây và tại sao lại đến ngôi nhà đó.
– Có thể cùng lý do mà bà đã nghi ngờ. – Anh chị biết chuyện đã xảy ra ở đó. – Chúng tôi đã xem các file tư liệu của thám tử Wardlaw. – Anh chị đã phải đi một quãng đường rất xa. Có điều gì đáng quan tâm trong vụ Ashburn? – Sao bà không trả lời câu hỏi của chúng tôi trước – Jane bảo – Sao bộ tư pháp lại quan tâm đến cái chết của năm cô gái điếm như vậy? Glasser im lặng, khó mà đọc được những biểu hiện trên gương mặt của bà.
Bà nhấp một ngụm cà phê như kiểu câu hỏi đó không phải dành cho bà. Jane không thể không thấy thán phục bà ta vì bà ta khá điềm tĩnh, không thể hiện một ánh nhìn đặc biệt nào cho dù bị xúc phạm. Rõ ràng bà ta là người có quyền ra lệnh ở đây. – Hai người đã biết nhân dạng của các nạn nhân không được xác định – Glasser nói.
– Đúng. – Chúng tôi tin họ là những người nước ngoài không có tư liệu lưu trữ. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra xem họ đã vào nước ta bằng cách nào. Ai đã đưa họ vào đây và qua biên giới nước ta bằng đường nào. – Có phải bà đang nói cái này đều thuộc về vấn đề an ninh quốc gia – Jane hỏi, không khỏi có chút nghi ngờ trong giọng nói.
– Nó chỉ là một phần. Từ vụ 11/9 dân Mỹ thừa nhận một điều là chúng ta cần thắt chặt an ninh biên giới hơn nữa. Người ta cho rằng chúng ta phải trục xuất hết những người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng điều này gần như là không thể. Các phương tiện giao thông giữa Mexico và Mỹ luôn tấp nập như trên đường cao tốc vậy.
Hàng dặm đường bờ biển dài không được giám sát. Biên giới Canada lại hiếm khi được tuần tra. Dân buôn lậu lại biết rõ tất cả các con đường, cũng như các mánh khóe. Đưa các cô gái vào nước ta là việc đơn giản. Khi đã mang họ vào đây rồi thì việc để họ làm việc kiểu ấy không phải khó.
Glasser đặt lại cốc của mình lên bàn. Bà ngả người về phía trước, mắt đăm chiêu. – Hai người có biết có bao nhiêu người ép buộc phải làm công việc tình dục ở nước ta không? Đất nước văn minh dân chủ của chúng ta ấy? Ít nhất là năm mươi nghìn người. Đấy là tôi chưa nói đến gái điếm.
Họ đều là những nô lệ, phải làm những điều trái với ý muốn của mình. Hàng nghìn cô gái bị mang vào đất Mỹ, nơi họ sẽ biến mất, không một dấu vết. Họ trở thành những phụ nữ vô hình. Thế nhưng họ ở ngay quanh chúng ta thôi, trong thành phố lớn cũng như thành phố nhỏ. Giấu mình trong các ổ chứa, bị khóa trong những căn nhà.
Rất ít người biết đến sự tồn tại của họ. Jane nhớ đến những cửa sổ có chấn song chắc chắn và nghĩ về sự cách biệt của ngôi nhà. Nó không khác gì một nhà tù. Chính xác nó là một nhà tù. – Những cô gái này luôn lo sợ phải đối mặt với các nhà chức trách. Nhưng họ buộc phải tiếp khách – điều đó mới thực sự kinh khủng.
Thậm chí nếu một cô gái cố trốn đi, cố quay lại quê hương mình thì cô ta vẫn bị lần theo và kết cục còn tệ hơn cả cái chết – bà ta dừng lại – mọi người đã xem báo cáo khám nghiệm của nạn nhân thứ năm rồi đấy. Người già hơn ấy. – Vâng – Jane nuốt khan. – Chuyện xảy đến cho bà ta là một lời nhắn rất rõ ràng.
Làm tình với chúng tao và chúng mày sẽ kết thúc như thế này. Chúng tôi không biết bà ta đã làm gì để khiến chúng nổi giận như thế, bà ta đã biết những gì. Có thể bà ta lấy số tiền không phải của bà ta. Có thể bà ta định làm ăn trong vụ này. Rõ ràng bà ta là chủ nhà, là tú bà trong đó.
Nhưng điều đó không đủ để cứu bà ta. Bất kể bà ta đã làm điều gì sai thì bà ta cũng đã phải trả giá cho điều đó. Còn những cô gái, họ cũng phải trả giá cùng với bà ta. – Vậy các điều tra của bà không phải là vì khủng bố – Gabriel hỏi. – Khủng bố thì có liên quan gì tới những điều này chứ? – Những người nước ngoài không có tài liệu gì nói là họ đến từ vùng Đông u – có thể có mối liên hệ với nhóm Chechen lắm chứ.
– Những người phụ nữ này được đưa vào nước ta chỉ nhằm mục đích thương mại chứ không có lý do nào khác. Glasser nhướn mày nhìn Gabriel: – Ai đã có ý tưởng về khủng bố? – Nghị sĩ Conway. Thêm nữa có cả phó giám đốc cục tình báo quốc gia cũng tin như thế. – David Silver? – Anh ta bay tới Boston theo tiếng gọi của một vụ bắt con tin.
Đấy là cái mà họ tin là họ đang phải đối mặt. Đe dọa khủng bố của nhóm Chechen. Glasser cười: – Mật vụ Dean, David Silver đã quá ám ảnh bởi những tên khủng bố. Anh ta thấy họ dưới mọi chiếc cầu, trên mọi tuyến đường… – Anh ta nói chuyện này đã được cả những cơ quan cấp cao hơn quan tâm.
Chính giám đốc Wynne cử anh ta tới. – Đấy là cái giá mà mấy vị cấp cao của cục tình báo quốc gia phải trả. Là cách các ông ấy khẳng định sự tồn tại của mình. Với những người này thì tất cả đều là khủng bố, lúc nào cũng thế. – Nghị sĩ Conway cũng có vẻ để tâm đến điều này.
– Anh tin nghị sĩ? – Tôi có nên không? – Anh đã nói chuyện nhiều với Conway, đúng không – Barsanti hỏi. – Nghị sĩ nằm trong hội đồng tình báo. Chúng tôi có gặp nhau vài lần về công việc của tôi ở Bosnia. Điều tra tội ác chiến tranh. – Nhưng anh có thực sự hiểu anh ta không? – Ý bà là tôi không hiểu đúng không? – Ông ta đã làm nghị sĩ được ba nhiệm kì rồi – Glasser nói – Để có thể kéo dài được lâu như thế anh sẽ phải có rất nhiều những hợp đồng, những dàn xếp và thỏa hiệp.
Hãy cẩn thận với người mà anh tin tưởng. Đấy là tất cả những gì chúng tôi đang nói. Chúng tôi đã học được bài học ấy cách đây khá lâu rồi. – Vậy khủng bố không phải là thứ làm ông bà quan tâm ở đây đúng không – Jane hỏi. – Mối quan tâm của tôi đó là năm mươi nghìn phụ nữ đã biến mất.
Họ đang phải làm nô lệ ở đâu đó trong lãnh thổ của chúng ta. Đó là sự lạm dụng con người, họ bị bóc lột bởi những vị khách chỉ quan tâm tới vấn đề tình dục – bà ngừng lời lấy hơi – Đấy là tất cả những gì ở đây. – Cái này nghe có vẻ giống một cuộc thập tự chinh vì con người của bà.
Glasser gật đầu. – Đã gần bốn năm nay rồi. – Vậy tại sao bà lại không cứu những người phụ nữ ở Ashburn? Chắc chắn bà phải biết chuyện gì xảy ra trong ngôi nhà đó. Glasser không nói gì, thực ra thì bà cũng không phải nói. Cái nhìn khó chịu của bà đã khẳng định điều Jane dự đoán.
Jane nhìn Barsanti: – Đấy là lý do tại sao ông lại có mặt ở hiện trường vụ án nhanh đến thế. Gần như cùng thời điểm với cảnh sát. Ông cũng đã biết chuyện xảy ra ở đó. Ông phải biết. – Chúng tôi có được đầu mối vài ngày trước đấy. – Vậy mà ông không nhảy vào ngay lập tức? Ông không cứu những người phụ nữ ấy? – Chúng tôi không có trang thiết bị nghe ở đó.
Không có cách nào để theo dõi xem chuyện gì diễn ra bên trong. – Ông đã biết đó là một nhà chứa. Ông biết cả việc họ bị nhốt trong đó. – Nhưng nó nguy hiểm hơn là cô nhận thấy – Glasser bảo – nhiều hơn rất nhiều so với năm người ấy. Chúng tôi cần phải bảo vệ một cuộc điều tra có quy mô lớn hơn.
Nếu chúng tôi nhảy vào quá sớm chúng tôi sẽ dễ dàng bị lộ bí mật. – Và thế là năm người kia phải chết. – Cô nghĩ tôi không biết điều đó sao? – Glasser có vẻ khá bực tức, bà đứng dậy đến bên khung cửa sổ, quay nhìn ánh đèn thành phố – Cô có biết điều tồi tệ nhất mà nước ta đã xuất khẩu sang Nga là gì không? Một thứ mà tôi ước rằng Chúa đừng bao giờ tạo ra nó.
Nó chính là bộ phim Pretty Woman[7]. Cô biết đấy, bộ phim với diễn viên chính là Julia Roberts trong vai cô gái điếm Cinderella. Ở Nga họ rất yêu thích bộ phim này. Những cô gái xem nó rồi nghĩ: Nếu ta tới Mỹ, ta sẽ gặp Richard Gere. Anh ta sẽ lấy ta, ta sẽ giàu có và sẽ sống hạnh phúc mãi mãi.
Vậy là dù còn nghi ngờ về điều ấy, còn không chắc chắn về công việc đang chờ đợi mình ở đất Mỹ thì các cô ấy vẫn cứ cho là nếu mình đến đó được thì mình chỉ cần phải giở vài trò mánh khóe thôi thế là Richard Gere sẽ xuất hiện để cứu cô ấy. Vì thế các cô gái đáp một chuyến bay tới thành phố Mexico, từ đó sẽ đi bằng thuyền tới San Diego.
Hoặc có thể anh chàng lái xe nào đấy sẽ chở cô ấy đi qua biên giới tấp nập xe cộ. Rồi nếu cô ấy nói tiếng Anh mà lại tóc vàng nữa thì cô ấy sẽ được người ta vẫy ngay. Có đôi khi họ cũng chỉ đi qua mà thôi. Cô ấy nghĩ cô ấy sẽ sống cuộc đời của Pretty Woman. Nhưng thay vào đó cô ấy chỉ bị đem bán như một miếng thịt bò – Glasser quay lại nhìn Jane và nói – Cô có biết một tên dẫn khách có thể kiếm được bao nhiêu bởi một cô gái xinh đẹp không? Jane lắc đầu.
– Ba mươi nghìn đô la một tuần. Một tuần đấy – Glasser lại nhìn ra ngoài cửa sổ – chẳng hề có cung điện và Richard Gere nào đợi cưới cô cả. Đời cô sẽ kết thúc bằng việc bị nhốt trong một căn hộ hoặc một ngôi nhà, bị kiểm soát bởi những con quái vật thực sự trong nghề. Những người sẽ huấn luyện cô, trừng phạt cô, làm mất tinh thần của cô.
Đó là những người phụ nữ khác. – Chính là Jane Doe số 5 – Gabriel nói. Glasser gật đầu: – Chủ chứa. – Bà ta bị giết bởi chính những người bà ta làm việc cho? – Khi bơi với cá mập thì luôn có khả năng bị cá mập cắn. – Như trong trường hợp này là bị đập nát tay, xương gãy nát, Jane nghĩ, có thể là hình phạt cho việc vi phạm hoặc phản bội.
– Năm phụ nữ chết trong ngôi nhà đó – Glasser nói – nhưng còn năm mươi nghìn tâm hồn khác đang bị vùi lấp ngoài kia, bị giam giữ trên cái đất nước luôn đặt tự do lên đầu này. Họ bị lạm dụng bởi những người đàn ông – những kẻ chỉ biết đến tình dục, chỉ biết thỏa mãn tính dục của mình, không tỏ một chút lòng thương hại khi những cô điếm ấy khóc lóc đau đớn.
Những kẻ ấy không bao giờ mảy may nghĩ tới người mà họ đã dùng. Có thể những gã ấy sau đó quay về nhà với vợ con lại đóng vai trò một người chồng tốt. Nhưng hàng ngày, hàng tuần sau đó hắn lại trở lại nhà chứa để làm tình với những cô gái chỉ đáng tuổi con gái mình. Và chẳng bao giờ hắn ta nghĩ rằng lúc hắn soi gương thì hình ảnh trong gương là hình ảnh của một con quái vật – Giọng Glasser nhỏ dần.
Bà hít một hơi sâu, đưa tay lên gáy như cố xoa tan cơn thịnh nộ. – Olena là ai – Jane hỏi. – Tên đầy đủ của cô ấy ư? Chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ biết được. Jane nhìn Barsanti: – Ông đã theo cô ấy đến tận Boston mà không biết tên cô ấy ư? – Chúng tôi biết một số thứ khác về cô ấy.
Chúng tôi biết cô ấy là một nhân chứng. Cô ấy đã ở trong ngôi nhà đó, ngôi nhà ở Ashburn. Đúng điều này rồi, Jane nghĩ. Đây chính là mối liên hệ giữa Ashburn và Boston. – Sao ông biết? – Những dấu tay. Đội thu dọn hiện trường đã thu thập hàng tá những dấu vân tay không xác định rõ trong ngôi nhà đó.
Những dấu vân tay không trùng với bất cứ nạn nhân nào cả. Một số là do các vị khách nam để lại nhưng có một dấu trùng với dấu vân tay của Olena. – Đợi chút – Gabriel bảo – Cảnh sát Boston đã ngay lập tức tra trên dữ liệu AFIS để tìm kiếm dấu vân tay của Olena. Nhưng họ không thấy có cái nào khớp cả.
Ông vừa nói dấu vân tay cô ấy tìm thấy ở hiện trường vụ giết người vào tháng 2. Thế tại sao AFIS không cung cấp thông tin cho chúng tôi? Glasser và Barsanti nhìn nhau, một cái nhìn cũng đủ để Gabriel hiểu ra vấn đề: – Các ông đã lấy dấu vân tay ấy ra khỏi AFIS – Gabriel bảo – Đó là thông tin mà cảnh sát Boston có thể dùng tới.
– Nhưng những nhóm khác cũng có thể dùng nó – Barsanti nói. – Nhóm khác là những người quái quỷ nào nữa chứ – Jane chen ngang – Tôi là người bị bắt giữ trong bệnh viện cùng cô gái ấy. Tôi là người bị chĩa súng vào đầu. Thế mà các người không có một chút thương xót cho các con tin sao? – Tất nhiên là chúng tôi có chứ – Glasser trả lời – Nhưng chúng tôi muốn tất cả mọi người được ra khỏi đó sống sót.
Trong đó có cả Olena. – Đặc biệt là Olena – Jane bảo – Bởi vì cô ấy là nhân chứng của các vị. Glasser gật đầu. – Cô ấy đã chứng kiến chuyện xảy ra ở Ashburn. Đấy là lý do tại sao hai người đàn ông đã xuất hiện trong phòng bệnh của cô ấy. – Ai đã cử họ đến? – Chúng tôi không biết.
– Các vị có dấu vân tay của gã mà cô ấy đã bắn. Vậy anh ta là ai? – Chúng tôi cũng vẫn không biết. Nếu anh ta là một cựu binh thì Lầu Năm Góc sẽ không cho chúng tôi biết. – Bà làm ở Bộ Tư pháp mà không thể có được thông tin đó hay sao? Glasser đi tới bàn Jane ngồi xuống một chiếc ghế và nhìn cô.
– Giờ thì cô đã hiểu vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt rồi đấy. Mật vụ Barsanti và tôi đã cố gắng giải quyết vụ này thật êm thấm và bí mật. Nhưng chúng tôi lại cũng nằm trong tầm kiểm soát vì họ cũng đang theo đuổi cô ấy. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra cô ấy trước.
Chúng tôi đã đến rất gần mục tiêu. Suốt từ Baltimore đến Connecticut rồi đến Boston, mật vụ Barsanti lúc nào cũng chỉ cách cô ấy một bước chân. – Làm thế nào các vị có thể theo dấu cô ấy? – Nó khá đơn giản. Chúng tôi chỉ cần lần theo thẻ tín dụng của Joseph Roke. Chính các trạm ATM đã dẫn đường.
– Chúng tôi cố gắng để tiếp cận anh ta – Barsanti nói – Để lại tin nhắn trên điện thoại di động của anh ta, thậm chí còn để tin nhắn cho một bà dì của anh ta ở Pennsylvania. Cuối cùng thì Roke cũng chịu gọi lại cho tôi và tôi đã cố gắng thuyết phục anh ta. Nhưng anh ta không chịu tin tôi.
Tiếp theo thì anh ta bắn chết một cảnh sát ở New Haven. Đến lúc đó thì chúng tôi mất dấu họ hoàn toàn. Tôi nghĩ đó cũng là lúc họ tách nhau ra – Barsanti nói. – Sao ông biết họ đã đi cùng nhau? – Vào cái đêm xảy ra vụ giết người ở Ashburn – Glasser trả lời – Joseph Roke đã mua xăng ở một trạm dịch vụ gần đó.
Anh ta đã dùng thẻ tín dụng và sau đó thì hỏi viên thu ngân xem có xe kéo không vì anh ta đã cho hai người phụ nữ đi nhờ và giờ thì cần người kéo xe của họ đi. Im lặng. Gabriel và Jane nhìn nhau. – Hai người? – Máy quay ở trạm xăng đã quay được cảnh xe của Roke trong khi nó đậu chờ đổ xăng.
Qua kính chắn gió ta có thể thấy có một phụ nữ ngồi ở ghế đằng trước. Đó chính là Olena. Đấy chính là đêm bước ngoặt trong cuộc đời của họ, là đêm Roke đã tham gia vào chuyện này. Giây phút anh ta mời hai cô gái lên xe, vào cuộc sống của anh ta và anh ta đã trở thành một người khác.
Năm tiếng sau khi anh ta dừng lại ở trạm xăng, nhà của anh ta đã bốc cháy. Đấy cũng là lúc anh ta nhận ra mình đã tham gia vào một vụ rắc rối, tự chuốc họa vào thân. – Thế còn người phụ nữ thứ hai? Bà nói anh ta cho hai người đi nhờ cơ mà? – Chúng tôi không biết chút gì về cô gái ấy.
Chỉ biết cô ấy đã đi cùng với họ đến tận New Haven. Đấy là khoảng hai tháng trước. – Các vị đang nói đến cuốn băng của cảnh sát về vụ bắn cảnh sát ở New Haven đúng không? – Trong cuốn băng ấy có thể thấy một cái đầu nhô lên từ băng ghế sau. Chúng ta chỉ thấy phần sau đầu mà không nhìn thấy mặt cô ấy.
Không có bất cứ thông tin nào của cô ấy để lại cho chúng ta cả. Chỉ có vài sợi tóc trên ghế. Chúng tôi cho rằng cô ấy đã chết. – Nhưng nếu cô ấy còn sống – Barsanti nói – thì cô ấy sẽ là nhân chứng cuối cùng của chúng ta. Người duy nhất còn lại đã chứng kiến chuyện xảy ra ở Ashburn.
– Tôi có thể nói cho các vị tên của cô ấy – Jane nói nhẹ. – Sao? – Đó là một giấc mơ – Jane nhìn Gabriel – Là điều Olena đã nói với tôi. – Cô ấy đã luôn gặp một cơn ác mộng – Gabriel bảo – về vụ đột kích. – Chuyện gì trong giấc mơ – Glasser hỏi và nhìn Jane. – Tôi nghe thấy tiếng phá cửa vào trong phòng.
Cô ấy ngả người về phía tôi để nói với tôi một điều – Jane nuốt khan. – Olena ư? – Đúng. Cô ấy nói: “Mila biết”. Đấy là tất cả những gì cô ấy đã nói với tôi. “Mila biết”. Glasser vẫn nhìn cô: – Mila biết ư? Thì hiện tại? – Bà quay nhìn Barsanti – Nhân chứng của chúng ta vẫn còn sống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.