Cách Làm Chủ Số Phận Bạn

Chương 17 – KHÔNG CẦN NGÔI HOÀNG HẬU MỘT NGÀY



Tôi đã phải mất nhiều năm trời để nhìn về quá khứ và biết rằng tự thương thân đã hoàn toàn ru ngủ cuộc đời tôi, đó là một thói quen rất xấu. Nó tác động lên hệ thống chẳng khác gì héroin. Nó khiến tôi có cảm giác cuộc sống hoàn toàn tê liệt. Nó khiến tôi không có được một hoạt động sáng tạo nào.

Tôi còn nhớ lúc còn trai trẻ, tôi đã bắt đầu hành trình quay trở về để tìm lại sức mạnh nội tại và niềm vui sướng sau một thời gian thật dài nhiễm thói quen tự thương thân. Một lần khi lục lọi trong gian hàng sách cũ, tôi tìm thấy một cuốn sách nói về sức mạnh cá nhân. Trong sách có một bài trắc nghiệm ngắn để đánh giá mức độ vui sướng của bạn. Có một câu hỏi: “Bạn thích được thương hại hay được ngưỡng mộ?” Tôi lập tức đánh dấu vào ô trống cạnh chữ “thương hại.” Không cần phải hỏi nữa! Họ cần phải hỏi nữa hay sao?

Lúc đó, tôi không biết cách chọn như vậy dở đến mức nào. Tôi vui mừng vì đã không biết; tôi có thể đã không tiếp tục đi theo con đường tự cải tạo. Dù vậy, hôm nay, tôi có thể mạnh dạn viết về cách chọn ấy mà không chút bối rối.

Bạn không phải đi xa như tôi đâu. Bạn có thể vui thích hơn tôi khi đem sự hiểu biết vào đời. Bạn có thể nhận ra lòng tự thương hại khi nó bắt đầu len lỏi vào và bạn chỉ việc để nó qua một bên. Bạn có thể biến mình thành trò hề. Bạn có thể cười chế giễu sự ngây ngô của chính mình. Bạn không phải là nạn nhân của cảm xúc. Bạn hơn hẳn các cảm xúc ấy. Hãy cảm nhận chúng. Cảm nhận chúng với tất cả những gì mà bạn có, rồi hãy tiếp tục tiến lên. Đừng nói lời sau cùng với chúng. Hãy lùi về hòa quyện vào, rồi lại đi ra xa thật xa tâm hồn bạn. Mơ mộng, cười đùa, cải tạo, yêu thương. Đó là cú nhảy tối thượng mà tự cải tạo thực hiện từ lo sợ sang thương yêu.

Lòng tự thương hại khiến ta lầm lạc

 

Một trong những cách nhanh nhất để gỡ rối một quan hệ là đưa lòng tự thương hại vào.

Khi tôi có thể nói một cách lưu loát về cách mà nhiều hoàn cảnh và người khác đã làm hư hỏng thân tôi thì tức thì tôi cũng ghi nhận việc các mối quan hệ giữa tôi và họ đã bớt thân mật đi nhiều. Đột nhiên, người ta không còn hồ hởi để trò chuyện với tôi nữa.

Khi tôi chớm vào đời ở lứa tuổi 30, tôi chỉ là một nạn nhân cô đơn, luôn bị ám ảnh bởi thân phận của mình. Ngay lúc còn là một cậu bé, tôi cứ nghĩ mình là một người chết vì đạo nghĩa, bất chấp thân tôi hư hỏng ra sao hay cuộc đời tôi trở nên nhàn hạ thế nào.

Điều kỳ dị là cuộc đời càng nhàn hạ thì ta lại càng cảm thấy dễ biến thành nạn nhân. Cha mẹ thấu hiểu việc này hết sức khó khăn. Nó khiến họ phát khùng. Đứa con càng hư hỏng, nó lại càng nóng giận. (Đây căn bản là điều ông Kurt Cobain chán nản và giận dữ không làm, và ngay cả Courtney Love cuối cùng cũng nhận ra.)

Khi còn là một cậu bé nhỏ và buồn tủi, tôi luôn ưa thích nhất chương trình “Hoàng Hậu một ngày”. Đó là một chương trình nói về các nạn nhân. Tôi đã trải qua nhiều giờ thời thơ ấu, mắt dán vào màn hình xem các người dự thi trong chương trình đó thuật lại những chuyện đau buồn về cuộc sống khó khăn của họ. Thông thường những câu chuyện cảm động nhất được trao giải. Cuối cùng, người thực hiện chương trình sẽ cùng với một người phụ nữ đoạt giải tiến lên phía trước của sân khấu rồi đặt chiếc vương miện lên đầu cô ta trong khi đôi dòng lệ sung sướng tuôn dài trên má cô. Tôi còn nhớ đã chứng kiến cảnh những người dự thi không đoạt giải ao ước được như người đoạt giải và trông họ rất tức giận vì câu chuyện họ kể không thật buồn thảm để họ có thể đoạt được giải thưởng lớn bằng tiền mặt. Không những họ thua trong cuộc sống mà còn thua cả trong chương trình này.

Tôi còn nhớ lúc đó mình cũng đã uất ức vì không được sinh ra là phụ nữ. Do đó, tôi sẽ chẳng bao giờ có dịp tham dự chương trình “Hoàng Hậu một ngày”. Đời là thế. Tôi nghĩ về bản thân. Cuộc đời thật bất công.

Dần dà khi lớn lên, tôi cũng có thể cảm nhận một phần nào các tình cảm và suy nghĩ của Hoàng Hậu một ngày khi có người cho tôi biết tôi là thành viên của một nhóm nạn nhân được chính thức công nhận. Tôi được xem là “một đứa trẻ trưởng thành từ nghiện rượu”.

“Điều này có ý nghĩa gì?”, tôi đã nóng lòng hỏi người tư vấn cho tôi lúc ấy.

“À, vì cha mẹ anh đều là người nghiện rượu trong những năm hình thành thân phận của anh nên giờ đây anh là ‘một đứa trẻ trưởng thành’ của tệ nghiện rượu. Kết quả là anh trở thành một nạn nhân do đã lớn lên trong một gia đình không lành mạnh.”

Tôi đáp lại, thật vui: “Anh đang đùa. Một nạn nhân thật sao?”

Lúc ấy, tôi muốn khui ngay một chai champagne để ăn mừng.

Trước đây, tôi thường lo lắng việc mình sinh ra là một người đàn ông da trắng khỏe mạnh lớn lên ở Birmingham, Michigan thì không có khả năng được phân loại xếp hạng nạn nhân trong xã hội. Giờ đây thì biết mình đồng thời là một nạn nhân và một người hy sinh vì đạo nghĩa! Cuối cùng, tôi cũng là một ứng viên của chương trình Hoàng Hậu một ngày.

Vật hoang dã ơi, người làm trái tim ta vui hát

 

Nhưng ‘một ngày’ là khoảng thời gian để các cảm xúc tốt tồn tại. Đào sâu trong quá khứ và tìm hiểu lại các vấn đề khiến tôi tức giận lúc còn bé chỉ khiến tôi ngày càng thấy thương hại thân mình hơn. Hiện tại, trong tôi đang khắc sâu cái nhìn bi quan của mình về cuộc đời và con người. Tôi đang gọt giũa câu chuyện của bản thân và thêm thắt thêm nhiều lớp lang vào chiếc kén thân phận của mình.

Kinh nghiệm qua nhiều năm cho tôi thấy người ta chỉ biểu lộ một chút nào đó thiện cảm đối với bạn khi bạn tự thương hại mình, nhưng họ không bắt buộc phải nói chuyện lần sau với bạn. (Trừ khi họ cũng là nạn nhân như bạn. Và họ sẽ nôn nóng ngồi nghe bạn nói, mong sao đến lượt họ thuật lại cho bạn nghe câu chuyện nạn nhân của chính họ).

Tiểu thuyết gia tiếng tăm và đầy linh hoạt D.H. Lawrence đã từng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một loài vật hoang dã nào tiếc nuối cho thân nó. Một con chim nhỏ sẽ rơi từ một cành cây xuống, chết cóng mà không chút tiếc thương thân nó.”

Sở dĩ như vậy vì loài vật hoang dã sống cuộc đời hành động đơn thuần. Chúng không có chuyện riêng hay thân phận gì cả. Trong thế giới ngày nay, ta càng chú ý để sống như loài vật hoang dã, luôn hành động thay vì nghiền ngẫm chuyện buồn của bản thân, thì ta càng dễ quên nhanh lòng tự thương hại. Nỗi buồn kinh niên dường như dã lùi vào quá khứ. Thảo nào André Gide đã nhận xét cái buồn không là gì khác hơn là một hình thức rất mệt mỏi.

Và mệt mỏi, nói một cách nghịch lý một tí, gần như luôn là kết quả của một đời sống có quá ít tính hành động. Tôi càng hành động trong cuộc sống bao nhiêu thì càng ngủ ngon và càng thấy ít thương hại cho mình bấy nhiêu. Ngủ càng ngon thì càng thấy khỏe khoắn bấy nhiêu. Càng khỏe thì càng thêm ý chí để hành động. Và càng hành động thì lại càng cảm thấy hạnh phúc. Càng cảm thấy hạnh phúc thì các quan hệ càng tốt hơn lên. Mối quan hệ càng tốt hơn thì ta lại càng ngủ yên. Và đó là chu kỳ của tự cải tạo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.