Cách Làm Chủ Số Phận Bạn

Chương 35 – ĐƯA GIẤC MƠ KỸ THUẬT VÀO THỰC TẾ



Gần như cả đời, tôi không ưa các diễn giả đi động viên người khác. Mà thật thế, các bạn già của tôi đều bị sốc khi hay tin tôi đã trở thành hạng diễn giả đó.

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều biết không ai có thể động viên người khác. Nhất là về dài hạn. Động cơ phải xuất phát từ bản thân, bằng không nó chẳng có giá trị gì.

Đó là lý do tôi không mấy thích các diễn giả đó vì họ chẳng hề động viên được tôi, họ chỉ kích thích tôi. Họ kích thích tôi về mặt cảm xúc bằng những câu chuyện kể về các vận động viên cố gắng vượt qua nỗi đau chấn thương. Và ngay khi họ thấy tôi bị cuốn hút theo các cảm giác hy vọng của họ, mãi mãi họ sẽ bỏ mặc cuộc đời tôi và dù cố gắng thế nào, tôi sẽ vẫn không tìm lại được cảm giác xưa cũ.

Thay vì cho tôi một thứ gì để dùng, họ cho tôi một đỉnh cao cảm xúc mãnh liệt và náo nhiệt, cùng với nhận xét “ông ấy thật là một diễn giả tuyệt vời!”

Đối với tôi, những diễn giả động viên giống như những nhà truyền giáo già trăm tuổi đi tới lui nghênh ngang trên sân khấu, giọng lanh lảnh bi ai kể về những người có hành động rất anh hùng, mặc dù họ không hề biết những người đó và cũng chẳng mơ làm những việc đó. Đa số họ nói như đang cố nhớ lại những câu chuyện được kể lại, từ những ấn bản cũ của tờ Reader’s Digest. Gặp gỡ tận mặt những ‘nhà động viên’ này chẳng là chuyện hay ho gì. Đa số họ ăn mặc như phu đạo tì, họ lướt như bay trên bục, tựa như vừa chích xong một liều methamphetamine trước khi được giới thiệu với công chúng.

Làm chủ được tâm hồn

 

Một ngày nọ, tôi lại gặp một dạng nhà động viên khác. Ông ta tập trung chủ yếu vào tư tưởng con người, chứ không phải những cảm xúc tình cảm. Ông quyết tâm giảng dạy về những hoạt động bên trong tâm hồn nhờ đó, theo ông, người ta có thể mãi mãi ‘làm chủ’ được tâm hồn mình. Ông sáng lập ra một công ty tập trung vào mục đích này, và đặt tên nó là Viện nghiên cứu làm chủ tâm hồn.

Trước tiên, tôi đã cười chế giễu khi nghe cái tên đó.

Tôi hỏi: “Ông làm gì vậy? Đi dạy người ta bằng suy nghĩ, học cách bẻ cong cái muỗng à?”

Nhưng ông ta không hề nản chí vì lời giễu cợt của tôi. Ông chỉ mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng con người chúng ta có thể làm chủ được tâm hồn và một khi làm được điều đó, ta có thể làm bất cứ điều gì ta muốn. Ông nói chuyện thật nghiêm chỉnh. Ông không nói huyên thuyên về thái độ, lòng trắc ẩn hay cảm xúc, mà chỉ giảng dạy về tư duy. Trong khi những người khác trên trái đất này chỉ cho ta những điều cần suy nghĩ thì con người này lại dạy cho ta cách để suy nghĩ.

Ông ấy tên là Dennis Deaton. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nghe ông ta nói, đó là một buổi nói chuyện với một tổ nhân viên kinh doanh ôtô vừa trải qua một tháng doanh số bết bát.

Lúc đó, tôi đảm nhiệm phần quảng cáo cho nhà buôn, và vị giám đốc kinh doanh đề nghị tôi thuê một diễn giả động viên đến mỗi buổi sáng trong vòng nửa tháng để nói chuyện với toàn thể nhân viên nhằm củng cố lại tình hình kinh doanh đang chùng xuống.

Tôi chưa biết phải thuê ai, vì tôi vốn không mấy thích loại diễn giả này. Cuối cùng, một người bạn đã giới thiệu. Tiến sĩ Deaton, và tôi đã liên hệ thuê ông dù tôi chưa từng nghe ông diễn thuyết và cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều.

Nhưng những điều tôi nghe được từ bài thuyết trình của Deaton hoàn toàn khác với những điều tôi từng nghe trước đây. Ông ấy chỉ quan tâm đến một việc: sự tương tác qua lại giữa tâm hồn và trí não. Ông nói chuyện thật say mê về đề tài này, nhưng không hề cố ý kích động người nghe. Ông diễn thuyết để người nghe trở nên phấn khích vì đã biết được một điều gì đó về cách hoạt động của máy tính sinh học bên trong họ. Ông ấy nói với quyết tâm thật hữu dụng thay vì chỉ là một buổi nói chuyện giải khuây.

Sau buổi thuyết trình của Deaton, không chỉ nhóm nhân viên kinh doanh đạt được doanh số tháng cao nhất trong năm đó, mà tôi cũng cảm thấy cả cuộc đời tôi thay đổi kể từ đó. Khi Deaton rời khỏi tòa nhà đó, tôi đã thề với lòng mình có ngày tôi sẽ cộng tác với ông. Tôi muốn cùng ông làm công việc ông đang làm là giảng dạy về tâm hồn. Tôi cũng biết một khi cố học để biết cách giảng dạy đề tài này thì tôi cũng đã có thể học được nhiều điều về nó.

Vì luôn thất bại nên cuối cùng tôi đã thành công

 

Một trong những điều khiến việc cộng tác ngẫu nhiên giữa Deaton và tôi trở nên lý thú là việc anh ta và tôi rất khác xa nhau. Trong đời anh, anh đã gặt hái biết bao thành công, từ thể thao đến học vấn, thật kể ra không hết.

Tôi thì ngược lại, không mấy thành công. Nhưng dù khác biệt nhau ở góc độ thành công, tôi và Deaton cảm mến nhau thật nhanh, và anh dạy cho tôi tất cả những điều anh biết. Anh không chút ích kỷ khi dạy cho tôi hiểu về công việc của anh. Qui trình đã được cấp dấu chứng nhận nhằm ‘giám sát’ các ‘mục tiêu kỹ thuật trong thực tế’ là một điều mà tôi áp dụng ngay cho cuộc đời mình.

Vì điều này dựa trên những hoạt động của não bộ nên nó vận hành tốt. Không cần dùng đến việc kích thích tăng cường cảm xúc. Đó là một lớp học thật lạnh lùng về đề tài làm thế nào để tâm hồn và trí óc tương tác lẫn nhau sao cho các tưởng tượng về tương lai của bạn trở thành hiện thực. Thật rõ ràng và hiệu quả.

Bằng cách sử dụng hệ thống của Deaton, tôi bắt đầu đề ra và đạt đến các mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn đến hiếm thấy. Cả cuộc đời tôi cứ quay vòng. Thay vì phải dùng bộ não cả ngày để ghi hình những điều tôi sợ hãy, anh ấy đã dạy tôi cách dùng não để ghi hình những điều tôi mong muốn.

Cử tọa cũng được kết nối với tôi. Khi tôi kể về cuộc đời trước kia của mình, họ có thể thấy sự thật trong quãng đời khốn khó đó. Đa số họ có thể nhận thức. Đối với họ, chẳng có gì là khó để kiểm tra tôi đã thất bại lúc đầu như thế nào. Họ nhận thức được nếu việc theo dõi giám sát vận hành tốt đối với tôi thì nó cũng sẽ hoạt động tốt với mọi người.

Chẳng bao lâu, nhiều người đã từng dự một số buổi hội thảo do một người luôn thành công trong cuộc đời như Dennis trình bày, cảm thấy vui vui khi nghe tiếp viễn ảnh của một kẻ thành đạt trễ tràng như tôi đây. Nhiều người đã từng hoài nghi về khả năng ứng dụng thành công các nguyên tắc của cả hai người chúng tôi, khi nghe kể về cuộc đời tôi đã thầm nghĩ “Được, nếu anh ấy làm được thì tôi cũng sẽ làm được. Tôi đâu đến nỗi tệ như thế.”

Bạn đâu quá xuống thấp như tôi đâu

 

Quả thật, tôi không mấy thành công nên rất bối rối. Tôi sẽ không đi vào tất cả ngõ ngách của vấn đề, nhưng thực tế, tôi vẫn đang làm. Hãy tin lời tôi. Đôi lúc tôi vẫn nhận ra quá khứ chìm đắm của mình đã trôi giạt ra khơi để tôi có dịp gột rửa. Nó là một nỗi đau nhưng cũng là một dịp tốt để nhớ lại. Khi nhặt lấy những mảnh vỡ của chiếc Titanic mà đó cũng chính là tôi, tôi lại được gợi nhớ về cuộc sống quá dễ dàng vì sống ở mức quá thấp và đáng hổ thẹn.

Bạn không thể kể tôi nghe điều gì về bạn lại khiến tôi ngạc nhiên. Bạn không thể xúc phạm tôi. Bạn không thể gây sốc đối với tôi. Bạn không thể tập trung vào cuốn sách này nếu nhận thức của bạn quá thấp giống như nhận thức của tôi lúc trước. Bạn sẽ không thể cầm sách này trên tay hoặc đọc và hiểu về nó. Đọc được sách này thì bạn đã vượt lên trên vị trí của tôi lúc trước rồi đó.

Thật vậy, lúc này bạn ở vị trí càng thấp bao nhiêu thì bạn càng cảm thấy vui hơn bấy nhiêu khi bạn quyết định tự cải tạo, xem đó là một dự tính cá nhân. Mỗi từ trong cuốn sách này là một phần của mục tiêu tổng thể của tôi nhằm giúp bạn hiểu được bạn có thể vực mình lên trên đường đời. Bạn có thể thiết kế lại toàn bộ về mình, không phải vì có điều gì đó không ổn nơi bạn mà chỉ vì muốn hưởng được một niềm vui đơn thuần khi tự cải tạo. Không có nỗi vui nào như thế đâu.

Thật vậy, tôi chỉ có thể bắt đầu thật sự đạt được ý nguyện khi quên đi ý tưởng có điều gì đó không ổn nơi tôi.

Cái cách mà tôi quay trở về với tinh thần có thể tóm tắt như sau: tôi bắt đầu cho phép mình suy nghĩ một cách rõ ràng và thoải mái. Nghe qua rất đơn giản, nhưng tôi nhận thấy nhiều nạn nhân thật sự không hề làm thế. Họ không để cho bản thân được nghỉ ngơi. Họ cứ nghiền ngẫm, rồi lo âu. Và rồi họ cảm thấy chán nản. Sau đó, họ lại nổi giận. Rồi lại cảm thấy tội nghiệp cho chính mình. Và cuộc săn đuổi chết người cứ tiếp tục. Vòng tròn tiêu cực cứ lẩn quẩn.

Có một dạo, một chị tham dự hội thảo đã nói với tôi: “Tự thương hại như một con sâu chui vào trong não của anh và đẻ trứng ở đó.”

Và đây là điều cuối cùng tôi cho phép mình nghĩ đến: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thật sự trở thành người mà tôi luôn nghĩ đến? Tôi muốn nghĩ về cái gì vậy? Nếu tôi biết chắc rằng mình sẽ trở thành một người đã hiện hữu, thì tôi muốn đó là ai vậy?

Đó là bước đầu tiên tôi làm để tìm lối ra. Đó cũng có thể là bước đầu tiên đối với bạn, dù bạn đang ở đâu đi nữa.

Plato luôn nói, nhưng chúng ta chẳng chịu nghe: “Tư tưởng là linh hồn đối thoại với chính mình.”

Các nạn nhân không muốn điều này là hiện thực. Họ luôn đưa ra những ví dụ, như Vincent Van Gogh, và nói ông ta quá tốt đẹp để sống trong cái thế giới hung ác này. Thật ra, phải nói ngược lại mới đúng. Thế giới này quá tốt đẹp để một nạn nhân như ông ta chấp nhận, trừ phi trong các tranh vẽ của ông.

Toàn bộ cuộc sống cá nhân của ông mang nặng tính chất nạn nhân. Ông đã tự tạo cho mình một tính cách nạn nhân có tính thuyết phục đến độ mà vẻ đẹp và sự thật hiển hiện trong một bức tranh như Starry Night (Đêm đầy sao) khiến ông phát điên. Một điều mâu thuẫn quá lớn lao!

Ông biết nỗi chán chường của mình cũng là một sáng tạo như các bức tranh của ông, nhưng ông không biết phải làm gì với nó. Ông có thể sơn phết nó, nhưng lại không thể nghĩ ra nó. Cuối cùng thì bức chân dung tự vẽ chán chường của ông đã thắng thế.

Đối với tôi, để cứu rỗi linh hồn mình, trước hết phải để linh hồn đối thoại với chính nó. Tôi để linh hồn phân thành hai phần: chứng kiến và tư duy. Rồi tôi bắt đầu quan sát điều gì sẽ xảy đến với cuộc đời mình khi tôi bắt đầu quen dần với việc giám sát tư tưởng của mình.

Eckart Tolle đã nói: “Tâm hồn là một dụng cụ, một công cụ. Nó được sử dụng cho một công việc cụ thể nào đó, và khi công việc hoàn tất thì bạn cất nó đi.

Tôi có thể nói từ 80 đến 90% suy nghĩ của con người không những có tính lặp lại, vô ích mà đôi khi còn gây hại do bản chất thường xuyên trái ngược và mang tính rối loạn chức năng. Hãy quan sát tâm hồn bạn để thấy đó là sự thâậ. Nó tạo nên một sự rò rỉ nghiêm trọng năng lượng sống còn.”

Chứng nhân quan sát bên trong tôi cũng giống như tinh thần con người, bình thường rất im lặng trong khi những giọng nói xa xưa cứ văng vẳng trong trí óc tôi. Những giọng xa xưa đó thuộc về các bậc thầy cô, quan chức, anh chị em và cha mẹ tôi, họ hổ thẹn, họ chê trách, lời họ vang vọng trong óc tôi, cho tôi biết đó là tiếng nói của lương tâm! Không lùi lại để nhận rõ bản chất của tư duy sai trái này, tôi lại xem hết tất cả giọng nói trên là của chính mình.

Một giọng nói vang lên: “Phải làm điều đó! Bắt buộc phải làm điều đó! Hãy thôi đi tính ích kỷ! Người nào có tính tổ chức đều đã làm xong việc này từ lâu!” Và rồi tôi lại không làm điều đó, vì một giọng nói hổ thẹn và phán xét không thuyết phục cho lắm. Giọng nói đó dường như đang cản trở.

Nhưng bên trong tất cả chúng ta, có một giọng nói mạnh mẽ, trầm lắng hơn cuối cùng cũng bắt đầu đáp lễ. Giọng đó nói: “Đừng bảo tôi phải làm gì.” Cách này hay cách khác, chúng ta yêu tiếng nói này. Đó là tiếng nói của sự trỗi dậy bên trong ta, nó không mảy may quan tâm đến lời phán xét của người khác. Đó là phần vĩ đại nhất trong người chúng ta. Và chúng ta muốn tăng âm lượng của giọng nói đó, vì giọng nói đó càng nghe rõ thì ta càng được tự do.

Âm lượng của các giọng nói không thuận lợi từ quá khứ có thể giảm dần theo ngày tháng đến khi tiếng nói của con người thật của bạn, tiếng nói của tinh thần, trỗi dậy để chỉnh đốn cuộc đời bạn và hướng dẫn bạn trên con đường tự cải tạo và tìm đến hạnh phúc. Cải tạo chỉ có ý nghĩa là phát triển. Và chúng ta sẽ rất vui sướng khi chính mình phát triển.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.