Cách Làm Chủ Số Phận Bạn

Chương 37 – VÀ BẠN SẼ CÓ NĂNG LƯỢNG



Một nhà văn trẻ biết được địa chỉ e-mail của tôi thông qua một người bạn liền gửi thư cho tôi hỏi về khó khăn anh không thể tự động viên mình. Anh đã đọc cuốn 100 cách để tự động viên mình, nhưng anh phải thú nhận hiện nay mình vẫn bị bế tắc.

Anh nói: “Tôi mất lòng tin nơi chính mình, và một khi mất niềm tin, tôi không thể sáng tác. Thật là chán nản. Bạn sẽ làm gì đây?”

Tôi nói với anh ta dường như cách suy nghĩ của anh làm cho mọi thứ quay vòng và thụt lùi. Niềm tin, lòng trung thành không phải là thứ đến trước, nó có thể đến sau. Thật vậy, không phải lúc nào cũng cần đến nó. Bạn hãy cứ sáng tác. Có thể hành văn không hay, nhưng hãy cứ viết. Hãy quên đi niềm tin trong khi viết. Không phải là một việc quá lớn lao đâu. Rồi niềm tin sẽ tỏa sáng sau; nó không phải là thứ bạn cần, thật cần lúc ban đầu.

Nạn nhân thường trở nên thờ ơ khi không tìm thấy được đức tin, sự tự tin hoặc lòng can đảm để làm một việc gì đó. Rồi họ tự nhủ vì họ không có năng lượng để làm điều đó.

Người biết làm chủ hiểu rằng đức tin và lòng can đảm chỉ xuất hiện về sau trong tư duy. Hành động phải đi trước. Hành động phải có trước lòng dũng cảm. Đức tin và lòng dũng cảm là phần thưởng – không phải là yêu cầu – để hành động. Năng lượng để làm một điều gì đó thường xuất hiện vào chặng giữa khi thực hiện công việc, không phải ở giai đoạn đầu.

Ralph Waldo Emerson đã nói: “Hãy làm công việc rồi bạn sẽ có được năng lượng.”

Tôi sống một cuộc sống thụt lùi

Tôi biết câu chuyện này về lòng can đảm vì phần lớn cuộc đời tôi đã lãng phí về chờ có được năng lượng hành động. Hoặc là đức tin. Hoặc là lòng dũng cảm. Tôi cứ nghĩ tôi phải có nó ở giai đoạn đầu trước khi có thể hành động. Trước khi tôi có đủ can đảm. Nhưng tôi biết đảo ngược cả cái qui trình năng lượng kia. Nếu tôi không kịp thức giấc và thấy được ánh sáng thì giờ đây tôi vẫn sẽ mãi chờ đợi đức tin.

G.K. Chesteron đã nói: “Nếu một việc đáng để làm thì nó đáng để ta làm, dù rất tồi.”

Bản thân hành động là nguồn can đảm. Thực hiện một việc chính là xóa đi nỗi lo sợ thực hiện việc đó.

Có một dạo tôi nói với cố vấn của mình, Steve Hardison, với một giọng đầy khâm phục:

“Ông có thể làm những việc mà người khác rất sợ làm.” Ông ấy tỏ vẻ đồng ý. Nhưng rồi ông lại nói: “Và lý do duy nhất tôi có thể làm những việc đó, là vì tôi đã làm qua chúng. Tự mình làm công việc là cách để tôi học làm những việc đó.”

Trong quá trình làm việc nhiều năm liền với nhân viên bán hàng các công ty, tôi ghi nhận có một thứ thúc đẩy nhân viên bán hàng hơn bất cứ thứ gì khác. Đó là một điều thúc đẩy thật sự, nó tạo cho người nhân viên một sự tự tin và một thứ năng lượng gần như vô tận. Nó là gì vậy? Đó là thực hiện một thương vụ.

Sau khi thực hiện được một thương vụ, người nhân viên bán hàng càng cảm thấy tự tin và khỏe mạnh hơn bất cứ lúc nào. Nhưng thật không may, người ta luôn có khuynh hướng phung phí năng lượng này để chúc mừng thương vụ thành công thay vì dùng nó để đối đầu ngay với thách thức bán hàng mà tất cả họ đều sợ nhất.

Một người bán hàng đã hỏi tôi: “Làm thế nào để có thể tự động viên mình bán hàng nhiều hơn?”

Tôi trả lời: “Bằng cách bán hàng.”

“Vâng, đúng rồi: tôi hiện có động lực quá yếu để làm điều này. Làm thế nào để nâng cao mức độ phấn khích của tôi đạt đến mức tôi muốn để có thể thực hiện thành công một thương vụ?”

“Hãy đi thẳng vào việc thực hiện thương vụ, và động cơ hành động của bạn sẽ có ngay lúc bạn cần đến nó”.

Nghe qua tưởng chừng như một lời khuyên kiểu nước đôi dành cho nhân viên mại vụ. Do đó, tôi thường sử dụng một lối ẩn dụ để thực hành. Chúng ta đã trở nên quen thuộc hơn với động lực này ở dạng thực hành.

“Làm thế nào để tôi tự động viên mình chạy bộ vào mỗi buổi sáng.”

“Bằng cách chạy bộ vào buổi sáng.”

“Nhưng tôi không thích chạy cho lắm.”

“Điều đó, bởi vì bạn chưa từng chạy qua. Nếu trước đây, bạn đã từng chạy thì giờ đây bạn sẽ thích chạy.”

Ta có thể dẹp tan nỗi lo sợ bằng cách làm cái điều mà ta sợ không dám làm. Hành động sẽ chiến thắng nỗi lo sợ, tựa như chiếc kéo cắt nát tờ giấy. Và giấy thì lại gói được viên gạch, còn gạch thì lại có thể đập hư cày kéo. Đó là vòng lẩn quẩn của cuộc đời. Nhưng chính bạn là người khởi động cái vòng đời đó. Nó không tự thân vận động được.

Hành động bạn thực hiện không cần phải thật hoàn chỉnh. Nó sẽ tự thân nạp năng lượng cần thiết để tiếp tục duy trì. Cũng như ta khởi động một chiếc xe bằng cách đẩy nó. Bạn khởi động nó bằng cách làm cho nó di chuyển.

Lòng can đảm lại có một luồng gió khác. Một khi có nó, bạn lại muốn dấn sâu hơn vào trong nó. Quá nhiều nỗi lo âu sợ sệt trước lúc hành động là trở lực duy nhất đối với quá trình này.

Khi còn bé, bạn đã biết điều này. Biết bằng trực giác. Bạn chỉ cần để nỗi sợ hãi ở túi sau rồi nhảy. Nhớ chưa? Tại một thời điểm, bạn chỉ cần ngồi và đẩy tới trên chiếc xe đạp đó. Một thời điểm khác, bạn chỉ cần nhảy khỏi tấm ván cao vào trong làn nước sâu. Bạn không chút lo lắng mình đã có đủ mọi thứ cần thiết để nhảy hay chưa? Và bạn chỉ nhảy xuống.

Khi trưởng thành, chúng ta đã tự nhủ mình rằng không thể làm được những việc mà mình sợ phải làm, rằng sợ làm cũng đồng nghĩa với việc không thể làm. Nhưng bằng chút thực hành phương châm hãy cứ làm đi cho thấy tất cả giả định trên là sai lầm. Hành động mang lại cản đảm, và không có qui trình ngược lại.

Bạn hãy đi ra ngoài một mình và ngồi xuống với một máy tính xách tay hình xoắn ốc.

(Nhà làm phim Quentin Tarantino cho rằng máy tính xách tay hình xoắn ốc là phát minh có trình độ công nghệ cao nhất ở thời đại chúng ta vì bạn có thể mang nó đi bất cứ nơi đâu, bạn không cần có ổ cắm điện hoặc pin, và bạn có thể viết bất cứ thứ gì lên đó). Hãy viết lên đó 10 điều mà bạn sẽ làm trong đời nếu bạn không chút sợ hãi. Rồi bạn hãy chọn ra một việc để làm.

Công việc mà bạn chọn để làm có thể khiến bạn hơi sợ khi nghĩ đến nó, nhưng không sao. Đừng nghĩ đến nó. Nghĩ đến nó là điều khiến bạn phải sợ hãi. Hãy cứ bắt đầu làm. Không cần nghĩ ngợi.

Tất cả người can đảm đều có lúc phải sợ hãi. Dù vậy, họ vẫn cứ làm, reo hò trong thế nửa mừng nửa sợ, giống như Butch và Sundance nhảy khỏi tảng núi cao xuống làn nước bên dưới.

Rồi bạn sẽ thấy, khi đi dần xuống làn nước, có một động tác lao đi thật vui. Bạn cảm thấy nỗi sợ hãi khi bạn đang trong quá trình chinh phục nó. Và khi bạn tiếp tục hành động thì nỗi sợ hãi tan biến động lại đơn thuần là sự vui mừng. Vui vì được là con người mà trước đây bạn chưa từng là. Đó là cải tạo.

Bạn tự cải tạo mình bằng cách làm những điều mà ‘bản thân bạn’ sẽ không làm, và chính bằng cách như thế, bạn đã hiểu ra không hề có cái ‘tôi’ cố định và thường trực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.