Tôi quả là một con chó thơ ngây. Vâng, thơ ngây như một chú cún con. Chỉ mơ với mộng. Suốt buổi sáng nằm đơ trên lưng, mắt dõi lên trần nhà. Tôi cứ hình dung rằng ngay bây giờ, cửa sẽ mở ra và một người nào đó trong gia đình nhà Sashka sẽ bước vào, tôi sẽ chồm lên, đứng hẳn trên hai chân sau, dùng hai chân trước ôm lấy vai của bà ngoại hay mẹ, áp đầu vào má người ấy mà sủa lên vì mừng rỡ, vui sướng. Trong một góc kín nào đó của tâm hồn, tôi còn thầm mong rằng sẽ có cả Sashka đi theo. Nếu thế, tôi sẽ ôm lấy cậu ấy mà liếm thẳng vào mũi. Sashka chắc chắn sẽ không giận tôi vì hành động ấy. Vì tôi đâu có thể nào hôn như người được. Loài người thật buồn cười, cứ hay giận khi chó liếm mặt. Họ không hiểu rằng khi chó liếm mặt, có nghĩa là nó hôn đấy. Xin hãy đừng buồn lòng loài chó chúng tôi vì hành động ấy. Chúng tôi cũng muốn hôn lắm chứ, để tỏ lòng thân ái, yêu quý, nhưng chúng tôi chỉ có thể “hôn” theo cách đó mà thôi.
Tôi nằm chờ những người thân yêu của mình cho đến tận gần trưa. Bụng hỏi dạ, bao giờ họ mới tới? Cứ cho là mọi chuyện xảy ra như thế này nhé, đầu giờ làm
việc buổi sáng, từ cơ quan, ông Zhora gọi điện tới Đài truyền hình. Ở đó người ta lục tìm mất một lúc rồi mới có thể báo cho ông ấy số điện thoại nhà Sashka. Vấn đề là thời gian và khoảng cách. Nhưng dù sao thì cũng chẳng phải tôi bị bắt cóc đưa đến tận Argentina. Chắc là chú b…, không, chàng trai yêu quý của tôi đang ở đâu rất gần đây thôi, trong vòng bán kính vài cây số.
Tôi chờ, chờ và chờ…
Bà nội vẫn đi lại trong nhà một cách thản nhiên, bình tĩnh, chẳng nghĩ đến chuyện gọi điện cho chồng hỏi xem mọi chuyện đến đâu rồi. Cái ông Zhora này cũng thật là… Chẳng chịu gọi điện về thông báo tình hình gì cả. Hay là ông ấy quên bẵng chuyện gọi điện đến Đài truyền hình? Tôi là cái gì của ông ấy cơ chứ? Dĩ nhiên là ông ấy quan tâm đến con mèo mập hơn là đến tôi. Vâng, giờ đây cái… kỳ quan thứ chín của thế giới ấy đang ngồi lù lù trước mặt tôi, hết đưa chân trước bên trái lại đến chân trước bên phải lên vuốt mép. Làm gì mà vuốt mép suốt ngày vậy, đồ khùng? Cả ngày chẳng ra khỏi nhà lấy một bước mà cũng bày đặt vuốt mày vuốt mặt. Vuốt cho lắm rồi rụng trụi hết cả râu cho mà xem, ngốc ạ. Ơ, nhưng tại sao tôi lại phải rủa nó vì chuyện ấy nhỉ. Nó làm vậy là đúng đấy. Người ta thường nói, mỗi khi mèo vuốt râu là nhà sắp có khách. Vuốt đi, vuốt nữa đi, Murzik. Vuốt mạnh vào để Sashka chóng đến.
Và rồi tiếng chuông cửa vang lên… Tôi có cảm giác tim tôi sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, rồi bà Nadezhda sẽ phải chạy theo nó khắp nhà để nhặt lấy, ấn ngược nó vào ngực tôi. Tôi đứng hẳn dậy, nhắm mắt lại để đến khi mở ra thì sẽ thấy xuất hiện…
Vâng, sau khi cửa mở ra, trước mặt tôi xuất hiện… một ông cảnh sát.
Ông cảnh sát đưa tay chào chủ nhà theo đúng điều lệnh, rồi thoáng đảo mắt nhìn tôi, sau đó nói với bà Nadezhda – niềm tin yêu và hi vọng của tôi:
– Đại úy Litvinhenko Oleg Stepanovich, điều tra viên kiêm cảnh sát khu vực, xin kính chúc sức khỏe gia chủ. – Rồi ông ấy chỉ ngón tay vào tôi, hỏi: – Con chó này phải không?
– Xin lỗi, ông cảnh sát muốn hỏi điều gì? – Bà chủ nhà ngạc nhiên.
– Đây có phải con chó bị lạc không?
– Vâng, chúng tôi bắt gặp nó trong rừng. Chúng tôi đi dã ngoại, và… nó…
– Có đai cổ, dây xích và rọ mõm chứ? – Ông cảnh sát ngắt lời, và không đợi trả lời, ông ấy bổ sung: – Đeo hết mọi thứ vào, bây giờ tôi sẽ đưa nó đi.
– Đưa nó đi nghĩa là sao? – Bà Nadezhda lại ngạc nhiên, sửng sốt.
– Nghĩa là đưa đi cho người ta nhận diện ấy mà, – ông sĩ quan giải thích. – Ở đồn hiện đang có ba người ngồi chờ. Mà theo miêu tả của họ thì chắc đúng là con chó này rồi.
– Nhưng ông… làm sao ông biết được là nó đang ở nhà tôi? – Bà chủ nhà vẫn chưa hết ngạc nhiên.
– Thì tôi thấy ông nhà đi dạo với nó, – ông cảnh sát cười. – Với lại hàng xóm quanh đây cũng gọi điện cho chúng tôi, bảo rằng trên tivi có thông báo tìm chó lạc mà họ thấy rất giống con chó đang ở nhà bà. Nào, đeo các thứ vào cho nó đi…
– Nhưng… – Bà Nadezhda bối rối như người có lỗi, – chúng tôi không có rọ mõm.
– Thế nó có đớp người ta không đấy.
Này, ông có đớp ai thì đớp chứ đừng ăn nói kiểu ấy nhé, tôi nghĩ bụng. Thế mà cũng gọi là cảnh sát!
– Ồ không, không đâu, – bà nội Nadezhda vội nói. – Nó là chó dẫn đường, không cắn ai bao giờ. Đây, toàn bộ đồ đạc của nó đây, ông cầm hết đi. – Bà đưa cho ông cảnh sát cái băng đai và sợi dây dẫn đường của tôi rồi đeo đai cổ của chó thường cho tôi, móc dây xích cẩn thận, đưa đầu dây xích cho ông ấy. – Nếu đúng là chủ của nó đang đợi ngoài đồn thì ông hãy làm ơn cho chuyển lời hỏi thăm của gia đình chúng tôi đến họ và ông có thể chuyển địa chỉ nhà tôi cho họ.
– Được rồi, – ông đại úy gật đầu rồi quay sang bảo tôi:
– Đi nào, anh chàng trốn nhà. Bộ ngồi ở nhà chán lắm hay sao mà bỏ nhà ra đi vậy?
Biết trả lời sao đây? Nếu là các bạn, các bạn sẽ nói sao với con ng…người này? Tôi chán ngồi nhà? Hừm, nói cho ông biết nhé, đồng nghiệp cảnh sát của ông, làm bên lĩnh vực tuần tra giao thông, bị bọn cướp qua mặt dễ dàng nên đã bỏ lỡ cơ hội cứu tôi thoát khỏi tay bọn chúng. Nếu họ chịu khó quan sát và suy đoán kỹ hơn một chút, tôi đã được về nhà từ lâu rồi. Thôi được, đi thì đi. Từ tận đáy con tim, tôi linh cảm rằng những người đang chờ ngoài đồn cảnh sát không phải là người nhà của tôi. Và rồi quả đúng như vậy.
Ba người đi tìm ba con chó khác nhau, nhưng cả ba đều xác nhận tôi không phải là con chó của họ. Cũng may mà trong số họ không có ai là một trong những tên cướp táo tợn đã bắt trộm tôi ở cổng siêu thị. Nếu có mặt ở đây, chắc chắn hắn sẽ nhận vơ tôi chính là con chó của hắn. Dĩ nhiên, nếu xảy ra chuyện đó, tôi sẽ vùng lên kháng cự quyết liệt để chứng minh rằng thằng đểu ấy nói xạo. Nhưng liệu có ai có thể đoán ra để mà tin tôi? Và rồi tôi sẽ bị giao vào tay cái thằng lừa gạt đểu giả ấy. Thế là xong chuyện. Rồi ai đúng, ai sai sẽ là một câu chuyện dài nhiều tập. Nhưng may sao, cả ba người đều rất thật thà, tử tế. Một ông già thậm chí còn gãi gáy tôi và nói:
– Đừng buồn, anh bạn, rồi bạn sẽ tìm ra người chủ của mình.
Cũng mong rằng như thế, ông lão ạ. Nhưng hiện tại thì những người thân yêu của tôi vẫn bặt vô âm tín. Cảm ơn ông rất nhiều, và cũng cầu mong ông sớm tìm được chú chó cưng yêu của mình.
– Oleg, – ông cảnh sát trực ban hỏi ông đại úy, – vậy phải đưa con chó này đi đâu bây giờ? Hay cậu mang nó trả về cho những người chủ tạm thời của nó đi.
– Tôi không còn có việc gì để làm nữa chắc. – Ông đại úy tỏ vẻ bất bình. – Suốt ngày chó với mèo! Nhốt nó vào buồng trọng phạm cho nó ngồi đó đỡ đi cái đã. Lại mới có một người mù nào đó gọi điện đến, thế nào rồi người ta cũng sẽ tới. Coi chừng, đừng làm mất mấy món đồ nghề của nó đấy nhé.
– Thôi, vậy cũng được, – ông trực ban đồng ý. – Có điều, chẳng còn buồng nào trống.
– Thì nhốt nó vào buồng vô gia cư, cũng thế cả thôi. Có cắn đâu mà sợ.
Tôi không hiểu ông cảnh sát nói ai. “Có cắn đâu”. Tôi hay là người vô gia cư không cắn. Tóm lại, người ta lại tước đoạt tự do của tôi lần nữa. Không điều tra, không xét xử, cứ thế bị tống thẳng vào xà lim. Bao giờ mới kết thúc chuỗi ngày đen tối này đây? Sao tôi lại bị trời đày đọa khốn khổ đến thế này? Tôi nào có tội tình gì cho cam. Suốt đời tôi chỉ làm có mỗi một việc – đó là giúp đỡ con người. Vậy mà người ta khi thì tống tôi vào cốp xe hơi, khi thì giam trong nhà kho, bây giờ thì lại nhốt tôi chung với những người sống lang thang bụi đời và không biết cắn. Liệu mọi nỗi bất hạnh này có kết thúc không đây?
Người vô gia cư nọ quả là không cắn ai và tỏ ra khá tốt bụng, rộng lượng. Khi người ta đưa tôi vào buồng giam, người ấy đang ngủ. Nhưng sau khi cánh cửa sắt có gắn chấn song đóng lại ken két sau đuôi tôi, người nọ hơi ngẩng đầu lên, nhìn chăm chăm vào tôi hồi lâu. Sau đó ông ta đưa nắm tay lên dụi mắt, rồi lắc lắc thật mạnh cái đầu, giống hệt như loài chó chúng tôi vẫn thường làm sau khi tắm, và hỏi tôi:
– Mày là ai thế? Một con chó phải không?
Biết trả lời sao đây trong hoàn cảnh dở khóc dở cười này? Nếu là tôi, các bạn sẽ nói sao? Dĩ nhiên là “Đúng rồi!”. Và tôi khẳng định điều đó bằng ngôn ngữ của mình:
– Gâu!
– Má ơi, đúng là chó thật rồi! – Người đó nói rồi hạ giọng. – Đám cảnh sát điên hết cả rồi hay sao mà lại nhốt chó vào buồng giam tội phạm thế này hở trời?
– Gâu, gâu.
– Tội nghiệp chưa. Người ta tống giam mày vì tội gì thế? – Ông ấy âu yếm hỏi rồi lại gần, vuốt ve tôi.
– U-u! – Tôi trả lời.
Điều khiến tôi sửng sốt: người này hiểu hết những gì mà tôi nói với ông ta. Tôi đã được nghe nói rất nhiều về những kẻ vô gia cư, sống lang thang, bụi đời… Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng họ là những người dốt nát và hung dữ. Thì ra tôi đã lầm to. Người bạn cùng buồng giam với tôi tỏ ra rất thông minh và dễ mến.
– Tớ cũng bị y hệt như vậy đấy cậu ạ, – ông ấy nói. – Bỗng dưng bị gom rồi bị tống vào cái chuồng giam chết tiệt này mà chẳng có “lý gio lý trấu” gì cả. Phải ngồi đây không biết đến bao giờ. Cậu đi lạc phải không?
– U-u! – Tôi trả lời. Các bạn biết rồi đấy, từ này trong ngôn ngữ của tôi có nghĩa là “không phải thế”.
– Thế thì tại sao? Do cắn ai à?
– U-u!
– Thôi được rồi, – ông ấy phẩy tay, – không muốn nói thì đừng nói. Đối với đám người ngoài kia, – ông ta hất hàm về phía cửa, – ta không nói gì với họ càng tốt cho ta. Cứ giả ngây giả dại là hơn.
– Gâu! – Tôi đồng tình.
– Ố ồ, – ông ấy thích chí. – Tớ thấy cậu là một con chó thông minh đấy. Giỏi! Thế cậu có giấy tờ tùy thân không?
– U-u!
– Ôi, thế thì còn phải ngồi đây hơi bị lâu đấy. Một khi chủ cậu chưa mang giấy tờ của cậu tới, người ta còn giam cậu dài dài. Này Rex, cậu biết không, bao giờ tớ cũng mang giấy tờ tùy thân theo người, vậy mà hôm qua lại quên béng mất…
Tôi lại bị gọi sai tên nữa rồi. Sau cái tên hoàng đế cao quý, tôi còn bị gọi bằng những cái tên rất tầm thường. Nào là Trisha, nào là Umka, bây giờ thì Rex. Nhưng tôi không giận ông bạn cùng buồng giam này. Dù sao ông ấy cũng phải đặt cho tôi một cái tên để gọi cho tiện chứ làm sao có thể suốt ngày chỉ cứ cậu cậu, tớ tớ mãi được. Cũng may mà ông ấy không gọi tôi bằng những tên “công tử bột” khiến tôi phát buồn nôn, kiểu như Puzik hay Murzik. Cảm ơn ông bạn về điều đó nhé.
– Thế rồi hôm qua nhậu với bạn, say quá là say, trên đường về nhà, tấp vào công viên, ngủ vùi trên ghế đá. Sáng nay, chưa kịp tỉnh thì mấy ông cảnh sát bồng súng máy đi tuần đến xách cổ dậy hỏi: giấy tờ tùy thân đâu? Không có. Vậy thì, Alê hấp, về đồn. Kết cục như thế nào thì cậu thấy rồi đấy. Mà tớ đã khai hết rồi chứ có phải không đâu: họ, tên, địa chỉ thường trú. Còn thiếu gì nữa nào? Vậy mà không. Họ bảo đã tra cứu hồ sơ nhưng không thấy có ai mang tên họ như thế sống ở địa chỉ ấy cả. Sao lại “không có ai mang tên họ như thế sống ở địa chỉ ấy” chứ? Tớ đang sống sờ sờ đây chứ có phải là ma đâu. Cậu hiểu chứ?
– Gâu!
– Đấy, cậu hiểu, nhưng mấy cái gã đeo quân hàm kia thì chẳng hiểu gì tất, mặc cho tớ giải thích suốt hai tiếng đồng hồ. Tớ bảo họ: nào, bây giờ về nhà tôi, chìa khóa căn hộ đây. Nhưng họ vẫn cứ khẳng định: ông không có tên trong cơ sở dữ liệu. Cơ sở quái gì ở đây? Tôi sống trong căn hộ có địa chỉ hẳn hoi chứ có phải sống ở cơ sở gì gì đó đâu. Tôi là con người bằng xương bằng thịt đứng sờ sờ trước mặt các vị đây, đủ cả đầu, mình, tay, chân. Cơ sở với chẳng dữ liệu con khỉ gì nữa đây? Rex, cậu nói đi, như vậy mà gọi là công bằng ư?
– U-u!
– Cậu nói đúng rồi đấy – rất không công bằng! Nhưng không thể chứng mình gì được với họ cả. Trong những cái đầu quan liêu ấy rặt đất sét. Này Rex, cậu có nhà chứ?
– Gâu-gâu!
– Ồ, thế là tốt, – người vô gia cư nọ gật gù. Nhưng giờ thì không thể gọi ông ấy là “vô gia cư” được nữa rồi, vì ông ấy có nhà cửa hẳn hoi. Ông ấy nhìn tôi, nói tiếp: – Đúng rồi, trông cậu chẳng giống chó hoang tí nào, rất đẹp mã, được chăm sóc tốt. Thế này đi, nếu chủ cậu không tìm thấy cậu, cậu về ở với tớ nhé. Tớ sống độc thân…
– U-u! – Tôi trả lời.
– Tại sao? – Ông “bạn tù” của tôi ngạc nhiên. – Đừng sợ, tớ sẽ không làm cậu phải buồn lòng đâu. Tớ rất yêu quý súc vật. Làm sao có thể không yêu quý các cậu chứ, vì các cậu không phải là người. Ngẫm đi. Không thể sống thiếu chủ. Đi lang thang, nếu không chết đói thì cũng bị người ta gom bắt đưa đi bắn bỏ, chôn xác làm phân, hoặc chí ít cũng bị những con chó hoang khác tấn công vì tranh giành miếng ăn. Cậu biết ở thành phố này có biết bao nhiêu chó hoang, chó đi rông không? Ô hô hô! Có những con chó hoang còn tệ hơn cả chó sói. Hãy suy nghĩ kỹ đi, nếu không gặp được chủ cũ thì về sống với tớ.
Tôi im lặng, biết nói gì nữa đây. Nhưng tại sao lại “không gặp được”? Những người thân của tôi đã đăng thông báo tìm tôi trên truyền hình. Không thể nào “không gặp” được. Không bao giờ có chuyện đó. Không bao giờ!
Cánh cửa phòng giam bỗng mở toang ra, ông cảnh sát trực ban lù lù xuất hiện.
– Này, anh bạn, anh bạn là chó dẫn đường, đúng không? – Ông ấy mỉm cười hỏi. – Chuẩn bị tinh thần đi. Tìm thấy chủ rồi đấy. Bây giờ chúng tôi đưa anh bạn đi đến với chủ nhé…
Hẳn các bạn cũng hình dung được tâm trạng của tôi lúc đó. Tôi chìa chân trước ra chào tạm biệt người “bạn tù” rồi cất cao đuôi, ngẩng cao đầu rời buồng giam. Sashka đang chờ tôi. Tôi đang đến với cậu đây, anh bạn nhỏ yêu quý nhất trên đời của tôi…