Ông cảnh sát áp giải tôi là một người trầm lặng, có vẻ mặt luôn đăm chiêu, buồn buồn. Ông ấy ném một cách cẩu thả những món dụng cụ hành nghề của tôi lên băng ghế rồi ngồi vào sau tay lái và hỏi, không biết là hỏi ai: lên đường chứ? Suốt dọc đường, ông trung sĩ này luôn hành hạ tôi bằng thứ khói thuốc lá có mùi khét ghê hồn. Tôi nằm dài ra trên băng ghế sau, thả hồn mơ mộng về cuộc gặp gỡ sắp tới với người thân.
Ở một ngã tư, khi dừng lại chờ đèn, ông ấy thắng gấp đến nỗi tôi suýt lăn xuống sàn.
– Đẹp quá, – ông trung sĩ nói. – Đẹp đến nhức cả răng! Cả con chó cũng đẹp tuyệt. Nhìn kìa! – Ông ấy bảo tôi.
Tôi ngóc đầu lên, nhìn qua ô cửa kính bám đầy bụi. Một cô gái tóc vàng có vóc người cao ráo, mảnh mai, đi giày cao gót, mặc chiếc đầm màu đỏ tươi, đang qua đường. Cô ấy đẹp thật, và dắt theo một con chó cũng rất đẹp, thuộc giống chó chăn cừu.
– Nhìn đi, – ông trung sĩ nói, – quả là mỹ miều!
Tôi cho rằng cái từ “mỹ miều” mà ông ấy thốt ra rất xứng đáng dành cho con chó nọ. Quả là nó đẹp thật. Tôi có nghe nói rằng người ta cũng huấn luyện những con chó thuộc giống chó chăn cừu để làm chó dẫn đường. Nhưng ở đây, trong trường hợp đang xét, thì khác. Đó không phải là chó dẫn đường mà chỉ là chó kiểng – chúng tôi thường gọi những đồng loại vô công rỗi nghề của mình như thế. Nhưng dù sao cũng cần nói cho công bằng: khác với lũ mèo lười chảy thây, loài chó luôn có ích cho con người, dù ít dù nhiều. Chẳng hạn, trong trường hợp đang xét, liệu mấy ai có thể dám sấn đến sàm sỡ với người đẹp chân dài tóc vàng nọ, khi nhìn thấy bên cạnh cô ấy có một “vệ sĩ” bốn chân dù là mỹ miều, yếu đuối. Nhiều người nghĩ rằng giống chó chăn cừu rất hiền lành, chỉ có thể nuôi làm cảnh để cưng chiều, nựng nịu mà thôi. Nhầm! Không phải thế đâu. Chúng cũng có thể chiến đấu một mất một còn để bảo vệ chủ mình đấy! Tóm lại, bất cứ con chó nào, thuộc bất cứ giống nào, một khi có thể huấn luyện được thành chó dẫn đường thì đều có thể thực hiện những hành động phi thường mà các đồng loại khác có nằm mơ cũng chẳng dám. Ôi, quá mải mê ngắm nhìn cô gái đẹp bị “xích tay” đi theo con chó đẹp của mình, tôi suýt bỏ qua những người khác đang qua đường trong khi chúng tôi chờ đèn.
– Gâu, gâu, gâu! Gâu! Gâu gâu, gâu gâu!!! – Tôi vận hết sức bình sinh mà sủa. Tôi nhảy chồm lên, quay quắt trong xe. Chỉ muốn cào, cắn vào gáy ông cảnh sát đang lái xe. Làm sao để thoát ra khỏi cái lồng sắt này đây? Làm sao đây hở trời??? Gâu-gâu-gâu!!!
– Yên nào! – Ông cảnh sát hoảng quá, quát lên. – Mày làm gì thế? Điên rồi à? Hừ! – Mãi lúc sau ông ta mới tìm được một từ thích hợp và quát lên: – Ngồi xuống! Ngồi xuống, đồ chó!
Này, trước hết, tôi không phải “đồ chó” tầm thường, mà là một con chó dẫn đường! Thứ đến, chỉ cần ra hiệu lệnh là đủ, tôi luôn phục tùng, việc gì phải kèm thêm những ngôn từ có tính chất nhục mạ? Và đúng là tôi đã “phục tùng”… Tôi buông mình đánh “phịch” xuống băng ghế và cứ thế mà rên, mà khóc. Có lẽ các bạn cho rằng loài chó làm gì biết khóc! Nhưng các bạn có tin nổi không, lúc đó tôi giàn giụa nước mắt, ướt đẫm cả mặt và hai chân trước. Tôi khóc nức nở, rồi dụi mõm vào cái băng ghế chết tiệt mà tôi muốn cắn xé ra làm trăm mảnh rồi kêu rên thảm thiết. U-u, u-u… Có ai biết gì không? Đi ngay đằng sau cô gái và con chó chăn cừu nhỏ bé chính là Sashka, được bà ngoại Elizaveta Maximovna dẫn đường…!!!
Đèn xanh bật lên, ông cảnh sát cho xe lao vọt tới. Bây giờ thì ông còn đưa tôi đi đâu nữa, một khi Sashka của tôi đang ở chỗ ngã tư? Ôi Sashka, Sashka yêu dấu của tôi! Tại sao số phận lại trớ trêu đến thế???
– Làm gì mà nhảy nhổm lên vậy? – Ông trung sĩ nhe răng ra cười. – Mê tít cái con chó nhỏ ấy rồi chứ gì? Yên tâm đi, lát nữa về đến nhà, tha hồ mà đi ve vãn lũ chó cái.
Ông dốt quá, ông trung sĩ ạ. Trong đầu ông chỉ rặt những chuyện “mê mẩn” với “ve vãn” thôi. Chỉ được cái nói nhảm. Thôi thì thưa đồng chí trung sĩ, xin đồng chí hiểu cho rằng tôi đang đau khổ, đau khổ tột cùng. Xe của chúng ta vừa đi ngang qua người thân yêu nhất của tôi. Đồng chí có hiểu điều đó hay không? Có biết là tôi đau khổ đến thế nào không?
Tôi có nghe nói rằng sau một biến cố tinh thần nặng nề nào đó, loài chó có thể bị rụng lông dữ dội. Có lẽ cũng nên cố mà giữ vững tinh thần chứ nếu không lông trên mình rụng hết, chỉ còn lại làn da trơn lu như cá heo thì kỳ chết. Vững tâm nào, Trison! Người ta không uổng công dạy mi cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, và đặc tính bền tâm vững chí. Hãy vững tâm. Cuối cùng rồi chân lý và sự công bằng nhất định sẽ thắng.
Nửa tiếng đồng hồ sau, một ông già mù khẳng định với ông trung sĩ rằng tôi không phải là con chó Trezor của ông ấy. Ông lão xoa đầu, vuốt lưng tôi, sờ tai, nắn bụng, dường như muốn tìm ra một đặc điểm quen thuộc nào đó, rồi nói:
– Cảm ơn đồng chí công an rất nhiều. Con chó này rất hay, rất giỏi đấy, nhưng không phải con chó của tôi. Nó bị sao thế, đi lạc à?
– Thưa cụ, cháu cũng không biết nữa, – ông trung sĩ trả lời. – Cháu được lệnh đưa nó đến đây cho cụ, và cháu đã chở đến. Mà biết đâu chừng… nó cũng có thể giúp dẫn đường cho cụ.
Ông trung sĩ này nói lạ thật. Thế còn cậu bé Sashka của tôi? Ai sẽ giúp dẫn đường cậu ấy? Ông sẽ đi dẫn đường cho Sashka thay tôi nhé?!
– Mọi chuyện không đơn giản như vậy đâu, – ông cụ trả lời.
– Ở đồn, người ta nói rằng con chó này, – ông cảnh sát hất hàm về phía tôi, – cũng là chó dẫn đường mà. Có thể nó sẽ cần thiết cho cụ đấy.
Người ta đã nói rõ rồi, sao ông cứ đứng đó mà thuyết phục lải nhải mãi thế. Tốt hơn hết là chở tôi về cái buồng giam trọng phạm của ông đi.
– Ồ, không được đâu, anh bạn trẻ ạ, – ông lão lắc đầu,
– không thể nào được. Hơn nữa, nó đã là chó dẫn đường thì chắc chắn đang phục vụ cho ai đó. Thôi thì già này mong sao các ông giúp già tìm được con chó của mình và giúp con chó này tìm được chủ nó. Chắc chắn là có người đang tìm nó.
Ông lão mới nhân hậu và sáng suốt làm sao! Cảm ơn ông nhiều, ông lão tốt bụng không quen biết. Xin ông cũng đừng quá buồn lòng, con chó Trezor của ông chắc chắn sẽ được tìm thấy.
Trên đường về, ông trung sĩ cạn thuốc lá. Ông ta dừng xe cạnh một cửa hàng bách hóa, chốt kín cửa xe lại và biến mất vào trong cái cửa hàng không lớn lắm ấy. Một kế hoạch được hình thành chóng vánh trong đầu tôi. Tôi dùng răng rồi dùng bàn chân trước cố sức kéo cái chốt cửa. Tôi vất vả xoay trở một lúc, cuối cùng cánh cửa xe cũng bật ra khỏi chốt. Chào đồng chí trung sĩ nhé. Nên nhớ là hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe!
Đủ rồi nhé! Về đồn với các vị, chẳng biết các vị sẽ tống tôi đi đâu. Rất có thể lại ấn tôi cho ai đó cho rảnh nợ. Hừ, nhận nó đi, nó có thể có ích… Nói nghe thật dễ dàng, đơn giản. May mà ông lão nọ sáng suốt, tỉnh táo. Bây giờ quan trọng nhất là tôi phải tìm đến được cái ngã tư nọ, nơi ban nãy Sashka cùng bà ngoại qua đường. Hình như ban nãy tôi nhìn thấy quang cảnh trông khá quen thuộc. Nếu tìm được cái ngã tư ấy, chắc chắn tôi sẽ xác định được phương hướng và tìm được đường về nhà. Sashka và bà ngoại Elizaveta Maximovna không bao giờ đi quá xa khỏi nhà mình. Như vậy là nhà chúng tôi ở đâu gần đấy thôi.
Để ông trung sĩ không thể trông thấy tôi khi ông ấy đi trên xe, tôi rẽ vào một con hẻm dẫn sang đường phố song song, ngồi trong công viên, nấp đằng sau dãy nhà xe, xả hơi chừng nửa tiếng đồng hồ rồi quay trở lại chỗ cửa hàng bách hóa để xác định hướng đi một lần nữa cho chính xác. Chiếc xe và ông trung sĩ không còn ở đó nữa. Tốt. Có nghĩa là ta sẽ không bị rượt theo để bắt lại. Nào, bây giờ thì lên đường chứ?
Tôi lần theo vỉa hè, tiến về hướng mà tôi cho rằng thế nào cũng bắt gặp cái ngã tư định mệnh đó. Tôi đi suốt mấy cây số mà vẫn chưa bắt gặp một khu vực nào có khung cảnh quen thuộc. Trời bắt đầu tối và trong dạ dày bắt đầu réo rắt những âm thanh kinh điển. Vấn đề khát thì tôi đã giải quyết được – ai đó rửa xe hơi trong sân, nước chảy ra đọng thành vũng và tôi tha hồ uống. Dĩ nhiên, cực chẳng đã mới phải uống cái thứ nước tởm lợm ấy, nhưng các bạn biết đấy, có còn hơn không. Không có nước thì sẽ kiệt sức rất nhanh. Mà trong hoàn cảnh này, làm sao dám mơ đến những loại nước khoáng thiên nhiên cao cấp như Borzhomi hay Essentuki? Ngoài ra, hôm nay tôi sẽ phải làm một con chó “vô gia cư”, hay nói thẳng là chó hoang. Bực mình thật, nhưng biết làm sao được. Kiểu gì cũng cần phải sống sót cho qua cơn hoạn nạn.
Tôi mệt mỏi đến rã rời. Cơn buồn ngủ đè tôi khuỵu xuống. Tôi chọn một chỗ kín đáo nằm giữa một quầy bán hàng trong công viên và dãy hàng rào, lăn ra ngủ. Khi bắt đầu thiêm thiếp, tôi chợt nhớ đến con chó Sharik trong tác phẩm “Trái tim chó” của nhà văn Bulgakov. Mỗi tối trước khi đi ngủ, cụ Ivan Savelievich thường đọc sách (in trên chữ Braille) cho tôi nghe. Tôi nghe và vô cùng ngạc nhiên. Số phận của Sharik mới nghiệt ngã làm sao! Thậm chí nó có một cơ hội để trở thành người, nhưng rồi không vượt qua được thử thách, do quá kiêu căng tự phụ. Như thế không nên tí nào.
Phải chi trên đường đời, tôi gặp được giáo sư Preobrazhenski(*). Chắc chắn tôi sẽ nói với ông ấy: “Thưa giáo sư, xin hãy biến tôi thành con người. Tôi sẽ không làm cho ngài thất vọng đâu. Tôi sẽ là một công dân mẫu mực. Ngài có biết ngài sai lầm ở chỗ nào không? Đó chính là việc ngài đã chọn một con chó hoang để biến thành một thực thể có trí tuệ. Rất không nên làm thế. Như Sashka của tôi thường nói, đã là Sharik thì dù có ở châu Phi, nó cũng chỉ là Sharik mà thôi. Phải chi ngài chọn tôi để biến chó thành người, ngài đã có thể tự hào và hãnh diện nhiều về tôi. Thưa ngài giáo sư, ngài có hiểu không, vấn đề thuộc về dòng dõi. Dòng dõi rất có ý nghĩa, thậm chí có ý nghĩa to lớn. Một con chó thuộc nòi chó tầm thường thì khi biến thành người, nó cũng không thể trở thành một con người cao quý. Chẳng lẽ ngài không biết điều đó hay sao?
(*) Đây là một nhân vật trong tác phẩm “Trái tim chó” của Bulgakov. Giáo sư Preobrazhenski đã kết hợp thể xác chó hoang với tuyến yên não của người và thí nghiệm này đã tạo ra một sinh vật biết sử dụng ngôn ngữ người. Ông hy vọng biến cải được nó thành người có trí tuệ.
Ngài đã bị “mua chuộc” bởi cái màn đứng thẳng trên hai chân sau của nó và những lời cầu nguyện giả dối của nó. Hãy thú nhận đi, rõ ràng ngài đã bị “mua chuộc”. Lũ chó hoang bao giờ chẳng thế. Một con chó chân chính bao giờ cũng hành xử một cách chân chính. Dĩ nhiên, rất tiếc là ngài chẳng bao giờ gặp được tôi. Cụ Ivan Savelievich đã nói cho tôi biết, đó chỉ là chuyện khoa học viễn tưởng. Nhà văn hư cấu ra nhân vật Sharik mà thôi. Nói thực lòng, tôi chẳng thích cái truyện này lắm. Hình ảnh một vị giáo sư khả kính đã bị bóp méo, bị bóp méo đến thảm hại. Nói cho ngay, khi tim của bạn là tim chó thì bạn không bao giờ có thể biến thành người được. Dĩ nhiên tôi hiểu cái ý móc máy này. Nhưng điều đó không đúng. Vấn đề không ở chỗ bạn là chó hay không phải chó. Quan trọng nhất là trái tim. Ngài biết đấy, có kẻ sinh ra trong hình hài con người, nhưng lại mang trái tim chó. Bên loài chó chúng tôi cũng vậy, nhưng ngược lại. Có những con chó nhìn bề ngoài là chó mười mươi, nhưng hãy nhìn kỹ mà xem, chúng có trái tim người…
Ngài nghĩ sao, tim của những kẻ đã dùng dao cắt dây buộc rồi nhét tôi vào cốp xe có phải là tim người hay không? Ôi, thưa giáo sư, nếu tôi có được những khả năng của ngài, hẳn tôi đã không cố gắng tìm cách biến chó thành người, mà có lẽ, xin lỗi, biến một số người thành chó. Rồi thì mặc cho chúng chạy rông trên đường phố.
Nếu hành xử đúng mực thì nào, mời xơi giò, uống sữa. Hành xử tồi – chày sẽ nện vào thái dương. Một khi tim chúng là tim chó, việc gì phải để cho chúng sống theo kiểu người? Ngài đồng ý chứ?…
Tôi bị đánh thức bởi tiếng cửa sắt cuốn đang được kéo lên ken két. Từ sáng tinh mơ, chủ quầy hàng đã lo dọn hàng, chuẩn bị cho một ngày làm ăn, kinh doanh. Tôi mở mắt và nhìn thấy một người đàn ông to béo, để ria mép, đang chăm chú nhìn tôi. Ông ấy nói giọng lơ lớ:
– Ôi, a, a, con chó nào thế này? Tôi mới nhìn thấy cậu lần đầu đấy.
Tôi cũng mới nhìn thấy ông lần đầu. Thì sao nào? Tốt hơn hết là ông hãy cho tôi một miếng gì bỏ bụng. Chẳng lẽ tôi với ông cứ ở đây mà nhìn nhau hoài?
– Ở đâu ra con chó này thế nhỉ? Hả?
Từ trên trời rơi xuống đấy, tôi nghĩ bụng rồi nhìn quanh, tìm lối thoát thân nhanh nhất, nếu ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ này có ý định bắt tôi làm tù binh. Ông mập bỏ đi. Phải chăng ông ấy đi kiếm một khúc cây để nện tôi? Nhưng không, ông ấy quay lại với một chiếc bánh rán bình dân. Ông ấy ném cái bánh xuống trước mặt tôi và nói:
– Này, ăn đi, bạn hiền.
Cảm ơn nhiều, hỡi người đàn ông kính mến. Dù chỉ là chiếc bánh bột chiên nhỏ nhoi, tôi cũng xin đa tạ. Tôi linh cảm rằng ngày hôm nay tôi phải chạy qua rất nhiều quãng đường trong cái thành phố khổng lồ này. Vì vậy, có lẽ số thức ăn này là… hơi ít. Xin hãy cho thêm, nếu có thể. Quả thực, chưa kịp thưởng thức mùi vị của chiếc bánh, tôi đã nuốt nó trôi cái vèo như nuốt viên thuốc. Có còn món gì thêm nữa không đây? Người đàn ông bỏ đi rồi quay lại. Lần này là nửa ổ bánh mì đen. Cũng xin cảm ơn nhiều. Dù sao thì cái dạ dày của tôi cũng đã được lèn chặt, dù chỉ bằng những món bình dân. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no… Cảm ơn nhiều, hỡi ông chủ nhân hậu của cái quầy hàng con con này. Đã đến lúc phải lên đường. Tôi chui qua khe trống nơi hàng rào và trong khi lủi đi, tôi nghe rõ ông chủ doanh nghiệp nhỏ gọi với theo, vẫn bằng giọng phát âm tiếng Nga rất lớ:
– Đi đâu vậy, anh bạn thân mến? Quay lại nào, tôi không làm hại bạn đâu. Sống ở đây với tôi, canh giữ quầy hàng cho tôi…
Không được đâu, thưa ông chủ doanh nghiệp quý mến. Hãy tha lỗi cho tôi. Xin rất cảm ơn vì những món ăn mà ông đã đãi tôi, nhưng cái chuyện làm chó canh gác thì tôi xin kiếu thôi. Tôi cũng có đối tượng cần được bảo vệ, thậm chí bảo bọc.
Các bạn nghĩ sao? Hôm nay liệu tôi có sẽ gặp được điều may mắn hay không? Ôi Sashka đang đợi tôi mòn mỏi…