Tôi cùng Sashka nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Kể ra thì ban đầu tôi cũng có hơi buồn lòng cậu ấy một chút. Chút xíu thôi, không nhiều. Bây giờ các bạn hãy tự suy luận xem nhé. Các bạn biết rồi, tên tôi là Trison. Trong thời gian tôi và Sashka cùng tập làm quen với nhau ở trường, cậu ấy vẫn gọi tôi bằng cái tên đó. Mọi chuyện ổn cả. Sashka xuất sắc vượt qua kỳ thi sát hạch. Bạn ngạc nhiên lắm sao? Làm việc cùng với tôi, bất cứ người mới nào cũng đều thi đỗ. Tôi không chỉ đơn giản thực hiện mệnh lệnh của người mà mình dẫn đường, mà còn thường xuyên thể hiện những sáng kiến tuyệt vời, đúng lúc, đúng nơi, dĩ nhiên là trong khuôn khổ cho phép.
Tóm lại, mọi chuyện hoàn toàn trôi chảy. Tôi được về nhà sống với Sashka (mẹ cậu ấy cũng tham gia đưa tôi về đấy). Ở nhà còn có bà ngoại của Sashka, bà Elizaveta Maximovna(*). Bà ấy đón tôi cũng rất niềm nở. Tôi chỉ biết tên bà một cách tình cờ – có lần người hàng xóm sang chơi và gọi bà như thế. Còn trong nhà thì mọi người đều gọi bà bằng “bà”. Tôi để ý thấy ở loài người có một số điều kỳ quặc. Sashka gọi bà Elizaveta Maximovna là “bà” thì đã đành rồi, vì cậu ấy là cháu ngoại, đằng này, bà Svetlana Sergeevna (mẹ của Sashka) cũng gọi bà cụ bằng “bà” luôn. Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao con gái lại gọi mẹ mình bằng “bà”? Loài người các bạn đôi khi cũng khó hiểu thật đấy. Nhưng mà thôi, chuyện ấy chẳng quan trọng bao nhiêu.
(*) Gọi tên kèm phụ danh là cách xưng hô kính trọng của người Nga – ND
Còn tôi, tôi là Trison. Các bạn biết đấy, đó là một cái tên. Nhưng liệu các bạn có biết cái tên ấy có ý nghĩa như thế nào không? Ái chà! Đó không phải là một cái tên tầm thường kiểu như Tuzik là cái tên thường dành cho chó đốm công tử bột, hay Rex thường dùng cho những con chó què chân đâu. Ông cụ Ivan Savelievich đã nói cho tôi nghe tường tận về cái tên của tôi. Tôi không chỉ là hậu duệ của một nòi chó quý, mà tên của tôi cũng là một cái tên cao quý. Đó là tên của một ông vua Tây Tạng ngày trước. Từ rất lâu rồi, chắc phải đến hàng mấy trăm năm, vua Trison Dentsen đã nghiệm ra rằng chỉ có thể đạt được sự giác ngộ bằng con đường tự hoàn thiện về đạo lý và tinh thần dưới sự hướng dẫn của sư phụ. Tôi không hề khoe khoang khoác lác chút nào, nhưng phải nói rằng sư phụ của tôi ở trường dạy chó thì không chê vào đâu được. Hẳn các bạn đã hiểu ra tâm nguyện của tôi. Chẳng phải nói đùa đâu – tôi ước nguyện trở thành một con chó nòi Labrador được đốn ngộ tâm Phật.
Thế rồi chẳng biết căn cớ gì mà bỗng dưng Sashka lại gọi tên tôi là Trisha. Lúc đầu tôi còn không hiểu là cậu ấy gọi tôi hay gọi ai. Một buổi sáng sớm, cậu ấy thức dậy, quờ tay xuống sàn nhà bên cạnh giường, tìm tôi. Nhưng tôi không ngốc đến nỗi lại nằm dưới sàn ngay bên cạnh giường. Tôi luôn nằm ở phía cuối giường để phòng hờ nhỡ đêm Sashka có dậy đi tiểu thì cũng không giẫm phải tôi. Khi nghe tiếng bàn tay Sashka quờ quạng trên sàn, tôi nhổm dậy và sủa khe khẽ trong họng để báo cho cậu ấy biết là tôi đang ở trong phòng. Bỗng tôi nghe cậu ấy nói:
– Tri… Trisha, bạn đang ở đâu vậy?
Tôi ngồi yên, tưởng rằng cậu ấy đang tìm kiếm món đồ chơi nào đó. Tôi nhìn quanh, thấy chẳng có đồ vật nào khả dĩ tương ứng với cái tên Trisha cả. Bác gấu bông oai vệ ngồi trong góc phòng. Nhưng hôm qua Sashka đã nói rằng bác ấy tên là Mập cơ mà. Vậy Trisha là cái quỷ gì? Tôi chẳng hiểu gì cả. Sashka ngồi thừ một lát trên giường rồi gọi:
– Trison!
A, vậy ra cậu ấy gọi tôi. Tôi chạy đến, dụi mũi vào đầu gối cậu.
– Trison yêu quý. Bạn ngủ có ngon không? Có bị lạ chỗ không?
Điều này khiến tôi sửng sốt: hóa ra Sashka thật sự gọi tôi là Trisha. Vụ này hơi bị lạ à nha. Trisha là cái quỷ gì thế, anh bạn? Sashka, bạn làm sao thế? Nhưng khổ tâm nhất là tôi không thể làm gì được. Kể từ khi Sashka gọi tôi như thế, cái tên Trisha gần như gắn luôn với tôi. Tiếp theo sau Sashka, mẹ Svetlana Sergeevna và bà ngoại Elizaveta Maximovna cũng gọi tôi là Trisha. Lúc đầu tôi
khó chịu vô cùng. Hễ ai cất tiếng gọi “Trisha!” là lông trên mình tôi dựng đứng cả lên, cái tên oai hùng của tôi coi như đã bị quên lãng. Đang là hoàng đế Tây Tạng bỗng dưng bị truất ngôi, biến thành một con chó bông đồ chơi nào đó.
Giá mà các bạn nhìn thấy tôi nhỉ. Tôi không chỉ đơn thuần là con chó vàng theo nghĩa có bộ lông màu vàng, mà tôi thật sự là một con-chó-vàng-ròng! Các bạn không tin ư? Hãy nhìn ngắm tôi thật kỹ dưới ánh nắng Mặt trời chói chang, đặc biệt là sau khi tôi vừa được tắm và chải lông xong. Vẻ đẹp ấy không thể tìm thấy ở bất cứ con chó nào. Các bạn hẳn phải tự hào ngất ngưởng nếu có được những bậc tiền bối oanh liệt, kiêu dũng như tổ tiên tôi. Tổ tiên của tôi là chó của người Viking và người Basque – những chiến binh dũng mãnh và những người thông minh tài giỏi từng sinh sống trên đảo Newfoundland(*). Trước thế kỷ XVIII, người châu Âu chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy một con chó thuộc nòi Labrador. Theo những người đi biển, nếu chúng tôi, chó Labrador, có mặt trên tàu thuyền thì đó chính là sự bảo đảm cho chuyến hải hành may mắn. Quan niệm ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu cho rằng đó chỉ là sự mê tín dị đoan tầm thường thì các bạn đã lầm to. Tổ tiên chúng tôi đã giúp đỡ con người rất nhiều. Nếu thuyền gặp nạn hoặc bị đắm, chó Labrador sẽ ngậm đầu dây thừng bơi về phía bờ để mọi người lần theo. Không ít trường hợp chó Labrador kéo được những thủy thủ bị thương hay kiệt sức vào bờ.
(*) Một đảo lớn, thuộc tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada
Mỗi lần đi biển, các thủy thủ Newfondland đều mang theo vài con chó. Dĩ nhiên đó là những con chó Labrador mà tôi là hậu duệ. Tổ tiên của tôi từng mang những cái tên như Sóng dội bờ hay Gió lộng. Các bạn hiểu ý nghĩa của những cái tên này chứ? Sóng dội bờ, Gió lộng, chao, nghe mới kiêu hãnh làm sao! Vậy mà giờ đây tôi lại bị gọi bằng cái tên Trisha cực kỳ vớ vẩn. Làm sao mà không ấm ức, làm sao mà không bực mình được cơ chứ! Dù sao thì tôi cũng buộc phải chấp nhận thôi. Thây kệ, các người muốn gọi sao thì gọi!
Lần nọ, một người bạn già nào đó của cụ Ivan Savelievich gọi sai phụ danh của cụ từ Savelievich thành Savich hay Stepanovich gì đó. Phải chi biết nói tiếng người, tôi đã nhắc ông già ấy, nhưng, các bạn biết đấy… Tôi nhìn cụ Ivan Savelievich và thấy cụ không có phản ứng gì, cứ như không hề nghe thấy tiếng gọi ấy. Ông già nọ gọi hoài, gọi mãi. Rồi bỗng ông ấy như giật mình chợt tỉnh, kêu lên:
– Ôi, Ivan Savelievich, xin lỗi nhé, ông bạn. – Ông già vỗ trán mình đánh bốp một cái. – Trí nhớ chết tiệt đang dần bỏ mình mà đi mất rồi.
– Không sao, không sao, ông Timofey Ivanych ạ! – Cụ Ivan Savelievich nói. – Có gọi tên khác đi cũng chẳng sao. Cứ gọi tôi là cái nồi cũng được, miễn là đừng bắc tôi lên bếp.
Tôi nhớ đến ông bạn già của mình và thế là thôi không buồn giận Sashka nữa. Trisha thì Trisha. Thậm chí gọi tôi là cái nồi cũng được.
Nếu các bạn hào hứng muốn nghe, tôi sẽ giải thích ngắn gọn về nguồn gốc tên gọi giống chó Labrador của tôi.
Cụ Ivan Savelievich kể rằng hiện nay có 3 giả thuyết. Thứ nhất: tên gọi này có xuất xứ từ bán đảo Labrador ở gần đảo Newfoundland quê cha đất tổ của tôi. Thứ hai (tôi thích giả thuyết này nhất): xuất phát từ chữ “labrador” trong tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là “người lao động”. Giả thuyết thứ ba nghe hơi kỳ cục, nhưng một khi đã trót nói ra thì phải nói đến đầu đến đũa: có một loại khoáng sản màu đen ánh sắc xanh, có tên gọi “labrador”. Tại sao tôi không thích giả thuyết này? Tại vì chỉ tổ tiên chúng tôi mới có màu lông đen, còn ngày nay, những anh em chung nòi giống chúng tôi đều mang màu lông vàng như tôi cả, thậm chí còn có những con chó Labrador lông màu sôcôla sẫm. Không, không có chuyện khoáng sản hay bán đảo gì hết. Tên gọi của nòi chó chúng tôi chắc chắn xuất phát từ cái từ đẹp đẽ ấy trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Người lao động thì dù ở châu Phi cũng vẫn là người lao động, như Sashka của tôi thường nói.
Chó Labrador chúng tôi chỉ được đưa vào Nga hồi cuối thập niên 1960. Có lần tôi nghe cụ Ivan Savelievich kể với ai đó rằng nhà văn Canada Forley Mowat từng tặng ông Kosyghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô một con chó thuộc giống Labrador. Về sau, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng tặng ông Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, một con chó thuộc giống ấy. Thời gian đầu, chó Labrador chỉ sinh sống ở Matxcơva và Riga(*). Giờ đây, các bạn có thể bắt gặp chó Labrador ở khắp nơi trên đất nước Nga. Tôi sinh ra tại Nga. Mặc dù ở Mỹ và Anh, chó Labrador là một trong những giống chó phổ biến nhất, được nuôi nhiều nhất, tôi vẫn muốn được sống và làm việc, giúp đỡ con người ở nơi chôn nhau cắt rốn. Các bạn chắc đã hiểu rằng chúng tôi từng phục vụ con người từ thời xa lắc? Chó Labrador chúng tôi rất thân thiện với con người. Các bạn cứ tin đi, chúng tôi rất sáng dạ và không hung hãn như một số giống chó khác. Đặc tính quan trọng nhất của giống chó Labrador là thân thiện với con người, luôn sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ con người.
(*) Thủ đô của nước Cộng hòa Latvia – một trong 15 nước thuộc Liên bang Xô viết trước đây