Nếu biết trước sẽ ngã ở đâu, ta đã lót sẵn rơm ở đó cho đỡ bị đau, cụ Ivan Savelievich thường ưa nói thế. Chuyện quỷ quái gì thế này? Tôi vừa lành bệnh thì Sashka ngã bệnh. Tôi thì đã đành đi, bệnh xuống còn được nằm nhà. Còn Sashka của tôi thì bị đưa vào bệnh viện. Bà và mẹ gọi “cấp cứu” giống như lần trước gọi cho tôi, nhưng lần trước là “cấp cứu” dành cho chó, lần này dành cho người. Bác sĩ nói: ruột thừa. Tôi chẳng hiểu ruột thừa ruột thiếu gì, chỉ biết là người ta sẽ đưa cậu ấy đi và nói rằng cậu ấy sẽ vắng nhà mất mấy ngày. Làm sao tôi có thể sống thiếu cậu ấy được? Tôi chết mất, vì nhớ cậu bé của mình. Các bạn không thể hình dung được tôi hoảng hốt đến thế nào khi nghe bác sĩ nói là sẽ cắt bỏ cái gì đó trong bụng cậu ấy. Tôi nghĩ bụng, chết rồi, người ta sẽ mổ banh bụng cậu ấy ra. Nhưng mẹ và bà đều đồng ý. Như vậy có nghĩa điều đó là cần thiết. Nhưng dù sao, các bạn tin đi, tôi không thể nào yên lòng cho được. Bà và mẹ theo xe cấp cứu đưa Sashka đến bệnh viện, tôi ở nhà một mình, ngồi đó và tru lên thảm thiết. Tôi tru to đến nỗi hàng xóm kéo đến gõ cửa ầm ầm, bấm chuông inh ỏi. Tôi nghe họ gào:
– Lạy Chúa, các người có làm cho con chó của mình im bớt đi không? Chuyện gì xảy ra trong nhà thế? Thật không thể nào sống nổi!!!
Chuyện gì xảy ra ư? Đau khổ đã xảy ra. Sashka bị đưa đi bệnh viện. Tôi ngồi đây một mình. Thế là tôi buồn. Buồn thì làm sao mà không tru? Tôi tru một lát, làm gì mà dữ vậy? Các người đâu đến nỗi rụng lông trụi tóc đi đâu mà sợ. Còn các người, khi đau khổ thì im lặng chắc? Nhưng thôi được rồi, tôi sẽ im lặng bớt. Tôi sẽ không tru, không sủa nữa, mà chuyển qua rên. Tôi rên khe khẽ, cứ như đang hát một bài hát buồn nào đó. Không nên để những người thân của mình phải mang tiếng. Dù sao, hàng xóm cũng chỉ là hàng xóm. Không khéo họ sẽ thưa kiện, khiếu nại rằng con chó nhà này tru sủa làm phiền các hộ xung quanh. Được rồi, tôi im lặng, im lặng. Yên tâm đi.
Bà và mẹ trở về từ bệnh viện, dáng vẻ bồn chồn, lo lắng. Mẹ khóc. Bây giờ thì bà an ủi mẹ. Nhưng nghe qua câu chuyện của họ, tôi hiểu rằng tình hình không đến nỗi nguy kịch. Sashka sẽ nằm lại bệnh viện ít ngày rồi sẽ được cho về nhà. Nhưng khi nào? Theo lời của bà và mẹ thì có lẽ không lâu lắm.
– Trisha à, – bà nói, – người ta đưa bạn con đi rồi. Vậy là con sẽ buồn lắm, đúng không?
Tại sao là “sẽ”? Tôi đang buồn đây. Kể từ khi người ta đưa cậu ấy ra khỏi cửa là tôi đã bắt đầu buồn rồi. Nhưng dù sao tôi cũng trả lời:
– Gâu!
– Ừ thì Gâu, – bà ngoại thở dài, – nào, đi, dạo một vòng cho đỡ buồn.
Dĩ nhiên tôi không từ chối. Việc đi dạo đối với chúng tôi là tối cần thiết. Chúng tôi ra đường. Tôi đi, nhưng tâm trạng hoàn toàn không có chút hứng khởi. Sashka ơi, ở bệnh viện cậu sẽ thế nào khi không có tôi bên cạnh? Các bác sĩ có làm cậu buồn lòng không? Đừng có tự đi lại trong bệnh viện nhé, kẻo rồi lại xảy chuyện, va đầu vào tường hay vấp ngã thì khốn. Ráng chịu đi, bao giờ cậu ra viện, về nhà, chúng ta tha hồ đi dạo. Đừng liều lĩnh nhé. Người ta có đưa cho cậu khúc cây gì đó để làm gậy không? Tôi quên nhìn xem là cây gậy của cậu có còn đó ở trong tủ hay không. Đi lại cẩn thận nhé, cậu bé của tôi, tôi lo cho cậu lắm đấy. Chóng bình phục nhé, Sashka vô cùng yêu quý của tôi.
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp trên sân chung cư ngạc nhiên hỏi:
– Ôi, bà Elizaveta Maximovna, thế Sashka đâu?
Bà ngoại giải thích. Đi chưa được mươi bước, người thứ hai lại hỏi:
– Chào bà Elizaveta Maximovna, thế thằng bé Sashka đâu?
Tóm lại, buổi đi dạo gần như biến thành một cuộc hỏi – đáp bất tận. Thế là tôi nghe và nhớ đến thuộc lòng cả tên bệnh viện lẫn tên căn bệnh và tiên lượng bệnh, thậm chí nhớ cả tên bác sĩ sẽ mổ cho Sashka. Nhưng quan trọng nhất là một lần nữa tôi càng thêm tin chắc
rằng tình hình của Sashka không có gì là nguy kịch. Chắc chắn bà ngoại không có gì phải giấu giếm những người hàng xóm về chuyện này. Như vậy có nghĩa là Sashka sẽ chóng được về nhà. Điều đó khiến tôi vực lại được tâm trạng.
Nhưng lần dạo chơi này không phải êm xuôi không xảy ra sự cố. Một con chó stafford tấn công tôi. Các bạn có biết giống chó ấy không? Chó stafford dường như sinh ra chỉ để gây sự, đánh nhau với những con chó khác. Chúng chỉ lấy sự choảng nhau làm niềm vui, lẽ sống. Trông thấy nó, bà ngoại hoảng sợ đến chết khiếp. Kẻ dám ăn hiếp tôi tên là Dandy. Các bạn đã biết, tôi chẳng bao giờ động đến ai, chọc ghẹo ai. Tôi đi với bà ngoại, nhìn ngó mọi người qua lại, tự nhiên không rõ từ đâu xuất hiện cái tay võ sĩ hiếu chiến ấy. Bỗng dưng không duyên không cớ nhảy xổ đến trước mặt tôi, nhe răng gầm gừ, như chỉ chực đớp vào cổ họng tôi. Tôi không phải là chó canh phòng hay chó vệ sĩ nên không được huấn luyện võ thuật, tuy nhiên, một khi cần phải tự vệ, tôi đây cũng chẳng đớn nào. Nhưng trước hết hẵng dùng lời lẽ cái đã. Tôi hỏi:
– Mày cần gì? Sao lại nhảy bổ vào tao? Hắn vênh vênh:
– Đánh nhau nào, thằng Labrador kia!
– Để làm gì? – Tôi hỏi lại. – Tao không phải là đấu sĩ, tao là chó dẫn đường. Mày hiểu chứ?
– Tao cóc cần biết, – Dandy trả lời. – Tao thích đánh nhau, có thế thôi. Hay là mày nhát gan, không dám?
– Tao không phải là đồ nhát gan. Chỉ đơn giản là tao không thích đánh nhau. Hay ho gì cơ chứ. Đánh nhau để làm gì?
– Chẳng để làm gì cả, thích đánh nhau là đánh nhau, chỉ đơn giản vậy thôi, – nói rồi nó lại nhe răng gầm gừ, như chực cắn vào mõm tôi.
– Không đánh nhau có được không? – Tôi cố gắng thuyết phục hắn.
– Á à à! – Hắn gầm lên. – Sợ hả?
Quả là một con chó ngu. Tại sao lại sợ cơ chứ? Chẳng qua tôi không thích đánh nhau thôi. Còn các bạn, các bạn có tin tôi không? Tôi cần gì đến những cuộc tỉ thí vô nghĩa ấy chứ? Để mà làm gì? Hẳn các bạn cũng biết, vấn đề ở đây là gì. Trong chuyện này, con chó Dandy nọ chẳng có lỗi gì hết. Thậm chí có thể nó cũng chẳng muốn đánh nhau đâu. Nhưng người ta đã dạy cho nó cách đánh nhau và thói hung hăng, hiếu chiến. Tôi nói nghiêm túc đấy. Trải biết bao thế kỷ, con người chuyên tâm dạy cho giống chó stafford những kỹ năng chiến đấu với đồng loại, để sử dụng vào những trận đấu chó nhằm mục đích mua vui cho con người. Dandy có thể không muốn gây sự làm gì, nhưng dòng máu trong huyết quản nó cứ tự sôi lên, đòi hỏi nó phải thực hiện bằng được một trận thư hùng nào đó thì mới yên. Tất cả những chuyện ấy thật ngu xuẩn, nhưng muốn sửa chữa sai lầm của người xưa thì đã muộn rồi. Chỉ có một điều tôi không hiểu nổi, ấy là tại sao người ta lại cho phép người dân nuôi giống chó ấy trong nhà. Có rất nhiều giống chó có thể chung sống hòa bình với cả mèo lẫn những con chó khác giống nòi.
Cứ việc nuôi những giống chó “lành tính” ấy đi, chúng sẽ làm các vị vui lòng. Còn giống chó hung hăng hiếu chiến như con Dandy trước mặt tôi đây thì cần thiết gì cho các vị? Tôi thề là tôi không hề động gì đến nó, thậm chí không nhìn vào mắt nó, vậy mà nó vẫn cứ nhảy bổ vào tôi là sao?
Chúng tôi đánh nhau, nhưng chẳng được lâu. Ông chủ của Dandy hóa ra khôn hơn nhiều so với con chó đấu sĩ của mình. Ông ấy giật nó ra xa khỏi tôi và mắng nó té tát. Tôi suýt té nhào khi nghe những lời biện hộ rất hồ đồ của nó. Các bạn hãy nghe con chó stafford ấy nói gì với ông chủ của nó:
– Tại nó tấn công con trước chứ bộ. Nó làm nhục con. Vì thế con mới… ấy nó.
Tôi nghĩ bụng, đúng là đồ dối gạt. Tôi tấn công trước? Các bạn hãy mở bất kỳ cuốn sách nào nói về chó ra mà xem, có phải trong đó viết rằng chó Labrador không bao giờ và không vì bất cứ lý do gì có thể tấn công trước đối với bất cứ con chó nào hay không. Xin khuyên mọi người chớ bao giờ nên nuôi giống chó stafford trong nhà. Nuôi chúng chỉ tổ mang lấy bao điều rắc rối vào thân mà thôi. Chúng hung hăng đến nỗi ngay cả giống chó lapdog tí hon chúng cũng chẳng tha, có thể cắn đến nhừ tử những con chó lapdog nhỏ nhoi tội nghiệp. Những con chó stafford vô lại ấy chẳng cần biết trước mặt chúng chỉ là một con chó nhỏ bé hiền lành, yếu ớt – cứ hễ thấy chó là chúng xông vào cắn xé tuốt tuột. Như vậy nghĩa là gì? Như vậy là công bằng, đúng đắn ư? Vậy mà con người cứ ngây thơ nghĩ rằng giống chó stafford chỉ hung hăng
hiếu chiến với những loài súc vật khác mà thôi. Không dám đâu! Hồi ở trường, tôi từng được nghe các thầy cô huấn luyện viên nói rằng stafford là giống chó có thể bất ngờ tấn công cả chủ của mình. Cũng dễ hiểu thôi: chúng thường xuyên có nhu cầu phải đánh nhau, phải chiến đấu một mất một còn. Nếu không có con vật nào để choảng nhau, chúng phải chịu đựng một thời gian. Đến khi không thể chịu đựng được nữa thì lao vào tấn công người. Nhất là khi con người hành xử chẳng khác gì súc vật: dọa nạt, mắng nhiếc, đánh đập, làm nhục con chó của mình. Thế rồi đến một lúc (đẹp trời) nào đó, ở chó stafford ta xuất hiện ý nghĩ: đây không phải người, mà là súc vật. Vậy là đớp thôi. Như vậy, bi kịch là điều khó tránh khỏi.
Các bạn người ơi, chớ bao giờ nên nuôi những con chó như thế. Xin hãy nghe lời tôi. Tôi biết rất rõ những điều tôi nói. Chúng tôi cũng rất căm khi bị làm nhục, nhưng chúng tôi không bao giờ tấn công người. Chó Labrador biết nhẫn nhịn. Chúng tôi thậm chí có thể gầm gừ, sủa, nhe răng… nhưng không bao giờ cắn người.
Về nhà, mọi người xúm vào chữa trị vết thương cho tôi, bôi thuốc sát trùng lên mõ…, xin lỗi, lên mặt tôi, dán băng keo y tế. Thực ra, tôi chịu đựng mấy miếng băng dán “trang điểm” ấy không lâu – tôi đưa lưỡi liếm mấy nhát cho bở những “miếng vá” khó chịu ấy ra, đưa vào mồm rồi nhổ xuống sàn. Lúc đầu bà ngoại tỏ ra bức xúc, muốn dán trở lại, nhưng sau đó thấy máu không chảy nữa, bèn thôi.
Đời là gì? Dường như mọi chuyện đều ổn. Vụ bị bắt trộm đã giải quyết xong. Bệnh đã lành. Đầu, mình, tứ chi còn đủ. Vậy mà không, chưa hết. Lại gặp phải đứa du côn. Mọi chuyện xảy ra thật bất ngờ, cứ như người biết mình sẽ bị ném đá nhưng không biết hòn đá sẽ được ném tới từ hướng nào. Đấy, chẳng hạn, ai mà biết trước được là hôm nay tôi sẽ đánh nhau với một con chó khác? Thiệt tình! Sashka đang nằm viện, còn tôi thì tham gia một trận quyền cước chẳng theo một thứ luật lệ nào cả. Thậm chí cảm thấy xấu hổ làm sao ấy. Khi Sashka của tôi từ bệnh viện trở về, tôi sẽ ăn nói làm sao với cậu ấy đây? Chuyện đã lỡ xảy ra như vậy rồi, thật chẳng ra làm sao.