Ôi, thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và thú vị. Hôm nay chính là ngày sinh nhật của mẹ. Mọi người quyết định tổ chức lễ sinh nhật của mẹ ngay tại đây, ở nhà nghỉ ngoại ô này. Rồi bỗng nhiên bố mẹ cô bé Rada tới nhà. Và các bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Mẹ của bé Rada bị một phen xấu hổ đến mức muốn chui tọt xuống đất. Nhưng mà như mọi khi, hẵng để từ từ rồi tôi sẽ kể tuần tự mọi chuyện.
Bố của bé Rada chắc phải là một quan chức cao cấp nào đó. Tại sao tôi nói thế? Rất đơn giản: trước hết, chiếc xe hơi bề thế của ông ấy (chỉ nhỏ hơn chiếc xe khách chút xíu thôi); thứ hai, ông ấy có tài xế riêng hẳn hoi. Vừa trông thấy tôi, ông ấy đã nhoẻn rộng miệng cười rất tươi:
– Chào anh hùng cứu mỹ nhân!
Để giữ phép lịch sự, tôi vẫy đuôi tỏ ý mừng rỡ và nằm xuống bên cạnh mẹ.
Ông khách chào hỏi, làm quen với cô Tonhia, bà và mẹ rồi lôi từ trong xe ra một cái hộp khá to và có vẻ nặng, vui vẻ hỏi:
– Anh bạn trẻ của chúng ta đâu rồi?
– Sashka ấy à? – Mẹ ngạc nhiên hỏi lại. – Có phải anh muốn hỏi đến thằng bé nhà tôi?
– Vâng, đúng vậy, – người khách gật đầu. – Bà xã tôi nói rằng chủ nhân của con chó là con trai chị. Chúng tôi mang quà đến cho cháu đây.
Tôi không hiểu gì cả. Hôm qua bà ấy nói là sẽ có quà cho tôi cơ mà… Nhưng tôi hiểu, chẳng ai lại đi tặng quà cho chó, với lại, nói thực, tôi cũng chẳng cần đến quà cáp gì. Nhưng quà cho Sashka thì quá tốt.
– Ôi, anh chị tặng quà gì thế? – Mẹ lúng túng hỏi.
– Tôi nghĩ là cậu bé sẽ thích. Gọi cậu ấy ra đi, – ông khách yêu cầu (khi ông ấy chào hỏi và tự giới thiệu tên với người lớn trong nhà, tôi được biết ông ấy tên là Boris Mikhailovich).
– Ôi, nhưng hãy khoan, – mẹ hơi thoáng đỏ mặt lúng túng – Chờ chút đã. Đây là… đây là…
– Đây là chiếc máy tính xách tay đời mới nhất, mạnh nhất, nhiều tính năng tác dụng nhất thế giới hiện nay, – ông khách hào hứng nói. – Chị hãy tin đi, bảo đảm tất cả bạn bè của con trai chị đều sẽ phải ganh tị với cậu ấy đấy.
– Nhưng… nhưng… – mẹ ấp úng. – Vấn đề là… là…
– Tôi xin ra điều kiện nhé. Quyền từ chối đã bị loại bỏ từ đầu. Đây là món quà hoàn toàn xuất phát từ trái tim. Gọi cậu bé ra liền đi. Cháu tên gì nhỉ?
– Nó tên là Sashka, – mẹ trả lời rồi cố cầm nước mắt, nghẹn ngào: – Chẳng lẽ anh chị không biết gì sao?
– Sao cơ? – Ông khách há hốc mồm.
– Sashka bị mù…
Người đàn ông chết lặng, đứng sững như trời trồng mất một lúc. Sau đó ông từ từ quay đầu về phía vợ mình.
– Liuba! – Tiếng gọi bật ra, đanh như tiếng búa nện xuống mặt đe. Tôi sợ quá phải nhắm nghiền mắt lại.
– Ôi trời ơi! – Người phụ nữ ôm ngực đau khổ. – Xin lỗi, tôi không biết, tôi cứ tưởng… tôi cứ nghĩ đơn giản là cậu bé đeo kính râm chống nắng khi ra bãi tắm thôi chứ…
– Hừ, “cứ nghĩ” với lại “cứ tưởng”, – ông khách cáu giận làu bàu với vợ, rồi quay về phía mẹ, ông nói nhẹ nhàng: – Thôi, không sao cả, vậy thì bây giờ món quà này chúng tôi xin dành tặng chị, xin chị hãy cầm lấy, – ông ấy nâng hộp quà đưa về phía mẹ, – còn quà cho cậu bé, chúng tôi sẽ tính sau.
– Xin cảm ơn anh chị, nhưng mà quả là tôi không tiện lấy… Dù sao thì… – Mẹ ấp úng.
– Chị Svetlana Sergeevna! – Ông Boris Mikhailovich ngắt lời – Đừng làm thế, chúng tôi xin chị đừng làm thế. Chúng tôi không bao giờ mang quà về đâu. Phải chi Liuba vợ tôi không vô tâm đến thế thì…
– Anh à, em chỉ… chẳng qua là… – người vợ tội nghiệp ấp úng, cố gắng thanh minh, nhưng có lẽ do hoảng quá nên quên bặt những từ ngữ cần nói ra.
– Thôi được rồi, chúng ta ra về. Lần sau nhớ để ý quan sát mọi chuyện cho đến nơi đến chốn.
Ông Boris Mikhailovich trao hộp quà cho mẹ, đúng lúc đó, cô Tonhia kêu lên:
– Hôm nay sinh nhật của Svetlana Sergeevna đấy!
– Ô!!! – Ông Boris Mikhailovich thốt lên kinh ngạc.
– Các vị thấy chưa? Tôi bao giờ cũng cảm nhận trước được một ngày lễ nào đó. Vậy là Chúa đã sai tôi mang quà đến cho chị đó, chị Svetlana Sergeevna ạ. À, mà chờ cho một chút.
Ông khách đi lại gần chiếc xe, chui hẳn nửa người vào bên trong, lúc sau lôi ra một chai cô-nhắc to đùng.
– Nếu mọi người không phản đối, – ông ấy nói, – tôi xin mời mỗi người một ly.
– Ôi, vậy thì mời tất cả mọi người vào nhà, – cô Tonhia nhanh nhảu nói.
– Xin cảm ơn, – ông Boris Mikhailovich nói. – Nhân thể làm quen với cậu bé của các vị luôn.
– Trison, gọi Sashka ra đi con, – mẹ bảo tôi.
Tôi chạy ngay vào nhà, nhưng cũng còn kịp nghe ông khách nói với mẹ:
– Con chó của chị khôn ghê. Như vậy, nó là chó dẫn đường cho người khiếm thị? Ồ, có nhiều con chó dẫn đường cực kỳ thông minh, lắm người còn thua xa đấy.
Ông khách quả là người am hiểu rộng, tôi nghĩ bụng rồi chạy vào phòng của Sashka. Tất nhiên nói “lắm người còn thua xa” có lẽ hơi quá. Ờ, nhưng mà biết đâu đấy, người cũng có ba bảy hạng người…
Tóm lại, tôi rất thích ông Boris Mikhailovich. Tất nhiên không phải vì ông ấy khen tôi hay vì ông ấy tặng quà đắt tiền. Không phải thế. Mà vì ông ấy hành xử hoàn toàn khác so với rất nhiều người trong những tình huống tương tự. Khi Sashka đi ra chỗ bàn tiệc, ông ấy không hề kiểu cách khách khí như thường tình mà hỏi ngay:
– Cháu tên là Alexander phải không?
– Dạ đúng ạ, – Sashka lễ phép trả lời.
– Chú là Boris Mikhailovich, bố của bé Rada.
– Vâng, rất vinh hạnh được làm quen với chú ạ, – Sashka nói.
– Cháu giỏi lắm, Sashka ạ, – ông khách nắm chặt lấy bàn tay của Sashka, lắc lắc. – Cháu đã thể hiện mình một cách vững vàng, rắn rỏi, đến mức cô Liuba vợ chú không thể nhận ra cháu là người khuyết tật. Thế mới là đàn ông con trai chứ! Giỏi lắm, chàng trai ạ. Rất xứng đáng làm trai.
– Cháu cảm ơn chú ạ, – Sashka trả lời rồi mỉm cười.
– Được rồi, được rồi, để dịp khác rồi cảm ơn, – ông Boris Mikhailovich cười giòn. – Cô chú có chút nhầm lẫn, nhưng sẽ xin khắc phục ngay thôi.
– Có chuyện gì thế ạ? – Sashka ngạc nhiên hỏi.
– À, không có gì ghê gớm cả. Cô chú mang đến tặng cháu một chiếc laptop, nhưng nó lại dành cho người sáng mắt. Tuy nhiên, như vậy cũng tốt. Tình cờ hôm nay lại là ngày sinh nhật của mẹ cháu. Quá tốt! Bây giờ mẹ cháu sẽ có một chiếc máy tính xách tay mới và mạnh. Còn cháu thì cô chú sẽ đặt mua cho cháu cũng một chiếc máy tính xách tay, nhưng là loại chuyên dụng. Cháu đọc được chữ Braille chứ?
– Vâng, tất nhiên là cháu đọc được ạ, – Sashka trả lời. – Cháu… cháu có cả màn hình chữ nổi để đọc chữ Braille đấy ạ.
– Vậy thì thật tuyệt, – ông Boris Mikhailovich hồ hởi nói. – Màn hình ấy kết nối với máy chuyên dụng là tuyệt hảo. Mọi chuyện đều làm cho thế giới này tươi đẹp hơn.
Trong khi người lớn chuyện trò quanh bàn tiệc, bộ ba chúng tôi – tôi, Sashka và bé Rada – chơi với nhau trên sàn nhà ở gần đấy. Cô bé cưỡi lên lưng tôi, nhong nhong, và bật cười khanh khách mỗi khi tôi lắc mạnh đầu. Tôi rất thích tiếng cười của trẻ nhỏ. Không hiểu sao, cứ nghe tiếng cười vô tư của trẻ nhỏ là tâm trạng tôi phấn chấn hẳn lên.
– Trisha, – bé Rada hỏi, – bạn là chó thợ lặn phải không?
Sashka cười và hỏi lại:
– Ai bảo với em thế?
– Sáng nay bố em bảo: dậy nào, dậy để đi thăm con chó thợ lặn của con.
– Ừ, nếu em thích, cứ gọi như vậy cũng được.
Ngay cả tôi, tôi cũng không phản đối. Thợ lặn cũng là một nghề tốt, và quan trọng nhất, đó là một nghề cần thiết, có ích.
Ông Boris Mikhailovich hỏi mẹ cặn kẽ về vụ tai nạn của Sashka: nguyên nhân tai nạn, tai nạn xảy ra khi nào, tiên lượng thương tật ra sao… Cuối cùng, ông nói:
– Chị Svetlana ạ, tôi chưa dám nói trước điều gì, nhưng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để giúp đỡ con chị. Bây giờ y học đã tiến rất xa rồi, vì vậy, tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để chữa lành mắt cho cháu.
– Cảm ơn anh, anh Boris Mikhailovich. – Mẹ xúc động nói. – Cảm ơn anh rất nhiều.
– Ồ, tôi phải cảm ơn chị mới đúng chứ, – ông khách thở dài. – Cảm ơn vì mạng sống của bé Rada nhà tôi. Tôi cứ nghĩ mãi, làm sao có thể xảy ra chuyện ấy, vậy mà… Nhưng thôi, chúng ta không nói chuyện ấy nữa… Chị biết không, tôi có một người bạn thân, bác sĩ Nikolai Sobolev. Anh ấy từng tiến hành nhiều ca phẫu thuật vô cùng độc đáo. Tôi không rành lắm về chuyện mổ xẻ, nhưng tôi có nghe nói rằng, với sự trợ giúp của kính hiển vi điện tử, các bác sĩ có thể đặt vào mắt bệnh nhân mống mắt nhân tạo cuộn tròn như cái ống. Chị biết không, anh bạn tôi đã mang lại thị lực cho nhiều người khiếm thị rồi đấy. Bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới: Đức có, Ý có, Nam Tư cũng có. Anh ấy cùng các cộng sự của mình làm việc rất có uy tín. Chị đừng lo lắng gì cả, tự tôi sẽ thỏa thuận với anh ấy. Trước mắt chị khoan hẵng nói gì với cháu, cứ để các bác sĩ xem xét, đánh giá tình hình thương tật của cháu cái đã.
– Ôi, tôi thật không biết cảm ơn anh như thế nào cho xứng đáng nữa, – mẹ nói. – Mọi chuyện thật bất ngờ. Mọi chuyện sao mà tình cờ…
– Không có gì là tình cờ cả chị Svetlana ạ, – ông Boris Mikhailovich mỉm cười. – Mọi chuyện đều do ý Chúa sắp đặt. Gia đình chị đã cứu sống Raduzhka – “cầu vồng nhỏ” của tôi. Vậy giờ đây tôi phải cứu raduzhka – mống mắt cho con chị. Xin cảm ơn cả nhà về bữa tiệc. Bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải ra về, – ông khách đứng dậy, quay về phía đứa con gái của mình, nói: – Nào, Raduzhka, chào mọi người đi rồi về…
Raduzhka còn quá bé, chưa biết hết những điều tế nhị. Cô bé hôn tôi một cái rõ mạnh vào chóp mũi, khiến đầu óc tôi choáng váng.
– Chào nhé, bạn thợ lặn! – Cô bé chào thật to rồi nói thêm: – Nhớ tới nhà chơi nha! Đồng ý chứ?
– Gâu-gâu! – Tôi trả lời.
– Bạn ấy nói gì thế? – Cô bé hỏi Sashka.
– Bạn ấy nói là “đồng ý” đấy, – Sashka cười vang.