Một hôm, tôi nghe mẹ nói chuyện với bà.
– Sashka đã vui vẻ, sinh động hơn nhiều rồi đấy. – Mẹ nói. – Có con chó, nó đỡ buồn hẳn.
– Nhưng điều quan trọng nhất là đừng để con chó làm hại Sashka. – Bà trả lời. – Dù sao thì cũng chỉ là con chó. Loài thú mà…
Nghe những lời ấy, tai tôi dựng ngược cả lên.
Trời! Làm sao có thể ăn nói bộp chộp như vậy được? “Đừng để con chó làm hại”, “Loài thú”… Hừm, bà coi tôi là loài thú. Đối với bà, tôi là con sói hay con lợn lòi bị thương chăng? Bà có chịu suy nghĩ trước khi nói không vậy? Thảo nào cụ Ivan Savelievich thường khẳng định rằng các cụ ông bao giờ cũng khôn ngoan hơn. Phải chi nghe được những lời vừa rồi của bà, thế nào cụ cũng… Còn tôi, nếu tôi không phải là chó dẫn đường, thế nào tôi cũng kiếm một quả trứng thối tặng bà, bà Elizaveta Maximovna ạ. Chẳng trách cụ Ivan Savelievich thường vẫn nói rằng loài chó chỉ có một nhược điểm duy nhất, đó là quá tin con người. Vâng, chúng tôi tin con người, nhưng con người lại không tin tưởng chúng tôi. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều không tin tưởng chúng tôi, nhưng một số người có thái độ giống như bà già này. May quá, lúc đó mẹ Svetlana Sergeevna đứng ra bênh vực tôi:
– Bà ngoại làm sao vậy? – Mẹ cười giòn. – Giống chó này rất hiền, khôn ngoan và thân thiện chứ nào phải thứ chó chạy rông? Con chó nhà mình được đào tạo bài bản, quy củ lắm đấy!
Cảm ơn mẹ rất nhiều, mẹ Svetlana Sergeevna quý mến. Ít ra cũng có mẹ Svetlana hiểu được rằng tôi là thứ chó gì. Sashka có một người mẹ tuyệt vời!
– Thôi được rồi. – Bà già lẩm bẩm. – Cứ sống rồi khắc thấy.
Dĩ nhiên là sẽ thấy. Thấy rồi sẽ thèm cho mà xem. Kiểu gì thì rồi Sashka cũng sẽ yêu quý tôi nhất nhà. Giá các người thấy được cảnh ông cụ Ivan Savelievich khóc như thế nào khi tôi thoát chết trong gang tấc dưới gầm xe lửa. Mỗi lần nhớ lại sự cố ấy tôi lại sởn hết gai ốc, cứ như bị bọ chét đốt toàn thân.
Bây giờ các bạn hình dung nhé. Tôi và ông bạn già của tôi đi đến nhà bạn ông ở ga xép Saltykovka, ngoại ô Matxcơva. Xe lửa chạy điện là phương tiện thích hợp nhất cho những chuyến đi như thế. Cũng cần nói thêm, trên tuyến đường sắt này, nếu đi thêm vài ga xép nữa thì sẽ đến trường của chúng tôi. Chúng tôi đến nơi an toàn. Chủ nhà cũng là một cụ già như ông Ivan Savelievich của tôi, chỉ khác ở chỗ là ông ấy sáng mắt. Ngồi chơi, chuyện trò, ăn uống xong, chúng tôi ra về. Tôi không biết các đồng loại chó của mình sẽ hành xử thế nào với con người sau một sự cố như thế (tôi sẽ kể ngay sau đây), nhưng tôi thì không có tật thù dai. Dĩ nhiên dù gì thì tôi vẫn sẽ không từ bỏ nghề chó dẫn đường. Tóm lại, chúng tôi đứng chờ tàu trên sân ga. Hành khách chờ tàu cũng đứng xung quanh thành một đám đông, ai nấy đều nhăm nhăm chực chờ để lao lên toa khi tàu tới (ở ga xép, tàu chỉ dừng khoảng 1 – 2 phút), trông chẳng khác gì các vận động viên điền kinh chuẩn bị xuất phát trong cuộc đua chạy 100 mét. Tàu đến. Đám đông hành khách nhào tới, tranh nhau để lọt sớm được vào các cửa toa, nếu không cửa sẽ tự động đóng lại và tàu sẽ chạy mất. Ông cụ Ivan Savelievich lúng túng, không biết phải làm gì trong cái đám đông hỗn loạn ấy, còn tôi thì đã… biến mất tăm đằng nào, không một động tĩnh gì. Xin các bạn đừng nghĩ rằng do quá hoảng sợ đám người cuồng điên kia mà tôi bỏ chạy. Không đâu. Chỉ đơn giản là tôi bị đám đông hỗn loạn ấy hất văng ra. Bị treo lơ lửng trên đoạn dây nối từ băng đai đến tay ông cụ Ivan Savelievich, ở khe hở giữa mép sân ga với thân tàu, tôi thầm nghĩ: thương thay ông lão Ivan Savelievich của con, thôi thì con coi như là hết kiếp, nhưng rồi ai sẽ đưa ông, người yêu thương nhất của con, về đến nhà, ít nhất là từ ga cuối về đến căn hộ…
Thường thì tôi hay đưa người được mình dẫn đường lên toa đầu của đoàn tàu, để luôn được ở gần người lái tàu, trong khoảng cách ngắn nhất. Vậy mà rồi xảy ra hỗn loạn, chen lấn lung tung, mặc dù tàu chỉ mới dừng lại chứ chưa kịp chuyển bánh. Tôi nghe tiếng ông lão tội nghiệp của tôi thét lên, yêu cầu người lái tàu chớ vội cho tàu rời ga, rồi ông ráng sức kéo tôi lên. Các bạn có biết tôi nặng bao nhiêu ký lô không? Không đơn giản như giật con cá giếc từ dưới ao lên đâu nhé. Ờ, mà các bạn nhớ nhắc tôi kể chuyện tôi cùng ông cụ Ivan Savelievich đi câu cá nhé. Tôi xin kể tiếp. Ông già tội nghiệp thở hổn hển, ráng sức kéo tôi lên. May mà có một hành khách góp tay kéo phụ. Nhưng trong tình huống này, càng cố kéo tôi thì lại càng làm cho tôi nghẹt thở, vì cái băng đai cứ thít chặt lấy cổ. Cuối cùng, tôi cũng được kéo lên khỏi mép sàn bê-tông. Nhưng lúc đó thì tôi đã chẳng còn biết trời đất gì nữa. Mắt tôi tối sầm, tôi bắt đầu mê man bất tỉnh.
Khi tỉnh lại, tôi cảm thấy có những giọt nước ấm nóng rơi xuống mũi mình. Mở mắt ra, tôi thấy ông cụ Ivan Savelievich đang ngồi ôm tôi mà khóc. Đứng bên cạnh ông là một bé gái nhỏ xíu đang lẩm bẩm câu gì đó. Lúc đầu tôi không nghe thấy con bé nói gì, chỉ thấy nó mấp máy môi và đưa ngón tay lên ngoáy mũi. Thế rồi thính lực của tôi phục hồi. Tôi nghe con bé nói: “Ông ơi, sao ông khóc, con chó của ông chết rồi à?”. Nghe thế, cụ Ivan Savelievich bật khóc thành tiếng, cứ như thể tôi đang bị đưa xuống huyệt không bằng. Ông cụ cúi xuống thấp hơn nữa, hôn tôi và vuốt ve tôi. Còn tôi thì quả thực không thể nào cử động bốn chân, chứ đừng nói cả thân mình – có lẽ khi tôi được kéo lên, dây đai thít vào cổ và ngực tôi quá chặt, tôi bị ngất và do đó mất sức rất nhiều.
Nằm một lúc, tôi bắt đầu thấy khỏe ra, sức lực dần phục hồi. A, tôi đã có thể cử động được rồi. Tôi vươn cổ lên, liếm vào má ông cụ. Ông cụ giật mình, suýt ngã ngửa. Lúc này trông ông mới tức cười làm sao! Bạn cứ hình dung một người ngồi xổm mà nhảy tưng lên – hệt như con gà tây. Khi thật sự hiểu được rằng tôi còn sống, cụ Ivan Savelievich mừng quýnh, chồm tới, ôm lấy tôi và bế thốc lên tay, mừng đến nỗi suýt làm rơi xuống đất. Ôi, cụ ơi, làm sao cụ nhấc nổi con cơ chứ? Vậy mà ông cụ vẫn ráng sức giữ lấy tôi trên hai tay, dụi mặt vào bụng tôi và hỏi: “Con còn sống ư, hở Trison yêu quý của ta?”. Tôi biết trả lời sao đây? Chỉ có cách sủa lên mấy tiếng. Nghe tiếng sủa của tôi, ông cụ mừng đến nỗi cứ ôm tôi trên tay mà lắc lư qua lại như người ta nựng trẻ nhỏ. Thôi, đặt con xuống đi nào, kẻo không khéo cụ lại ngã xuống rồi rơi ra khỏi cái sân ga chết tiệt này. Cụ mà rơi xuống đó thì làm sao con kéo cụ lên nổi? Để “đánh thức” ông lão đang mê đi vì vui sướng, tôi cất tiếng “hát”: “U-u-o- u-o-uo”. Nghe thấy thế, cụ Ivan Savelievich hiểu rằng đã đến lúc phải đặt tôi xuống đất. Chúng tôi ngồi bệt ngay trên sàn bê tông, nghỉ ngơi chừng 10 phút. Khi đã hoàn toàn lại sức, tôi giật giật sợi dây nối để nhắc ông cụ: nào, đi thôi cụ ơi, ngồi vậy đủ rồi. Chúng tôi về nhà an toàn trên chuyến tàu kế tiếp – lúc này trên sân ga đã thưa hành khách nên không còn cảnh chen lấn xô đẩy nữa. Nói là về nhà an toàn, nhưng cũng gặp chút rắc rối nho nhỏ ở chỗ hiệu thuốc.
Chắc các bạn cũng hiểu rằng sau một sự cố kinh hoàng như thế, đến người mạnh khỏe cũng phải mau mau tìm đến hiệu thuốc. Cụ Ivan Savelievich ra hiệu lệnh yêu cầu tôi đưa cụ đến hiệu thuốc gần nhà. Tuyến đường đến hiệu thuốc thì tôi chẳng lạ gì. Đừng bảo là tôi kiêu căng, chứ mà tôi thuộc lòng hơn ba chục tuyến đường quanh khu vực cụ Ivan Savelievich sinh sống. Nào thì đến hiệu thuốc. Tôi chẳng ngại gì cả, cần đi đâu cứ bảo một tiếng, tôi sẽ đưa đến đó. Chúng tôi đến nơi, vừa bước vào cửa, bỗng một người phụ nữ có bộ ngực đồ sộ rít lên:
– Ông già, sao lại đưa chó vào đây? Đây là cơ sở y tế, không biết à?
Tôi và cụ Ivan Savelievich đã ra vào cái “cơ sở y tế” này hàng triệu lần và chưa bao giờ bị ngăn cản. Vậy mà bây giờ… Tôi nhìn bà mập ấy và thấy không quen. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà ấy ở đây.
– Chúng tôi được phép vào đây. – Cụ Ivan Savelievich bình thản nói và khoan thai tiến về phía quầy thuốc.
Người đàn bà khó tính nọ tuy mập ú mập ù nhưng lanh chân đáo để. Bà ấy chặn ông cụ lại. Phải vất vả lắm tôi mới chen được vào giữa hai người để ra hiệu cho ông cụ dừng lại vì phía trước có chướng ngại vật – việc này là yêu cầu đầu tiên trong số mọi trách nhiệm công việc của tôi. Cụ Ivan Savelievich dừng lại, ngơ ngác. Ông cụ biết quá rõ rằng trong hiệu thuốc này chẳng có thứ gì có thể gọi là vật cản. Rồi cụ chìa gậy ra phía trước, chọc chọc để kiểm tra xem vật cản ấy là thứ gì. Người đàn bà nọ lại làm toáng lên:
– Này, ông già, chớ có mà chọc gậy lung tung nhé! Tôi đã nói rồi, không được dắt chó vào đây. Đưa nó ra ngoài ngay!
Rồi bà ta đứng đơ ra như tượng. Đôi lông mày nhíu lại, môi mím chặt, mắt trợn ngược như mắt ếch, mặt đỏ gay, hai tay chống nạnh, mũi thở hổn hển. Cứ như thể chúng tôi đến đây không phải để mua thuốc mà là để cướp tiền cướp của bà ấy vậy. Làm sao ở con người lại có lòng căm ghét dữ dội đến như thế cơ chứ? Khi đứng giữa hai người, tôi có cảm giác từ bà ấy toát ra một luồng sóng năng lượng rất mạnh dội thẳng xuống lưng tôi. Vâng, đúng là loại sóng mà loài chó rất sợ. Phải rồi, có một thiết bị đặc biệt chuyên dùng để dọa và xua đuổi chó hoang chạy rông. Hễ người ta nhấn nút cái máy ấy cho sóng phát ra thì y như rằng lũ chó quanh đó đều có cảm giác như bị nện thanh củi vào đầu. Cũng có một số huấn luyện viên sử dụng loại máy này khi huấn luyện chó. Dã man! Đểu cáng! Tôi mà gặp phải ông thầy như thế, tôi cắn cho đứt tay. Tôi nói điều ấy ra để làm gì? Vì giờ thì mụ đàn bà bán thuốc tây đang biến thành cái máy như thế đấy. Các bạn có hình dung nổi lúc đó tôi cảm thấy thế nào không? Tôi đứng đó, tưởng tượng như đang có thanh củi tạ chuẩn bị phang xuống đầu, còn bên tai là những tiếng “tróc, tróc, tróc” vô cùng khó chịu. Vậy mà các bạn cứ thường nói: nhìn kìa, nhìn kìa, ông lão mù đi dạo cùng con chó. Nói rằng các bạn đang dạo chơi trong văn phòng của mình thì đúng hơn là nói tôi với ông cụ Ivan Savelievich đi dạo. Hàng ngày, mỗi khi chúng tôi ra khỏi nhà là cứ như ra mặt trận, luôn phải sẵn sàng chiến đấu.
– Thưa quý bà, – cụ Ivan Savelievich nói, – hình như bà là người mới vào làm ở đây?
– Mới hay cũ thì có gì khác nhau? – Bà bán thuốc tây kiêm cái máy phát sóng dọa chó thở phì phì. – Tôi đã nói rõ rằng cấm đưa súc vật vào hiệu thuốc. Đó là quy định!
– Bà hãy đọc lại quy định của ngành mình đi. – Cụ Ivan Savelievich vẫn nhẹ nhàng, nhưng tôi cảm nhận được rằng sắc thái giọng nói đã bắt đầu thay đổi. Tôi nghĩ bụng: mụ ngốc, chẳng mau tránh ra, kẻo ông lão đọc cho một loạt “quy định” thì ở đó mà ngẫm đến tận sáng mai!
Cũng cần nói thêm rằng nếu bà bán thuốc tây nọ chỉ một lần được nghe ông lão của tôi có thể giận dữ văng tục như thế nào, hẳn bà ấy đã không dám liều lĩnh cản đường ông cụ. Tôi nói thật đấy. Cụ Ivan Savelievich là một ông già khả kính, luôn điềm đạm, lịch sự, nhưng cứ thử chọc giận ông cụ mà xem… Tôi từng nghe ông cụ chửi mắng rồi. Ôi, ôi ôi… Cụ có thể tuôn ra những từ ngữ mà ngay cả trong trường dạy chó tôi cũng chưa từng được nghe, dù ở đó, ngay trước mặt các học viên chó chúng tôi, các huấn luyện viên vẫn thường chửi thề văng mạng, không hề biết ngượng mồm.
Thế rồi bỗng xảy ra một điều kỳ diệu! Một người phụ nữ từ đâu đó bên trong bước ra. Chính là người quen cũ của chúng tôi.
– Ôi, Trison! – Bà ấy mừng rỡ chào tôi. – Nào, mời hai ông cháu vào đi, vào đi. – Rồi bà ấy quay sang nói với bà mập. – Tamara, để ông cụ với con chó vào…
– Ơ, nhưng chính chị đã bảo rằng…
– Tamara à, người khiếm thị có quyền đi cùng chó dẫn đường vào bất cứ nơi đâu, kể cả hiệu thuốc.
Dù ngày hôm ấy có xảy ra một vài sự cố nhưng rồi mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp, có thể nói là một cái kết tuyệt vời. Tối ấy, cụ Ivan Savelievich khui một lon thịt gà đóng hộp cho tôi ăn (tôi khoái nhất món này). Cụ còn chúc mừng tôi nhân ngày sinh nhật (tôi không hiểu tại sao) và chúng tôi ăn tối cùng nhau. Tội nghiệp ông lão, không biết do vui mừng quá hay sao mà tay chân quýnh quáng, mấy lần đánh rơi thìa nĩa xuống sàn. Nhưng đã có tôi đây, luôn sẵn sàng nhặt lên đưa lại cho cụ…
Nhìn chung, ông cụ của tôi lơ đễnh, đãng trí đến tội nghiệp. Khi thì để tuột mất cây gậy, khi thì làm rơi cặp kính, khi thì chẳng biết đã để chùm chìa khóa ở đâu. Với những đồ vật cứng, có thể phát ra tiếng động khi rơi xuống, thì còn đỡ, vì người mù có thể nghe tiếng động để biết là chúng đã rơi và xác định được vị trí rơi. Còn đối với những đồ vật mềm, như găng tay chẳng hạn, thì thật đến khổ. Lắm bận, khi đi trên đường, tôi mải lo quan sát xe cộ, chướng ngại vật, ông lão đi đằng sau bỗng dưng làm rơi găng tay mà không biết. Phải chi biết nói tiếng người, tôi đã khuyên ông cụ đính vào mỗi chiếc găng tay một cái chuông con để lỡ có rơi thì cụ hoặc tôi còn nghe thấy. Năm cuối tôi ở với cụ Ivan Savelievich, trong số những thứ thường bị rơi còn được bổ sung thêm một đồ vật nữa: điện thoại di động. Rất may là những người tốt bụng đã bày cách bỏ điện thoại vào bao mềm chống sốc để có rơi thì cũng không bị hư hỏng. Khi cần gọi cũng không phải lấy điện thoại ra khỏi bao, vì ở khu vực bàn phím, người ta đã thiết kế một màng mỏng trong suốt, cứ việc sờ đầu ngón tay lên đó mà bấm. Mỗi lần cụ Ivan Savelievich bấm số để gọi thì trông rất buồn cười. Cụ ngửa mặt lên trời, miệng há ra, cứ như chuẩn bị cất tiếng hát, dùng đầu ngón tay trỏ rà rà, bấm bấm trên bàn phím. Thỉnh thoảng, sau khi áp máy vào tai được vài giây, cụ bỗng giật phắt ra rồi lại lần mò bấm bàn phím. Ban đầu, tôi cứ tưởng cụ bị cái máy ấy nó chích điện, về sau mới hiểu ra là cụ bấm sai số, phải bấm lại từ đầu.