Có một điều làm tôi phấn khởi: bây giờ trong nhà đã đạt được một sự cân bằng nhất định. Nghĩa là hai nam hai nữ. Tôi về với nhà này thật đúng lúc. Hai người phụ nữ trong nhà dù là rất tốt bụng, hiền lành, chu đáo, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu không có tôi, hẳn cậu bé sẽ buồn và chán đến chết được. Thật tội nghiệp cho cậu bé! Người mù bao giờ cũng đáng thương hơn người bình thường. Họ vô cùng yếu đuối, bất lực, nhất là trẻ em. Rất nhiều người hễ nhìn thấy trẻ em mù là không cầm được nước mắt. Tất nhiên là tuyệt đại đa số mọi người đều sẵn sàng vui lòng giúp đỡ người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Lòng tốt ấy đáng trân trọng vô cùng. Tuy nhiên, như cụ Ivan Savelievich thường nói, điều đáng nói nằm ở một tâm điểm khác. Các bạn có biết không, vấn đề ở chỗ người mù không muốn mình phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự quan tâm, săn sóc, giúp đỡ của người khác. Tôi nói nghiêm túc đấy. Tất nhiên không phải họ vô ơn. Hoàn toàn không phải thế! Chẳng qua chỉ vì sự quan tâm săn sóc thái quá mọi lúc mọi nơi ấy khiến họ mệt mỏi và phải chịu một áp lực nặng nề.
Họ chỉ muốn thét vang cho cả nhân loại nghe thấy: “Các bạn hãy nhìn đây, chúng tôi có thể sống, lao động và sinh hoạt một cách bình thường mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Chúng tôi không muốn làm phiền các bạn. Đừng quá lo lắng cho chúng tôi và hãy lo làm việc của mình đi!”.
Tôi rất hiểu họ. Ai đó từng nói rất đúng rằng mắt họ tuy đã chết, nhưng tim họ vẫn còn đang sống.
Chẳng bao lâu sau, tôi cùng Sashka được phép đi dạo và nghỉ ngơi trong công viên mà không cần có người lớn đi kèm. Hai người phụ nữ trong nhà đã bắt đầu tin tưởng giao phó Sashka cho tôi. Trước đây, mỗi lần chúng tôi đi dạo đều phải chịu sự giám sát: tôi dẫn Sashka đi đằng trước, bà hoặc mẹ bám theo đằng sau. Chẳng qua họ quá lo lắng, muốn đi theo để phụ giúp, nếu cần. Nhưng tôi đâu cần phụ tá. Tuyến đường này quá dễ mà. Tôi thuộc lòng tuyến đường này rồi, nhanh lắm. Có thể nói, tuyến đường này đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ thì Sashka đã quen với việc phải dùng gậy. Các bạn biết không, hồi đầu, mọi người không cách nào thuyết phục được cậu ấy sử dụng gậy. Cậu chống cự quyết liệt và từng bẻ gãy hai cây gậy. Trẻ con mà.
– Đã có Trisha rồi thì còn cần gậy làm gì cơ chứ? – Cậu vùng vằng.
Đồ ngốc. Tất nhiên là tôi sẽ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, nghĩa là sẽ dừng đúng lúc, đưa cậu rẽ phải hay rẽ trái khi cần. Nhưng làm sao có thể không cần đến gậy được? Đối với người khiếm thị, cây gậy là tối cần thiết. Sợi dây nối từ đai ngực tôi đến tay cậu chỉ là công cụ đánh tín hiệu cảnh báo về chướng ngại vật. Nhưng đôi khi cậu phải dùng gậy để tự tìm hiểu xem vật chướng ngại trước mặt mình là gì chứ.
– Sashka! – Mẹ cậu nghiêm giọng. – Con đã qua khóa huấn luyện ở trường của Trison. Ở đó người ta đã nói với con thế nào? Gậy là vật thiết yếu. Vậy thì con hãy nghe lời các thầy đi, họ có đầy đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hoan hô! Hoan hô mẹ Svetlana đã nói đúng! Mẹ chỉ hơi nhầm lẫn chút xíu về từ ngữ thôi, đó không phải là trường “của Trison”, mà là trường đã đào tạo Trison.
Tóm lại, chuyện dùng gậy hay không dùng gậy cuối cùng rồi cũng được giải quyết. Cũng giống như cụ Ivan Savelievich, Sashka rất ưa chuyện trò cùng tôi. Có điều, giờ đây, đề tài đã khác. Sashka rất nhanh chóng làm quen rồi sử dụng thành thạo bảng chữ cái Braille. Các bạn có biết bảng chữ cái ấy là gì không? Đó là những chấm nổi trên nền một mặt phẳng như tờ giấy. Người mù đọc chữ bằng đầu ngón tay. Cách đây không lâu, Sashka đã đọc được một tài liệu nói về nguồn gốc xuất xứ của bảng chữ cái ấy. Thật thú vị khi nghe cậu ấy kể về chuyện đó. Tôi cũng nhận thấy rằng Sashka kể chuyện rất có duyên. Khi cậu ấy kể chuyện, tôi ngồi thật yên lặng, le lưỡi ra thở và nghe bằng… một tai. Vâng, đúng vậy, chỉ nghe bằng một tai thôi, còn tai kia thì còn phải “trực chiến” chứ.
Thì ra, từ thế kỷ XIII, vua Louis IX của Pháp, sau khi thất bại trong những cuộc Thập tự chinh vô nghĩa đã trở về Paris và lập nên trại cứu tế dành cho người mù, đặt tên là “Trại 15 con mắt”. Một cái tên kỳ quặc.
Nhưng vấn đề không phải ở tên gọi. Những trại viên đầu tiên là khoảng 300 hiệp sĩ từng tham gia các cuộc viễn chinh của nhà vua và bị thương dẫn đến đui mù. Từ thời xa xưa ấy, người ta đã ý thức được rằng cần giúp đỡ người mù và tạo cho họ những điều kiện sống bình thường.
Sau đó, vào năm 1771, tại Hội chợ Thánh Ovid’s nổi tiếng và náo nhiệt ở Paris, nơi mà từ ngày 14 tháng 8 đến 15 tháng 9 hàng năm, những người bán hàng rong, các nghệ nhân múa rối và xiếc trình diễn tài nghệ của mình, một thanh niên tên là Valentin Haüy sau khi bố thí cho một cậu bé mù thì vô cùng ngạc nhiên khi nghe thấy cậu bé đọc đúng mệnh giá của đồng xu. Haüy lập tức nhận ra rằng người mù có thể đọc được chữ bằng xúc giác, nghĩa là đọc bằng cách sờ tay lên chữ nổi. Từ đó Haüy bắt đầu mở trường dạy chữ cho người mù và cậu bé ăn mày François Lesuer trở thành học trò đầu tiên. Valentin Haüy đã dạy cậu bé đọc bằng cách sử dụng các chữ cái khắc nổi trên gỗ, rồi ghép chúng lại thành từ. François là một học trò rất có năng khiếu và chỉ sau sáu tháng học đã có thể đọc được các trang sách in nổi. Haüy giới thiệu cậu học trò của mình với Viện Hàn lâm Hoàng gia. Khả năng tuyệt vời của François đã khiến các chuyên gia phải choáng váng và ngay sau đó người ta bắt đầu chế tác ra bảng chữ cái bằng chữ nổi. Phát minh này sau đó được truyền bá ra khắp thế giới. Năm 1806, Valentin Haüy đến Nga theo lời mời của Sa hoàng Alexander I và thành lập Học viện trẻ em mù St. Peterburg. Ở đây, người ta bắt đầu xuất bản những quyển sách chữ nổi đầu tiên và ở Nga cũng hình thành thư viện đầu tiên dành cho người mù.
Tiếp theo sau Haüy còn có nhiều người làm được rất nhiều điều bổ ích cho người mù. Nhưng họ đã sai lầm khi xác quyết rằng “cái gì thuận tiện cho người sáng mắt thì cũng thuận tiện cho người mù”. Bắt đầu xuất hiện thêm nhiều loại bảng chữ nổi. Một người Anh tên là James Gol sáng chế ra một kiểu chữ lồi góc cạnh. Alston ở xứ Edinburgh thì sáng chế bảng chữ nổi dựa trên cơ sở bảng chữ cái Latin. Cũng cần nói thêm là bảng chữ cái của Alston trông rất giống một kiểu chữ máy tính ngày nay – kiểu chữ Arial. Tuy nhiên, các ý tưởng sáng chế vẫn không dừng lại ở đó, các nhà khoa học hay chỉ đơn giản là những người đam mê lĩnh vực này luôn cố gắng hoàn thiện các bảng chữ cái dành cho người mù.
Người phát minh ra bảng chữ nổi hiện đại, Louis Braille, từ bé đã bị mù do tình cờ bị con dao thợ giày đâm vào mắt. Năm lên 10 tuổi, Louis được gửi vào trường mù Paris, học theo chương trình và bảng chữ nổi của Haüy. Những quyển sách rất to và đắt tiền do được khắc nổi công phu, vì vậy cả trường chỉ có 14 quyển. Louis đọc hết và học thuộc tất cả những quyển sách ấy. Cậu học trò nhỏ cảm thấy hệ thống chữ nổi Haüy chưa hoàn thiện cho lắm – để cảm nhận được một chữ cái phải mất mấy giây, vì vậy việc đọc sách rất nhọc nhằn, vất vả. Bấy giờ, Louis hiểu ra rằng cần phải tìm ra một phương pháp nào đó giúp cho việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn, và quan trọng nhất là nhanh hơn.
Sáng chế của Louis Braille có một lịch sử tiền biên đáng kinh ngạc. Nếu các bạn không phản đối, tôi xin kể tiếp câu chuyện của Sashka.
Quân đội Pháp từng sử dụng một loại mật mã chữ cái vô cùng độc đáo do Charles Barbier, một sĩ quan pháo binh, sáng tạo ra nhằm chuyển tải những mệnh lệnh truyền đi trong đêm và không được phép viết trên giấy thường. Làm cách nào để đọc lệnh trong đêm? Nếu thắp nến lên thì dù muốn dù không cũng có thể bị lộ bí mật địa điểm đóng quân. Vì vậy, tất cả các chữ cái của mệnh lệnh chuyển đi ban đêm đều được “viết” bằng cách đục lỗ trên một tấm bìa cứng. Louis Braille cũng học và sử dụng thành thạo loại mật mã Barbier, nhưng cho rằng phương pháp này vẫn còn quá thô sơ, chưa hoàn thiện. Dựa trên cơ sở mật mã Barbier, Braille đã sáng tạo ra kiểu chữ gồm nhiều chấm nổi, cho phép nhận dạng rất nhanh và chính xác từng chữ cái.
Tuy vậy, rất đáng ngạc nhiên là vào năm 1829, khi Braille trình lên Hội đồng Học viện Hoàng gia hệ thống chữ nổi của mình thì bị Hội đồng bác bỏ. Các bạn có biết vì sao không? Chỉ vì bảng chữ cái này rất bất tiện cho các giáo viên sáng mắt! Thiệt tình! Thay vì quan tâm đến sự thuận tiện của học viên khiếm thị, họ chỉ nghĩ đến sự thuận tiện của chính mình. Nhưng Braille là người kiên trì, nhẫn nại và ông quyết định tự mình truyền bá, phổ biến kiểu chữ nổi của mình trong cộng đồng những người khiếm thị. Bảng chữ nổi Braille được người mù chấp nhận ngày càng rộng rãi và thế là 8 năm sau, Hội đồng Học viện phải đặt vấn đề xem xét lại hệ thống chữ nổi này. Lần này thì các học giả đều nhất trí ủng hộ bảng chữ cái Braille. Cho đến ngày nay, toàn thế giới đều công nhận rằng hệ thống chữ nổi dành cho người mù do Braille lập ra là hoàn thiện nhất. Ở nước
Nga, cuốn sách đầu tiên sử dụng chữ Braille được xuất bản năm 1885. Và ai cũng biết rằng tháng Giêng năm 2009 là tròn 200 năm ngày sinh của nhà phát minh khiếm thị vĩ đại này.
Các bạn có biết Sashka của tôi có bảo bối gì không? Không tin nổi đâu. Đó là một chiếc màn hình hiển thị nổi dùng để đọc chữ Braille. Văn bản được chuyển thành các tín hiệu, đẩy các chấm của chữ cái nổi lên, và anh bạn nhỏ của tôi chỉ việc dùng đầu ngón tay rà trên màn hình. Cứ thế mà đọc – đọc – đọc… Rồi sau đó cậu ấy kể lại cho tôi nghe, và giờ thì tôi đang kể lại những chuyện ấy cho các bạn nghe đây. Những chuyện ấy thú vị đấy chứ? Tôi cũng rất thích. Mọi người còn nói rằng rồi đây các chuyên gia sẽ tìm ra cách làm cho chữ Braille biết “chạy” trên màn hình, lúc đó, việc đọc của người khiếm thị sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn nữa. Rất may là các nhà khoa học ngày nay đã không còn quan tâm quá nhiều đến sự thuận tiện của bản thân mình.
Tôi nghe chuyện say sưa quá đến nỗi suýt mất cảnh giác. Thế rồi có một người phụ nữ khiếm thị tiến về phía chúng tôi và ghé ngồi vào một đầu ghế đá. Bà ấy cũng có một anh chó dẫn đường, đúng hơn là cô chó dẫn đường, tên là Margo. Ái chà, là nữ hoàng cơ đấy nhé. Một con chó dễ thương. Tuy nhiên, nó không cùng giống với tôi mà thuộc một giống nào đó khác, lông xù. Ở trường chúng tôi chưa hề có giống chó này. Con chó khá xinh, lông khoang màu trắng xen hung, mõm nhọn, mắt sắc và sáng. Nhưng mà nó kiêu chết đi được. Các bạn thấy đấy, tôi với nó là đồng nghiệp, vậy mà cô nàng cứ ngoảnh mặt đi, làm như không thèm để ý đến tôi. Mặc xác! Đây cóc cần. Nhưng cũng phải nói cho công bằng là tính chuyên nghiệp của cô nàng rất cao. Chứng tỏ cô nàng từng được học trường xịn. Có lẽ các bạn thắc mắc rằng làm sao mới nhìn qua mà tôi đã có thể nhận biết tính chuyên nghiệp ở một con chó dẫn đường? Rất đơn giản. Có một tốp trẻ choai đi ngang qua chỗ chúng tôi, một chú nhóc huýt gió, chú khác tróc lưỡi, một cô bé còn dừng hẳn lại, chõ vào sát mũi cô nàng mà nựng: “Bé bỏng dễ thương chưa, đáng yêu quá đi thôi”. Mặc dù cô bé không dám đưa tay ra vuốt ve cô chó nhỏ nhưng cứ nói luôn mồm, nghe đến phát chán. Mặc cho cô bé đứng lải nhải hồi lâu, Margo vẫn như bỏ ngoài tai, ngồi lặng yên không nhúc nhích. Mặc ai huýt gió, tróc lưỡi hay nựng nịu, Margo không có bất cứ một phản ứng nào.
Đám nhóc bỏ đi. Tiếp đến là một cặp đôi, có lẽ là vợ chồng. Họ khoác tay nhau. Quý bà đội một chiếc mũ rộng vành không hợp lắm với lứa tuổi của mình, quý ông cầm gậy, nhưng không phải người mù, cũng không phải người có tật ở chân, vì bước đi trông vững chãi lắm. Có lẽ ông ta mang gậy theo chỉ để làm dáng mà thôi. Họ dắt theo một con chó bulldog giống Pháp. Gã bulldog này béo tròn béo trục, bộ dạng cực kỳ biếng nhác. Nói thật, tôi chả ưa gì giống chó bulldog. Rõ khéo cho Tạo hóa đã nặn ra cái giống chó ấy. Trông thật dị hợm. Nếu phải mang cái mõm nhăn như thế, hẳn tôi đã trầm mình tự vẫn ở con sông gần nhất rồi.
Lông hắn vàng chóe, trơn mượt, dáng đi lặc lè, liếc sơ là biết được xơi toàn đồ bổ, tối ngày chỉ có ăn với ngủ. Tôi không hiểu người ta nuôi cái thứ chó ấy (xin lỗi) để làm gì. Các bạn nói đi, nuôi chúng thì ích lợi quái gì chứ? Chắc các bạn đã nhìn thấy giống chó bulldog Pháp rồi chứ? Vô tích sự lắm cơ. Chỉ tốn công sức, tiền bạc để chăm bẵm chúng. Các bạn hãy nhìn kìa, chỉ riêng cái đai cổ của hắn thôi cũng đã đắt tiền hơn cái màn hình chữ nổi của Sashka rồi. Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi, gã bulldog nọ rướn về phía trước, kéo căng sợi dây trên tay chủ. Đồ ngốc. Đúng là gã công tử bột này không hề biết động tác ấy mang ý nghĩa gì trong “ngôn ngữ” của những con chó dẫn đường như tôi và Margo. Nhưng kìa, ngạc nhiên chưa, cặp đôi nọ dừng lại thật. Chó dẫn đường chúng tôi cũng dùng cách thức tương tự để yêu cầu người được dẫn đường dừng lại để chúng tôi tranh thủ giải quyết nhu cầu tự nhiên. Nhưng ở đây lại là một trường hợp dừng chân với lý do khác. Gã mập này trợn tròn đôi mắt vốn đã lồi như mắt ếch, hết nhìn tôi rồi lại nhìn Margo một cách thận trọng, cảnh giác. Tuân thủ quy tắc hành nghề, chúng tôi tỏ vẻ không thèm đếm xỉa gì đến gã. Quý bà đội mũ rộng vành lên tiếng:
– Puzik, sao dừng lại thế? Muốn làm quen à?
Các bạn có nghe thấy không? Gã công tử bột này có cái tên rất tương xứng. “Puzik”, ấy là “Bé Bự”. Điên thật, chẳng lẽ không biết xấu hổ khi ra đường với cái tên dở hơi như vậy sao? Đúng là thứ… “Bé Bự”. Thế còn “làm quen” nghĩa là sao? Tôi chẳng rảnh để mà làm quen với Bé Bự của các vị đâu. Các vị cần đi đâu thì đi tiếp đi. Đừng làm phiền nữa. Các vị thấy đấy, mọi người đang nghỉ ngơi. Mọi người nghỉ ngơi, còn chúng tôi thì đang làm việc. Tôi nói thầm trong bụng với gã mập: “Nào, lên đường đi, Bé Bự, ở đây không ai muốn đánh bạn với nhà ngươi đâu”. Dường như hắn đọc được ý nghĩ của tôi nên cất bước đi tiếp, bộ mông đồ sộ của hắn lắc lư, lắc lư thấy ghét!
Trong tình huống vừa rồi, Margo cũng tỏ rõ lập trường vô cùng kiên định. Giỏi! Đúng là một chiến sĩ chó dẫn đường chân chính. Xin lỗi vì lúc đầu tớ cứ tưởng cậu kiêu ngạo. Nhưng nói gì thì nói, tôi không nể phục lắm các đồng nghiệp nữ của mình. Tất cả chỉ vì có ai đó từng phao tin đồn nhảm rằng trong nghề chó dẫn đường, chó cái đáng tin cậy hơn chó đực. Vu khống! Chớ có tin! Đó chỉ đơn thuần là chuyện bịa đặt do ganh ghét mà thôi. Lại còn một quan niệm rất sai lầm rằng chó cái thuần tính hơn, dễ bảo hơn, còn lũ chó đực chúng tôi thì chỉ nhăm nhăm đi tìm chó cái để mà… Khiếp! Chẳng thể nào mở miệng nói ra chuyện ấy. Nhưng tôi thì sao? Tôi tí tởn lắm sao? Tôi hung hăng và không biết nghe lời hay sao? Tại sao lại cứ vu oan bừa bãi như vậy? Người đời thật lắm kẻ rỗi hơi ngồi thêu dệt ra đủ thứ chuyện vớ vẩn, nghe tức muốn chết! Tôi đã từng tận tai nghe thấy những chuyện như thế. Lần nọ, có một đôi vợ chồng đến trường chúng tôi chọn chó dẫn đường cho ai đó. Khi đi ngang qua dãy chuồng, người vợ nói:
– Đừng chào hàng chó đực đấy nhé. Chúng tôi chỉ chọn chó cái thôi.
– Tại sao vậy? – Huấn luyện viên của chúng tôi hỏi.
– Tôi nghe người ta nói rằng chó cái dễ bảo hơn, dịu dàng hơn.
Thưa quý bà, chúng tôi đây chẳng bao giờ nghe ai nói những chuyện nhảm nhí như thế cả. Ai nói với bà điều đó? Bà thật là ngốc. Vậy nên, xin các bạn hãy nghe lời tôi. Nếu các bạn cần đến chó dẫn đường (cầu trời chuyện ấy đừng xảy ra) thì hãy chọn chó đực. Chúng tôi không chỉ dịu dàng và biết vâng lời, mà còn khéo léo và mạnh mẽ. Mà trong công việc của chó dẫn đường, khéo léo và mạnh mẽ là những yếu tố vô cùng cần thiết. Tất nhiên là khi không còn lựa chọn nào khác thì cứ chọn chó cái cũng được.
Ngồi trên ghế một lúc lâu cũng chán, Sashka đứng dậy. Tôi cũng vùng dậy, đứng ngay bên cạnh cậu ấy.
– Trisha, đi về thôi. – Sashka nói.
Một lần nữa tôi liếc qua cô bạn đồng nghiệp. Rồi tôi gật đầu ra hiệu chào tạm biệt (mặc dù tôi biết làm vậy là thừa). Tôi có cảm giác cô ấy cũng gật đầu trả lời. Có lẽ cô nàng hiểu rằng tôi đây cũng là một tay chuyên nghiệp, chẳng kém phần thiện nghệ.
20 phút sau, tôi và Sashka đã về đến nhà. Một bữa trưa ngon lành đang chờ chúng tôi. Nói chung tôi may mắn được lọt vào một gia đình tốt. Ở trong nhà này, tôi rất thích, nhưng dù sao tôi vẫn thương nhớ khôn nguôi cụ Ivan Savelievich.