Tôi với Sashka đã thỏa thuận cùng nhau: khi cậu ấy hỏi tôi câu gì đó, nếu tôi đồng ý thì sẽ trả lời “Gâu”, còn nếu không đồng ý thì sẽ kêu lên “U-u”. Giỏi lắm, Sashka! Mặc dù mới 13 tuổi nhưng cậu ấy là một chàng trai giỏi giang, chững chạc. Vâng, tôi nói “chàng trai” là chẳng ngoa chút nào. Cậu ấy đâu còn bé nhỏ gì nữa? Giá mà các bạn được nhìn thấy Sashka! Bà ngoại đứng chỉ đến vai cậu ấy. Gọi cậu ấy là “chú bé” tôi e rằng không tiện lắm. Tôi thích nhất là cậu ấy rất thông minh, sáng dạ. Tuy nhiên cũng hơi bị lém lỉnh, hiếu động. Và tính hiếu động của cậu ấy khiến cho tôi phải thêm đôi ba phần vất vả.
Xét theo khối lượng công việc thì hồi ở với cụ Ivan Savelievich, tôi sống khỏe hơn nhiều. Cụ đi lại chậm rãi, vừa đi vừa khe khẽ hát. Tác phẩm yêu thích nhất của cụ là một bài hát về người lính xe tăng. Tôi chẳng dám nói điêu, cụ có thể trong một buổi tối chỉ hát đi hát lại chỉ độc một bài. Tôi còn nhớ mãi giọng hát trầm ấm của cụ: “Ba chiến sĩ xe tăng, ba người bạn thân tình vui tính – một tổ lái của cỗ máy tiêu diệt quân thù”. Nhưng bài hát có hay đến mấy, ca sĩ có tài năng đến mấy, nghe riết rồi cũng đâm ngán, đến nỗi đôi lúc tôi phải tìm cách làm cho cụ tạm ngưng bài ca bất hủ của mình. Lúc đầu tôi nghe hào hứng, sau đó nghe một cách bình thường, sau đó ráng nghe, sau đó nữa là ráng chịu trận, cuối cùng đành phải cất tiếng sủa gâu gâu – không to lắm nhưng cũng chẳng vui gì cho lắm. Cũng giống như tôi, cụ Ivan Savelievich phản ứng rất nhạy với bất kỳ âm thanh bất thường nào. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Tôi với cụ tuy hai mà một. Người ta thường nói thế nào ấy nhỉ? Ờ, “không thể dùng dao rẽ nước trong cốc làm đôi”. Tôi với cụ Ivan Savelievich cũng như vậy. Hễ cụ nói với tôi điều gì đó, tôi lúc nào cũng sẵn sàng: “Con nghe đây, ông ơi”. Còn mỗi khi tôi sủa, cụ cũng luôn hỏi lại tôi: “Có chuyện gì thế, Trison?”.
Tôi trăn trở mãi một điều: nếu ở trường người ta dạy chúng tôi nói tiếng người, liệu tôi có thể học được lấy mươi từ hay không? Ngần ấy đã là quá đủ, không cần nhiều hơn. Tôi chỉ cần làm chủ được mười từ là quá tốt rồi. Cần gì nhiều hơn làm gì chứ? Tôi suy nghĩ rất lung về chuyện này và cuối cùng đi đến một kết luận. Thật tuyệt làm sao, nếu ở trường người ta dạy cho chúng tôi phát âm được những từ sau đây:
1. Đi dạo
2. Dừng lại
3. Đi nào
4. Chán rồi
5. Cứu giúp tôi với
6. Thức ăn
7. Lạnh quá
8. Nóng quá
9. Buồn ngủ
10. Xin lỗi
Tôi cho rằng con người ta cũng chỉ cần biết bấy nhiêu từ là đã đủ để tồn tại trên đời. Thôi được rồi, nói về loài người thì tôi không dám bảo đảm, nhưng với tôi như thế là quá đủ. Tôi không hiểu tại sao các huấn luyện viên lại không nghĩ đến chuyện dạy chúng tôi cách phát âm những từ ấy. Tôi có đòi hỏi gì nhiều đâu. Thế mà chẳng ai dạy chúng tôi cả. Mà cũng chẳng ai thử tìm cách dạy mới lạ chứ. Sao người ta không thử đi, biết đâu thành công thì sao. Tự thân tôi đã cố thử, nhưng không có kết quả. Nào là chụm môi lại tròn vo như cái ống thổi lửa, nào là vặn vẹo lưỡi đến nỗi nó suýt thắt lại thành cái nút, nào nhe răng, phô lợi… Tất cả đều vô vọng. Tôi muốn nói một từ nào đó của ngôn ngữ loài người, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ được hai âm thanh là “gâu” và “u-u” của loài chó. Không thầy đố mày làm nên. Chán thật.
Ngày trước, cụ Ivan Savelievich có nuôi một con vẹt. Nó về với cụ trước tôi. Đến khi tôi về sống với cụ, nó đã biết nói khoảng 100 từ tiếng người. Nó có thể nói leo lẻo liên tục suốt nửa tiếng đồng hồ. Tôi nói nghiêm túc đấy. Nó biết cả những từ khủng khiếp mà các bà hàng tôm hàng cá vẫn thường xài trong những trận cãi nhau kịch liệt ngoài chợ, những từ mà thậm chí tôi chưa từng nghe thấy từ cửa miệng của những huấn luyện viên dạy chó thuộc vào hàng tục tằn nhất. Tôi còn nhớ, ngay ngày đầu tiên, con vẹt đểu cáng ấy (tên nó là Keria, nghe cực tởm) đã làm tôi chết điếng vì kinh ngạc. Tôi với cụ Ivan Savelievich đi dạo vừa về đến nhà, gã lùn sặc sỡ ấy liền vênh mỏ lên ngạo nghễ: “Keria đói rồi nha!”. Tôi nghĩ bụng, gớm, nó là ông chủ chắc? Chưa hết đâu, nó còn vô liêm sỉ đến độ trong khi ông già mù còn đang lập cập bốc nắm lúa mì chưa kịp rải vào lồng cho nó thì nó đã nhảy loạn xạ, kêu quang quác: “Keria đói rồi! Đói rồi! Đói rồi!”. Đúng là đồ vẹt!
Một tối, chúng tôi xem tivi, đúng hơn là tôi xem, còn cụ Ivan Savelievich thì nghe, nhưng cụ vẫn thường nói: “Nào, Trison, chúng ta xem tivi đi”. Chúng tôi ngồi yên lặng, nghe và nhìn. Bỗng dưng con vẹt chết tiệt ấy nổi hứng gào toáng lên đủ thứ từ ngữ có trong đầu khiến tôi với ông già muốn phát điên. Chương trình tivi đang đến hồi hấp dẫn nhất thì cái con sơn ca-kẻ cướp ấy làm rộn cả lên. Chịu hết xiết, cụ Ivan Savelievich bèn lấy chiếc khăn lông to sụ trùm kín lấy cái lồng. Chiêu này hiệu quả tức thì. Con vẹt hoảng hồn, ngậm mỏ tức khắc. Có lẽ nó nghĩ rằng sau màn “trùm mền” này rồi nó sẽ bị nhừ đòn như trong phim xã hội đen. Đáng đời nha con!
Kiểu gì tôi cũng không ưa nổi con vẹt này. Bởi vì ngay cả những khi nó im lặng cũng không có nghĩa là không có rắc rối nảy sinh vì nó. Nó không phải chim, mà là đồ con lợn! Khắp nơi trong nhà đầy những lông của nó và vỏ trấu do khi ăn hạt lúa nó nhằn ra. Mỗi khi nó nổi hứng lên đập cánh phành phạch là y như rằng lông từ mình nó và vỏ trấu bay loạn xạ đầy nhà, căn hộ trông chẳng khác nào chuồng gà. Có một người phụ nữ đứng tuổi (tên bà là Maria Petrovna) cứ mỗi tuần hai hoặc ba lần đến nhà để dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ. Ngay cả bà ấy cũng không chịu nổi con vẹt. Bà thường mắng nó: “Keria, mày không biết xấu hổ à? Mày lại bày trò gì nữa đây?”. Nó vẫn phớt lờ, chẳng thèm đếm xỉa. Mắng nó quá thì nó cất tiếng ca bài ca quen thuộc của mình: “Cái đít ngu lâu, cái đầu đất sét”. Tôi hiểu là nó đang “tự kiểm điểm”, nhưng vẫn với thái độ cực kỳ trâng tráo.
Bà Maria Petrovna làm mọi việc trong nhà một cách tận tâm tận lực, nhưng không bao giờ chịu nhận một đồng tiền nào từ cụ Ivan Savelievich. Điều đó khiến cụ cũng hơi ngại. Một lần, cụ nói với bà ấy:
– Chị Maria Petrovna quý mến, vì Chúa, tôi mong chị đừng để tôi phải cảm thấy khó xử. Xin chị hãy cầm lấy ít tiền, chỉ một ít thôi cũng được. Cầm lấy rồi mua một món quà nho nhỏ nào đó cho bản thân mình. Làm sao tôi có thể để cho chị cứ phải làm việc không công mãi như thế được?
Bà Maria cười rồi trả lời:
– Sang thế giới bên kia rồi cụ trả cũng được mà
– Nhưng tôi chẳng mặt mũi nào đâu, chị Maria ạ. Chị hiểu giùm cho tôi.
– Chẳng việc gì mà phải xấu hổ cả cụ ạ. Mọi chuyện tôi làm không phải cho cụ, mà là cho chính bản thân mình đấy.
Nói ra thì thật không tiện, nhưng tội vạ đâu tôi xin chịu: những lời của bà Maria Petrovna khiến tôi phải đề cao cảnh giác đối với bà ấy. “Mọi chuyện tôi làm… là cho chính bản thân mình” nghĩa là sao? Tôi nghĩ bụng, phải chăng bà ấy muốn cuỗm món đồ gì đó trong nhà này? Trong lúc dọn dẹp, lau chùi, bà ấy thường sờ mó, ngửi các đồ vật trong nhà. Hồi ở trường, các thầy cô huấn luyện viên thường cảnh báo rằng người mù rất hay bị mất cắp. Một số người sáng mắt cứ làm ra vẻ nhiệt tình giúp đỡ, nhưng thực chất chỉ chực có cơ hội là thó thứ này thứ kia, đặc biệt là tư trang, tiền bạc. Có khi họ tháo cả những bức tranh quý treo trên tường, hoặc nhét vào giỏ của mình những quyển sách hiếm. Có thể họ nghĩ rằng người mù thì cần gì đến tranh và sách. Vì vậy, chúng tôi, dù chỉ là chó dẫn đường, vẫn phải luôn để mắt đến những kẻ khả nghi.
Nhưng dần dần, về sau, tôi hiểu ra rằng bà Maria Petrovna không phải thuộc hạng người có thể lợi dụng cơ hội để gây hại cho những người bất hạnh. Qua một chương trình phát trên tivi, tôi được biết rằng trên đời này có rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ người tàn tật trên tinh thần phi vụ lợi. Họ làm điều đó không phải vì tiền bạc, cũng không phải vì thương hại người tàn tật, lại càng không phải vì chính bản thân mình, mà chính là họ đang giúp Chúa. Đúng vậy, như người ta thường nói: muốn giúp đỡ Chúa, hãy giúp đỡ những kẻ bất hạnh, ốm đau, tàn tật quanh mình. Vâng, trên đời luôn có những người như thế. Nếu được dạy nói tiếng người hồi ở trường, thế nào tôi cũng đến đứng trước mặt bà Maria Petrovna mà phát biểu từ số 10: “Xin lỗi”. Hãy tha lỗi cho con, hỡi mẹ già quý mến. Tha lỗi, vì con đã nghĩ sai về mẹ.
Cho đến trước khi cụ Ivan Savelievich qua đời, bà Maria Petrovna vẫn đến nhà chúng tôi. Vào những ngày lễ hay sinh nhật, họ cùng nhau uống một hai ly nhỏ. Sau đó họ ngồi với nhau, tay trong tay hát suốt buổi tối. Bà Maria Petrovna hát toàn những bài mượt mà, tình cảm, nghe cứ mê lịm đi, chứ không phải những bản hùng ca kiểu như bài ca ngợi lính xe tăng. Tôi đặc biệt thích ca từ sau đây trong một bài hát nào đó “Bà lão của tôi, bà còn sống đấy ư? Và tôi, tôi cũng đang còn sống. Xin chào, chào em yêu dấu ngày nào”. Họ hát, hát hoài, rồi cùng ngồi khóc. Hình như cụ Ivan Savelievich đã linh cảm được rằng cụ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Cụ thường nói với tôi: “Trison, con sắp được yên, không còn phải cực khổ vì ta nữa rồi. Già này sắp ra đi rồi con ạ”. Cụ già lạ thật, tôi có bao giờ phải cực khổ vì cụ đâu. Cụ ơi, nếu biết rằng sau khi cụ ra đi, con buồn và nhớ cụ biết chừng nào, hẳn cụ chẳng bao giờ nói thế…