“Ôi, một ngày thật tuyệt. Ngày hôm nay mới tuyệt làm sao!”. Dù đang ngủ nhưng tôi vẫn nghe được ai đó đang hát một bài hát mà tôi chưa từng được nghe bao giờ. Tôi choàng tỉnh, nhìn quanh, và nghe tiếng trẻ con chơi đùa ở đâu đó rất gần. Chúng nói cười ầm ĩ, thỉnh thoảng lại ré lên. Tôi lắc mạnh đầu cho tỉnh hẳn, khẽ đằng hắng vài tiếng, và suýt ngất xỉu vì bị mùi thịt nướng thơm lựng sộc vào mũi. Nước miếng tứa ra nhưng cổ họng thì vẫn khô đắng. Bất chợt nhớ đến ông lão tội nghiệp của mình. Mỗi lần hết thuốc lá hay mỗi khi cạn đồ ăn trong tủ lạnh, cụ Ivan Savelievich thường nói: “Thế đấy, Trison ạ, chúng ta tận số rồi, chẳng còn gì để ăn, để hút”. Cái từ “hút” chán chết đi được, nhưng “ăn” thì quả thực cần thiết cho tôi lúc này hơn bao giờ hết.
Một cách thèm thuồng, tôi cố nuốt cái thứ nước miếng đắng nghét trong miệng, vận hết sức tàn luồn lách qua các bụi rậm. Tiếng trẻ con nô đùa mỗi lúc nghe một rõ hơn. Từ lâu, tôi đã nhận ra rằng ở đâu có trẻ con vui đùa, ở đó có rất ít lòng thù hận của con người, ít nhất cũng gần như thế. Vì vậy, tôi cố bò đến “tụ điểm” nọ, dù sao cũng vẫn không quên đề cao cảnh giác. Ngồi bên bụi rậm, tôi dùng một chân trước cẩn thận rẽ cành cây ra và nhìn thấy hai chiếc xe hơi. Cửa sau của một chiếc xe mở rộng, từ đó phát ra giai điệu tuyệt vời mà tôi được nghe trong lúc ngủ. Một đám trẻ con chạy nhảy, nô đùa vui thú xung quanh hai chiếc xe, cách đó khoảng chục mét có một người đàn ông to béo cầm hai que xiên bằng sắt, trên đó xiên đầy những miếng thịt to tròn, căng mọng. Rồi từ trong xe bước ra thêm ba người nữa: hai người phụ nữ, một già một trẻ, và một người đàn ông gầy gò, vai xuôi.
– Zhora. – Người đàn ông nhỏ con vai xuôi vừa bước ra, gọi to. – Đi ngụp lặn chút đi. Đã ra đến đây thì phải bơi lội chút chứ.
Á à, tôi nghĩ bụng, vậy là tốt rồi. Rõ ràng, ở gần đây có hồ hay sông gì đó. Mặc dù, do khuất tầm nhìn, tôi chẳng nhìn thấy nước nôi gì quanh đây cả. Nhưng một khi người ta rủ nhau đi bơi thì có nghĩa là có nước. Tôi vững bụng phần nào.
– Chờ lát đi. – Ông mập trả lời. – Chờ tôi nướng thịt xong đã. Tôi không thích bơi với cái dạ dày rỗng đâu.
– Anh nói vậy là trật rồi, anh Zhora ạ. – Ông gầy khẳng định. – Xem tôi đây này, cứ như vừa lột xác, cảm thấy mình tươi roi rói.
Tôi suy luận: nếu mọi người đi picnic, tổ chức cắm trại nơi đây, chắc chắn quanh đây có nguồn nước, tha hồ uống. Chuyện ăn hẵng tạm gác lại đó, trước hết hãy uống cái đã. Tôi lao đi do thám. Chỉ khoảng 5 phút sau, tôi đã có thể tợp lấy tợp để thứ nước tinh khiết đến tuyệt vời mà Tạo hóa ban cho vạn vật. Tôi nốc vào thật nhiều. Để dự phòng, tôi nghĩ bụng. Nhưng sau đó ít lâu, khi cái dạ dày của tôi réo lên ùng ục vì đói, tôi lại có cảm giác như mình vừa uống vào đầy một bụng dầu nhớt. Những con người hạnh phúc kia trước khi đi picnic chắc chắn không nghĩ đến chuyện phải chuẩn bị sẵn phần ăn cho một con chó đói. Mà số thịt mang theo chưa chắc đã đủ cho bản thân họ ấy chứ. Tôi lại mò đến cái bụi cây “vọng gác” của mình để quan sát tình hình. Số lượng người khá nhiều. Thôi, đành chờ họ rút quân rồi mò đến, may ra có còn sót lại đôi chút xương thừa, thịt vụn…
Trước đây tôi thường lấy làm bực mình nếu có ai đó đi chơi ngoài trời, ăn uống xong mà không dọn dẹp. Tôi thường nghĩ bụng: làm sao có thể như vậy được chứ? Ngồi ngoài thiên nhiên trong sạch, nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống xong thì khi ra về, ít ra cũng phải thu dọn thức ăn thừa, rác thải. Để rồi nay mai có quay trở lại, nơi đây sẽ sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng hôm nay tôi lại nghĩ khác (hễ nhớ đến chuyện này tôi lại thấy xấu hổ). Tôi ước chi những người đang cắm trại nơi đây sẽ là những kẻ luộm thuộm, vô ý thức. Ước chi họ vứt những thứ ăn thừa lung tung trên bãi cỏ và khi ra về sẽ không thu dọn chúng. Dĩ nhiên chớ mong gì có được lấy một mẩu xương vụn! Không phải vì họ có thể xơi hết cả thịt lẫn xương, vấn đề là chẳng ai dại gì mang xương theo khi đi picnic. Nhưng dù sao thì cũng có thể hi vọng vào một vài mẩu xương sườn nào đó. Tôi căng mắt nhìn thật kỹ mấy xiên thịt: than ôi, có lẽ chẳng có thanh xương sườn nào trong đó cả. Toàn những miếng thịt căng mọng. Hình như là thịt lợn. Thịt lợn mà nướng lên chắc ngon hơn cả thịt gà rán ấy chứ. Tôi lại nuốt nước miếng ừng ực và cái dạ dày rỗng của tôi lại réo lên ùng ục.
Mặt trời lên cao, chắc đã đến giữa trưa rồi. Những con người “hoang dã” này sau khi ăn uống no say bèn nằm lăn ra bãi cỏ, còn tôi thì chỉ biết nuốt và nuốt nước miếng mà thôi. Tôi ngủ thiếp đi một lát rồi bỗng choàng tỉnh vì tiếng động cơ xe hơi khởi động. Ôi, họ chuẩn bị ra về rồi sao? Liệu có thể mong đợi gì ở họ? Thì ra cái bác mập nọ nóng quá chịu không được nên mở máy xe để bật máy lạnh. Thế mà cũng gọi là đi “tìm về miền hoang dã”. Bọn trẻ vẫn chơi đùa vô tư giữa trời nắng nóng, vậy mà ông ấy lại chui vào xe bật máy lạnh. Chẳng thà ông ấy đánh xe ra xa xa một chút, đằng này không, cứ để xe ngay trên bãi cỏ gần mọi người và cho xe xả khói để bản thân mình thưởng thức cái hơi lạnh nhân tạo.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi chủ động xuất đầu lộ diện? Giả sử tôi bước ra trước mặt họ, đứng thẳng lên trên hai chân sau, chắp hai chân trước lại trước mặt, để chứng tỏ mình là một con chó hiền lành, đã được huấn luyện đâu vào đấy. Chắc chắn họ sẽ phải hiểu ra mọi chuyện khi nhìn thấy cái băng đai trên mình tôi. Dù sao thì trên băng đai ấy cũng có in dấu hiệu Chữ thập đỏ. Nhưng rồi họ sẽ hành xử ra sao? Họ sẽ làm gì với tôi? Nếu chẳng may họ là người quen của đám lưu manh trộm cướp nọ thì sao? Hoặc giả họ cũng muốn kiếm tiền khi biết tôi thuộc nòi chó quý và có nhiều kỹ năng khác thường? Không được chủ quan. Họ có thể tống tôi vào cốp xe rồi nằm đó mà chết ngột cho đến tối. Dù mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ đến thế thì cũng chẳng hi vọng gì vào việc có được miếng ăn bỏ bụng. Chắc là họ đã xơi sạch món thịt nướng rồi. Đúng là đã xơi hết rồi. Nhìn kìa, đống lửa đã tàn. Thậm chí không còn sợi khói nào bốc lên nữa. Nghĩa là bữa tiệc barbecue hôm nay đã kết thúc. Vâng… thật tiếc…
Bước ra hay không bước ra – vấn đề là ở chỗ đó! Tôi còn nhớ, nhớ rất kỹ, trong một chương trình truyền hình, một nghệ sĩ nào đó từng phát biểu rằng thà chấp nhận những gì đã quen thuộc còn hơn đi tìm kiếm những gì lạ lẫm với mình. Giờ đây, tôi đánh liều chọn vế thứ hai. Dù sao họ cũng là những người biết yêu thiên nhiên…
Thử bước ra xem sao nhé. Đói, đầu gối phải bò – cụ Ivan Savelievich thường nói thế. Dĩ nhiên, trước tiên phải xem thái độ của họ đối với tôi như thế nào để rồi còn có cách ứng xử tương ứng – hoặc tôi sẽ nhe nanh giương vuốt, hoặc để cho họ vuốt ve âu yếm. Ôi, chuyện gì cần phải xảy ra thì nhất thiết sẽ xảy ra. Một liều ba bảy cũng liều. Tôi đã quyết. Như lời của một bài hát “Tôi từ rừng sâu bước ra…”, tôi từ từ bước ra và đứng đó, theo dõi mọi chuyện. Một cô bé con nhìn thấy tôi trước tiên. Để không làm cho cô bé sợ hãi, tôi tỏ tình thân ái bằng cách ngoắt đuôi lia lịa. Nhưng cô bé vẫn kêu ré lên và chạy vội đến với mấy người lớn. Ông mập vọt ngay ra khỏi cái “tủ lạnh” của mình, nhặt lấy một cây gậy từ dưới đất. Tôi nghĩ bụng, sao lại cần đến gậy hở ông bạn? Ông không thấy sao, tôi đứng yên một chỗ, trong tư thế bình thường chứ không phải sẵn sàng tấn công, tôi cũng không sủa. Dù sao thì ông ấy cũng chẳng thể nào hiểu được ở đâu ra lại xuất hiện lù lù một con chó giữa chốn rừng sâu thế này. Tôi đưa mắt ngó lại mình – ôi thôi, đích thị là một con chó hoang. Biết làm thế nào được. Làm sao các vị có thể biết được rằng suốt một ngày đêm vừa qua tôi đã phải trải qua biết bao điều tủi nhục khốn cùng…
Bỗng nhiên, thật may phước cho tôi, một trong hai người phụ nữ, cái bà trẻ hơn ấy, nhận thấy vòng băng đai trên mình tôi.
– Mọi người nhìn kìa! – Bà ấy kêu lên. – Chó dẫn đường cho người mù đấy. Đừng sợ nó. Nó không cắn đâu.
Thôi được, cứ việc tự do ngôn luận. Để còn xem, cắn hay không cắn, chuyện ấy phụ thuộc vào cách hành xử tiếp theo của các vị. Nếu mọi chuyện bình thường, các vị cư xử bằng tình người, dĩ nhiên tôi không bao giờ cắn. Nhưng xin các vị hãy biết rằng trong trường hợp khẩn cấp, để tự vệ, tôi sẵn sàng gác qua một bên những quy định và những điều cấm kị. Tôi mà đã cắn thì thôi rồi, chớ có than thân trách phận nhé. Người phụ nữ trẻ tuổi tiến lại gần tôi, ngồi xổm xuống, đưa tay ra và nói:
– Cô bé dễ thương bị đi lạc chứ gì? Khổ thân chưa. Lại đây nào…
Sao lại là “cô bé đi lạc”? Chẳng lẽ không thấy tôi thuộc giống đực hay sao? Hãy nhìn cho kỹ đi chứ. “Cô bé dễ thương”! Nghe dễ tự ái lắm à nha. Nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn cất bước tiến về phía bà ấy. Khi đã đến thật gần, tôi gục đầu xuống. Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ đoán được nỗi khổ của tôi để rồi tháo cái băng đai nặng nề, vướng víu ấy ra. Quả là một quý bà thông minh và lịch thiệp: bà ấy cẩn thận tháo bỏ những thứ vòng đai, dây nhợ lằng nhằng trên mình tôi ra. Tôi chẳng còn thiết giữ ý giữ tứ gì nữa, nằm lăn ra trên lưng, duỗi bốn cẳng lên trời cho đỡ mỏi. Lũ trẻ kêu ré lên, đổ xô đến nhìn tôi như thể chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới. Tất nhiên là tôi chẳng việc gì phải đề phòng bọn trẻ. Chúng có ba đứa cả thảy, vô cùng dễ thương, ngộ nghĩnh. Đã dạn rồi, chúng cứ thế nhào vào ôm lấy tôi, vuốt ve, gãi khắp nơi, đến nhột. Ba người lớn còn lại – ông béo, ông gầy và quý bà lớn tuổi – cũng lại gần để xem xét. Ông béo nhíu mày rồi nói:
– Một con chó đực.
Tôi nghĩ bụng, ông này cứ làm như mình tinh thông mọi chuyện. Tôi đang nằm ngửa, phơi bụng lên trời, chỉ cần nhìn qua, ai mà chẳng biết tôi là chó đực. Nhưng ông ấy nói ra như vậy cũng tốt, nếu không mọi người cứ gọi tôi là “cô bé dễ thương”, “cô bé đi lạc” thì ngượng chết đi được. Bỗng ông mập quát lũ trẻ:
– Này, có tránh xa con chó ấy ra không! Nhỡ nó đang mang bệnh truyền nhiễm thì sao!
Ái chà chà! Ra thế đấy. Tôi vừa mới thầm khen ông ấy, vậy mà…
– Zhora, anh nói gì thế! – Quý bà trẻ tuổi tỏ vẻ không hài lòng. – Một khi nó đeo băng đai trên mình, có nghĩa là nó vừa mới bị lạc cách đây không lâu. Những con chó dẫn đường như thế này luôn được tiêm chủng định kỳ và không bao giờ nguy hiểm cả.
Ôi, lạy Đức Mẹ Đồng trinh, con xin cảm ơn Người! Cảm ơn Mẹ đã cho con gặp được một người phụ nữ thông minh, tốt bụng trên bước đường lưu lạc đầy gian truân, lận đận của mình.
– Nhưng tại sao trông nó bẩn đến thế? – Ông Zhora vẫn cố bảo vệ quan điểm của mình.
– Thì bây giờ chúng ta sẽ tắm rửa sạch sẽ cho nó chứ có gì mà phải lo. – Người phụ nữ khoát tay rồi quay sang tôi. – Nào, anh bạn, chúng ta đi ra sông. Đi nào, đi nào…
Người phụ nữ cứ thế đi lùi ra phía bờ sông. Tôi chậm rãi đi theo bà ấy. Thế rồi bà ấy quay lưng về phía tôi, chạy thật nhanh về phía con sông. Tôi khoái chí rít lên trong họng, co giò phóng theo như con én và cuối cùng là… lao tùm xuống nước. Đã gì đâu ấy!
– Nào, em trai, đi lại đây! – Người phụ nữ ngoắt tay. – Bây giờ tắm gội nhé, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
Chưa từng có ai gọi tôi là “em trai” cả. Cảm ơn nhiều, bà chị đáng mến ạ. Tôi cảm thấy khoan khoái từ đầu mũi đến chót đuôi.
Người chị ấy tắm cho tôi, chà lông thật kỹ, dùng tay gỡ những mảng đất dẻo bám trên mình tôi từ khi tôi đào đường hầm. Tôi đứng yên, mắt lim dim, thật đã. Trên đời này quả là người tốt nhiều hơn kẻ xấu.
Chúng tôi lên bờ, tôi vùng mình rảy nước cho khô lông. Bây giờ thì mọi người sẽ thấy rõ rằng tôi quả thực là một con chó… vàng ròng. Chắc các bạn còn nhớ, mỗi lần tắm xong, lông tôi trở nên vàng óng, mượt mà, tươi rói, cứ như thể tôi vừa lột xác. Ấy đấy, giờ đây, từ dưới sông bước lên, trông tôi khác hẳn. Vừa nhìn thấy tôi, mọi người đều ồ lên kinh ngạc trước vẻ đẹp lộng lẫy như hoàng tử của tôi. Dưới những tia nắng trời chiều, bộ lông óng mượt của tôi ánh lên đủ bảy sắc cầu vồng, nhưng sắc màu chủ đạo vẫn là màu vàng kim tuyệt đẹp.
Bà chị dùng bông gòn lau khô mặt trong của hai tai tôi và nói với mọi người:
– Nhìn này, quả là một tác phẩm tuyệt vời của Tạo hóa.
Đám trẻ cũng xúm lại chiêm ngưỡng tôi, thích thú nhìn mẹ chúng chăm sóc tôi. Ở đâu ra mà chị ấy biết được những kiến thức chăm sóc chó một cách bài bản như thế? Các bạn thấy không, chị ấy còn biết rằng sau khi tắm xong, cần phải ngoáy tai cho khô để tránh các bệnh về tai. Thật là một người phụ nữ thông minh, am hiểu.
– Bây giờ chúng ta phải làm gì với cái “tác phẩm tuyệt vời của Tạo hóa” này? – Cuối cùng, ông gầy cũng lên tiếng.
– Làm gì ư? – Người phụ nữ lớn tuổi đưa ra ý kiến của mình. – Chúng ta đưa nó về nhà, đăng thông báo, tôi nghĩ là chủ nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện để đón nó về. Ở Matxcơva, những con chó đặc chủng như thế này không nhiều, có thể đếm được trên đầu ngón tay.
– Thế nếu không tìm được chủ nhân của nó thì sao?
– Ông mập hỏi.
– Thì hãy để nó tạm thời sống với chúng ta, rồi sau đó sẽ tính. – Người phụ nữ lớn tuổi trả lời.
– Nhỡ nó làm hại Murzik nhà ta thì sao?
Lại một nhân vật nào nữa đây? Xét theo tên gọi thì đó hẳn là một con mèo. Và tôi đã đoán đúng.
– Theo tôi được biết thì chó Labrador, nhất là những con làm nghề dẫn đường, không bao giờ làm hại lũ mèo.
– “Bà chị” của tôi nói.
– Ai mà biết được nó. – Ông mập tỏ ra nghi ngờ. – Nhỡ bất thình lình nó lao vào cắn con mèo nhà ta đứt làm đôi thì sao?
Hãy nhìn ông ta mà xem, rõ là một gã thộn. Hết nhặt gậy lên cầm lăm lăm trong tay rồi bảo là tôi mang bệnh truyền nhiễm, bây giờ lại nghi tôi là đồ ăn thịt mèo. Ông làm sao thế? Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe nhé.
Ôi, các vị ơi, các vị ơi. Thôi thì giữ vệ sinh cũng tốt, đề phòng cũng tốt. Nhưng cũng phải có ăn rồi thì mới có thể nói chuyện được. Các vị không nghe thấy bụng dạ tôi đang sôi lên như dàn nhạc chơi bản giao hưởng số 40 của Mozart hay sao. Các vị không nghe, không thấy gì sao? Tôi đói đến le cả lưỡi rồi đây này. Quả thực, lưỡi tôi đang đong đưa lòng thòng trước mõm.
Giờ tôi mới biết một người phụ nữ thông minh là như thế nào. “Bà chị” của tôi luôn tỏ ra xuất sắc hơn người.
– Ôi, lạy Chúa! – Chị ấy thốt lên. – Sao chúng ta lại đứng yên thế này? Con chó chắc đã đói lắm rồi.
– Gâu! – Tôi mừng rỡ cất tiếng, nhưng cố gắng kìm bớt âm lượng, kẻo mọi người nghĩ rằng tôi hung dữ.
– Đói rồi phải không nào? – Vị cứu tinh của tôi âu yếm hỏi.
– Gâu! Gâu! – Tôi sủa nhỏ hai tiếng liền để xua tan nghi ngờ và khẳng định rằng đúng là tôi đang đói lả.
– Đi nào, em trai, tôi sẽ cho em ăn món gì đó.
Vâng, em đi, em đi, bà chị vô cùng quý mến ạ. Em sẵn sàng chạy theo chị chứ đừng nói là đi. Hãy mau mau cho em ăn kẻo em đói rũ mất.
Các bạn người thân mến, các bạn đã bao giờ gặp được một vận may thật lớn chưa? Nếu đã gặp, bạn có nhớ là ở thời điểm ấy, mình đã phản ứng như thế nào không? Chẳng hạn, khi trúng số độc đắc hoặc bốc thăm trúng thưởng một chiếc xe hơi đắt tiền. Hoặc có một ông bác nào đó từ bên Canada gửi về mấy triệu đôla mừng sinh nhật bạn. Hoặc giả bất ngờ bạn nhận được giấy báo nhập học Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva hay Học viện Ngoại giao Matxcơva, hai trường danh tiếng nhất nước Nga, mà không cần phải qua thi tuyển. Những lúc ấy, bạn thể hiện niềm vui sướng của mình như thế nào? Hãy hình dung và suy ngẫm về những gì tôi sắp kể cho các bạn nghe đây.
Những người yêu thiên nhiên hoang dã rất tốt bụng và đáng mến ấy ăn chưa hết phân nửa số thịt đã nướng. Ông mập quả là không biết nướng thịt. Sống sì. Nhưng đối với tôi, thịt sống mới là món khoái khẩu. Hai người phụ nữ đảm đang và biết tiết kiệm này quyết định mang số thịt dở sống dở chín ấy về nhà, nướng tiếp trong lò vi sóng. “Bà chị” của tôi cho biết như thế trong khi tôi đang phồng mang trợn má xơi rau ráu “món quà từ Canada” dành cho mình.
Ăn uống no nê xong, tôi nằm vật xuống bãi cỏ, nhắm mắt lại và hướng lòng mình về người đàn ông bị tôi nghĩ oan. Xin dành từ số 10 cho ông, hỡi người đàn ông tốt bụng. Hãy tha lỗi cho tôi, ông Zhora nhé…