Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 1

Phần 1 Đường về nhà – 1



Tôi đang đứng với người đầu tiên được tôi dẫn đường, ông cụ Ivan Savelievich (nay cụ đã về cõi vĩnh hằng), ngay trước lối đi băng ngang qua đường dành cho người đi bộ, chờ đèn xanh. Nhiệm vụ của tôi là canh chừng cho đến khi tất cả xe cộ từ hai hướng dừng hẳn. Không những dừng hẳn, mà còn phải dừng đúng vị trí quy định. Các bạn là người, chắc các bạn nghĩ rằng việc kẻ lằn sọc dưa dành cho người đi bộ ở trước cột đèn tín hiệu giao thông là thừa. Nhân tiện đây, tôi xin đề nghị các đồng chí lái xe chớ lấn lên phần kẻ sọc dưa ấy. Người sáng mắt thì đơn giản rồi, họ có thể vòng tránh mũi xe và đi tiếp. Nhưng người được tôi dẫn đường thì không thể nào hiểu ngay được là tôi muốn gì – đang đi thẳng theo lối băng ngang đường, bỗng dưng con chó dẫn đường lại kéo mình sang hướng khác. Các bạn có hiểu không? Tôi không biết nói tiếng người. Tôi chỉ biết ư ử trong họng và kéo sợi dây nối từ băng đai(*) trên ngực tôi đến tay người mà tôi dẫn đường, thậm chí đôi khi còn phải sủa lên vài tiếng. Người được tôi dẫn đường có thể bối rối, dừng lại để phán đoán xem có phải tôi bày ra trò gì kỳ cục hay không, và gõ đầu gậy xuống mặt đường hoặc lên ngay đầu xe. Cộc, cộc, cộc. Không ít tài xế thò đầu ra mắng: “Làm trò gì thế, điên à? Trầy hết xe người ta”. Nhưng ông ấy không phải kẻ điên. Ông ấy phải xác định xem có cái gì đang hiện diện ngay trước mặt. Không phải lúc nào cũng có thể sờ mọi thứ bằng tay, vì có những thứ mà sờ vào thì bàn tay cứ gọi là đi đứt luôn.
 
(*) Beast – band: Thiết bị chuyên dụng dành cho chó dẫn đường.
 
Tóm lại, trong lúc phân bua thì đèn vàng nhá lên, rồi đèn xanh bật sáng, những chiếc xe đang dừng bắt đầu rồ máy. Khi các tài xế đạp chân ga – đó chỉ mới là một nửa tai họa. Còn có những gã cuồng vừa nhấn ga vừa bóp còi inh ỏi, như thể muốn gào lên: “Lão mù kia, qua lẹ chút coi!”. Họ còn huýt gió, búng lưỡi, kiểu như hối thúc tôi. Các bạn người ơi, giá các bạn biết rằng những lúc như thế, tôi chán các bạn đến mức nào. Đôi khi nhìn các bạn mà nghĩ: tại sao các bạn không biết xấu hổ nhỉ? Bởi vì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Chẳng lẽ nhanh được vài giây là các bạn sướng bụng lắm sao? Các bạn người ơi, tôi hết lòng cầu mong: hễ nhìn thấy người mù có chó dẫn đường (tôi cũng là chó dẫn đường đấy), xin hãy hành xử bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn một chút, đừng làm chúng tôi giật mình, hoảng sợ, đừng gây tai nạn. Các bạn đồng ý chứ?
 
Ấy, cũng có lúc, chúng tôi đang đứng chờ đèn ở trước làn kẻ sọc dưa bỗng lỗ mũi bên phải của tôi ngửi thấy một thứ mùi có thể giết chết con người ta được. Cái thứ mùi quen thuộc đến mức quặn thắt cả dạ dày – tôi từng ngửi thấy mùi này khi đi ngang qua một ki-ốt có biển đề “Gà nướng Shawarma”. Tôi cố gắng tập trung nhìn đường, nhưng một góc con mắt vẫn liếc xéo sang bên và nhìn thấy một miếng thịt gà ướp nho đã được nướng vàng ruộm, thơm phức… Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tại sao lúc đó tôi có thể kiềm chế bản thân để không vồ lấy miếng mồi ngon tuyệt đó. Thế mới biết, trường dạy chó để lại trên từng học viên dấu ấn kỷ luật sâu đậm đến mức nào.
 
Tất nhiên là tôi vô cùng cảm ơn các bạn người về tình thương mến, về lòng tốt muốn đãi miếng ăn ngon, nhưng các bạn người ơi, lúc này tôi đang làm nhiệm vụ. Các bạn có hiểu không? Tôi không phải là chú cún con luôn được nuông chiều đang nhàn rỗi vô tư dạo chơi cùng chủ. Tôi đang làm việc. Tôi nói nghiêm túc nhé: không phải chỉ đơn giản là tôi đi cùng với người mù đâu, mà chính là tôi đang lao động đấy. Công việc của tôi chẳng nhẹ nhàng chút nào. Nhiệm vụ của tôi là đưa người mù được tôi dẫn đường đến nơi nào mà người ấy cần đến, và không chỉ có thế mà còn phải làm sao để trong lúc đi, người đó không bị vấp ngã, không cụng đầu vào cột đèn, thậm chí không vô tình bước vào vũng nước. Tôi có nghĩa vụ phải cảnh báo về các loại trở ngại trên đường, phải luôn kịp thời dừng lại trước các chướng ngại vật và tạo điều kiện cho người đó dùng gậy kiểm tra, xác định cụ thể xem vật chướng ngại trước mặt mình là gì. Nếu vật chướng ngại chắn mất một phần lối đi, tôi sẽ vòng sang trái hoặc sang phải và như vậy, thông qua sợi dây nối, tôi hướng dẫn người mù vòng tránh theo tôi. Ngoài ra, tôi còn phải để ý giúp người mù được tôi dẫn đường tránh được những cành cây sà thấp hoặc những vật chướng ngại nằm ở tầm chiều cao của người ấy. Nhiệm vụ của tôi cũng bao gồm cả việc giúp người mù được tôi dẫn đường không bị va vào người khác. Khi lên xuống các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện, tôi phải tìm đúng cửa lên hay cửa xuống. Tóm lại, đủ thứ chuyện cần phải quan tâm, lưu ý.
 
Liệu các bạn có hình dung nổi công việc của chó dẫn đường là gì không? Nếu bạn nào trả lời rằng “có” thì chớ trách, tôi sẽ cắn bạn đấy! Chớ hấp tấp tự tin thái quá! Hãy đừng vội nói “có”. Để hình dung được và hiểu tường tận công việc của tôi, xin mời bạn thử đeo băng đai lên mình và bỏ ra vài năm để đi cùng những người “chủ” đáng thương của mình. Hẳn các bạn đã để ý thấy rằng tôi dùng từ chủ trong ngoặc kép.
 
Vâng, quả có một số người mù coi mình là chủ của chó dẫn đường, mặc dù không có chúng thì họ không thể đi đâu lấy nửa bước.
 
Nếu tôi muốn cho người tự cho mình là chủ của tôi đập trán vào tường hay va đầu vào cột chẳng hạn thì đối với tôi, việc ấy dễ như trở… bàn chân (xin nói thêm, tôi thuộc giống chó Labrador và là bà con với con chó của một chính trị gia tiếng tăm). Nhưng tôi là một con chó đặc chủng, chuyên nghiệp, được đào tạo trong trường dạy chó dẫn đường suốt hai năm, tương ứng với 10 năm của loài người. Trong khoảng thời gian 10 năm đó, các bạn đã có thể lấy được hai cái bằng đại học. Dĩ nhiên tôi không bao giờ chơi trò bẩn để làm hại người mà tôi dẫn đường. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ người đó tránh mọi rủi ro trên đường và không bị lạc lối. Nhưng rất buồn lòng khi nghe người ta nói: chủ của mày… Người mà tôi dẫn đường không phải là chủ của tôi. Đó là bạn của tôi. Tôi dám bảo đảm rằng trong số những người bạn hai chân của người đó không một ai có thể trung thành và tận tụy như tôi. Các bạn có thể nhếch mép cười khẩy, thậm chí cho tôi cái đá, nhưng điều đó vẫn là sự thật không gì lay chuyển nổi. Chính các bạn đã nghĩ ra câu thành ngữ “Thật tốt khi chó là bạn ta, nhưng thật tệ khi bạn ta là chó”. Các bạn đã nghĩ ra, nhưng lại không suy nghĩ cho thật kỹ, dù Tạo hóa đã ban cho các bạn trí tuệ và năng lực tư duy. Nếu bạn của các bạn là chó thì đã sao nào? Nhưng thôi… Tôi đã hiểu các bạn ngụ ý gì trong câu thành ngữ ấy. Vì vậy tôi không tự ái đâu.
 
Tóm lại, nếu các bạn thấy câu chuyện này là thú vị, tôi xin kể tiếp.
 
Tôi đã được 5 tuổi. Tính theo tuổi của loài người thì tôi lớn tuổi hơn gấp đôi so với người mà tôi dẫn đường hiện nay (Sahka lúc này 13 tuổi). Trước đây tôi từng làm việc với một ông già hưu trí bị mù, ông cụ Ivan Savelievich. Đó là một con người tuyệt vời và là một người bạn tốt của tôi. Thậm chí cụ còn cho phép tôi nằm lăn trên giường của cụ. Mỗi khi về đến nhà, cụ Ivan Savelievich liền tháo băng đai trên ngực cho tôi, cho tôi ăn, chải lông cho tôi và nói:
 
– Nào, Trison, nghỉ ngơi đi con.
 
Các bạn nghĩ rằng đeo cái băng đai ấy trên mình mà đi lại nhẹ nhàng lắm sao? Buổi tối, khi thoát được khỏi băng đai, tôi khoan khoái nằm ngửa ra, đưa bốn chân lên trời, duỗi thẳng mình hết cỡ, sau đó chạy nhảy đôi chút, chơi với quả bóng tennis. Ông cụ Ivan Savelievich không bao giờ la mắng tôi, kể cả cái lần tôi làm vỡ bình hoa. Ông già hiểu rằng chỉ là do tôi sơ ý mà thôi. Tôi xấu hổ lắm, chỉ biết nép sát vào chân cụ, khẽ rên ư ử. Cụ vuốt ve tôi và bảo:
 
– Đừng khóc nữa, Trison, mặc kệ cái bình hoa. Bình vỡ là điềm lành đấy. Vận may sắp đến rồi.
 
Tới giờ tôi vẫn không hiểu nổi, vận may nào có thể đến từ cái bình hoa vỡ? Tôi cũng chưa bao giờ nghe người ta nói điều đó trên tivi.
 
Thế rồi ông cụ Ivan Savelievich của tôi qua đời. Sau khi cụ mất, người ta trả tôi về trường. Tôi buồn và nhớ ông bạn già của mình làm sao! Đến miếng ăn cũng không nuốt nổi. Lúc nào cũng lo nghĩ, không biết người ta sẽ giao tôi cho ai…
 
Tôi không biết số phận tình cờ đưa đẩy thế nào mà một ngày nọ, Sashka, chủ… à không, người được tôi dẫn đường hiện nay, đến trường của chúng tôi.
 
Nếu bạn là người sáng mắt và chưa bao giờ gặp phải những vấn đề của người khiếm thị thì nhân đây tôi sẽ giải thích cho bạn. Trước khi chúng tôi (chó dẫn đường) được giao cho người ch… (các huấn luyện viên quen gọi những người mà chúng tôi dẫn đường là chủ của chúng tôi nên tôi cũng thỉnh thoảng buột miệng gọi theo), tóm lại, trước khi được giao cho người mới, chó dẫn đường phải có một khoảng thời gian làm quen với người đó, tìm hiểu tính nết, ngoại hình, thậm chí cả mùi đặc trưng của nhau. Dĩ nhiên chỉ có tôi mới nhìn thấy ngoại hình của người bạn mới, còn người đó do bị mù nên không thể nhìn thấy tôi, chỉ có thể nghe, sờ và ngửi, để bảo đảm không bị dị ứng hay lây nhiễm ve, rận. Chỉ loài người mới rắc rối lắm chuyện như thế, chứ loài chó chúng tôi đơn giản hơn nhiều.
 
Tuy nhiên, trong đời chó dẫn đường không phải không có những chuyện kỳ lạ. Chẳng hạn cô nàng Lada bạn tôi, mặc dù từng làm việc rất tốt với nhiều người mù, nhưng lại không cách nào tìm được tiếng nói chung với người tiếp theo. Cuối cùng, người đó phải trả Lada về trường. Cũng xin nói thêm rằng trường của chúng tôi là trường đào tạo chó dẫn đường rất có bài bản, quy củ. Nếu có nhu cầu về chó dẫn đường, xin các bạn hãy liên hệ trường chúng tôi.
 
Tất nhiên là hiện nay tôi không còn có mặt ở trường, nhưng tôi xin bảo đảm các bạn sẽ không thất vọng về những bạn bè của tôi ở đó. Các bạn có biết là chúng tôi được huấn luyện và kiểm tra nghiêm ngặt như thế nào không? Ồ, đủ các bài khảo thí và thử thách…
 
Nói cách khác, không phải bất cứ con chó nào cũng được nhận vào trường đâu nhé. Chúng tôi – những “sinh viên” của “trường đại học” ấy – đều phải giữ được sự cân bằng tâm lý, không bị tác động bởi các loại tiếng ồn (phải cố làm như không nghe thấy), phải biết phớt lờ lũ mèo đáng ghét, coi chúng như… chết rồi. Nhưng trong thực tế, dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải nhìn thấy chúng (làm sao có thể không thấy chúng được?), nhưng tôi muốn nói là có nhìn thấy cũng đừng để ý đến chúng. Tôi lại sai nữa rồi. Chúng tôi vẫn để ý đến chúng. Nhưng chúng tôi tuyệt đối không có quyền phản ứng trước những… trò mèo của chúng. Lũ mèo khốn lợi dụng triệt để điều khoản này để chọc phá chúng tôi. Tôi nói nghiêm túc đấy.
 
Xin dẫn chứng một trường hợp xảy ra cách đây không lâu. Tôi dẫn Sashka vào cửa chung cư để lên cầu thang (cầu thang có rất nhiều bậc, cần phải hết sức cẩn thận), bỗng nhiên từ căn hộ ở tầng trệt lao ra một ả mèo Ba Tư (gọi theo nòi hay theo màu lông, hiểu thế nào cũng được). Bộ dạng cô ả trông dị hợm đến thảm hại, trên cổ đeo chiếc nơ hồng thấy phát ớn, móng được cắt ngắn, đuôi xù bốc mùi nước hoa gắt chết đi được, hai tai thì như hai cái chảo ăng-ten định vị, chìa sang hai bên. Tôi xin thề với các bạn bằng danh dự loài chó rằng trong đầu tôi không hề có ý nghĩ là sẽ gừ lên một tiếng chứ đừng nói là sủa, mặc dù rất bực con mèo gớm ghiếc ấy. Vậy mà cô nàng tiểu thư lông vàng chẳng biết điều thì chớ, lại còn “phừ” lên một tiếng rõ to, xù đuôi ra, cong lưng lại rồi bất ngờ cho tôi một vả vào mõm, ấy, xin lỗi, vào mặt. Tức điên, nhưng tôi chỉ âm thầm liếm mấy giọt máu mằn mặn quanh mép rồi lặng lẽ đưa Sashka về nhà. Chứ biết làm gì bây giờ? Chúng tôi không được phép lơ là nhiệm vụ để ăn thua đủ với lũ mèo ngu ngốc ấy.
 
Trước khi tôi về nhà này, Sashka sống cùng với mẹ và bà. Bố cậu ấy đã qua đời do một vụ tai nạn xe hơi. Thì ra trong cái ngày định mệnh ấy, Sashka cũng ngồi trong xe cùng bố. Lúc đó cậu mới 11 tuổi. Bác sĩ đưa ra phán quyết: mống mắt và thủy tinh thể bị tổn thương vĩnh viễn! Tôi không hiểu gì lắm về những thuật ngữ y khoa tinh vi phức tạp ấy, chỉ biết rằng kể từ ngày bị tai nạn, cậu bé không còn nhìn thấy gì được nữa. Trong nhà, mọi người thường bàn về chuyện có một vị bác sĩ danh tiếng nào đó có thể phục hồi thị lực cho Sashka, nhưng cụ thể mọi việc sẽ diễn ra như thế nào và khi nào sẽ diễn ra thì không ai biết. Hiện tại, tôi vừa là bác sĩ, vừa là đôi mắt, vừa là người bạn của cậu ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.