Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

1



Ở loài chó, cũng giống như ở loài người, kinh nghiệm sống tăng dần sau mỗi mối quan hệ quen biết.
 
Ôi, nhưng cầu Chúa cho các bạn đừng gặp phải những cú làm quen kinh khủng mà tôi từng phải chịu đựng – mỗi khi nhớ lại, tôi còn giật mình thon thót!
 
Ban đầu, mọi chuyện khá suôn sẻ. Sau khi Sashka phục hồi thị lực, tôi ăn không ngồi rồi chẳng được lâu. Chỉ được hơn một tháng là tôi lại được giao về cho một nhà văn nữ bị mù. Tất nhiên là ở đây, tôi sống khá sướng. Dù sao tôi cũng còn khá ngây thơ, cứ đinh ninh mình sẽ sống nơi đây cho đến trọn đời. Nhưng sự đời không đơn giản, tôi và người được tôi bảo bọc (tức là nhà văn nữ nọ) đột ngột phải chia tay nhau – hoàn cảnh bắt buộc phải thế, đành chịu thôi. Và tiếp theo… Nhưng thôi, cứ để từ từ rồi tôi sẽ kể.
 
Dù rằng bà Anna Ygorevna Krivosheeva trở thành người được tôi bảo bọc chẳng được bao lâu, nhưng chúng tôi chia tay như những người bạn lớn. Sở dĩ chúng tôi phải xa nhau chẳng qua vì giờ đây bà Anna đã ra nước ngoài sinh sống. Tôi xin mách nhỏ: nếu gặp người phụ nữ khả kính ấy, các bạn chớ có mà gọi bà ấy là nhà văn, gọi thế, bà ấy sẽ giận lắm đấy. Bà ấy cho rằng cái từ “nhà văn” không tồn tại trong ngôn ngữ loài người, nói cách khác, trên đời này làm gì có nhà văn! Về chủ đề này, loài chó chúng tôi chẳng dám lạm bàn. Ừ thì không có. Có gì đâu, chuyện nhỏ! Vâng, cũng cần nói thêm, trong nhà, chẳng ai gọi bà là Anna Ygorevna theo cách xưng hô kính trọng cả. Tên gọi chính thức (gồm tên, phụ danh và họ) của bà lặn biệt tăm đâu đó trong các loại giấy tờ, tài liệu, thư từ, v.v. Còn trong cuộc sống bình thường, mọi người chỉ gọi người phụ nữ khả ái này bằng những cái tên thân mật đại loại như Annushka, Anhiuta, hay đôi khi chỉ đơn giản là Anna.
 
Bà Anna đẹp tuyệt! Tôi nhận thấy một điểm nhỏ khiến bà ấy có phần giống tôi – tóc bà ấy màu vàng kim, hệt màu lông của tôi. Vẻ đẹp của bà còn nằm ở đôi môi luôn hồng thắm, vầng trán cao, sống mũi thẳng và những ngón tay thon. Thân hình bà thanh mảnh, nhẹ nhàng, tựa như sương khói. Không hiểu sao rất nhiều người lầm tưởng rằng bà là diễn viên múa ba-lê. Tôi chưa bao giờ được vào nhà hát, chưa từng nhìn thấy diễn viên ba-lê bằng xương bằng thịt, nhưng trên tivi thì đã chứng kiến họ trình diễn. Không, bà Anna chẳng giống diễn viên ba-lê tẹo nào. Dĩ nhiên là diễn viên ba-lê cũng mảnh mai, xinh đẹp, hấp dẫn… nhưng họ hoạt động dữ dội quá: nào nhảy, nào nhún, nào quay tít mù, còn bà Anna Ygorevna của chúng ta thì luôn an nhiên tự tại, điềm tĩnh, ít nói. Dịu dàng, uyển chuyển. Tôi nghĩ rằng giá mà có một họa sĩ tài năng nào đó vẽ chân dung bà thì chẳng bao lâu sau, viện bảo tàng Louvre – bảo tàng nghệ thuật và lịch sử của Pháp sẽ dám đổi bức La Joconde, tức tác phẩm Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, để lấy bức chân dung bà. Tôi dám chắc!
 
Bạn đã bao giờ nhìn thấy tác phẩm La Joconde chưa? Trong phòng làm việc của bà Anna Ygorevna có treo phiên bản của bức tranh ấy. Tôi chẳng biết sao mà người ta ca tụng bức họa ấy đến thế, rồi tìm ra trong đó biết bao nhiêu là điều kỳ bí, mỗi phát hiện đều gây chấn động. Cái bà Mona Lisa ấy trông ranh mãnh thấy mồ! Cái nhìn của bà ấy thấy mà ớn. Tôi có cảm giác như bà ta sắp mở miệng ra lệnh: “Lại đây!”, “Ngồi xuống!”, “Nằm khoanh tròn lại!”, vân vân, giống như các huấn luyện viên dạy chó. Nhưng điều lạ kỳ nhất là dù tôi có đứng ở bất cứ chỗ nào trong phòng, ánh mắt của bà ấy cũng cứ nhìn thẳng chòng chọc vào mắt tôi. Khiếp cho cái bức chân dung ấy! Vậy mà người được tôi bảo bọc, tức là bà Anna, cứ luôn tự dằn vặt là mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy bản gốc bức chân dung ấy, nghĩa là ước mơ của bà không bao giờ trở thành hiện thực. Tiếc làm gì cơ chứ. Nhưng mà thôi, mặc kệ bà ấy, nghĩa là mặc cái bà Mona Lisa ấy. Không nói về bà ấy nữa.
 
Mỗi khi đi dạo cùng bà Anna trong công viên, tôi sướng điên vì niềm tự hào về người mà mình bảo bọc. Tôi chưa từng bắt gặp một người đàn ông nào khi đi ngang qua chúng tôi mà không ngoái đầu nhìn và rồi nhìn theo cho đến khi khuất tầm mắt. Nói cách khác, bà Anna quả là một người phụ nữ tuyệt vời. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ đi dạo gần nhà. Nhưng rồi mỗi ngày cứ đi xa thêm một chút và mỗi lúc một xa hơn. Bà Anna trở nên bạo dạn hơn, đến mức quyết định cùng tôi ngồi tàu điện đi sang quận khác chơi. Dĩ nhiên, mỗi khi lên xuống tàu đều có những người sáng mắt giúp đỡ bà. Đối với người khiếm thị, niềm an ủi lớn lao nhất là được đi đây đi đó cho biết đó biết đây.
 
Giá mà các bạn biết được lúc đó cuộc sống của tôi như thế nào. Ôi!!! Nếu biết, hẳn các bạn sẽ phải lấy làm ganh tị. Đó là… ôi, thậm chí tôi cảm thấy khó mà diễn tả cho hết. Thôi thì ta làm cách khác nhé. Các bạn có nhớ ông cụ Ivan Savelievich không? Có nhớ Sashka không? Rồi thì các bạn bè, người thân của họ? Ấy đấy, nếu được phát biểu về cuộc sống của tôi trong nhà của nhà văn Anna Ygorevna Krivosheeva, hẳn cụ Ivan Savelievich sẽ nói: “Trison sống cứ như vua hay chí ít cũng là tể tướng”. Sashka thì hẳn phải thốt lên kinh ngạc: “Đuối luôn!”. Còn bà ngoại của Sashka, bà Elizaveta Maximovna, chắc phải luôn tay làm dấu thánh giá rồi thì thầm lẩm bẩm “Lạy Chúa tôi, thật là cuộc sống chốn thiên đàng!”. Mẹ của Sashka thì… thậm chí tôi không biết thế nào nữa. Chắc hẳn bà ấy chỉ phán một câu đơn giản: “Chẳng khác gì đại gia!”.
 
Nói cách khác, ở với bà Anna, tôi sống không đến nỗi tồi. Một gia đình cực kỳ thuận hòa, hạnh phúc. Chúng tôi sống trong căn nhà ở ngoại ô, gồm tôi, mẹ Anna Ygorevna, bố Konstantin Alexandrovich và cô con gái của họ, tên là Masha. Masha hãy còn nhỏ, lúc bấy giờ chỉ mới lên 10 thôi, nhưng tôi xin nói cho các bạn hay rằng cô bé rất lanh. Không hiểu sao bố Konstantin thường hay gọi Masha là cô nàng ích kỷ. Tôi không rõ lắm ý nghĩa của danh xưng này, nhưng không thấy cô bé tỏ ra giận dỗi gì với cái tên gọi ấy. Như vậy, đó hẳn là một tên gọi đáng yêu. Masha quả là bản sao của mẹ. Cứ nhìn cô bé là tôi hình dung ra ngay bà Anna hồi bé trông như thế nào.
 
Tôi cùng Masha kết bạn ngay từ buổi đầu tiên. Các bạn biết đấy, tôi rất thích trẻ con. Masha tắm cho tôi, chải lông cẩn thận và thường hay đút cho tôi món này món nọ thật ngon. Lúc đầu tôi thường từ chối, ngoảnh mặt đi mỗi khi Masha đút món ngon – ở trường tôi đã được dạy là không được ăn vặt, chỉ được ăn những thức ăn chính. Nhưng về sau, để khỏi làm buồn lòng cô bé, tôi thỉnh thoảng cũng xơi một vài món được Masha mời. Tôi luôn nhớ, trong các bài học có nói rằng không được nhận thức ăn từ tay người lạ. Nhưng Masha nào phải người lạ? Chúng tôi thân thiết như thể chị em. Thậm chí tôi với Masha cùng chơi chung một quả bóng trên sân tập. Rồi tôi sẽ kể kỹ hơn về Masha cho các bạn nghe. Tôi nghĩ rằng mai đây khi lớn lên, Masha sẽ trở thành ca sĩ. Giá mà các bạn được nghe cô bé hát karaoke! Trong nhà có dàn karaoke và thỉnh thoảng cả gia đình cùng hát. Thậm chí tôi cũng hát phụ họa với mọi người. Nghĩa là tôi thỉnh thoảng tru lên vài hơi khi mọi người đang hát. Tất nhiên là tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành ca sĩ ca siếc gì được, nhưng mọi người cũng rất thích thú được nghe tôi cất tiếng “gâu gâu” khi họ đang hát. Sau mỗi buổi “cả nhà cùng ca hát”, mọi người lại đãi tôi một món gì đó thật ngon, khi thì thịt băm viên, khi thì một khúc xương, cũng có khi vài viên kẹo ngọt.
 
Ối chao ôi, vậy coi sao được cơ chứ – xém chút xíu là tôi quên mất một thành viên nữa của nhà này. Trong gia đình không phải chỉ có bốn khẩu, mà là năm. Trong nhà còn có thêm một kỳ quan thế giới nữa, đó là Kisulia, hay đơn giản là Miu con. Các bạn chớ vội nghĩ rằng do lòng quý mến của mình mà tôi gọi bạn mèo trong nhà bằng cái tên âu yếm đến như thế. Chỉ đơn giản mọi người đặt cho bạn ấy cái tên như vậy và tôi cứ thế gọi theo, có vậy thôi. Mọi người kể rằng khi về với nhà này (từ rất lâu trước khi tôi về đây), bạn ấy có tên khác cơ, Musia hay Dusia gì đó, nhưng rồi do thuận miệng, mọi người cứ gọi là Miu con (Kisulia) cho tiện, riết rồi chết tên luôn. Ôi chao, cái cô bạn Kisulia này thật là… Không hiểu do đâu mà tôi cứ phải chịu đựng những quý nàng miu con như thế này. Không, chúng tôi sống với nhau khá thuận hòa, thân thiện. Nhưng Kisulia đôi khi tỏ ra là một đối tượng rất khó chịu, chán chết đi được.
 
Đây, mời các bạn hãy hình dung một tình huống như sau. Tôi đi dạo với bà Anna về, ăn lót dạ qua loa, tợp vài ngụm nước rồi khoanh chân nằm nghỉ. Tôi cần ngủ nghỉ nhiều hơn những con chó bình thường một chút, vì đối với tôi, nhiều khi tôi cũng phải thực hiện nhiệm vụ của mình ngay cả trong lúc ngủ. Vậy mà rồi xảy cớ sự. Cô bạn Kisulia của chúng ta chẳng có chuyện gì làm, buồn quá, muốn chơi đùa cho khuây khỏa. Phải chi cô nàng vớ lấy con chuột nhựa của mình hay quả bóng tennis mà chơi cho đã đời đi. Đằng này không. Hễ tôi vừa thiu thiu chợp mắt là Kisulia gây chuyện, chọc phá. Khi thì kéo đuôi tôi, khi thì cào mình tôi, khi thì meo meo bên tai điếc cả óc. Mèo gì mà chẳng ý tứ chút nào cả, lắm bận, tôi đang ngủ, cô nàng cứ đi qua đi lại trước mặt tôi, ve vẩy đuôi, khiến lông đuôi ngoáy cả vào mũi tôi. Trò này khiến tôi cáu vô kể. Mỗi khi như vậy là cứ phải hắt xì hơi ầm cả lên. Nhiều lần bà Anna phát giật mình vì tiếng hắt hơi của tôi. Bà mỉm cười rồi bảo tôi:
 
– Coi chừng bị cảm đấy, Trison yêu quý ạ.
 
– Gâu!– Tôi đáp.
 
Khổ nỗi, bà Anna không nhìn thấy trò nghịch của cô nàng Kisulia nên cứ tưởng là tôi cảm ơn bà ấy vì đã quan tâm đến sức khỏe của tôi. Bà cười và bảo:
 
– Không có gì. Chóng ngoan, mẹ thương.
 
Dĩ nhiên là khi được nựng nịu âu yếm như thế, ai mà chẳng nở từng khúc ruột, nhưng xét trên khía cạnh khác, tôi biết làm sao đây với nỗi ấm ức trong lòng? Thế là tôi lại dùng chân trước che mắt lại rồi ngủ tiếp. Kisulia ma mãnh lại tiếp tục giở trò. Lắm lúc cô nàng chơi những chiêu rất quái, khiến tôi điên tiết, chỉ muốn tru lên như chó sói. Chẳng hạn, có lần tôi đang ngủ, cô nàng leo hẳn lên mình tôi mà nằm rồi rên “rừ rừ” một cách khoan khoái. Có bực không cơ chứ. Muốn tôi làm ngựa cho mà cưỡi chắc? Nhưng những lúc như thế, tôi cũng chẳng buồn hất nàng xuống, bụng bảo dạ, cứ nằm đi, đồ khùng, miễn là đừng ngoáy lông đuôi vào mũi người ta! Lắm bận cả hai cứ thế ngủ như chết. Chứ tôi còn biết làm gì được nữa!? Chẳng lẽ lại cắn cô nàng? Người nhà với nhau cả, ai lại làm thế. Xét trên tổng thể thì những chuyện đại loại như thế chỉ là chuyện vặt. Rồi tôi sẽ kể các bạn nghe về mèo đặc chủng. Mèo đặc chủng khác xa với nàng tiểu thư Kisulia của chúng tôi. Cuộc sống và công việc của mèo đặc chủng phức tạp hơn nhiều.
 
Nói gì đi nữa thì cuộc sống của tôi trong gia đình nhà Krivosheevy vẫn sướng chán: thức ăn ngon tuyệt hảo nhé, lại còn có tiện nghi đầy đủ, theo như cách gọi của ông cụ Ivan Savelievich là “vương giả”. Thử nghĩ mà xem, trong phòng làm việc của bà Anna có hẳn một chiếc giường sôfa dành riêng cho tôi. Thật mà. Có đầy đủ chăn gối hẳn hoi. Ở đây tôi mới được yên, vì Kisulia không bao giờ được phép bước chân vào phòng này. Sở dĩ Kisulia bị cấm cửa vì cô nàng đã tự đánh mất uy tín của mình qua một số hành vi hết sức nhảm. Lần nọ, cô nàng leo lên bàn làm việc của bà chủ, bươi bới lung tung khiến cho giấy tờ, tài liệu bay tung tóe khắp phòng. Mà nào chỉ có bấy nhiêu đó thôi đâu, cô nàng còn cắn xé mớ khăn giấy đến nát vụn ra, khiến căn phòng trông cứ như bãi chiến trường – những mảnh khăn giấy màu vàng cam vương vãi khắp nơi. Không phải mèo, mà đích thị là đồ phá hoại.
 
Mỗi khi bà Anna ngồi làm việc trong phòng, tôi nằm dài trên sôfa, khoan khoái lắng nghe những tác phẩm mới của bà. Bà có thể làm việc trên chiếc máy tính đặc biệt dành cho người khiếm thị, nhưng thường thì bà đọc các chương sách mà bà “viết” trong đầu vào máy ghi âm rồi sau đó ông Konstantin Alexandrovich hoặc Masha sẽ chép vào máy tính. Rồi sau đó nữa, ông chồng sẽ sửa lỗi, biên tập lại, và thường xuyên góp ý, phê bình tác giả. Thỉnh thoảng xảy ra những trận tranh cãi kinh hoàng, dai dẳng, đến nỗi tôi cứ nghĩ rằng thôi rồi, chỉ về mỗi chuyện này thôi, họ sẽ cãi nhau cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
 
Ấy vậy mà không, sáng ra, tôi nghe bà Anna thỏ thẻ:
 
– Anh yêu, em nghĩ lại rồi. Quả là cái trường đoạn ở biển ấy rất cần phải viết lại. Đoạn ấy em viết xoàng quá. Anh nói đúng đấy…
 
– Anh không ép buộc em đâu, Anna yêu quý ạ, – ông Konstantin Alexandrovich trả lời. – Em hãy tự quyết định lấy. Em là tác giả mà…
 
Hừm! Các bạn nghe thấy rồi chứ? Ông ấy bảo là không ép. Có thật ông ấy không ép không? Điên thật. Mới hôm qua ông ấy còn nói với vợ là trong suốt cuộc đời của mình, ông ấy chưa bao giờ đọc phải một thứ văn chương kém cỏi đến như thế. Vậy mà bây giờ thì ông ấy bảo là không ép buộc gì. Chết được với những con người như vậy. Nhưng rồi, thú thực, dần dần tôi cũng chẳng còn lấy làm lạ lẫm trước những màn biến hóa như vậy nữa. Các bạn biết đấy, giới văn nghệ sĩ (ông chồng của bà Anna không chỉ là biên tập viên mà còn là nhà thơ nữa cơ đấy) cực kỳ rỗi hơi. Thỉnh thoảng họ ngồi với nhau suốt buổi tối, đọc cho nhau nghe những vần thơ, áng văn, thậm chí bạn có thể không tin nổi, cả những mẩu chuyện thuộc vào hàng… cổ tích. Họ gật gù tán thưởng, rồi chợt cười, đôi khi chợt khóc… Vậy mà rồi đến ngày hôm sau, mọi chuyện bay vèo đi đâu mất…
 
…A ha, mọi chuyện bay vào gò má. Tôi không hiểu lắm câu thành ngữ này. Thế còn các bạn, các bạn nghĩ rằng mọi chuyện sẽ bay đi đâu? Tất nhiên là bay đến chỗ lũ quỷ của loài chó. Nhưng xin giải thích giùm, điều đó có nghĩa là gì? Chó và quỷ thì mắc mớ gì ở đây? Còn phải nghĩ ra thêm điều gì tương tự nữa chứ?! Lại có một thành ngữ còn ghê răng hơn nữa: “Nhảm như chó”. Các bạn đã nghe câu ấy bao giờ chưa? Có chết cũng chịu, chứ tôi chẳng thể nào hình dung ra được đó là thứ nhảm gì. Ờ mà loài người các bạn cũng thường nói rằng chó là bạn của người. Các bạn yêu quý những chú vện, chú đốm, chú xù… của mình. Trong nhà bạn có thể có chú chó bốn mắt hay chú cún kiểng nào đó. Và trong nhà bạn không ai mở miệng thóa mạ loài chó. Đúng vậy không? Vậy mà trong cuộc sống, mỗi khi có chuyện gì không hài lòng, bạn vẫn có thể thốt lên: “Đời này mới chó má làm sao!”.
 
Nào, bây giờ lấy thí dụ, cuộc sống của tôi ở nhà bà Anna Ygorevna khiến khối người phải ganh tị. Đời chó thực ra cũng bình thường thôi. Còn bây giờ nhá, bây giờ tôi sống ra sao, xin lỗi, các bạn không cách nào có thể gọi đó là cuộc đời chó má.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.