Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

11



Khi biết được rằng bọn nhóc cuỗm tôi ở một bà lão mù, Toma bỗng thốt lên:
 
– Ồ, hình như tớ biết con chó này. Tớ biết bà cụ mù ấy mà. Đúng rồi, đúng rồi. Đúng là nó, – cô bé chỉ vào tôi, – tớ thấy nó đi cùng bà cụ, dẫn đường cho bà ấy. Này, các cậu, tớ đưa nó về cho bà cụ nhé.
 
– Thế bọn cớm thì sao? – Bọn trẻ nhao nhao.
 
– Cớm thì mắc mớ gì ở đây? – Cô bé cười nhạt. – Tớ sẽ bảo là tớ bắt gặp nó đi lạc trên đường, giờ đưa nó đi tìm lại chủ. Có gì là sai quấy nào?
 
– Thôi được rồi! Tự xử lấy! – Sói Xám phẩy tay. – Muốn làm sao đó với nó thì làm.
 
Thế là 5 phút sau, tôi đã nhong nhong trên vỉa hè đường phố. Các bạn không thể nào hình dung nổi, lúc đó tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc như thế nào. Tôi đã từng cận kề cái chết chứ đâu phải chuyện đùa. Giả dụ Sói Xám đồng ý với lời đề nghị ghê tởm của cái gã Burlak khốn kiếp nọ, chắc chắn “con rắn độc” ấy sẽ táng cho tôi một hòn đá hộc vào đầu. Nghĩ đến mà rùng mình: hắn sẽ quay tôi vàng ruộm trên lò than hồng như quay một con lợn sữa. Ghê chết đi được. Vậy mà chuyện ấy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ với hàng triệu, hàng triệu gà vịt, dê cừu, bò lợn trên thế giới. Thương nhất lũ gà. Chúng từng là những chú gà con lông xù như nắm bông, nom rất ngộ nghĩnh…
 
Nỗi niềm suy tư của tôi bị cắt ngang bởi tiếng xe hơi phanh đánh “kít” ngay bên cạnh. Ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy đó là xe cảnh sát. Một ông to béo mang cảnh phục bước xuống xe, ra lệnh cho Toma:
 
– Nào, đứng lại! Con chó này của ai?
 
Toma không hề tỏ ra bối rối, bình thản đáp:
 
– Hiện chưa có thể nói chính xác là của ai. Nhưng cháu nghĩ nó là của bà cụ mù sống trong chung cư nhà cháu.
 
– Thế thì tại sao nó lại ở trong tay mày? – Ông cảnh sát hỏi với giọng nghi ngờ.
 
– Cháu đi dạo chơi với đám bạn gái, thấy nó chạy nhông nhông ngơ ngác, cháu nghĩ là nó đi lạc, – cô bé giải thích tỉnh bơ.
 
Ông cảnh sát tiến lại gần hơn, cúi xuống, nắm lấy đầu dây dẫn đường của tôi, quấn vài vòng vào bàn tay mình và nói:
 
– Thế nào? Con chó này tự dùng dao cắt đứt dây dẫn đường hả? Nói!
 
– Ơ, làm sao cháu biết được chuyện đó? – Toma nhún vai. – Cháu đã nói rồi, cháu bắt gặp nó ngoài đường, bây giờ đưa nó về cho bà chủ của nó…
 
– Hừ! Ai biết được mày đưa nó đi đâu, – ông cảnh sát nói và nắm chắc lấy khung băng đai trên mình tôi rồi ra lệnh cho Toma. – Nào, bây giờ lên xe, về đồn!
 
Toma làm ra vẻ ngoan ngoãn vâng lời, thong thả đi đến bên cửa xe, rồi bỗng co giò lao vút qua bên kia đường. Ông cảnh sát kêu to với người đồng đội đang ngồi sau tay lái:
 
– Pavel! Bắt lấy nó! Bắt lấy con bé!
 
Ông cảnh sát lái xe nhảy ra khỏi xe và rượt theo Toma. Nhưng làm sao mà kịp! Toma luồn lách khéo léo qua những chiếc xe đang phải thắng gấp và bóp còi inh ỏi vì bỗng dưng có một con bé xuất hiện trên những làn đường dành cho ôtô các loại. Chỉ trong nháy mắt, Toma đã biến mất sau những tòa nhà bên kia đường. Ông cảnh sát nọ hóa ra nhát gan hơn nhiều so với một cô bé bụi đời. Ông ấy không dám liều lĩnh băng qua dòng xe cộ dày đặc trên đường.
 
– Pavel, cậu làm sao thế? Để sểnh nó mất rồi à? – Ông mập cáu kỉnh. – Rõ ăn hại!
 
– Anh muốn tôi lấy thân mình chèn bánh xe hơi chỉ vì một con bé con mất dạy hay sao? – Ông cảnh sát lái xe vặc lại. – Kệ xác nó đi. Quan trọng nhất là chúng ta đã tìm được con chó.
 
– Thôi được rồi, lên đường! – Ông cảnh sát mập đành chịu lép. – Cậu có nhớ địa chỉ của bà lão mù không?
 
– Không nhớ. Nhưng giờ tôi sẽ hỏi, – ông cảnh sát lái xe trả lời rồi đưa máy bộ đàm lên miệng.
 
Quả là đã xảy ra chuyện đáng tiếc. Đáng tiếc ở chỗ tôi và Toma không kịp chia tay nhau theo đúng tình bằng hữu, đặc biệt là chính cô bé ấy đã cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cái đặc tính nghi ngờ cố hữu của mấy ông cảnh sát đã làm hỏng chuyện. Sự việc xảy ra bất ngờ, đột ngột quá, khiến tôi không kịp sủa lên lấy một tiếng để giã từ ân nhân cứu mạng của mình.
 
Chỉ khoảng mươi phút sau, tôi cùng những người thực thi pháp luật đi vào cổng cầu thang quen thuộc của tòa nhà chung cư quen thuộc.
 
“May quá, – tôi nghĩ bụng, – lần này sự cố đã kết thúc chóng vánh.”
 
Các bạn có nhận thấy rằng mỗi khi ta mơ màng liên tưởng đến một điều tốt đẹp thì y như rằng điều tệ hại kế tiếp xảy ra tức thời? Các bạn biết sao không: người ta đưa tôi lên căn hộ của bà Polina Foteevna, nhưng… bà ấy không có mặt ở nhà.
 
– Gọi điện cho trực ban đi, – ông cảnh sát mập bảo ông cảnh sát tài xế, – hỏi xem bà già mù ấy hiện đang ở đâu. Đồng thời hỏi xem bây giờ chúng ta phải nhét con chó này vào đâu?
 
– Bà ấy hiện đang nằm trong bệnh viện! – Ông cảnh sát lái xe trả lời sau khi nói nói, nghe nghe qua máy bộ đàm.
 
– Chết dở! – Ông mập cau mày. – Vậy phải làm sao bây giờ?
 
– Bộ tôi là thánh hay sao mà biết được phải làm sao bây giờ? – Ông lái xe nhún vai, làu bàu, rồi đề nghị: –
 
Hay ta giao con chó này cho những người hàng xóm của bà ấy?
 
– Nhưng nếu nó lại biến mất thì tụi mình sẽ bị gõ đầu đấy.
 
– Ôi dào, nó còn biến đi đâu được nữa cơ chứ! – Ông cảnh sát lái xe cười nhạt. – Nhưng tốt nhất chúng ta sẽ yêu cầu người hàng xóm nào nhận nó phải ký vào giấy biên nhận hẳn hoi, như thế mọi trách nhiệm họ sẽ phải chịu lấy.
 
– Tớ cũng chẳng biết có nên làm như vậy hay không.
 
– Ông mập móc thuốc lá ra, ngồi bệt trên bậc cầu thang, châm lửa hút. – Pavel, cậu hiểu không, trước hết phải xác định xem có đúng con chó này là của công dân Ivakhnik, tức là bà Polina Foteevna, hay không. Làm sao chúng ta biết được nó chính là con chó của bà ấy?
 
– Ôi dào, – ông Pavel trề môi, – theo mô tả thì có lẽ là nó chứ còn gì nữa.
 
– Đấy, chết là ở chỗ ấy đấy. Cứ “theo mô tả” với lại
 
“có lẽ”, có khối cảnh sát đã phải chết dở rồi đấy.
 
– Thì khó gì cơ chứ, – ông Pavel chỉ vào tôi, – dây dẫn dường bị cắt ngọt nhé. Ờ, mà cái đầu dây còn lại hiện đang ở đâu nhỉ?
 
– Còn ở đâu nữa!? Ở đồn chứ còn ở đâu!? – Ông mập đay nghiến. – Nào, về đồn thôi.
 
– Thế còn con chó?
 
– Đưa nó về đồn luôn!
 
“Lại một bức tranh chẳng lấy gì làm xa lạ. Tôi nào lạ gì đồn cảnh sát. Hay ho thật. Bây giờ người ta lại tống tôi vào buồng giam tội phạm chứ gì?!”
 
Nhưng lần này, ơn Chúa, mọi chuyện có đỡ tồi tệ hơn. Người ta cho phép tôi được ngồi trong phòng trực ban của công an phường. Đã quá mệt mỏi với những chuyện rắc rối vừa rồi, tôi lủi vào một góc phòng, nằm xuống, thiếp đi. Nhưng cũng chỉ ngủ lơ mơ, lơ mơ mà thôi. Tôi vẫn nghe được người ta kháo chuyện về bà lão của tôi.
 
– Thì chúng tôi hỏi han bà ấy tại sao lại để cho người ta bắt trộm mất chó, rồi cũng định đưa bà ấy về nhà. Nhưng mà rồi “à la hấp!”, bà ấy ngã lăn ra, bất tỉnh. Có lẽ do lo sợ quá mức.
 
– Lo sợ quá mức hay do quá chén? – Một ông cảnh sát nào đó hỏi mỉa. – Thế còn các bác sĩ nói thế nào?
 
– Hình như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim gì đó, – ông cảnh sát trực ban trả lời.
 
“Ôi thôi! Sự thể đến thế là nghiêm trọng lắm rồi. Đột quỵ do suy tim là nguy hiểm lắm. Thật tội nghiệp bà lão Polina Foteevna của tôi…”
 
– Tôi đã gọi điện đến bệnh viện. Nghe đâu bà ấy tỉnh rồi, nhưng chưa ra viện ngay được đâu. – Ông trực ban nói tiếp.
 
– Thế bây giờ phải làm sao với con chó?
 
– Chưa biết phải làm sao cả. Tôi gọi điện thoại cho em gái của bà Polina Foteevna rồi. Thế nào bà ấy cũng tới thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.