Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

13



Sau khi bà Polina Foteevna ra viện, bà Irina, em gái của bà, đến ở cùng chúng tôi. Cuộc sống có phần bình yên hơn. Có điều tôi ít khi được ra ngoài đi dạo hơn. Nhưng rồi anh bạn Stepa cũng tìm đến, tuy không phải mỗi ngày, song cũng khá thường xuyên. Stepa hễ đến là đưa tôi đi dạo và sau mỗi lần đi dạo với cậu ấy, bốn chân tôi cứ gọi là mỏi rã rời.
 
Sự việc xảy ra tiếp theo, nếu gọi theo cách nói hóm hỉnh của cụ Ivan Savelievich thì đó là “điện ảnh và quân Đức”. Nhưng cứ để từ từ, tôi sẽ kể tuần tự.
 
Stepa không thích kiểu đi dạo lòng vòng quanh khu vực gần nhà. Chắc các bạn đã đoán ra: đối với cậu ấy, mỗi lần đi chơi phải là một hành trình “khám phá miền đất lạ”. Lần nọ, cậu ấy đưa tôi đến một khu chợ nhỏ. Nói là nhỏ nhưng cũng có thể gọi đó là một đại siêu thị ngoài trời. Đủ thứ, thượng vàng hạ cám. Thì ra Stepa muốn tặng tôi một món quà bất ngờ thú vị. Cậu ấy đưa tôi đến gian hàng bán các loại hàng hóa dành cho chó. Tôi cứ nghĩ bụng, không hiểu cậu bé muốn mua thứ gì. Nhưng chỉ ít phút sau, cậu ấy đã trao tiền cho người bán hàng rồi dúi cho tôi một khúc xương to vật. Khúc xương mới thơm ngon, hấp dẫn làm sao! Tôi không thể nào diễn tả nổi. Dẫu có vận dụng tất tần tật ngôn ngữ của loài người cũng không thể nào tả nổi.
 
Chúng tôi rời chợ, đi đến một công viên nho nhỏ gần đó. Stepa nằm vật xuống ghế đá nghỉ chân, còn tôi thì bắt đầu “nghiên cứu” món quà. Dĩ nhiên đó là khúc xương giả, được làm từ gân bò khô và bột xương. Giả, nhưng quả là ngon hơn xương thật. Mà hình thức lại hấp dẫn, bắt mắt nữa chứ. Tôi nhìn ngắm, vần vèo khúc xương với một tâm trạng vui sướng y như các bà nội trợ đang nâng niu viên nêm trên tay. Các bà ấy chẳng biết viên nêm được làm từ những nguyên liệu gì, nhưng có mùi thơm cực kỳ hấp dẫn và nếu được thả vào nồi xúp thì làm cho xúp trở nên thơm ngon hết ý. Dù rằng…
 
Xin phép các bạn cho tôi được “tạt ngang” một chút. Lần nọ tôi được xem một chương trình tivi rất bổ ích và lý thú. Thì ra, trong những viên nêm ấy chỉ có một vài phân tử thịt, phần còn lại chỉ là hóa chất. Nói cách khác, thịt chỉ có trong… tên gọi mà thôi. Các bạn có biết ý tưởng sản xuất viên nêm là của ai không? Của một nhà hóa học. Vâng, vâng, từng có một nhà hóa học như vậy đấy. Ông ấy người Đức, tên là Justus Liebig. Từ giữa thế kỷ 19, ông ấy đã chế ra một thứ thức ăn được gọi là “Thịt tinh chế của Liebig” để bán cho người nghèo, những người không đủ tiền mua thịt thật. Nói cho công bằng, ngày đó, trong những viên “thịt tinh chế” kiểu ấy, phần thịt nhiều hơn so với ngày nay, còn phần hóa chất thì rất ít, có lẽ do ngành công nghiệp hóa chất lúc đó chưa phát triển bằng bây giờ.
 
Hẳn các bạn cũng tò mò muốn biết, ngày nay người ta làm viên nêm bằng những nguyên liệu gì? Người dẫn chương trình tivi cho biết cụ thể: viên nêm (hay viên canh, viên xúp…) được làm từ mỡ, muối và một số chất phụ gia tạo vị ngọt hay còn gọi là chất tăng cường độ ngọt. Nếu gọi đúng tên sự vật thì cái gọi là “chất tăng cường độ ngọt” nọ chỉ là glutamat natrie, hay gọi nôm na là bột ngọt. Điều đáng buồn ở chỗ cái chất glutamat nham hiểm ấy tác động lên cơ thể con người bằng một cách thức giống với ma túy. Nghĩa là gây nghiện. Nếu thường xuyên sử dụng chất ấy một thời gian, cơ thể sẽ “nghiện” và rất khó rời bỏ nó. Nhưng chuyện không chỉ có thế. Có một điều cực kỳ nguy hiểm mà không phải ai cũng biết: ở nhiệt độ sôi của nước, tức là khi được nấu sôi trong nước, glutamat bị phân giải thành những thành phần có hại cho cơ thể, nói cách khác là nó bị biến thành những độc tố chết người. Ở nhiều nước, người dân được khuyến cáo là chỉ nên hòa tan viên nêm (hay bột nêm, bột ngọt…) trong nước ấm, còn ở nước Nga chúng ta, chẳng cơ quan chức năng nào đưa ra khuyến cáo như vậy cả. Trên mỗi bao thuốc lá, lời khuyến cáo về tác hại của việc hút thuốc được in đậm bằng cỡ chữ to đùng, nhưng trên bao bì viên nêm, bột nêm, chỉ có… sự lặng im khó hiểu. Chủ quan hay vô trách nhiệm? Không hiểu được!
 
Dĩ nhiên, trong khúc xương “quà tặng” này cũng đầy hóa chất. Được cái, thứ nhất, tôi không hề có ý định cho nó vào nồi nấu sôi (thế là thoát được cái màn glutamat biến thành chất độc); thứ hai, cả đời tôi chỉ xơi món này giỏi lắm là một–hai lần nên nếu có độc thì cũng chẳng hại bao nhiêu và chắc chắn sẽ không bị nghiện.
 
Đúng vào lúc tôi gặm gần hết khúc xương giả, phần còn lại chỉ là một mẩu cỡ bằng viên nêm, đột nhiên tôi nghe có tiếng gọi “Trison!”. Tôi chết lặng. “Viên nêm” ngọt ngào ấy rơi khỏi mõm tôi. Tôi thậm chí không dám ngoảnh đầu lại. Có cảm giác như một luồng điện phóng từ đầu mũi đến chót đuôi.
 
– Trison! – Tiếng gọi lại vang lên ở đằng sau.
 
Tôi từ từ quay đầu lại và… dường như chết lặng mất một phút, nhìn trân trân vào một người đang đứng ở đằng xa. Bốn chân tôi như nhũn ra, không cử động được. Cố gắng lắm tôi mới phát ra được một âm thanh yếu ớt:
 
– Gâu!
 
– Trison! – Chàng trai kêu lên. – Trison! Trison yêu quý!!! Cuối cùng thì tôi cũng thu được hết sức lực để lao tới với Sashka vô cùng quý mến của mình. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau như hai anh em ruột thịt đã xa nhau lâu ngày. Vâng, cậu ấy chính là người anh em ruột thịt của tôi! Sashka hôn tôi túi bụi – hôn vào mũi, vào mắt, vào cổ, vào tai… Chúng tôi ngã nhào xuống bãi cỏ. Sashka ôm lấy đầu tôi, nhìn vào mắt tôi, hỏi gấp gáp:
 
– Sao rồi, người anh em của tôi, lâu nay bạn sống thế nào?
 
– Gâu-gâu-gâu! – Tôi hăng tiết quá, sủa ngay từ “Cầu vồng”, cốt để làm cho Sashka vui lòng.
 
– Ôi, tôi nhớ bạn biết chừng nào! Trisha, bạn đang ở đây với ai vậy? – Sashka hỏi rồi bỗng sững lại: – Sao bạn không đeo băng đai? Băng đai đâu rồi?
 
Biết trả lời sao đây? Tôi đành liếm mặt Sashka lia lịa và… hình như tôi đã mỉm cười.
 
Đúng lúc đó, Stepa đi lại gần chúng tôi. Sashka đứng dậy, hỏi:
 
– Đây là chó của cậu phải không?
 
– Ồ không, – Stepa lúng túng, – tớ chỉ giúp người ta đưa nó đi dạo chơi thôi.
 
– Thế bây giờ nó đang làm việc với ai? – Sashka hỏi.
 
– Nó dẫn đường cho một bà cụ, nhưng hiện giờ bà ấy đang bị bệnh, không đi ra ngoài được. Tớ ở quận khác, thỉnh thoảng tới chơi. Nhà chỉ có hai bà già, phải chăm sóc nhau nên chẳng mấy khi có thời gian đưa chó đi dạo.
 
– Thế đấy, – Sashka thở dài rồi chìa tay ra, tự giới thiệu. – Tớ là Sashka.
 
– Còn tớ là Stepa, – Stepa nở nụ cười thân thiện.
 
Hai cậu bé nhanh chóng làm quen với nhau. Sashka kể cho Stepa nghe tôi đã từng giúp cậu ấy như thế nào. Còn Stepa thì kể chuyện cậu ấy quen biết tôi trong trường hợp nào. Nhưng điều khiến tôi vui sướng nhất là hai cậu bé thỏa thuận với nhau rằng họ sẽ luân phiên đến thăm tôi, đưa tôi đi dạo. Ôi, phải chi được làm ông chủ nhà xuất bản, tôi sẽ đặt tên cho cuốn sách này là “Gặp lại Sashka” thay vì “Gặp lại Trison”!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.