Thế rồi cuối cùng tôi cũng được “làm quen” với ông Boris Ivakhnik. Hẳn các bạn đã đoán ra. Vâng, đó chính là người mà thuở bé từng được bà Polina Foteevna nuôi nấng, và cũng là người mà bà Irina gọi là “thứ chó”. Câu đầu tiên mà hắn mở miệng nói ra khi bước vào căn hộ của bà Polina Foteevna là “Nhà này hôi mùi chó quá!”. Hừm, chỉ được cái thính mũi dởm. Bà Irina và Stepa tắm cho tôi mỗi ngày. Ông ngửi thấy mùi chó ở đâu ra vậy? Ngửi lại mình đi, xem có đúng là khét lẹt mùi thuốc lá và mùi rượu?
– Nhốt ngay con chó vào buồng đi! – Hắn nói như ra lệnh.
– Không việc gì phải sợ, nó không cắn đâu, – bà Irina nói.
– Hừ, “không việc gì phải sợ”! – Boris nhăn mặt đay lại. – Bố ai biết được trong đầu nó nghĩ gì!
– Đã nói là nó không cắn đâu. Không thấy nó ngồi yên một chỗ à? Nó là chó dẫn đường chứ không phải chó thường.
– Thế còn mụ già đâu rồi?
– Boris! – Bà Irina giận dữ vung tay. – Mày không biết xấu hổ sao, dám gọi mẹ mày như thế đấy à?
– Mẹ ghẻ thì có chứ “mẹ” cái con khỉ gì! – Thằng khốn nói to rồi cười hô hố.
– Làm sao mày dám mở mồm ăn nói như vậy được chứ? – Bà Irina cố gắng thức tỉnh lương tâm cho thằng cháu.
– Sao cơ? Chẳng lẽ tôi phải gọi bà ấy là “mụ trẻ” thay vì “mụ già”? Này, dì Irina, bà cũng chớ có mà xía vào. Bản thân bà cũng là một mụ già mà thôi chứ trẻ mãi mà được à? Đời nó là thế, muốn khác đi cũng không được. Bản thân tôi đến lúc nào đó rồi cũng sẽ thành “thằng cha già”. Chẳng có gì vĩnh cửu trường tồn ở dưới gầm trời này cả.
– Dù sao cũng không thể xử sự như thế được, có hiểu không, Boris? Không thể được!
– Thôi được rồi, muốn đánh đòn tôi thì cứ đánh đi, – hắn nói rồi lôi từ trong túi áo khoác ra một chai rượu.
– Có gì ăn không, cho miếng đi. Đang đói như chó đói đây này.
– Cởi giày, mũ, áo khoác ra, rồi xuống bếp mà ăn.
– Dì vẫn chưa trả lời tôi mụ già đâu rồi. Nghe nói bà ấy phải đi nằm nhà thương, có phải vậy không? Cớ sự ra sao vậy? Hay là do nốc vào nhiều quá? Ha ha…
– Khẽ mồm thôi! – Bà Irina quát khẽ. – Mẹ mày đang nghỉ trong phòng. Bà ấy bị đột quỵ do suy tim, phải đi cấp cứu. Bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi yên tĩnh, không được đi lại nhiều.
– Gọi bà ấy ra đây! – Thằng khốn bỏ ngoài tai những lời nói của bà dì, giơ chai rượu lên cao quá đầu. – Cho bà ấy làm một ly vào là tỉnh liền ấy mà, ha ha…
– Mày điếc à? – Bà Irina bực tức càu nhàu. – Không nghe dì nói gì sao? Ly với cốc gì đây nữa? Đã nói là mẹ mày bị suy tim, từ nay trở đi không được phép uống rượu…
– Ôi dào, – Boris nhướn mày. – Uống một chút thì có sao! Tôi có thằng cha bác sĩ quen, hắn nói người suy tim uống chút rượu vào tốt lắm, chất cồn giúp kích thích cơ tim hoạt động đấy.
– Bác sĩ nào mà ngu si quá vậy? – Bà Irina cau mày khó chịu. – Có cất ngay chai rượu đi không! Ngồi yên đấy, tao đi lấy đồ ăn cho. Xúp hay gì?
– Có gì xơi nấy. Xơi tuốt. Từ sáng tới giờ đã có hột nào vào miệng đâu.
– Mày làm sao thế? Vợ mày không nấu gì cho mày ăn à? – Bà Irina ngạc nhiên.
– Vợ nào nữa? Ơ, dì không biết gì à? Bỏ nhau cả năm nay rồi…
– Làm sao tao biết được chứ?! Cả năm nay mày có bén mảng tới đây lần nào đâu. Mà rồi làm sao chúng mày lại bỏ nhau?
– Ôi dào, – Boris phẩy tay, – quên nó đi! Tôi chán cuộc sống gia đình lắm rồi. Ngấy tận cổ, – gã đàn ông đưa ngang bàn tay quệt ngay cuống họng.
– Dì thấy con bé cũng được người được nết mà. – Bà Irina thật sự băn khoăn.
– Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận dì ơi, – Boris lại cười hô hố. Hắn rót đầy một ly rượu, nốc cạn một hơi rồi vục mặt xuống đĩa xúp, múc lấy múc để.
– Từ từ thôi, Boris, xúp nóng lắm đấy, – bà Irina nhắc. Nhưng Boris vẫn bỏ ngoài tai lời khuyến cáo, cứ việc húp xoàm xoạp.
Xơi hết nửa đĩa xúp, Boris lại rót thêm một ly rượu và uống cạn trong nháy mắt.
– Dì Irina, rót cho dì chút nhé? – Boris xởi lởi.
– Không được đâu, Boris! Mày biết mà, dì đâu có bao giờ uống rượu. Thế nào, xúp ăn được chứ?
– “Món xúp cải cay, ăn vào ngon thay. Ồ, hay hay hay!” – Gã đàn ông bỗng dưng cất giọng nhí nhố hát một bài hát nhi đồng. – Món xúp ngon tuyệt! Cảm ơn dì Irina!
Quái thật. Thằng khốn cũng biết cảm ơn nữa kìa. Vậy mà tôi cứ tưởng hắn không bao giờ biết đến những lời như thế.
– Không có gì, – bà Irina mỉm cười. Ăn xong, Boris móc thuốc lá ra hút.
– Ối, Boris, – bà Irina xua tay. – Đừng hút thuốc trong nhà! Mẹ mày chết mất vì mùi thuốc lá đấy.
– Vớ vẩn! – Boris nhếch mép cười ruồi. – Tôi có hút trong phòng bà ấy đâu mà lo. Mở cửa sổ cho khói bay ra ngoài sân!
– Nhịn thuốc chút đi, Boris à! – Bà Irina năn nỉ. Nhưng Boris đã bật quẹt ga mồi thuốc, rít một hơi.
– Dì đừng có làm nhặng lên thế!
– Dì đã nói rồi, mẹ mày đang…
– Thôi im đi, làm gì mà cứ gào lên “mẹ, mẹ, mẹ…”. Cái con mụ “mẹ” của bà chẳng làm sao đâu.
– Mày mất hết cả lương tâm rồi, Boris ạ, – bà Irina thở dài.
– Này, tôi nói cho bà biết nhá: tôi đang ở trong nhà tôi! Tôi có hộ khẩu trong nhà này. Bà có hiểu không? – Boris gằn giọng.
– Như thế nghĩa là sao?
– Như thế có nghĩa: thích hút thuốc là tôi cứ hút, không thích thì không hút. Có thế thôi! Thôi được rồi, bà muốn đánh đòn tôi như hồi tôi còn bé thì cứ đánh. Hôm nay tôi đến đây để làm gì bà biết không? Tôi cần phải nói chuyện với mụ già.
– Nói chuyện về việc gì?
– Chuyện thế này. Con Lida, em gái tôi ấy mà, nó lấy được thằng chồng giàu, có nhà cao cửa rộng đàng hoàng, cuộc sống vật chất sung túc, đầy đủ. Bây giờ tôi muốn mụ già viết di chúc để lại căn hộ này cho tôi, cho một mình tôi thôi, chứ nếu không, khi bà ấy chầu trời, con Lida khốn kiếp ấy nó lại tranh giành căn hộ này với tôi. Dì còn lạ gì cái con quỷ cái ấy. Nó khốn nạn ghê gớm…
Bà Irina như đổ gục xuống, hai tay ôm chặt lấy đầu.
– Dì làm sao thế? Sao câm như hến thế?
– Tao còn biết nói gì đây? – Bà Irina buông tay khỏi đầu mình, thốt lên khe khẽ. – Hay từ từ cái đã con. Để cho mẹ mày bình phục cái đã rồi hẵng nói chuyện này.
– Từ từ là thế nào? Từ từ là bao giờ? Từ từ để rồi mọi chuyện muộn mẹ nó mất à? Thôi thì dì hãy tự nói với bà ấy. Bảo bà ấy viết di chúc để lại căn hộ này cho tôi. Nói ngay bây giờ đi, được không?
– Bây giờ thì không được! – Bà Irina nói dứt khoát.
– Tại sao! – Boris ngạc nhiên. – Tại sao không được?
– Mày đọc báo, xem tivi đi rồi biết tại sao. Bây giờ mẹ mày ký giấy, mực chưa ráo là mày tống bà ấy ra đường tức khắc. Tao lạ gì chúng mày!
– Có mình tôi thôi, “chúng mày” nghĩa là thế nào?
– “Chúng mày” là cả cái lũ con cái vô ơn bạc nghĩa ngày nay ấy, hiểu không? Mẹ bệnh nằm một chỗ, con chẳng lo chăm sóc, cứu chữa, chỉ nhăm nhăm đòi chia tài sản. Mày có cái đầu trên cổ, tự suy nghĩ lấy.
– Chuyện ấy có gì là bậy bạ nào? – Gã Boris nổi cáu.
– Bà ấy có thể lột da sống đời hay sao? Tôi chỉ muốn cho mọi chuyện được êm xuôi, tốt đẹp…
– Cho ai? – Bà Irina cắt lời.
– “Cho ai” nghĩa là sao?
– Êm xuôi tốt đẹp cho ai? – Bà Irina không kìm được, nói như quát.
– Cho tất cả mọi người.
– Không, tao không cho phép mày làm chuyện đó. Mày với Lida có bao giờ thăm viếng hỏi han gì tới mẹ mày đâu. Có bao giờ chúng mày hỏi xem mẹ cần gì. Không có được lấy một viên thuốc, một lời hỏi thăm sức khỏe…
– Ý dì muốn gì? – Boris cười khẩy. – Nghe đây, tôi hiểu rồi, dì cũng đang thèm muốn căn hộ này chứ gì? Nếu không, dì tới đây làm gì, hả?
– Mày điên rồi à? – Bà Irina giận sôi. – Chị tao đau ốm, tao đến đây để chăm sóc bà ấy. Mày tưởng tao đến để tranh căn nhà này với mày à? Tao cần lắm sao? Bộ tao không có nhà hay sao?
– Có thể bà không cần, nhưng các con bà chắc gì không cần? Ôi ôi, bà dì quý mến ạ, ở đây có gì đó không ổn. Thú nhận đi, có phải mụ già đã ký giấy sang tên căn hộ này cho dì rồi hay không?
– Giả sử bà ấy có muốn làm điều đó, tao cũng không bao giờ chấp nhận. Bao giờ Chúa rước bà ấy về thiên đàng, anh em chúng mày tự mà chia nhau căn nhà này.
– Nghe này, dì Irina. Tôi đã giải thích rồi. Con Lida đã có đủ cả: nhà cửa, xe cộ, chồng con. Còn tôi thì hoàn toàn tay trắng. Vì thế tôi mới cần đến căn nhà này. Dì ráng giúp sang tên căn hộ này cho tôi đi. Giúp đi, dì Irina, nói với bà già một tiếng. Tôi sẽ chung chi đầy đủ cho dì. Dì cần bao nhiêu?
– Tao không cần gì hết!!! – bà Irina phải cố lắm mới khỏi bật khóc.
– Dì trở nên giàu có từ bao giờ thế? – Boris cười mỉa.
– Mày nghĩ cứ phải có tiền mới là giàu sao?
– Ôi dào, thôi đủ rồi, – gã cháu mất dạy phẩy tay,
– đạo lý mị dân vừa vừa thôi bà dì ạ.
Boris dốc hết rượu trong chai ra ly, uống cạn rồi bước ra phía cửa, mặc áo khoác vào. Vừa xoay nắm đấm cửa, hắn vừa quay lại nói:
– Thôi được rồi, mọi chuyện tính sau. Nhưng làm gì thì làm cũng đừng quên lời đề nghị của tôi