Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

16



Không biết do cái “lễ hội hóa trang” của hai cô bé hàng xóm hay do tuổi già của tôi đang xồng xộc đến, hay do tôi xem tivi nhiều quá đỗi, dạo gần đây, tôi thường nằm mơ thấy những giấc mơ hết sức kỳ quặc. Thật khốn khổ với những giấc mơ như thế. Các bạn cứ thử tự suy xem nhé.
 
Một lần, tôi mơ thấy chó từ khắp nơi trên thế giới kéo về dự Đại hội chó toàn cầu! Mọi chuyện chẳng khác gì ở loài người: hội trường rộng thênh thang, những chùm đèn rực rỡ treo lủng lẳng dưới trần nhà, sân khấu, bục diễn thuyết, chủ tịch đoàn, chủ tọa, micrô… Phóng viên quay phim, nhiếp ảnh, truyền hình… chạy tới chạy lui tất bật. Đám phóng viên quả là ở đâu cũng thế: xô đẩy, chen lấn, cãi vã nhau nhặng xị. Tôi nhìn thấy rất rõ cảnh tượng sau: một phóng viên lông xù nâng cao máy ảnh quá đầu cố lách qua đám đông đồng nghiệp, bị một bà nhà báo lông đốm mập ù nhe răng mắng cho xơi xơi:
 
– Chen lấn kiểu gì thế, đồ chó đực trơ trẽn? Rõ không biết xấu hổ! Ngủ quên, đến trễ thì liệu mà đứng đằng sau nhá.
 
– Chẳng việc gì đến bà! – Phóng viên lông xù rít lên.
 
– Đúng rồi, có việc gì đâu, – nữ nhà báo lông đốm mỉa mai, – chỉ có mỗi một việc chen ngang thôi mà.
 
– Điên vừa thôi, – gã xù nói át đi. – Ở đây làm gì có hàng lối gì mà chen.
 
– Ngang ngược vừa vừa chứ.
 
– Im đi!
 
Bà nhà báo đốm nhe nanh, gừ mấy tiếng thật to, chực lao vào ăn thua đủ.
 
– Ấy ấy, các vị làm gì thế? – Một đại biểu trung niên thuộc giống bulldog vội chen vào can ngăn. – Nhường nhịn nhau một chút có được không? Ở đây chúng ta đều là chó trí thức cả, lẽ nào lại làm như vậy?
 
Đúng lúc ấy, trong không gian vang lên một bản nhạc hào hùng theo nhịp van-xơ, tôi đoán rằng đó là bản cẩu ca quốc tế. Tất cả chó trong hội trường đều đứng dậy, rên ư ử trong cuống họng, cố hòa theo giai điệu của bản cẩu thiều. Một lá cờ được kéo lên, trên nền cờ sặc sỡ có thêu biểu tượng hai khúc xương bắt chéo. Nhạc dứt, một tràng pháo tay vang dội nổi lên, chủ tọa, một con chó bernar râu lông bạc phơ (có lẽ vì đã quá già) bước lên lễ đài.
 
– Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa quý ông, quý bà quan khách! – Vị chủ tọa cất lời. – Tôi xin chào mừng tất cả quý vị đại biểu về dự Đại hội Liên đoàn chó quốc tế lần thứ nhất. Hôm nay, chúng ta tề tựu về đây để bàn bạc, thông qua “Tuyên ngôn toàn cầu về quyền của chó” và thành lập một tổ chức quốc tế nhằm theo dõi, giám sát việc thực thi, tuân thủ nghiêm ngặt quyền này tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Sở dĩ chúng ta phải tiến hành thực hiện việc này là vì loài người đã đánh mất lương tâm trong những hành động, hành vi đối xử với loài chó. Chúng ta không thể chịu đựng nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa, sự lộng hành quá đáng của những bạn bè hai chân. Sự bạc đãi, ngược đãi, thái độ coi thường của con người đối với quyền làm chó chính là động thái gây hấn đáng lên án, đánh vào lương tâm của toàn thể loài chó trên toàn thế giới. Chúng ta nhất quyết phải thiết lập cho mình một thế giới tự do vô điều kiện, một thế giới mà trong đó, mỗi một thành viên chó, không loại trừ bất cứ cá thể nào, đều có quyền tự do sủa, tru, rên, gừ… các kiểu. Toàn thể chó trên Trái đất này đều phải được tự do, không phải sợ sệt hay lệ thuộc vào bất cứ điều gì!!!
 
Cả hội trường như bùng nổ bởi những tràng pháo tay, những tiếng hò reo phấn khích, những giọng tru đủ mọi âm sắc. Chờ cho tiếng ồn lắng bớt xuống, vị chủ tọa nói tiếp:
 
– Tất cả chó sinh ra đều phải được hưởng quyền tự do, bình đẳng. Chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như lòng gan dạ dũng cảm, đức tính trung thực, chân thành, đặc biệt là sự trung thành tuyệt đối. Vì thế, chúng ta xứng đáng là những tấm gương sáng cho loài người noi theo.
 
Cả hội trường lại vỗ tay, reo hò phấn khích.
 
– Mỗi một cá thể chó cần phải được hưởng tự do và tất cả những quyền của chó được nêu trong bản Tuyên ngôn của chúng ta, không phân biệt chủng loại, giống nòi, màu lông và độ dài của lông, nguồn gốc gia đình, xã hội, tài sản và những tình trạng khác. Ngoài ra, cũng không được phân biệt hệ thống chính trị, luật pháp và uy tín quốc tế của những quốc gia và vùng lãnh thổ mà chúng ta sinh sống; chúng ta phải được đối xử công bằng, không lệ thuộc vào việc quốc gia ấy, vùng lãnh thổ ấy là độc lập hay phụ thuộc, tự trị hay có một số hạn chế nhất định nào đó về mặt chủ quyền. Tiếp theo: mỗi cá thể chó có quyền được sống, quyền được hưởng tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị xích cổ hay bị nhốt trong chuồng. Dây xích, đai cổ và hành vi mua bán chó phải bị cấm triệt để, dưới mọi hình thức. Không một cá thể chó nào phải chịu sự đối xử bất công, tàn bạo, sự hành hạ, đánh đập, trừng phạt, vân vân.
 
Từ bên dưới vang lên một tràng tiếng sủa vô cùng hào hứng. Rồi tất cả đại biểu nhảy cẫng lên khỏi chỗ ngồi, đập chân lên mặt bàn như đánh trống, hò reo cổ vũ, ngưỡng mộ tinh thần bất khuất quật cường của bài diễn văn khai mạc. Một chị chó nhỏ con ngồi cạnh tôi rơm rớm nước mắt, thốt lên:
 
– Ôi, thật là hạnh phúc vô bờ. Kể từ nay, cuộc đời bắt đầu tươi sáng! – Rồi chị ấy quay sang tôi, gạt nước mắt, bắt đầu tố khổ: – Thưa ngài đại biểu Labrador kính mến, ngài biết không, người ta đã dìm chết ba lứa con của tôi rồi… Tôi đã van xin ông chủ đừng làm thế, nhưng ngài tưởng ông ấy nghe lời tôi sao? Đó là những con người độc ác, tàn nhẫn, vô nhân đạo. Ngài nghĩ sao, sau đại hội này liệu sẽ có hay không một sự thay đổi tích cực nào đó trong cuộc đời loài chó chúng ta?
 
– Tôi cũng không biết nữa, – tôi thành thực thú nhận.
 
– Thời gian sẽ trả lời. Rất khó tranh đấu với loài người, dù chỉ để được hưởng quyền làm chó một cách bình thường, đúng nghĩa. Xét về chuyện đấu tranh, con người rất mạnh.
 
– Thì chúng ta cũng đâu phải loài yếu hèn, nhu nhược? Chúng ta mạnh mẽ và có đầy dũng khí! – Chị chó nọ nói với vẻ tự hào chân thực và để minh chứng cho lời mình, chị ấy sủa một tiếng rõ to, giòn giã.
 
Tôi nghía chị chó từ đầu đến đuôi và suýt bật cười: chỉ bằng cái nắm tay mà bày đặt sức mạnh với chẳng dũng khí! Nhưng rất may là tôi kìm được. Bỗng đâu một phóng viên lông quăn tít xách máy ảnh tiến đến gần, xin phép được chụp ảnh hai chúng tôi. Tôi đồng ý ngay, còn nữ đại biểu nọ không hiểu sao lại vẫy đuôi dè dặt. Trong khi phóng viên đang giương máy ảnh lên, chỉnh độ nét, ánh sáng… chị chó nọ lẳng lặng chuồn đi đâu mất. “Hừm, – tôi nghĩ bụng, – mạnh mẽ và đầy dũng khí gớm nhỉ!”. Nhưng khi phóng viên chụp ảnh tôi xong, vừa đi khỏi thì chị nọ lại trở về chỗ cũ của mình.
 
– Sao chị lại bỏ đi đâu mất thế? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
 
– Ôi, thưa ngài Labrador, ngài không biết đấy thôi, tôi không dám mạo hiểm, – chị chó vẫy đuôi với vẻ ngại ngùng. – Tôi định sủa để phản đối tay phóng viên, thứ ấy hễ thấy chị em ở đâu là bu đến chụp hình. Nhưng vấn đề không ở chỗ đó. Quan trọng nhất là tôi không muốn hình mình lên báo. Chẳng phải do khiêm tốn, căn bản là tôi không muốn ông chủ nhìn thấy tôi trên mặt báo. Nếu biết được chuyện tôi tham dự đại hội này, ông ấy chắc chắn sẽ tống cổ tôi ra đường. Thế là xong.
 
– Á à… Thì ra là thế. Luận chứng nặng ký quá nhỉ, – tôi không giấu ý mỉa mai.
 
– Gâu, gâu, – chị chó ngốc tỏ ra đồng tình với tôi mới lạ chứ. – Xin ngài hiểu cho…
 
– Tôi hiểu, tôi hiểu, – tôi gật gù. – Tôi hiểu hết mà…
 
Lúc đó, một con chó lông xám bước lên bục diễn đàn. Trông hắn giống sói hơn là giống chó. Thì ra đó là một gã chó lai sói.
 
– Thưa các bạn, – hắn nói. – Nếu thực sự muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần lẫn vật chất, chúng ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật. Tôi thực lòng lấy làm tiếc là hôm nay ở đây không có lấy một đại biểu nào của chó sói và chó hoang…
 
Cả hội trường bỗng trở nên xôn xao, nhốn nháo. Nào sủa, nào tru, nào gầm gừ, gào rú. Tất cả đều nhao nhao tỏ thái độ bất bình, phản đối. Một đại biểu nào đó gào to: “Nói nhảm gì thế? Ngài còn muốn mời chó sói và chó rừng tham dự đại hội của chúng ta sao?”. Tình trạng lộn xộn mỗi lúc một gia tăng. Đâu đó ở khoảng giữa hội trường còn diễn ra cảnh các đại biểu với những ý kiến trái ngược nhau lao vào nhau cào cấu, đấm đá, cắn sủa loạn xạ. Vị chủ tọa phải gõ gõ vào micro, yêu cầu cử tọa vãn hồi trật tự:
 
– Hãy bình tĩnh! Xin quý vị hãy giữ bình tĩnh. Chúng ta đang nói về quyền tự do, sao quý vị lại không muốn nghe ý kiến của diễn giả? Như thế là không công bằng. Chúng ta hãy lắng nghe tất cả các bản tham luận. Nếu cảm thấy ý kiến nào đó có trái tai nghịch nhĩ đi nữa thì cũng nên kiên nhẫn lắng nghe. Xin đừng biến không gian
 
đại hội thành cái chợ. Nếu không, con người biết được sẽ cười cho, và mọi chuyện sẽ lại như xưa, chúng ta không thể nào cải thiện được thân phận của mình đâu.
 
Cử tọa đành miễn cưỡng để cho vị đại biểu lai sói phát biểu tiếp, nhưng vẫn tỏ thái độ coi thường ý kiến ấy. Khắp nơi xì xầm bàn tán, chê bai, thậm chí thỉnh thoảng còn có tiếng gầm gừ phản đối.
 
Tiếp theo, một con chó to lớn thuộc nòi chó giữ nhà của Mỹ bước lên diễn đàn, ngay lời đầu tiên đã lên án loài người về tội ăn cắp và gian dối:
 
– Thưa quý vị! Nếu những kẻ bịp bợm hai chân ấy không ăn cắp, bớt xén trong khâu sản xuất thức ăn chế biến sẵn dành cho chó, hẳn chúng ta được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ngon và bổ gấp đôi, thậm chí gấp ba so với hiện nay.
 
Cử tọa sôi nổi hẳn lên. Đâu đó vang lên những lời hưởng ứng: “Đúng đấy!”, hay “Đả đảo thói gian dối, bịp bợm!”. Vị đại biểu của nước Mỹ phấn khích nhìn bao quát toàn thể cử tọa rồi nói tiếp:
 
– Chúng ta không được phép thỏa hiệp. Chúng ta chịu đựng tình trạng này như thế là đã quá đủ. Nếu những kẻ lừa đảo, bịp bợm nọ vẫn tiếp tục làm ăn gian dối, chúng ta sẽ cắn cổ!
 
Vị chủ tọa lập tức nâng micro lên, nhắc nhở diễn giả:
 
– Quý đại biểu kính mến, xin ngài cân nhắc hơn một chút trong lời ăn tiếng nói. Xin đừng quên rằng người ta có thể nghe thấy…
 
– Người ta nghe thấy thì đã sao nào? – Đại biểu Mỹ tỏ vẻ không hài lòng. – Mặc cho họ nghe thấy! Chúng ta chẳng việc gì phải sợ. Ở đây, tại đại hội này, quyền lực nằm trong tay ai? Trong tay chúng ta hay trong tay họ? Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để truất ngôi con người khỏi vị thế xưa nay của họ và bắt họ phải làm việc cho chúng ta, phục vụ chúng ta. Loài người đã bóc lột chúng ta suốt hai chục ngàn năm nay rồi. Cuối cùng, chúng ta nhất quyết phải chấm dứt kiếp nô lệ của mình!!!
 
– Nhưng dù sao cũng nên phát biểu có chừng mực, không nên quá hung hăng, nếu không, tôi sẽ ngắt micro của quý ngài, – vị chủ tọa khuyến cáo.
 
– Vậy thì bây giờ chúng ta lấy ý kiến của cử tọa, – vị khách Mỹ chưa chịu nhân nhượng. – Thưa toàn thể quý vị đại biểu, chúng ta sẽ đuổi con người ra khỏi các văn phòng của họ. Được hay không được?
 
– Được! – Một vài ý kiến vang lên lẻ tẻ, không lấy gì làm tự tin cho lắm.
 
– Tôi nghe không rõ, – vị đại biểu Mỹ gào lên. – Được hay không được?
 
– Được, được! – Lần này có to hơn, nhiều hơn một tí.
 
– Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi! – Diễn giả kết thúc rồi bước về chỗ ngồi của mình.
 
Vị chủ tọa chỉ định một chị chó kiểng lên phát biểu.
 
– Thưa các đồng loại quý mến, – chị ta rít lên. – Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của diễn giả vừa rồi, nhưng xin bổ sung một số ý. Có một điều thô thiển không thể chấp
 
nhận được, đó là con người không cho phép chúng ta dạo chơi ở bất cứ nơi nào chúng ta thích. Như thế mà gọi là công bằng được sao? Tại sao chuyện gì chúng ta cũng nhất nhất phải xin phép những sinh vật đi bằng hai chân? Thiên nhiên này, thế giới tự nhiên này là của chúng ta, và chúng ta có quyền lựa chọn nơi dạo chơi, nơi sinh sống. Tôi muốn chúng ta được tự do tuyệt đối. Xin cho tôi một tràng pháo tay ủng hộ!
 
Nhưng đâu đó chỉ vang lên một vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Không khí trầm hẳn xuống. Không đợi mời, một con chó bẹc-giê giống Đức bước lên diễn đàn.
 
– Thưa quý vị đại biểu kính mến! Tôi có cảm tưởng rằng chúng ta đã đi quá xa giới hạn cho phép, tạo ra một thứ ảo tưởng phi thực tế. Chúng ta đang bàn về thứ tự do nào đây? Hãy ngừng bay trên mây xanh và bình tĩnh đáp xuống mặt đất đi thôi. Các vị muốn có tự do ư? Tốt thôi. Các vị sẽ có tự do. Giả dụ, ngay ngày mai, chủ của các vị sẽ nói: “Này, chó cưng, ngươi được tự do, muốn sống thế nào thì sống, Chúa ở bên ngoài ngạch cửa ấy, ra đó với ông ấy đi, đừng bao giờ đòi ta cho ăn cho uống hay tắm rửa, thay thảm lót lưng gì nữa”. Rồi thì quý vị sẽ làm gì với cái khát vọng tự do đã đạt được ấy của mình? Các vị có nghĩ đến điều đó không?
 
Không khí lại sôi động hẳn lên. Có nhiều tiếng xì xầm bất bình.
 
– Xin quý vị hãy bình tâm, – đại biểu bẹc-giê từ Đức tới vội tự chỉnh. – Tôi không phản đối việc tôn trọng quyền làm chó. Tôi cũng phản đối tình trạng đối xử tàn nhẫn với giống loài chúng ta. Nhưng nếu nói về sự tự do tuyệt đối dành cho chúng ta, tôi e rằng quá sớm.
 
Một đại biểu nào đó đứng dậy tại chỗ, gào to:
 
– Đó là một sự khiêu khích, thậm chí gây hấn! Hãy đuổi diễn giả này xuống khỏi diễn đàn! Hắn dám chống lại tự do. Tự do muôn năm! Chúng ta cần được tự do tuyệt đối! Tự do không có bất cứ giới hạn nào! Gâu – gâu – gâu!!!
 
Vị chủ tọa một lần nữa phải cố gắng lập lại trật tự và tuyên bố:
 
– Kính thưa quý vị đại biểu! Tôi xin tuyên bố: đại hội bước sang phần giải lao. Chúng ta sẽ trở lại thảo luận tiếp các vấn đề của chương trình nghị sự sau… vài ngày nữa. Giống như ở bao đại hội trên Trái đất này, tiếp theo đây sẽ là chương trình văn hóa-văn nghệ-vui chơi- giải trí. Hôm nay, một sân khấu đặc biệt hoành tráng sẽ trình diễn vở nhạc kịch ba-lê dựa trên bài trường thi bất hủ “Đài phun nước Bakhchisaray” của đại thi hào Nga Alexander Sergeevich Pushkin.
 
– Hoan hô!!! Gâu, gâu, gâu!!! Hoan hô!!! Gâu, gâu, gâu!!! – Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô, tiếng sủa vang dội khắp hội trường. Ồn đến mức tôi… giật mình thức giấc và ngơ ngác nhìn quanh mất một lúc vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
Khiếp thật, mơ chi mà mơ lạ mơ lùng. Chắc điên được mất. Có lẽ phải giảm bớt thời lượng xem tivi đi thôi, nếu không sẽ thường xuyên gặp ác mộng trong đêm…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.