Có một tin vui! Ở đây, tôi bắt đầu có “bạn gái”. Thời gian đầu, cô bạn không dám đi vào khuôn viên trường mẫu giáo, chỉ đứng từ xa nhìn tôi. Bạn ấy ngồi ở đằng sau hàng rào nhìn vào. Là một con chó dẫn đường chuyên nghiệp, đương nhiên tôi cố làm ra vẻ không để ý gì tới cô nàng. Nhưng cô chó này tỏ ra khá kiên nhẫn, cứ đến đó mỗi ngày. Cuối cùng tôi cũng nhớ ra rằng giờ đây tôi chỉ làm công việc canh gác bình thường chứ không phải chó dẫn đường, thế là một tối, tôi men ra hàng rào, chào hỏi cô chó lạ. Các bạn không thể hình dung nổi cô ta mừng đến thế nào – nhảy bật lên, vẫy đuôi lia lịa, chạy đến sát hàng rào và liếm mũi tôi. Tôi hơi nhăn mày trước cách làm quen đường đột như thế, nhưng cũng mời cô chó vào chơi. Cô nàng thuộc hạng nhỏ con nên dễ dàng chui qua khe hở của hàng rào.
– Tớ tên là Trison! – Tôi tự giới thiệu.
Cô chó bối rối cúi mặt nhìn xuống rồi trả lời khe khẽ:
– Còn tớ thì không có tên.
– Vậy cậu là chó ho…, xin lỗi, tớ muốn nói, cậu là chó không nhà, đúng không? – Tôi hỏi và bỗng dưng cảm thấy ngạc nhiên, vì trông bề ngoài, cô nàng có vẻ cũng được chăm sóc khá tốt.
– Cũng không hẳn thế, – cô chó trả lời. – Tớ sống cách đây không xa, chỗ bãi xe.
– Thế ở đó có người không? – Tôi hỏi.
– Người thì có đầy, – cô chó nói. – Đó là một bãi đậu xe hơi rất lớn. Mỗi chiếc xe đều có một người chủ.
– Vậy họ gọi cậu bằng tên gì? – Lúc đầu, tôi cứ tưởng cô bạn nói đùa.
– Chẳng bằng tên gì cả, – cô bạn mới quen trả lời. – Họ chỉ gọi tớ một cách đơn giản là chó. Thỉnh thoảng họ ném cho tớ thứ thức ăn gì đó rồi bảo: “Ê, ăn đi chó!”. Vậy cũng đáng để cảm ơn họ rồi.
– Vậy rồi cậu ngủ ở đâu? – Tôi không khỏi ngạc nhiên.
– Tớ ngủ dưới gầm xe hơi. – Cô chó tên Chó trả lời.
– Mùa đông, nhân viên bãi xe có cho tớ vào nằm trong buồng bảo vệ, nhưng chỉ ban đêm thôi. Cậu thấy không,
– cô chó nọ quay nghiêng đầu qua một bên – một tai của tớ bị cụt mất một khúc. Ấy là do lần nọ lạnh quá nên bị cóng rồi hoại tử và rụng mất. Trong số các nhân viên bảo vệ có một người rất tốt bụng tên là Matveevich, ông ấy đã chữa cái vành tai bị hoại tử của tớ. Ông Matveevich bôi thuốc lên chỗ loét, lấy băng băng lại thật kỹ, quấn tròn quanh đầu tớ. Lúc đó trông tớ cứ như xác ướp Ai Cập, ai trông thấy cũng cười hô hố. Từ đó, cứ mỗi mùa đông đến tớ đều được vào sưởi ấm trong phòng bảo vệ. Thỉnh thoảng họ cũng cho tớ ăn. Thế còn cậu, tại sao cậu ở đây?
– Bỗng dưng Chó hỏi.
– Cũng tình cờ thôi, – tôi trả lời. – Ông già bảo vệ mời tớ tới đây. Thế là tớ giúp ông cụ canh gác ngôi trường này.
– Trước đây cậu cũng từng làm công việc canh gác à?
– Cô chó hỏi.
– Ồ không, nói chung tớ không phải chó canh gác, mà là chó dẫn đường
– Chó dẫn đường là gì? – Cô bạn ngạc nhiên.
– Nói ra dài dòng lắm, – tôi muốn lảng tránh đề tài này, nhưng cuối cùng cũng cố gắng giải thích ngắn gọn: – Đó là công việc giúp người mù đi lại dễ dàng hơn, chẳng hạn đi đến cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, hay chỉ đơn giản là đi dạo. Đại loại thế.
– Tớ hiểu rồi, hiểu rồi, – cô chó nhỏ reo lên, – tớ biết chủng loại ấy. Có một chàng trai vẫn thường đến bãi xe cùng với một đồng nghiệp của cậu. Con chó ấy rất to khỏe, nhưng không cùng giống với cậu. Cậu thuộc giống gì? Labrador có phải không?
– Cậu đoán đúng rồi đấy, – tôi trả lời. – Nhưng bất cứ chó nào cũng có thể làm chó dẫn đường. Vấn đề là…
– Vậy tớ cũng có thể làm được sao? – Cô bạn vội cắt ngang.
– Tớ không biết trả lời ra sao với cậu. – Tôi thậm chí hơi lúng túng. – Mọi chuyện phụ thuộc vào năng lực. Như tớ chẳng hạn, tớ từng tốt nghiệp trường chuyên đào tạo chó dẫn đường. Công việc này không đơn giản. Phải có tinh thần trách nhiệm rất cao…
– Tớ cũng rất có trách nhiệm, – cô chó nói. – Cậu nghĩ sao, tớ có thể làm chó dẫn đường được không?
– Cậu hơi nhỏ con. – Tôi trả lời. – Làm sao có thể đeo băng đai cho cậu được? Công việc này đòi hỏi phải mang trên mình rất nhiều thứ đồ nghề chuyên dụng khá cồng kềnh, vì thế trường đào tạo chó dẫn đường không nhận những học viên nhỏ con.
– Tiếc nhỉ. – Cô bạn thở dài.
Tôi không muốn làm cho cô bạn buồn lòng nên quyết định nói cho cô ấy biết rằng ngay cả chó nòi cũng phải qua sự chọn lựa rất kỹ mới được nhận vào trường để đào tạo thành chó dẫn đường. Mặc dù tôi biết có không ít trường hợp chó hoang vẫn có thể trở thành những con chó dẫn đường rất giỏi.
Tôi với cô bạn mới quen chuyện trò say sưa đến nỗi không nhận thấy ông cụ Valery Anatolievich đang đi đến gần.
– Ô, Trikha, – ông cụ cười vang. – Ông thấy con có bạn rồi nhé.
Ơ kìa, ông ơi, ghét ông ghê cơ, sao lại gọi tên con như vậy? Trước mặt chị em mà sao ông chẳng giữ ý gì cho con cả thế? Gọi con là “Trikha”! Hứ! Ông mới là “Trikha” đấy!
Vừa nhìn thấy ông cụ chủ của tôi, cô chó nhỏ vội lủi ra ngoài hàng rào.
– Cứ ở đây, ở đây đi, – cụ Valery Anatolievich gọi với theo. – Đừng sợ, ông không làm gì đâu. Một khi Trison không đuổi đánh cháu thì ông làm sao có thể giận gì cháu cơ chứ.
Ôi, cảm ơn ông cụ Valery Anatolievich, bây giờ thì con kính nể ông rồi đấy. Chứ hồi nãy, khi ông gọi con là “Trikha” ấy hả…
Đến hôm sau, cô bạn của tôi đã có tên. Không hiểu sao ông cụ của tôi lại gọi cô ấy là Mariana. Cụ hỏi tôi:
– Sao, Mariana của con đâu rồi? Nó không tới nữa à?
– U-u! – Tôi trả lời.
– Con hãy bảo với nó là đừng đến vào ban ngày, khi ở đây có bọn trẻ. Nếu không, tai họa không lường được đâu đấy. Người ta sẽ đuổi cả ông cháu mình lẫn Mariana của con thì khốn. Hiểu chứ?
– Gâu! – Tôi trả lời.
Chẳng cần cụ cảnh báo tôi cũng thừa hiểu điều đó. Buổi tối, tôi báo cho cô bạn biết là từ nay cô ấy đã có tên. Cô chó rất thích cái tên mới được đặt.
– Ông cụ của cậu đặt cho tớ cái tên đẹp thật đấy. – Cô bạn nói. – Cậu có thích cái tên ấy không?
– Không đến nỗi nào. – Tôi tỏ vẻ đồng tình. – Nhưng tớ không sao hiểu nổi tại sao từ hồi nào tới giờ mấy ông bảo vệ bãi xe lại không chịu đặt tên cho cậu.
– Tớ cũng không biết nữa. – Mariana nói. – Rất có thể “Chó” cũng là cái tên được đặt cho tớ. Mọi người đều gọi tớ như thế.
– Không ổn. – Tôi lắc đầu. – Nếu thế thì chẳng khác gì gọi một người nào đó bằng tên “Người”. Nghe phi lý thế nào ấy.
– Ôi, thôi, vậy cũng được đi. – Mariana chép miệng. – Bây giờ cậu kể tớ nghe công việc trước đây của cậu đi. Tớ tò mò muốn biết…
Ôi, các bạn biết rồi đấy, về công việc trước đây của mình, tôi có thể kể thâu đêm suốt sáng. Tóm lại, tôi đánh bạn với một cô chó nhỏ. Cụ Valery Anatolievich thậm chí còn cho cô bạn của tôi ăn. Bản thân tôi thỉnh thoảng cũng chia cho cô ấy vài miếng từ phần ăn của mình. Cô bạn nhỏ của tôi tốt thật đấy. Tôi rất vui khi trò chuyện cùng Mariana mỗi tối. Và bản thân tôi cũng học được nhiều điều từ cô bạn nhỏ.
Các bạn hình dung nổi không, Mariana có thể nhận dạng tất cả các mác xe hơi. Có một chiếc xe nào đó chạy ngang qua bên ngoài hàng rào, Mariana liền nói với vẻ sành sõi:
– Một chiếc Audi.
Chiếc khác chạy qua, Mariana lập tức cung cấp thông tin:
– Một con xe tã. Chiếc “Matxcơvich” cũ mèm này vẫn thường đậu ở bãi của tớ đấy.
Mariana kể tôi nghe lần nọ ở bãi xe có một chiếc xe bị đánh cắp.
– Cậu biết không, Trison, buổi sáng hôm ấy ở bãi xe xảy chuyện động trời, khiếp lên được! Người từ đâu không biết kéo tới rất đông. Họ la hét, chửi rủa rồi xúm vào đánh một nhân viên bảo vệ trẻ của bãi xe. Sợ quá, tớ lủi vào trốn dưới gầm một chiếc xe nào đó, không dám thò mũi ra, vì trong những trường hợp như vậy, rất dễ rơi vào tình cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết chẹt”,
mệt lắm. Một lúc sau, những chiếc xe có đèn nháy trên nóc chạy tới. Cậu đã bao giờ thấy loại xe đó chưa?
– Tất nhiên là thấy nhiều lần rồi, – tôi trả lời. – Tớ đâu phải cư dân sa mạc.
– Thế rồi sau đó mọi chuyện được làm sáng tỏ. – Cô bạn chuyên gia xe hơi của tôi nói. – Thì ra, vụ đánh cắp xe hơi do chính gã nhân viên bảo vệ nọ tổ chức, cái gã mà bị ông chủ chiếc xe nện cho nhừ tử ấy…
– Khoan, nghe này, – tôi ngắt lời. – Thế khi bọn trộm đánh cắp xe hơi, cậu ở đâu?
– Thì ở trong bãi xe chứ ở đâu?
– Chẳng lẽ cậu không sủa lên để đánh động khi có người lạ đi vào bãi xe để ăn cắp sao?
– Tớ chỉ sủa khi không có mặt nhân viên bảo vệ. Nhưng tớ đã nói với cậu rồi, trong vụ này, chính nhân viên bảo vệ tiếp tay cho bọn trộm. Chúng đi đi lại lại mấy vòng trong bãi xe rồi hai tên trộm ngồi vào một chiếc xe, nổ máy lái ra cổng. Làm sao tớ có thể sủa khi mà chính tay gã bảo vệ mở cổng cho chúng chạy ra?
– Thế rồi hắn che giấu tội lỗi của mình như thế nào?
– Ôi, rất khéo! Bọn chúng rất ranh ma. Gã bảo vệ nọ sau đó tự trói mình lại rồi vu lên là bị bọn cướp tấn công.
– Ma mãnh đến thế cơ à? – Tôi ngạc nhiên.
– Chứ còn gì nữa! – Mariana đồng tình. – Con người ta rất ưa lừa dối nhau. Khi thì ăn cắp xe, khi thì móc đèn pha, thậm chí còn tháo cả bánh xe của xe người khác để lấy trộm. Cậu hỏi tớ có sủa hay không ư? Cậu không biết chứ có lần tớ suýt bị bắn chết đấy.
– Ghê quá vậy! – Tôi giật mình kêu lên. – Tại sao?
– Hai tên trộm chui qua hàng rào bãi xe. Tớ thấy nhân viên bảo vệ chẳng hề hay biết, vẫn ngồi yên trong phòng trực. Tớ nghĩ chắc ông ấy đang ngủ gật. Thế là tớ nhắm vào các vị khách không mời mà sủa. Một trong hai tên trộm rút súng ngắn ra, chĩa vào tớ, bóp cò. Suốt hai ngày sau đó, nước mắt tớ lúc nào cũng tuôn ra như suối. Ông bảo vệ nói là bọn trộm đã bắn tớ bằng đạn cay.
– Ôi, tội nghiệp cậu thật đấy. – Tôi thực sự đồng cảm với cô bạn nhỏ. – Cậu sống ở đó chẳng khác gì phải chiến đấu ngoài mặt trận.
– Cậu tưởng ở đó mọi chuyện đơn giản lắm sao? – Cô bạn hãnh diện trả lời.
Thường thì cứ gần sáng là Mariana trở về bãi xe, chiều tối mới đến chơi với tôi. Tôi thường hỏi bạn ấy: “Hôm nay người ta có cho bạn ăn gì không?”. Cũng có những buổi tối Mariana không tới. Theo những gì được nghe từ Mariana, tôi hiểu rằng hôm đó cô bạn của tôi được cho phép vào ngủ trong phòng bảo vệ – nghĩa là được cho ăn uống đầy đủ và không phải chịu đựng sương giá ngoài trời.
Vào những buổi tối như thế, tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi rất cần có bạn gái. Bỗng cảm thấy có một nỗi buồn trĩu nặng trong lòng.
Gâu, gâu! Hỏng quá! Tôi quên nói các bạn nghe điều quan trọng nhất. Nghe xong, hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên chẳng kém gì tôi. Khi được biết điều này, tôi thậm chí còn không tin. Bây giờ tôi “bật mí” nhé. Thì ra, trường mẫu giáo của chúng tôi có tên “Cầu vồng”! Các bạn tưởng tượng được không? Đúng là chẳng trốn đâu cho thoát cầu vồng…
Nhưng các bạn cũng biết đấy, cầu vồng không phải lúc nào cũng sáng tươi, đẹp xinh rực rỡ. Có một lần… Nhưng thôi, chuyện ấy tôi xin kể ở chương sau.