Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký - Tập 2

3



Các bạn có muốn tôi tiết lộ một điều bí mật không? Với danh phận chó dẫn đường, tôi đã phải tiếp xúc với rất nhiều người – trên phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng, hiệu thuốc tây, trong công viên, những khi đi dạo. Các bạn có biết tôi xác định người trước mặt mình là người tốt hay không tốt bằng cách nào không? Tôi nhìn người ấy và nghĩ bụng: người này có thể làm chó dẫn đường được không? Nếu xét thấy người ấy có năng lực làm chó dẫn đường, có nghĩa đó không phải là người không tốt. Ở trường đào tạo chó dẫn đường, người ta chọn lọc chó con rất kỹ. Nòi quý, giống tốt, cha mẹ tinh khôn cũng chưa nói lên được điều gì. Không phải bất kỳ chú chó con nào, kể cả những con cùng một mẹ, đều có thể được chọn để đào tạo thành chó dẫn đường. Phức tạp lắm chứ đâu phải chuyện chơi!
 
Có một điều đã rõ: ở người không có sự chọn lọc gắt gao như vậy. Nếu bị đưa ra chọn lựa như thế, hẳn các bạn sẽ bị tổn thương ghê gớm và cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Nhưng theo tôi, chính vì lẽ đó mà ở loài người các bạn mới có chuyện tréo ngoe là người khéo tay làm bánh thì lại đi đóng giày, còn người lẽ ra sẽ trở thành một thợ giày tài ba thì lại làm việc ở lò bánh. Ở loài chó chúng tôi không có chuyện đó đâu nhé. Một khi đã là chó giữ nhà hay chó vệ sĩ thì chớ có mà lấn sân sang lĩnh vực của chó dẫn đường, nếu không bạn sẽ dẫn người mù đi lung tung rồi lạc mất lối về, hối không kịp đâu đấy. Nhưng mong rằng các bạn người sẽ không giận tôi. Được chứ? Rất có thể là tôi nhầm. Ấy là vì tôi luận giải sự đời theo lối tư duy của chó. Có thể vì thế mà từng có trường hợp có người nhận xét rằng tôi là một con chó kỳ cục. Chẳng sao cả, tôi không hề tự ái. Tôi chưa từng tốt nghiệp các trường đại học của loài người. Mọi chuyện tôi đều phải tự trải nghiệm, chiêm nghiệm lấy. Vì vậy, nếu có sai lầm trong đánh giá, nhận định âu cũng là chuyện thường tình.
 
Tôi xin phép các bạn được nhắc lại đôi chút về gia đình Krivosheevy, vì nếu cứ chỉ kể về cuộc sống của tôi ở nhà bà Polina Foteevna thì buồn chết đi được. Nào, bây giờ chúng ta cùng trở lại với bà Anna. Chắc các bạn muốn biết chi tiết, cụ thể? Tôi sẽ kể về bà ấy và về nỗi đau của bà ấy, chẳng là mãi đến 38 tuổi, bà Anna mới bị mù. Trước đó, theo như mọi người kể lại, bà rất tinh mắt. Thực ra, kể cả khi đã bị mù, thỉnh thoảng bà vẫn đi dự những buổi tiệc tùng hay gặp gỡ xã giao long trọng. Những lần như thế, tôi không được đi theo, vì đã có chồng bà, ông Konstantin Alexandrovich, giúp bà. Nhưng các bạn biết không, tôi không hề tự ái. Bởi vì tôi còn có nhiệm vụ khác chẳng kém phần quan trọng – ở nhà trông nom cô bé Masha. Quả thực, giả dụ có được đi đến những cuộc họp mặt hay tiệc tùng ấy thì ở đó, tôi cũng chẳng có việc gì mà làm. Những buổi “tiệc” mà tôi được tham dự đang chờ tôi phía trước – sống với bà Polina Foteevna, tôi từng phải chịu đựng những “bữa tiệc” kinh hoàng, có thể nói là nhớ đời.
 
Hồi tôi mới về sống với bà Anna, có lần bà nói chuyện điện thoại với ai đó có bật loa và tôi nghe được nội dung cuộc đàm thoại. Người kia mời bà Anna tới dự tiệc và đề nghị mang tôi theo cùng. Nhưng bà Anna từ chối lời đề nghị này. Bà nói:
 
– Không được, không được đâu bạn ơi. Trison sẽ quẩn chân hoặc làm cho khách khứa của bạn sợ hãi thì phiền lắm đấy.
 
Thú thực, lúc đó tôi hơi buồn lòng, tự ái. Tôi mà làm cho mọi người sợ hãi ư? Tôi biết cách hành xử, giao tiếp với mọi người lắm chứ. Lẽ nào tôi lại cứ sán vào chân khách khứa, cắn họ hay sục mõm vào đĩa thức ăn của họ? Tôi được dạy dỗ đàng hoàng và là một con chó ngoan. Khi người được tôi bảo bọc chuyện trò với ai đó, tôi sẽ nằm xuống bên cạnh, chợp mắt một chút để lấy sức. Thỉnh thoảng tôi hé một mắt ra, quan sát tình hình, nếu thấy ổn thì ngủ tiếp. Còn tai tôi thì luôn luôn trực chiến, kể cả khi tôi đang ngủ.
 
Nhưng dần dần rồi tôi hiểu ra bà Anna ngụ ý gì trong câu từ chối nói trên. Vấn đề thế này. Số là nhiều người chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy chó dẫn đường. Có thể có người đã nghe loáng thoáng ở đâu đó về chủng loại chó này. Nhưng khi chạm mặt thì có thể nảy sinh những mối băn khoăn, lo lắng, chẳng hạn: ở đây toàn những người sang trọng, toàn các quý ông, quý bà, giày mũ, quần áo đắt tiền, vậy mà lại có một người mù dắt chó tới. Chẳng việc gì phải giấu giếm – ở nước Nga chúng ta, lối suy nghĩ như vậy rất phổ biến. Còn ở nước ngoài thì sao? Lần nọ, xem tivi, tôi thấy có một đại hội gì đó diễn ra ở một thành phố Tây Âu, đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới. Các bạn biết điều gì làm tôi ngạc nhiên không? Trong số các đại biểu có cả những người khiếm thị đi cùng với những con chó dẫn đường của mình. Tôi không thấy có ai trong số những đại biểu sáng mắt tỏ ra khó chịu hay ngạc nhiên gì cả. Hình như đối với xã hội phương Tây, chuyện ấy hoàn toàn bình thường.
 
Hãy nói thật lòng đi, các bạn có thể hình dung được là ở nước ta, tại… tại kỳ họp quốc hội chẳng hạn, mà có đại biểu mù có chó dẫn đường theo cùng? Riêng tôi thì không cách nào hình dung được. Giả dụ có chuyện đó đi nữa, tôi dám chắc rằng việc chạy cho được giấy phép cũng phải mất hàng nửa năm! Dù sao thì ở nước ta, chó dẫn đường vẫn còn là chuyện gì đó rất kỳ khôi, lạ lẫm. Chó dẫn đường ở nước ta còn hiếm lắm. Rất hiếm. Phải chi cái sự hiếm này là do ở nước ta có quá ít người mù. Nhưng khốn nỗi, nước ta có rất nhiều người khiếm thị, mà chó dẫn đường thì hiếm còn hơn cả lá… mùa đông! Còn có một điều này nữa tôi cũng không thể nào hiểu nổi: người mù nhiều như thế mà chẳng lẽ trong số họ không ai có thể chung vai gánh vác quốc gia đại sự cùng các đại biểu khác trong quốc hội? Một lần, tôi nghe qua đài phát thanh rằng thái độ ứng xử đối với trẻ em và người khuyết tật là một trong những thước đo đạo lý và sức mạnh tinh thần của một dân tộc. Trẻ em thì đã đành đi, vì cho tham gia quốc hội là hơi sớm. Nhưng còn người khuyết tật thì sao? Gâu gâu! Ơ, mà cũng xin nói rằng nhà văn Arghentina Jorge Luis Borges sau khi bị mù vẫn được cử làm giám đốc Thư viện quốc gia. Bỗng dưng tôi muốn biết, ở nước Nga của chúng ta có được bao nhiêu giám đốc khiếm thị?
 
Tôi xin tiếp tục.
 
Khi tôi về sống ở nhà bà Anna, bà đã bốn mươi hai tuổi. Nếu không được cho biết về tuổi của bà ấy, hẳn tôi sẽ không bao giờ tin được rằng bà ấy đã ngần ấy tuổi. Một người bạn gái của bà Anna là Vika, sống ở Piter(*), thường đến thăm chúng tôi. Tôi thậm chí còn nhớ cả họ của bà Vika. Có thể tôi sẽ không bao giờ biết được họ của bà ấy, nhưng không hiểu sao ông Konstantin Alexandrovich vẫn thường thông báo với cả nhà: “Vika Berezovskaja đến thăm chúng ta!”. Thực ra, bà Vika không chỉ là một người bạn của gia đình, mà còn là mẹ đỡ đầu của Masha. Một người phụ nữ xinh đẹp, có nhiều nét quyến rũ và luôn luôn mỉm cười – có lẽ bà ấy rất hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi rất thích những người hay cười. Thật đáng tiếc, loài chó chúng tôi không bao giờ biết cười.
 
(*) Tên gọi tắt của thành phố Saint Peterburg – ND
 
Hẳn các bạn còn nhớ, tôi đã kể với các bạn là tôi từng cố thử tìm cách nói tiếng người, dù chỉ một vài từ. Vô vọng. Sau thất bại đó, tôi bí mật tìm cách mỉm cười. Tôi nghĩ rằng, một khi tôi không thể phát âm được tiếng người thì ít ra cũng phải cố mà tập cười. Thế rồi tôi đưa mặt mình tới trước gương, nhưng thử đủ mọi cách vẫn chẳng ăn thua gì. Suýt nữa thì trẹo cả xương hàm. Tôi nhìn vào mình trong gương và ra lệnh cho mình: nào, cười đi! Không có cách nào mà tôi không làm thử – nào le lưỡi ra, nào ngoác rộng mõm như con cá sấu, rồi thì nhăn mũi, nhíu mày, trợn mắt, thậm chí vẫy mạnh hai tai. Tôi suýt bị trật khớp hàm khi cố gắng mỉm cười. Vậy mà rồi bất chấp mọi nỗ lực nhằm thể hiện một khuôn mặt rạng rỡ, kết quả thu được chỉ là bộ mặt của một con quái vật xấu xí và hung dữ. Đến một lúc nào đó, tôi thậm chí bắt đầu lo: hay ho gì cơ chứ, nếu mọi người nhìn thấy cái bộ mặt thấy gớm này, họ có thể nghĩ gì về mình? Một con chó với “nụ cười” như vậy trên mặt thì chắc chắn phải đưa ngay đến bác sĩ thú y. Người ta chích cho đủ các loại thuốc rồi thì nằm đó mà cười nhé. Tóm lại, tôi quyết định từ bỏ chuyện tập cười. Một khi Tạo hóa đã không ban cho bạn khả năng mỉm cười thì hãy cứ sống với bộ mặt nhăn như bị của mình.
 
Tôi nhớ, có lần, bà Vika vuốt ve bàn tay bà Anna và nói:
 
– Anna, hãy “bật mí” đi: làm cách nào mà ở tuổi 42, bạn vẫn giữ được những nét đẹp diệu kỳ như thế?
 
– Ôi, Vika, bạn đừng an ủi tôi làm gì nữa. U-50 rồi, còn đẹp cái nỗi gì…
 
– Đừng nói thế, đừng nói thế, – bà Vika mỉm cười, – các cô nàng ba mươi tuổi còn phải ganh tị chán với bạn đấy.
 
Phải chi bà Vika đừng khơi gợi chuyện này ra. Bà Anna thở dài khá não nề rồi nói:
 
– Cho dù là có như vậy đi nữa thì giờ đây, những nét đẹp ấy liệu còn cần cho ai nữa? Kiểu gì thì tôi cũng chẳng bao giờ còn nhìn thấy mình. Việc gặp gỡ, giao tiếp với mọi người cũng ngày một thưa dần. Chỉ còn biết ngồi đợi tuổi già, và sau đó là về cõi vĩnh hằng…
 
– Ôi, Anna, bạn nói gì thế! – Bà Vika cũng thở ra. – Mới 42 tuổi mà đã lo nghĩ về cái chết. Sao thế, bạn thân mến của tôi?
 
– Tất cả chúng ta trước sau gì rồi cũng về cõi ấy, – bà Anna trả lời.
 
– Đã đành là như vậy, – bà Vika dịu giọng, – nhưng việc gì cứ phải lo đưa tang mình sớm thế?
 
– Tôi cũng không biết nữa, Vika ạ – bà Anna trả lời, – chuyện ấy chỉ một mình Thiên Chúa biết. Trước đây, liệu có bao giờ tôi nghĩ rằng ở tuổi này tôi sẽ trở thành người khuyết tật, mà lại là người khiếm thị? Vậy mà rồi chuyện gì đã xảy ra thì bạn cũng đã thấy đấy.
 
– Bớt phiền não chút đi nào, Anna. Đừng dằn vặt mình quá như thế. Biết đâu mọi chuyện rồi sẽ tốt lành. Bạn có một người chồng tuyệt vời. Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi bạn trong hoạn nạn. Đừng suy nghĩ về cái chết, bạn còn phải nuôi dạy Masha thành người. Hãy vững tâm mà sống, bạn ạ. Không ai lo nghĩ điều gì tệ hại có thể xảy ra.
 
– Thôi được rồi, – bà Anna ngắt lời, – quả thực là chúng ta bỗng dưng chọn lấy một chủ đề u ám. Nào, bây giờ tôi sẽ đãi bạn một món trà đặc biệt. Bố chồng tôi mang đâu từ nước ngoài về và mới gửi tặng…
 
Trước khi một người bị mù đột ngột, thường là có một số bất hạnh khủng khiếp xảy ra với người đó. Bà Anna và bà Polina từng phải chịu đựng những nỗi bất hạnh như thế.
 
Vào cái ngày định mệnh ấy, bà Anna cùng chồng và con gái đến nhà người quen dự sinh nhật. Nhà của người quen ở trên tầng bốn. Bữa tiệc rất vui, khách khứa không nhiều, chỉ có những người bạn thân nhất của chủ nhà. Theo lời vợ chồng chủ nhà, sống trong căn hộ hàng xóm sát vách của họ là một gia đình rất quái. Trong nhà họ luôn xảy ra những chuyện kỳ quặc – khi thì quên đóng vòi nước khiến nước chảy tràn lung tung, khi thì xảy cháy, khi thì đồ đạc loảng xoảng suốt đêm. Mọi người xung quanh đã tìm mọi cách để can thiệp nhưng đều bó tay. Cảnh sát khu vực cũng từng phải đến làm việc, trao đổi, góp ý với chủ nhà, nhưng sau đó chỉ yên được vài ba ngày rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.
 
Gia đình người bạn của vợ chồng bà Anna dự định chuyển sang khu vực khác sinh sống. Nhưng không kịp. Buổi tối hôm ấy, trong căn hộ nhà hàng xóm xảy ra vụ nổ bình ga. Kết quả điều tra cho biết, khi xảy ra vụ việc, chủ căn hộ không có mặt ở nhà – khi đi ra khỏi nhà, họ quên khóa bình ga. Sức nổ mạnh đến nỗi căn hộ của gia đình người bạn vợ chồng bà Anna cũng bị phá banh. Một người trong số khách khứa bị chết, tất cả những người còn lại đều bị thương. Chỉ riêng Masha (con của bà Anna) là không hề hấn gì, vì ở thời điểm xảy ra vụ nổ, cô bé đang ở trong căn phòng xa nhất. Nhưng Masha hoảng sợ đến mức cấm khẩu suốt hai tuần sau đó. Ông Konstantin Flexandrovich bị đa chấn thương, phải nằm viện mất mấy tháng. Còn bà Anna thì bị mù vĩnh viễn…
 
Tôi không biết giờ đây những người hàng xóm từng gây thảm họa ấy sống thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều – họ sẽ bị dằn vặt suốt đời vì tội lỗi mà họ gây ra, không bao giờ quên được. Lúc đầu, bà Anna Ygorevna chỉ muốn chết đi cho yên hết mọi bề, nhưng bạn bè thân thiết, bà con ruột thịt và chồng con đã tìm mọi cách cứu chữa và sau đó động viên, an ủi bà, giúp bà trở lại với cuộc sống bình thường.
 
Người bị mù đột ngột thường hay nghĩ rằng thôi, đời mình thế là coi như chấm dứt, sống thêm nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng rồi họ sẽ quen dần với tình trạng và hoàn cảnh của mình, bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn không phải về bản thân mình mà về những người thân yêu nhất và về định mệnh, về chỗ đứng của mình trong cõi đời này. Có một lần, tôi nghe bà Anna tâm sự với bà bạn thân của mình.
 
– Vika ạ, tôi đã hiểu ra và chấp nhận, – người phụ nữ đáng thương nói khẽ, – rằng giờ đây mình sẽ phải làm gì. Rõ ràng là Thiên Chúa đã buộc tôi phải trả giá cho hai người thân yêu nhất của tôi, đó là Masha, con gái tôi, và Konstantin, chồng tôi. Thà tôi bị mù còn hơn là phải sớm tiễn chồng con về nơi chín suối. Giờ thì tôi đã thích nghi được với hoàn cảnh của mình rồi. Tôi làm việc, viết lách…
 
– Bạn thật tuyệt. – Bà Vika phấn khích nói. – Chúng tôi luôn yêu quý bạn, không bao giờ bỏ rơi bạn trong cơn hoạn nạn.
 
– Chính điều đó đã giúp cho tôi có thêm sức mạnh, – bà Anna mỉm cười, – có những người bạn như thế bên mình, ta luôn có thể vượt qua hoạn nạn. Vika, bạn có biết tôi đã mơ thấy gì không? Ồ, tôi mơ thấy mình đi dạo một mình trong rừng, chơi bóng chuyền, thậm chí thỉnh thoảng còn lái xe hơi. Mới đây, tôi còn mơ thấy mình đi xem phim trong rạp. Tôi nhìn lên màn ảnh và nghĩ bụng: Chúa ơi, làm sao tôi có thể nhìn thấy cảnh phim cơ chứ? Tôi là người mù cơ mà. Từ trên màn ảnh, một bác sĩ nào đó trả lời: “Chúng tôi đã chữa lành mắt cho bà rồi, thưa bà Anna Ygorevna!”. Tôi không tin. Tôi lấy tay bịt mắt mình lại rồi thét lên: “Không, không, không phải thế! Đó chỉ là giấc mơ mà thôi!”. Nhưng vị bác sĩ nọ vẫn quyết thuyết phục: “Không phải là mơ, là thật mà!”. Dù sao thì tôi vẫn không tin ông ấy. Và bạn có biết điều gì khiến tôi kinh ngạc nhất trong giấc mơ ấy không? Đó là dù tôi đã dùng tay bịt mắt lại nhưng vẫn trông thấy mọi chuyện xung quanh như thường. Tôi tỉnh giấc và suy nghĩ rất lung, rằng những chuyện trong mơ liệu có ý nghĩa gì?
 
– Ồ, đúng là một giấc mơ khác thường, kỳ lạ, – bà Vika biểu đồng tình.
 
– Vika, bạn biết không, – Anna Ygorevna nói tiếp, – thỉnh thoảng trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ rằng đối với con người, thị lực chưa phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất – đó là tình yêu cuộc sống. Con người có thể nhìn bằng trái tim. Tôi thường nhớ đến những con người vĩ đại, chẳng hạn như Homer, Losev, Ostrovsky, Borges, nghĩa là các nhà toán học, triết học, các nhà văn, nhạc sĩ, điêu khắc gia… Giờ đây nào có mấy ai biết đến bệnh tật hay khiếm khuyết thể chất của họ. Nhưng cho đến ngày nay, người ta vẫn nhớ đến những tác phẩm, những công trình của họ, nhớ đến sức mạnh tinh thần, đến tài năng của những con người vĩ đại ấy. Xin hãy lấy Louis Braille làm một ví dụ điển hình. Kiểu chữ nổi dành cho người mù mà ông sáng tạo ra vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay. Ông bị mù từ bé, nhưng đã sáng tạo nên một công trình vĩ đại đến nhường nào! Cả thế giới này hiện vẫn đang phải dùng đến công trình sáng tạo của ông. Phải rồi, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chớ bao giờ buông xuôi với số phận. Cần phải sống và làm việc để sáng tạo nên những điều kỳ diệu. Hơn nữa, giờ đây tôi đã có đầy đủ mọi điều kiện để thực hiện điều đó. Vậy đó, bạn ạ, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại trên đường đời và rồi mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp.
 
Quả đúng như vậy, bà Anna Ygorevna kính mến. Đúng như ông cụ Ivan Savelievich thường nói, sự mù lòa không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời mà là sự mở đầu cho một chặng đời mới trinh nguyên, ngập tràn những điều bất ngờ kỳ diệu. Ông già thật có lý. Chớ bao giờ cho phép mình đầu hàng số phận.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.